Một lần, Đấng Thế Tôn đang ở thành Xá-vệ (Savatthi). Lúc đó vua A-xà-thế của xứ Ma-kiệt-đà (Magadha) đang thúc quân gồm bốn sư đoàn (1) tiến đến tận thành Kasi để khai chiến với vua Ba-tư-nặc của xứ Kiều-tất-la (Kosala). Hay tin vua A-xà-thế mang quân tấn công lãnh thổ của mình, vua Ba-tư –nặc cũng tức thời khởi binh kéo bốn sư đoàn đến thành Kasi để
nghênh chiến. Thế là hai vị quốc vương xua quân nhập trận và sau một
cuộc hỗn chiến thì vua A-xà-thế đánh thắng được vua Ba-tư-nặc. Vị vua
bại trận phải rút về kinh đô của mình là thành Xá-vệ.
Hôm đó, như thường lệ các đệ tử khoác áo (2),
ôm bình bát đi vào thành Xá-vệ để khất thực. Sau khi khất thực trở về
va ăn xong thì họ tìm đến bên cạnh Đấng Thế Tôn. Khi đến gần, họ đảnh
lễ Đấng Thế Tôn rồi lùi ra ngồi một bên. Tiếp theo đó thì họ trình với
Đấng Thế Tôn như thế này: “Bạch Thế Tôn, vua A-xà-thế của xứ
Ma-kiệt-đà khởi binh gồm bốn sư đoàn tiến về thành Kasi để khai chiến
với vua Ba-tư-nặc. Vua Ba-tư-nặc hay tin vua A-xà-thế xua quân xâm
lược, cũng đã khởi binh gồm bốn sư đoàn tiến về thành Kasi để chống lại
quân của vua A-xà-thế(...)”
Đấng Thế Tôn nói như sau:
“Này các tỳ kheo, A-xà-thế là một người bạn
thiếu đạo hạnh, là một người đồng hành thiếu đạo hạnh, là một người
thân thuộc thiếu đạo hạnh (3).
Này các tỷ kheo, trong khi đó vua Ba-tư-nặc là một người bạn đạo hạnh,
là một người đồng hành đạo hạnh, là một người thân thuộc đạo hạnh.
Trong lúc này, vì thất bại nên vua Ba-tư-nặc phải chịu cảnh đau buồn.
Kế đó Đấng Thế Tôn nói tiếp bằng một bài kệ:
“Chiến tranh gây hận thù,
Kẻ bại trận rơi vào cảnh khốn cùng.
Ai muốn tìm lấy sự yên tịnh,
Từ bỏ mọi ý nghĩ về chiến tranh hay bại trận,
Sẽ tìm thấy an lạc cho chính mình.”
[Một thời gian sau, vào một lần khác], vua A-xà-thế của xứ Ma-kiệt-đà một lần nữa lại khởi binh gồm bốn sư đoàn tiến đến thành Kasi
để khai chiến với vua Ba-tư-nặc của xứ Kiều-tất-la. Hay tin vua
A-xà-thế mang quân tấn công, vua Ba-tư-nặc cũng cũng khởi binh gồm bốn
sư đoàn tiến về thành Kasi để chống lại. Thế là hai vị quốc
vương xua quân vào trận chiến. Lần này vua Ba-tư-nặc là người chiến
thắng, bắt sống được vua A-xà-thế. Vua Ba-tư-nặc tự nhủ rằng: “ Mặc dù ta không hề hận thù vị vua này, [nhưng] vị vua này lại hận thù ta. Và dù sao đi nữa, hắn cũng là cháu ta (4),
[vì thế ] ta chỉ nên tóm thâu quân đội của hắn mà thôi, gồm sư đoàn voi
trận, sư đoàn kỵ binh, sư đoàn chiến xa, sư đoàn bộ binh. Riêng
A-xà-thế thì ta không giết mà tha cho hắn được tự do.” Và thế là vua Ba-tư-nặc tịch thu cả đạo quân của A-xà-thế và tha mạng cho ông ta.
