PHẬT GIÁO VÀ SỰ THỜ CÚNG.


Viết bởi Nhuận Phước - Nguyễn Nhất Thắng
26/08/2012 11:04 (GMT+7)
Số lượt xem: 123949
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Khi thấy Phật tử đến chùa lễ bái, hay những nhà sư đang kính cẩn nghiêng mình trước đài sen trong khung cảnh trang nghiêm, tịch mịch đầy trầm hương nghi ngút, chắc hẳn có người hỏi rằng: Phật tử có cầu nguyện hay không? Họ làm gì khi đến chùa? Và thái độ của người Phật tử ra sao đối với sự nguyện cầu?

Trước hết chúng ta phải biết cầu nguyện là gì? Đó là một danh từ có nhiều nghĩa. Trong các tôn giáo tin tưởng và thờ phụng Thượng Đế (mà họ tin là đấng tối cao, toàn năng, toàn thiện, toàn tri đã dựng nên thế gian và được coi là Đấng Tạo Hóa hay Thủy Tổ của muôn loài), cầu nguyện có nghĩa là thỉnh cầu ở nơi Ngài một sự chỉ đạo, hộ trì hoặc cầu xin Ngài ban cho sức khỏe, hạnh phúc, thịnh vượng, bình an và đôi khi xin Ngài tha thứ những tội lỗi đã vi phạm.

Chúng ta có thể nói ngay rằng, vì người Phật tử không tin tưởng nơi thần linh hay bất cứ một đấng quyền uy ban phúc giáng họa nào, nên cầu nguyện cũng không có ý nghĩa như trên. Mặt khác, Phật tử tin tưởng ở nghiệp lực theo đó hạnh phúc hay đau khổ đều là kết quả của hành động, lời nói, ý nghĩ mà mỗi cá nhân tạo ra có ý thức hay có chủ ý. Đó là một luật tự động vận hành chứ không do một ai hướng dẫn, sắp đặt hay an bài. Vì tự động vận chuyển theo một luật tắc nhất định nên nó không thể thiên vị, thương tình hay tội nghiệp mà tha thứ cho những ai vi phạm. Cũng theo luật này (nghiệp) tội lỗi không thể được tha thứ bởi một uy lực bên ngoài, mà chỉ được sửa sai bằng tâm hồi đầu hướng thiện. Bởi vì tội lỗi theo Phật giáo không phải gây ra do vi phạm hay bất tuân những quy định của một đấng quyền uy nào, mà chính vì tự mình hành động sai lầm qua thân, khẩu, ý đưa đến ô nhiễm, phiền não và khổ đau cho mình và người.

Như vậy trong Phật giáo không có cầu nguyện theo nghĩa cầu xin được ban ơn, xá tội, vì mỗi người phải chịu trách nhiệm với chính mình chứ không ai khác về những hành động tội, phước, lành, dữ do mình tạo ra. Thế thì người Phật tử làm gì khi đến chùa? Nếu là Phật tử chân chính chắc chắn họ không đến chùa chỉ để cầu nguyện gì đó cho mình.

Chúng ta hãy theo dõi những người Phật tử đến viếng chùa để xem họ hành động như thế nào và ý nghĩa hành động ấy ra sao. Trong Phật giáo không ai buộc Phật tử phải đến chùa vào một ngày nhất định, họ có thể đến lúc nào họ muốn, nhưng phần đông Phật tử đi chùa vào những ngày lễ sám hối, rằm và ba mươi, hoặc những ngày trai giới, vì phần lớn quần chúng thích tập thể hơn là đơn độc. Họ thường mặc áo trắng, lam hay nâu vì đó là những màu sắc tượng trưng cho tinh khiết, giản dị và khiêm nhường. Họ đem cả hương, đèn, trầm và hoa quả, kính cẩn đi vào chánh điện, nơi đó một tượng Phật uy nghi được tôn trí ở chỗ cao trọng nhất và thành kính dâng những lễ vật lên Đức Phật. Hình tượng tự nó không phải là vật thờ cúng mà chỉ là hình ảnh tượng trưng cho họ dễ tưởng niệm đến Đức Phật. Thực ra dù có hình tượng hay không họ cũng tôn thờ Đức Phật, hình tượng chỉ có tác dụng giúp họ dễ chú ý và định tâm hơn. Vì thế, tuy dùng hình tượng để thờ cúng nhưng người Phật tử không có thái độ như những tín đồ vật tổ giáo, thờ cúng những vật hay những biểu tượng mà họ cho là linh thiêng có thể chứng giám cho những lời cầu của họ. Nên đạo Phật không phải là tôn giáo chủ trương thờ cúng hình tượng như một số tôn giáo khác.

