Dù
theo truyền thống nào đi nữa thì tín đồ Phật giáo trên khắp thế giới
đều tổ chức lễ kỷ niệm ngày Đản sanh của Đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni. Tuy
nhiên, tùy vào truyền thống Phật giáo, vào phong tục, tập quán và nền
văn hóa của địa phương mà mỗi vùng, mỗi quốc gia, tín đồ Phật giáo có
những nghi thức, những hoạt động lễ hội khác nhau.
Nếu
chúng ta tìm hiểu các hoạt động, các nghi thức mà Phật giáo ở các nước
tổ chức Đại lễ Phật đản ở xứ họ thì chúng ta sẽ học hỏi được rất nhiều
điều giá trị và bổ sung vào những phần còn thiếu, còn yếu trong chương
trình đại lễ Phật đản ở nước ta.
Những hoạt động lễ hội nhằm kỷ niệm Đại lễ Phật đản của Phật giáo
nước ngoài mà người viết muốn đề cập đến đầu tiên ấy là chương trình lễ
hội tại các tự viện thuộc hệ thống Phật giáo Phật Quang Sơn ở nhiều quốc
gia khác nhau trên thế giới. Cứ mỗi năm đến mùa Phật Đản, tại các tự
viện thuộc hệ thống Phật giáo Phật Quang Sơn đều tổ chức các hoạt động
lễ hội đón mừng Phật đản rất bài bản, thu hút sự tham gia của rất nhiều
người thuộc nhiều tầng lớp, nhiều lứa tuổi khác nhau. Điều đầu tiên và
khác biệt rất rõ trong chương trình lễ hội của họ so với ta là ở đó hầu
như không có các nghi thức thuộc về hành chính. Ngày nay, với sự phát
triển và phổ biến rộng khắp của các phương tiện truyền thông đại chúng,
chúng ta có thể nhờ vào các phương tiện truyền thông này để chuyển tải
nội dung các bức thông điệp, văn thư Phật đản đến với mọi người một cách
rất hiệu quả, như là đăng tải trên các báo, tạp chí Phật giáo, trên các
trang web Phật giáo, tuyên đọc trên truyền thanh, truyền hình,… Với các
phương tiện này, nội dung các bức thông điệp, văn thư Phật đản có thể
đến với quần chúng sớm hơn và nhanh hơn nhiều. Làm như thế thì chúng ta
tiết kiệm được khá nhiều thời gian khi cử hành Đại lễ Phật đản.
|
Lễ tắm Phật tại chùa Nam Thiên, Australia |
|
Một khía cạnh khác mà chúng ta có thể học hỏi được từ việc tổ chức
lễ hội Phật đản của các tự viện thuộc hệ thống Phật giáo Phật Quang Sơn
trên thế giới, đó là chương trình lễ hội của họ rất phong phú và đa
dạng. Ở đấy họ có các hoạt động, các nghi thức nhắm vào các đối tượng
khác nhau. Chẳng hạn như đối với trẻ nhỏ thì họ có nghi lễ “Chúc phúc
cầu nguyện cho trẻ thơ”. Đây là một nghi lễ xuất phát từ nghi thức tắm
Phật và nghi lễ này thật sự có ý nghĩa tâm linh quan trọng đối với những
em bé cũng như các bậc phụ huynh khi đưa con của họ đến dự lễ chúc phúc
cầu nguyện này. Đối với tuổi trẻ thì có các buổi tọa đàm, chia sẻ, các
hội thi Phật pháp, hội thi cắm hoa, thi hội họa, hoặc là các hoạt động
biểu diễn văn hóa, văn nghệ như là biểu diễn võ thuật, múa lân, viết lời
ước nguyện lên lá bồ đề, tham gia các trò chơi dân gian, tập viết thư
pháp và được tặng chữ thư pháp, triển lãm nghệ thuật... Đối với bậc
trung niên thì còn có các giờ thiền trà.
Viết ước nguyện lên lá bồ đề
Bên cạnh đó họ còn có các hoạt động, các nghi thức mà tất cả mọi
đối tượng đều tham gia được, chẳng hạn như là rước Phật, diễu hành xe
hoa. Điển hình nhất đó là nghi thức tắm Phật, đây là chương trình chính
của đại lễ Phật đản, được diễn ra trong suốt thời gian tổ chức lễ hội.
