Chiều ngày 18/07/2011, Tại Thiền Tôn Phật Quang (BRVT) đã
diễn ra buổi Pháp thoại do TT.Thích Chân Quang đảm trách, dành cho hơn
200 Cán bộ - Công nhân viên Công ty TNHH sản xuất dầu nhớt Phúc Thành có
yêu cầu được thính Pháp.
Ngoài ra còn có Chư tôn đức Tăng Ni các tự viện, hơn 500 Phật
tử các nơi và hơn 200 em học sinh tham gia khóa sinh hoạt hè tại Thiền
Tôn Phật Quang đồng tham dự.
Được biết, công TNHH sản xuất dầu nhớt Phúc Thành được thành lập
năm 1992, có trụ sở chính đặt tại Cần Thơ và một chi nhánh tại thành phố
Hồ Chí Minh. Qua 20 năm có mặt trên thị trường, với trên 20 mặt hàng
dầu nhớt các loại, mang thương hiệu NIKKO. Hiện nay huy tín thương hiệu
đã được khẳng định trên thị trường.
Mở đầu buổi Pháp thoại, cô Mai Thanh Diệu – Chủ tịch HĐQT công ty
Phúc Thành thay mặt cho nhân viên phát biểu thật cảm động. Cô nói bằng
cả trái tim của mình, nên nước mắt giọt ngắn giọt dài tuôn theo với từng
ý nghĩ. Cô trình bày những bức xúc, lo toan chung quanh hoạt động kinh
doanh mà điểm nhấn là “Cuộc sống của doanh nhân luôn chứa đựng bao khó
khăn, bất trắc, rủi ro. Doanh nhân phải lo xử lý biết bao vấn đề của
doanh nghiệp, xã hội và của chính mình”.
Vì vậy, để lấy lại sự quân bình của cuộc sống, để có được bình an
sau những giờ, những ngày làm việc căng thẳng, mệt nhọc. Với mong muốn
cho anh em trong công ty được viếng chùa và được nghe những lời dạy bảo
của Thượng tọa Trụ trì. Nhìn lại cuộc đời mình là một quảng đường dài
với biết bao thăng trầm khổ cực nên chúng con rất thấm thía câu dân gian
thường nói “Tu là cội phúc, đời là khổ đau”.
Nếu giáo Pháp của Phật mà chúng con thấm nhuần rồi thì đó là điểm
tựa tinh thần để vượt qua bao khổ đau, mọi phiền toái của cuộc đời. Đó
như cái phao cứu vớt tâm hồn chúng con ra khỏi biển khổ trần ai này. Đây
là lý do mà hôm nay con tạo mọi điều kiện cho anh em trong công ty được
nghe Giáo Pháp của Phật. Qua lời dạy của Thượng tọa, chúng con được
thấm nhuần đạo Pháp. Mong rằng sau thời Pháp thoại này, tâm hồn chúng
con an vui, hạnh phúc hơn và sẽ giải thoát trong tương lai. Đây là món
quà mà trong suốt hơn 20 năm dẫn đường - anh chị em đã gắn bó cùng đi
với công ty - con xin kính tặng cho những người đồng hành với mình.
Thật bất ngờ khi thính chúng bắt gặp hình ảnh một doanh nhân thành
công trên đường sự nghiệp lại khát khao Phật pháp, muốn tìm điểm tựa tâm
linh nơi đạo Phật, nhằm giúp họ có niềm tin và hạnh phúc hơn trong cuộc
sống. Những tràng pháo tay vang dội như tán dương tấm gương một người
chủ tốt đã chăm lo cho nhân viên của mình từ đời sống vật chất đến tinh
thần, sau lời phát biểu của cô Mai Thanh Diệu.
Một cách tổng quát, TT.Thích Chân Quang trình bày “Thông thường
trong cuộc sống chúng ta có 2 cộng đồng quan trọng, đó là gia đình của
ta và cộng đồng mưu sinh. Và sự bền vững, thành công của công ty cũng
chính là sự tồn tại, thành công của đời sống mưu sinh riêng cho gia đình
mình”.
Thượng tọa đặc vấn đề khi nào ta được hạnh phúc trong công việc của
mình và phân tích 4 yếu tố để một người trong công ty được hạnh phúc,
đó là:
1/ Ta được người chủ tốt.
