22/12/2011 09:06 (GMT+7)
Số lượt xem: 155876
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Một con quỷ đói hiện ra trước mặt A Nan, một đệ tử của Phật Thích-ca Mâu-ni báo rằng ba ngày nữa là chết. Trước cái cảnh bi thảm như thế, A Nan đã hỏi gã quỷ ấy làm sao thì khỏi chết. Quỷ bảo rằng phải bố thí cho nó... Nhờ việc bố thí đó mà A Nan đã không những thoát chết mà còn trường thọ.


Trong vòng gần 200 năm trị vì, nhà Lý đã tổ chức rất nhiều lễ hội kỳ an, thí thực cô hồn đầu năm cho toàn thể dân chúng Đại Việt. Chính sử như  Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử lược đều ghi về một trong những lễ kỳ an, thí thực cô hồn nổi bật của vương triều này - hội đèn Quảng Chiếu

Hội đèn thí thực cô hồn, cầu quốc thái dân an

Đại Việt sử lược ghi, vào năm Canh Dần (1110): “Mùa Xuân tháng Giêng, tổ chức hội đèn Quảng Chiếu ở ngoài cửa Đại Hưng” và vào năm Bính Thân (1116) lại ghi “Mùa Xuân tháng Giêng tổ chức hội đèn Quảng Chiếu ở ngoài cửa Đại Hưng, chế tạo nhà sư bằng gỗ cột vào đánh chuông”.

Còn Đại Việt sử ký toàn thư ghi vào năm Canh Tý (1120) “Mùa Xuân, tháng Hai, mở hội đèn Quảng Chiếu” và vào năm Bính Ngọ (1126) “Mùa Xuân tháng Giêng, mở hội đèn Quảng Chiếu bảy ngày đêm. Tha người có tội ở phủ Đô Hộ, xuống chiếu cho sứ thần của Chiêm Thành xem”...

Theo Đại Đức Thích Phước Đạt, trong ý nghĩa đó, sự chuẩn bị lễ kỳ an - hội đèn Quảng Chiếu mà chính sử ghi nhận được tổ chức hoành tráng. Văn bia Sùng Thiện Diên Linh tả như sau: “Dựng đài cao Quảng Chiếu, nhắm sân trước cửa Đoan Môn, trong nêu một cột, ngoài đặt bảy tầng, uốn mình rồng hình cung hiện ra mà đỡ lấy sen vàng, may lồng nhiễu mà che cho lửa nến, giấu máy nhỏ dưới đất, xoay tròn như bánh xe, tỏa ánh sáng giữa trời như mặt trời rực rỡ, lại có thánh báo nghiêm trang rõ ràng. Đền vàng điện báu nhờ thành ý mà dựng nên, đặt ngôi tượng Đức Phật cao vót, dáng vẻ văn thiên, hình thô vẻ lạ"...

Điểm nhấn của mô hình lễ hội này là ngôi tháp 7 tầng hùng vĩ với sự trang hoàng hết sức cầu kỳ bằng châu ngọc, được thiết kế với các thiết bị đặt ngầm bên dưới để có thể quay chiếc tháp 7 tầng. Điều đáng nói là bên trong ngôi tháp tôn trí tượng Đa Bảo Như Lai trên ngọn núi vàng. Hai bên tòa Bạch Ngân đặt tượng A Di Đà và Đức Diệu Sắc Thân. Thứ nữa là hai tòa Điểu Văn đặt hai tượng Đức Như Lai Quảng Bác Thân và Ly Bố Úy. Và cuối cùng là hai tòa Tượng Xỉ thờ Đức Cam Lồ Vương và Bảo Thắng. Bảy vị Như Lai này tuy thuộc hệ Mật giáo, nhưng lại được đề cập tới rất giới hạn như một hệ thống bảy Đức Như Lai.

Theo các bản kinh như Du già tập yếu cứu A Nan nghi quỷ, Du già tập yếu diệm khẩu thí thực nghi kinh Cứu bạt diệm khẩu ngạ quỷ Đà la ni thuộc Đại tạng kinh thì 7 vị Như Lai này có chung một chức năng độ trì được thực thi trong các nghi thức chẩn tế, bạt độ, cúng ngạ quỷ của Phật giáo. Và trong một lễ kỳ an - hội đèn Quảng Chiếu vui như lễ hội dân tộc nhằm “dốc hết hòa vui của thiên hạ, để đêm trở thành ngày” không thể không có mô hình “thất bảo Như Lai” vừa mang tính hoành tráng vừa mang giá trị tâm linh kết nối yêu thương các loài, các thế hệ với quan điểm đầy chất nhân văn “âm siêu dương thái”.

Rõ ràng việc thờ tự và đảnh lễ 7 vị Phật này trong lễ hội kỳ an trọng đại đầu năm như thế này là có lý do của nó. Bản kinh Cứu bạt diệm khẩu ngạ quỷ đà la ni kể rằng có một con quỷ đói hiện ra trước mặt A Nan, một trong Thập đại đệ tử của Phật Thích-ca Mâu-ni, báo rằng ba ngày nữa là chết. Trước cái cảnh bi thảm như thế, A Nan đã hỏi ngạ quỷ ấy làm sao thì khỏi chết. Quỷ bảo rằng phải bố thí cho nó. A Nan đến thỉnh cầu Phật và được Ngài chỉ cho nghi thức cúng quỷ đói. Nhờ việc bố thí đó mà A Nan đã không những thoát chết mà còn trường thọ.

