Với hàng loạt cuộc hội thảo tầm cỡ tại các tỉnh, thành: Hải Phòng, Đà Nẵng, Kiên Giang và Bình Dương… , ngành hoằng pháp đã mở ra vận hội mới đầy sáng sủa, làm nức lòng những ai hằng ưu tư đến con đường truyền bá giáo lý Đức Phật trong giai đoạn Phật giáo nước nhà đang phải đối diện với nhiều vấn đề xã hội gai góc, trong đó không loại trừ những phát sinh nội tại.
Chuyến công tác của đoàn Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội vào hạ tuần tháng 6 vừa qua tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ được xem là cơ hội để các nhà hoạt động hoằng pháp có cái nhìn toàn cục rút tỉa từ thực tế trần trụi nhưng không kém phần sinh động của ngành mũi nhọn này.
Chuyến công tác của đoàn Ban Hoằng pháp
Trung ương Giáo hội đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Ảnh : Bảo Toàn
Thực tế đó chính là sau hàng bao nhiêu năm, bao nhiêu nhiệm kỳ hoạt động, đến bây giờ chúng ta mới giật mình nhận ra sự thiếu vắng trầm trọng việc gắn kết đương nhiên giữa ngành Trung ương với các địa phương. Cảm nhận đó cũng đủ làm trĩu nặng tâm tư các thành viên trong đoàn công tác, giữa thời điểm không còn bao lâu nữa nhiệm kỳ VI sẽ kết thúc, mà các nghị quyết và chương trình hoạt động mang tầm vĩ mô của Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội được đề ra từ đầu nhiệm kỳ thậm chí có nhiều đề mục đến nay vẫn còn chưa kịp mang ra bàn thảo thực hiện.
Bước tiến ì ạch trong sự vận hành guồng máy nhằm mục tiêu làm mới giáo lý Đức Phật phổ cập vào đời sống xã hội cho thấy sự chênh lệch khá xa so với những thay đổi cực nhanh của thời đại. Sứ mệnh tuyên lưu giáo pháp vi diệu của Đức Thế Tôn trong việc góp phần hoàn thiện một cõi thế an vui rõ ràng đã chưa được chúng ta xem trọng từ những vấn đề căn cơ nhất.
Năm ngày đi qua 13 tỉnh thành, đấy gần như là một chuyến “cưỡi ngựa xem hoa” mang tính chỉ tiêu với áp lực thời gian khá căng thẳng. Tất cả những nơi mà đoàn đi qua, cảm nhận rõ nét nhất, tạo được sự tin cậy vững vàng nhất là hình ảnh đông đảo chư Tăng Ni tu học nghiêm túc tại các đạo tràng an cư.
Vẻ chân chất mộc mạc - phong thái rất riêng của người miền Tây thể hiện nét chân tình hiếu khách qua trao đổi, luận bàn về Phật sự hoặc chuyện phiếm bên lề. Nó không cầu kỳ, câu nệ theo khuôn sáo nhưng không thiếu phần lễ nghi xuất phát từ lòng quý mến kính trọng của đại bộ phận người dân miền sông nước, nơi xuất thân nhiều thế hệ chư tôn thạc đức tiền bối trong giai đoạn chấn hưng Phật giáo Việt Nam như: Tổ Khánh Anh, Khánh Hòa, HT.Thích Thiện Hoa… và hàng giáo phẩm đang kế tục lãnh đạo Giáo hội như: HT.Thích Trí Tịnh, HT.Thích Từ Nhơn… và bao vị cao tăng khác làm rạng rỡ cả vùng đất Nam Bộ một thời.
Trên lộ trình đoàn đi qua, đến đâu cũng được Ban Trị sự Phật giáo địa phương đón tiếp ân cần trong tinh thần pháp lữ, được nghe và tận mắt chứng kiến sinh hoạt của hạ trường với góc nhìn cảm thông và chia sẻ. Những yêu cầu đầy bức thiết từ hoàn cảnh riêng biệt của từng địa phương được gửi gắm với lòng tin cậy vào trách nhiệm hướng dẫn của các bậc đống lương trong Phật pháp.
“Đi để thấy, đến để tin”. Thật vậy, nếu chỉ nhìn vào những con số khô khan, lạnh lùng thể hiện trong các báo cáo kết quả an cư kiết hạ hàng năm của các tỉnh, thành, hẳn chúng ta sẽ tự làm an lòng mình rằng, sinh hoạt Phật giáo vẫn tuần tự nhi tiến.
Thật tội nghiệp, trong việc tự ru ngủ mình, chúng ta đã không hề biết rằng, rất nhiều đồng đạo của chúng ta ở các ngôi chùa xiêu vẹo tận vùng sâu, vùng xa heo hút miền biên địa thiếu thốn, kham khổ trong đời sống vật chất nhưng tâm niệm vẫn thú hướng về cứu cánh của đời sống giải thoát, tu tập miên mật dưới mái đạo tràng của đoàn thể Phật giáo địa phương mỗi dịp an cư.
Gương sáng trong tu học của người đồng đạo kia lẽ nào không giúp chúng ta tự soi rọi lại bản thân để từ đó có những bước điều chỉnh kịp thời, nhằm trợ duyên cho họ trên lộ trình đến bảo sở hay sao? Và còn nữa, trách nhiệm của những người làm công tác hoằng pháp đến đâu trước đông đảo những Phật tử vùng quê nghèo lam lũ đang ngày đêm khát ngưỡng bầu sữa giáo pháp Như Lai?