Để cử hành nghi thức tắm Phật, họ tôn trí rất nhiều tượng đản sinh của
đức Phật theo chiều ngang để cho tất cả mọi người đều được tự mình múc
nước thơm rưới lên tôn trượng đản sinh của Đức Phật, được tự mình thầm
đọc lời cầu nguyện khi tắm Phật. Chuẩn bị cho nghi thức tắm Phật, Ban tổ
chức hướng dẫn cho mọi người hiểu rõ ý nghĩa của nghi thức tắm Phật,
hướng dẫn cụ thể cách thức tiến hành. Trước khi cầm gáo múc nước thơm
rưới lên tượng Phật đản sinh thì mọi người phải cung kính chắp tay đảnh
lễ tôn tượng, rồi nhẹ nhàng múc nước, rưới từng gáo nước thơm lên tôn
tượng. Mỗi người sẽ rưới ba gáo nước: Khi rưới gáo nước thứ nhất, trong
lòng thầm nguyện “Con nguyện từ bỏ tất cả những ý tưởng xấu ác”; khi
rưới gáo nước thứ hai, trong lòng thầm nguyện “Con nguyện trau dồi tất
cả các hạnh lành”; và khi rưới gáo nước thứ ba, lòng thầm nguyên “Con
nguyện cứu độ hết thảy mọi loài chúng sanh”. Sau khi rưới xong gáo nước
thứ ba thì thành kính chấp tay xá tôn tượng và thoái lui. Và cứ tuần tự
như thế, lần lượt tất cả mọi người đều được thực hiện nghi thức tắm Phật
với tất cả lòng thành kính trong bầu không khí thiêng liêng. Nét đặc
biệt ở lễ hội Phật đản của họ là những hoạt động lễ hội mà ở đó người
đến tham dự không còn là người tham gia một cách thụ động; ngược lại, họ
trở thành những người trực tiếp tham gia một cách tích cực, chủ động
trong các hoạt động của lễ hội. Chính điều này khiến cho mọi người cảm
thấy hứng thú, không còn cảm giác uể oải, chịu đựng, khiến cho ngày lễ
thêm phần sinh động và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng người
tham dự.
|
Du khách thực tập thiền trong lễ hội Phật đản tại Hàn Quốc |
Với Phật giáo ở Hàn Quốc, việc tổ chức đại lễ Phật đản cũng có
những nét rất riêng, rất đặc sắc. Không gian tổ chức lễ hội của họ rất
là rộng mở, thường là các lễ hội trên đường phố, với nhiều phân khúc,
nhiều loại hình hoạt động được bố trí tại những địa điểm, những không
gian thích hợp, thu hút đông đảo du khách tham gia. Chương trình lễ hội
đường phố Phật giáo của họ được dàn dựng khá công phu và nhiều tâm
huyết. Ở đó họ có các tiết mục văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, như là
biểu diễn âm nhạc và các điệu múa dân gian của Hàn Quốc, các trò chơi
dân gian, các điệu múa truyền thống của Phật giáo Hàn Quốc và triển lãm
nghệ thuật Phật giáo. Họ còn mời các đoàn biểu diễn văn hóa, nghệ thuật
Phật giáo từ các nước láng giềng đến biểu diễn các điệu múa truyền thống
và các hoạt động văn hóa của dân tộc họ. Trong số đó, nổi bật nhất là
chương trình “Trải nghiệm tích cực”, đây là chương trình mà tất cả mọi
người, từ lớn đến nhỏ, cả nam giới lẫn nữ giới, cả người dân địa phương
lẫn người ngoại quốc, dù là Phật tử hay chỉ là khách tham quan đều tham
gia được. Với chương trình này, mọi người đều được tham gia vào việc làm
lồng đèn hình hoa sen hoặc là tô màu hình tượng các Đức Phật, các vị Bồ
tát, các ngôi chùa, tháp, hoặc đánh bóng những lời Phật dạy Phật được
khắc trên các miếng gỗ nhỏ, hay đánh bóng các tượng Phật nhỏ, thậm chí
là làm người mẫu để người khác tô vẻ lên khuôn mặt của mình, hoặc tham
gia làm chuỗi hạt và điều thú vị là sau khi làm xong mọi người có thể
đem chúng về nhà, xem như là vật lưu niệm, món quà cho người thân nhân
ngày Phật đản.
|
Đoàn diễu hành trong Lễ hội Lồng đèn hoa sen nhân ngày Phật đản tại Hàn Quốc |
Với tầng lớp thanh thiếu niên thì Ban tổ chức dành hẳn một khu vực
để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, gọi là “Khu phố của thanh
thiếu niên”. Ở đó có các tiết mục khiêu vũ với nhạc nền sinh động, và có
cả cuộc thi “Giọng ca vàng”. Đây là cơ hội tuyệt vời để cho các bạn
thanh thiếu niên thể hiện tài năng của họ.
