17/08/2010 06:09 (GMT+7)
Số lượt xem: 6760
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Con người là tên gọi đích thực của nỗi đau khổ truyền miên, bất tận trên cõi đời này. Hay nói khác hơn, con người đã mang lấy một hình tượng là đau khổ khi khởi đầu thân phận của mình. Thế thì, có ai là người đã hạnh phúc thật sự để được sống ở đời? Người khách đã tự hỏi lòng mình như thế, vào một buổi chiều cuối năm. Không gian yên tĩnh lại càng yên tĩnh hơn, vì câu hỏi này vẫn bị bỏ ngõ, vẫn không được trả lời, vẫn là niềm ray rức không nguôi bên lòng người khách. Để rồi cho đến một hôm, sau tuần trà buổi sáng trong thư phòng, người khách mới chợt nhớ lại câu chuyện Đức Phật trên một bờ sông nọ.

Trong lịch sử con người, có lẽ Đức Phật là người đầu tiên đã định nghĩa lại danh từ “con người”với bao hàm ý nghĩa rất nhân bản. Trong nguyên ngữ “Buddha”, được dịch là “Người Tỉnh Thức”, Người tỉnh thức thì không còn đau khổ nữa. Cho nên, người khách từ đây hướng lòng về quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng như là một điểm khởi đầu cho cuộc hành hương đời mình vào Đức Phật, mà trên đó một ngôi Thiền thất nhỏ được dựng lên với vẻ uy nguy mà giản dị, thiêng liêng mà hữu tình, để phụng thời tượng Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni, và cũng để chiêm bái tượng Đức Quán Thế Âm - vị Bồ tát có đôi mắt nhìn xuống chúng sanh đau khổ. Khi ấy chính là lúc từ trong chiều sâu vực thẳm đến cùng tận tâm hồn của người khách chầm chậm vang lên từng đợt chững âm ba dài hải triều vọng lại, vỗ về lấy cung điệu cổ xưa từ vô thuỷ. Cùng lúc đó, những tiếng sóng gào thét của khổ đau cũng bùng lên dữ dội, chập chùng không dứt trên biển tâm thức chuyển động càng bao la. Những lúc này, người khách có cảm giác thời gian như muốn ngừng lại. Nhưng rồi, mùa Đông cũng phải lụi tàn đi, để nhường cho một mùa Xuân mới khác xuất hiện trở lại trên địa cầu. Thật vậy, cũng cùng lúc ấy người khách lại một lần nữa hiểu dần ra rằng đâu là ‎ nghĩa của câu hỏi mà Bồ tát Vô Tận Ý thỉnh vấn Đức Thế Tôn về nhân duyên và danh hiệu của Bồ tát Quán Thế Âm trong phần mở đầu “Phẩm Phổ Môn – Kinh Diệu Pháp Liên Hoa”: “Nhĩ thời, Vô Tận Ý Bồ tát tức tùng toà khởi, thiên đản hữu kiên, hiệp chưởng hướng Phật, nhi tác thị ngôn: Thế Tôn! Quán Thế Âm Bồ tát dĩ hà nhân duyên danh Quán Thế Âm?”. Và đến đây cuộc hành hương vẫn cứ tiếp tục, trong khi câu hỏi trên kia mỗi lúc càng thêm xúc tích, thân tình như một công án Thiền phải cưu mang trong đời, nhất là vào những lúc như lúc thư thản này, ngồi uống ngụm trà nhìn hoa cúc vàng nở đầu năm.

“Việc chùa cũng vừa xong,
Về thắp hương thư phòng,
Quanh đây làn khói toả,
Con thỉnh Phật . . . uống Trà”

HOA

Hoa chính là vị Bồ tát hoá thân làm đẹp mắt mọi người, để những ai chuộng sắc trần vào Đạo. Vẻ đẹp của hoa không có vị tục tằn của xác thịt, vẻ đẹp của hoa không có mùi quyến rũ của tội lỗi, vẻ đẹp của hoa là hiện thân của vô thực, sự huyền diệu của ánh nắng kết tinh thành màu sắc. Hoa là Từ bi, một đời tặng hết dịu dàng và an ủi cho chúng sanh. Hoa là Hỷ xả, sau khi đem giọt nước mắt của chân mỹ đến để ra đi, không bận tâm đến kiếp sống vô thường. Hoa là Bồ tát dạy con “tâm vô trụ”, mỗi giây phút của cuộc đời rất quý, đừng để những giây phút ấy trôi qua trong đau khổ, trong địa ngục của giận hờn và lo toan. Mỗi giây phút này là sự bừng nở của ngàn vạn đoá hoa. Khi con bên lề đường không một người để mắt, hoặc rực rỡ trong những khu vườn cùng sự chăm sóc của con người, hay lẻ loi đơn côi nơi đồng hoang vắng, hoa vẫn bình đẳng trải rộng từ bi, không phân biệt đắng đo về lẽ thân tình của mình sẽ đến với ai và được tiếp nhận hay không! Con hãy sống trong vô trụ, trải rộng từ bi đến mọi người, không phân biệt tình cảm của người đối với con ra sao, không lượng thời gian không gian, không cần được đền đáp, không cần được hiểu và thông cảm. Hãy để đoá hoa Tâm được nở, đừng để “Ngã” của con làm khô cằn mảnh đất vốn đã được gieo giống “Phật”, vì mọi sự phân định phải trái chính là “Bản ngã”! Con có quyền tu thì kẻ khác cũng có quyền không tu, con không được tự cho rằng: mình tu nên đúng hoàn toàn. Thêm vào đó, là người tu mà không chuyển nổi tâm kẻ khác theo đường Đạo thì phải tự trách mình. Vả lại, nếu con thật sự hết lòng cầu giải thoát, hãy tự giải thoát mình khỏi cảnh khổ hiện tại, đừng quy lỗi cho kẻ khác về nỗi khổ của mình. Tu là tự giải thoát. Giải thoát là gì? Sự bình an của con trước mọi điều thuận nghịch của hoàn cảnh mà con đang sống, hay được tự giải thoát, bình an nơi sự thay đổi hoàn cảnh, phải nhìn thực tại của tâm mình mà giải quyết, hãy nhìn xuống, hãy hạ tâm mình! Hoàn toàn được mọi người khen tặng là điều không thể có, nhưng hoàn toàn bị chê bai cũng là điều không thật. Nghĩ rằng mình bị mọi người chú ý để chê bai cũng chính là “Ngã” đấy. Muốn thấy ánh sáng chân lý đưa con ra khỏi vô minh, phiền não, con phải học hạnh Từ Bi Hỷ Xả của hoa. Hoa phải là tâm con. Chư Phật trong mười phương đều nói đến giải thoát, hoá sanh nơi hoa sen trong ao báu, chẳng phải không nguyên do. Cho nên, hoa mang tướng vô thường mà sống đời vĩnh cửu của Đại Từ; giây phút đi qua trần thế, nên giọt nắng cõi trần soi vào mắt con, khai thị điều thiện mà con chưa tự chứng. Như hoa có thể tàn mà vẻ đẹp và mùi hương không biến mất khỏi tâm con, điều thiện có thể mang tướng đến và đi, mà trong tâm thức của con, con không bao giờ quên điều thiện có thật, hiện hữu rõ ràng khi con đối diện với khổ đau.

