Với sự trợ giúp tích cực của người Pháp thông qua giám
mục Pigneau de Béhaine tức Bá Đa Lộc, Nguyễn Ánh từ Xiêm La trở về nước chiếm lại
Gia Định rồi tiến chiếm Bình Thuận, Diên Khánh,
Phú Yên, Quy Nhơn và Phú Xuân. Đến mùa Xuân năm
1802 Nguyễn Ánh chiếm được Thăng Long. Và sau đó trở về Phú Xuân, lập kinh đô mới
đặt niên hiệu là Gia Long năm thứ nhất, sai sứ sang nhà Thanh xin phong vương. Việc
triều chính đầu tiên cuả vua Gia Long là trả thù nhà Tây Sơn. Dưới đây là
câu chuyện báo thù của vua Gia Long được phỏng theo sử liệu thời Tây Sơn và tài
liệu của giáo sĩ De La Bissachère, người có dịp chứng kiến buổi hành hình trong
cuốn ký sự "Relation sur le Tonkin et la Cochinchine" xuất bản năm
1807, mô tả lại cuộc hành hình đẫm máu tại Phú Xuân vào mùa Thu năm 1802.
Vào ngày trăng tròn tháng Bảy
năm Nhâm Tuất 1802 tại kinh thành Phú Xuân, mới tờ mờ sáng, sương hãy còn bay lãng
đãng trên mặt nước sông Hương thì tiếng súng thần công nổ vang trời báo hiệu
cho toàn dân kinh thành biết hôm nay vua mở hội hành hình nhà Tây Sơn: xử tội tướng
Trần Quang Diệu, nữ tướng Bùi Thị Xuân, mẹ Trần Quang Diệu và Trần Bích Xuân,
con gái của đôi tướng tài. Dân chúng từ Quy Nhơn Bình Định đến Phú Xuân ai nấy
đều biết rõ đôi danh tướng Trần Quang Diệu – Bùi Thị Xuân đã bao lần xông pha
chiến trường, chiến đấu dũng cảm, vào sinh ra tử từ Nam ra Bắc giúp vua Quang
Trung thống nhất sơn hà.
Dọc đường bên dòng sông Hương
dẫn đến pháp trường An Hoà, ngoại ô kinh thành Phú Xuân, nhà vua cho bố trí binh
lính dày đặc, chung quanh pháp trường dân chúng tập trung đông đảo để được nhìn
lần cuối hai vị tướng quả cảm anh hùng đã trở thành niềm kiêu hãnh của toàn
dân.
Trời đã sáng, mặt trời lên
cao nhưng bị che khuất bởi những vầng mây đen trở nên u ám thê lương. Một bầu không
khí nghiêm trang hồi hộp của hàng ngàn người đang chờ đợi chung quanh pháp
trường để chứng kiến một cảnh tượng ghê gớm chưa từng xảy ra trước đây trong
lịch sử nước nhà.
Từ xa tiếng vó ngựa dồn dập
cùng những hồi chiêng trống báo hiệu vua Gia Long và đoàn tuỳ tùng đến!
Vua cùng
đoàn tuỳ tùng ngồi trên các xe song mã dừng trước khán đài. Ngoài vua,
người ta
còn thấy các quan ngự sử, thượng thư cùng các phu nhân. Trong số những
người nước ngoài đến tham dự
có sự hiện diện của giám mục Eyot, giáo sĩ Le Labouse, giáo sĩ De La
Bissachère, hai ông Dayot và Vannier thuyền trưởng hai chiến thuyền Pháp
và hai viên sĩ
quan bộ binh mang quân hàm Đại Tá quân đội viễn chinh Pháp phò tá quân
lực của
Nguyễn Ánh.
Sau đó đội hành quyết dẫn bốn
người ra trình diện vua mà họ gọi là bốn tên tử tội: mẹ Trần Quang Diệu, tướng Trần
Quang Diệu, nữ tướng Bùi Thị Xuân và cô con gái 15 tuổi Trần Bích Xuân. Mẹ Trần
Quang Diệu, tuy gìa nhưng nét mặt vẫn quắc thước, còn nữ tướng Bùi Thị Xuân,
tuy mặc quần áo vải thô bó sát thân người, chân bị còng dây xích bước từng bước
ngắn rất khó nhọc nhưng vẫn toát ra một vẻ hiên ngang oai dũng.