Bên cạnh các khu vui chơi giải trí còn có khu vực tĩnh tâm,
thiền trà và học đạo. Các khu vực này cũng thu hút khá nhiều người tham
gia, nhất là những người muốn tìm sự yên tĩnh cho tâm hồn và du khách
quốc tế. Đến các khu này, du khách sẽ được các vị tu sĩ hoặc các Phật tử
thâm niên hướng dẫn tọa thiền, uống thiền tra, hoặc là hướng dẫn các
nghi thức cơ bản trong Phật giáo, chẳng hạn như cách lễ Phật, cách chấp
tay xá chào, cách niệm Phật, phương pháp theo dõi hơi thở khi tọa thiền…
và có cả pháp đàm, giải đáp những nghi vấn về Phật pháp.
Khu phố ẩm thực chay cũng là một nét độc đáo trong lễ hội
Phật đản tại Hàn Quốc. Tại đấy mọi người có cơ hội thưởng thức các món
ăn chay đạm bạc nhưng được chế biến tinh xảo thành những món ăn vô cùng
đặc biệt với giá cả hợp lý hoặc là có trợ giá.
|
Du khách nước ngoài làm lồng đèn tại Lễ hội Lồng đèn hoa sen, Hàn Quốc |
Ở Hàn Quốc, rước lồng đèn là một trong những sự kiện quan trọng của
lễ hội Phật đản. Hàng chục ngàn người tham gia vào đoàn rước lồng đèn
dài mấy cây số trên đường phố. Mỗi người đều có chiếc lồng đèn trên tay,
thắp sáng nó lên và tuần tự diễu hành trên phố. Hàng trăm ngàn ánh đèn
lồng được thắp sáng, với nhiều hình thù và màu sắc khác nhau, di chuyển
trên đường phố tạo nên biển ánh sáng rực rỡ, lung linh và huyền ảo.
Một điều khá đặc biệt trong chương trình lễ hội Phật đản ở Hàn Quốc
và ở các tự viện thuộc hệ thống Phật giáo Phật Quang Sơn là ở đó có
danh sách các nhà tài trợ chính cho lễ hội. Họ là những doanh nghiệp,
những doanh nhân Phật tử và các hội đoàn Phật tử, chính thức xin phép
tài trợ chính cho các hoạt động, các chương trình của lễ hội. Thiết nghĩ
đây là điều mà tín đồ Phật tử Việt Nam cũng có thể làm được, như đã
từng làm trong dịp Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc năm 2008 tổ chức ở nước
ta. Với nguồn kinh phí được các nhà tài trợ chính hỗ trợ thì Ban tổ chức
trút bớt được gánh nặng lo toan về kinh phí tổ chức lễ hội, dồn tâm
huyết vào việc dàn dựng và thiết kế chương trình để cho lễ hội Phật đản
được tốt đẹp hơn, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người tham dự.
Chúc phúc cầu nguyện cho trẻ thơ
Lễ hội Phật đản ở nước ta những năm gần đây cũng đã có nhiều bước
tiến mới, tại một số tỉnh thành đã có các chương trình lễ hội thu hút
được sự tham gia đông đảo của người dân, như là lễ diễu hành xe hoa, lễ
rước Phật, rước xá lợi Phật, lễ hoa đăng, khu phố ẩm thực chay. Tuy
nhiên, các chương trình ấy vẫn mang tính đơn lẽ ở một số tỉnh thành chứ
chưa được nhân rộng, chưa phát huy hết nguồn lực của Phật giáo Việt Nam.
Điểm qua các chương trình, các hoạt động lễ hội Phật đản mà Phật giáo ở
một số nước đã tổ chức như thế, hy vọng rằng chúng ta có thể rút ra một
số bài học giá trị cho mình để từ đó có sự sửa đổi, bổ sung vào chương
trình đại lễ Phật đản trong nước, nhằm thu hút được đông đảo người dân
tham gia, để lại dấu ấn sâu sắc và đầy ý nghĩa trong lòng mỗi người.
Minh Nguyên
http://www.giacngo.vn