23/08/2011 07:10 (GMT+7)
Số lượt xem: 189845
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chuyện "hóa kiếp", "đầu thai" hay con người có biểu hiện nhớ lại về "tiền kiếp" của mình diễn ra trong quá khứ đều được gọi chung là kiếp luân hồi đã tồn tại hàng ngàn năm trong triết lý nhà Phật khi nhắc đến chuyện tái sinh. Cho đến nay phần lớn người ta vẫn cho rằng đó là một bí ẩn,


  chưa có một bằng chứng khoa học nào có thể lý giải về những trường hợp đã từng xảy ra như vậy. Thông thường có một cách lý giải - đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên! Vậy kiếp luân hồi có thực là sự ngẫu nhiên và mang lại cho con người điều gì?

Kỳ I: Thần bí hay sự bù đắp hoàn hảo

Kiếp luân hồi dễ nhận thấy ở người trẻ?

Câu chuyện về kiếp luân hồi đã không còn mới tại Việt Nam, cách đây vừa tròn 80 năm nước ta lần đầu tiên ghi nhận về trường hợp cậu bé Phạm Văn Non được đăng trên tờ “Cao Đài Tạp Chí” (Revue Caodaiste) xuất bản bằng tiếng Pháp, số ra tháng Giêng năm 1931 dưới ngòi bút ông Hiến Pháp. Câu truyện được thuật lại như sau:  Trong một lần tình cờ cậu bé Non gặp một ông lão và buột miệng dự đoán ông ta chỉ sống thêm 10 ngày nữa rồi sẽ về miền cực lạc. Không chấp đứa trẻ ranh vì cho rằng nó đùa cợt, về nhà  ông kể lại cho bố mẹ nó nghe và để dạy nó cách ứng xử.

Thế rồi đúng 10 ngày sau ông lão chết thật, cậu bé Non trở nên nổi tiếng khắp vùng, nhiều kẻ hiếu kỳ đổ xô đến nhà Non để dự báo cho mình chuyện sống chết, tuy nhiên có một điều đặc biệt là nó chỉ dự báo cho những người có bản chất tốt, còn đối với kẻ không lương thiện thì trả lời bằng giọng miễn cưỡng và vắn tắt.

Câu chuyện được chú ý bằng việc Non nói về tiền thân của mình (nghĩa là kiếp trước): “Trước kia, tôi đầu thai làm đàn bà, mẹ của một vị hương chức tên C ở Sông Tra (Đức Hòa). Hiện giờ, trước ngôi nhà cũ của tôi có một hàng cây. Tôi nhớ rõ có một cây đinh đóng lút vào thân cây cau, ngày nay vẫn còn. Trong ngày này, giờ này, người ta đang làm đám giỗ tôi. Rất tiếc là tôi không đến dự được!”. Lời tiết lộ lạ lùng và đột ngột ấy đã khêu gợi tính hiếu kỳ của một vài người, nên họ đích thân đến Sông Tra điều tra xem có đúng như vậy không.

Và họ hết sức ngạc nhiên khi mọi chi tiết đều chẳng sai chút nào. Đứa bé còn quả quyết rằng, cùng  “đầu thai” với nó có một đứa con gái tên Tang, con của một cô đào hát ở gần đó. Nghe vậy người ta dẫn nó tới rạp hát, nó chỉ ngay đứa con gái ấy giữa một đám đông con gái khác đang ngồi xem hát. Người ta hỏi thăm ngày sinh, tháng đẻ của Tang thì cũng y như ngày sinh, tháng đẻ của Non. Và bài báo theo lời người ta thuật lại, càng lớn Non càng quên dần những việc về kiếp trước của mình. Phải chăng vì không muốn bị người ta làm phiền mà Non bảo thế?

