Tột cùng của cái Ác!


Tác giả: Nguyễn Văn Toàn
04/07/2012 09:32 (GMT+7)
Số lượt xem: 135534
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Kinh Phật từng dạy rằng: "Tột cùng của THIỆN, không gì hơn HIẾU. Tột cùng của ÁC, không gì hơn BẤT HIẾU".

Có một nguyên nhân rất quan trọng, đó là xã hội chúng ta phải tạo được công ăn việc làm để thanh niên đến tuổi lao động được định hướng nghề nghiệp, được đào tạo nghề, có việc làm, có nguồn thu nhập ổn định, hạn chế tình trạng cùng quẫn, đời sống khó khăn quá.

Kinh Phật từng dạy rằng: "Tột cùng của THIỆN, không gì hơn HIẾU. Tột cùng của ÁC, không gì hơn BẤT HIẾU". Nhưng liên tiếp trong mấy năm gần đây, các vụ án mạng ở Việt Nam mà hung thủ lại là những đứa con, dám cả gan giết chết cha mẹ ruột của mình ngày một nhiều, ngày một tàn nhẫn hơn, khiến không ít người có lương tâm, cảm thấy hoang mang lo sợ, vì sự băng hoại của nền tảng đạo đức xã hội.

Xuất hiện không ít... nghịch tử

Gương hiếu thảo thì đời nào cũng có. Trong xã hội ta hiện nay cũng vậy, có rất nhiều tấm gương sáng về lòng hiếu thảo đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Và dù không được lên báo chí, nhưng không ít người con đã chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ rất chu đáo, kĩ càng. Đây đã là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa.

Nhưng bên cạnh đó, xã hội chúng ta cũng đã bắt đầu xuất hiện không ít những tên nghịch tử, đại nghịch bất đạo, xem cha mẹ như cỏ rác và sẵn sàng đâm chết những đấng sinh thành ra mình chỉ vì những nguyên nhân rất ngây ngô, ngờ nghệch.

Chẳng hạn, ngày 31/1/2011, sau khi đi nhậu đám cưới, Võ Văn Sỹ (20 tuổi), ngụ xã Bình Khánh, Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục rủ cha là ông Võ Văn Mãnh (61 tuổi) uống rượu tại nhà. Khi uống với nhau được chừng nửa lít rượu, ông Mãnh khuyên Sỹ lo làm ăn, không bỏ nhà đi lang thang nữa, để còn tính chuyện vợ con.

Sỹ không những không nghe mà còn lớn tiếng cãi lại và bị cha mắng, đuổi ra khỏi nhà. Tức giận, Sỹ dùng búa đập nhiều nhát vào đầu ông Mãnh khiến nạn nhân chết ngay sau đó.

Ngày 03/02/2011, vì bị cấm mở nhạc hát karaoke với bạn bè, Nguyễn Văn Nhiệm (sinh năm 1991), trú tại xã An Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình đã rút dao đâm vào bố đẻ của mình là ông Nguyễn Văn Minh (sinh năm 1957) khiến ông Minh gục tại chỗ và tử vong ngay sau đó.

Ngày 20/6/2012, khi bị la mắng vì trộm lúa lấy tiền tiêu xài, Trần Đình Tri (18 tuổi), thôn Nhĩ Trung, xã Gio Thành, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đã điên cuồng giết mẹ ruột của mình là bà Trần Thị Anh. Tri không những đâm bà Anh 2 nhát ở bụng tại bếp, mà còn kéo xác mẹ mình ra nhà tắm và cứa thêm 5 nhát ở cổ rồi dựng hiện trường giả để mọi người lầm tưởng là mẹ mình tự tử.

Trước đó, vào ngày 26/3/2012, Nguyễn Trọng Linh (44 tuổi), ngụ huyện Đức Linh, Bình Thuận đã giết bà Thái Thị Quế (75 tuổi), mẹ ruột của y tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. Theo lời khai của Linh, trong lúc không kiềm chế được cơn bực tức do mâu thuẫn về tiền trả taxi, Linh đã lao vào bóp cổ và quơ con dao trên kệ bếp đâm vào người mẹ mình khiến nạn nhân chết ngay tại chỗ. Sau đó y kéo lê xác mẹ mình vào nhà vệ sinh.

Và mới đây, vào khoảng 3h sáng 24/6, tại số nhà 5 ngách 49/48 phố Thuý Lĩnh (phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội), ông Lưu Văn Dơi (SN 1962) và vợ là bà Nguyễn Thị Gái (SN 1963) đã bị sát hại một cách dã man.

Hung thủ của vụ thảm án không ai khác chính là Lưu Văn Thắng, con ruột của vợ chồng ông Dơi. Nguyên nhân vụ thảm án chỉ là do vì không xin được tiền để chơi lô đề và game online, lại bị bố mẹ mắng chửi, tên Thắng đã về nhà lấy dao và trèo tường vào nhà bố mẹ đẻ lúc nửa đêm để đâm chết họ.

