Thật vậy, nhiều thanh thiếu niên mất phương hướng về tâm linh và
đạo đức, nên họ đã tìm đến những thú vui thể xác; đó chính là một trong
những nguyên nhân dẫn đến tệ nạn về ma túy, mại dâm, trộm cướp, v.v...
Họ cho rằng cuộc sống này chỉ cần hưởng thụ cảm giác khoái lạc thể xác,
vì chết là hết, cần gì phải nhọc sức làm việc. Với suy nghĩ sai lầm và
cách sống đồi trụy để kết liễu cuộc đời họ, nhưng cuộc sống tội lỗi khi
đã đắm chìm vào nghiện ngập, mại dâm, trộm cướp… thì chắc chắn không
thể nào kết thúc dễ dàng và êm đẹp như họ mơ tưởng. Trái lại, sau khi
lao vào cuộc hưởng thụ thể xác, bản thân họ đã phải kéo dài nếp sống
tàn tạ khổ sở vô cùng và tội ác ấy còn kéo theo sự đổ vỡ hạnh phúc gia
đình của họ, cũng như gây ra sự bất an cho xã hội. Thực trạng này được
gọi là đạo đức xuống cấp, nghĩa là đạo đức con người thời nay bị sút
giảm, thấp hơn các thời kỳ trước. Vậy đạo đức trước kia là gì mà tạo
được ảnh hưởng tốt đẹp cho đất nước chúng ta? Phải nói rằng nếp sống
của dân tộc Việt Nam đã thấm nhuần sâu sắc tinh thần đạo đức của Phật
giáo. Và trải qua thời gian dài, ông cha chúng ta đã thể nghiệm đạo đức
Phật giáo một cách thật hoàn hảo mà lịch sử còn ghi đậm nét, đặc biệt
là thời Đinh - Lê - Lý - Trần thể hiện dấu ấn vàng son rực rỡ của đạo
đức Phật giáo. Cố giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã nhận xét rằng đời Lý là đời
thuần từ nhất trong lịch sử nước ta chính là nhờ ảnh hưởng của đạo
Phật. Chúng ta nghĩ xem giáo dục đạo đức Phật giáo như thế nào.
Giáo pháp của Phật chỉ dạy rất nhiều, nhưng căn bản của Phật pháp
được xây dựng trên nền tảng của Tứ Thánh đế, tức sự hiện hữu của khổ
đau trong cuộc sống của con người, nguyên nhân dẫn đến khổ đau, con
đường vượt thoát khổ đau và cuối cùng được an lạc, mà trạng thái an lạc
cao nhất là Niết bàn. Thực hiện được bốn điều chân thật này trong cuộc
sống theo Phật dạy, chúng ta vừa làm lợi ích được cho cuộc đời, mà bản
thân mình không bị vật chất chi phối và tinh thần không bị khắc khoải,
phiền muộn. Có thể khẳng định rằng nguồn gốc của đạo đức Phật giáo phát
xuất từ pháp Tứ Thánh đế và tùy theo từng thời kỳ khác nhau mà pháp này
được triển khai, giảng dạy và ứng dụng khác nhau; nhưng không ngoài mục
tiêu nhằm chặn đứng nguyên nhân gây khổ đau và đưa đến cuộc sống an lạc
thật sự.
Muốn vượt thoát khổ đau, Phật dạy chúng ta phải biết rõ nguyên
nhân. Và muốn biết được nguyên nhân, hãy quán sát những hành động của
mình và những phản ứng của mọi người xung quanh đối với mình. Nếu mình
cư xử không tốt, nghĩa là có hành vi bất thiện trong cuộc sống, chắc
chắn người xung quanh không chấp nhận, dẫn đến tình trạng mình bị cô
lập và phải khổ đau. Nhất là những người đam mê tửu sắc thể hiện cuộc
sống bất thiện ở mức độ cao sẽ dễ dàng sa đọa vào con đường nghiện ngập
và tất nhiên bệnh hoạn, cho đến nhiễm HIV là điều không thể tránh khỏi.
