06/09/2013 22:11 (GMT+7)
Số lượt xem: 1035
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Vô thường, phụ thuộc vào sự biến đổi, là tính chất của các pháp hữu vi. Hãy tinh tấn”. Đó chính là lời nhắc nhở cuối cùng của Đức Phật Cồ-đàm đối với hàng đệ tử của Ngài.


Su that vo thuong


Và khi Đức Phật  đã nhập  Niết-bàn, Trời Đế Thích than rằng:

“Các hành là vô thường, Có sanh phải có diệt. Ðã sanh, chúng phải diệt, Nhiếp chúng là an lạc” (Kinh Ðại bát Niết-bàn, Kinh Trường Bộ số 16).

Đến tận ngày nay, tại mỗi đám tang của người Phật tử ở những xứ theo Phật giáo Nguyên thủy, chính bài kệ nói trên vẫnđượctụngđọcbằngtiếngPalibởinhữngvịsưchủtrìtang lễ, để nhắc nhở cộng đoàn về bản chất phù du của cuộc đời. Trong những xứ Phật giáo, người ta thường thấy các Phật tử cúng hoa và đèn dầu trước tượng Đức Phật. Chẳng phải  là họ đang cầu nguyện đến Đức Phật hay bất kỳ một“đấng chí tôn” nào. Hoa sẽ tàn và ngọn đèn sẽ lụi, nhắc cho họ về sự vô thường của mọi sự mọi vật vốn do duyên sinh.

Từ Vô thường đơn sơ và giản dị này chính là cốt lõi của giáo lý của Đức Phật, đồng thời cũng là nền tảng cho hai đặc tính khác của sự hiện hữu, đó là Khổ Vô ngã.

Sự thật  về Vô thường  có nghĩa  là thực  tại không bao giờ tĩnh mà luôn luôn động; và điều đó đã được các nhà khoa học nhận thức là bản tính tự nhiên của thế giới, không ngoại lệ. Trong giáo pháp  về thực tại động  ấy, Đức Phật cung cấp cho chúng  ta một chiếc chìa khóa chủ để mở bất kỳ cánh cửa nào mà chúng ta muốn. Thế giới hiện đại cũng đang sử dụng cùng chiếc chìa khóa chủ đó, nhưng  chỉ dành  cho những  thành tựu vật chất, và đang mở ra hết cánh cửa này đến cánh cửa khác với những thành công kỳ diệu.

Sự thay đổi hay tính vô thường  là đặc tính cốt yếu của mọi sự tồn tại mang tính hiện tượng. Ta không thể nói về bất kỳ điều gì, hữu tình hay vô tình, hữu cơ hay vô cơ, rằng “điều này tồn tại lâu dài”, vì ngay khi chúng ta nói như vậy, điều đó đang chịu sự biến đổi. Mọi sự đều đang tan biến; nét đẹp của những bông hoa, giai điệu lảnh lót của những con chim, tiếng vù vù của loài ong, và sự rực rỡ của buổi chiều tà.

“Giả sử bạn đang ngắm cảnh hoàng hôn lộng lẫy. Cả một khoảnh trời ở phương Tây đang rực sáng với những sắc màu hồng sẫm; nhưng bạn cũng nhận biết rằng chỉ trong vòng nửa giờ đồng hồ nữa thôi, tất cả những sắc độ lộng lẫy ấy sẽ nhạt dần rồi trở thành xám xịt. Bạn thấy chúng đúng vào lúc chúng đang tan biến trước mắt mình, mặc dù đôi mắt của bạn không thể đặt trước mình cái kết luận mà lý trí của bạn vừa rút ra. Và kết luận đó là gì? Kết luận đó là ngay cả trong một khoảnh khắc ngắn nhất có thể được gọi tên hay nhận biết, bạn cũng không bao giờ thấy bất kỳ một màu sắc nào tồn tại trọn vẹn, bất kỳ một màu sắc nào đúng như nó đang là. Trong một phần triệu của một giây, toàn bộ sự huy hoàng của bầu trời được tô màu kia đã chịu hằng hà sa số những chuỗi biến đổi. Một sắc độ được thay thế bởi một sắc độ khác với một sự nhanh chóng thách thức mọi sự đo lường; nhưng vì đó là một tiến trình không có một sự đo lường nào có thể áp dụng được… lý trí từ chối đưa ra một sự nắm giữ bất kỳ một giai đoạn nào của cái cảnh tượng thoảng qua đó, hoặc tuyên bố rằng đó là như vậy; vì ngay trong cái vẻ tồn tại đó, nó đã không tồn tại; nó đã nhường chỗ cho một điều gì khác. Đó là một chuỗi những màu sắc thoảng qua mà không một màu sắc nào trong cái chuỗi đó tồn tại, vì mỗi màu sắc trong chuỗi đó lần lượt loại trừ lẫn nhau” Ferrier’s Lectures and Remains Quyển I, tr. 119, dẫn lại trong Sarva-dorsana-Sangraha, London, tr. 15.

