Hàng
năm, cứ độ Hè về là mùa sen nở khoe sắc màu, hương tỏa khắp muôn
phương, như hương đức hạnh của bậc Đại Giác ngược gió khắp tung bay.
“Một hôm Phật ngồi thiền ở bên hồ sen, khi thiền xả Ngài nhìn xuống hồ,
thấy hoa sen nở tươi đẹp vượt khỏi bùn nhơ lên mặt nước, quang hợp ánh
sáng mặt trời và tỏa ngát hương tô điểm cho đời:
Trong đầm đẹp gì bằng sen,
Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng,
Nhụy vàng bông trắng lá xanh;
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Cũng vậy; có những chúng sinh bị vô
minh phiền não che lấp Tâm tính, có những chúng sinh vượt thoát khỏi vô
minh phiền não, căn tính trở nên thanh tịnh, nếu gặp được Phật pháp thì
sẽ viễn ly phiền não nghiệp chướng, hoa Giác ngộ sẽ trổ quả ngay đời
này”.
Hoa sen
tươi đẹp, hương thơm thanh khiết mà mọi người ưa thích khen ngợi, gốc
từ bùn nhơ. Đây là một lẽ thật hết sức rõ ràng. Cuộc đời Thái tử Sĩ Đạt
Ta rất gần với cuộc đời của mọi người chúng ta, Ngài là một con người
bằng xương bằng thịt ở trong cõi đời này, chứ không phải là bậc siêu
nhân từ cõi nào đến. Ngài thị hiện trong chốn dục lạc, rồi từ dục lạc
Ngài thức tỉnh đi tu. Cách đây 2.635 năm về trước Bồ tát Hộ Minh giáng
trần, đem ánh sáng Từ bi Trí tuệ đến trần gian Ta bà này đã cất bước
trên bảy đóa sen vàng:
Bảy đóa sen vàng nâng gót ngọc;
Ba ngìn thế giới lễ Như Lai.
Bảy đóa sen vàng nâng gót ngọc là một
thông điệp vĩ đại về tiến trình thành tựu Vô thượng giác của đức Thế Tôn
và tất cả chúng ta, những người con Phật.
Ngài thị hiện đản sinh, bước đi trên bảy đóa sen, ngước nhìn
sáu phương, bước cuối cùng dừng lại tuyên bố, xác quyết sự thành tựu Vô
thượng giác. Vào đời với bảy bước chân từ bi, trí tuệ, an lạc, vô nhiễm,
chẳng dính chút bụi trần là một định pháp mà ba đời mười phương chư
Phật đã đi qua, Đức Thế Tôn cũng đã đi qua và những người con Phật sẽ
phải đi qua để đạt đến Giác ngộ.
Theo kinh Ưu Bà Di Pháp Môn Tịnh
Hạnh-phẩm Thụy Ứng, Bồ Tát đản sinh, bước thứ nhất; nhìn về phương Đông,
vì chúng sinh mà làm Bậc dẫn đường tối thượng. Phương Đông, nơi phát
xuất bình minh Tuệ giác. Chúng sinh từ nơi tăm tối của dục vọng, vô
minh, muốn cất bước chân đầu tiên vào đạo lộ Giải thoát phải nương theo
Tuệ giác, tiếp nhận ánh sáng Tam bảo để hoàn thiện nhân cách (Thọ trì
Tam Quy - Ngũ Giới). Muốn vậy, phải kiện toàn đạo đức, tri thức thông
qua học hỏi, suy nghiệm và thực hành Chánh pháp. Trước khi trở thành
thánh nhân, phải nỗ lực để sống trọn nhân cách một con người. Do vậy, tu
tập Nhân thừa chính là bước chân đầu tiên. Bước chân nầy phải đặt trên
hoa sen mới đúng nghĩa và trọn vẹn.
Cất bước thứ hai; Ngài nhìn về phương
Nam thanh lương, vì chúng sinh làm ruộng phúc mát mẻ. Thế Tôn đã vì
chúng sinh nguyện làm ruộng phúc mầu mỡ để cho mọi người gieo trồng phúc
đức. Trong các ruộng phúc thì Tam bảo là ruộng phúc tốt nhất cho hạt
giống Từ bi, Trí tuệ, và Giải thoát đâm chồi nẩy lộc. Vì thế, khi đã
vững trong địa vị Nhân thừa, người con Phật tiếp tục nương tựa Tam bảo
để chuyển hóa nghiệp lực, tu tạo phúc điền, trang nghiêm phúc báo cho tự
thân. Phật là Đấng Phúc Trí nhị nghiêm, học theo Phật thì việc thực
hành chuyển hóa nghiệp ác của thân, miệng, ý (Thân : sát sinh, trộm
cướp, tà dâm. Miệng : Nói dối, nói lưỡi đôi chìu, nói lời hung ác. nói
thêu dệt. Ý : Tham lam, giận dữ, si mê) thành nghiệp thiện nhằm vun bồi
phúc đức là điều tối cần. Đây chính là giai đoạn tu tập của hàng Thiên
thừa, dứt ác hành thiện, chuyển hóa mười nghiệp ác thành mười nghiệp
lành. Bước chân thứ hai này là sự kế tục của bước chân thứ nhất, từ nền
tảng quy y Tam bảo, thọ trì năm giới tiến lên tu mười nghiệp thiện.