2/ Công việc ta làm, ta cảm thấy ưa thích.
3/ Thu nhập tương đối.
4/ Có được những đồng nghiệp vui vẻ hòa thuận.
Nếu ai có đủ 4 điều này trong khi đi tìm sự mưu sinh thì họ thật sự hạnh phúc, may mắn. Đây là cái phước của mỗi người.
Người chủ tốt phải là người thương yêu được nhân viên của mình.
Điều này không phải do luật pháp bắt buộc, hay công đoàn gây sức ép,
hoặc dư luận buộc phải như thế, v.v… mà là đạo đức tự nhiên của người
chủ. Khi họ chịu trách nhiệm với bao nhiêu con người này, họ cảm thấy họ
phải yêu thương những con người như thế. Vì đây là những người đã cùng
với họ tạo nên sự thành công cho doanh nghiệp.
Thượng tọa nhấn mạnh « Người bản lĩnh trên cuộc đời này, không phải
là làm công việc mình yêu thích mà phải yêu công việc mình đang làm ».
Nên hiểu rằng đợi công việc mình yêu, nó sẽ không bao giờ tới khi mình
đã phụ bạc nó. Còn nếu với bất cứ công việc gì trên đời này là lương
thiện, mình điều yêu nó để làm thì không bao giờ mình mất việc nữa.
Thu nhập ta có được lệ thuộc vào phước chung của công ty. Nếu mọi
người đều có phước, công ty làm có lãi, người chủ thương nhân viên, nên
ấn định mức lương hợp lý thì xem như ta may mắn.
Giữa người chủ và nhân viên cần đặt mình vào vị trí của nhau thì sẽ có sự đồng cảm, hòa thuận.
Khi ta hiểu rằng hạnh phúc của người đi làm phải có 4 điều đó, vậy bây giờ ta phải làm gì?
1/ Nếu ta là chủ thì hãy xin là người chủ tốt.
Những ai đang làm chủ, những ai tương lai sẽ làm chủ hãy suy gẫm
thêm về điều này « Khi ta làm chủ, ta hãy là người bạn, người thầy của
nhân viên mình, để ta đem thêm được hạnh phúc cho những người đang phục
vụ cho cơ quan, cho công ty của mình vì hạnh phúc của nhân viên là có
một người chủ tốt ».
2/ Nếu ta là nhân viên thì hãy là một nhân viên trung thành và có
trách nhiệm với công ty. Không đứng núi này trông núi nọ, không bao giờ
làm điều gì tổn hại đến người chủ của mình. Đây là đạo đức tự nhiên của
cuộc sống, không cần xét lại. Bởi vì khi mà có mối liên hệ giữa người
chỉ huy và người thừa hành thì ta phải trung thành với nhau. Chỉ tiếc
rằng, cái đạo đức đó trong thời đại hôm nay ít nghe nhắc đến, nên con
người ta đối xử với nhau chỉ trên tương quan quyền lợi. Nơi nào có lợi
thì tìm đến, ngược lại thì ta bỏ đi, nên con người sống thực dụng và tầm
thường.
Ngoài ra, một người nhân viên trung thành tận tụy, đầy trách nhiệm,
còn là đạo đức đối với cả đất nước này nữa, chứ không phải chỉ với
người chủ hay với công ty. Thấy như là vị trí hay công việc của người
nhân viên là nhỏ nhưng từng những cái nhỏ của họ đã góp phần vào đại
cuộc của quốc gia. Người nào sống được vậy thì xem như là một công nhân
nhỏ mang một trái tim rất lớn. Nếu vậy ta tin chắc một điều, là người
này rất hạnh phúc vì họ có được phần thưởng từ nơi cái nhìn lớn và trái
tim lớn đó.
Thượng tọa đề cao sự trung thành « Nếu là nhân viên thì hãy là một
nhân viên trung thành, vì sự trung thành của ta nó tạo thành đến 3 đạo
đức: một là đạo đức đối với người chủ, một đạo đức đối với tập thể công
ty và một đạo đức khác là trách nhiệm đối với cả đất nước mình. Do đó hễ
ta là nhân viên trung thành rồi thì phước ta rất lớn.
