Tổ Sư thiền là loại thiền được các Tổ
Sư, Thiền Sư sáng lập, như các phái thiền Lâm Tế, Tào Động…Trung Quốc, có
tính chất đặc thù, mang theo sắc thái văn hóa tư tưởng của địa phương.
Theo nguồn tư liệu Thiền học
Trung quốc cho rằng, Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) là người mang Thiền từ Ấn
Độ truyền đến Trung Quốc, nhưng mãi cho đến Tổ thứ sáu là Huệ Năng (CN
638-713) thì thiền phái mới bắt đầu được người dân Trung Quốc chú ý đến,
có nghĩa là Thiền học Ấn độ phải trải qua giai đoạn bản địa hóa – đem cái
phong cách thiền Ấn độ chuyển thành Thiền Trung Quốc mang đâm nét văn hóa
bản địa. Đó là lý do tại sao ngũ Tổ Hoằng Nhẫn (CN 602-675) không chọn
Thần Tú (CN 605-706)mà chọn Huệ Năng làm người được truyền tâm ấn thành Tổ
thứ 6.
Cũng từ đó thiền học Trung Quốc
bắt đầu phát triển, nó có một thời gian dài rất thịnh hành và trở thành
một loại văn hóa đặc thù của Phật giáoTrung quốc, trở thành một bộ phận
văn hóa không thể thiếu của nước này. Nói chung Thiền đã thật sự đóng góp
tích cực cho sự phát triển Phật giáo Trung Quốc. Ngoài ra, các nước Phật
giáo như Việt Nam, Nhật Bản, Đại Hàn… là những nước dù ít hay nhiều chịu
ảnh hưởng tư tưởng Thiền học của Phật giáo Trung Quốc.
Tác phẩm “Zen Flesh – Zen Bones”
của Paul Reps, vốn là tác phẩm bằng Anh ngữ, được Bác Sĩ Cư sĩ Trần Trúc
Lâm dịch sang Việt ngữ, là một tác phẩm ghi lại 101 câu chuyện về thiền ở
Trung Hoa và Nhật Bản. Dĩ nhiên nội dung tác phẩm này không chỉ là những
câu chuyện thiền ở Trung Quốc, còn là những câu chuyện thiền ở Nhật Bản.
Có thế nói, cả hai nền văn hóa Phật giáo Thiền Trung Nhật được thể hiện
trong tác phẩm này, nếu chúng ta không muốn nói đến một loại văn hóa khác
nữa là Paul Reps với tư duy của người người Tây Phương sử dụng English
viết về Thiền học của hai nước, nay lại thêm một loại văn hóa nữa là dịch
bản bằng Việt ngữ mà chúng ta đang cầm trên tay, tất nhiên không ít thì
nhiều, trong đó cũng mang văn hóa Việt, qua phong cách dịch của Bác sĩ
Trần Trúc Lâm.
Qua bản dịch Việt ngữ, nội dung
tác phẩm khá hay, không một câu chuyện nào lại không hấp dẫn người đọc,
những mẫu đối thoại tưởng chừng như vô nghĩa, nhưng nghiền ngẫm trong ấy
mang ý nghĩa khá sâu sắc, hàm chứa tư tưởng ‘vô ngã’ ‘không chấp’ của Phật
giáo Đại thừa, mang theo phong cách tư tưởng ‘tự do’ ‘phóng khoáng’ của
Lão Trang, gói gém ý tứ thâm trầm tế nhị mang đậm nét văn hóa Nhật Bản, và
tính trình bày minh mạch rõ ràng của người Tây phương. Bên cạnh đó, chúng
ta không thể không đề cập tài dịch thuật điêu luyện của Bá sĩ Trần Trúc
Lâm, đã chuyển ngữ một cách rấ tài tình, người đọc không có cảm giác ngập
ngừng bỡ ngỡ, không ai tưởng đang đọc một dịch phẩm. Thiết nghĩ, Bác sĩ
không chỉ là người chuyên môn dịch thuật còn là người rất am hiểu về thiền
học.
Tôi rất hân hạnh được dịch giả
nhờ đọc lại bản dịch và viết lời giới thiệu. Thú thật giữa tôi và Bác sĩ
Trần Trúc Lâm chỉ biết nhau qua Internet chưa đầy 2 tháng. Nhân duyên là
cách đây 2 tháng, tôi đọc bài: “Đại Đế Asoka Maurya và Những Pháp Dụ Khác
Trên Đá”, được đăng tải trên trang website: www. Quangduc.com. Nhận thấy
nội dung và cách trình bày bài viết khá nghiêm túc, phù họp công việc học
thuật. Tôi chủ động viết mail cho tác giả và đề nghị Bác sĩ nên xuất bản
những bài nghiên cứu của mình, nhằm phổ biến rộng rãi, làm tài liệu cho
người Việt thích nghiên cứu Phật học ở trong cũng như ngoài nước. Kết quả
tác giả rất đồng tình với tôi về quan điểm này.
Trước mắt Bác sĩ gởi cho tôi,
bản dịch Việt ngữ của tác phẩm “Zen Flesh – Zen Bones” của Paul Reps. Tôi
đã đọc qua, cho rằng là một tác phẩm có giá trị về mặt văn hóa tư tưởng
của Thiền học. Đồng thời nó có nội dung tư tưởng phù hợp với niềm tin và
tình cảm của Phật tử người Việt nam. Tác phẩm này, không những là món ăn
tinh thần cho Phật tử người Việt nam, mà còn đóng góp cho kho tàng văn hóa
Phật giáo Việt nam ngày càng phong phú hơn.
Do vậy, tôi rất hân hạnh và vui
sướng, xin trân trọng giới thiệu dịch phẩm này đến độc giả người Việt
trong cũng như ngoài nước. Tôi tin rằng là một tác phẩm bổ ích cho việc
tìm hiểu thiền học Trung Quốc và Nhật Bản.
Taipei ngày 27 tháng 6 năm
2007
Thích Hạnh Bình
Xem sách