13/12/2011 16:41 (GMT+7)
Số lượt xem: 121199
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

"Từ đêm đen của thời gian, con người đã đăm đắm nhìn lên bầu trời, cật vấn nó, thi vị nó, thậm chí còn bi kịch hóa nó... Mọi thứ trong vũ trụ đều thay đổi, vận động và có một lịch sử... Tất cả chúng ta chỉ là những hạt bụi của các vì sao và vì vậy chúng ta đều là con đẻ của thời gian...".


Những ngôn từ đầy tính thơ trên đây không phải của một nhà thơ, cũng không được trích dẫn từ một tác phẩm mang tính văn học nào. Nó được trích từ một công trình khoa học có tên gọi: Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao, tác giả là nhà vật lý thiên văn nổi tiếng thế giới Trịnh Xuân Thuận.

Ông vừa về VN để thực hiện một chuyến công tác với 15 cuộc thỉnh giảng và nói chuyện tại Viện Vật lý VN, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật VN và 10 trường đại học, xung quanh vấn đề mà ông dành trọn cuộc đời để theo đuổi: vật lý thiên văn và niềm say mê nghiên cứu khoa học.

Tuổi Trẻ đã có một cuộc trò chuyện riêng với người "đam mê bầu trời và các vì sao" này, ngay khi ông vừa đặt chân đến Hà Nội.

* Thưa GS, tại sao tên cuốn sách mới nhất được dịch ra tiếng Việt lại là Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao? Từ điển là cái mà người ta cần dùng để tra cứu, đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối, còn "yêu thích" là khái niệm trừu tượng và mang ý nghĩa cảm tính?

- Ồ, đúng vậy đấy. Chính xác và đam mê, đó cũng là quan điểm của tôi về khoa học nói chung và vật lý thiên văn nói riêng. Một công trình khoa học tất nhiên phải mang tính chính xác. Nó là kết quả của đam mê, suy đoán, nghiên cứu, thực nghiệm.

Thật ra, tên cuốn sách của tôi, theo tiếng Pháp - vì tôi viết bằng tiếng Pháp - có thể và nên dịch là "từ điển đam mê". Tôi đặt ra một danh sách dài các khái niệm, các mục từ mà tôi yêu thích nhất, đam mê nhất chứ không phải là tất cả những gì thuộc về vật lý thiên văn từ A-Z, và bắt đầu viết về nó.

 

Trịnh Xuân Thuận sinh năm 1948 tại Hà Nội, là một nhà khoa học người Mỹ gốc Việt trong lĩnh vực vật lý thiên văn, là một nhà văn đã viết nhiều quyển sách có giá trị cao về vũ trụ học và về những suy nghĩ của ông trong tương quan giữa khoa học và Phật giáo.

Ông còn là một nhà thơ, một triết gia, một phật tử và một nhà hoạt động cho môi trường và hòa bình.

Ông bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Princeton, và là giáo sư ngành vật lý thiên văn ở Đại học Virginia (Mỹ), Đại học Paris VII (Pháp)...

Các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông đã được dịch ra tiếng Việt là: Giai điệu bí ẩn và con người đã tạo ra vũ trụ, Hỗn độn và hài hòa, Cái vô hạn trong lòng bàn tay (Từ Big Bang đến Giác Ngộ), Lượng tử và hoa sen, Trò chuyện với Trịnh Xuân Thuận, Những con đường của ánh sáng... và mới nhất là Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao (Phạm Văn Thiều -  Ngô Vũ dịch, NXB Tri Thức).

Bạn muốn tìm hiểu về sao lùn trắng, bạn có thể tìm trong mục từ S; bạn tò mò về Big Bang; bạn có thể bỏ qua toàn bộ mục từ A để tìm trong mục từ B; bạn băn khoăn về kính viễn vọng; bạn có thể tìm từ đài thiên văn cổ đại cho đến hiện đại.

Bạn nghe trong một chương trình khoa học - giáo dục trên tivi có cụm từ "thiên hà li ti" và cũng có thể tìm trong cuốn từ điển đam mê này lời giải đáp của Trịnh Xuân Thuận về những vấn đề đó. Từ điển yêu thích, có nghĩa là bạn đã đọc những giải nghĩa mang tính khoa học của một nhà khoa học về vấn đề mà ông ta nghiên cứu một cách đam mê. Và cũng nói thêm là ông ta viết nó một cách đam mê, nghĩa là mơ mộng, nên thơ và dễ hiểu nhất có thể được.

Trong việc biên soạn các mục từ, tôi đã cố gắng sử dụng một ngôn ngữ đơn giản, rõ ràng và hoàn toàn không có các thuật ngữ khoa học chuyên ngành, nhưng không vì thế mà làm mất đi sự chặt chẽ và chính xác.

