Lời cầu chúc thống thiết cuối năm *


Trương Nhất Vương (Lái xe của Công ty cổ phần vận tải ô tô Đăk Lăk)
09/01/2011 17:11 (GMT+7)
Số lượt xem: 3351
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

"Các bác tài hãy lắng tâm mà nghe, tiếng của con tim, tiếng yêu thương của gia đình, tiếng của mẹ già, tiếng của con trẻ, tiếng của cuộc sống trong gia đình mình để rồi cố gắng mà chạy xe cho an toàn để thiên hạ được nhờ là điều tôi mong muốn và cầu chúc."


Một ngày trung tuần tháng 11-2010, tôi tiễn vợ và con trai chưa đầy tám tháng tuổi lên xe khách của nhà xe M.T về Đô Lương - Nghệ An thăm bà ngoại. Mờ sáng hôm sau vợ tôi gọi báo tin: 22 giờ 30 đêm qua, xe bị lật xuống ruộng, đoạn Phú Lộc- Huế.

Tôi nghe mà tai lùng bùng, tay chân rụng rời. Vợ tôi khẳng định xe lật xuống ruộng nước, may mà nước chỉ đến đầu gối, vẫn phải đập kính chui ra như chiếc xe bị trôi ở Hà Tĩnh. Không ai bị mất mạng, vợ tôi chỉ bị mất điện thoại, hai mẹ con ướt sũng cùng nhiều hành khách ngồi suốt đêm ngoài trời chờ xe tới tăng bo!

Là lái xe nhiều năm, từng chạy thuê cho hơn 20 đầu xe từ xe chợ (dù) cho đến xe chất lượng cao hai tầng để kiếm cơm nuôi vợ con qua ngày, tôi luôn sợ những sơ sảy, vì chỉ cần một va quẹt nhỏ thì chỉ có nước nhổ răng mà đền chứ chưa nói đến tai nạn lớn hơn. Nhiều chủ xe hối thúc: Tăng ga lên! Chạy vậy bao giờ cho tới!? Tôi đều có lý do này nọ để né tránh, hoặc bí lắm thì nghiến răng chạy qua quá một tý nhưng luôn đặt mình trong trạng thái tập trung cao nhất.

Tôi nghĩ cho dù cái mạng tài xế nghèo rớt mùng tơi của mình chẳng là gì, nhưng hàng mấy chục con ngườ

 
Chiếc xe nhập khẩu này có giá trên 2 tỷ bạc.
i vô tội ( cả bà già, trẻ con, phụ nữ có thai…) trong tay mình buộc mình phải cẩn thận… Cứ nghĩ đến cái cảnh trên chiếc xe bị trôi ở Hà Tĩnh với ba bà mẹ trẻ, trên tay là đứa con thơ dại không biết bấu víu vào đâu trong khi cả xe nháo nhào tìm lối thoát thân, chỉ biết khóc và chịu chết thảm, tôi lại không cầm được nước mắt…

Làm khách

Ngày 29-12-2010, tôi lên xe chất lượng cao hai tầng của nhà xe T.K ra Bắc đón vợ con. Cầm vô-lăng nhiều, nay mới có dịp làm khách và đi xe giường nằm.

Qua Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum phần vì vẫn phải tranh thủ bắt thêm khách, phần vì cảnh sát giao thông bắn tốc độ rất gắt gao nên xe đi khá ổn định. Đến ngã ba Ngọc Hồi - Kon Tum, xe rẽ vào đường Trường Sơn.

Từ đây tôi không còn dám ở tầng trên mà xuống ngồi gần tài xế. Phải nói đây là đoạn đường cực kỳ nguy hiểm với những đèo dốc quanh co, uốn lượn, những cua tay áo khuất tầm nhìn… Được cái là dân cư thưa thớt, và lưu lượng xe tham gia giao thông cũng ít nên cánh tài xế xem đây là đoạn đường để rút ngắn thời gian, bù lại những nơi bắn tốc độ.

Xe chất lượng cao, xe ghế nằm, giường nằm hai tầng đa số còn rất mới, rất tốt, giá toàn tiền tỉ. Các xe mới có hệ thống giảm xóc bằng bầu hơi, phanh ARS, phanh từ rất êm dịu và hiệu quả.

Phanh tốt nên gần như mọi tài xế đều rất tự tin khi đổ đèo, xuống dốc. Người ta gần như không biết hoặc cố tình quên đi bài học phải dồn số khi xuống dốc, giảm áp lực cho hệ thống phanh, tránh việc phanh nhiều, gây chai, quá tải, mất phanh.

Chiếc xe lao như xé gió, vun vút. Nếu là người trong nghề, hoặc chú ý một tý sẽ thấy hệ thống phanh bị sử dụng liên tục. Những tiếng kêu lục cục, những tiếng xoắn vặn răng rắc, những tiếng rít, tiếng trượt, tiếng cà xát của lốp với nền đường, những thanh âm của lực ly tâm dồn đẩy… Chiếc xe luôn trong tình trạng trượt ra ngoài sự kiểm soát và văng theo quán tính…

Tôi sợ rợn người nhưng không dám chê trách, chỉ nhắc khéo cánh tài xế vài ba câu, đại loại:

- Đâu có phải đi hết chuyến rồi nghỉ luôn cả đời đâu mà chạy dữ vậy?

- Chậm một tý có làm sao đâu mà?

-Bị hoài mà sao không ai biết sợ zậy ta…?

Nhưng có vẻ chẳng xi-nhê gì với tay lái xe.

