Cậu
bé Nguyễn Trọng Tín (SN 1996, học sinh lớp 9/4, trường THCS Nguyễn Bỉnh
Khiêm, trú tại tổ 1, thôn Phú Mỹ, xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, Quảng
Nam) lớn lên với thân thể mỏng manh, yếu ớt của căn bệnh xương thủy tinh
bẩm sinh.
Khi Tín được 6 tháng tuổi, chú Nguyễn Hoàng (47 tuổi, ba Tín) phát hiện Tín bị mắc hội chứng “xương thủy tinh”.
Để di chuyển, Tín chỉ có thể lết được nhờ những cây đinh cố định trong xương chân kèm với tấm nệm lót dưới đất.
Chân Tín nhỏ như ống thổi lửa, dài leo ngheo, khẳng khiu, sờ vào có cảm giác mềm nhũn.
Chân Tín gãy 20 lần rồi!
Bệnh
của Tín đã được ba mẹ đưa đi khám ở nhiều nơi nhưng chỉ nhận được cái
lắc đầu. Cứ hè đến, vợ chồng chú Hoàng lại đưa con ra Trung tâm Chỉnh
hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng để luyện tập.
Đầu
năm 2010, Tín được sang Hàn Quốc (miễn phí) để nghiên cứu chữa căn bệnh
“xương thủy tinh”. 3 tháng ở đây, Tín đã bị mổ đến 4-5 lần để cố định,
lắp ráp phần xương.
Mẹ Tín, cô Võ Thị Thìn (45 tuổi) cho biết: “Hắn
đó (Tín), 2 chân của hắn đã gãy trên 20 lần, chưa kể những lần bong gân
nhẹ. Mỗi lần cụ cựa hay khua nhẹ cũng có cảm giác đau tái cả người. 16
tuổi đầu rồi nhưng hắn chỉ thấp bé như đứa trẻ học cấp một”.
Năm
2010, Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh Quảng Nam đã chứng thực Nguyễn
Trọng Tín bị bệnh xương bất toàn, gãy xương nhiều lần, teo cơ 2 cánh
tay, 2 đùi, liệt 2 chi dưới, tỉ lệ mất sức lao động là 81%.
Giấy chứng thực khả năng mất sức lao động của Tín.
Đến trường trên lưng mẹ
Không gục ngã trước số phận, Tín vẫn đến trường bằng nghị lực của bản thân trên đôi vai gầy của mẹ.
10
năm nay, nắng hay mưa, đông hay hè, cô Thìn vẫn sáng trưa đều đặn cõng
bộ con vượt chặng đường gần chục cây số đến trường, về nhà mỗi ngày.
“Năm
lên 6, thấy bạn bè đi học, hắn ức lắm, cứ mãi giục tui cõng đi học.
Thấy hắn ham học, tui cũng không quản khó nhọc ngày ngày đưa hắn đến
trường. Nhiều lúc, nghe hắn nói, “giá như con cũng có đôi chân như chúng
bạn” mà lòng tui quặn thắt” - cô Tín khóc.
“Đi
học, mình sợ nhất là mỗi khi đi vệ sinh. Khi đó không có ai dìu mình ra
nhà vệ sinh. Tín cũng rất ngại khi nhờ bạn bè, mà lỡ không cẩn thận rất
có thể sẽ lại gãy xương. 10 năm đi học, Tín chỉ biết nín tiểu (cả đại
tiện) khi đến lớp” - Tín chia sẻ.
Biết
hoàn cảnh của Tín nên thầy cô, bạn bè rất ưu ái. Mỗi lần hỏi bài không
yêu cầu Tín đứng lên trả lời. Chỗ ngồi cũng rất thoải mái, không chật
chội.
Suốt
những năm học phổ thông, Tín năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Lớp 9 vừa qua, Tín đạt điểm trung bình 8,3 (riêng môn Hóa là 9,2), đứng
top 3 của lớp.
Những thành tích mà Tín nỗ lực đạt được để ba mẹ vui mừng.
Hết hè này, Tín sẽ vào lớp 10, con đường đến trường sẽ xa hơn, chông chênh hơn trước rất nhiều.
“Mình
chỉ mong sao cho mẹ có sức khỏe để đưa mình đến trường. Ba không đau ốm
làm lụng nuôi 2 anh em ăn học. Anh Hai học giỏi để về sau đỡ đần, nuôi
ba mẹ… Còn mình thì… không biết thế nào (?)” – nói đến đây Tín xịu mặt xuống.