Mọi sự vật cấu thành – nghĩa là tất cả những sự vật vốn phát  sinh như hệ quả của các nguyên  nhân, rồi đến lượt chúng  lại làm phát  sinh những  hệ quả khác – đều có thể được đúc kết trong một từ, từ đó là vô thường (anicca).  Vì vô thường  nên gây đau khổ và vì đau khổ nên là vô ngã.

Được ngụy trang, ba đặc tính này của cuộc đời phổ biến khắp thế gian cho đến khi một bậc Giác Ngộ chứng đắc thực tính của chúng. Chính là để tuyên thuyết về ba đặc tính này – và làm thế nào thông qua sự nhận thức triệt để về chúng, một con người đạt tới sự giải thoát của tâm trí – mà một vị Phật đã ra đời. Đó chính là điều cốt yếu nhất, là nội dung tổng quát nhất của giáo pháp của Đức Phật.

Mặc dù vô thường áp dụng cho mọi pháp hữu vi, mọi sự vật do duyên sinh, Đức Phật quan tâm hơn đến cái được gọi là chúng hữu tình; vì vấn đề là đối với con người chứ không phải là đối với các sự vật tĩnh tại. Giống như một nhà giải phẫu tách một cánh tay thành các mô rồi tách các mô thành những tế bào, Đức Phật, bậc Thế gian giải, đã phân tích cái được gọi là chúng sanh, sankhāra puñja, một tập hợp lộn xộn những tiến trình, thành ra năm khối kết  tập luôn luôn biến đổi mà nhà Phật gọi là năm uẩn, và làm rõ rằng chẳng có gì tồn tại mãi, chẳng có gì được bảo toàn vĩnh viễn, trong dòng chảy của các uẩn. Chúng là sắc (hình thái vật chất hay thân thể), thọ (hay cảm giác), tưởng (hay sự nhận biết), hành (các yếu tố tâm lý có năng lực thúc đẩy, như ý chí), và thức (hay nhận thức phân biệt).

Đức Giác Ngộ giải thích:

“Này các Tỳ-kheo, năm uẩn là vô thường; bất kỳ cái gì là vô thường, cái đó là khổ, (không thỏa mãn); bất kỳ cái gì là khổ, cái đó là không có ngã. Cái gì không có ngã, cái đó không phải là cái của tôi, cái đó không phải là tôi, cái đó không phải là tự ngã của tôi. Cái gì là vô ngã, cần phải được như thật quán với chánh trí tuệ (sammappaññāya). Người nào thấy bằng chánh trí tuệ, thấy chân thật như vậy, tâm người đó không còn chấp trước, được giải thoát khỏi nhiễm ô; người ấy được giải thoát” Kinh Tương Ưng Bộ (SN 22.45).

Bồ-tát Long Thọ (Nāgarjuna), nhắc lại ý trên của Đức Phật, nói, “Khi khái niệm ngã (ātman) không còn, thì khái niệm về ‘cái của tôi’ cũng mất đi và người đó đã giải thoát khỏi ý niệm về tôi và cái của tôi” (Trung Quán Luận Tụng. – Maadhyamika-Kaarikaa, xviii.2).

Đức Phật đưa ra năm ẩn dụ đầy ấn tượng để minh họa cho tính chất phù du của năm uẩn. Ngài so sánh sắc với đống bọt, thọ với bong bóng nước, tưởng với ráng mặt trời, hành với thân cây chuối (không có ruột cây, lõi gỗ), và thức với trò ảo thuật; và hỏi, Này các Tỳ-kheo, điều cốt lõi nào có thể có trong đống bọt, trong những bong bóng nước, trong ráng mặt trời, trong một thân cây chuối, trong một trò ảo thuật?”.

