Thiên văn học và Phật giáo


Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo 10 | Thế giới quan của Vật lý học hiện đại và của Phật giáo | Nguyễn Quang Riệu
25/10/2018 15:57 (GMT+7)
Số lượt xem: 1482
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


LTS: Giáo sư Nguyễn Quang Riệu, nhà thiên văn học, tiến sĩ khoa học vật lý Đại học Sorbonne, Pháp, hiền là Giám đốc Nghiên cứu của Trung tâm quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS), công tác tại Đài Thiên văn Paris. Ông là tác giả của hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học giá trị về thiên văn đăng trên nhiều tạp chí khoa học quốc tế. Độc giả Việt Nam biết đến tên tuổi của ông qua nhiều cuốn về Thiên văn với cách viết đầy chất thơ như: “Bầu trời tuổi thơ”, “Lang thang trên dãi Ngân Hà”, “Sông Ngân khi tỏ khi mờ”, “Vũ trụ: phòng thí nghiệm thiên nhiên vĩ đại”, “Thiên văn học vật lý”…xuất bản từ 1995 cho đến gần đây. Là một nhà khoa học và là người có truyền thống Phật giáo, ông đã tham dự buổi thảo luận bàn tròn về đề tài”Thế giới quan của Vật lý học hiện đại và của Phật giáo”. VHPG trân trọng giới thiệu đến bạn đọc phần trình bày ý kiến của ông, về những điểm gặp gỡ và không gặp gỡ giữa Thiên văn học và Phật giáo.

thien-van-hoc-phat-giao

Trước hết, tôi xin cảm ơn các anh Cao Huy Thuần và Trịnh Đình Hỷ, đại diện ban tổ chức chùa Khuông Việt đã mời tôi đến cuộc gặp mặt hôm nay. Mục tiêu của các anh đã đạt được một phần. Bởi vì các anh đã làm thế nào mà để bốn chúng ta họp mặt với nhau, ý kiến có thể khác nhau, vấn đề này chúng ta sẽ thảo luận sau, nhưng trước hết là chúng ta đã đồng ý họp với nhau.

Một nhà khoa học như tôi cũng có truyền thống Phật giáo, giống như đại đa số các anh chị em ở đây, tuy nhiên tôi không am hiểu nhiều về Phật giáo. Vì thế, những lời của anh Nguyễn Tường Bách phát biểu trước đây đã làm cho tôi hiểu thêm về đạo Phật. Anh Bách cũng đã có nhã ý lướt qua về lịch sử vật lý học hơn hai mươi thế kỷ nay trong 15 phút. Điều này đã đỡ cho chúng tôi, các nhà khoa học không phải nhắc lại chuyện đó.

Hôm nay, tôi chỉ xin trình bày quan điểm của tôi về một số sự kiện xảy ra trên thế giới này. Sau khi trình bày, tôi mong muốn các anh chị em đặt câu hỏi. Đó là những giây phút lý thú nhất, còn độc thoại thì sợ mất thì giờ của các anh chị ở đây.

Tôi xin trình bày những vấn đề tương đối khó hiểu của khoa học và có thể một phần nào cả về Phật giáo. Tại sao người ta lại để ý đến thiên văn học nhiều, nhất là trong tôn giáo? Theo ý tôi, thiên văn học có những đề tài rất hấp dẫn, nó chạm đến siêu hình học (metaphysique). Tôi thêm những từ tiếng Pháp để các anh chị hiểu, bởi vì chỉ nói từ chuyên môn về triết học và khoa học vật lý sợ các anh chị không quen. Các đề tài thiên văn nhiều khi dính líu đến siêu hình học và triết học, nên đã thu hút rất nhiều người quan tâm, đặc biệt là những người có niềm tin tôn giáo.

Cách tiếp cận những hiện tượng trong vũ trụ đối với Phật giáo và đối với khoa học là hoàn toàn khác nhau. Nhà khoa học dùng logic kiểu Descartes để tìm hiểu những hiện tượng thiên nhiên, còn Phật giáo, theo tôi hiểu, dùng tư duy đạo đức, triết học để đạt giác ngộ và giúp nhân loại diệt khổ. Tuy nhiên, khoa học và Phật giáo không phải là không tương hợp với nhau. Một Phật tử có thể là một nhà khoa học lỗi lạc. Nhưng nếu dùng khoa học để giải thích một hiện tượng siêu hình, đối với tôi, là không thực tế.

Hiện nay có hai đề tài chính, đó là vũ trụ luận và sự săn tìm các hành tinh ở bên ngoài hệ mặt trời. Đề tài trong thiên văn cũng như trong y khoa có rất nhiều, nhưng vũ trụ luận sở dĩ hấp dẫn vì nó dính líu đến siêu hình học, mặc dù nó chỉ là một phần nhỏ trong thiên văn học mà thôi. Người ta để ý đến vũ trụ luận nhiều, vì môn học này nói về trời đất nên trở nên hấp dẫn.