Nghịch tử Võ Văn Sỹ khi nghe phán quyết tại tòa

Đạo lý phương Đông từ xa xưa, người con trai luôn phải lấy chữ "hiếu" làm đầu. Chẳng hạn ở Trung Hoa, "Nhị thập tứ hiếu" của Quách Cư Nghiệp đời Nguyên được xem là cuốn sách hay về những tấm gương hiếu thảo để truyền dạy cho hậu thế. Đến đời Gia Long của nước ta, khi giới thiệu truyện "Nhị Thập Tứ Hiếu", Lý Văn Phức cũng đã đề rằng:

Người tai mắt đứng trong trời đất,
Ai là không cha mẹ sinh thành,
Gương treo đất nghĩa trời kinh,
Ở sao cho xứng chút tình làm con.
Chữ hiếu niệm cho tròn một tiết
Thì suy ra trăm nết đều nên,
Chẳng xem thuở trước Thánh Hiền,
Thảo hai mươi bốn, thơm nghìn muôn thu.

Còn trong kho tàng văn hóa dân gian, người Việt Nam ta cũng có đến hàng trăm câu ca dao, tục ngữ nói về phận làm con. Chẳng hạn: "Đồng một khía cá buôi/Cũng mua cho được để nuôi mẹ già", "Đói lòng ăn đọt chà là/Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng", "Ví dầu con phụng bay qua/ Mẹ nói con gà con cũng nói theo", "Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Một lòng thờ mẹ kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con"...

Ngược lại, trong suy nghĩ của cha ông ta, nếu làm trai mà bất hiếu thì sẽ không còn xứng đáng đứng trong trời đất nữa. Bởi chữ "hiếu" tuy chỉ là một "tiết" nhưng trăm "nết" nên hay không là do cái "tiết" này quy định.

Thậm chí, nếu ai  phạm vào tội đại nghịch bất đạo như giết cha mẹ, ông bà, tôn thuộc thì xã hội sẽ không dung tha. Bởi tội giết cha mẹ, ông bà, tôn thuộc đã được xếp vào loại "thập ác" trong luật lệ của chế độ phong kiến khi xưa.

Còn đối với tư tưởng của Phật giáo, tội giết cha mẹ sẽ bị quả báo đời đời.

Chẳng hạn, khi tôn giả Mục Kiền Liên bị bọn cướp sát hại, các vị Tỳ kheo tiếc thương thưa hỏi Phật tổ vì sao một vị tu sĩ giới đức cao dầy phải chết thê thảm như thế. Đức Phật liền bảo: "Trong một tiền kiếp, Mục Kiền Liên có phạm tội giết cha mẹ, nên kiếp này trước khi nhập Niết bàn phải trả nốt quả báo xấu đó".

Số là kiếp xưa, cha mẹ Mục Kiền Liên đều mù lòa, sống nhờ con phụng dưỡng. Mục Kiền Liên thờ phụng cha mẹ rất hiếu thảo. Đến khi có vợ, Mục Kiền Liên nghe lời nói ra nói vào của vợ, mới dẫn cha mẹ vào rừng, đánh chết và dàn cảnh làm như 2 cụ già bị bọn cướp giết chết.

Vì tội ác đó, Mục Kiền Liên phải sa vào địa ngục A Tỳ trong nhiều đời; đến đời cuối cùng phải chết vào tay bọn cướp để đền tội ác. Và như một mẫu số chung, Thiên Chúa giáo cũng răn các con chiên của mình là phải "luôn thảo kính cha mẹ".

Nguyên nhân thực sự do đâu?

Trong lịch sử hiện đại cũng có không hiếm những tên nghịch tử nhẫn tâm sát hại cha mẹ mình.

Như vào năm 1986, tại Mỹ, cha mẹ bà Trần Lệ Xuân (vợ của Ngô Đình Nhu) được phát hiện bị bóp cổ đến chết tại ngôi nhà của họ ở Washington DC. Theo nhà chức trách, chính người em trai Trần Văn Khiêm của bà Trần Lệ Xuân đã giết cha mẹ với động cơ tranh chấp quyền thừa kế. Tuy nhiên, Trần Văn Khiêm lại được phát hiện bị tâm thần và y khẳng định trước tòa án rằng những kẻ theo chủ nghĩa Do Thái phục quốc đã giết cha mẹ ông ta.

Hay vào năm 1989, vợ chồng nhà Jose Menendez (Beverly Hills, California, Mỹ) được phát hiện bị chết bởi những phát đạn được bắn ra từ một khẩu súng cỡ nòng 12 ly. Nhưng mãi đến ngày 2/6/1996 tòa án mới đủ chứng cứ tuyên án tù chung thân 2 đứa con của họ là Lyle và Erik về "tội giết người và câu kết giết người để chiếm đoạt tài sản của bố mẹ đẻ".