Đến đây, người con Phật đã đi được
chặng đường "không làm các điều ác, chỉ làm các việc lành". Dù đã chuyển
hóa nghiệp ác nhưng muốn đoạn trừ hoàn toàn cội rễ phiền não, vô minh
thì người con Phật cần phải nỗ lực mạnh mẽ hơn. Vì thế, Ngài cất bước
thứ ba; nhìn về hướng Tây chỉ cho chúng sinh thấy rằng đây là thân cuối
cùng, chấm dứt sự sinh tử.
Từ chuyển hóa nghiệp hướng đến chấm
dứt nghiệp, thoát ly sinh tử là nội dung tu tập của bước chân thứ ba.
Phương Tây là phương mặt trời lặn, hướng về sự vắng lặng, thanh tịnh,
tịch diệt. Tâm phải nương vào thiền định, tập trung về một mối, định
tĩnh, tịch tịnh hoàn toàn. Đây là bước chân của hàng Thanh văn thừa,
những bậc Thánh hướng đến thoát ly sinh tử. Nỗ lực thiền định, phối hợp
nhịp nhàng giữa Chỉ và Quán, hướng tâm đến bất động, phát huy Thiền quán
duyên sinh để thân chứng vô ngã tính của thân tâm và vạn pháp, thành
tựu Tam vô lậu học, phá tan vô minh, chứng đắc A la hán.
Bước chân thứ tư; là mở đầu cho hạnh
nguyện độ tha, Ngài nhìn về phương Bắc lạnh lẽo, tối tăm, vì chúng sinh
mà khai mở Tuệ giác tối thượng. Khi đã giải thoát sinh tử, vì chúng sinh
khổ đau nên Bồ-tát không an trú Niết-bàn mà phát khởi Bi nguyện nhập
thế. Bồ tát đi vào cuộc đời tăm tối vô minh, mịt mờ tham ái nhưng chẳng
dính chút bụi trần, tự tại vững bước thong dong trên hoa sen bất nhiễm.
Vận dụng vô lượng phương tiện thiện xảo để cứu độ chúng sinh, trong đó
quan trọng nhất là chỉ rõ rằng, con người có khả năng Giác ngộ ngay
trong cuộc đời này.
Mỗi chúng ta ai cũng có Phật tính và
đầy đủ khả năng thành Phật. Chúng sinh vì vô minh sâu dày nên không đủ
căn lành tin vào tâm Giác ngộ vốn sẵn có nơi mình. Vì thế, thị hiện sự
chứng đắc Tuệ giác Vô thượng trong đời sống ô trược là một minh chứng
hùng hồn nhất cho khả tính Giác ngộ. Dẫu rằng đạt đến Giác ngộ không
phải là điều có thể thành tựu trong một sớm một chiều mà có thể trải qua
ba a tăng kỳ kiếp mới đến ngày công viên quả mãn. Song việc đánh thức
niềm tự tín Giải thoát để chúng sinh tự mình thắp đuốc lên mà đi, để
thấy rằng Như Lai là Phật đã thành, chúng ta là Phật sẽ thành là Bi
nguyện vĩ đại của Bậc Giác ngộ.
Tiếp tục dấn thân làm lợi ích cho hữu
tình, cất bước chân thứ năm; Bước chân hoa sen trong biển lửa, nhìn
xuống phương dưới vì chúng sinh hàng phục chướng ma. Phương dưới vốn
thấp kém, quả báo của những chúng sinh chịu nhiều đau khổ, nên cang
cường, hung dữ, ác độc cố chấp, ti tiện, hẹp hòi... Vì thế, ma chướng
rất cần được soi sáng và thương yêu, tưới tẩm cam lộ. Nguyện hàng phục
chúng ma nhưng thực ra chỉ cần đem Trí tuệ và Từ bi (tình thương) đến
cho họ mà thôi. Sự khổ đau rất đa dạng, trùng điệp. Khổ đau làm cho tâm
hồn tăm tối và thân phận càng bi đát hơn. Vì thế, càng đau khổ đến tột
cùng thì oán thù càng chồng chất và sự đày đọa thêm chập chùng, vô tận.
