Là một người “mộ” đạo Phật từ nhỏ, khi
được lên TP.HCM học tập, mỗi dịp cuối tuần tôi thường tìm đến chùa
Hoằng Pháp để mở mang hiểu biết vì Phật pháp luôn mở ra một vùng trời an
lạc và hạnh phúc.
Biết sắp đến ngày đăng ký Khóa tu dành cho tuổi trẻ, lòng tôi rất háo
hức muốn tham gia, nhưng chợt nghĩ đến công việc của những người làm
công quả, trong đầu tôi hiện lên những câu hỏi: Họ là ai? Họ làm gì? Và
họ được gì...?
Tôi quyết định vào chùa xin làm công quả Khóa tu, tạm gác bỏ mọi việc
bên ngoài, dành 9 ngày để trải nghiệm học hỏi công việc của người làm
công quả.
Các bạn trẻ cảm thấy có rất nhiều điều
để học hỏi sau khi vào làm công quả trong chùa (ảnh các bạn trẻ đang làm
công quả tại chùa Hoằng Pháp - TP.HCM)
Tôi xin phép ba mẹ lên chùa Hoằng Pháp
tham gia khóa tu, không dám nói làm công quả, sợ ba mẹ lo lắng. Vì bản
thân tôi công việc nhà không biết, làm sao làm việc phục vụ ai. Nhưng đã
mang trong lòng quyết tâm giúp đỡ người học đạo thì không ngăn ngại.
Tôi được quý thầy phân công làm công
việc ở trai đường, không khó khăn, không cực khổ, lại thấy hồ hởi khi
một đội ngũ cô chú và các bạn trẻ như tôi đều lấy nụ cười kết tình cảm,
tìm hiểu nhau rồi thành “đồng nghiệp”.
Công việc ở trai đường buộc phải thức
khuya dậy sớm, trên người lúc nào cũng có mùi dầu mỡ; dụng cụ hỗ trợ cho
công việc là một tạp dề, một cái nón lưới và một cái khẩu trang, thiếu
cái nào cũng không được. Lần đầu mặc tôi thấy mình ngố ngố, lạ lẫm nhưng
dần cũng thấy quen thuộc với nó.
Buổi sáng đầu tiên, 4h30 khi tiếng
chuông vang lên báo thức cho các khóa sinh dậy tụng kinh sáng, tôi cứ
nghĩ mình là người dậy sớm nhất xuống trai đường. Nhưng kinh ngạc khi
thấy tất cả đồ ăn sáng từ rau củ quả của ngày hôm qua đều biến thành
thức ăn ngon.
Nhiệm vụ của tôi chỉ là bưng thức ăn
lên bàn, chạy hết đầu này đến đầu kia, sắp chén đũa ngay ngắn, bưng
những bát canh nóng phỏng cả tay, chân mỏi nhừ! Nhìn vào bếp, quý thầy
và các cô chú tất bật với bếp lửa bên những nồi cơm hàng yến gạo, mồ hôi
ra như tắm nhưng ai cũng tìm được niềm vui trong công việc bằng nụ cười
an lạc, sự hỏi thăm qua lại quan tâm nhau, bao mệt mỏi cũng tan biến...
Để đáp ứng đủ nhu cầu cho các Phật tử về chùa tu học, rất nhiều người tình nguyện vào chùa Hoằng Pháp để làm công quả
Vì muốn các bạn có bữa cơm ngon đúng
giờ, nên những người làm công quả phải thức khuya lo sắp xếp mọi thứ
trên bàn ngay ngắn, bưng cơm canh nóng rồi phải lấy nắp đậy giữ hơi
nóng. Ở nhà trọ, tôi không chu đáo được như vậy, làm việc gì cũng qua
loa. Khi nồi canh đem ra, hơi nóng bốc lên làm mờ cặp kính cận của tôi;
tay chân, quần áo dính dầu mỡ không hay. Nhưng học hỏi được nhiều điều
như vậy tôi thấy rất hào hứng.
Sáng phải thức sớm đói bụng lắm nhưng
phải chờ các bạn ăn trước. Lúc đó nhìn mấy bạn ăn mà sao thấy mình vĩ
đại quá, y như người mẹ chăm sóc con cái vậy! Nhìn các bạn ăn mà thấy
vui thay, và hạnh phúc là khi mình biết cho đi bao công sức mồ hôi của
mình mà không hề mong nhận lại.
Khi các bạn ăn xong thì đội ngũ công
quả chúng tôi bắt tay vào dọn dẹp, lấy chén đũa, thức ăn thừa. Hai bàn
tay tôi trở nên thành thạo và chuyên nghiệp. Ba mẹ mà biết con gái mình
học được vậy chắc vui lắm: lau bàn, sắp chén trong chớp mắt thôi thì đã
ngăn nắp như cũ lại rồi, xếp ghế lại, lau sàn nhà xong rồi mới vào ăn
cơm.
Vốn không quen ăn thức ăn lạnh, nhưng
từ khi vào đây tôi bắt đầu nghĩ "có ăn là tốt rồi còn đòi hỏi gì!" Bắt
đầu xếp chân lên ghế ngồi ăn ngon lành, bỗng nghe lời hỏi thăm “Con ăn
ngon không?” Ngửa đầu lên, tôi thấy một nụ cười an lạc của thầy thấy ấm
áp ngon miệng hẳn ra.
Ăn xong rồi tiếp tục sắp xếp lại chén
đĩa, lúc đó tôi lỡ làm rơi một cái chén và nhặt để lại thì nghe cô nói
giọng nhẹ nhàng, bàn tay ấm áp chai sần “Dơ rồi, con lấy cái khác đi,
không được cho dính dơ dù một hạt bụi con à!”. Tôi liền thay cái khác,
luôn muốn cho các bạn những cái tốt nhất, ăn những thứ ngon nhất, cống
hiến trong thầm kín, không than thở, không kể khổ, chỉ mong các bạn có
sức khỏe để tu học tốt hơn.
Trong tâm hồn tôi rất an lạc, bỗng
chốc quên đi cuộc sống căng thẳng, mệt mỏi bên ngoài, và thấy quyết định
làm công quả của mình là đúng đắn. Có những kỷ niệm mà tôi không thể
nào quên. Nếu các bạn nhìn được cảnh này chắc phải biết ơn những người
công quả nhiều lắm!
Có những buổi trưa trời nóng bức, mọi
người tập trung ra sân nướng cà từng trái, từng trái, bếp than nóng kinh
khủng. Đến khi chín thì để ra mâm lột. Hai bàn tay tôi nóng không chịu
nổi, nhưng ai cũng không bỏ cuộc, người thì ngồi quạt bếp, gió thổi
những tia lửa rơi vào người làm quần áo cháy lỗ chỗ, mặt mày lọ lem nhìn
nhau cười rồi vui vẻ nhận một chén nước chanh mát lạnh.
Đến thời thuyết pháp ai cũng muốn được
nghe pháp, nhưng phải có trách nhiệm vì chưa xong công việc nên vừa làm
vừa cố gắng nghe ké, hễ rảnh tay một chút là chạy đi nghe pháp rồi chạy
xuống làm tiếp.
Các bạn tôi ai cũng đăng ký vào tu
học, chỉ có tôi làm công quả, nhưng tôi thấy mình học hỏi được nhiều,
trải nghiệm những vất vả, miệt mài của những người cống hiến trong khóa
tu. Mọi thứ cho các bạn tu học đều đủ, nhất là cơm nước, thà dư chứ
không để thiếu.
Nếu thức ăn các bạn ăn không đủ thì
những người công quả phải ăn mì. Sau khi tất cả mọi người đã ăn xong
thức ăn còn dư sẽ để lên xe đẩy ra ngoài đường đi từng nhà cho cơm.
Đây cũng là kỷ niệm khó quên trong
cuộc đời tôi khi cho ba, bốn rổ cơm trắng to đùng vào bịch xốp, xung
phong đẩy xe đi cùng với một người bạn và một chú tập sự xuất gia. Lúc
ấy khoảng 7h tối, trời mưa lâm râm đủ ướt áo, đẩy thức ăn đi trong mưa,
vừa cất tiếng gọi “Cô chú nào ăn cơm không ra lấy cơm nè!” Hết một vài
bịch, giọng nhẹ nhàng cười nói “Cô lấy thêm đi! Để sáng ăn, đỡ tốn
tiền”.
Để có đủ đồ ăn và thức uống cho Phật
tử, những người làm công quả phải thức khuya dậy sớm để chuẩn bị (ảnh
Phật tử tu học tại chùa Hoằng Pháp - TP HCM)
Nhận được một lời cảm ơn và một nụ
cười, bao nhiêu lạnh giá mất đi. Đến gần 8h tối mà cơm vẫn chưa hết, cầm
một cái rổ, mấy bịch cơm đi lẽo đẽo từng đường hẻm, trao mỗi người từng
bịch. Mưa càng lúc càng lớn ngập cả mặt đường, không thành thạo khiến
xe lăn rơi xuống hố, rơi đồ ăn,...
Xe đi gần tới ra Quốc lộ 1A mới hết
cơm, lòng vui mừng "hiên ngang" trở về, đến chùa cũng gần 9h30 tối, thấy
các bạn đều ấm êm trong giấc ngủ. Cả người mệt lả, chân tay mỏi nên nằm
xuống ngủ ngay. Vậy mà vui! Giờ mới hiểu cuộc sống của người công quả
là như thế nào, chưa kể những người ở nhà rau, ở công trình, nơi rửa
chén… Tất cả họ đều cống hiến sức mình một cách thầm lặng.
Có thâm nhập cuộc sống mới hiểu cuộc
sống. Qua khóa tu, tôi lớn khôn nhiều, biết bao dung hơn và nhìn cuộc
đời từ nhiều phía để thấy đâu đó luôn có những con người âm thầm, cặm
cụi với công việc của một người công quả.