Trước giờ hành quyết vua Gia
Long hạ lệnh:
- Trần Quang Diệu. Ngươi có
điều gì muốn nói trước khi chết không?
Trần Quang Diệu đứng thẳng,
nghiêm trang nói:
-Mẹ ta nay tuổi già sức yếu,
một đời người chẳng hại ai, nay đã ngoài tám mươi. Xin ngươi hãy tha chết cho
mẹ ta.
Vua Gia Long đưa mắt nhìn mẹ Trần
Quang Diệu rồi cười nói:
- Hôm nay là ngày Rằm tháng bảy, ngày xá tội vong nhân, Ta mở lượng khoan hồng
tha cho mẹ ngươi được sống nhưng nhà ngươi phải chết không toàn thây. Quân đâu,
mang tên Trần Quang Diệu ra xử lăng trì. [3]
Mẹ Trần Quang Diệu nghe vậy đứng thẳng người giơ tay chỉ thẳng vào mặt vua Gia
Long mắng:
- Thằng tiểu nhân ! Giết gì thì
cứ giết việc gì phải phanh thây xẻ thịt. Ta quyết không vì sự sống của thân già
này mà để cho các con ta chịu nhục.
Nói xong tự mình dập đầu vào
bậc tam cấp tự tử mà chết.
Bùi Thị Xuân đau đớn than
rằng:
- Mẹ ơi! Sao mẹ lại huỷ hoại
thân mình như thế làm chúng con đau lòng!
Ba hồi trống dục nổi lên, ngoài
sân đội hành quyết bắt đầu hành hình tướng Trần Quang Diệu. Một tên chém đầu ông lìa khỏi cổ, tên thứ hai
chém ngang hông đứt làm hai đoạn rồi chúng tiếp tục lóc da xẻ thịt!
Bùi Thị Xuân tức giận chỉ vào
mặt vua Gia Long hét lớn:
- Nguyễn Ánh! Ngươi là kẻ tiểu
nhân hèn hạ, đã làm điều dã man tàn bạo, đào mộ Tiên đế ta (tức vua Quang
Trung), dù ngươi là kẻ chiến thắng nhưng mai này ai dám bảo ngươi là kẻ anh hùng.
Vua Gia Long cười mỉa hỏi:
- Ngươi thử cho ta biết, ta
và Nguyễn Huệ, ai hơn ai?
- Luận về tài, ngươi làm sao
so sánh được, một bên là mãnh hổ một bên là cẩu hèn. Tiên đế ta trăm trận trăm
thắng từ Nam ra Bắc, đại phá quân Thanh lấy lại cơ đồ chỉ trong năm ngày. Còn ngươi cầu cứu quân ngoại bang cả vạn binh,
chỉ một đêm bị quân ta đánh tan rã.
Vua Gia Long giận run người
nhưng vẫn làm ra vẻ bình tĩnh hỏi:
- Còn nói về đức thì thế nào?
Bùi Thị Xuân đáp:
- Về đức, ngươi cũng không đáng để so sánh. Tiên đế ta lấy nhân nghĩa đối xử
với các tôi nhà ngươi. Còn ngươi dùng
tâm của kẻ tiểu nhân hèn hạ đối xử với các nghĩa sĩ. Tiên đế ta đánh
đổ hai nhà Trịnh, Nguyễn là đem an lạc và đời sống ấm no cho sơn hà xã tắc. Còn ngươi rước quân ngoại bang về tàn sát lương
dân, bắt được các sĩ tướng của Tiên đế ta thì xử tru di tam tộc. Tiên đế ta chết
đã mười năm, ngươi còn đào mả lấy xương cốt làm tội.
Bùi Thị Xuân vừa dứt lời, các tướng hầu cạnh vua đều rút gươm khỏi vỏ. Vua Gia
Long ngăn lại bảo:
- Đừng giết ngay, ta muốn xem gan nó lớn cỡ nào. Quân đâu! đem con gái Bùi Thị
Xuân ra cho voi giày trước mặt nó.
Bỗng một người con gái tuổi thanh xuân từ cánh trái khán đài tiến
đến cạnh vua nói lớn:
- Xin Hoàng huynh hãy tha tội
chết cho con gái Bùi Thị Xuân, nó còn trẻ dại đâu có tội tình gì?