ÂM NHẠC

Âm nhạc là chuỗi tiếng động sắp xếp theo tâm tư của từng người, trong mỗi con người, trong mỗi chúng sanh là một nguồn nhạc ý tuông tràn, những giận hờn, những đau khổ, những niềm vui tuông ra từ đó. Cho nên, lắng nghe thế giới với tất cả những âm thanh đa dạng là một nguồn vui bất tận, vì đó là âm nhạc. Những câu chưởi rủa là nhạc của một tâm hồn dao động đến cực điểm, những bài hát là âm nhạc của thi nhân, và tất cả là bài hát bất tận của Sinh-Trụ-Hoại-Diệt, là âm thanh của sự sống, tức là hình tướng của Đạo.

Tiếng chân bước trên đường vắng, tiếng là khô rơi rụng, tiếng dế kêu, tiếng đàn và cả những âm thanh mà con không nghe bằng nhĩ căn được, như tiếng mây trôi, tiếng hạt nước mưa chạm nhau trên không, tiếng thì thầm của hoa cỏ, tiếng của người xa con. . . là những âm thanh kỳ diệu của cuộc đời. Biết thưởng thức tất cả những âm thanh của cuộc sống là sống trong âm nhạc. Con có hiểu âm thanh là gì, thì mới thực sự cảm được âm nhạc của đời. Hãy nghe đi! Chỉ biết nghe những âm thanh mà con thích thì chưa thưởng thức được cái kỳ diệu của âm thanh, nếu con chỉ thích nghe những lời ngợi khen và rất ghét nghe những lời chê bai, thì nhĩ căn chỉ làm việc một nửa, đó là khuyết tật, đó chính là sự bất toàn của thân, đó chính là sinh bất túc. Tất cả mọi âm thanh đều là vui, tất cả mọi âm thanh đều là Pháp, những lời nói dữ là thử thách sự kiên định của tâm, là pháp rèn tâm, là pháp điều phục tâm xao động. Như thế, những lời nói dữ chính là giả tướng của lời Phật thuyết, chính là Pháp. Những lời nói dữ tự bản tánh nó không dữ mà con chấp rằng nó dữ, vì con còn vướng mắc vào âm thanh, nên con không nhận thấy thật tánh của ngôn ngữ. Quán sát âm thanh đơn thuần là âm thanh thì hiểu được Đạo.

Mỗi âm thanh đều có độ ngân của nó, vì thế âm thanh là âm nhạc. Những lời khen tự nó không xấu, nhưng chấp vào thì nó trở thành độc dược. Khen hay chê đều không thể biến con thành kẻ khác. Hãy nghĩ những người chỉ biết chê bai người khác chính là Bồ tát hoá thân, chính nơi những vị ấy con hiểu được lời Phật dạy: Nguyện lãnh lấy cõi Phật chẳng phải ở nơi rỗng không! Khi con điềm nhiên trước những âm thanh ấy là con đã độ được tâm mình, độ được kẻ ấy, mà điều đó cũng chính là kẻ ấy đã độ con.

Đôi khi, những âm thanh đi thẳng vào tim làm con khổ sở là vì con chỉ nghe một nửa, chính điều ấy mới là thân tướng xấu, mới là sự nghèo nàn. Đây là thần chú trị bệnh ấy: Hãy quán điều ấy trong tiếng trống, tiếng đàn, phổ trong một đoạn khúc, cho đến khi con trân trọng âm thanh ấy, thì đó là “thấy tự tánh ngôn ngữ là không”.

HỘI HOẠ

Con được mẹ hoạ tranh, quên được cái “Ta” của con thì vào được tranh mẹ hoạ. Tức tâm mẹ truyền cho. Hội hoạ là tướng của “Mỹ” (cái Đẹp), quan sát “Mỹ” như thế nào thì bức hoạ tả như thế ấy. Nếu con không quan sát “Mỹ” mà để “Mỹ” hoá hiện thành hoạ, thì con sẽ thấy tất cả vũ trụ này là hiện thân của cái đẹp toàn diện. Vì tất cả vũ trụ tuân theo quy luật hài hoà, cân đối tuyệt vời.

Con biết chăng, từng hạt bụi cũng có chỗ đứng của nó, cũng có số phận, cũng có bắt đầu và chấm dứt. Nói khác đi, cũng không bắt đầu hiện diện và không có diệt vong. Thế thì con vẽ gì đây? Con vẽ các sự vật thật có hay không thật có? Nếu thật có, thời nhận định của mọi người về một vật đều giống nhau; nếu không thật có, thời lẽ ra không một ai có thể nhận biết. Vậy khi con hoạ thế giới là con hoạ tâm của con đấy! Mà tâm ấy thì huyển vô cùng.

Thế thì lấy gì để nhìn thế giới? Lấy “Tánh Không” mà nhìn. Mà “Tánh Không” chẳng phải cần luyện tập mới có, đó là bản tánh của muôn vật. Một con ong không nhìn thấy cái đẹp của bướm, bướm không nhìn thấy cái đẹp của hoa như con tưởng, vì con mang nặng thành kiến của loài người, với bướm hoa chỉ là thức ăn. Và chính con, con đâu nhìn thấy cái đẹp của côn trùng, con mang ảo tưởng về thân người của mình, tận đáy lòng vẫn chưa chấp nhận sự thật là không có gì khác nhau giữa con và một con kiến, con mèo, cây cỏ; chỉ có sự khác biệt về nghiệp quả, mà nghiệp quả thì không thường hằng. Con không thích nghe tiếp, đó là “Ngã”, mà “Ngã” là bất bình đẳng. Con có cái nhìn buộc tội mọi người đó là bất bình đẳng. Con có ưa thích đó là bất bình đẳng. Thế thì, con làm sao thấy cái đẹp thật được mà hoạ. Bất bình đẳng là căn bệnh tàn phá vũ trụ. Ta thương vi sinh huỷ hoại những cơ thể lành mạnh đồng với một người nói Pháp, những vi sinh vật đó không nghiến răng gặm nhấm sức khoẻ con người, đó là những chúng sanh nghiệp căn quá nặng, hoá sanh vào loài ấy, phải sống trong môi trường ấy, hoàn toàn vô tội về nơi ở của mình, chúng không có ý chọn nơi, nếu chúng hiểu được cái khốn cùng của kiếp sống ấy, chúng sẽ tu. Và chính chư Phật cùng chư đại Bồ Tát dùng viên âm độ chúng, gọi Phật và Bồ Tát là y vương vì thế, trị lành bệnh muôn loài. Chí rận cũng thế, khi phát tâm tu, nghiệp dứt chúng không còn bị đoạ trong kiếp ấy, nên hoá sanh vào một thân tướng khác, không còn phải sống bằng máu. Điều ấy con phải hiểu, giải thích cho con rõ vì sao có người phát tâm tu thì gặp hiểm nạn. Phát tâm là một việc rất cao quý, đó là sức mạnh thu nhiếp thời gian, sức mạnh vượt qua sanh tử, thu bao nhiêu kiếp vào làm một, sức mạnh của người lội ngược dòng, sức của người chiến đấu với chính mình, sức mạnh của thiên nhiên. Đó là cái năng lực phi thường biến chúng sanh thành Phật! Cho nên, vẽ là phương pháp hữu vi. Tả, chỉ, lột được cái sự thật ấy, cái bản chất, cái hình dáng thật của mọi vật, thay vì uốn nắn thêm giả tướng theo ý mình.

Con có thấy tình yêu khiến con người đẹp ra như người vẫn tả không? Đó là vì khi thương yêu nhau thật sự, con người chỉ nghĩ đến làm những việc tốt đẹp cho nhau, bỏ đi những vụn vặt. Tóm lại, đó là biến tướng của Từ-Bi-Hỷ-Xả qua cửa ngõ ái dục. Điều đó cho con thấy cái đẹp không nằm ở kích thước. Trong cách nhìn người khác, con thường chỉ nhìn bằng nhục nhãn, chỉ thấy người tiếp cận với mình với một mặt phẳng, tâm trạng của họ lúc ấy, rồi sinh buồn-vui, lo-sợ…đó là chất huyển. Hãy nghĩ, vô lượng kiếp về trước, hoặc vô lượng kiếp về sau, người kia xử trí với con ra sao trong hoàn cảnh này; Và con, vô lượng kiếp về trước hay vô lượng kiếp về sau thì con phản ứng như thế nào trước hoàn cảnh trên. Mọi vật biết hiện vô chừng, tâm chúng sanh trôi nổi theo nghiệp duyên, không thể nào quyết định thật tướng nơi cảnh ấy. Khi con nhìn một sự vật, chẳng phải chỉ là mắt con nhìn thấy, mà là Thức, là Sở tri, là Kiến đã huân tập từ hằng vô số kiếp nhìn sự vật ấy. Từ vô số kiếp đã tích tụ vô số kiến chấp, hoá nên tất cả những phân biệt đây tốt kia xấu, màu đen màu trắng, giàu nghèo, thọ yểu, khinh trọng. Bỏ tất cả những kiến chấp này đi ngược lại vô thuỷ về trước, con sẽ thấy chỉ có ánh sáng vô cùng, không ngằn mé. Con người đã bỏ chiếc bóng của mình! Thế nên, con người là nguồn ánh sáng rực rỡ mà không tự biết, đi tìm ánh sáng bên ngoài để nhìn mình, để chồng chất thêm những màn đêm làm mờ đi ánh quang minh của tự thân. Màu mà con vẫn gọi là đen chẳng phải là màu đen, đó là một tập hợp ánh sáng màu ngũ sắc, màu cầu vồng, nổi bậc riêng sắc đen trên các màu khác. Con đường mà con vẫn đi qua chẳng phải con đường, đó là chiếc cầu vồng mà con vì chấp vào thân tứ đại, chỉ thấy đó là đất đá màu đen. Và người xấu, con phải nhìn họ trong hiện kiếp, kiếp quá khứ là người bị hà hiếp và vị lai bị nghiệp quả, thì tướng xấu ở đây là đâu? Quan sát như thế mới nên vẽ, quan sát như thế mới nên quan sát.

Thế nào Quán Tự Tại? Là ở nơi không hai lập cái thấy. Thế nào là không hai? Không có ta và vật, không đây và đó, không khoảng cách không chướng ngại, hoàn toàn tự do nên không gì là không biết, không gì là không thấy, không đâu là không đến được, và không biết tất cả những “không” trên, đó là “Tự tại”. Bố cục bức tranh lấy tâm điểm ở hai phần ba (2/3) hoặc một phần ba (1/3) khổ giấy hay vải. Màu sắc, chọn màu gần thiên nhiên hoặc màu mà con thấy bức thiết như một nhu cầu, đừng dùng lý luận bẻ nén sự vật, đảo lộn màu sắc, rồi theo đó mà vẽ, như thế là giả dối. Các bức hoạ Phật, Bồ Tát và Chư Thiên đừng vẽ bóng, chỉ dùng màu nước pha nhạt hoặc vẽ nét. Ánh sáng ở tự thân chiếu ra, trong cõi ánh sáng không cùng, màu sắc phản chiếu ánh sáng, ánh sáng phản chiếu ánh sáng, không thể có bóng. Hội họa là phản chiếu ánh sáng của các sự vật, con người. Hội hoạ là dùng màu sắc thuyết pháp, là đưa thế giới bên trên về gần.

Con hãy dùng hội hoạ mà cúng dường Chư Phật!

KHỔ ĐẾ

Đau khổ không phải là điều xa lạ đối với mọi người và với riêng con. Đau khổ đã là bạn đồng hành từ lâu lắm, thế thì có gì phải ngỡ ngàng. Đau khổ đến từ người này hay người khác, từ hoàn cảnh này hay hoàn cảnh khác, điều đó có nghĩa gì đâu. Vì lẽ đơn giản là nó phải đến, nên mang hình tướng để gây hại cho sự bình tâm của con, đau khổ sẽ mang hình tướng ấy. Cho nên, đừng oán trách người làm con khổ, vì họ chỉ là công cụ của một sức mạnh ở ngoài chính họ, đó là sự đau khổ vẫn hiện hữu nơi thế gian. Đau khổ vò xé tâm cang tức một tướng của địa ngục rồi. Thế thì, đau khổ chính là địa ngục. Đã ở trong địa ngục là tận cùng, thì còn tự tử để đi đến cõi chết nào khác nữa. Vả lại, đau khổ là nghiệp đeo đẳng, há phải do người nào mang đến mà có nơi trốn tránh khỏi mắt nhìn. Chết là không chịu sự tác động của loài người và hoàn cảnh thế gian, nhưng chưa thoát khỏi nghiệp báo. Đau khổ sẽ mang hình tướng khác để theo đuổi con, và ở nơi không có thân để chịu quả báo, những cảnh khổ sẽ nhân lên hằng bao lần để tâm thức phải động và đau đớn như một đau đớn cảm được trên thân thức, là những cảnh của địa ngục. Cho nên, phải biết tự tử để thoát nỗi khổ đang gánh chịu tức sẽ dẫn đến địa ngục cõi khác mà thôi. Khi chưa là Phật, thì chưa thể nói được đã thoát khỏi địa ngục, khi chưa thể thoát khỏi địa ngục thì đừng mong không còn đau khổ. Vậy thì, đau khổ sẽ theo con cho đến ngày giải thoát. Cứ mặc nó đến, quan sát nó ở chân tướng chứ không ở giả tướng. Chân tướng của đau khổ khi đến với con là nghiệp, giả tướng là người hay hoàn cảnh chẳng thuận lòng con. Để hoá giải ác nghiệp chính là thiện nghiệp, hãy gây lấy thiện nghiệp để thoát khỏi bể khổ trần gian. Và điều thiện bậc nhất là ngay trong lúc này khi con đang khổ sở, hãy niệm Phật. Niệm Phật thì sẽ tỉnh táo để thấy được chân tướng của đau khổ, đau khổ tự đến thì tự nó sẽ đi. Không phải vì con xua đuổi mà đau khổ xa lánh con, bình tâm trước nghịch cảnh sẽ không cảm thấy đau khổ sâu xa như chính mình đang chịu khổ. Quán rằng, khổ này không cũ nhưng không mới, không tự tánh thì không tha tánh, không hoàn toàn của con. Vì nếu không có ngoại vật, tha nhân thì con không khổ, nhưng không lìa con, thì con cảm thấy nỗi khổ đau rõ ràng nơi con. Vậy, nó ở đâu? Không ở nơi con, không ở nơi người, do đó đau khổ là duyên hiệp thành theo nghiệp mà đến. Nói nghiệp tức là nói chính mình, đâu ai có thể trốn khỏi chính mình, cho nên đừng tự làm khổ mình. Nghiệp đến cứ đến, nghiệp đi cứ đi, được như thế thì đó là “Tâm không trụ”. Tâm không trụ thì an ổn, an ổn nơi oán hội, là thấy Niết Bàn tại thế. Để có đủ lực đạt đến Niết Bàn, con phải niệm trong đau khổ và quán trong cảnh nghịch. Tha lực và tự lực là sức mạnh mãnh liệt đến từ bên ngoài, phát ra từ bên trong thì hiệp nhất sẽ phá tan xích xiềng của địa ngục khổ đau. Đó chính là giải thoát. Đau khổ là nhân đưa đến giải thoát, nên đừng sợ nó, đừng ghét nó, đừng là kẻ vong ân, hãy cảm ơn đau khổ; như thế những người mang đau khổ đến cho con, chính thực là những vị Bồ Tát phát tâm hành nghịch độ, để cho con được quả thiện tròn đầy. Đó là những Bồ Tát trải thân làm cầu đường cho chúng sanh đi đến giải thoát. Và luôn nhớ, chư Bồ Tát không phải chỉ mang tướng thiện để độ sanh, hãy cầu nguyện cho các vị ấy sớm đắc quả vị Phật mới trả được ân. Phải tri ân những người mang đau khổ đến cho con, hành như thế mới là người trí huệ, hành như thế mới là con Phật. Đau khổ hay nghiệp chướng là nhân Bồ Đề, nên con không được khinh, không được hổ thẹn vì nó. Và chính vì Niết bàn có nhân ban đầu là Phiền não, nên con không được sinh tâm mong cầu tha thiết, chẳng trụ đau khổ, chẳng trụ Niết Bàn là chân thật Niết Bàn, là giải thoát. Con hãy y theo để tìm thấy hạnh phúc ngay trong đời, ngay từ giây phút này. Hạnh phúc tìm thấy nơi không có hạnh phúc, nơi không cho phép hạnh phúc tồn tại. Nơi cõi trần này là hạnh phúc vĩnh cửu, vì đã kinh qua đau khổ.