Đức Phật dạy tiếp:

“Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có sắc gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; vị Tỷ-kheo thấy sắc, chuyên chú, như lý quán sát sắc. Do vị Tỷ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát sắc, sắc ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong sắc được?”.

Đức Phật dạy với cùng thể cách ấy về những  uẩn còn lại và hỏi:

“Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong thọ, trong tưởng, trong hành, trong thức được?” — Kinh Tương Ưng Bộ, HT. Thích Minh Châu dịch.

Với sự phân tích về năm uẩn như vậy, một phạm vi tư tưởng tiến bộ hơn xuất hiện. Chính là ở giai đoạn này mà sự hiểu biết chân thật được gọi là tuệ giác hay minh sát tuệ (vipassaana) bắt đầu có tác dụng. Thông qua tuệ giác bởi sự minh sát này mà bản chất thực của năm uẩn được nắm bắt và được nhìn thấy dưới ánh sáng của Tam Pháp Ấn (tilakkhana): vô thường, khổ, và vô ngã.

Không chỉ năm uẩn mới là vô thường, khổ và vô ngã, mà nhân và duyên tạo thành năm uẩn cũng vô thường, khổ và vô ngã. Điểm này Đức Phật dạy rõ:

Sắc, thọ, tưởng, hành và thức, này các Tỷ-kheo, là vô thường. Cái gì là nhân, cái gì là duyên cho ngũ uẩn sanh  khởi; cái ấy cũng vô thường. Ngũ uẩn đã được cái vô thường làm cho sanh khởi, này các Tỷ-kheo, làm sao có thể thường được?

Sắc, thọ, tưởng, hành và thức, này các Tỷ-kheo, là khổ. Cái gì là nhân, cái gì là duyên cho ngũ uẩn sanh khởi; cái ấy cũng khổ. Ngũ uẩn đã được cái khổ làm cho sanh khởi, này các Tỷ- kheo, làm sao có thể vui thích hay thỏa mãn được?

Sắc, thọ, tưởng, hành và thức, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Cái gì là nhân, cái gì là duyên cho ngũ uẩn sanh khởi; cái ấy cũng vô ngã. Ngũ uẩn đã được cái vô ngã làm cho sanh khởi, này các Tỷ-kheo, làm sao có thể có ngã được?

Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Đa văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc, yếm ly đối với thọ, yếm ly đối với tưởng, yếm ly đối với các hành, yếm ly đối với thức. Do yếm ly, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: “Ta được giải thoát”. Vị ấy biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa” Kinh Tương Ưng 22.7-9, tóm tắt.

Khi sai lầm trong việc thấy được thực tánh của các pháp thì luôn luôn kiến giải của ta bị che mờ; với những nhận thức có được vì tiên kiến, vì tham sân, vì yêu ghét, ta không thể thấy được các cơ quan cảm giác và các đối tượng cảm giác theo đúng bản chất tương ứng và khách quan của chúng, vì thế ta đuổi theo ảo ảnh và những điều dối gạt. Cơ quan cảm giác lừa gạt và đánh lạc hướng ta cho nên ta không thể thấy được vạn sự vạn vật trong cái ánh sáng thật của chúng, đến nỗi cái cách nhận biết sự vật của ta trở nên điên đảo.

Đức Phật dạy về ba loại vọng tưởng điên đảo vẫn bám chặt tâm trí con người; đó là tưởng điên đảo, tâm điên đảo và kiến điên đảo. Khi bị vây bủa bởi những vọng tưởng này thì con người nhận thức, suy nghĩ, và thấy biết sai lầm. Anh ta tưởng cái vô thường là thường, cái khổ là vui, cái vô ngã là ngã, cái xấu xa là đẹp. Anh ta cũng suy nghĩ và thấy biết một cách sai lầm như thế. Như vậy, mỗi một vọng tưởng tác động theo bốn cách1  (đoạn Tưởng điên đảo trong Kinh Tăng Chi 4.49), dẫn con người đi lạc đường, làm mờ cái thấy của anh ta, và làm cho người ấy lúng túng. Đó là lỗi của việc tư duy không sáng suốt, của việc quán sát không có hệ thống. Chỉ có Chánh trí (hay Minh sát tuệ) mới diệt trừ những điên đảo này và giúp con người nhận thức được thực tánh nằm dưới mọi hiện tướng. Chỉ khi con người thoát ra khỏi đám mây của điên đảo và ảo tưởng ấy thì anh ta mới tỏa sáng với tuệ giác chân thật giống như như ánh trăng rằm hiện ra lấp lánh sau đám mây đen.