Rồi đến năm 1932, trên tờ “Đuốc Nhà Nam” đăng ngày 6/9 tại Sài Gòn có bài viết “Một hiện tượng ly kỳ về Thần linh” về đứa trẻ 4 tuổi có tên Mọi. Điều kỳ lạ bởi nó thỉnh thoảng nhìn nhận cha mẹ nó là một người nó không hề biết. Chuyện ly kỳ được bắt đầu khi tự dưng cậu bé đến ngồi trước cửa một gia đình có cô con gái đã mất gần nhà trước đó. Chuyện buồn chưa nguôi nhưng đứa trẻ hàng ngày cứ đứng trước cửa nhà, dù có đuổi nó vẫn một mực kêu rằng: “Cha mẹ tôi đây, nhà tôi đây, cớ sao lại đuổi?”. Chiều đến, khi cha mẹ nó tới đưa về, nó nhất mực không chịu theo, ngọt nhạt thế nào cũng không được. Cực chẳng đã, cha mẹ nó đành tạm để nó ở lại rồi buồn bực ra về.

Kể từ đó, “vị khách nhí không mời” ở trong căn nhà lại biết rõ từng ngóc ngách, vị trí đồ đạc chỗ nào cũng quá quen thuộc, dường như đã ở lâu lắm rồi.

Chuyện không còn mới

Hai câu chuyện tái sinh trên đều là trường hợp chết bất đắc kỳ tử, có điểm chung dễ thấy họ đều là những người còn rất trẻ. Trở về với hiện tại, tôi có chút liên tưởng đến một trường hợp “con lộn” tức là sự “tái sinh” được ghi nhận tại Hòa Bình. Cái tên Nguyễn Phú Quyết Tiến, chắc hẳn nhiều bạn đọc còn nhớ, cách đây vài năm báo chí đã tốn không ít giấy mực và tràn ngập thông tin trên mạng về cậu bé này. Mặc dù thực hư chuyện ra sao nó cũng chỉ được coi là một sự kiện lạ và trùng hợp, có người tin và người không tin. Theo thời gian nó lại xóa nhòa như biết bao trường hợp khác. Nhưng với tôi mọi chuyện đều không quan trọng, đằng sau là một câu chuyện đầy cảm động. Trước khi lên đường, tôi chủ động liên hệ với anh Tân bố cháu Quyết Tiến khá nhiều lần, tuy nhiên anh không nhấc máy. Bất đắc dĩ tôi đánh liều để lại dòng tin nhắn ngắn ngủi đợi chờ đến chiều tối thì anh gọi lại và bảo rằng: “Chuyện có gì đâu, các anh lại viết về con tôi để “câu khách” phải không?”.

Cuối cùng tôi nhận lời hẹn xuống đến thị trấn Vụ Bản, tới sân vận động huyện anh sẽ ra đón. Nhưng khi đặt chân đến nơi, tôi muốn tự tìm đến nhà anh để xem “tiếng tăm” cậu bé này “nổi” đến cỡ nào. Xóa bỏ mọi hoài nghi, quả thật trăm nghe… nhưng đúng bằng một thấy, không quá khó để hỏi thông tin của cậu bé nổi tiếng này vì bất cứ ai cũng có thể dẫn tôi đến tận nhà nếu cần. Tạt vào một quán nước toàn người dân tộc, bà chủ quán nói tiếng Kinh bằng giọng lơ lớ: “Nó qua đây vẫn trêu suốt à, nó đang trong nhà đấy!”. Nói xong bà ta chỉ tay hướng về ngôi nhà khang trang vừa được xây lại, nằm quay lưng lại dòng sông Bưởi.

Gặp anh trong không khí cởi mở, sau này anh giải thích chuyện “né” cánh báo chí rằng: “Cu cậu sang tuần là vào lớp 4, muốn để cháu tập trung cho việc học tập”. Cũng có nhiều nhà báo, nhà ngoại cảm, hay khách vãng lai ở nơi khác tìm đến nhưng tôi từ chối cả. Đối với người dưới xuôi cảm thấy lạ lẫm, chứ ở đây lại rất bình thường – anh Tân cho biết. Đã quá trưa, cũng là lúc Tiến (tên thật là Bình đã “lộn về”) đang ngủ, trong lúc chờ đợi để hỏi chuyện cậu bé.