3/ Nếu là đồng nghiệp thì hãy là đồng nghiệp hòa thuận, vui vẻ,
đừng hiềm khích, đừng ganh tỵ, không nói xấu sau lưng, không chia bè
phái. Nên nhớ công việc của một người nó có liên hệ tương tác với những
người khác trong công ty. Khi phải tiếp xúc với nhau thì thái độ giao
tiếp trở thành một cái đạo đức quan trọng.
4/ Hãy yêu thích công việc của mình và ta sẽ hạnh phúc vì điều đó.
Sở dĩ con người không bình đẳng vì phước con người sai biệt nhau.
Người phước nhiều thì ở đẳng cấp trên, ngược lại người ít phước hơn thì ở
đẳng cấp dưới. Ta hiểu vậy, để thay đổi thân phận, ta phải làm phước.
Tuy nhiên phước thế gian không bền, cứ xoay dần thay đổi mãi. Nhưng có
một cõi tâm linh trong thiền định, đó là nơi mọi người tìm thấy được sự
bình yên và bình đẳng với nhau.
Nơi cái công ty, tuy rằng ta cố gắng xây dựng hạnh phúc cho nhau
bởi 4 điều trên nhưng nó chưa bao giờ là hạnh phúc trọn vẹn nếu mọi
người chưa biết đi vào cõi tâm linh giác ngộ. Do đó thượng tọa khuyến
khích Lãnh đạo công ty hãy đem đạo đức tâm linh vào trong nội bộ của
mình để cùng nhau tu tập. Khi con người lắng được trong THIỀN thì nó
phát sinh ra hiệu quả trong cuộc sống, trong công việc và cả trong kinh
tế.
Tuy nhiên, khai thác THIỀN để đi tìm hiệu quả cao trong các khía
cạnh kinh tế, nó hơi nhầm lẫn. Nhưng ta thông cảm vì con người vốn cần
sự phát triển kinh tế. Còn mục tiêu chân chánh là con người phải THIỀN
để bình đẳng nhau, để yêu thương nhau, để diệt trừ bản ngã và đau khổ
cho đời mình. Đây còn là yếu tố thứ năm của hạnh phúc công ty. Là cái ân
nghĩa rất lớn, công đức rất lớn của người Lãnh đạo đối với nhân viên
của mình. Hiện có một số công ty ở Hàn Quốc, Ấn Độ, họ cho nhân viên tập
THIỀN rồi mới bắt đầu đi làm việc, vì thấy được công năng và lợi ích
của THIỀN.
May mắn thay công ty TNHH sản xuất dầu nhớt Phúc Thành có người chủ
biết yêu thương nhân viên mình thật tâm nên Thượng tọa mạnh dạn đề nghị
hãy đem THIỀN ĐỊNH vào công ty để mọi người được hạnh phúc hơn.
Tiếp theo Thượng tọa cũng phân tích trên quan điểm nhân quả, tại
sao sản phẩm ta làm ra, sáng kiến ta đưa ra lại được sự tiêu thụ, đón
nhận nhiệt tình của khách hàng, của đối tác? Và khuyến khích mọi người
làm phước « Khi ta hiều đạo rồi thì từng ngày đi qua phải là từng ngày
làm phước. Ta có 2 cách tạo phước:
1/ Tạo phước trong công việc: trong công việc ta làm tận tụy, đầy trách nhiệm.
2/ Tạo phước ngoài công việc: bằng những hoạt động từ thiện, giúp đỡ mọi người chung quanh mình.
Cuối cùng, Thượng tọa kết luận, bất cứ ở vị trí nào (người chủ hay
nhân viên), tâm ta cũng có 2 điều để hướng về, đó là « Dù làm việc gì
cũng biết rằng góp phần xây dựng đất nước và dù làm bất cứ việc gì, dù
bận rộn cỡ nào, vẫn hiều rằng ta còn một cõi để sống để đi vào, đó là
tâm linh thiền định ».
Thời Pháp kết thúc trong sự hoan hỷ và cảm ơn nhiệt tình của Lãnh
đạo công ty. Mặc dù trời mưa to, nhưng khung cảnh thuyết Pháp vẫn trang
nghiêm trong sự chú ý lắng nghe của hội chúng.
Dưới đây là hình ảnh của quang cảnh buổi Pháp thoại dành cho doanh nhân:
http://www.phattuvietnam.net