Các uẩn tạo thành tâm và thân của chúng sanh, mãi mãi lệ thuộc vào nhân và duyên như ta đã thấy ở trên, trải qua những khoảnh khắc nhanh chóng đến không thể nhận biết được của quá trình sinh khởi, tồn tại, và biến mất, chẳng khác những lượn sóng không ngừng của biển cả hay như một dòng sông trong cơn lũ tràn lên đến đỉnh điểm rồi rút mất. Quả thật, đời người được ví với con suối bắt nguồn từ núi chảy dồn xuống, thay đổi không ngừng, như một dòng chảy.

Heraclitus, triết gia nổi tiếng người Hy Lạp, là người Tây phương đầu tiên đã nói về bản chất dễ thay đổi của sự vật. Ông đã giảng về lý thuyết “mọi sự đều trôi chảy” (Panta Rhei) tại thành Athens, và người ta vẫn hồ nghi không biết có phải lý thuyết ấy đã từ Ấn Độ truyền đến cho ông hay chăng.

Heraclitus nói, “Không có bản chất tĩnh tại, không có nền tảng không thay đổi. Biến đổi, chuyển động, là chúa tể của vũ trụ. Mọi vật đều ở trạng thái đang trở thành, của dòng chảy liên tục”.

Ông tiếp, “Người ta không thể bước hai lần vào cùng một dòng sông; vì dòng nước mới luôn tuôn chảy dưới chân mình”. Tuy nhiên, một người đã hiểu được nguồn cội của Pháp còn đi xa hơn thế và nói, “Cùng một con người không thể bước hai lần vào cùng một dòng sông; vì cái gọi là con người kia chỉ là một dòng chảy của thân và tâm, không bao giờ giữ được sự giống hệt như nhau trong hai khoảnh khắc liên tiếp”.

Nay thì ta nên nhận biết rõ, cái thực thể, mà vì những mục tiêu thực tiễn khiến ta gọi là đàn ông, đàn bà, hay một cá nhân, chẳng phải là một cái gì tĩnh tại, mà là động, là ở trong một trạng thái của sự biến đổi thường hằng và liên tục. Nay, khi một người nhìn cuộc đời và tất cả những gì liên quan đến cuộc đời dưới ánh sáng chân lý này, và hiểu được một cách thấu đáo rằng cái được gọi là chúng sinh kia chỉ là một chuỗi tâm lý và sắc thân ngũ uẩn, người ấy thấy được mọi sự vật đúng như chúng đang thực là. Người ấy không còn giữ tà kiến về “niềm tin nhân cách”, niềm tin vào một linh hồn hay một bản ngã; vì qua Chánh trí người ấy biết rằng mọi sự tồn tại mang tính hiện tượng đều do duyên sinh, rằng mỗi sự vật đều phụ thuộc vào sự vật khác, và rằng sự tồn tại của sự vật ấy là có liên quan với điều kiện ấy. Kết quả, người ấy biết không hề có cái “Tôi”, không có một thực thể tâm linh tồn tại mãi, không có nguyên lý ngã, không có bản ngã hay bất kỳ thứ gì liên quan đến một bản ngã trong tiến trình của cuộc sống này. Như thế, người ấy được giải thoát khỏi ý niệm về một tiểu ngã hay đại ngã.

