29/10/2010 10:00 (GMT+7)
Số lượt xem: 5274
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Để thấy rõ tính cách chân thật và giải thoát của Thiền, chúng ta thử tìm hiểu một số tổ chức tôn giáo cùng so sánh với một số sinh hoạt mệnh danh là tu thiền.


Tại Hoa Kỳ có nhiều nhóm sinh hoạt tôn giáo mà người Mỹ gọi là Tà Phái (Cultism). Những người kiểm soát các nhóm đó thường có khuynh hướng kiểm soát toàn diện đời sống tín đồ và giải thích mọi việc đang xảy ra theo cái thấy sai lạc của họ. Những nhóm này có thể ở khắp mọi tôn giáo và những người gia nhập thường bị đòi hỏi phải tùng phục tối đa và hy sinh cuộc đời họ để được sự che chở. Chúng ta có thể  lấy một trường hợp điển hình là  nhóm Temple’s People  của Mục Sư Jim Jones. Vị mục sư này có khoảng chừng 3 ngàn tín đồ. Sau khi bị chính phủ Mỹ điều tra về các hoạt động bất hợp pháp của giáo phái này, mục sư Jones di chuyển trụ sở từ California sang Guyana. Nơi đây ông ra lịnh cho hơn 900 người uống chất thạch tín để tự tử tập thể  sau khi ra lịnh hạ sát một dân biểu quốc hội Hoa Kỳ sang điều tra. Đó là thảm kịch của tà phái làm cho dân chúng Hoa Kỳ khiếp hãi. Thảm kịch này tái diễn khi ông David Koresh ra lịnh cho các tín hữu bắn nhân viên chính quyền liên bang Hoa Kỳ khi họ đến tịch thu súng ống tại khu vực nhà thờ của họ vùng Waco, Texas.

Riêng các nhóm tu thiền hay tự nhận mình là thiền Phật Giáo, trong cộng đồng Hoa Kỳ cũng như cộng đồng Việt Nam, chúng ta chưa thấy có một bản liệt kê của những nhóm thuộc tà phái như người ta đã làm với các tà phái của Thiên Chúa Giáo, để giúp chúng ta nhận đâu là những tổ chức chân chính và đâu là những nhóm tà phái lợi dụng hay mê hoặc tín đồ.

Căn cứ vào những nguyên tắc đó do các tâm lý gia đề ra để nhận biết những tà phái nào đang hoạt động nhất là chiêm nghiệm các lời dạy của bậc chân tu như Thiền Sư Thanh Từ, Đức Đạt Lai Lạt Ma, thiền sư Hư Vân,  thiền sư Nhất Hạnh cùng các kinh điển Phật Giáo như kinh Kim Cang hay Pháp Bảo Đàn Kinh của Lục Tổ Huệ Năng để nhận biết những điều trên.

Nói một cách giản dị, người nào ‘dạy đạo’ mà lại muốn thực hành sự kiểm soát toàn diện đời sống người tín đồ và dạy cho họ các phương pháp ‘Thiền’ để duy trì và phát triển sự lệ thuộc đó thì họ chính là tà phái. Họ có thể sử dụng các danh từ Phật Giáo nhưng thật ra họ không có dính dáng gì đến đạo Phật cả.

Hậu quả nguy hại của những người thực hành pháp Thiền sai lầm là họ có thể bị tẩu hỏa nhập ma như có các ảo giác (hallucination- như các cảm giác trong những lúc hút cần sa hay ma tuý) tưởng tượng mình bay bỗng đến nhiều chỗ, gặp tiên Phật, thánh trời hay các loài ma quỷ. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật dạy phải tránh lối tu này vì đó là cách thực hành sai lầm tạo ra tai họa cho đời sống.