Anh Tân cởi mở nhắc lại chuyện cũ: Nguyễn Phú Quyết Tiến chính là cậu con trai duy nhất của anh chị Tân – Thuận, cháu sinh năm 1992 và đến khi 5 tuổi thì tai họa ập xuống, cháu ngã dưới dòng sông Bưởi ngay sau nhà và bỏ cha mẹ sang một thế giới khác. Đau khổ, suy sụp khi vợ chồng anh đã mất đứa con duy nhất dứt ruột đẻ ra và chị Thuận cũng không còn khả năng sinh con vì lý do sức khỏe.

Đến năm 2006, tại Xóm Cọi cách đó không xa có cậu bé Mường có tên Bùi Lạc Bình, được gần 4 tuổi nhưng có nhiều biểu hiện rất lạ kỳ, có thể nhận thức được toàn bộ chuyện “tiền kiếp” bằng tiếng Kinh của mình như thế nào. Cha mẹ người Mường nhưng từ khi biết nói nó lại chỉ thạo tiếng Kinh, mặc dù không ai dạy. Người đầu tiên phát hiện ra câu chuyện là cô giáo Đông, người dạy Tiến khi còn sống học ở Trường mầm non Hoa Hồng cách nhà mấy bước chân. Tình cờ một lần cô giáo Đông vào xóm Cọi gặp Bình đang chuẩn bị vào mẫu giáo, cô Đông hỏi cháu bé muốn học ở đâu thì đột nhiên cháu bé bảo: “Muốn học ở Trường Hoa Hồng gần nhà tại thị trấn”. Sao cháu lại biết được trường đó, cô Đông thắc mắc không hiểu tại sao một thằng bé 4 tuổi, chưa bao giờ được mẹ đưa xuống thị trấn và nói tiếng Kinh một cách rành rọt đến vậy.

Nghe cô hỏi, Bình đáp lại một cách hồn nhiên: “Nhà cháu gần nhà ông Lai (tức hàng xóm nhà anh Tân) nên cháu biết”. Nghe đến đây, cô Đông như bủn rủn chân tay, mọi chi tiết đều trùng khớp một cách kỳ lạ, cô linh cảm một điều rất khó tin về Tiến đã mất con anh Tân đang liệu có trở về. Tuy nhiên, sợ chuyện “khó tin” này đem kể ngay cho vợ chồng anh Tân, cô Đông sợ gia đình chỉ nhận thêm nỗi buồn bởi chuyện này quá kỳ lạ. Kể từ đó cô âm thầm để ý thằng bé, và người thứ 2 biết đến dấu hiệu bất thường của Bình chính là chị Dự, một người phụ nữ bất hạnh – Mẹ đẻ cháu Bình. Hai người phụ nữ đều nhận thấy biểu hiện lạ lùng của Bình tâm sự với nhau.

Cô Đông đem chuyện kể lại với những giáo viên trong trường, trong đó có cô giáo Phương là bạn thân của chị Thuận vợ anh Tân, thế rồi cô Phương đem chuyện kể lại với cô Thuận rằng:  “Có đứa bé 4 tuổi bên xóm Cọi tính tình y hệt thằng Tiến nhà chị, cứ đòi về đúng nhà, học đúng trường”. Bán tín bán nghi, chị Thuận đem chuyện kể lại cho chồng… Anh chị bắt đầu hành trình đi tìm con theo những lời tiên ứng trùng khớp trước đó.

