Trái ngược với chiếc chuông bên bờ bắc chiều chiều thánh thót vang xa,
chiếc chuông này phát ra âm thanh “nặng nề” khò khè khó hiểu dù đã được
sửa chữa nhiều lần. Chưa giải thích được hiện tượng lạ này, người ta
liền đổ lỗi “chiếc chuông bị “ma ám” nên tiếng kêu phát ra như lời
“than khóc””.
Tiếng chuông “khóc than”
Ông Nguyễn Ngọc (45 tuổi), chủ một quán cà phê trên phố Ngô Quyền bên
bờ sông Thạch Hãn suốt gần 5 năm bán quán ở đây vẫn “ấm ức” một điều là
chưa từng một lần được nghe tiếng chuông từ chiếc chuông nói trên dù
tháp chuông nằm cách quán chỉ vài trăm mét.
Ông cho hay tất cả
những loại chuông trong thành phố: Từ chuông ở bờ bắc sông Thạch Hãn,
chuông ở nhà thờ Trí Bưu, chuông chùa Thành Cổ… dù nằm cách xa quán của
ông nhiều cây số nhưng vẫn có thể nghe rõ mồn một, trong khi chiếc
chuông “khủng” ngay sát bên này thì chỉ “khò khè như bị bóp cổ”.
Ông Ngọc còn “thách thức” khách đến thăm: “Có hỏi hết cả người dân ở
thị xã Quảng Trị cũng không ai nghe được tiếng chuông phát ra từ cái
chuông “khủng” này, vì phải đứng gần mới nghe được tiếng kêu ấy.
Âm thanh phát ra kì lạ lắm, nó không ngân vang cao hay lan tỏa mà
nghe có vẻ nặng nề nặng trịch. Nghe đâu có “thầy pháp” phán rằng do có
quá nhiều linh hồn chưa được siêu thoát ám vào tháp khiến chuông kêu
nhỏ, phát ra âm thanh nghe như tiếng khóc than não nề”.
Không
chỉ ông Ngọc mà hầu như tất cả chủ quán khác trên đường Ngô Quyền cũng
xác thực họ không hề nghe thấy tiếng chuông từ quả chuông này. “Chuông ở
bờ bắc sông Thạch Hãn, chuông nhà thờ tuy kích thước nhỏ nhưng sáng
sớm hay chiều tối nào cũng nghe đều tai. Còn chiếc chuông này thì “to
xác” nhưng kêu nghe “nản lắm””, chị Thủy, một người dân sống gần công
trình tưởng niệm tháp chuông bình luận.
Chị cho biết dù sống ngay bên cạnh nhưng phải căng tai nghe ngóng,
tập trung cao độ mới hay lúc nào người ta đang thỉnh chuông và người
phụ nữ này quả quyết tiếng chuông chỉ đi xa được vài chục mét. Nói đoạn
người phụ nữ này giải thích với giọng điệu kì bí : “Thời chiến xác
người chết ở đây nhiều vô kể nên bây giờ thiêng lắm. Họ còn vướng víu
cõi trần nên “bịt kín” miệng chuông không cho âm thoát ra”.
|
Công trình tưởng niệm Tháp Chuông, nơi đặt chiếc chuông “bí hiểm” |
Chính những lập luận sặc mùi mê tín dị đoan về việc nhiều “oan hồn”
này khóc than ngày đêm, đeo bám vào chuông đồng làm chuông nặng quá
không thể ngân vang. Nhiều ý kiến khác lại cho rằng trong lễ đổ đồng
đúc chuông, vì biết rằng chiếc chuông sẽ được đặt cạnh bờ sông Thạch
Hãn và di tích Thành Cổ vốn nổi tiếng linh thiêng nên có quá nhiều
người ném vàng vào hỗn hợp đồng, cầu mong phúc phận làm mất đi ý niệm
cầu siêu đơn thuần của chuông, dẫn đến kết quả tiếng chuông không “đạt
chuẩn”. Trong nghiệp đúc chuông người ta gọi đây là “duyên phận”.
Dẫn chúng tôi “mục sở thị” chiếc chuông đồng đồ sộ nhất xứ Quảng Trị
với trọng lượng hơn 7 tấn; cao 3,9 mét; đường kính miệng 2,15 mét, anh
Võ Thịnh, cán bộ Trung tâm Văn hóa thông tin – Thể dục thể thao thị xã
Quảng Trị (VHTT - TDTT) cho biết công trình này được khánh thành vào
ngày 29/4/2007 do một ngân hàng tài trợ xây dựng.
Trên chuông có khắc dòng chữ lớn “Đại Hồng Chung” với ý nghĩa một khi
tiếng chuông ngân lên, mạch âm dương được kết nối là thời khắc đất
trời giao hòa.
Người ta mong muốn tiếng chuông lúc ấy trở thành tiếng chiêu hồn, dẫn
dắt các linh hồn siêu thoát. Thế nhưng kết quả không như ý muốn như
lời anh Thịnh trầm buồn: “Chỉ mong ngày nào đó tiếng chuông vang cao
vang xa mới thỏa lòng, chứ thế này nghe buồn lắm”.
