Đúng là trong quan niệm của người bình
thường, trừ những người theo duy vật luận ra, còn thì ai cũng cho rằng
mỗi người đều có một linh hồn vĩnh hằng bất biến, gần đây, ở Âu Mỹ, có
lập ra "Linh tri học hội", đối tượng nghiên cứu của Hội là linh hồn. Cơ
đốc giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Lão giáo v.v… đều là những tôn giáo ít
nhiều tin tưởng có linh hồn, cho rằng người ta làm thiện hay ác, sau khi
chết đi, sẽ bị Thượng Đế hay Diêm Vương phán xử, người tốt thì linh hồn
lên thiên đường, người xấu thì linh hồn đọa địa ngục.
Ở trong dân gian Trung Quốc, sự mê tín
linh hồn có gốc rễ rất sâu bền, lại còn thêm sai lầm to lớn này nữa là
người Trung Quốc tin rằng, sau khi người chết linh hồn biến thành quỷ.
Linh hồn là quỷ, trong tín ngưỡng dân gian Trung Quốc, là cả một mớ mê
tín lớn và bùng nhùng khó gỡ ra được. Điều đáng buồn cười là vì quỷ có
chút ít thần thông cho nên lại cho rằng linh hồn là một vật tập hợp của
"3 hồn 6 phách".
Kỳ thực, quỷ chỉ là một trong 6 loại
chúng sinh cũng như người là một trong 6 loại chúng sinh không khác.
Sinh làm người, có sống có chết. Sinh làm quỷ, cũng có sống có chết.
Nhưng người sinh từ bào thai, còn quỷ là hóa sinh. Huống hồ, người chết
rồi vị tất đã làm quỷ. Vấn đề này, sẽ được bàn rõ trong một tiết khác.
Đối với linh hồn, ở Trung Quốc có rất
nhiều truyền thuyết, hoặc cho rằng, trong việc sống chết của người, linh
hồn có một tác dụng bắc cầu. Linh hồn đầu thai là sinh, linh hồn tách
rời thân xác là chết, xem quan hệ giữa linh hồn và thân xác giống quan
hệ giữa chủ hộ và nhà cửa. Nhà cũ, hư nát thì dọn đến nhà mới, nhà mới
thay nhà cũ, thay đi thay lại, chủ hộ đi đi lại lại nhưng vẫn vĩnh hằng
bất biến. Tức là nói con người là linh hồn, đắp thêm cái áo thân xác.
Thân xác có thể thay đổi, còn linh hồn là bất biến, là chủ thể trong
dòng lưu chuyển sinh tử.
Trên sự thực, Phật giáo không công nhận
những quan niệm về linh hồn như vậy, vì những quan niệm đó không thể
đứng vững với thuyết duyên sinh, duyên diệt của đạo Phật. Trên quan điểm
sinh diệt vô thường, Phật giáo xem tất cả mọi sự vật đều sinh diệt vô
thường. Trong cả hai thế giới vật chất và tinh thần, đều sinh diệt vô
thường. Dùng mắt thịt mà nhìn sự vật, thì đôi khi nhìn thấy có sự vật
không biến đổi, nhưng nên dùng dụng cụ khoa học tinh vi để nhìn, thì
thấy không có sự vật nào là không biến đổi trong từng giây phút một.
Kinh Dịch nói "sinh, sinh", nhưng kỳ thực, ở đàng sau "sinh, sinh" là
"tử, tử", tức là biến biến, hóa hóa.
Hiện tượng vật lý trong thế giới vật
chất, là sinh diệt không ngừng. Hiện tượng tâm lý tinh thần lại càng dễ
quan sát. Là bởi vì, hiện tượng tâm lý nảy sinh là do tinh thần biến
động. Hiện tượng tâm lý biến động, dẫn tới hành vi thiện, ác. Hành vi
thiện ác ảnh hưởng trở lại khuynh hướng tâm lý, tiền đồ của chúng ta,
tương lai của chúng ta được quy định bởi tác dụng tuần hoàn đó của tâm
lý ảnh hưởng tới hành vi, và hành vi ảnh hưởng trở lại tâm lý.
Thử hỏi : Làm sao có thể có linh hồn
bất biến, linh hồn vĩnh hằng ? Dường như là không thể có được, không
những người chết rồi, không có linh hồn cố định, mà ngay khi còn sống,
thân tâm chúng ta đều biến đổi không ngừng trong từng phút giây một. Thế
nhưng, Phật giáo đã không tin có linh hồn, thì bản thể của việc luân
hồi trong sáu cõi và siêu phàm nhập thánh là gì ? Hay nói cách khác, cái
gì "luân hồi", cái gì "siêu phàm, nhập thánh" ?
Đây chính là điểm ưu việt đặc thù của
Phật giáo, vừa không xem trọng giá trị vĩnh cửu của tự ngã, lại vừa
khẳng định giá trị hướng thượng của tự tính.
Phật giáo chủ trương thuyết "nhân duyên sinh" và "tự tính vốn là không" (tự tính bản không).
Phật giáo xem vật chất là nhân duyên
sinh, xem tinh thần cũng là nhân duyên sinh. Nhân duyên tụ hội gọi là
sinh, nhân duyên ly tán, gọi là diệt. Lớn như một tinh cầu, một thiên
thể cho đến cả thế giới vũ trụ, nhỏ như một sợi cỏ, một hạt bụi, một
nguyên tử… không có một sự vật nào là không do nội nhân, ngoại duyên hội
tụ mà tồn tại.