Đừng đổ tại số trời

Từ Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk đến Hà Nội hơn 1.400 km nếu đi đường Trường Sơn ra đến Đô Lương-Nghệ An sẽ đi qua 10 tỉnh thành. Mỗi tỉnh nếu bình quân có 2 trạm CSGT mà trạm nào cũng làm triệt để như CSGT Quảng Bình mấy ngày qua thì khó tồn tại kiểu chạy ẩu của xe khách đường dài.

Thực tế, các hãng xe chất lượng cao hiện nay vẫn sử dụng nhiều tài xế gia đình, không có giấy phép lái xe, hoặc có giấy phép không đúng chủng loại. Xe chất lượng cao đa phần là loại xe có thiết kế trên 30 chỗ ngồi, phải có giấy phép lái xe hạng E.

 
Còn khách nào chưa lên xe không?.

Lái xe hạng E ngoài điều kiện sức khoẻ đảm bảo, tuổi đời không dưới 27, phải tốt nghiệp phổ thông trung học, phải qua nhiều năm kinh nghiệm ở các loại xe nhỏ hơn mới được đổi và cấp giấy phép. Nhưng thực tế việc cấp đổi, nâng hạng của lái xe ở Việt Nam đang là vấn đề đáng bàn.

Trong vụ việc một lái xe container được cho là cố tình chạy lui chạy tới đè cho kỳ chết một thiếu nữ, người ta chỉ biết phê phán và lên án chứ không biết ai sẽ phải bắt tay ngay vào việc soạn thảo ra một quy định, hay một đề cương mang tính lâu dài về vấn đề đạo đức của người cầm lái, áp dụng trong các trường, các cơ sở đào tạo lái xe.

Quay trở lại vụ việc lật xe ở Huế. Vợ tôi kể chỉ có một tài xế chạy suốt từ Buôn Ma Thuột cho đến lúc chiếc xe úp xuống ruộng. Nguyên nhân xe lật là do tài xế buồn ngủ…

Ngày 4-1-2011, vợ chồng tôi ôm con lên xe chất lượng cao của hãng C.H từ Nghệ An chạy vào Đăk Lăk, trên xe có 3 tài xế, nhưng tôi biết, hai tài có bằng lái hạng C, tức chỉ được phép lái xe tải trên 3,5 tấn, một tài xế bằng E mới lên hạng.

Gần 50 hành khách trên xe không ai biết điều này, hoặc có biết thì cũng như tôi: Không có quyền chọn lựa!

Các tài thay nhau chạy miệt mài. Vào đường Trường Sơn, xe chạy như điên, số đông hành khách "chơi oọc" (nôn mửa). Có vài tiếng phản đối bắt lái xe tắt máy lạnh, bởi họ nghĩ máy lạnh là nguyên nhân gây nôn mửa chứ không biết do lái xe làm xiếc trên con đường nổi tiếng đèo dốc, quanh co liên tục.

Vợ con tôi cứ thỉnh thoảng lại giật mình rú lên khi xe vào chỗ ngoặt nguy hiểm. Tôi chỉ biết ôm cả hai mẹ con vào lòng và nhủ có phải thì đi cả ba…

Đèo Lò Xo chứng nhân của vụ tai nạn thảm khốc mà hơn 32 cựu chiến binh khi trở lại thăm chiến trường xưa đã bỏ mạng, giờ chỉ còn lại cái miếu thờ đã phải xây đi xây lại nhiều lần vì đã có thêm nhiều xe, nhiều người chết chồng nơi đây, đã có thêm nhiều am thờ quanh cái am thờ các vị cựu binh.

Máu và nước mắt của biết bao gia đình đã đổ xuống. Bao nhiêu thân thể đã bị chà xát không còn nhận ra hình dáng…

Liệu có bao nhiêu quốc gia mà lái xe lì lợm và bản lĩnh như tài xế ở Việt Nam…Vậy mà cánh tài xế vẫn an ủi nhau bằng một câu: Xui xẻo thì phải chịu!

Tôi cũng là tài xế nên đành gật gù với đồng nghiệp cho xong, chứ làm gì có chuyện xui xẻo… Bắt đầu vào đèo Lò Xo, người ta đặt liên tục biển cảnh báo nguy hiểm, biển cấm chạy quá 40km/h, có chỗ không được quá 20km/h…Vậy mà các bác tài cẩn thận cũng chỉ về số 4. Số 4, xe chất lượng cao có thể chạy trên 80km/h như chơi. Với tốc độ như vậy tất cả trông chờ vào hệ thống phanh hãm, cầu cho nó đừng giở chứng bất thình lình.

Cuối cùng thì xe cũng về đến bến an lành, cám ơn trời Phật!

Tôi không muốn tố cáo hay lên án ai, nhưng những ngày giáp Tết là mùa làm ăn của nhà xe. Những ngày Tết cổ truyền là ngày đoàn tụ của tất cả những người làm ăn xa xứ… Hãy để cho những ngày tết là những ngày đoàn viên, thật sự trọn vẹn trong niềm vui, niềm hạnh phúc.

Các bác tài hãy lắng tâm mà nghe, tiếng của con tim, tiếng yêu thương của gia đình, tiếng của mẹ già, tiếng của con trẻ, tiếng của cuộc sống trong gia đình mình để rồi cố gắng mà chạy xe cho an toàn để thiên hạ được nhờ là điều tôi mong muốn và cầu chúc.

(Theo TPO)

* BBT lieuquanhue.com.vn xin phép được đặt lại tiêu đề


Âm lịch

Ảnh đẹp