Chữ mantra có nguồn gốc từ ngữ căn tiếng Phạn: manas,
nghĩa là tâm; và, tra, nghĩa là công cụ. Tiếng Latin cũng có ngữ căn
tương tự là mens, nghĩa là tâm thức. Như vậy, Mantra có nghĩa là công cụ
của tâm thức, là âm thanh cốt lõi, âm thanh của Chánh giác làm cho luân
hồi và Niết bàn hợp nhất. OM là đầu nguồn của Mantra, có nguồn gốc từ
đạo Bà la môn. OM được Phật giáo tiếp nhận và mở rộng phạm vi để làm
điểm tiên khởi cho tất cả những Mantra khác. OM biểu trưng cho tính tổng
nhiếp của các pháp, cái vô cùng, cái viên mãn. Tụng niệm Mantra là cách
làm cho tâm được tập trung, hướng về hòa nhập với tánh giác.
Kèn Loa sử dụng trong các nghi lễ Mật tông
Khi nghe âm thanh tụng niệm mật chú, những người chưa
quen với Phật giáo Tây Tạng cảm thấy đó là những âm thanh kỳ lạ. Giả sử,
một nhà sư Tây Tạng nghe những âm thanh thường có ở Hoa Kỳ, cụ thể như
những âm thanh của một đội bóng đá trong giờ thao luyện, tiếng của những
cầu thủ lầm bầm và cáu gắt thì cảm thấy đó là những âm thanh lạ lẫm!
Tuy nhà sư cảm thấy lạ lẫm nhưng những tuyển thủ và huấn luyện viên lại
cảm thấy quen thuộc và vận dụng những âm thanh như vậy để kích khởi sức
mạnh và tập trung tinh thần khi đá bóng. Những âm thanh này không có gì
lạ đối với họ. Tất cả chúng ta đều đã quen thuộc với những âm thanh của
chính mình và sử dụng chúng để kích khởi những thể nghiệm và tạo nên
những dạng ý nghĩa khác nhau. Một trận đấu khúc côn cầu của nữ sinh có
nhiều âm thanh đặc trưng mà những nữ vận động viên này hay dùng để tập
trung tinh thần phấn đấu. Một buổi khiêu vũ ở trường trung học có những
động tác và âm thanh đã trở thành nghi thức và rất có ý nghĩa đối với
những người tham dự, làm hưng phấn và dẫn dắt các cảm xúc và hành động
của họ. Những câu “mật chú văn hóa” này nối kết họ lại với nhau bằng một
tâm thái chung nhất, giao hòa với những biểu cảm văn hóa chủ đạo của
cộng đồng. Tương tự như vậy, những mật chú của Phật giáo Tây Tạng kích
khởi những thể nghiệm tâm linh, hướng đến sự chuyển hóa nội tâm.
Linh và chày Kim Cang
Vận dụng những mật chú tức là vận dụng những xung
lực tự nhiên. Một cách tự động, chúng ta hét lên khi sung sướng hay giận
dữ, gào lên để giải tỏa xúc cảm hay áp lực, và hát lên khi hạnh phúc
thảnh thơi. Chúng ta nghe ai đó gọi tên mình và trả lời. Một vài người
ậm ừ trong miệng một cách vô thức khi vừa đi vừa làm việc. Nhưng những
mật chú vận dụng những công năng tự nhiên đó một cách có ý thức để tập
trung tâm ý và sức tỉnh giác như mong muốn.
Có một số âm thanh căn
bản trong cảnh giới con người. Những âm thanh cho chúng ta biết sự việc
gì đang xảy ra. Theo những nhà ngôn ngữ học, có một số âm thanh mang
tính phổ quát đại đồng đối với trẻ con khắp thế giới. Những âm thanh
thốt lên khi mới lọt lòng là ngôn ngữ và phương thức thông tin căn bản.
Mantra là những âm thanh hướng chúng ta đến thực tại; lôi kéo sự chú ý
của chúng ta và đưa chúng ta hòa nhập với nhịp điệu vận hành của vũ trụ.
Đạo
lý của Mantra dạy rằng vũ trụ là một công năng của Phật, hoạt dụng theo
những lời mà Ngài dạy về yếu tính bản nhiên. Chữ nghĩa và âm thanh
không cách biệt với yếu tính bản nguyên của thực tại; đồng nhất với thực
tại. Tụng niệm những âm thanh và những chuỗi âm thanh phù hợp của
Mantra có nghĩa là chúng ta kích khởi những nghĩa lý và những thể nghiệm
cần được kích khởi.
Mỗi một phân tử, mỗi một vi hạt, và mỗi một sự
vật là một đơn vị có dao động riêng, tần số riêng. Một ca sĩ vĩ đại có
thể làm vỡ một tấm kính bằng một nhạc tiết cộng hưởng với tần số dao
động của nó. Một đội lính trước khi nhịp bước diễn hành qua một cây cầu
luôn luôn phải chỉ định một binh sĩ giẫm chân lạc nhịp để những dao động
phát sinh không làm gãy cầu. Chỉ bằng một tiếng hét, vị đại võ sư có
thể chận đứng địch thủ. Sử dụng đúng pháp, những câu Mantra có sức mạnh
tiềm tàng vô cùng to lớn.