Vũ trụ luận (cosmology) nghiên cứu nguồn gốc và sự tiến hóa của vũ trụ, trong đó có cả vấn đề tại sao chúng ta có mặt ở đây, trên hành tinh trái đất này? Vũ trụ nguyên thủy có rất nhiều hạt cơ bản. Muốn nghiên cứu về vũ trụ nguyên thủy, chúng ta rất cần đến những nhà chuyên nghiên cứu về hạt, về vật lý lượng tử. Vũ trụ nguyên thủy chỉ là hạt và ánh sáng.

Đề tài thứ hai là săn tìm các hành tinh ở bên ngoài hệ mặt trời, nhằm phát hiện sự sống trên các hành tinh. Nhà vật lý nổi tiếng Fermi đã tự hỏi khi ông đến thăm Trung tâm Nguyên tử Los Alamos vào năm 1945, sau khi bàn bạc với các nhà vật lý nguyên tử rằng tại sao chỉ có chúng mình có mặt ở trong vũ trụ bao la này thôi? Ở Mỹ có thói quen vừa ăn vừa bàn về khoa học, ông ta tính toán trong một góc bàn và kết luận hẳn phải có con người trên những thế giới khác. Tại vì có hàng trăm tỷ thiên hà trong vũ trụ, trong mỗi một thiên hà có đến hàng trăm tỷ ngôi sao, mà mỗi một ngôi sao như ngôi sao mặt trời có đến một chục hành tinh. Nếu tính toán thì có đến hằng hà sa số hành tinh, và khi nói đến hành tinh thì phải nói đến sinh vật như con người chúng ta. Trong 9 hành tinh của hệ mặt trời mà chúng ta đã biết được chỉ có một hành tinh là trái đất là có người ở. Thế thì giả thử, nếu có con người trên những hành tinh khác và có những nền văn minh siêu việt hơn nền văn minh ở hành tinh chúng ta, vậy tại sao họ không tới thăm chúng ta? Có nhà khoa học đã tính toán, chỉ trong khoảng mấy trăm triệu năm, nếu có những nền văn minh siêu việt như vậy thì họ đã phải đến thăm chúng ta, và nếu họ đã tuần tự nhi tiến, đi từ hành tinh nọ sang hành tinh kia để chinh phục vũ trụ thì mình đã phải gặp được họ. Nhưng chưa ai thấy được mặt mũi của một người từ một hành tinh nào đó tới thăm trái đất. Vì thế người ta gọi câu hỏi của Fermi là nghịch lý Fermi. Trên  lý thuyết, có rất nhiều hành tinh, có rất nhiều người, rất nhiều nền văn minh siêu việt nhưng mà chúng ta không tìm thấy.

Đấy là hai đề tài rất hấp dẫn đối với con người trên trái đất hiện nay, không chỉ về mặt khoa học, triết học mà còn cả về siêu hình học.

Tôi thấy có một số điểm tương đồng giữa Phật giáo và khoa học. Phật giáo quan niệm , theo như tôi hiểu, tất cả những gì có trên thế gian này đều vận hành, biến dịch liên tục, chúng dính líu tới nhau, không có gì là độc lập, không có gì là thực tại, như anh Bách đã nói. Trong thiên văn học, vũ trụ biến dịch liên tục, chúng mình đang quay chung quanh mặt trời với chu kỳ 365 ngày, rồi mặt trời cùng với chúng ta quay chung quanh trung tâm của thiên hà, và Thiên hà của chúng ta cũng quay và chạy lùi ra xa những Thiên hà khác. Trong thế giới này, tất cả đều động, không có gì là ở trạng thái tĩnh cả. Phật giáo và khoa học đi trên những con đường song song với nhau để tìm chân lý. Tôi không đồng ý với việc dùng khoa học để giải thích sự hiện hữu của một Đấng tối cao. Bởi tôi thấy cách tiếp cận những hiện tượng trong vũ trụ đối với Phật giáo và đối với khoa học là hoàn toàn khác nhau. Nhà khoa học dùng logic kiểu Descartes để tìm hiểu những hiện tượng thiên nhiên, còn Phật giáo, theo tôi hiểu , dùng tư duy đạo đức, triết học để giác ngộ và giúp nhân loại diệt khổ. Tuy nhiên, khoa học và Phật giáo không phải là không tương hợp với nhau. Một Phật tử có thể là một nhà khoa học lỗi lạc. Nhưng nếu dùng khoa học để giải thích một hiện tượng siêu hình, đối với tôi, là không thực tế.

