bên mé bờ vô hình tướng của ngộ và mê, của
giác và vọng, của chân và ngụy, của xả và chấp, và khoảng cách ấy là bao
xa.
Trong lịch sử loài người có hơn một minh
chứng hùng hồn về khả tính của con người có thể xả ly, có thể vượt qua,
có thể quăng bỏ một cách dứt khoát để trở nên sáng lạn, chói lòa. Nhân
cách ấy đã giành trọn cuộc đời mình rao giảng một nền giáo lý vô ngã,
tạo tiền đề cho một nền triết học tôn giáo phi thường của phương Đông.
Sự giác ngộ quán triệt về vô ngã ấy như cú nhảy thiện nghệ vượt hẳn qua
bờ mé bên kia của dòng sanh tử khổ đau. Để mấy ngàn năm sau đồng vọng
lời ca vang huyền thoại. Và vì thế, đã không biết tự bao giờ, nhân vật
lịch sử ấy đã trở thành một nhân cách huyền thoại của con người như câu
chuyện đản sanh.
Câu chuyện của tinh thần tâm linh phương Đông
Câu
chuyện đản sanh bắt đầu từ chi tiết có thật của lịch sử, cách nay
khoảng hai ngàn sáu trăm ba mươi lăm năm tại thành Kapilavatthu ở Ấn Độ
(tức Nepal ngày nay), một buổi sáng tháng tư có một vị thái tử ra đời,
bậc vương tôn ấy về sau đã làm nên huyền thoại phương Đông, và câu
chuyện đản sanh được kể về nhân vật này sẽ sơ lược đại khái như vầy:
Nhận đến ngày lâm bồn đã đến, hoàng hậu
Maya lên đường trở về quê nhà để hạ sanh đứa con đầu lòng như tập tục
của xứ này. Khi Người và đoàn xa giá cung nữ tùy tùng đến vườn Lumbini
thì Người bỗng nhiên chuyển dạ, một bậc bồ-tát phi phàm đã hạ sanh. Vừa
lọt lòng mẹ, bồ-tát liền bước đi bảy bước trên bảy đóa hoa sen, đến bước
thứ bảy, một tay chỉ xuống đất, một tay chỉ lên trời với lời tuyên bố
“Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” (trên trời dưới trời chỉ có ta
là tôn quý). Khi ấy đại địa chấn động, trời mưa cam lộ cúng dường, thiên
nữ rãi hoa, nhạc trời tự trỗi, muôn hoa trong vườn đua nhau nỡ rộ chào
mừng một bậc thánh giáng trần…
Câu chuyện huyền thoại ấy đã chứa đựng
một nền minh triết của phương Đông, gắn với sự ra đời của một nhân cách
siêu việt là hoa sen, là con số bảy, là sự có mặt của chư thiên địa và
các thánh thần, là một câu nói gây ra nhiều sự bàn cải cho những ai còn
lấn cấn giữa tính biểu trưng của huyền thoại hay ngôn ngữ trừu tượng và
sự thật lịch sử.
Súc tích một nền minh triết
Hoa
sen, đó là sự tinh khiết được ví von như phẩm hạnh thanh cao của nhân
cách Người, từ trong đầy lầy sanh tử đã vươn dậy nở hoa, tỏa hương, sắc
tinh khôi và hương thanh thoát. Trong truyền thống tâm linh của con
người phương Đông, mà dẫn đầu là người Ấn Độ, hoa sen là biểu trưng
thanh cao cho cốt cách con người, sự ví von này là cách tôn xưng cao
nhất có thể để người ta bày tỏ tình cảm, niềm tôn kính đối với một nhân
cách thánh nhân.
Sinh ra với vị trí vương tôn, lớn lên từ
cung vàng điện ngọc, trưởng thành với tùy tùng hầu hạ, với vợ đẹp con
ngoan,... sống trong sự sung túc hoàn mĩ nhất của trần gian như thế
nhưng con người ấy đã luôn băn khoăn: đây không phải là hạnh phúc cứu
cánh của kiếp người, dù ở vị trí quyền lực nhất, giàu có nhất, hoàn hảo
nhất thì vẫn không thể nào tránh khỏi những phiền não căn bản của chúng
sinh. Và rồi đến một ngày Người ấy rủ bỏ xuống đất tất cả để vào rừng
tìm câu trả lời cho sanh tử và trở thành một kẻ hành khất thực thụ trong
xóm làng.