Chúng ta nhận biết dễ dàng những người này vì họ mất đi khả năng phân biệt những gì là thực tại và những gì là ảo giác do tưởng tượng mà có. Có những người lại bị ràng buộc hay nô lệ vào những hình ảnh không thực hay hình ảnh người hướng dẫn. Hậu quả trên là do sự thực hành thiền sai lầm như thay vì buông xả, họ lại chấp dính vào một hình ảnh, thay vì trực tiếp nhận biết mọi ý tưởng đến và đi họ lại cố đè nén những ý tưởng, những cảm giác và những tâm tư mà họ e ngại hay sợ hãi hoặc là cố giải thích mọi điều theo sự tránh né đó. Có những người ngồi Thiền mà cứ bị hình ảnh của ‘sư phụ’ ám ảnh, không khác gì tâm trạng của một em bé luôn luôn muốn có cha hay mẹ mình ở kế bên. Để gia tăng sự lệ thuộc này, họ được khuyên là nên chấm dứt việc thờ Phật mà chỉ thờ hình ảnh người ‘dạy’ họ. Vài người không hiểu dụng ý này nên đã tuân lời, hạ hình tượng Phật xuống và để hình người dạy họ lên bàn thờ! Nhiều người Phật Tử cùng tín đồ tôn giáo khác đã làm như trên.

Điều ấy tạo ra những bất an của nội tâm, những xung khắc trong gia đình vì nhiều người dùng sự thiêng liêng đó làm phương tiện để thách thức, chống đối, đàn áp hay trốn chạy những người khác trong gia đình. Hình ảnh của ‘sư phụ’ và những lời dạy đạo được họ dùng làm vũ khí khích bác hay áp chế những người trong gia đình hay bà con thân thuộc. Hậu quả là các vấn đế khó khăn trong gia đình tăng lên và đưa đến sự đổ vỡ: nhẹ là xung đột, nặng là ly dị. Con cái của họ là những kẻ phải gánh những hậu quả tai hại hơn ai hết.

Sự kiện trên rất dễ nhận biết và nếu biết sớm thì rất hữu ích cho người bị mê mờ. Những hành vi họ biểu lộ như thế giúp cho những người khác trong gia đình hiểu được các triệu chứng của căn bịnh tâm trí ở trong vùng vô thức của vợ, chồng hay con cái của mình và tìm cách đưa họ đến các chuyên viên tâm thần để chữa trị.

Các bác sĩ đã nghiên cứu cách tẩy não của Đảng Cộng Sản Trung Quốc vào thời đệ nhị thế chiến và thấy là những nhóm tà phái ngày nay bắt chước để tẩy não tín đồ của họ. Đó là sự nguy hại mới trong xã hội hiện nay vì khi thực hành những điều sai lầm đó thì người tín đồ đè nén những hiểu biết chân thực của họ dưới áp lực của nhóm. Người trong nhóm đề cao họ lên nhưng lại chê bai vợ con của họ nếu những người này không chịu theo, hoặc đe dọa sẽ trừng trị qua sự trù ếm nếu họ rút lui khỏi tổ chức cùng nhiều hình thức đe dọa khác.

Sự đè nén tăng gia, sự lệ thuộc tăng gia, sự né tránh giải quyết các vấn đề trong đời sống thực tế tăng gia khi càng cố thực hành ‘thiền đè nén’ hay ‘thiền nô lệ’ này.  Kết quả là họ có thể đi đến những quyết định phi lý hay sai lầm làm tổn thương đến bản thân hay gia đình họ. Những người chung quanh đều thấy rõ như thế nhưng những nạn nhân của tà phái thì vẫn u mê không nhận biết điều đó, vì họ sử dụng cơ chế tự vệ một cách vô thức: họ luôn phủ nhận những gì đang thực sự xảy ra chung quanh. Trên thực tế những ai thực hành như trên thì không phải là họ ‘tu thiền’ mà họ chỉ thực hành sự chạy trốn vào những ảo ảnh. Hậu quả là đời sống gia đình càng mất hạnh phúc, công việc làm càng giảm sút hiệu quả, việc làm ăn thua lỗ hay thất bại là do những quyết định không dính dáng đến thực tế (những điều nói về tu sai lầm và các ảo giác xuất hiện được Đức Phật chỉ rõ trong kinh Lăng Nghiêm).

 

Những Đặc Tính Của Các Nhóm Tà Phái

 

Theo nhà Xã Hội Học Woody Carlson thuộc viện Đại Học South Carolina thì ‘các Tà Phái có một đặc điểm chung là người lãnh đạo làm cho tín đồ thấy y là câu trả lời cho mọi câu hỏi và mọi sự chọn lựa’. Bà Marcia Rudin, Giám Đốc Chương Trình Giáo Dục Về Tà Phái ở New York, nhấn mạnh đến những kẻ ‘vận dụng hành hạ và trục lợi những kẻ theo họ’. Nhận xét thái độ của các lãnh tụ Tà Phái này, dù là họ nhân danh bất cứ một tôn giáo nào, đều có những điểm hay những nết bịnh lý tương tự:

* Muốn kiểm soát toàn diện đời sống tín đồ.