Vào sáng sớm tinh sương hôm đó, nhiều đệ tử
khoác áo cà sa, ôm bình bát và khoác thêm áo ấm đi vào thành Xá-vệ để
khất thực.Sau khi khất thực trở về va ăn xong thì họ tìm đến bên cạnh
Đấng Thế Tôn. Khi đến gần, họ đảnh lễ Đấng Thế Tôn rồi lùi ra ngồi một
bên. Tiếp theo đó thì họ trình với Đấng Thế Tôn như sau: “Bạch Thế Tôn,
vua A-xà-thế của xứ Ma-kiệt-đà khởi binh gồm bốn sư đoàn tiến về thành
Kasi để khai chiến với vua Ba-tư-nặc. Vua Ba-tư-nặc hay tin vua
A-xà-thế xua quân xâm lược, cũng đã khởi binh gồm bốn sư đoàn tiến về
thành Kasi để chống lại quân của vua A-xà-thế(...). Thế là vua
Ba-tư-nặc tịch thu cả quân đội của A-xà-thế và tha cho vị vua này.”
Sau khi nghe thuật lại chuyện và biết được tự sự, Đấng Thế Tôn nói như sau:
“Một người làm tan tành sự nghiệp của người
khác cho đến một lúc hành động (nghiệp) của mình sẽ làm tan tành sự
nghiệp của chính mình. Tuy thế, khi sự nghiệp của mình đã bị người khác
làm cho tan tành, và dù cho sự nghiệp đã tan tành, thì mình vẫn làm cho
người khác tan tành sự nghiệp. Đến một lúc nào đó thì hành động
(nghiệp) của mình sẽ chín muồi, [nhưng] kẻ ngu đần lại cứ tưởng rằng:
“Đây là thời cơ của mình đã đến.”
Tuy nhiên khi hành động (nghiệp) của mình
đến lúc đã chín muồi thì kẻ ngu đần ấy không sao thoát khỏi khổ đau.
Người sát nhân sẽ tìm thấy kẻ giết mình trong tương lai, người chiến
thắng sẽ tìm thấy người đánh bại mình trong tương lai, kẻ xúc phạm
người khác sẽ tìm thấy người xúc phạm lại mình trong tương lai, kẻ gian
ác sẽ tìm thấy người gian ác với mình trong tương lai, thế đó, tùy theo
sự chín muồi của hành động đã thực thi, và dù cho sự nghiệp đã tan
tành, nhưng hắn (kẻ ngu đần) vẫn làm cho tan tành sự nghiệp của người
khác.”
(Tương ưng bộ kinh, I, 82-85)
Hơn hai ngàn năm trăm năm trước, chiến tranh
mang tính cách trực tiếp và đơn giản hơn ngày nay rất nhiều, và chiến
thắng hay chiến bại do đó cũng minh bạch hơn.
Ngày nay xã hội con người trở nên phức tạp
hơn, chiến tranh cũng theo đó mà đa dạng hơn, mang nhiều sắc thái và
khía cạnh khác nhau, từ kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa cho đến
nhân phẩm và cả sự tự trọng của một dân tộc. Vì thế mà chiến thắng trên
một khía cạnh nào đó cũng không có nghĩa là chiến thắng được tất cả.
Câu chuyện chiến tranh trên đây cho thấy cùng một mặt trận Kasi nhưng
lúc thì vua này thắng, lúc thì vua kia thắng, vì thế không một chiến
thắng nào muôn đời, cũng không một chiến bại nào mãi mãi. Cái chiến
thắng vững bền hơn hết là chiến thắng chính mình trước những khích động
của bản năng và tham vọng. Khi nào ta vẫn còn quan tâm đến chiến thắng
và chiến bại thì khi đó ta vẫn còn nô lệ cho những xúc cảm bấn loạn
trong lòng.
Trong Kinh Sangama Đức Phật đã dạy như sau: “Nếu ai biết tìm lấy sự yên tịnh, đừng nghĩ đến mình là kẻ chiến thắng hay chiến bại,thì người ấy sẽ tìm thấy sự an lạc.
Ghi chú:
- Bốn sư đoàn có nghĩa là sư đoàn voi trận, sư đoàn kỵ binh, sư đoàn chiến xa, sư đoàn bộ binh.
- Khoác áo có nghĩa là người Tỳ kheo mặc thêm một áo ấm may bằng hai lớp vải gọi là tăng- già- lê.
- Thiếu đạo hạnh ở đây có ý ám chỉ vua A-xà-thế đã cướp ngôi cha, nhốt cha mình vào ngục và cố tình để cho cha chết đói.
- Vua A-xà-thế là con trai của chị vua Ba-tư-nặc, tức là cháu gọi vua bằng cậu.
- PTVN