Mọi người giật mình quay qua nhìn, thì ra là Quận Chúa Ngọc Du. Vua Gia Long lấy
làm ngạc nhiên hỏi Ngọc Du:
- Trong trận đánh thành Bình
Định, Trần Quang Diệu đã giết chết Võ Tánh chồng của em, sao em còn xin tha cho
con gái của nó?
Ngọc Du trả lời:
- Thưa Hoàng Huynh. Ngày trước trong
trận đánh thành Qui Nhơn, chồng em không giữ nổi thành nên đã tự vẫn và Bùi Thị
Xuân đã tha mạng cho mẹ con em nên em mới còn sống đến ngày nay. Xin Hoàng
huynh nghĩ tình ấy mà tha tội cho con gái Bà.
Vua Gia Long lắc đầu, đoạn
quay sang bọn quân sĩ quát lớn:
- Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc.
Quân đâu, hãy mang con gái Bùi Thị Xuân ra hành hình!
Thế là một hồi trống dục lại nổi
lên. Đội hành quyết áp tải người con gái tên Trần Bích Xuân ra sân lột hết y
phục một cách dã man tàn bạo. Một võ sĩ khác dẫn một con voi to lớn bước chậm
rãi đến gần nàng. Khuôn mặt nàng biến sắc, Bích Xuân hoảng sợ nhìn về phía mẹ kêu
thất thanh:
- Mẹ ơi cứu con với!
Bùi thị Xuân nghiêm nét mặt hét
lớn:
- Con nhà tướng phải chết anh
dũng! Hãy hiên ngang chết cùng cha mẹ còn hơn là sống với đám tiểu nhân bán
nước!
Bùi thị Xuân vừa dứt lời, voi
đã dùng vòi quấn lấy con gái Bà tung lên không trung. Khi nàng rơi xuống cùng
với tiếng hét hãi hùng, voi đưa cặp ngà ra hứng, ngà voi nhọn xuyên qua người, Bích
Xuân quằn quại trên miệng voi mà chết. Voi quăng xác nàng xuống đất rồi dùng
chân phải giày đạp lên. Xót thương thay người con gái trẻ chết nát tan thân
thể. Mọi người mục kích đều rùng mình rơi nước mắt!
Nữ tướng Bùi Thị Xuân lặng
người đớn đau. Bà kéo lê đôi chân đã bị
xiềng đến gần con voi vừa giày đạp con gái mình. Khí sắc của bà vẫn hồng hào, hiên
ngang như khi lâm trận. Tên điều khiển voi thúc voi quấn lấy bà. Voi vừa vươn
vòi, bà trợn mắt hét lên một tiếng như sấm nổ, voi thất kinh co vòi thụt lui.
Tên nài voi lại thúc voi, voi bước tới thấy bà lại thối lui. Tên nài không biết tính sao, lấy gậy đập vào
đầu voi, voi thét lên một tiếng hất tên nài xuống đất rồi cắm đầu chạy ra khỏi
pháp trường. Đội quân hành quyết lại đưa voi khác vào thay, nhưng con nào cũng
thế, khi đến gần nghe nữ tướng hét lên đều co vòi quay đầu bỏ chạy. Thì ra
chúng đã bị khuất phục khi nhận ra Bà đã cùng chúng bao phen vào sinh ra tử.
Ba hồi trống dục dứt tiếng. Cả pháp trường im phăng phắc đến nghẹt thở.
Nguyễn Ánh muốn báo thù nên cho voi dẫm nát thân thể Bà, nhưng đã thất bại, tức
giận quát lớn:
- Nếu voi không giết nổi người
đàn bà này thì cho ngũ mã phanh thây [2]. Nhất định phải cho nó chết không toàn
thây!
Ba hồi trống dục lại vang
lên. Năm tên nài ngựa trong đội hành quyết dẫn năm con ngựa khỏe ra pháp trường,
chúng dùng dây buộc mỗi con vào đầu, vào tay, vào chân nữ tướng xếp thành hình
ngôi sao. Nữ tướng vẫn bình tĩnh, nét mặt không thay đổi và không tỏ chút sợ
hãi nào. Tiếng trống tiềp tục dồn dập trong bầu không khí thê lương. Tên đội
trưởng ra dấu hiệu cho năm tên nài cùng quất roi cho ngựa chạy về năm hướng làm
thân xác Bà bị xé nhiều mảnh, máu me lai láng trông rất kinh hãi. Ai nấy đều
xúc động, mặt đầm đìa nước mắt.