* Người lãnh đạo tự xưng là Đấng Cứu Thế, Chúa, Thượng Đế, Phật Thánh, Vô Thượng Sư và thường loan truyền là người này có phép lạ (như chữa bịnh nan y, bịnh ghiền nha phiến vân vân...).

* Khuyến khích hay bắt buộc tín đồ không được thờ hình ảnh Chúa hay Phật mà chỉ thờ hình ảnh người lãnh đạo hoặc nghĩ tưởng đến hình ảnh người lãnh đạo để được cứu rỗi hay được ban cho sức mạnh.

*  Tổ chức Tà Phái thường đe dọa trừng phạt những tín đồ nào muốn chấm dứt không tham gia. Họ dùng áp lực nhóm hay đe dọa là ‘giáo chủ’ sẽ trừng trị làm cho bị tai nạn, bịnh tật hay nhiều khi còn dùng các hình thức bạo lực khác.

*  Dụ dỗ người tín đồ phải đóng góp tiền bạc; một phần lương bỗng, buôn bán kiếm tiền cho tổ chức hay nhiều khi bán căn nhà của gia đình mình...

*  Giáo chủ có thể vi phạm tất cả mọi điều cấm kỵ nhưng các tín đồ thì phải  hoàn toàn tuân phục các luật lệ do nhóm ấn định.

Người Phật Tử do đó phải biết là mình đang thực tập loại Thiền nào. Các tông phái Phật Giáo có truyền thống Thiền vững chắc như Phật Giáo Nguyên Thủy (Thiền Quán Niệm hay Quán Niệm Từ Bi Vipassana hay Metta Meditation), Thiền Lâm Tế (Rinzai) Thiền Tào Động, Thiền Mật Tông hay Thiền-Tịnh-Mật phối hợp (Việt Nam) giúp chúng ta khai mở cõi lòng, nhận biết được tất cả các ước muốn, những giận hờn thương ghét nơi vùng ý thức cũng như sự biểu lộ của chúng từ chốn thâm sâu nhất của vùng vô thức để giải thoát chúng ra khỏi chốn ẩn mình đó. Thực hành như thế trong đời sống hàng ngày thì chúng ta sống một đời lành mạnh, an vui và thành công vì năng lượng cần thiết của chúng ta không bị hao mòn trong những mối xung đột nội tâm do sự đè nén, sự trốn chạy, sự từ khước  không muốn thấy, không muốn biết sự thật đang xảy ra bên ngoài cũng như trong nội tâm mình.

Điều quan trọng đối với Thiền Phật Giáo là, dù thuộc Thiền, Tịnh hay Mật, tất cả đều tụng kinh Phật, thờ hình ảnh Đức Phật, tôn kính đức Phật. Không có một Thiền Sư Phật Giáo nào dám tự xưng mình là Phật. Chỉ có dân Tây Tạng xưng tụng Ngài Đạt Lai Lạt Ma là Phật Sống. Khi hỏi về điều ấy Ngài trả lời: ‘Tôi chỉ là một người tu sĩ bình thường’. Đó là sự khiêm tốn của một bậc chân tu, một sự lành mạnh tinh thần mà Phật Tử chúng ta cùng học hỏi. Kẻ nào tự xưng mình là Chúa, là Phật là Đại Thượng Sư,  chỉ là những kẻ phạm tội Đại Vọng Ngữ.

 

Phụ chú của Chuyển Luân: Trích trong tác phẫm Những Nét Văn Hóa Của Đạo Phật của Đại Đức Phụng Sơn, do Trung Tâm Văn Hóa Chùa Việt Nam Texas xuất bản, Đại Đúc Phụng Sơn trước khi xuất gia đã đậu các bằng Cao Học về Tâm Lý-Xã Hội tại Việt Nam và Phi Luật Tân. Đại Đức đã  qua Nhật và thực tập thiền quán trong các Thiền Viện phái Tào Động. Hiện sống ở Tu Viện Kim Sơn, Mỹ.]

 

 

 

Nguon: http://www.chuyenluan.net/


Âm lịch

Ảnh đẹp