Kể đến đây, anh Tân hút điếu thuốc rồi đôi mắt nhìn xa xăm nghĩ về điều dự báo của hai người thầy bói lẽ nào có ngày thành sự thật. Anh nhớ ngày Tiến mất có bà thầy bói Mường bảo: “Nó thiêng lắm, rồi sẽ sớm về thôi”. Nghĩ lại, anh chẳng tin gì vào mấy chuyện đó cả, nỗi đau chưa thể nào quên, anh cho rằng có thể họ muốn an ủi mình. Thấm thoắt Tiến đã mất được 3 năm, vào năm 2000 cũng là lần thứ 2 anh đi xem bói ở chỗ thầy Di trên Hòa Bình để xem ngày lành, tháng tốt sang cát cho con, lần này cũng vậy, thầy dự báo trước sau gì nó cũng “lộn” về. Không cần sang cát chỉ xây đắp mộ con thêm chắc chắn.

Ngày Tiến trở về ngôi nhà cũ mọi chuyện cũng trở nên bình thường, em cũng học hành vui chơi cùng bè bạn. Trong con mắt người dân nơi đây, Tiến là đứa trẻ ngoan, được bà con xóm làng rất quý mến. Chẳng ai tỏ ra thắc mắc hay khó tin về câu chuyện đó nữa và đây cũng không phải trường hợp trẻ “tái sinh” đầu tiên ở Vụ Bản mà còn nhiều trường hợp “con lộn” khác cũng nói về tiền kiếp của mình tương tự như Tiến, biết ai là cha mẹ, tên tuổi người thân của mình trong “kiếp” trước.

Điểm khác biệt duy nhất ở trường hợp này là Tiến quay về ăn ở hẳn trong ngôi nhà khác mà cậu cho rằng mình được bố mẹ sinh ra. Nghĩ một chút về những người “hưởng” kiếp luân hồi xem ra cũng chẳng có gì quá đặc biệt bởi một lẽ họ sống hòa nhập bình thường như mọi người. Không có khả năng gì thần thánh hay siêu phàm mà ta nghĩ họ từ cõi chết “lộn” lên, điều đó cũng là lý do chưa có trường hợp nào lợi dụng việc “hơn người” để tăng tính dị đoan vì một mục đích nào đó gây ảnh hưởng đến xã hội.

Quyết Tiến -  một đứa trẻ hàn gắn nỗi đau

Bất chợt tôi nghĩ đến chị Dự, tự hỏi rằng kiếp luân hồi có quá vô tình khi “cướp đi” linh hồn đứa con đẻ của chị Dự mang sang gia đình khác, có phải số phận đã quá bất công với người phụ nữ khi mà cha mẹ và chồng của chị đã mất cả, còn mỗi Bình là người con dứt ruột đẻ ra cũng không thừa nhận chị là mẹ đẻ từ khi nó mới biết nói. Trong tiềm thức của nó chỉ có anh Tân, chị Thuận mới là người sinh thành, vô tâm tôi nghĩ còn mỗi đứa con là tài sản lớn nhất cũng đã xa rời nốt, người mẹ đó hiện đang sống ra sao. Vậy kiếp luân hồi có sự bù trừ nào công bằng không?

Đang băn khoăn thì cũng là lúc Tiến vừa ngủ dậy, nhìn qua cũng chẳng thấy em có gì “khác người”, đôi mắt sáng trong, giọng nói lanh lợi lễ phép chào tôi. Tiến học rất giỏi, hiện đang là học sinh lớp chọn của Trường THCS Vụ Bản. Anh Tân trêu: “Anh này làm cùng mẹ Dự muốn đón con về bên xóm Cọi chơi ít hôm đấy”. Nghe xong, nó ngượng nghịu quay mặt đi chỗ khác tỏ vẻ lo lắng lắm, trước khi chia tay anh Tân cậu bé đã dẫn tôi đi 1 vòng qua ngôi Trường Hoa Hồng để lên UBND xã. Có nhiều người bảo những trường hợp như thế này thường thì qua một Giáp, nghĩa là sau 12 tuổi đứa trẻ càng lớn thì càng quên dần về quá khứ của nó.