Thương thay cho nữ tướng tài
ba, dũng cảm! một đời hy sinh cho sơn hà xã tắc, đã phải chết không toàn thây. Riêng Gia Long Nguyễn Ánh tỏ vẻ hân hoan sau
khi đã tận diệt toàn gia đình tướng Trần Quang Diệu. Nguyễn Ánh đâu có biết cái chết hiên ngang của
Bà đã trở thành một hình ảnh vô cùng oai hùng ở pháp trường, nó đã in sâu vào
tâm khảm người dân từ Bình Định đến Phú Xuân.
Họ vô cùng cảm kích trước trước sự anh dũng của nữ tướng khi chứng kiến
những giây phút cuối cùng đầy khí phách, kiên cường của Bà và hình ảnh bất diệt
này vẫn còn vang vọng đến ngày nay.
Xa xa có tiếng chuông chùa
ngân vang vọng lại. Hôm nay các chùa
đang thiết lễ Vu Lan, ngày báo hiếu cùng là ngày xá tội vong nhân. Chư
Tăng Ni đang cầu nguyện cho các chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn
chiến tranh
được vãng sinh về miền lạc cảnh, cho chúng sinh khắp mọi miền sớm được
giải thoát khỏi cảnh khổ ải trầm luân, người người sống an vui hạnh
phúc, không
hận thù chia rẽ.
Tịnh Thuỷ
Mùa Vu Lan 2010
Chú
thích:
[1] Bùi Thị Xuân, người ở
thôn Xuân Hòa, phía Nam sông Côn, thuộc tổng Phú Phong, huyện Tuy Viễn, phủ Quy
Nhơn (nay thuộc thôn Phú Xuân, xã Bình
Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Có thể nói, trong giai đoạn lịch sử
lúc bấy giờ Đô đốc Bùi Thị Xuân, một nữ tướng văn võ toàn tài, vợ danh tướng
Trần Quang Diệu, quê làng Xuân Hòa, huyện Bình Khê (nay là Phú Xuân, thị trấn Phú Phong huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).
Bà là vị anh thư đã cùng chồng hết lòng hết sức giúp nghĩa quân Tây Sơn lập nên
một triều đại Tây Sơn. Năm 1778, Bùi Thị Xuân được Nhà Tây Sơn phong làm Đô
đốc. Bà cùng chồng phò tá Nguyễn Huệ tiến ra Bắc đánh đổ Lê - Trịnh, đặt cơ sở
vững chắc cho sự nghiệp thống nhất đất nước sau này. Đội tướng binh do bà huấn
luyện đã góp phần quan trọng vào chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử xuân Kỷ
Dậu 1789.
[2]
Có sách nói Bà bị xử hình điểm thiên đăng (dùng vải nhúng sáp nóng đem quấn
chung quanh cơ thể, rồi cột vào trụ sắt xong châm lửa đốt)
[3] Tùng xẻo (còn gọi là lăng trì hay xử bá đao)
(tiếng Hoa giản thể: 凌迟, tiếng Hoa phồn thể: 凌遲, bính âm: língchí) là
một trong những hình phạt tàn khốc và dã man được dùng rộng rãi ở Trung
Quốc thời cổ xưa từ năm 900 cho đến khi chính thức bãi bỏ vào năm 1905.
Từ ngữ trong tiếng Hán "lăng trì" có nghĩa lấn lên một cách chậm chạp.
Đây cũng là hình thức ghê rợn vào bậc nhất trong các án tử hình,
phạm nhân sẽ vô cùng đau đớn vì không được chết nhanh chóng, có trường
hợp xẻo tróc nửa phần thịt trên cơ thể mà phạm nhân vẫn còn giãy dụa gào
thét. Mức độ tàn bạo của nó thì không có gì có thể sánh nổi; ngoài việc
xẻo từng miếng thịt trên người tử tội, đao phủ còn có nhiệm vụ là giữ
cho tử tội không được chết một cách nhanh chóng, tức là sau bao nhiêu
nhát xẻo thì nạn nhân mới được chết. (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)