Ngày nay, phương tiện giao thông nối các vùng miền đã có nhiều thuận lợi, cùng với thành tựu khoa học kỹ thuật đã lấp đầy những khoảng cách địa lý, giúp con người có chiều hướng gần nhau hơn.
Giữa những trăn trở chung, chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo địa phương đã bày tỏ với các thành viên trong đoàn về sứ mệnh phụng sự đạo pháp và phục vụ nhân sinh do tổ chức Giáo hội giao phó, cần có những động thái tích cực hơn trong thời điểm đang phải đối mặt với nhiều thuận lợi nhưng cũng lắm khó khăn về xây dựng tổ chức, củng cố sức mạnh nội tại để có thể hướng dẫn người Phật tử tại gia tu tập theo đúng tinh thần đạo Phật.
Nhiều cuộc hội thảo về hoằng pháp, hướng dẫn Phật tử, các khóa bồi dưỡng kiến thức trụ trì đã và đang được tiếp tục mở ra nhằm mục đích chọn lựa một mô hình phù hợp cho con đường phát triển Phật giáo ở thế kỷ 21. Tất cả Tăng Ni, Phật tử đang mong mỏi ngành hoằng pháp không chỉ có những hội thảo về mặt hình thức quy mô, mà chính yếu cần có những đòn bẩy có tác dụng tích cực, thiết thực trong bối cảnh xã hội đang diễn biến việc lôi kéo tín đồ “cải đạo” ở hầu khắp các địa phương trong cả nước.
TT. Thích Nhật Tấn, Trưởng ban Trị sự PG tỉnh Bến Tre đã nửa đùa nửa thật nói với chúng tôi: “... Trong suốt 22 mùa an cư, đây là lần đầu tiên Phật giáo tỉnh Bến Tre được đón tiếp đoàn Ban Hoằng pháp Trung ương đến thăm. Ngoài tinh thần pháp lữ, đây còn là sự động viên Tăng Ni trong sinh hoạt Phật sự tại tỉnh nhà, thể hiện mối tương quan tương duyên của những người xuất gia trong Chánh pháp. Sự thiếu vắng thăm hỏi, động viên trong nhiều năm qua của Ban Hoằng pháp quả thật đã để lại trong lòng Tăng Ni Bến Tre một khoảng trống, đồng nghĩa với sự thiếu quan tâm đến hoạt động Phật giáo cơ sở...”.
Tâm tình chia sẻ vừa hoan hỷ nhưng cũng vừa như trách móc của vị tôn đức lãnh đạo Phật giáo địa phương cũng chính là tâm tư chung của Phật giáo các tỉnh thành mà chúng tôi có dịp được lắng nghe.
Một số Tăng Ni tỏ ra bức xúc trước các vấn nạn xã hội, đặc biệt là sự tha hóa về đạo đức đã bày tỏ thẳng thắn: “... Chúng ta thường cho rằng 80, 90% dân chúng Việt Nam đều thờ tổ, thờ Phật, là Phật tử. Vậy thì Phật giáo chịu trách nhiệm đến đâu về tình hình tham nhũng, trộm cắp, bạo lực, lừa đảo, phá hoại môi trường, vọng ngoại, tiếp thu văn hóa vật chất nước ngoài không chọn lọc, trái với văn hóa đạo đức truyền thống dân tộc…Trong hoàn cảnh như vậy, Phật giáo cần phải làm gì để góp phần cùng với cộng đồng hạn chế tình hình xã hội đáng lo ngại ấy…?”.
Quý Hòa thượng, Thượng tọa Phó ban đã thay nhau phát biểu động viên chư Tăng Ni an cư, qua đó đặc biệt nhấn mạnh nét nổi bật về vai trò nhiệm vụ mà người xuất gia hướng tới trong việc đưa đạo Phật đến với mọi người, xem giáo lý đạo Phật như là một phương pháp trị liệu, cần được phổ biến rộng khắp để ai cũng có thể hiểu được và vận dụng dễ dàng trong đời sống.
Muốn thực hiện được điều này, các tỉnh thành hội Phật giáo phải vận động một cách linh hoạt nhằm đào tạo có hệ thống một lực lượng hoằng pháp viên là những cư sĩ Phật tử ở từng địa phương, góp sức cùng với chư Tăng Ni tỉnh nhà làm nhiệm vụ truyền bá giáo lý đạo Phật. Ban Hoằng pháp Trung ương qua diễn đàn hội thảo tại các khu vực đều có đề cập nhưng chưa cụ thể hóa thành hiện thực để có thể đáp ứng nhu cầu hoằng pháp hiện nay.
Hy vọng từ những chuyến đi thực tế của các ban ngành Trung ương Giáo hội, trong đó có Ban Hoằng pháp, sẽ tạo nên nhiều chuyển biến tích cực, thúc đẩy các hoạt động vị nhân sinh mang hơi thở nền giáo lý nhân bản của Đức Phật được hiện thực hóa trong đời sống, để ai cũng có thể tu tập, hành trì theo lời Phật dạy, xây dựng cho mình và cho người sự bình an vững chãi...
Thích Thiện Bả
o