Bệnh hoạn và cơn nghiện sẽ hành hạ thể xác lẫn tinh thần họ một cách
trầm trọng. Rõ ràng nhìn thực vào cuộc sống của những người tội lỗi
đáng thương này, họ hưởng thụ không được bao nhiêu mà cái quả phải trả
quá lớn. Vui ít, khổ nhiều là vậy. Vì thế, Phật dạy chúng ta thấy quả
khổ thì phải nhận ra cái nhân gây khổ và Ngài đưa ra một lời khuyên
ngắn gọn rằng “Không làm các việc ác”, nghĩa là muốn thoát khỏi khổ đau
thì cách duy nhất là không làm tất cả những việc đưa tới khổ đau và
phải nhận ra con đường dẫn đến an lạc. Và cuộc sống an lạc lớn nhất,
không bao giờ thay đổi là quả an lạc của chư Phật, chư Bồ tát, chư Hiền
Thánh, hay Niết bàn. Các Ngài không vướng bận với sở hữu vật chất như
nhà cửa, tiền bạc, địa vị, mà lúc nào cũng ung dung tự tại, vì sống
hoàn toàn sáng suốt, định tĩnh, giải thoát và làm lợi ích cho mọi người.
Vì thế, Phật khuyên chúng ta nên học theo, làm theo những việc mà
chư Phật, chư Bồ tát và Thánh Hiền đã làm; đó chính là con đường dẫn
đến cuộc sống an lạc trong hiện tại và trong tương lai. Bước theo dấu
chân các Ngài, Đức Phật dạy chúng ta phải nhìn thấu suốt sự thật của
cuộc đời này để không đam mê, không vướng mắc. Ngài đưa ra bốn cách
quán sát bản chất của mọi vật, mọi người, mọi việc ở thế giới Ta bà này
qua pháp Tứ niệm xứ quán, đó là quán thân bất tịnh, quán thọ thì khổ,
quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã. Nói cách khác, xem tất cả những
việc trên cuộc đời này không đáng quan tâm thì mình liền được an lạc.
Thật vậy, cái khổ của chúng ta chỉ vì quan tâm quá nhiều đến mọi thứ,
muốn làm đủ thứ, thậm chí quan tâm đến những thứ không cần quan tâm,
quan tâm đến những việc không thể làm được, nên mới khổ. Chỉ có ham
muốn vô lý làm cho người ta khổ. Phật dạy cách đơn giản nhất, chỉ cần
cắt bỏ được những ham muốn vô lý thì sống trong hoàn cảnh nào cũng được
an lạc.
Cắt bỏ được ham muốn vô lý, Phật dạy chúng ta nên tiếp tục cố
gắng giữ tâm định tĩnh, thanh thản trước mọi diễn biến của cuộc đời,
đừng để khởi lên bực tức, buồn phiền, tính toan hơn thua phải trái… Và
hơn thế nữa, nên khởi tâm từ bi để làm những việc lợi ích cho cuộc đời.
Được như vậy, nhiều người sẽ cảm mến đức hạnh của mình, phát tâm tu
theo và kết thành quyến thuộc Bồ đề của mình. Đó chính là quả an lạc
lớn nhất trong cuộc sống này và là hành trang đưa chúng ta đi đến những
cảnh giới an lạc thánh thiện trong mười phương Pháp giới. Thực hiện
được tinh thần Phật dạy như trên, chắc chắn tạo được nếp sống đạo đức,
an lạc cho bản thân, cho gia đình và cho cả xã hội.
Tóm lại, tinh ba của cuộc sống đạo đức theo Phật giáo đã được cha
ông chúng ta thể hiện sâu sắc trọn vẹn. Chư vị Thiền sư và vua quan
thời Lý Trần thật sự thể hiện tinh thần sáng suốt, vô ngã vị tha, dấn
thân vào đời, giữ vững nước nhà thái bình, thịnh vượng và giúp cho nhân
dân được sống an ổn, hạnh phúc. Hình ảnh và cuộc sống của các ngài vẫn
còn lưu danh thơm trong sử sách. Chúng tôi mong rằng ở thời đại văn
minh tiến bộ ngày nay, nếu Phật giáo không phát huy đạo đức xã hội cao
hơn, thì cũng phải bằng với thời cha ông chúng ta, để góp phần mở rộng
con đường an lạc cho đất nước chúng ta nói riêng và cho ngôi nhà chung
toàn cầu luôn ngời sáng tình thương, hiểu biết, hòa bình và phát triển
bền vững.
HT. Thích Trí Quảng (Theo Nguyệt san Giác Ngộ)
(Thep chuahoangphap.com.vn)