Ôi bao dặm đường
xa cách. Từ ngày mẹ tôi mất cha tôi sống một mình, ông không chịu rời
căn nhà với những năm tháng của quá khứ và tôi không thể bỏ việc để dọn
về nhà cha. Mùa Xuân năm ngoái cha tôi bị ngã bể xương hông và dập một
bên sườn. Bây giờ cha tôi phải vào viện dưỡng lão dành cho người già ốm
yếu và cha tôi được xếp vào danh sách phải săn sóc đủ một vòng tròn của
chiếc đồng hồ treo trong phòng ông. Từ ăn uống, nằm ngồi, đi đứng, làm
vệ sinh, nhất nhất điều có y tá. Cái điều đáng buồn là trong khi nhận
tất cả phục dịch cho thân thể thì đầu óc của cha tôi vẫn còn cái minh
mẫn của một ông giáo sư dậy toán cách đây mấy chục năm.
Tôi
không thể thường xuyên bỏ công việc để đi xuống thăm cha, nhưng mỗi
ngày tôi phải điện thoại, điện thư liên lạc với bác sĩ, dược sĩ, y tá và
những người săn sóc cho cha tôi tại viện dưỡng lão. Tôi cố gắng thu xếp
để mỗi hai tháng đến với cha tôi một cái cuối tuần, và mỗi năm về một
tuần vacation vào dịp lễ Tạ Ơn hay Giáng Sinh. Tôi biết là cha tôi rất
mừng mỗi lần thấy con đến thăm. Cái ánh mắt của cha tôi khi nhìn tôi
chào ra về bao giờ cũng theo tôi suốt chuyến bay. Hôm nay cũng thế, khi
ngửa cổ ra sau ghế để tìm một giấc ngủ ngắn trên phi cơ, tôi nhìn rất rõ
lại hai con mắt của cha tôi. Bất giác tôi tự hỏi "Khi tôi vào tuổi già
yếu. Ai sẽ là 'TÔI' để tới lui săn sóc hỏi han tôi thường xuyên?".
Một
người độc thân không có anh chị em và những người già không có con,
những người có con sống không cùng một tiểu bang, hay xa hơn nữa ở tận
một quốc gia khác thì sẽ rơi vào hoàn cảnh nào khi tuổi già lặn xuống
như mặt trời lặn trên biển (bạn đã ngắm mặt trời lặn trên biển bao giờ
chưa? Nó mất vào nước nhanh vô cùng).
Cái thùng thư
ba, bốn ngày không có người lấy, hay đống báo thành chồng trước hiên
nhà, cỏ không cắt, lá không cào, các cửa sổ không mở là dấu hiệu cho
hàng xóm biết nên báo cho cảnh sát vì chủ nhân trong căn nhà đó ở một
mình và là một người già.
Nỗi
lo âu của một người không có thân bằng quyến thuộc ở gần lúc tuổi già
không phải là nỗi lo âu "quá đáng". Ðó là một điều chúng ta nên nghĩ đến
khi còn có thể tìm hiểu và thu xếp cho chính mình.
Bà Barbara
Gordon có mẹ già 92 tuổi sống ở Florida, trong khi bà làm việc ở New
York bà đã đặt ra câu hỏi "Who will be ME for me." Bà đem câu hỏi đó hỏi
những người bạn độc thân như bà, không con hay có con tản mác mười
phương, họ cùng nhau bàn bạc, đặt ra những câu hỏi cho tuổi già:
- Tôi sẽ sống ở đâu?
- Tôi sẽ sống như thế nào?
- Tôi có đủ tiền không?
- Ai sẽ săn sóc tôi nếu tôi mất khả năng hoạt động?
- Nếu tôi ngã (lúc già yếu) nằm dưới đất hai, ba ngày thì sao?
- Một ngày nào đó liệu tôi có phải rời căn nhà tôi đang ở ?
Những câu hỏi
trên đưa đến những câu trả lời khác nhau mà câu nào cũng rất mơ hồ. Cuối
cùng họ đi đến kết luận: Cái cách mình đang sống bây giờ sẽ ảnh hưởng
rất nhiều vào đời sống của mình lúc về già. Họ làm cái danh sách sau đây
như một kim chỉ nam.