Thời Phục hưng, ở phương Tây, người ta cho rằng thế giới của chúng ta là duy nhất, nhân loại là độc nhất, khi đưa ra quan niệm thế giới địa tâm, cho trái đất là trung tâm của vũ trụ. Người Trung Quốc gọi nước của họ là nước trung tâm của thế giới. Còn một số nhà thiên văn đề nghị rằng , ông trời làm ra cái vũ trụ này là vì có con người chúng ta sống trong đó, khái niệm rất trừu tượng này cho rằng trung tâm của vũ trụ là con người. Còn ở phương Đông, Phật giáo coi thế gian này có chứa nhiều thế giới , con người chỉ là một tiểu vũ trụ trong một đại vũ trụ, hằng hà sa số đại vũ trụ. Phật giáo có khái niệm Nghiệp, mình là con người như bây giờ là do những kiếp trước mình đã làm gì để thành con người hôm nay. Nếu mình làm những việc tốt thì hôm nay mình có tiền bạc, danh vọng, xinh đẹp; còn nếu mình đã làm những việc ác thì ngày nay có lẽ mình thành…con quỷ! Tôi xin mạn phép nói nôm na như thế cho dễ hiểu, bởi không có gì là cao siêu cả.

Tôi xin nói qua về sự tiến hóa của vũ trụ. Các nhà thiên văn bây giờ tìm cách miêu tả sự kiện ở thời điểm sau Big Bang, một vụ nổ vĩ đại tạo ra vũ trụ cách đây khoảng 14 tỷ năm. Hồi đó, vũ trụ từ một hạt cơ bản rất nhỏ đã phát triển để ngày nay trở thành một vũ trụ có đầy thứ trong đó. Big Bang là nguyên nhân của thế giới hiện nay. Trong thời Big Bang, nếu có sự thay đổi những hằng số của vũ trụ, dù chỉ là một chút; thì vũ trụ hiện nay đã khác và có thể không có chúng ta ở trong đó, nghĩa là vũ trụ đã được điều chỉnh một cách rất tinh tế. Đó không phải là vấn đề. Điều tôi muốn nêu ra ở đây là, đã có những nhà khoa học nêu lên vấn đề ai là người đã điều chỉnh vũ trụ tinh tế như vậy? Từ đó, họ cho là có một Đấng sáng tạo tối cao điều khiển vũ trụ. Theo tôi, quan niệm đó là không phù hợp với Phật giáo. Bởi Phật giáo không tin có một Đấng Sáng tạo. Phật giáo quan niệm vũ trụ vô thủy vô chung không thích hợp với những kết quả mà đa số các nhà thiên văn đã tìm thấy.

Nói theo kiểu cách mạng Trung Quốc, Phật giáo có ba cái”vô”, đó là vô thường, vô ngã và vô minh. Ba cái “vô”đó miêu tả khái niệm ảo của sự vật: Hiện tượng không phải là những thực thể độc lập, như anh Bách vừa nói, chúng phụ thuộc lẫn nhau theo luật nhân quả. Chẳng hạn, trong vũ trụ nguyên thủy có toàn những hạt cơ bản, những hạt li ti, nhỏ hơn cả electron mà anh Bách dịch là”hạ nguyên tử”. Từ trước đến nay người ta cho quark (tôi nhường lời để anh Yêm sẽ nói nhiều hơn) là hạt cơ bản của vật chất. Nhưng những năm gần đây, có các nhà khoa học, các nhà thiên văn và vật lý cộng tác với nhau, đã đề nghị trong vật chất có những hạt còn nhỏ hơn hạt cơ bản, đó là những “dây”, như anh Bách đã nói, có kích thước nhỏ hơn electron 10 lần, không nhìn thấy được. Đó là lý thuyết hiện đại. Liệu những “dây”đó có phải là thực tại hay không? Tại vì cả hàng trăm năm nay, ai cũng cho “hạt”là đơn vị cơ bản, thì nay lại còn có cả “dây”. Người ta cho rằng, hạt phản ảnh cơ chế sinh động của “dây”. Như dây đàn khi ấn ngón tay vào một vị trí trên cần đàn thì nó sẽ phát ra một nốt nhạc. Cũng tương tự như vậy, tùy cách rung dây có thể tạo ra electron , và khi rung ở những mức khác sẽ tạo ra hạt nọ hạt kia. Lý thuyết này hiện rất phát triển, rất mode. Nhưng theo tôi thì chưa chắc đúng. Sở dĩ người ta để ý đến lý thuyết “dây” bây giờ vì những người làm ra lý thuyết “dây” cho rằng, thuyết này có thể giải thích được những gì có trong vũ trụ , nên gọi là”lý thuyết của mọi vật”(theory of everything). Đó cũng là ước vọng cuối cùng của A.Einstein. Liệu khái niệm”dây”có đúng hay không? Theo tôi hiện giờ chưa biết. Tôi xin tạm dừng ở đây và mong các anh các chị đặt câu hỏi.

(P.V.ghi, tựa do VHPG đặt)

Kỳ tới: Vật lý lượng tử và Phật giáo


Âm lịch

Ảnh đẹp