Nhờ thiền Minh sát tuệ, hành giả thấy được sự vật như chúng là, chứ không như chúng có vẻ là.Việc quán sát sự vật như chúng thực là, như ta đã bàn ở trước, bao gồm việc thấy được bản chất vô thường, khổ và vô ngã của tất cả những pháp hữu vi và pháp duyên sanh. Đối với một đệ tử thiền định như vậy của Đức Phật,“thế giới”này không phải là thế giới ngoại tại hay thế giới được biết do kinh nghiệm, nhưng là chính thân xác con người và ý thức của nó. Đó là thế giới của ngũ uẩn về sự bám chấp. Đó là cái thế giới mà hành giả cố để hiểu với tính cách vô thường, khổ, và không có ngã hay không có linh hồn. Đức Ph ật đã nói đến chính cái thế giới của thân và tâm này khi Ngài bảo Mogharaaja, “Này Mogharaaja, hãy luôn tỉnh giác, hãy quán sát thế giới này là trống không; từ bỏ được ý niệm về ngã thì một hành giả có thể vượt qua cái chết. Ma vương không thể thấy được người đã biết rõ thế giới như vậy” (Sutta Nipāta).

Nội dung tổng quát của triết học biến dịch được tuyên thuyết trong Phật giáo nói rằng mọi pháp hữu vi vốn hiện hữu do duyên sanh đều chỉ là tiến trình chứ không phải là một nhóm thực thể tồn tại chắc thật, nhưng sự biến đổi xảy ra trong sự nối tiếp nhanh  chóng đến nỗi con người cho rằng thân và tâm là những thực thể tĩnh tại. Con người không thấy được sự sinh khởi và sự tan rã của chúng, mà chỉ thấy chúng là một khối thống nhất, thấy chúng như một toàn bộ hay toàn thể.

Tất nhiên, thật là hết sức khó để con người, với những sự phóng chiếu của tâm thức, quen suy nghĩ liên tục về thân và tâm của chính họ và về ngoại giới như một toàn thể, như những đơn vị không thể tách rời, giũ bỏ được cái diện mạo giả dối của “tính toàn thể” đó. Bao lâu mà con người chưa thấy được mọi sự vật như các tiến trình, như những chuyển động, con người sẽ không bao giờ hiểu được lý thuyết vô ngã của Đức Phật. Đó là lý do khiến con người xấc xược và hấp tấp đặt câu hỏi, “Nếu như không có một thực thể cố định, không có quy luật không thay đổi, như ngã hay linh hồn, vậy thì cái gì trải nghiệm những kết quả của hành vi ở kiếp này và kiếp sau?”

Câu hỏi cháy bỏng  này được  hai bản  kinh khác nhau nói đến, một ở Trung Bộ 109 và một ở Tương ưng Bộ 22.82. Ngay khi Đức Phật vừa giải thích một cách tường tận cho đệ tử của Ngài về bản chất vô thường của năm uẩn, làm thế nào mà năm uẩn lại không có tự ngã, và làm thế nào mà những thái độ kiêu ngạo tiềm ẩn “Tôi là” và “của tôi” lại chấm dứt hiện hữu, thì đã khởi lên trong tâm của một Tỳ-kheo đang có mặt giữa hội chúng, rằng, “Sắc thân này không phải là ngã, cảm thọ không phải là ngã, tưởng không phải là ngã, hành không phải là ngã, thức không phải là ngã. Vậy thì cái ngã nào ảnh hưởng đến những hành vi vô ngã?”.

Đọc được suy nghĩ trong tâm của vị Tỳ-kheo ấy, Đức Phật nói, “Câu hỏi này không nêu đúng vấn đề”, và giải thích thêm để vị tu sĩ ấy hiểu đúng tính vô thường, khổ, vô ngã của năm uẩn.

“Thật là sai lầm khi nói rằng kẻ thực hiện hành vi là đồng với kẻ trải nghiệm kết quả của hành vi đó. Cũng thật là sai lầm khi nói rằng kẻ thực hiện hành vi với kẻ trải nghiệm kết quả của hành vi là hai người khác nhau”, vì một lý do đơn giản là điều mà chúng ta gọi là đời sống thực ra chỉ là một dòng chảy của tiến trình tâm – vật lý hay năng lượng, sanh diệt liên tục; không thể nói rằng chính kẻ thực hiện hành vi đang trải nghiệm kết quả, vì chính anh ta đang biến đổi trong từng khoảnh khắc của đời mình; nhưng cùng lúc, ta không được phép quên đi sự thật rằng sự tiếp nối của đời sống là sự tiếp tục của cảm thọ. Diễn trình của các sự kiện không hề mất đi; nó nối tiếp không có khoảng cách. Đứa trẻ không cùng là một như cậu thanh niên, cậu thanh niên không cùng là một như người trưởng thành, họ vừa không cùng là một người nhưng cũng không phải là những người khác nhau. Chỉ có một dòng chảy của những tiến trình thân và tâm.