Nhưng điều đáng nói là những vụ án hình sự loại này ở Việt Nam mới chỉ xuất hiện và bùng phát 2 năm trở lại đây. Vậy nguyên nhân do đâu?

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: "Nguyên nhân trực tiếp của hiện tượng này chính là từ sự giáo dục không chu đáo của gia đình và các cơ sở giáo dục đối với những thanh niên đó. Người xưa đã có câu: "Nhân bất học bất tri lý". Khi không được giáo dục thì những thanh niên đó nhận thức các vấn đề kém. Từ đó có thể dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng".

Còn theo thiển nghĩ của cá nhân người viết bài, nếu nói theo một hệ thống nguyên nhân thì bước đầu có 3 nguyên nhân sau:

1. Gia đình, nhà trường, và các đoàn thể xã hội thanh, thiếu niên đã ...thả nổi việc giáo dục đạo đức cho lứa tuổi này. Nhiều người trẻ tuổi không những không được dạy dỗ đến nơi đến chốn, mà còn bị lôi cuốn vào những hành vi hư hỏng bởi bạn bè xấu.

2. Một số thanh thiếu niên quen hưởng thụ, lười biếng, ảnh hưởng lối sống không lành mạnh thông qua các ấn phẩm "phi văn hóa" đã bất chấp thủ đoạn, thậm chí sẵn sàng gây tội ác để kiếm tiền, đáp ứng nhu cầu bản thân.

3. Chênh lệch giàu nghèo quá lớn khiến cho 1 bộ phận thanh thiếu niên nghèo khổ bất mãn với cha mẹ, coi thường và oán hận cha mẹ. Khi những nhu cầu hưởng thụ vật chất không được đáp ứng và thỏa mãn cho "bằng bạn bằng bè" , loại đối tượng này dồn nén sự hụt hẫng và bị ức chế về tâm lý rất mạnh.

Mặt khác, khi có tác động bởi các kích thích như: Lời mắng chửi, bia rượu, tính sĩ diện trước bạn bè, thói quen bạo lực... , thì họ dễ có hành vi chống đối lại cha mẹ. Các vụ án cha mẹ bị con cái giết cho thấy đều có xuất phát tâm lý từ những chất xúc tác này.

"Nhàn cư vi..." và ...việc làm

Cha ông ta từ xa xưa đã tổng kết: "Nhàn cư vi bất thiện", cấm có sai. Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tội ác, có 1 nguyên nhân, thủ phạm thường là kẻ "vô công rồi nghề", nghèo túng, dẫn đến làm liều.

Cha ông ta từ xa xưa đã có tổng kết:"Nhàn cư vi bất thiện", cấm có sai. Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tội ác, có 1 nguyên nhân, thủ phạm thường là kẻ "vô công rồi nghề", nghèo túng, dẫn đến làm liều.

Việc xử lý những vụ phạm tội, ở Việt Nam hệ thống pháp luật đã đủ các chế tài, các biện pháp để xử lý. Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho rằng, để phòng ngừa tội ác thì đầu tiên, phải "tăng cường giáo dục cho học sinh từ tiểu học, trung học đến đại học. Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị - xã hội như Đoàn Thanh niên, phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc, công đoàn... phải vào cuộc, quan tâm đến giáo dục thế hệ trẻ".

Nhưng có một nguyên nhân rất quan trọng, đó là xã hội chúng ta phải tạo được công ăn việc làm để thanh niên đến tuổi lao động được định hướng nghề nghiệp, được đào tạo nghề, có việc làm, có nguồn thu nhập ổn định, hạn chế tình trạng cùng quẫn, đời sống khó khăn quá.

Ngoài ra, không nên tạo áp lực, xung đột trong học đường, trong gia đình, ngăn chặn những phim ảnh, trò chơi bạo lực... gây kích động về lối sống không lành mạnh cho giới trẻ.

Ông Đỗ Mạnh Hùng cũng cho rằng: "Nguyên tắc giáo dục là phải kết hợp 3 môi trường: Gia đình - nhà trường - xã hội. Nếu chỉ có giải pháp đơn thuần từ ngành giáo dục hay văn hóa thì cũng không tạo ra được sức mạnh tổng hợp và sự kết hợp đó phải được điều hành dưới vai trò của UBND các cấp thì mới mong giải quyết tận gốc hiện tượng xã hội này".

Còn cá nhân người viết chỉ mong mỏi 1 điều: Mong sao những biện pháp nói trên có thể làm cho con cái ai cũng thảo kính với cha mẹ như 1 bổn phận làm người. Như câu: "Tu đâu không bằng tu nhà. Thờ cha kính mẹ mới là chân tu", để xã hội yên bình, tương lai phát triển và thế gian không lặp lại những tội ác dã man trời đất bất dung, người người phẫn nộ.

http://tuanvietnam.net/2012-07-02-tot-cung-cua-cai-ac-


Âm lịch

Ảnh đẹp