Một điểm đáng chú ý nữa là người Phật tử lễ bái tượng Phật không có nghĩa là họ tin rằng Đức Phật sau khi nhập diệt vẫn còn hiện diện trên thế gian, để thị hiện trong các pho tượng khiến cho các pho tượng này trở nên linh ứng có thể hộ trì cho những người lễ bái hay quở phạt những người bất tôn kính đối với Ngài. Hình tượng chỉ có thể nhắc nhở lại những hình ảnh sống động lúc Đức Phật còn tại thế, như lúc tham thiền nhập định, lúc thành đạo, lúc chuyển pháp luân, lúc nhập diệt v.v. khiến cho người Phật tử có cảm tưởng như Đức Từ Phụ đang hiện diện để sách tấn họ siêng năng tu tập. Cũng vì thế mà việc đắp tượng phải làm thế nào để diễn tả được những đức tính trí tuệ và từ bi... của Đức Phật, nếu không hình tượng có thể làm sai lạc trí tưởng tưởng của người sơ cơ.

Mặc dù Đức Phật đã nhập diệt nhưng đời sống và giáo pháp của Ngài vẫn còn có một ảnh hưởng lớn lao đối với nhân loại ngày nay, ảnh hưởng đó sống động và thực tế đến nỗi người Phật tử có cảm tưởng như Đức Phật còn tại thế, có người muốn biến cảm tưởng đó thành sự thật bằng cách cúng cả vật thực đến Đức Phật mặc dù họ thừa biết rằng Ngài không thọ dụng.

Linh động hóa như vậy rất hữu ích và người Phật tử càng vững tin và tinh tấn trên đường đạo, đồng thời sự thờ cúng càng tăng thêm ấm cúng và trang nghiêm. Đó là một cách để chứng tỏ rằng ảnh hưởng của Đức Phật đối với con người mọi thời vẫn mạnh mẽ không kém thời nguyên thủy.

Theo thông lệ, cúng dường đèn, hương, hoa quả là một hành động tỏ dấu kính trọng tôn thờ hay tri ân chứ thực ra những vật cúng dường ấy tự nó không có giá trị đặc biệt nào. Đi xa hơn những thông lệ ấy, người Phật tử có một thái độ sáng suốt hơn chỉ là thuần hành động thờ cúng. Như khi dâng hoa trước đài sen người Phật tử suy nghĩ đến chân tướng vô thường của vạn hữu qua bài kệ mà họ thường đọc:

Dâng hoa cúng đến Phật đà
Nguyện mau giải thoát sinh, già, khổ đau.
Hoa tươi nhưng sẽ úa sầu.
Tấm thân tứ đại tránh sao điêu tàn.

Bài kệ trên chứng tỏ người Phật tử khi dâng cúng hay tụng niệm không cầu xin được hộ trì hay ban phước, nhưng đến với Đức Phật như người đệ tử kính mến bậc đạo sư và nguyện theo gương Ngài để sớm thoát khỏi khổ ải trầm luân.

Chúng ta nên lưu ý đến sự khác biệt giữa thái độ của một tín đồ thờ thần linh và một người Phật tử khi họ cùng kính cẩn nghiêng mình trước giáo chủ của họ. Trong khi tín đồ thờ thần linh cầu xin được ban phước hay cứu rỗi, nghĩa là đời đời họ muốn làm nô lệ cho thần linh hay thượng đế của họ. Người Phật tử trái lại, kính cẩn tôn thờ Đức Phật chỉ vì Ngài là người đã đi trước, là người hướng đạo, chứ họ không muốn làm nô lệ Ngài. Họ cũng cố gắng để được giải thoát, được chứng ngộ Phật quả như Ngài. Vì vậy tuy tôn kính Đức Phật nhưng người Phật tử vẫn được quyền bình đẳng với Ngài trong lãnh vực giác ngộ.

Chúng ta hãy tạm lấy so sánh giữa chế độ dân chủ ngày nay và chế độ quân chủ xưa kia để làm thí dụ. Trong chế độ quân chủ mọi người dân là con cái hoặc nô lệ của vị đế vương. Họ phải tuân phục mọi phán xét, thưởng phạt của vua chúa, vì thế "Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung". Nhưng trong chế độ dân chủ thật sự, mọi người dân đều có quyền bình đẳng, dù là tổng thống hay thủ tướng cũng là một công dân như bao người khác. Người dân kính trọng vị nguyên thủ quốc gia vì vị này thay thế họ để lãnh đạo, để lo việc chung. Và tất cả mọi người dân đều có thể trở thành nhà lãnh đạo nếu họ có đủ tài, đủ đức và những điều kiện cần thiết để trở thành vị nguyên thủ.

