Tạo thêm duyên lành
Bồ-tát Quán Âm với 12 nguyện lớn đã được Sư cô Minh Triều
phác họa thành chân dung trong sách Họa tập 12 lời nguyện của Bồ-tát Quán
Âm. Dù sách phát hành đã lâu nhưng đến hôm nay người viết bài này mới được
phúc duyên thưởng thức từng trang. Thật là nhiệm mầu! Càng xem hình tượng của
Ngài tương ứng với từng lời nguyện càng khiến cho ý nghĩa của bản nguyện Bồ-tát
thêm lung linh sống động.
Thường cư Nam Hải nguyện
Với nét vẽ mềm mại, lần lượt chân dung Bồ-tát hiện lên thanh
thoát, nhẹ nhàng qua những gam màu đơn sơ thuần khiết. Mỗi trang là mỗi bức họa
đẹp diệu kỳ qua bút pháp có thần của tác giả, đưa người xem như lạc vào thế
giới vô biên kỳ ảo của chư Phật và Bồ-tát, giúp người xem càng hiểu rõ hơn ý
nghĩa sâu sắc trong từng lời nguyện thâm thiết của Ngài.
Không chỉ thể hiện hình tượng Bồ-tát, mỗi bức họa còn kèm
theo lời chú giải của Sư cô Minh Triều để người xem được thông suốt rõ ràng
hơn. Những họa phẩm như Thường cư Nam Hải nguyện (lời nguyện thứ
2) hay Độ tận chúng sanh nguyện (lời nguyện thứ 9) đều có lời chú giải.
Đặc biệt ấn tượng nhất là bức họa Tầm thinh cứu khổ nguyện (lời
nguyện thứ 3). Sư cô Minh Triều đã chú giải cho tranh này: “Ngài
không trụ Niết bàn không lìa sinh tử, ra
vào tự tại nơi Tam giới để hóa độ quần mê. Ngài ở cõi Ta-bà tối tăm để
cứu khổ mỗi khi nghe tiếng kêu cầu của chúng sanh. Vì không đâu bằng cõi Ta-bà,
mảnh đất tốt nhất để Ngài gieo trồng đức hạnh từ bi”. Chính vì vậy, lời
nguyện thứ 3 của Bồ-tát “Nam-mô trụ Ta-bà, U minh giới, Quán Âm Như Lai, tầm
thinh cứu khổ nguyện” như một lời nhắn nhủ thương yêu với tất cả chúng sanh và
cũng là lời cầu nguyện quen thuộc phổ biến trong lòng Phật tử. Bởi gặp biến cố
gì mọi người lại khẩn cầu Ngài, lập tức, lời cầu nguyện được cảm ứng đến diệu
kỳ.
Độ tận chúng sanh nguyện
Bên cạnh sự dày công nghiên cứu
để tạo hình Bồ-tát qua 12 lời nguyện, Sư cô Minh Triều còn chú giải cẩn thận,
cặn kẽ nơi mỗi bức họa. Vậy nên, Họa tập 12 lời nguyện của Bồ-tát Quán Âm
không chỉ có giá trị về nghệ thuật mà còn hỗ trợ tu tập, làm tăng trưởng tri
thức và niềm tin cho Phật tử cùng người thưởng lãm nói chung.
Hồi đầu tâm thức
Vị Sư cô có đôi tay tài hoa ấy hiện trú xứ tại chùa Linh
Phong, xứ sở mù sương của TP.Đà Lạt. Để thỏa chí nguyện được họa hình Phật -
Bồ-tát, Sư cô có một phòng tranh riêng tại tịnh thất Triều Âm gần chùa. Hàng
ngày, ngoài thời gian vẽ tranh và tu hành nơi đây, Sư cô còn tích cực tham gia
nấu ăn từ thiện cho các chùa, bệnh viện tại Đà Lạt.
Sư cô Minh Triều
Kể về ý tưởng cho Họa tập 12 lời nguyện của Bồ-tát
Quán Âm ra đời, Sư cô Minh Triều cho biết nhân duyên được Sư bà TN.Từ Hương
khuyến khích vẽ để trưng bày tại chùa Linh Phong, từ đó, tập tranh về 12 lời
nguyện của Bồ-tát hình thành theo tâm nguyện của cô và cả Sư bà. Trước đó, Sư
cô Minh Triều đã có vẽ 37 bức về ý nghĩa kinh Phổ Môn, hiện số tranh ấy đang
trưng bày tại Đại Tòng Lâm.
Cùng với họa tập về Bồ-tát Quán Âm, Sư cô còn có thêm một số
họa tập khác cũng được xuất bản là Họa tập kinh Phổ môn, Họa tập kinh A Di
Đà, Họa tập kinh Vu lan - Báo hiếu… Sư cô Minh Triều muốn cống hiến đến
người thưởng lãm gần xa chính là tâm cảm với Bồ-tát mỗi khi xem tranh, điều mà
cô đã miệt mài lột tả qua từng biểu tượng, đường nét cũng như màu sắc trên từng
họa phẩm. Bởi năng lực độ sanh của Bồ-tát như lời Sư cô dẫn giải trong phần đầu
sách Họa tập 12 lời nguyện của Bồ-tát Quán Âm, là: “Chẳng
những tầm thinh cứu khổ mà Ngài còn đem món vô úy giúp chúng sanh thoát nỗi sợ
hãi, trở về tâm bất loạn. Tâm thức bất loạn của người cầu cứu là tâm thức của
Quán Âm trụ. Đó chính là trạng thái hồi đầu tâm thức lúc trở về chơn tâm thường
trú”.
Tầm thinh cứu khổ nguyện
Nhân ngày vía Thành đạo
của Bồ-tát Quán Âm, người viết xin viết đôi dòng mộc mạc này kính gởi đến quý
độc giả. Mong rằng những ai có duyên hãy lần giở từng trang họa phẩm tuyệt vời
này, qua đó để cùng chiêm nghiệm và thực hành về hạnh nguyện của Bồ-tát Quán
Âm, cố gắng thực hành theo trong đời sống để lợi lạc cho tự thân và cho đời.