Nếu loại bỏ nhân và duyên ra, không có
một sự vật nào có thể tồn tại được. Vì vậy, nếu xét trên căn bản, thì
không có một sự vật nào hết. Về vấn đề này, các nhà khoa học vật lý và
hóa học, có thể cung cấp cho chúng ta câu trả lời chính xác và chính
diện.
Còn tinh thần là gì ? Phật giáo tuy bác
thuyết linh hồn, nhưng không phải là theo duy vật luận. Cái gọi là tinh
thần thì Phật giáo gọi chúng bằng danh từ "thức". Phật giáo Tiểu thừa
chỉ nói sáu thức, và lấy thức thứ 6 (đệ lục thức) làm chủ thể của sinh
mạng. Phật giáo Đại thừa nói thêm hai thức nữa, tổng cộng có tám thức,
và lấy thức thứ tám (đệ bát thức) làm chủ thể của sinh mạng. Ở đây, chỉ
giới thiệu thuyết tám thức của Đại thừa.
Trong 8 thức của Đại thừa, thì sáu thức
đầu giống như sáu thức của Tiểu thừa, và phân tích sâu hơn công năng
của thức thứ sáu, nhận ra thêm thức thứ bảy và thức thứ tám.
Trên thực tế, chủ thể của 8 thức chỉ có
một, nhưng do phân tích công năng mà chia thành tám. Làm ác, làm thiện
là bảy thức đầu, và đem các nhân thiện, ác đó ký gửi ở thức thứ tám.
Thức thứ tám là cái kho tàng chấp chứa tất cả hạt giống của nghiệp, tất
cả nghiệp nhân. Người tổng quản của kho tàng là thức thứ bảy. Lấy của
ra, đưa của vào kho là thức thứ 6, còn 5 thức đầu là tạo nghiệp.
Như vậy công năng của thức thứ tám là
tàng trữ, nhưng không giống như ông Thần tài giữ của, chỉ nhập mà không
xuất kho, ở kho tàng thức thứ tám, tình hình xuất và nhập kho nối tiếp
không ngừng, nhập kho là các hành vi ảnh hưởng đến tâm lý, và để lại dấu
ấn trong thức thứ tám gọi là nghiệp nhân hay chủng tử. Còn xuất kho là tâm lý dẫn tới hành vi tạo nghiệp hay cảm thụ, gọi là nghiệp quả hay hiện hành.
Chủng tử thành hiện hành, đó là xuất. Hiện hành thành chủng tử đó là
nhập. Trong một đời, tình hình là như vậy. Trong 2, 3 đời hay là vô số
đời liên tiếp, tình hình cũng là như vậy. Tất cả mọi diễn biến nhân quả
trong đời hiện tại cũng như trong vô số đời quá khứ và đời vị lai, tình
hình cũng đều như vậy, đều không ra ngoài quy luật quan hệ giữa chủng tử
và hiện hành. Do đó mà có tinh hình sinh tử tương tục, sinh mạng nối
tiếp không ngắt đoạn.
Do quan hệ xuất nhập của chủng tử và
hiện hành, tiến hành thường xuyên không ngắt đoạn như vậy, cho nên bản
chất của thức thứ tám cũng là thường xuyên biến động không ngừng. Không
những thức thứ tám của đời này, so với đời trước và đời sau là biến động
không ngừng mà từ một niệm trước đến niệm sau, đã có biến đổi rồi. Vì
tình hình của thức thứ tám là niệm niệm sinh diệt, niệm niệm biến đổi,
cho nên chúng ta mới luân hồi sinh tử và đồng thời có khả năng thoát ly
sinh tử. Thức thứ tám tồn tại chính là nghiệp nhân và nghiệp quả liên
tục tồn tại và biến động. Ngoài sự biến động liên tục của dây chuyền
nghiệp nhân nghiệp quả này, không thể tìm đâu ra thức thứ tám ! Cũng như
dòng nước chảy, là do nước chảy mà có, không thể tìm đâu ra cái gọi là
dòng nước chảy, ở ngoài nước ! Mục đích giải thoát của đạo Phật là cắt
đứt dòng chảy sinh tử nhân quả liên tục đó. Khi tác dụng của thức thứ
tám không còn nữa, thức thứ tám không còn chấp chứa gì nữa, cũng không
còn hiện hành gì nữa, thì thành tựu được "tính không", thức (phiền não)
chuyển thành trí (thanh tịnh), không còn bị sinh tử chi phối nữa, và trở
thành tự do trong sinh tử.
Có thể thấy thức thứ tám không giống
như linh hồn vĩnh hằng. Nếu tin có linh hồn vĩnh hằng, thì sẽ mất khả
năng siêu phàm, nhập Thánh, giải thoát khỏi sinh tử. Phật giáo trên quan
niệm thì phủ định linh hồn, trên mục đích thì phủ định thức thứ tám.
Chỉ có phủ định thức thứ tám như là sự giả hiện của vô minh phiền não
tương tục thì mới có thể được triệt để giải thoát. Nhưng phủ định thức
thứ tám không có nghĩa là không có gì hết nữa, mà là còn trí tuệ lặng
chiếu, siêu việt hữu và vô, không còn có vô minh phiền não bức nhiễu
nữa.
Trích từ sách:
PHẬT
GIÁO CHÍNH TÍN
Hòa Thượng
Thích Thánh Nghiêm
Phân Viện
Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam dịch