Hội đèn Quảng Chiếu là một trong những lễ kỳ an nổi bật của vương triều Lý. (Ảnh minh họa)

Đúng như bản kinh chép “Ban thức ăn cho quỷ đói thì liền có thể đầy đủ được vô lượng công đức, giống như công đức cúng dường cho trăm ngàn ức Như Lai không sai khác. Được thọ mạng lâu dài, tăng thêm sức lực và vẻ đẹp, căn lành đầy đủ. Hết thảy A tu la, Dạ xoa, La sát, các ác quỷ thần không dám xâm hại, lại thành tựu được vô lượng công đức thọ mạng”. Cho nên, trong một thời khắc quan trọng của ngày đầu năm, hẳn nhiên người ta càng mong muốn được Phật Thánh độ trì cho mình và mọi người được sống lâu trường thọ, sắc thân thêm tươi đẹp. Xem ra từ một nghi thức cúng cho quỷ đói, nó đã được đưa vào trong nghi lễ cầu an, cũng như trong các lễ hội dân tộc, phục vụ cho người còn sống.

Tại đây ta dễ dàng hiểu tại sao một lễ hội đèn Quảng Chiếu rực sáng suốt đêm như ánh mặt trời chiếu ban ngày, nhộn nhịp và tưng bừng như thế lại có thêm nghi thức cúng quỷ đói của Mật giáo. Bởi vì có gì hạnh phúc hơn bằng khi con người được Phật độ trì sống lâu, mạnh khỏe và sắc đẹp thêm bội phần. Cũng vì lẽ này mà trong tâm thức người Việt Nam kể từ đó, bất cứ sự kỳ nguyện nào, nghi thức cúng cấp nào phục vụ cho người sống đều kèm theo nghi cúng cô hồn để nguyện cầu tăng phước và tăng thọ...

Công phu việc phục dựng Hội đèn Quảng Chiếu

Qua sự biến động của lịch sử, lễ hội đèn Quảng Chiếu đã bị mai một và tới nay tư liệu lưu truyền lại rất hiếm hoi. Sau khi Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, việc phục dựng lễ hội này càng trở nên cần thiết để đề cao giá trị văn hóa di sản. Nhưng việc phục dựng như thế nào để mang đậm nét truyền thống, hài hòa với tính thời đại đang được các nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa dày công sưu tầm.

Để phục vụ cho việc phục dựng hội đèn, Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ đã cậy nhờ các nhà nghiên cứu và cất công sưu tầm tư liệu lịch sử, tư liệu dân gian, Hán Nôm, truyền thuyết và giai thoại xung quanh hội lễ này. Hội thảo về nội dung này vừa diễn ra tại Hà Nội cho thấy, hầu hết các nhà khoa học đều thống nhất quan điểm, lễ hội sẽ được tổ chức vào mùa xuân và ở kinh thành Thăng Long, ngay trước Đoan Môn, tức trước sân "triều" của triều đình.

Theo kịch bản, lễ hội chia làm hai phần: phần lễ và phần hội trong đó quan trọng nhất là phần lễ. Khai lễ là phần dâng hương, thắp đèn Quảng Chiếu, Thỉnh Phật, cúng triệu thỉnh Bác bộ Kim cương, dâng lục cúng. Tại lễ hội sẽ tụng kinh Dược Sư và mọi người đều có thể thắp nến xung quanh cây đèn chủ cầu mong trí tuệ.

Lễ hội đèn Quảng Chiếu chính là lễ hội cung đình. Vì vậy, khi phục dựng lại lễ hội này, các nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo cho rằng cần nâng lễ hội lên tầm quốc gia để xứng đáng với vị trí của nó. Tại đây, hình ảnh quốc gia, dân tộc gắn liền với lễ hội.

Một mặt, ý nghĩa của lễ hội chính là cầu nguyện, ước muốn cho đất nước được thanh bình, hạnh phúc và thịnh vượng nên lễ hội đèn Quảng Chiếu sau này còn được gọi là đèn Diên Mệnh hoặc đèn Trường Thọ hay lễ hội Trường Thọ cũng đã phản ánh được điều đó.

Và một trong những yếu tố quan trọng cấu thành hội lễ này chính là đèn Quảng Chiếu. Theo các nhà nghiên cứu, một là phục dựng theo cái "cổ truyền", tức phục dựng y nguyên, không dùng động cơ, chỉ dùng máy cơ học (quay tay). Tuy nhiên, theo cách này thì gặp khó khăn vì nguyên liệu hiếm, phong cách nghệ thuật điêu khắc thời Lý không dễ có được sự nhất trí của các nhà chuyên môn. Cách thứ hai là sáng tác và cách tân dựa trên nguyên lý của đèn đã được mô tả.

Theo Vân Nhi - ĐVO


Âm lịch

Ảnh đẹp