"Có
bạn bè ở mọi lứa tuổi." Ðừng bao giờ nghĩ mình chỉ có thể thân với
những người cùng lứa tuổi hay cùng hoàn cảnh như mình. Ðồng ý là họ hiểu
mình hơn nhưng đồng thời cũng chỉ nghe những than thở của nhau, không
có gì mới lạ. Giao thiệp với những người trẻ hơn mình cũng trẻ lại với
cách suy nghĩ và ứng xử với đời sống "Mới" này. Giao thiệp với người già
hơn mình để được hưởng sự khôn ngoan của họ.
"Kết
thân với hàng xóm." Chắc bạn không muốn ngã xuống sàn nhà, nằm dưới đất
hai ngày rồi mà không có ai đến vực lên. Một tiếng gọi cửa của hàng xóm
có khi cứu được sinh mệnh của bạn đấy. Chạy qua chạy lại nhà hàng xóm
lúc còn khỏe là một điều rất nên làm. Có hàng xóm tin và thân nhau còn
giao cho cả chìa khóa nhà nữa. Người lớn tuổi đâu còn sợ mất mát gì về
vật chất, cái quý nhất chính là bản thân mình thôi. Nếu hai gia đình
cùng trẻ cùng có con nhỏ ở cạnh nhau mà thân thiện được là một điều rất
quý. Tránh được rất nhiều va chạm về con cái và hữu ích cho nhau khi về
già.
"Một
bác sĩ thân thiện và có lương tâm" rất cần. Ông bác sĩ này phải là một
người sẵn sàng cho bạn khi bạn cần tới. Một người không bao giờ từ chối
cắt nghĩa một câu hỏi xem ra không được chính xác mấy của bạn. (Những
câu hỏi không có kinh nghiệm gì của người trẻ tuổi và quá lẩm cẩm của
người già.)
"Dược
sĩ trẻ hơn mình nhiều tuổi." Mua thuốc với những người này, bạn được họ
cắt nghĩa rõ ràng và thân thiện hơn. Người bệnh ở lứa tuổi nào cũng cần
những dược sĩ trẻ trung.
"Tiêu ít, để dành nhiều." Người trẻ để dành cho ngày mai. Người già để dành cho hậu sự.
Cần kiệm luôn luôn là một đức tính.
"Ăn uống cẩn
thận hơn." Thức ăn luôn luôn là một nguyên nhân chính cho sức khỏe.
Người dân nước nào cũng tự hào về văn hóa ẩm thực của nước họ. Nhưng cái
bao tử của cả bàn dân thiên hạ chỉ muốn tiêu thụ những thức ăn nhẹ
nhàng, ít dầu mỡ và bổ dưỡng. Bạn cứ lắng nghe xem cơ thể bạn phản ứng
thế nào sau mỗi bữa ăn khác nhau, thì bạn sẽ hiểu ngay nó muốn nói điều
gì.
"Thể
thao nhiều hơn" Ai cũng biết cơ thể cần vận động thì mới khỏe mạnh và
đầu óc mới minh mẫn. Cứ cả ngày ngồi gõ cọc cọc (như chính tôi đây) ở
máy vi tính, hay xem phim bộ như phần đông người Việt lớn tuổi, chắc
chắn là không đúng rồi. Hãy đứng lên. Người trẻ có thể thao của người
trẻ, người lớn tuổi có những sinh hoạt thể thao cho tuổi của mình. Nếu
không đi xa được thì loanh quanh trong khu xóm, hoặc vung tay, khua chân
ngay trong nhà mình. Ðừng ngồi yên một chỗ. Chim chóc ngoài vườn đang
gọi bạn.
Ngay bây giờ phải là "MÌNH". Có người đặt câu hỏi: "Ai thương tôi nhất"
Câu
trả lời: "Mình thương chính mình nhất" Vì chồng, (vợ) hay con mình cũng
không thương mình bằng chính mình thương mình. Chồng, (vợ) hay con
không thể chịu trách nhiệm về thân thể bạn được. Họ chỉ chia sẻ một phần
nào. Nếu bây giờ bạn thực hiện được những điều trên thì khi về già
chính bạn đã lo được cho bạn khá nhiều. Vì có ai đó, không phải bà con
mình (người bạn hàng xóm) sẽ nhắc cho bạn "Tối nay lúc 9:00 giờ có mục
đọc truyện của đài phát thanh (tiếng Việt) hay lắm.
Hoặc: "Ngày mai Chủ Nhật bà có đi chùa không? Sẽ có xe đón đấy."
tmt