Ðể giải thích các khái niệm khó, tôi thường sử dụng các ẩn dụ và các hình ảnh của cuộc sống hằng ngày. Trong lời giới thiệu cuốn sách bản tiếng Pháp, tôi đã viết: "Cuốn từ điển này dành cho những người muốn khám phá bầu trời và các vì sao, nhưng không nhất thiết phải có hành trang khoa học của một chuyên gia".

* Tất cả các công trình của GS, cũng như toàn bộ cuộc đời GS là một minh chứng điển hình của sự thành công nhờ có đam mê. Và đam mê của GS là bầu trời. Rất nhiều độc giả đã say mê những áng văn - khoa học GS miêu tả vẻ đẹp kỳ vĩ của bầu trời qua kính thiên văn Hubble.

Nhưng bầu trời của các thành phố hôm nay khác xa bầu trời thơ ấu của GS - nơi trẻ con có thể ngửa mặt đếm sao, cũng khác xa với bầu trời qua kính thiên văn, ở trên núi cao, nơi không gian hầu như yên tĩnh tuyệt đối, và không bị bụi, khói, đèn cao áp uy hiếp. GS có thể chia sẻ bí quyết nào có thể khiến người trẻ hôm nay vẫn có thể ngước mắt nhìn bầu trời, hay nói cách khác vẫn có thể say mê những môn khoa học cơ bản, khoa - học - không - làm - ra - tiền - ngay không ạ?

- Vâng, tôi biết là khó lắm. Không chỉ ở VN mà trên toàn thế giới, bầu trời hôm nay không còn là bầu trời hôm qua. Ô nhiễm, khói, bụi, tiếng ồn, nhà chọc trời, ánh sáng nhân tạo... đang khiến bầu trời mỗi ngày một bị che khuất. Rất ít trẻ con thành phố ngày nay có thể ngước mắt nhìn sao.

Ngay sinh viên của tôi ở ÐH Virginia, nơi tôi thường xuyên bảo họ trong lần gặp đầu: hãy miêu tả cho tôi bề mặt Mặt trăng nhìn bằng mắt thường. Hầu như không ai nói được. Vậy mà về mặt lý thuyết, vào những đêm mùa hè trời trong, bằng mắt thường, người ta có thể nhìn thấy 2.000 ngôi sao và toàn bộ bề mặt Mặt trăng đấy.

Tôi biết là giờ đây, quá chật chội, bận rộn và nhiều lo toan, con người ta, nhất là người trẻ, chỉ còn có thể nhìn xuống cho khỏi vấp và nhìn xung quanh để tìm đường đi, tránh va chạm. Nhưng không vì thế mà không còn ai nhìn lên. Phải nhìn lên bầu trời chứ, dù có chật chội và ô nhiễm thế nào đi chăng nữa. Vì khoa học về thiên văn, vũ trụ là để cho tương lai.

Tất cả những gì tôi đang làm, những cuốn sách tôi đang viết, một cách thật nên thơ và dễ hiểu, chính là với hi vọng đó. Tôi mong có một lượng bạn đọc trẻ nào đó, vì đọc sách của tôi, mà đem lòng yêu bầu trời và các vì sao trên kia, và đem lòng yêu vật lý thiên văn - môn khoa học khó khăn, tưởng như xa rời cuộc sống nhưng lại rất mơ mộng và thiết thực này.

THU HÀ  thực hiện

Quê hương là mặt đất

Với tôi, cảm tưởng về quê hương là mặt đất này - mặt đất thân thương, đầy đủ buồn vui - chứ không dừng lại ở một đất nước, tỉnh, huyện nào bất kỳ. Cứ mỗi lần nhìn lại bức ảnh chụp Trái đất vào năm 1969 từ Mặt trăng là lòng tôi xúc động. Tôi nhìn, tôi sống trong thiên nhiên và vũ trụ. Tôi cảm tưởng tôi không thuộc về một nước nào cụ thể cả.

Hỏi tôi về lời khuyên cho người trẻ làm khoa học? Tôi không phải dạng người muốn đứng trên mọi người để chỉ dạy. Buộc tôi phải khuyên thì cho tôi tâm sự với nhau chân thành như: có lẽ nên lao vào lĩnh vực mình yêu thích bằng sự trong sáng; làm hết mình, đừng toan tính hay mưu cầu quá nhiều thứ trên cuộc đời này, và ở đó luôn phải nghĩ đến cái tinh thần mặc khải cao cả của Phật giáo, cái đức độ với tha nhân, đồng loại và các loài khác nữa trong công việc của mình.

Mình hạnh phúc thì cũng để cho người khác hạnh phúc; yêu hạnh phúc của mình thì cũng tôn trọng hạnh phúc của người.

GS - TRỊNH XUÂN THUẬN - N.H.T. ghi


 http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/468195/Hay-nguoc-mat-nhin-bau-troi.html


Âm lịch

Ảnh đẹp