Suốt hai năm phụ trách công tác thỉnh chuông vào mỗi 5h chiều hàng
ngày nhưng lòng anh Thịnh “nặng như đá” khi kéo cánh cửa tháp. Anh băn
khoăn: “Không biết lí do vì đâu? Chuông lớn, tháp cao, lại được nghệ
nhân đúc đồng nổi tiếng ở Huế đảm nhận nhưng chuông kêu não nề lắm, âm
không ngân vang, không thanh thoát như mong đợi”.
Số phận lận đận của Đại Hồng Chung
Với mong muốn giải đáp cặn kẽ nguyên cớ, PV đã tìm gặp nghệ nhân đúc
đồng Nguyễn Văn Sính, người trực tiếp đúc “chiếc chuông nhiều rối rắm”
để tìm hiểu nguyên nhân sự việc. Nghệ nhân Sính cho biết ông từng đúc
chiếc chuông lớn nhất nặng tới 30 tấn, “loại chuông 7 – 8 tấn nhiều
không kể xiết và tất cả đều đảm bảo âm thanh đúng chuẩn”.
Thế nên ông loại trừ giả thiết cho rằng vì chiếc chuông quá lớn khiến
chất lượng không đảm bảo dẫn đến âm thanh phát ra “nặng trình trịch”
như cách gọi của dân gian. Ông Sính so sánh: “Đơn giản như chuông ở Núi
Bà (tỉnh Tây Ninh) có trọng lượng bằng với trọng lượng “Đại Hồng
Chung” ở Quảng Trị nhưng âm thanh rất đảm bảo.
Vả lại trước khi bàn giao sản phẩm chúng tôi cũng đã tiến hành thử
chuông nhiều lần và cho kết quả như ý. Tuy nhiên khi đem chuông về gắn
lên tháp bê tông gần Thành Cổ thì âm chuông lại thay đổi tệ đi”.
Với kinh nghiệm cả một đời trong nghề, nghệ nhân Nguyễn Văn Sính bộc
bạch chưa bao giờ gặp nhiều trắc trở như quá trình đúc “Đại Hồng
Chung”. Theo lời ông kể, khi chuông “Đại Hồng Chung” được vận chuyển từ
Huế ra Quảng Trị thì hoàn toàn nguyên vẹn, nhưng sau đó một năm do đơn
vị sử dụng dùng chiếc dùi để đánh chuông quá nặng làm lớp đồng bị nứt.
Chuông lại được chuyển vào Huế để sửa chữa nhưng mãi mà không thành.
|
Chiếc chuông đồng lớn nhất tỉnh Quảng Trị bị “âm hồn bóp cổ”? |
Phải đến khi vời đến một “nhà ngoại cảm” vào hành lễ cầu nguyện, “nói
chuyện” với “âm binh thổ địa” thì chuông mới được sửa xong. “Âm khí ở
vị trí đặt chuông quá nặng, dù đã được trừ khử nhưng không hết nổi.
Nhiều người cho rằng các oan hồn ở đó muốn được yên tĩnh nên không muốn
có chiếc chuông.
Tuy nhiên việc người ta cứ nhất quyết dựng chuông khiến những “người
âm” này phá chuông. Biết rằng nguyên nhân này sặc mùi nhảm nhí, nhưng
vẫn không ai giải thích nổi việc lúc thử chuông ở Huế thì âm thanh rất
hay, khi đưa vào đó lại tệ hẳn đi”, ông Sính lập luận.
Trái
ngược với “lí do tâm linh” trên, ông Lê Anh Tài, Giám đốc Trung tâm
VHTT- TDTT thị xã Quảng Trị, đơn vị trực tiếp quản lí công trình tưởng
niệm Tháp Chuông lại cho rằng chiếc chuông kêu nhỏ có thể do hai nguyên
nhân chủ yếu: 1. Việc đúc chuông không đảm bảo kĩ thuật; 2. Không gian
đặt chuông chưa hợp chuẩn bởi trước khi được xây dựng, Tháp Chuông dự
kiến cao phải cao hàng chục mét, nhưng vì lí do thẩm mĩ mà nhà thiết kế
đã hạ chiều cao xuống 15m như hiện nay.
Có điều người ta không khỏi băn khoăn là tại sao một chiếc chuông lớn
đặt cạnh nhiều di tích, thắng tích nổi tiếng như Thành Cổ Quảng Trị,
sông Thạch Hãn đã “kêu trình trịch” nhiều năm liền lại không được khắc
phục kịp thời.
Giải đáp thắc mắc này, ông Tài cho biết nếu muốn sửa chữa phải xin ý
kiến cấp trên, xin ý kiến nhà tài trợ nên chưa thể tiến hành và ông tài
cũng không hề nhắc đến một kế hoạch sửa chữa cụ thể nào. Điều đó đồng
nghĩa với việc những lời đồn bí hiểm xung quanh Tháp Chuông này sẽ vẫn
còn… bí hiểm.
Theo Mai Long - PLVN