Con hãy tự cứu mình!              

TẠI SAO TU?

Tại sao phải đặt vấn đề tu khi điều đó chưa là cấp thiết đối với nhiều người? Có người vào Đạo một cách tự nhiên, dễ dàng, nhờ căn lành đã trồng từ nhiều kiếp trước; có người trong đau khổ cùng cực, chợt hiểu chỉ có tu mới thoát khổ, còn đại đa số không thấy cuộc đời đáng buồn đến độ phải bỏ nó, hay cuộc đời của mình suy đến cùng cũng chẳng có gì đáng phàn nàn, thì tu để làm gì.

Thật ra, ý niệm tu làm nhiều người sợ hãi, tu là từ bỏ những gì mình đang yêu thích thì quả là khó khăn, và không hứa hẹn điều gì tươi sáng cả. Thiện ác là hai mặt của cuộc đời, nhưng thiện ác cũng là hai mặt của mỗi con người. Và không thể dễ dàng để phân định ranh giới giữa hai khuông mặt này, không thể dễ dàng quyết định trắng đen. Mỗi người sanh ra đời đều mang sẵn liều lượng thiện ác trong mình, thiện là Phật mà ác là chúng sanh. Nhưng thế nào là thiện, và vì sao gọi là ác? Bất cứ một hành động hay tư duy nào không lấy “Tôi” làm nguyên nhân và đích đến thì đó là thiện, ngược lại là ác. Nhưng nếu không có “Tôi” thì ai hiện hữu, ai làm việc thiện ấy? Đó là Phật của con hay Phật trong con. Có người sẽ gọi đó là “Thượng đế” hàm nghĩa chân lý, điều toàn thiện, nhưng Thượng đế là ban bố, dù không nhận lại nhưng vẫn mang tướng thi ân. Còn Phật thì ngay cả ý thức thi ân cũng không có, Phật chính là sự tự tại của Thiện. Như thế thì ngoài bản ngã của con ra mà con nghĩ đích thực là mình, còn có một bản ngã khác là một đời sống tự do không lìa con, nhưng không lệ thuộc, sẵn sàng hiện diện khi con không tìm cách nhấn mạnh sự có mặt của mình như một thực thể chân lý. Bản ngã ấy là chân tánh của con, chân tánh ấy là Phật tánh. Không tìm thấy bản ngã thật ấy con phải đau khổ, phải bất an, con không bao giờ bằng lòng với cái mình đang có, hay bằng lòng với thế giới quanh con. Vì không thể nào sống yên ổn hoà bình với cái ác được, dù đó là cái ác của chính mình.

Tu là tự hoàn thiện mình, tu không có nghĩa là mất cả ánh nắng của cuộc đời, chôn vùi một cái gì thân thiết của con, mà con hãy sống hoàn toàn, tràn đầy như đập vỡ vỏ cứng của một quả ngon để thưởng thức. Không sợ chữ “Tu” thì con sẽ hiểu tại sao phải tu. Ai cũng có một lần cảm thấy sự bất lực vô cùng của mình khi đối diện với cuộc đời, dù là ai chăng nữa, họ có thể thành công trong những mặt nào đó, và lấy hào quang của thành công này che lấp những buồn tủi của thất bại khác, nhưng sự đền bù này cũng chính là sự xác định mặt khiếm khuyết kia. Cái nhân của đau khổ vẫn còn đó dù được che dấu dưới lớp tro than của quên lãng, hay nhung gấm của hạnh phúc hiện tiền. Người đời vẫn thường chấp nhận và bằng lòng với cái tương đối ấy, nên gút lại là hạnh phúc đối với họ giản dị quá, là cho qua đi những đau khổ và thụ hưởng những cái mà họ đang có. Đó là làm quen với ác và đi đến kết luận có thể dung hoà Thiện – ác. Vì ác là gì, nếu không là đau khổ? Nhưng còn một lối thoát, còn một con đường dẫn con đến nơi ý niệm về ác cũng không có, huống nữa là sự hình thành của tội ác. Bóng dáng đau khổ vắng bặt nơi đây, chỉ thuần một màu an lạc. Tại sao con không dấn thân vào con đường hạnh phúc chu toàn ấy! Con đường ấy là đường tu. Cho nên, tu là đến với những gì vui hơn cái mà con đang hưởng, những kỷ luật gặp trên đường tu là điều tất yếu để giải quyết chất ác, chính là sự hoại diệt của điều ác để hiển bày điều thiện. Sự hoại diệt này là nhân, là quả mà điều ác chất chứa trong nó nên phải lãnh chịu. Khi ác đã không còn thì không có sống chết, không có đau khổ, không có ranh giới, không còn phải khép mình vào căn phòng Thiện để đối kháng với ác. Thiện là con, con là thiện, thì điều gì con làm lại không là điều thiện, nơi đâu trong con lại không là không gian của thiện, thì còn phải khép mình vào một lề lối nhất định nào để hành thiện! Đó là giải thoát khỏi cái ác, khỏi đau khổ, khỏi cả ý niệm về đau khổ, khỏi cả ý niệm về sự giải thoát ấy. Đó chính là giải thoát!