Bình đẳng và dân chủ hơn, Đức Phật dạy rằng: Không nên tôn kính Ngài bằng cách cúng dường lễ bái. Dù cúng dường bằng những trân châu quý báu cũng không phải là cách tôn kính cao thượng. Phải thực hành theo pháp mà Ngài đã chứng ngộ và chỉ bày để sớm được giải thoát và đạt đến quả vị như Ngài.

Thật hiếm có một vị giáo chủ nào lại không muốn được tôn trọng và chỉ muốn học trò sớm ngang hàng với mình. Người Phật tử chân chính hẳn phải biết như vậy để không phụ lòng từ ái của Đức Phật, không cố chấp vào những hình thức lễ bái mà phải tự tu sửa hầu một ngày kia được giải thoát như Ngài.

Tóm lại, tất cả mọi hình thức thờ cúng tưởng niệm của người Phật tử không phải để cầu xin Đức Phật cứu vớt mà chỉ có mục đích tôn kính và tự nguyện noi gương Ngài để hoàn thành sứ mạng tự giác giác tha.

Viết bởi Nhuận Phước - Nguyễn Nhất Thắng

Theo đạo Phật thờ cúng chỉ là một hình thức tưởng niệm người chết mà thôi ,nên không chú trọng về mặt hình thức phức tạp với nhiều tốn kém vì người chết rồi không về ăn uống được nên đấy chỉ là một sự tưởng tượng mà thôi

Trong nhà Phật việc thờ cúng gồm có Thờ Phật, Lạy Phật và Cúng Phật

1/ Thờ Phật

- Thờ là vì Phật là một bậc tôn kính đáng tôn thờ

- Phải thờ đúng ý nghĩa là muốn luôn có bên mình cái ngọn đèn trí tuệ , hương từ bi của ngài để được sáng lây, thơm lây chứ không vì mục đích cầu cạnh

-Phải thờ Phật nào thì tùy theo pháp tu của mình mà thờ

-Cách thức thờ thực hiện theo nghi thức

2/ Lạy Phật :

-Lạy đúng ý nghĩa là năm vóc sát đất ( đầu, 2 tay , 2 chân) - giống như cúi xuống ôm chân Phật

-Lay như thế nào cho đúng là khi lạy, trong tâm không ngã mạn, ngạo nghễ, kiêu căng mà thể hiện bên ngoài là 5 vóc không sát đất, lạy qua loa .gọi là ngã mạn lễ Lạy cầu danh có nghĩa là thấy đông người thì to tiếng dài hơi xưng danh hiệu Phật-lạy không ngừng nghỉ có ý để được mọi người khen ngợi - khi ít , không có người thì qua loa đại khái

-Bốn phép lạy :  

*Phát trí thanh tịnh lễ ( người hành lễ phải thấu suốt là cảnh giới chư Phật đều tùy tâm hiện bày , dung thông hết các pháp giới pháp thân của Phật )

*Biến nhập pháp giới lễ ( người hành lễ tự quán thân tâm chung thủy không xa rời pháp giới)

*Chánh quán lễ ( người hành lễ lạy Phật ngay nơi tự tâm của mình )

*Thật tướng bình đẳng lễ ( người hành lễ không thấy có tự, có tha )

 

3/ Cúng Phật

-Ý nghĩa là thể hiện sự gần gũi, coi như Phật còn sống , ta ở bên cạnh Phật để dâng lên đồ ăn thức uống

-Phải cúng những gì ? không cần phải cúng thức ăn uống cầu kỳ , linh đình mà chỉ cần hương thơm, đèn sáng , hoa tươi , trái tốt, nước trong

-Năm món cúng Phật gồm:

*Giới hương ( người hành lễ phải giữ thân tâm trang nghiêm thanh tịnh)

*Định hương ( người hành lễ phải định tĩnh tâm trí , không loạn động khi cúng Phật )

*Huệ hương ( người hành lễ phải nhớ đến lời dạy của Phật trong kinh điển, lắng nghe lời giáo hóa của quý Thầy, suy nghĩ nghiền ngẫm lời dạy để thưc hiện )

*Giải thoát hương ( người hành lễ khi cúng phải phá trừ ngã chấp, quán vô ngã trong thân tâm )

*Giải thoát tri kiến hương ( người hành lễ cũng phải phá trừ những tri kiến hiểu biết hạn chế , còn nghĩ là thực khi đã loại bỏ chấp ngã , hiểu được vô ngã )

NQH


Trên Facebook

 

Âm lịch

Ảnh đẹp

Từ điển Online

Từ cần tra:
[Dịch văn bản]
Tra theo từ điển: