23/09/2013 10:30 (GMT+7)
Số lượt xem: 1214
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Đạo Phật không phải là một tôn giáo - điều này đã được các bậc chân tu khẳng định. Phật vốn xem mình đồng đẳng như bao chúng sinh, do vậy ai theo Phật mà tôn người thành giáo chủ theo cách hiểu tôn giáo, xem như mắc lỗi vậy. Phật không cho lời mình là khuôn vàng thước ngọc mà đòi hỏi người nghe phải tự chứng những lời ấy, có vậy mới mong gỡ bỏ tham sân si mạn nghi tà kiến, mới mong minh tâm kiến tánh.


Thiền sư Hắc Thủy Thừa Cảnh bên Trung Hoa có hai câu thơ tuyệt cú:

Rổng rinh vô hạn trùm trời đất
Ẩn hiện sương mù nắng Phật lên
(Quách nhiên thản đấng châu sa giới
Trước vụ tiềm dung Phật nhật huy)

Thi nhãn nằm ở “nắng Phật”, ý của ngài rõ ràng: “Đất lớn che không hết, mặt trời ấy lồ lộ khắp mọi nơi”. Phật pháp vô biên trùm khắp cõi nhân gian, không gì không bao hàm song không phải khẳng định sự cao vời tối thượng mà thấm nhuần ánh sáng đến mọi ngóc ngách tăm tối thế gian. Đạo Phật chính là phụng sự con người, phụng sự thế gian. Thế nên bảo đạo Phật chối bỏ, xa lánh, phủ nhận nhân gian là hết sức sai lạc! Xin hãy nghe lời đúc kết vàng ròng của giáo sư lỗi lạc Phương Đông Mỹ (Người thầy đầu tiên của đạo lão pháp sư Tịnh Không): “Học Phật là sự thọ hưởng tối cao của đời người”.

Bài viết nhỏ mọn này xin phép dẫn ra một số quan điểm triết học nổi trội mang tính biện chứng cao của các học giả tầm vóc; chứ không [đủ tư cách] mong tìm thấy nhược điểm trong triết thuyết họ đưa ra (ví như có vị đạo sư chỉ vào câu “Tôi suy tư tức là tôi tồn tại” của René Descartes). Đạo Phật, và ngay cả khoa học ngày nay cũng thừa nhận: con người được cấu thành từ vật chất (thân xác, sự dung hợp của tứ đại) và phi vật chất (tâm, ý, thức...). Một hành động của thân bao giờ cũng xuất phát từ tâm [ý] rồi mới dẫn lên trí, trí sẽ phát lệnh cho chân tay miệng tạo tác. Một câu trong Đại học: “Bậc quân tử nhất định phải khiến cho ý niệm của bản thân mình được chân thành”. Dĩ nhiên, sự đối sánh sẽ hoàn toàn vô nghĩa nếu như Phật không sinh ra trước những “nhân vật” nêu ra. Dựa trên sự khảo cứu của thiền sư “tam bộ nhất bái” Hư Vân, Phật sinh trước cả Khổng Tử. Quan trọng hơn, con người, nhất là những người đắc quả bây giờ phần lớn là chu trình tiếp nối các đời trước, mọi “dữ liệu” được tồn lưu ở thức thứ tám A lại da. Và, chỉ tính trong hiền kiếp này, trước Phật Thích Ca đã có 3 vị Phật xuất thế… Sau Thích Ca Mâu Ni Phật, theo kinh Thủ Lăng Nghiêm: hiện nay tuổi thọ của loài người ở trong kiếp giảm, khi giảm xuống còn 10 năm rồi lên đến 84000 tuổi, thì Phật Di Lặc sẽ xuất hiện tiếp tục củng cố và phát huy kinh điển Phật từ vô thỉ.

Trước hết cần cắt nghĩa, Đạo Phật là nhằm Tu Thân. Tu để sống tốt hơn trong kiếp này và đặc biệt hướng tới Niết bàn. Đạo Phật chính là phơi lộ chân tướng vũ trụ, về con đường giác ngộ đưa chúng sanh ra khỏi sáu nẻo luân hồi, vĩnh viễn thoát khổ. Hễ chừng nào còn trong luân hồi, cơ hội vào ba đường ác lại nhiều hơn ba nẻo thiện (vì ác tâm sở bất thiện có đến 26, tâm sở thiện chỉ 11); phần Phật thuyết về đạo hạnh làm người có thể gọi là Triết lý Nhân sinh. Con người trang bị các triết lý khác rồi mới quay trở lại trang bị triết lý nhân sinh là vòng vèo, nhiều khi lạc mất đường về và biết đâu chẳng còn thời gian? Phật nói “Biển khổ mênh mông quay đầu là bến”; đời biến thành câu thông dụng "Quay đầu là bờ" để chỉ người sai lầm, sớm tỉnh ngộ viết lại cuộc đời.

Ai cũng đều được sinh ta từ cha mẹ. Đạo làm người ai không trọng chữ Hiếu. Kiều bởi chữ hiếu mới bán mình vào lầu xanh. Cổ nhân dạy: “Vạn ác dâm làm đầu, trăm thiện hiếu trước tiên”. Từ Nho giáo đến đạo làm người ngày nay chữ Hiếu vẫn luôn được tính điểm cao nhất ở mỗi người. Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Phật dạy Hoàng hậu Vi Đề Hy (mẹ vua A Xà Thế) chánh nhân vãn sanh là Tịnh nghiệp tam phước, còn là chánh nhân của mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai. Câu đầu tiên trong Tịnh nghiệp tam phước: “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ sư trưởng”; tức chữ hiếu vẫn làm đầu. Trong nhiều kinh Phật khác đều tôn hiếu đạo; đơn cử Địa Tạng kinh còn được gọi với một tên khác là Hiếu kinh. Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, một trong ba người được xếp hàng thánh nhân của thế kỷ thứ 20 (cùng với thi hào Tagore và Mahatma Gandhi) - "bậc thầy tâm linh vĩ đại của nhân loại" đã nói: "Chúng ta sanh ra và tái sanh trong vô số kiếp. Có thể mỗi chúng sanh đã từng là cha mẹ của chúng ta trong một đời này hay đời khác". Kinh Đại báo phụ mẫu trọng ân: Một lần Đức Phật dừng lại bên đống xương khô và lạy, đệ tử hỏi nguyên do Ngài nói đây là cha mẹ ta các đời trước; rồi giảng, xương to và trắng là của người cha, xương nhỏ và thâm là của mẹ bởi đã vắt kiệt sữa và máu cho con, lại phải làm việc vất vả bội phần...

Đọc kinh này ai không nước mắt thấm vào trong!

Người đời thấy người tu rời đại gia đình, rời cha mẹ lên chùa hay ở riêng tịnh thất cho là... bất hiếu. Người tu họ hiểu nếu không thành tựu trong sự nghiệp tu tập, sẽ không thể giúp ai có được lại thân người ở kiếp sau nói chi về nước Phật. Phần lớn cha mẹ đều để lại cho con gia sản [khổng lồ], nhưng khi qua cõi Thân trung ấm (bardo) chịu nghiệp quả từ việc kiếm số tiền đó cho con, mong con trích ra một vài phần trăm làm thiện hồi hướng cho mình - là điều hoang tưởng. Bởi, con đâu có học Phật, đâu biết cha mẹ cần con hồi hướng công đức chứ không phải là đồ hàng mã! Đạo Nho được đề cao xưa nay cũng nhờ một chữ Hiếu to đùng treo nơi trịnh trọng mỗi gia thất. Tinh thần hiếu đễ ấy nếu soi vào Đạo Phật e khiêm tốn hơn nhiều. Ca dao từng đúc kết từ Đạo Phật: “Thờ cha kính mẹ ấy là chân tu”. Chẳng những thờ, kính, đạo Phật còn có hẳn mùa Vu lan báo hiếu. Thờ, kính mới chỉ ở đời này, mà chưa chắc đã trọn. Đạo Phật còn thôi thúc mỗi người tu tinh tấn hơn; nếu mình không giải thoát thì đừng mong chi báo hiếu mẹ cha ở các cõi thấp hơn cõi người. Hiếu trần ai mới là hiếu ở cấp độ thấp. Hiếu trần ai với thứ vật chất thô lậu thảy gần như vô nghĩa ở bên kia núi. Nhiều người bây giờ lớn lên trôi tuột theo dòng đời kiếm tiền dung dưỡng xác thân; tưởng về xây cho cha mẹ ngôi nhà lớn, thuê người cung phụng hàng ngày của ngon vật lạ - là hiếu. Thử nhìn nhận, một người mang danh đạo đức song đi đâu cũng bị người đời chửi mắng (tất nhiên là chửi mắng có lý do chính đáng), ấy chẳng phải Đại Bất Hiếu? Thậm chí còn bất nghĩa với tổ tông dòng tộc. Ngược lại, một người sống chân thành, luôn giúp đỡ động viên mọi người không phân biệt thân sơ..., chẳng phải cha mẹ nở mày nở mặt, chẳng phải là Đại Hiếu. Mục Kiền Liên - người đệ tử đắc quả, thần thông bậc nhất của Đấng Thế Tôn nhờ nương vào mười phương chư tăng nhất tâm chú nguyện mới cứu mẹ thoát cảnh bưng chậu máu đứng trên bàn chông dưới địa ngục. Nên mới có câu niệm: “Nam mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ tát ma ha tát”.

Để có Hiếu và Đạo, ngoài “nhân chi sơ tính bổn thiện”, đòi hỏi mỗi người phải tu, tức thanh tẩy thân tâm. Trước hết lạm bàn đến câu nói của Mạnh Tử ở phương diện Đạo Phật. Tam tự kinh: “Nhân chi sơ tính bổn thiện”. Pháp ngữ của Thiền sư Sùng Sơn đời thứ 78 từ Đức Phật Thích Ca (01.08.1927 - 30.11. 2004): “Thân các bạn khác nhau, nhưng tâm các bạn giống nhau.” Kinh Phật thuyết: “Viên mãn bồ đề vi vô sở đắc”, nghĩa là tất cả có trong tự tánh; tu “đơn giản” chỉ là khôi phục [nới rộng] lượng tâm vốn dĩ. Hay: “Chúng sanh và Phật vốn không hai”; hay: “Tất cả chúng sanh vốn là Phật” (Kinh Hoa Nghiêm); bộ kinh quan trọn nhất trong vườn kinh điển Đại Thừa là Pháp Hoa cũng viết: “Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tánh, giai kham tác Phật” (Chúng sinh đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật). Một đứa trẻ sinh ra tâm như tờ giấy trắng. Lúc tích lũy nghiệp chưa thức giấc, nếu gặp môi trường tốt (lớn lên ở chùa từ nhỏ hoặc trong gia đình Phật tử) Phật tính sẽ nẩy mầm. Còn gặp môi trường không tốt, các chủng tử sẽ bám rễ vào vỏ bọc vô minh. Trẻ em thời nay mới vài tuổi đầu đã không thể rời máy tính và thích chơi di động, tâm loạn động với muôn trò trong đó gồm cả vũ khí hiện đại tối tân. Mười đứa trẻ đang ăn thứ gì, ta thử ngửa tay xin chúng miếng nhỏ, bao đứa sẽ cho và bao đứa khư khư giữ chặt và hét lên khi ta nhón tay vào? Có thể những kiểu đòi như vậy rất bình thường, nhưng nếu so với bàn cân của Đạo thì thật nghiêm trọng. Nếu cha mẹ từ nhỏ dạy trẻ cho thì lớn lên, trừ hao chí ít chúng cũng không lấy của ai. Nhưng mấy cha mẹ kiên trì dạy con như vậy khi chính họ lại muốn nhận. Hơn thế do sự chậm lụt sở kiến mà một đứa con khởi ý muốn lên chùa, họ nghĩ mất con bèn giằng lại bằng được. Tột thật muôn trùng!

Hoa Nghiêm kinh chốt lại vấn đề này: “Tất cả chúng sanh đều có trí huệ, đức tướng của Như Lai”; “Như tâm, Phật cũng vậy - Như Phật, chúng sanh đồng - Tâm, Phật, và chúng sanh - Cả ba không sai khác”. Điều cốt yếu là mạch ngầm ấy có được khơi dòng. Một đứa trẻ lên ba đã thấy chúng bắt đầu nhiễm ô, huống hồ ba chục tuổi. Người tu là người dùng xà phòng dùng bàn chải đánh tẩy vết nhơ ăn sâu cho đến khi tâm nguyên sơ trong trắng như… đứa trẻ mới hầu mong thấy tánh. Trong Đạo Đức kinh Lão Tử luận: “Trở về ngây thơ, đức vĩnh viễn không sai lạc”. Nước luôn được lấy để minh thị về Phật và chúng sanh không hai khác. Chân tâm tự tánh là Phật (nước trong); phàm là mê lầm chấp trước (nước đục). Nước nào cũng có thể lọc nên trong. Điều quan trọng là người ta có muốn/chịu lọc, bằng cách hành theo đúng lời Phật dạy mà cụ thể là Thập Thiện.

Thời đại bây giờ để sống tốt phải vùng vẫy, phải thiệt thòi, khổ và khiêm ái. Ấy là tu thân. “Tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bổn”. (Từ vua đến dân đều phải lấy việc tu thân làm gốc). Phật giảng: “Thắng một vạn quân không bằng chiến thắng bản thân”. Ai ai đều tự tu để cứu mình. Em của Phật là ngài A Nan cũng như bao đồ môn khác, việc tu tập phải tự nương ở chính mình. Trên dòng cuồng lưu của nghiệp thức, nếu con người không biết đời thọ khổ, không tin tâm vô thường, pháp vô ngã, sẽ bị cuốn trôi đến tận cuối nguồn dâu bể. Cuộc đời - dòng chảy không ngừng của nghiệp thức ấy hòa vào máu huyết căn mạng đời người. Đức Phật nói: “Dòng nước sông Hằng phút trước và phút sau đã khác nhau. Ta của ngày hôm qua đã khác với ta của ngày hôm nay”; thật gần với một câu được xếp hàng biện chứng kinh điển của Héraclitos: "Không ai tắm hai lần trên một dòng sông". Tu thân là bơi ngược dòng nghiệp thức, chỉ cần lơ là buông lơi tỉnh thức, công lao sẽ nhảy về không. Ngạn ngữ Pháp: “Đừng ngủ quên trên chiến thắng”. “Ngủ quên”; trong giấc thiền có từ gần nghĩa là “hôn trầm”. Nên cần phải “mở to mắt ra”. Đạt được chút Phật quả nhỏ xíu, đã tưởng mình bậc giác ngộ tối thượng. Hư Vân thiền sư từng căn dặn người tham thiền: “Ngay cả thấy Phật Thích Ca đến dùng tay xoa đầu thọ ký, quý vị cũng chớ để ý đến, hay khởi tâm vui mừng”. “Không khởi tâm thánh, tức gọi là cảnh giới lành” (Kinh Lăng Nghiêm).

Nhân sinh triết học của Lão Tử khuyên người đời nên “đem thân vì thiên hạ”. Người tu chân chính trong cõi Phật không ai tu cho mình cả. Ước nguyện của họ chính là Đắc Đạo - Tái Sinh - Giảng Pháp, vòng tròn ấy liên tục từ kiếp này đến kiếp khác, như Đức Đạt Lai Lạt Ma với 14 lần tái sinh và thật nhiều Bồ tát nữa. Phật Thích Ca cũng từng thành Phật từ vô thỉ. Từ Bồ tát lên Phật không xa, song họ vẫn muốn là Bồ tát để trở lại cõi nhân sanh hóa độ. Phật Địa Tạng giương cao tấm bảng: “Địa ngục vị không thệ bất thành Phật” (Địa ngục chưa trống, tôi thề không thành Phật).

Vậy để thấy, người tu giả như không giúp được gì ít ra cũng không đụng chạm đến quyền lợi của ai, không làm phiền ai. Phật dặn các Thiện nam tử trong lúc giảng Kinh Vô Tự Bảo Khiếp: “Ðiều gì mà Bồ tát không muốn đến với mình chớ nên bảo người khác làm”. Khổng Tử: “Việc gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác” (Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhơn). Những điều mình không muốn ở đây là sự chán ghét, khó chịu hiển nhiên và có tính phổ quát. Một bữa tiệc thịnh soạn thì khoai, sắn, cháo trắng là những món mình và người khác không ưa. Gần hơn, trong bữa cơm có vài món (dẫu ngon) song đã ngán, ta mới nảy ý bưng qua cho hàng xóm nghèo hèn để lấy lòng. Thực tế hành động này tạo nghiệp. Lý ra nếu cho kiểu ấy, nhà giàu kia phải cảm ơn người nghèo thay vì tự đắc mình người tốt. Miếng ăn ấy đến chiều sẽ phải đổ cho chó. Còn nếu không có chó nhà giàu đổ vào hố rác - vô tình gây nghiệp… Phật dặn: “Các vị nên biết điều không muốn đến với mình, chớ nên cho người khác”. Là con của Phật sao có thể đẩy khó khăn về người khác; ngược lại nhận về mình cái dở, cái khó, cái nặng nề ô uế. Phật Thích Ca Mâu Ni độ người đầu tiên là Kiều Trần Như vốn đời trước đã “lăng trì” mình, để… trả ơn.