Vì thế, tu không phải là từ bỏ hạnh phúc cuộc đời để đến với Đạo, tu là đi từ hạnh phúc mong manh đến hạnh phúc vĩnh cửu. Tu là vẫn hít thở không khí ấy, vẫn nhìn thấy vầng Dương cũ rực nắng mỗi ban mai, vẫn bầu trời đầy sao của ngày xưa tràn lên tâm tư mỗi khi đêm đến, vẫn những người con đã gặp bao lần, vẫn hoàn cảnh mà cuộc đời đã đặt con trong đó. Nhưng con ơi! Nhận thức của con chẳng còn như xưa nữa, mặt trời thế gian chỉ là hình ảnh thô thiển của mặt trời đã sáng trong con, những người con gặp gỡ là những chiếc bóng của chính họ, mờ nhạt và yếu ớt trước cuộc đời, trước sanh tử của mình. Và cuộc đời cùng những hoàn cảnh thuận-nghịch, buồn-vui xưa, nay chẳng còn chuyên chở được tình cảm của con, con đã thoát con nhỏ bé ngày xưa. Ngày xưa? Phải. Vì những căn tánh, nhãn quan cũ sau ý thức muốn tu và sau khi con dấn bước trở nên xa xôi và lạ lẫm, cứ lùi mãi vào vô tận mang tính vô thực của một huyền thoại nhưng thiếu chất hư. Con bây giờ mới thật sự sống. Hãy san bằng chướng ngại ngăn cách con với thường hằng, hãy làm người lữ khách mà mỗi bước chân đến cõi không thời gian nở đoá sen vô ưu, hãy là con mãnh sư uy dũng giữa đám người đành chịu khuất phục trước bao nỗi khổ sầu. Tu là một quyết định sáng suốt nhất trong đời người, không chỉ là sự sáng suốt của tuổi nào, mười, hai mươi, bảy mươi, tám mươi hay hơn… mà đấy là sự sáng suốt của vô lượng tuổi, vượt ngoài giới hạn của tuổi tác, là tiếng nói của Phật trong con, vang gọi con vào cuộc đại hành hương. Hãy đi, nhớ rằng hãy làm gương thắp đuốc soi đường, mỗi nỗ lực sẽ có vạn nghìn mắt Phật thương nhìn, mỗi vấp ngã sẽ có vạn nghìn cánh tay Bồ Tát nâng lên. Con đi bằng sức mình nhưng không bao giờ lẻ loi, không bao giờ cô độc hoàn toàn.

Hãy tấn tu!             

CÚNG DƯỜNG

Cúng dường - biết bao cung kính, biết bao thương mến, biết bao nỗi niềm trong mỗi mỗi sự cúng dường. Có khi do một thôi thúc của thiện tánh, con mang lễ vật cúng dường Phật Tổ; cũng có lúc vì mong cầu một điều gì đó con cúng dường, hoặc vì thói quen, hoặc vì ai cũng làm thế, hoặc vì muốn đền đáp một cái ân mà con cúng dường Phật. Trong tất cả các tâm ấy, ý nghĩa thật sự của cúng dường nằm ở đâu?

Khi Phật bảo: Hãy mang hương hoa thanh tịnh đến lễ bái cúng dường chư Phật. Thì đó là tâm con thanh tịnh hay lễ vật thanh tịnh? Nếu tâm thật tịnh thì lễ vật thật tịnh, nếu tâm không kiên nhứt thì lễ vật cũng không thể là tịnh vật. Khi Như Lai nói “cúng dường” là bảo con hãy xả, hãy quên đi những “của tôi”, “thuộc về tôi”, “cho tôi” để tự cởi dần trói buộc. Việc ôm về cho mình là “tâm thủ”, mà “thủ” là tự trói mình. Khi con nghĩ chọn những thứ thật tịnh để cúng dường là tâm con đang định mà không tự biết. Không có một niệm về “ngã”, không có tạp niệm nào ngoài sự thật của lúc này: con đang chọn hoa tươi nhất, hương thơm nhất, quả ngon nhất để dâng Phật. Con thấy hoa, thấy hương, thấy quả mà không thấy cái thấy ấy, không biết cái tâm đã khiến con hành động, đó chính là đang sống với vô biên trong khoảnh khắc. Sống với vô biên là sống với Phật, vì thế mà Như Lai mới dạy: Hãy cúng dường!

Con lễ bái và cúng dường chư Phật có lợi lớn cho con. Vì sao? Vì điều đó làm tăng tưởng tín căn, đẩy lùi ngã mạn. Khi con lễ, đó là dấu hiệu của khuất phục, không phải Phật hay Bồ Tát đã khuất phục con, mà là kiêu căn, ngã mạn, kiến chấp đã bị sự khiêm cung của con khuất phục. Cho nên, cúng dường Phật chính là Đạo. Cúng dường thân mạng là bỏ tướng nhân, thọ, giả; cúng dường tài sản là diệt bỏ tâm tham. Còn cách cúng dường nào cho chư Phật quý hơn tất cả các thứ trên? Cúng dường thế nào để được giải thoát? Đó là cúng dường thức nào có thể khiến con và chúng sanh thoát khổ, thoát sanh - bệnh – lão - tử, thoát khỏi luân hồi, thức cúng dường có thể đáp đền được hồng ân của Phật, thức cúng dường cho Phật đúng sở nguyện của Ngài là mang lợi vô tận đến cho người dâng cúng, đó chính là “Pháp cúng dường”. Pháp cúng dường là tu thâm pháp, là hành Bồ Tát đạo, theo chân Phật làm lợi ích cho mọi người, trong chỗ hành không còn tâm vọng, hồi hướng tất cả công đức có được về chư Phật, đó chính là thật nghĩa của Pháp cúng dường.

Dâng chư Phật không phải những hiện vật kết thành bỡi đất - nước – gió - lửa, nên có hoại diệt, nên không toàn thiện; Dâng Pháp là thứ không thể hoại diệt, trường cữu, bất biến, tồn tại mãi với thời gian, là ngọc của chúng sanh, kết tinh bỡi một cuộc đời tịnh hạnh. Khi con cúng dường chư Phật tại thế, Ngài còn không thật có thọ các vật ấy, chỉ vì thương chúng sanh mà có giả thân, nên nuôi dưỡng giả thân cũng vì lợi ích chúng sanh, huống nữa là khi đã nhập Niết bàn. Nên khi cúng dường Phật là dâng tấm lòng thành, chứ Phật đâu dụng những thức cúng dường ấy làm vật sở hữu của Phật; và có tâm nào quý hơn tâm của một người tu, tại sao không cúng dường tâm ấy cho Phật! Tâm tu là Pháp tướng. Con thấy có gì quý hơn một người có thể nói với mọi người rằng: “Thưa anh chị! Tôi đã nhận chân được đau khổ, tôi đã chiến đấu với kẻ thù trong một trận một mất  - một còn, và đã thắng. Chiến thắng đau khổ nên tôi không còn sợ sệt, vững chãi bước đi trên con đường vô ngã, vĩnh viễn bỏ lại sau lưng bóng đêm của chết chóc và tái sinh. Đau khổ không còn mang hình dáng của hận thù và giận dữ từng giây bóp nghẹn trái tim tôi, điều khiển tôi như con rối trong chiến tranh của “Ngã”, mà người chịu hậu quả cuối cùng vẫn là tôi; Đau khổ không còn mang hình dáng của tài - sắc dẫn tôi vào đấu trường của tham lam và mê đắm; Đau khổ không còn mang hình dáng của “vô tư lự” để độc ác có thể len vào khống chế tôi; đau khổ đã gục ngã dưới chân tôi, không còn bị xiềng xích của hận thù trói buột, nên tôi thương cả kẻ thù tôi, không còn một xích xiềng nào của tánh chúng sanh trói buột tôi được nữa. Nên, tôi là một người tự do. Hãy nghe tôi, đau khổ sẽ không còn là hình ảnh của nước mắt, vì mặt trái của đau khổ chính là hạnh phúc. Đi xuyên qua đau khổ như đi xuyên qua một trận bão, sẽ đến được bến bình an một cách không ngờ! ”. Làm được như thế và giúp mọi người làm được như thế, kẻ ấy đã không trụ tâm vào việc đã làm mà dâng tất cả cho chư Phật, gọi là hồi hướng hay cúng dường cho Phật. Đó chính là cách cúng dường cao quý nhất, tuyệt đối, gọi là Pháp cúng dường. Con cần phải hiểu, Pháp cúng dường là lòng tri ân sâu xa, sự kính ngưỡng vô cùng đối với chư Phật, thể hiện bằng hành động dâng cả cuộc đời cho Ngài, lòng tin không chỗ trụ, nên không điều kiện, không giới hạn vào giáo pháp của Ngài, và dùng tất cả các kiếp sống hiện tại và mai sau để hành thâm giáo pháp ấy. Như thế mới là chân thật cúng dường!

Phát tâm cúng dường Pháp chính là phát Bồ Đề Tâm. Phát Bồ Đề Tâm là đại nguyện không để Tam Bảo có cơ duyên hoại diệt, là tu giải thoát mà không lìa chúng sanh, là sanh tâm Phật Pháp, là con Phật. Khi con lập nguyện là đã trở thành con Phật, xem quãng đời trước kia như một chiếc áo cũ đã ném trả lại cho cuộc đời. Con nhìn lại sẽ thấy xa lạ với con của ngày trước, cái mà con vẫn tưởng là bản ngã thật của mình, chính mình đã rơi xuống, những cá tính làm nên con người con đã trở nên thừa thãi và có phần nào kệch cỡm cũng rơi xuống, để lộ một cái gì không tên, sáng chói tinh khiết vô cùng của nguyên sơ, tạm gọi “Chân Ngã”, chính là “Thánh Thai”. Nguyện lực đầy đủ thì chân ngã hiển lộ, nguyện lực chưa đầy đủ thì chân ngã chỉ lóe sáng rồi bị che lấp, tinh tấn siêng năng hành Đạo là nuôi dưỡng thánh thai. Đến ngày công hạnh đầy đủ, Pháp thân tức thánh thai xưa kia hiện đủ trong thân, thân nay trở thành hoá thân. Vì công hạnh viên mãn, quả báo viên mãn, nên báo thân là thân Phật, ba thân hiện đủ tướng là giải thoát, là quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh Giác, là Phật - Thế Tôn – Thiên Nhân Sư! Cho nên, phát Bồ đề tâm là nguyện rất lớn. Nơi đâu có người phát Bồ đề tâm là nơi ấy có chấn động, Thiên Long vì chúng sanh và vì vị Phật tương lai mà ủng hộ người đó.

Đừng sợ không đủ sức làm tròn lời nguyện, chỉ sợ tâm buông lung mà không quyết chí đi đến nơi. Chính khi phát nguyện là đã nói lên một thần chú bí mật, một đại thần chú có công năng dẹp trừ tất cả ma oán, chuyển bánh xe nghiệp quả trở thành bánh xe của Pháp, một vô thượng chú, biến người nói trở thành người không đối thủ. Như thế cách cúng dường cao quý nhất là Pháp cúng dường. Đã phát nguyện Pháp cúng dường thì con hãy vui mừng, an nhiên hành Đạo, chớ khởi tâm thối lui!

MỪNG NGÀY PHẬT ĐẢN

Hàng năm, vào tháng Tư là con lại hân hoan, náo nức chờ ngày kỷ niệm Phật giáng thế. Con mong chóng đến ngày Phật Đản để đến chùa lễ Phật, cùng gia đình tưởng niệm Thế Tôn, vị Thầy của tất cả chúng sanh biết nếm mùi Đạo pháp, vị Cha lành của chúng sanh còn lăn chìm trong sanh tử. Con phải quán về ngày Phật Đản như thế nào để hiểu về đại nhân duyên nhập thế của Đức Phật Thích Ca?

Trước khi Đức Thích Ca thị hiện có giả thân Thái tử Tất Đạt Đa, chân lý vẫn có, vẫn sáng tỏ, nhưng thiếu duyên lành, nên số chúng sanh tầm Phật đạo không bao nhiêu người đến được bến Giác Ngộ. Vì thế, Như Lai tạm mượn giả thân cùng chúng sanh đồng sự để chỉ bày con đường giải thoát từ chính nơi con đang ở, đang đứng, chứ không phải một giải pháp viễn vong, một con đường bắt đầu từ nơi khác. Đó là duyên lành lớn nhất của chúng sanh, được thấy vũng bùn mình đang ở và hoa sen mà mình có thể thành, nương theo duyên lành ấy là quy y Tam Bảo. Quy y Tam Bảo là “Tâm” quy chứ không phải “Tướng”, tâm đã quy y Tam Bảo thì hành tướng quy y sẽ đến. Bằng giả danh bảo rằng: Tâm đã quy y thì không cần tướng quy y. Những kẻ ấy chấp tướng là thật có, nên chỉ thiêng hướng về tâm cũng là một tướng khác của “Ngã”; còn những người chỉ có hành tướng quy y mà tâm thì không biết Phật, con hãy khoan bàn luận Phật Pháp với họ.

Con tưởng nhớ Đức Thích Ca Như Lai như tưởng nhớ một người đã mất thật là một sai lầm không sao nói hết. Thân Phật vẫn có đây, trong mỗi lời Ngài dạy, trong mỗi chiếc y mà con thấy, trong tâm của mỗi hành giả chân thành. Thân Phật không đâu khác ngoài tâm của con, tâm xa Phật thì chỉ có y là có Phật, người đắp y thì ở rất xa; tâm xa Phật thì chỉ có lời nói, chỉ có văn tự, chỉ có Phật Pháp là có Phật, còn người nói thì ở rất xa. Tâm xa Phật thì dù ở gần vẫn không thấy Phật, với những kẻ ấy Như Lai là người đã khuất, nên không còn Chánh Pháp, không có ai phân định chánh – tà, không có nhân quả báo ứng. Phật không có sanh và diệt, Phật đã thị hiện cho mắt trần nhìn thấy để chúng sanh biết rằng những chân lý mà nhục nhãn không thể thấy mới là bất diệt. Hiện tại, Thích Ca Như Lai vẫn đang thuyết pháp, sao mắt con không nhìn thấy, sao tâm con không cảm được! Cho nên, ngày Phật Đản là ngày kỷ niệm dành cho chúng sanh, chứ không phải dâng Phật. Con hãy hiểu như thế này mới là thật biết mừng  ngày Phật Đản. Con mừng ngày Phật Đản là ngày Phật có trong tâm con, ngày con phát tâm theo Đức Phật vượt bể khổ trần gian, đó mới chính thật là ngày Phật Đản.

Ngày Phật Đản là ngày chư Thiên, Hộ Pháp, chư Phật, Bồ Tát mười phương thế giới lớn tiếng ngợi khen sự không thể nghĩ bàn của Thích Ca Văn Phật, Ngài đã thị hiện vào đường sanh tử để độ chúng sanh thế giới Ta Bà đi đến quả vị Phật. Chư Địa thần cũng phát tâm hộ trợ cho chúng sanh nào quyết tu Phật đạo. Cho nên đó cũng là ngày trời đất giao hoà, chúng sanh chịu hoạ báo trong địa ngục cũng được hào quang thánh đức của Như Lai soi tới, nên phát tâm Bồ Đề đông không kể xiết, gọi là ngày “địa ngục khai môn” cũng vì thế. Địa ngục đã hết đối với các chúng sanh ấy. Trong bầu không khí của ngày hội đó, con hãy lập ngày hội của con, con hãy cho mình một ngày hoàn toàn là của mình, gạt bỏ tất cả quá khứ, ngày hôm qua, gạt bỏ ngày mai và những toan tính về tương lai khỏi tâm trí. Chỉ có hiện tại, chỉ có ngày hôm nay, chỉ có Như Lai và con trong suốt ngày Phật Đản, thì mới thật là nếm được Pháp vị của ngày Phật Đản. Thời gian chỉ là chướng ngại khi tâm con còn chướng ngại, tâm không chướng ngại thì quá khứ không có nghĩa đã mất, vị lai không có nghĩa chưa đến. Nên, ngày lễ kỷ niệm Đức Thích Ca hôm nay không mảy may kém hơn 2600 năm về trước về mặt thực tế, cũng như về nghĩa vui mừng. Và tương lai cũng không vì thời gian xa hơn mà Thánh lễ càng xa Đức Phật. Như Mẹ tán thán công đức vô lượng vô biên của Như Lai, từ bi vô lượng vô biên của Như Lai trong ngày Thánh đản, chư Phật mười phương cũng đồng ngợi khen như thế. Nhưng con có đón ngày ấy với tâm trạng nào thì ngày ấy vẫn là ngày vui, là ngày vĩnh viễn đã tự tách rời khỏi quá khứ, đi mãi trong thời gian, hiện hữu mãi trong thời gian.