Anh Tân cũng nhận xét đúng là cháu Tiến đang quên dần về “tiền kiếp”, nó cũng rất ít thể hiện điều đó cho người lạ biết, trừ khi làm nó bực tức nếu bắt ép về xóm Cọi (nhà mẹ đẻ) thì nó mới thể hiện lời nói “lạ”. Cháu không còn tự nhận bằng vai phải lứa với đám bạn đã gần 20 tuổi kiểu “mày – tao” như còn bé. Khi tôi hỏi Tiến có còn nhớ chỗ mình ngã xuống sông thì cháu lắc đầu, tôi hỏi nhớ mẹ Dự không, cháu trả lời lí nhí là không nhớ. Theo anh Tân, tương lai cháu Tiến còn dài phải lo cho cháu nên người, có hay không chuyện cháu quên “tiền kiếp” và lựa chọn cuộc sống cho riêng mình sau này hay không là điều mà anh quá coi trọng.

Bùi Lạc Bình (Nguyễn Phú Quyết Tiến) bình thường như những đứa trẻ khác

Chia tay anh Tân, tôi tìm về ngôi nhà bên xóm Cọi mà Bình – Tiến đã sinh ra. Nhìn căn nhà nghèo xơ xác không một bóng người, nằm cô quạnh trong buổi xế chiều. Hỏi ra, chị Dự đang làm trên Hà Nội đã lâu…

Tôi hẹn gặp được chị Dự cũng là lúc chị vừa gạt xong những giọt mồ hôi kết thúc một ngày làm việc đầy vất vả ở một công trường tại Hà Nội, hỏi ra mới biết công việc chị làm phụ hồ trên này cũng được gần 2 năm. Nhìn thân hình mảnh mai, gầy gò của chị, tôi hỏi: “Sao chị không tìm công việc gì thích hợp hơn?”. Chẳng chút đắn đo, chị bảo: “Dù làm bất kể việc gì cũng tôi chẳng nề hà, có thế nào vẫn hơn ở quê, mình nuôi được thân mình không phiền đến ai” – chị Dự nói.

Gặp tôi lần đầu, cách nói chuyện của chị xem ra rất khiêm nhường và có điều gì đó rất cảnh giác với người lạ. Để đến khi tôi mang bức ảnh cháu Bình khoe với chị khi chụp ở nhà anh Tân và sang tuần Bình vào lớp chọn của Trường Vụ Bản, đã lâu chị không được về thăm con nghe tin của tôi nét mặt chị rạng ngời hẳn lên. Đem những thắc mắc cá nhân chia sẻ với chị Dự, chị kể lại cuộc đời mình trái hẳn với suy nghĩ của tôi. Một người mẹ nghèo và can trường, sống chịu đựng và đầy cao cả. Cha mẹ mất sớm, chị lập gia đình một cách miễn cưỡng. Cùng một mái nhà nhưng tình cảm vợ chồng chẳng mặn mà, đến năm Bình lên 3 thì chuyện lạ kỳ đó xảy ra… Khi cháu biết nói thì rất thạo tiếng Kinh, lớn hơn một chút không hiểu tại sao cứ vào ngày Rằm, mùng Một hằng tháng, nó lại lăn ra ốm rất nặng và nằng nặc đòi về dưới thị trấn.

Trời xui đất khiến, tôi nào có biết ngôi nhà đó là của ai. Tháng nào cũng phải đèo nó đến số nhà 25 đường Hữu Nghị như một liệu pháp chữa bệnh kỳ quặc, khi về nhà nó đỡ thật. Nhớ một lần, hôm đó 2 mẹ con đang ngồi dưới cái nắng chang chang như chẳng một lý do nào cả, khi đó chị Thuận đi làm về theo thói quen chị đóng cửa. Mắt nó nhìn chằm chằm vào chị Thuận, trên đường về nó tỏ vẻ giận dỗi: “Lần sau mẹ đừng bao giờ đưa con đến ngôi nhà đó nữa”. Sau này tôi mới hiểu, nó trách chị Thuận đã không nhận ra và mở cửa cho nó vào nhà – chị Dự kể.