Ngài đã trở thành Buddha, một bậc giác
ngộ đã vượt qua khỏi sự chi phối từ sức mạnh nghiệp lực phiền não sanh
tử của chúng sanh. Đã xả ly một cách dứt khoát những thứ mà con người
luôn hướng đến để bị cột vào, bị mê hoặc, bị trở thành nô lệ. Trong
những cám dỗ của cuộc đời này, bậc giác ngộ ấy đã được mở trói, đã sáng
trong, thanh thoát như một đóa sen trong đầm lầy, trong sanh tử trầm
luân.
Bên cạnh hình tượng hoa sen trong sự
kiện đản sanh là bảy bước đi kỳ diệu của bậc thánh. Một số nhà Phật học
đã từng lý giải, sao là bảy bước chân mà không phải một, hai, ba, bốn
hay năm, sáu. Đây là con số bảy của tứ phương-tam thời hay con số vượt
ngoài số sáu của sáu nẻo luân hồi sanh tử như nhân cách của một bậc giác
ngộ? dẫu với sự lý giải nào cũng nằm trong sự ước đoán của người học về
sau. Chi tiết huyền sử ấy là sự kết tinh từ một chuỗi dài lời truyền và
cảm tình tôn giáo qua nhiều thế hệ, là sự phản ảnh trung thực nhất về
tình cảm và lòng kính ngưỡng đức Thế Tôn của con người Đông phương cách
chúng ta hơn hai ngàn năm về trước.
Giá trị chân thực của con người qua hình tượng đản sanh
Vừa
lọt lòng mẹ bồ-tát đã bước trên bảy đóa hoa sen và dõng dạc cất lời
tuyên bố “thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”. Dĩ nhiên, bậc giác ngộ
là không có chúng sanh nào sánh được cho dù đó là chúng sanh tối thắng
trời thần, bởi tôn quý như thế nên trời mới mưa cam lộ, thiên nữ mới
cúng hoa, địa thần mới chấn động. Nhưng sự tôn quý sao lại không được
cho là đã nói ra khi bồ-tát còn ở cung trời đâu suất, ở cảnh trời quý
báu ấy dù chỉ nói “ta là tôn quý nhất cõi trời” thì cũng đẳng cấp hơn
bởi chúng sanh cảnh trời tất nhiên hơn hẳn nhân gian.
Bồ-tát xác nhận đến nhân gian, làm người
để tu thành chánh giác, ắt hẳn nhân gian có đặc tính ưu việt, làm trung
tâm thuận tiện cho bước chuyển cuối cùng từ mê đến giác, từ vọng đến
chân, từ khổ đến niết-bàn, là nơi hội đủ điều kiện căn bản để hai dòng
nghiệp thiện ác của thánh phàm tiếp nhận nguồn năng lượng chiêu cảm.
Bởi xác định thân người ở nhân gian có
thể tu thành chánh giác cho nên bồ-tát giáng trần. Bởi sự giác ngộ tột
cùng vượt ra ngoài sanh tử là điều không thể so sánh được trong sự phân
biệt đẳng cấp của các loài chúng sanh cho nên được cho là tôn quý. Bởi
thân người được cha mẹ sanh ra này đây có thể cho một hứa hẹn rằng có
một chặng đường sống➝tu học➝giác ngộ, cho nên chính “ta”- nơi thân người
này là tôn quý.
Nguồn gốc của truyền thuyết “bảy bước
xưng tôn” dường như được tìm thấy sớm nhất trong tạng kinh Trường A-hàm
hay Trường Bộ tương đương, với bài kinh Sơ Đại Bản, ở đó đức Thế Tôn nói
về nhân duyên ra đời, thành đạo… của bảy đức Phật từ trong quá khứ, và
ngài cũng không ngoại lệ, bởi đó là “pháp thường của chư Phật”. Và
nguyên văn của ý kinh này như sau: “aggo ‘ham asmi lokassa, jeṭṭho ‘ham
asmi lokassa, seṭṭho ‘ham asmi lokassa, ayam antimā jāti, natthi dāni
punabhavo” [Ta là đấng tối thượng của thế gian, là tối thắng của thế
gian, là tối tôn của thế gian. Đây là sự sanh cuối cùng, không còn đời
nào nữa.]