Những câu mật chú có tác dụng kỳ diệu không
phải vì tính chất thần bí của tự thân, mà vì sức cảm nghiệm của tâm
thức. Mật chú tự thân không có thần lực; mà chỉ là công cụ để gom kết
những nguồn thần lực sẵn có. Giống như một thấu kính hội tụ, mặc dù bản
thân thấu kính không chứa đựng một chút sức nóng nào cả, thế mà nó có
thể gom kết những tia nắng mặt trời và chuyển hóa những tia nắng dàn
trải lan man đó trở thành một điểm nóng cháy bỏng (Govinda 1970, 28).
Chập Chóe
Mantra đã được dùng từ thời khởi thủy của tôn giáo
trong hình thức này hay hình thức khác. Mantra trong Phật giáo Trung
Quốc có tên là Chân ngôn, thuộc Chân Ngôn Tông. Thậm chí dòng đầu tiên
của Sáng thế ký cũng là một câu Mantra: “Thoạt kỳ thủy là ngôi lời và
ngôi lời là Thượng đế”. Cuộc sống của chúng ta đã gắn liền với mật chú
tự bao giờ trong dạng này hay dạng khác. Chúng ta có thể khéo léo vận
dụng.
OM MANI PADME HUM
Om Mani Padme Hum,
dịch nghĩa là "Gọi mời ngọc sáng của hoa sen”, là câu Mantra phát tích
từ Bồ tát Quán Thế Âm, vị thần bảo hộ của Phật giáo Tây Tạng. Thế giới
bắt đầu bằng chữ OM và kết thúc với chữ HUM. Câu mật chú này là một mẫu
mực của những chuyển động liên tục của thế giới, kích khởi tổng thể
những yếu tính của chư Phật.
Việc tụng niệm mật chú không dựa trên cơ
sở luận biện, vì những ý tưởng và khái niệm lý tính trong luận biện dẫn
dắt người ta đi lạc khỏi nguồn mạch trực giác. Mật chú làm cho hành giả
phát triển nội quán. Mật chú không hướng tâm thức hành giả đến một đối
tượng hay một sở trú nào cả. Mật chú chỉ khai mở một khung cửa, cho thấy
một hình tượng, hình tượng này giống như một hình ảnh phản chiếu từ tấm
gương soi, hình ảnh của yếu tính vũ trụ. Mật chú trao cho hành giả một
cảm nghiệm để tự thân lắng nghe; vận dụng trực cảm, tự thân hành giả có
thể trực tiếp nghe được âm thanh của vũ trụ.
Câu mật chú Om Mani
Padme Hum mà hành giả thường xuyên tụng niệm sẽ làm nội tâm được trong
sạch và hướng về Chánh giác. Hành giả làm cho đầy tâm thức của mình với
âm thanh tụng niệm và nhờ vậy mà những loạn động không còn lối để xâm
nhập vào. Theo nguyên lý của Phật giáo Tây Tạng thì cần tập trung sức
chú ý để dẫn dắt tâm thức của mình hướng đến những cảnh giới cao hơn.
Mỗi
một âm tiết đều có hai dạng ý nghĩa, ý nghĩa cụ thể và ý nghĩa biểu
tượng. Những biểu tượng có thể được sử dụng để khơi dậy một dạng cảm
nghiệm. Sáu pháp thiền quán của phái Kagyu chỉ bày cho hành giả thấy
hình tượng của những âm tiết mật chú trong phức hợp những luân xa thuộc
dạng thiền quán ảnh tướng (luân xa là những tụ điểm của năng lượng tâm
linh trong cơ thể). Mục đích là để giúp tâm thức hành giả cảm nghiệm
được vòng tròn vận hành của nhiệt lượng, của những trạng thái khác nhau,
nhờ vậy mà đạt được trạng thái tỉnh thức lâu bền. Đó là những pháp tu
tập có công năng trị liệu.
Mỗi âm tiết của câu mật chú đều xuất phát từ một trong 5
vị Phật phương hướng của vũ trụ. Thực tại được diễn đạt bằng âm thanh
HUM. Phụ âm H…hhhhhhhhh trong âm HUM giống như hơi thở ra. Âm
UM…ummmmmmmmm ở cuối âm tiết có nghĩa là nhất thể, dạng dao động của vũ
trụ.
Âm thanh và yếu nghĩa mật chú là đồng nhất với âm thanh và yếu
nghĩa TÂM, tâm này chính là thực tại. Vì vậy, quán chiếu mật chú cũng
quan trọng, là một bộ phận của công phu tụng niệm vì năng lực của mật
chú còn nằm trong việc hành giả vận dụng hình tượng của nó. Mật chú
không phải chỉ là một cơ chế để tập trung tâm thức hay chỉ là một dạng
âm thanh để hành giả nghe mà thôi. Âm thanh và hình tượng của âm thanh
không phải là hai sự vật cách biệt nhau. Cảnh giới của mật chú là nhất
thể. Mỗi âm tiết mật chú ứng với một vị Bồ tát tương ứng khi nó kích
hoạt một luân xa hay tụ điểm năng lượng tâm linh liên quan, lúc ấy sức
tỉnh giác được tập trung trong một chan hòa nhất thể.
Hành giả có thể
tập trung tâm ý nơi một âm tiết, xem đó là đối tượng của thiền quán,
theo nguyên lý mặt chữ và âm thanh phát ra là đồng nhất với ý nghĩa cần
biểu đạt. Vì vậy mà việc sử dụng thiền mật chú là một sự phát triển tự
nhiên của tư tưởng Phật giáo. Khi sắp nhập Niết bàn, đệ tử hỏi những bài
kinh nào phải tuân hành, Phật trả lời rằng: "Những lời nào thiện thuyết
là lời dạy của Phật”. Những hành giả Mật tông xem mật chú là những lời
thiện thuyết.