Có hôm dở chứng, nó đòi về nhà thay quần áo. Chị nghĩ trẻ con nói vu vơ, trách nó: “Mẹ có nghèo nhưng chẳng để con thiếu thốn, rách rưới, nhà mình đây sao con phải bắt mẹ đèo đến nhà người ta xin quần áo như thế”. Giận con chị đánh nó mấy cái, bỗng dưng nó gào khóc: “Mẹ mà đánh con sẽ chết lần nữa cho mà xem…”. Ngày anh Hoan mất, gọi cháu vào thắp bên linh cữu cha nó nén nhang nó cũng không vào. Mãi về sau, nó lặng lẽ an ủi chị Dự: “Mẹ đừng buồn, có thật là cha đã mất rồi không?”.

Nhớ lại ngày anh Tân sang làm thủ tục nhận con trên huyện, chị khóc thương con rất nhiều, gạt đi nước mắt chị nghĩ, vợ chồng anh Tân cũng đáng thương, đặc biệt là chị Thuận không còn khả năng sinh con nữa, đó mới chính là điều mất mát quá lớn của một người mẹ. Bằng sự cảm thông của hai người phụ nữ, ngẫm lại số phận cũng thật công bằng. Cháu Bình ra đời có sự sắp đặt rất thấu tình đạt lý, 5 năm đã qua chị chứng kiến cháu ngày một khôn lớn, không thể phủ nhận tình cảm hết mực yêu thương của anh Tân, chị Thuận. Mặc dù đã thay tên, đổi họ Tiến vẫn mãi là con đẻ của chị. Có thể không nói ra bằng lời, nhưng trong sâu thẳm chị hiểu nó rất hạnh phúc khi đang sống trong sự yêu thương của 2 người mẹ. “Thỉnh thoảng nó cũng dành thời gian động viên, tâm sự với tôi qua điện thoại” – chị Dự nói.

Kiếp luân hồi diễn ra với bất kỳ ai?

Anh Tân nhớ có lần cháu Tiến buột miệng trả lời câu hỏi vì sao lại bỏ bố mẹ không lời từ biệt như thế rằng: “Con có bỏ bố mẹ mà chết đâu, tại nó đẩy con xuống sông đấy chứ”. Anh tự nhủ “nó” là ai và nhớ lại cái ngày Tiến ngã sông chết, nghe tin dữ anh vội chạy ra bờ sông thì quá muộn, ôm chặt con mình mà lòng đau quặn thắt. Khi hỏi kỹ ra anh chợt nhớ đến có con bé hàng xóm vì tranh chỗ rửa chân nên đã đẩy nó ngã xuống, sang nhà hỏi chuyện thì nó chùm chăn khóc thút thít.

Chuyện đã qua, anh chỉ hỏi nó một câu: “Vậy con có oán hận người bạn đã đẩy con xuống không?”. Thì nó tròn mắt trả lời như ông cụ non: “Để xem con bé đó sau này có bằng được con không?”. Nghe điều này, anh cho rằng, chứng tỏ ở sâu tâm hồn nó không có chuyện hận thù với con bé kia, mà chỉ nói một cách vu vơ là sau này không bằng nó, có thể nó cho rằng, nó sẽ hơn con bé kia ở điểm nào đó chưa được diễn ra. “Tôi chỉ cười, nghĩ nó sau này thành người có ích cho xã hội” – anh Tân nói. Theo anh đó cũng là ý kiến khá thuyết phục về kiếp luân hồi hay thấy xảy ra vào những đứa trẻ ngây thơ, dễ hiểu nó khác người lớn ở chỗ chưa dính chút bụi trần, tự nhiên phải bỏ mẹ cha nên “trời thương” mà cho“sống” lại.

Tôi đồng quan điểm với anh, thế nhưng trên thế gian này có hàng triệu sinh linh bé nhỏ cũng có thể chết oan uổng như vậy, liệu các em có được hưởng vòng xoay của kiếp luân hồi như trường hợp may mắn và lạ kỳ như con anh Tân được không?

Theo Mạnh Kiên - PetroTimes


Âm lịch

Ảnh đẹp