Khi con đến chùa cùng chư phật tử đảnh lễ Như Lai, thì phải thấy con đã lập Đạo tràng nơi tâm, đã thờ Phật nơi tâm, đã xây ngôi chùa bất hoại bằng Tam quy ngũ giới nơi tâm để phụng thờ Đức Phật. Và con đến chùa là để thỉnh Phật lên đài tôn nghiêm tại thế, chứ không phải là đến chùa rồi mới tìm Phật. Nếu con và tất cả phật tử đồng thỉnh Phật trụ thế, sự đồng tâm ấy làm nên một vị Phật duy nhất không có tướng phân biệt, sự đồng tâm ấy là thế giới đại đồng, là Phật tánh, và sự đồng tâm ấy chính là Phật vậy.

Nam Mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Đệ tử ngày hôm nay ngồi dưới Phật đài, chiêm ngưỡng tôn dung vô tướng hiện thân. Lễ này con nguyện không trụ quá khứ, hiện tại, vị lai mừng đại nhân duyên Phật chuyển Pháp luân.

Lễ này con nguyện đồng tâm với vô lượng chúng sanh trong quá khứ, hiện tại, vị lai tán thán công đức không thể nghĩ bàn của Như Lai, vì chúng con đã chuyển Pháp luân.

Lễ này con nguyện không trụ quá khứ, hiện tại, vị lai báo đáp thâm ân Ngài đã chỉ cho chúng sanh con đường diệt khổ.

Lễ Phật phải lễ bằng tướng và bằng tâm như thế mới thật là kính lễ. Con hãy vui mừng làm theo để trọn hưởng được khí lành ngày Phật Đản.

KINH ĐIỂN     

Con đọc kinh điển trong tâm tướng nào, có bao giờ con tự hỏi mình như thế? Con không thể đọc kinh điển như đọc sách, thích thú với những đoạn hay, tò mò với những ý tưởng lạ, đọc như thế là tâm bất kính. Con vì thế vô tình đóng cửa chân tâm, lòng không để tác động của thần lực phát ra từ kinh điển chuyển mình, nên cũng khó có thể hiểu được nghĩa kinh. Kinh điển là sự kết tập lời nói của Đức Phật Tổ, lời nói ấy là văn sống động, giản dị, dễ hiểu, đại chúng, ở ngay trong đời sống tầm thường bình dị của mỗi ngày; chỉ bày những chân lý thật nhưng có thể nắm bắt được bằng thân, thật dưới sự có mặt vô hình đối với mức thường của gió (?).

Đọc kinh là học, là nghe kinh. Khi mở quyển kinh, lòng của con cũng phải sẵn sàng đón nhận những lời lẽ ấy với tất cả sự kính tín của người muôn dặm thỉnh kinh. Hãy cẩn thận, muôn dặm đường xưa nay nằm trong tâm con đấy. Lời nói của Phật Tổ một bản ngã vô ngã chính là Pháp, đó không còn là lời nói, không còn là ngôn ngữ văn tự, đó là chân lý tuôn tràn, ẩn chứa trong ấy tất cả sức mạnh của vũ trụ, của tánh “Không”. Vì chúng sanh mà có tướng âm thanh, nên có chúng sanh mới có Pháp là thế. Muốn biết chắc rằng con hiểu đúng tinh thần quyển kinh mà con đọc, trước hết phải tận tường nhân duyên thuyết kinh ấy, sau phải nắm được mật chỉ trình bày xuyên suốt tất cả lời lẽ của kinh. Dù Phật có thuyết bao lời lẽ cũng để diễn bày mật chỉ ấy; mật chỉ ấy, mật mà không mật, thường chính là Tự của kinh. Những người nhân nghe một câu kinh mà thấy Phật tánh, chính là hành giả đã hun đúc, nghiền ngẫm vấn đề của mình từ rất lâu, tâm đã đạt chỗ “tri hành hiệp nhất”; lời nói và việc làm là một, nên chỉ cần một cái gõ mạnh trợ duyên là bừng sáng, đó là người đã sẵn chứa tạng Kinh trong tâm, người khác cũng có mà cũng không, vì chưa tự thấy biết tạng Kinh của mình. Lời nói của người có thể khiến người khác bỏ những việc khó bỏ, làm những điều khó làm, ắt hẳn không chỉ là lời nói.

Giở một trang Kinh là nghe tiếng nhạc trời, đọc một dòng chữ là thấy hào quang toả sáng, đón nhận nghĩa lý như là uống giọt cam lồ, con sẽ là người sống cùng thời, được nghe chính tiếng Phật thuyết giảng. Không đọc kinh điển trong tinh thần thu thập kiến thức, thì kinh điển bao giờ cũng mang lại lợi ích nhất định cho con, vì “Kiến” đã là chướng ngại rồi. Đọc kinh trong trạng thái tinh khôi, thì tâm hồn con là tờ giấy trắng được in đậm chân lý giải thoát của chư Phật. Con hãy đọc kinh điển trong tinh thần ấy!

KINH PHÁP HOA

Nghe kinh Pháp Hoa và trì tụng con được an ổn thân tâm, nhưng để hiểu và hành thì con chưa đạt được điều ấy. Vần đề ở chỗ là phải tìm hiểu và quán, tu trong kinh là “Tri kiến Phật”. Tri kiến Phật đó là sự thấy biết của Phật Đà, đó là trí huệ viên mãn tột cùng. Nói tất cả mọi người, mọi vật đều có Phật tánh là nói tất cả chúng sanh đều sẽ được Tri kiến Phật, hay chúng sanh đều là Phật, điều này con thật khó mà tin được. Vì sao? Vì con chưa thấy, chưa được, chưa ngộ Phật tánh, Phật tri kiến nên không nhìn thực thể như nó vẫn thường hằng.