Có ba bậc giáo thọ, bậc thứ nhất dạy rằng ngã hay cái tôi là thật có cả ở hiện tại lẫn tương lai (kiếp này và kiếp sau); bậc thứ hai dạy rằng ngã chỉ thật có trong kiếp này, mà không có trong kiếp sau; bậc thứ ba dạy rằng khái niệm về ngã là một sự huyễn ảo: ngã không thật có cả trong kiếp này lẫn ở kiếp sau.

Bậc thứ nhất là chấp thường (sassatavādi); bậc thứ hai là chấp đoạn (ucchedavādi); và bậc thứ ba chính là Đức Phật; Ngài đã dạy con đường trung đạo xa lánh hai cực đoan thường và đoạn. (Ở đây, trung đạo là thuyết duyên khởi hay thuyết nhân duyên – Paticca Samuppāda).

Mọi tôn giáo hữu thần đều dạy rằng sau khi chết, theo cách này hay cách khác, ngã vẫn tồn tại chứ không mất đi. Chủ nghĩa duy vật thì cho rằng ngã mất đi khi chết. Nhà Phật cho rằng không có ngã hoặc bất cứ cái gì chắc chắn hay trường cửu, mà mọi thứ đều do nhân duyên, lệ thuộc vào sự chuyển biến, chúng thay đổi và không giữ được sự giống nhau trong hai sát-na liên tiếp; chúng chỉ có tính liên tục chứ không có tính đồng nhất.

Bao lâu còn đắm đuối với ý niệm về cái ngã hay cái tôi trường cửu, con người sẽ không thể nhận thức được rằng mọi sự vật đều vô thường; rằng trong thực tại, có sự sinh diệt của mọi sự vật. Hiểu rõ về học thuyết vô thường, lý thuyết đặc thù của Phật giáo, là điều không thể thiếu được trong việc tìm hiểu giáo nghĩa Tứ Thánh đế và những giáo pháp cơ bản khác của Phật giáo.

Nhân loại trong thế giới ngày nay đều nhận thấy tính chuyển biến của cuộc đời. Tuy nhiên, họ không giữ được điều đó trong tâm để hành động với sự sáng suốt không thiên vị. Mặc dù bãi bể nương dâu lần này qua lần khác báo cho họ biết và khiến họ đau khổ, họ vẫn theo đuổi những sự nghiệp điên rồ của mình trong vòng quay của bánh xe luân hồi, bị quấn kẹp trong những chiếc căm đau đớn. Họ ấp ủ niềm tin rằng có thể khám phá một đường lối hạnh phúc ngay trong sự chuyển biến đó, tìm được một trung tâm an toàn trong cái vòng quay vô thường. Họ tưởng tượng rằng mặc dù thế giới là bất định, họ có thể làm cho thế giới ấy trở nên chắc chắn và mang lại cho nó một nền tảng cố định, và thế là cuộc tranh đấu không ngừng nghỉ cho việc cải thiện cuộc sống thế tục tiếp tục diễn tiến với những nỗ lực bền bỉ và nhiệt tình vô ích.

Lịch sử đã chứng minh nhiều lần và sẽ tiếp tục chứng minh rằng không có gì trong thế giới này là vĩnh cửu. Mọi sự vật được đeo bám để thất bại. Những quốc gia và các nền văn minh xuất hiện, nảy nở, rồi tàn phai như những đợt sóng trên đại dương; nhường chỗ cho cái mới; và cứ như thế, những cuộn giấy thời gian ghi nhận hoạt cảnh lịch sử trôi qua, tầm nhìn không có nền tảng, và dòng chảy nhạt nhòa, là lịch sử của nhân loại.

Chú thích:

1. Bốn tưởng điên đảo gồm: Vô thường nghĩ là thường, khổ nghĩ là lạc, vô ngã nghĩ là ngã, không thanh tịnh nghĩ là thanh tịnh (trang 412 Tăng Chi Bộ) „


 Thích Thiện Chánh dịch | Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo 142

Âm lịch

Ảnh đẹp