Nhiều người ra đường gặp người dưng giúp đỡ còn hơn cả anh em ruột rà, mà không hay ấy là ân nhân đời trước của mình. Nếu biết khiêm nhu, chớ khoe khoang việc thiện (ngoại trừ lấy để làm gương), thì phước của họ cấp số nhân. Quá coi trọng phần vật chất trong mình sẽ bỏ quên phần phi vật chất tinh túy. Cõi trần được tạo dựng trên nền vật chất, con người bởi thế chỉ tin những gì hiện hữu. Gửi một trăm ngàn vào ngân hàng sẽ còn đó, cũng số tiền ấy “gửi” vào việc thiện chúng ta ngỡ mất, thật ra nó còn. Việc khoa học sáng chế ra máy thu âm và hình ảnh quá khứ đã phần nào cho thấy không gì biến mất khỏi không gian này. Nghiệp thức là chiếc camera sẽ ghi lại tất cả ý nghĩ và hành động của mỗi người để từ đó cấp cho họ thân gì ở kiếp khác. Giêsus trong bài giảng trên núi dạy: “Khi con làm phúc của gì, chớ cho tay trái biết việc tay phải làm”. Sự khoe khoang hãnh diện trước thiên hạ sẽ trừ phần trăm số đức ta làm được. Người đời thường sợ thiên hạ không biết đến thiện nghiệp của mình nên mới vậy, đó là lối suy nghĩ “khủng hoảng thừa”. Kinh Hoa Nghiêm chép, đại ý, nếu các quốc độ đều nghiền ra bụi thì Bồ tát cũng đếm được số bụi đó. Chính vậy trong Kinh Dịch, quẻ Khiêm được xếp tốt nhất, và bao giờ cũng thuộc hàng đầu đối với người muốn nghiên cứu nó. Nhẫn được đề cao trong nghiệp tu. Người có sẵn Khiêm từ nhỏ là hiếm; người sơ cơ phải tu Khiêm, thì phải bước qua Nhẫn. Chữ Nhẫn ở trên có bộ Đao, dưới là Tâm; động niệm [ác] thì dao rơi xuống xuyên tim! Nhẫn trong Đạo Phật có thể ví như hạnh của Đất (hiền như đất), người ta có thể dội nước sạch và cũng có kẻ hắt nước bẩn vào.

****

Học trò có lần hỏi chết là gì? Khổng Tử dạy: “Chưa hiểu cuộc sống làm sao hiểu được cái chết”. Câu này nếu bàn sâu, là một hạn chế. Bàn nghĩa gần là ưu việt. Phương ngữ truyền: “Biết có sống đặng đến mai mà để củ khoai đến mốt”. Kinh Phật thường nói về luân hồi kiếp và các cõi thánh cao vời, tuy nhiên điều trọng yếu để tu là luôn an trú trong hiện tại. Ai tu mà tưởng về quá khứ vọng về vị lai thường dễ lạc vào ma đạo. Người tu Thiền hay Tịnh độ, đích vẫn là giữ tâm tịch tịnh, không phóng tạp niệm ra ngoài hơi thở mới hầu mong thành chánh quả.

Tận kiếp này ai rồi cũng phải qua con sông rộng, ở đấy không một con đò nào cũng không ai đủ sức bơi, vấn đề là phải chuẩn bị một cái phao. Chọn trong những pháp môn đã được Phật truyền giảng, xem điều kiện và duyên mình hợp với Mật, Thiền hay Tịnh độ... Tu là từng ngày một ta bơm khí vào phao; phao căng thì cái chết trở nên nhẹ tựa lông hồng. Thêm nữa là Đức. Đức như “tiền”; nếu luôn sẵn tiền trong túi thì chẳng ai còn lo dạt về đâu. Dĩ nhiên nếu phải rời kiếp này, tiền là rác; Đức mới là giấy thông hành.

Đạo Phật rốt ráo và đầy biện chứng giúp mỗi người có thể chuẩn bị chỗ đứng cho mình ở đời sau - điều không một đạo hay tôn giáo nào đầy đủ và cặn kẽ hơn. Đạo Phật đối với đời này, nó chỉnh lại toàn bộ thân tâm kiếp người mà bất cứ đạo học nào cũng chỉ là nội hàm. Nếu đi đến khẳng định điều này ắt phải nhờ đến công lao của một Viện. Tôi là kẻ sơ cơ mạt học, đọc Phật mơ hồ cảm nhận: Tâm bao giờ cũng cao hơn Trí. Trí là thuyền để vượt sông ô trược cập bờ tâm nhiên. Kinh Thủ Lăng Nghiêm có nhắc đến quả vị Vô Học tức đoạn trừ vô minh đạt tối thượng Bát nhã trí huệ, hoàn toàn giải thoát. Công án Thiền quan trọng nhất trong Tam bảo chắc chắn là Ngón tay chỉ trăng. Thiểu trí dĩ nhiên khó tiếp cận tri thức, nhưng qua sông nhất khoát phải dìm thuyền.   

N.N

http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-44_4-19087_5-50_6-1_17-9_14-2_15-2_10-1159_12-1/phat-hoc-va-hoc-phat.html


Âm lịch

Ảnh đẹp