Như khi con buồn, tìm an ủi, quân bình cả tâm hồn trong sự chiêm ngưỡng tượng Phật. Đau khổ ngập trong lòng, nên trông tượng Đức Di Lặc con không cảm được từ tâm của Ngài, vì tượng Đức Di Lặc Bồ Tát là biểu tượng của Pháp hỷ, sự an ổn vô song về mặt tâm linh, điều thật xa cách với tâm trạng hiện tại của con. Con trông tượng Phật Tổ để thấy Ngài không gần gũi trần gian, con nhìn hình tượng các vị Bồ Tát với nét thương cảm chúng sanh qua gương mặt đượm buồn và nhận rằng đích thật đây là Phật của con, con cảm thấy một mối giao cảm đặc biệt với vị ấy và mở lòng cầu nguyện. Thật ra, chư Phật vẫn đồng tâm thương xót chúng sanh, nhưng chỉ vì kiến chấp của con mà Phật hoá chẳng đồng. Ở nơi “Không” lập các Pháp là chư Phật tùy tâm địa của chúng sanh mà thuyết giảng, với người thích Giáo pháp Thanh văn, Phật vì đó nói Pháp ấy là Thanh văn; với người thích Đại thừa, Phật vì đó nói Pháp ấy là Đại thừa; nhưng đâu phải vì danh tự “Đại thừa”, “Tiểu thừa” mà các giáo pháp không phải xuất sanh từ Phật tri kiến, các Pháp sai biệt ở văn tự bản tánh vốn là sự Giác ngộ của Phật, không hề khác nhau. Vì thế, muôn Pháp đều dẫn đến Giác ngộ. Dù hàng Thanh văn không biết, không hay Phật đã gieo Phật trí nơi mình.

Một người cư xử không phải với con, ức hiếp con, con thở than, buồn bã hay giận dữ. Tại sao? Tại sao con cần phải phản ứng lại sự việc trên như thế? Có phải vì trong con những ý niệm về bất công, ức hiếp vẫn còn đầy dẫy, nên con cảm thấy sự bất công, tức là chính con cũng không khác người kia. Như thế con có thực sự tốt hơn người kia, con là thiện và họ là ác không? Tuy con không hành ác nghiệp nhưng tâm không lìa ác, nên tất cả giai đoạn nhân quả của điều ác vẫn diễn biến đầy đủ trong con, đó là sự thấy biết của chúng sanh. Nếu trong cảnh “oán tắn hội” đó, đau khổ của con chuyển thành thuận cảnh, con sung sướng biết bao! Thế nghĩa là trong đau khổ có mầm hoan lạc, hạnh phúc đến sau khi vượt qua đau khổ là hạnh phúc có sự dự phần của trí huệ. Trí huệ là giai đoạn mở đầu tri kiến Phật.

Trong một hoàn cảnh tuyệt vọng, con vẫn còn niềm tin vào điều vượt ngoài phạm trù của lý trí sẽ xoá tướng tuyệt vọng mà con đang nhận biết rõ ràng, niềm tin ấy khiến con niệm Phật cầu thoát khổ, cầu điều kỳ diệu, đó chính là niềm tin vào bản tánh thiện vẫn chi phối vũ trụ. Sợ hãi là tin vào sự chiến thắng của điều ác, nếu có một sự tin tưởng tương đương vào điều thiện thì sợ hãi tiêu tan. Phải chăng giây phút cầu nguyện ấy, con vượt qua tướng thời gian, nên vượt qua tướng của sanh tử, đã nói với hiểm nguy, với tứ đại, với giả duyên, với tam nghiệp rằng: “Bất chập sự cản trở của các ngươi, bất chấp sự trói buộc mà các ngươi đang giam giữ ta, ta cũng tiến lên, tiến mãi về phía trước, về cảnh giới có tri kiến tuyệt đối, sẽ giải thoát cho ta khỏi hoàn cảnh hiện tại”. Đó là vươn tới Phật, và tri kiến Phật như một phép mầu, phải đưa con vào nước “Trí” (?). Sự mầu nhiệm mà con mong cầu phải đến, vì bản thể Phật vốn không hạn lượng, không cùng tận, nên không gặp cảnh trái nghịch, luôn gặp thuận cảnh.

Đề Bà Đạt Đa là Phật, vì đã chỉ cho chúng sanh thấy định lực của Phật Tổ; Đề Bà Đạt Đa là Phật, vì đã phỉ báng Phật, ghét Phật vì Phật là Phật. Hình ảnh của Phật là hình ảnh mà Ông chối bỏ, tức là ý niệm về Phật có trong Ông. Người ta không thể phản đối một hình tượng không hề hiện hữu. Nghiệp chướng, chúng sanh kiến ngăn trở Đề Bà Đạt Đa phản Phật, hoà nhập vào Phật, thấy Phật nơi mình, nhưng Phật trong Ông vẫn hiện diện. Tại sao con lại nghĩ rằng Ông ta ghét Phật, mà không biết rằng Ông chưa bao giờ không kính Phật! Ghét hay thương chỉ là hai cách tiếp nhận một tiền đề sẵn có, cách này hay cách kia là phương tiện diễn đạt, nên tướng ghét cũng như tướng thương kính mà thôi! Đề Bà Đạt Đa là Phật thị hiện làm Bồ Tát độ oán tắn.

Phải biết rằng mọi sự con vẫn thường cho là thuận - nghịch từ chỗ đứng của con, đều không thật. Tâm con đem vào những phán đoán, mà tự thể các hiện tượng hay Pháp ấy không có. Ví dụ: Con vẫn cảm thấy mặt đất rất vững chắc, từ bao kiếp vẫn cho rằng vòng tay của đất đáng tin cậy vô cùng; nhưng hãy thử tưởng tượng, nếu mặt đất trở thành trong suốt, thì bầu trời mênh mông đáng sợ trên đầu lại vẫn có dưới chân, con không có nơi trú ẩn an toàn, con sẽ thấy chân lý trời trên đầu và đất dưới chân trở thành nghịch lý. Nước chảy xuôi chỉ là giả tướng, hãy tìm tướng xuôi ngược nơi tâm, và luôn nhớ không thể tin vào con để quyết định chân tướng của sự vật.

Vì sao con phải lễ Phật? Vì Phật ở ngoài. Không đảnh lễ vị Phật ở trong ư? Như thế vẫn chưa thấy Phật. Đảnh lễ Phật mà không hướng vào đâu, không hướng về phía trước, không hướng về phía sau, không trên, không dưới, không phía trong, chẳng phải không phía trong, lìa tướng quỳ, tướng đứng vào nơi vô biên, đó là “Ngộ Nhập Phật Tri Kiến”.

Hoa sen mọc từ bùn nhơ lại có mùi thơm ngào ngạt, đó là nhờ mọc từ bùn mà có hương, hay bản chất của sen là thơm? Từ nơi muội manh (?) lại nảy điều cao quý, chính vì tánh của bùn vốn không nhơ. Tướng bùn lầy là phương tiện cho hạt giống nẩy mầm, vì muốn chỉ tánh của bùn và sen là một, nên hoa phải chấp tướng hiện hữu. Nếu không muốn chỉ tánh ấy thì vắng bặt tướng tịnh và bất tịnh, vắng bặt nói năng, tên gọi, không có tướng thiện-ác, chúng sanh và Phật. Tánh không tên ấy khi động thì hoá ra vũ trụ, không động thì vô hình, rắn hơn sắt đá, tạm gọi là “Tánh Không”. Ngộ tánh không của vạn vật là ngộ Phật tri kiến.

Không ghét người xấu, không ngại đau khổ, với sức kham nhẫn vô biên, thề tận độ chúng sanh thành Chánh giác, tất cả chúng sanh chưa thành Phật thì con nguyện chưa thành Phật. Đó là Pháp môn tự tu dẫn đến Tri kiến Phật. Có phát tâm như thế mới có thể hiểu kinh Pháp Hoa, mới thật trì kinh Pháp Hoa, đó mới chính là thật hành Diệu Pháp.

Con hãy phát tâm!

* Vì băng ghi âm đã quá cũ, nên có một số từ chúng tôi không thể nghe rõ hoặc phỏng đoán được, xin đánh dấu (?) phía sau những từ ấy để quý vị lưu tâm.

Theo Phật Giáo Đại Chúng (sưu tầm)

Âm lịch

Ảnh đẹp