Sau gần hai ngàn sáu trăm năm, ý kinh ấy
cho con người của thế kỷ chúng ta nhiều khả tính để đoán định. Trong đó
có thể nói, ắt hẳn yếu tố này được thiết lập nên từ quan điểm hướng về
sự giác ngộ, chỉ có sự giác ngộ (Buddha) mới là điều đáng quý nhất trong
các loài chúng sanh, chỉ có sự giải thoát phiền não mới là cứu cánh
nhất trong sự sống này. Và điều đáng quý đó đang bắt đầu bằng chính thân
người này đây. Bởi trong nền giáo lý nhân bản của Phật đà, luôn nhấn
mạnh vai trò tối ưu của loài người trong sáu đường sanh tử hay nói khác
hơn, nền giáo lý đặt trọng tâm vào sự thực nghiệm của chính bản thân con
người, và nên làm gì ngay khi ta có thể. Vì rằng, hiện tại này là yếu
tố cho ta quyết định các vấn đề.
Triết học Phật giáo là sự chắt lọc kết
tinh nền giáo lý sống, được thực nghiệm và cảm nhận một cách sâu sắc tùy
bởi căn cơ của con người đương thời, sức mạnh của sự thực nghiệm tôn
giáo ấy là động lực để những câu chuyện ngày càng lung linh hơn, huyền
thoại hơn cho đến khi nó được dừng lại bằng nền văn minh chữ viết, đây
cũng là yếu tố đầu tiên cho sự ra đời của nền văn học tiền đại thừa và
đại thừa.
Với một tôn giáo được hình thành và phát
triển trước thời văn minh chữ viết của loài người như thế, thì người
học Phật sẽ tự biết mình nên có một thái độ nào để có ích cho bản thân.
Và đến đây cho phép chúng ta có thể nhận xét: Phủ định tất cả để đẩy
mình đến vực sâu của sự hoài nghi, hay chấp trước tất cả vào văn tự để
quay lưng với sự thật tri thức hiện đại của con người, là thái độ dại
dột từ cái nhìn chưa thấu đáo, chưa có đủ niềm tin quyết liệt với bồ-đề
tâm, là điều không nên của kẻ cầu học Phật của hôm nay.
Đạo phật của hai ngàn năm trăm năm sau,
hay còn sau hơn bao nhiêu nghìn năm nữa, khi con người được xem là chạm
đến tận cùng của nền khoa học, với nền giáo lý của sự thật thực nghiệm,
tôn giáo ấy có khi được xem là một nền triết học, hay một thứ gì đó mà
khoa học đã gặp gỡ và có thể chạm đến. Tuy nhiên, sự thật thì tôn giáo
ấy còn có nhiều lãnh vực mà khoa học không thể bước vào, bởi những thứ
thuộc về giá trị tinh thần tâm linh thì hoàn toàn thuộc về phạm trù
khác. Và vì thế, những chi tiết huyền thoại về Phật đà, đã được lưu
truyền bởi hàng đệ tử, bằng câu chuyện đản sanh với hoa sen, với bảy
bước xưng tôn, với sự vui mừng của chư thánh thần trời đất ấy, là những
giá trị tinh thần, hàm súc nền minh triết Đông phương, được viết nên từ
tình cảm giáo đồ Phật giáo của Đông phương, kết tinh lại tất cả lòng
thành và niềm tôn kính tin yêu của hai mươi lăm thế kỷ lịch đại giáo đồ
đối với bậc giáo chủ, dù truyền thuyết mà không hề đứng bên lề của nhận
thức hiện đại.
Tất nhiên, sự thần thoại hóa do tình cảm
của tín đồ giành cho đấng giáo chủ là một mẫu số chung của vấn đề tôn
giáo. Tuy nhiên, tình cảm đó được căn cứ từ đâu, phản ảnh được điều gì
về nền tảng giáo lý của tôn giáo ấy, và nó có đem lại lợi ích cho con
người hay không thì là một điều khác biệt. Nét khác biệt ấy cho thấy cái
riêng của từng tôn giáo.
Đức Như Lai, kẻ đến đi như sự thật,
không nhiễm trước những gì có được trong đời, không mong cầu sự ngưỡng
vọng tôn bái. Bậc dũng sĩ mạnh mẽ nhất có thể chiến thắng được phiền não
của sanh tử chúng sanh, người có khả năng quăng bỏ một cách dứt khoát
cái tôi và cái của tôi trong tinh thần vô ngã tuyệt đối. Bậc vô thượng
sỹ chân thật như thế mới có thể tạo nên sự đồng vọng tôn sùng của nhân
loại suốt chặng đường xuyên lịch sử con người. Để từ phẩm chất ấy mà
hàng đệ tử viết thành câu chuyện đản sanh như Phật giáo đồ chúng ta đang
có hôm nay.
Khải Tuệ