Muốn hàng ma phải đi vào những nơi đau khổ, tối tăm, đầy hiểm nạn và nhờ
đó Tuệ giác, bản lĩnh, công hạnh của Bồ tát mới thậm thâm. Bồ tát Quán
Âm tầm thinh cứu khổ, nơi nào có tiếng kêu than bất hạnh thì Ngài tìm
đến. Bồ tát Địa Tạng nguyện khi nào chúng sinh không còn bị đày đọa
trong địa ngục thì Ngài mới chứng nhập Vô thượng Bồ đề.
Bước chân thứ sáu; nhìn lên phương
trên vì chúng sinh làm chỗ nương tựa cho trời người. Khi đã dẹp yên ma
oán, độ được những thành phần thấp kém khó độ thì hướng về những đối
tượng cao hơn, có trí thức, hiểu biết và nhiều phúc báo. Trời người là
những chúng sinh có phúc, ít đau khổ hơn so với tam đồ, ác đạo (Địa
ngục, ngạ quỷ, súc sinh). Song, nếu không tích lũy và phát triển phước
báo của mình bằng tu tập theo chánh pháp thì phúc đức sẽ hết và sẽ bị
đọa lạc như thường. Mặt khác, dẫu có phúc báo nhưng vẫn bị vô minh chi
phối, tham ái ràng buộc, phiền não hoành hành.
Vì thế, trời người cần nương tựa Tam
bảo, tiếp nhận ánh sáng Giác ngộ, phát huy Tuệ giác Vô thượng để “an trú
tâm và hàng phục tâm”, hướng vế giải thoát tối hậu. Trong sáu cõi thì
trời người có nhiều cơ hội thực hành Chánh pháp và thăng hoa tâm linh
hơn các loài khác. Nương tựa Tam bảo, trời người tìm ra con đường nương
tựa chính mình để tư mình thấp đuốc lên mà đi.
Khi đã tự giác, giác tha, giác hạnh
viên mãn thì đó là thời điểm công viên quả mãn, thành Phật. Vì thế, bước
chân thứ bảy là bước chân cuối cùng, công hạnh tự lợi và lợi tha đã
tròn đầy, Ngài tuyên bố : “Ta là bậc đã tôn quý và tối thắng trong thế
gian. Đối với chúng sinh trong ba cõi, bất kỳ ai tu tập đạt đến viên mãn
tự lợi và lợi tha là Bậc tôn quý nhất, thù thắng nhất”. ’Một người, này
các Tỳ kheo, khi xuất hiện ở đời là xuất hiện một người, không hai,
không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương tợ, không có đối
phần, không có người ngang hàng, không có đặt ngang bằng, Bậc tối thượng
giữa các loài hai chân. Một người ấy là ai ? Chính là Như Lai, bậc A la
hán, Chánh đẳng giác’ (Kinh Tăng Chi Bộ I, phẩm Một người).
Thế Tôn đã đi bảy bước trên đóa sen để
thành Phật. Chúng ta, những người con Phật hiện đang đi và sẽ đi theo
bảy bước chân ấy. Nguyện theo dấu chân xưa, thực hành tự độ và độ tha
cho đến ngày công viên quả mãn, Mùa Phật đản về, hình ảnh Bảy đóa sen
vàng nâng gót ngọc có mặt khắp nơi, gợi lên cho mỗi người con Phật niềm
tự tín giác ngộ của tự thân. Chúng ta cũng đang bước chân trên hoa sen
bằng sự nỗ lực tu tập, ứng dụng lời Phật dạy vào trong đời sống hằng
ngày để từng bước xây dựng niềm tự tin an lạc hạnh phúc, thành tựu giải
thoát, cho chính mình và mọi người.
Sự kiện tuần lễ cúng dường Phật đản
này nhằm kết nối truyền thống văn hóa tâm linh từ khi bắt đầu Kinh thành
mang tên Thăng Long nghìn năm văn hiến:
Dân tộc bốn ngìn năm văn hiến, khi thăng khi trầm vẫn tiếp bước của tiền nhân;
Đạo pháp hai ngìn năm lịch sử, lúc thịnh lúc suy luôn soi đường cho hậu thế.
“Đạo Phật có mặt tại Việt Nam, với
chiều sâu và bề dày lịch sử hơn 20 thế kỷ, đã cùng với dân tộc phấn đấu
giành quyền cho một nước Việt Nam tự chủ, độc lập; đã gây dựng nên một
nếp sống "dân phong quốc tục" đẹp, làm vẻ vang cho nòi giống Việt.
Xuyên qua những đóng góp to lớn trong công cuộc dựng nước và giữ nước
của Đạo Phật Việt, kể từ các Vương triều: Tiền và Hậu Lý Nam Đế (542 -
603) mở đầu nền tự chủ cho nước nhà; đến nhà Đinh (968 - 980) và Tiền Lê
(980 - 1009), đạo Phật mặc nhiên được triều đình công nhận coi là quốc
giáo của toàn dân; sang nhà Lý (1010 - 1225) và tiếp theo nhà Trần (1225
- 1400), đạo Phật lại càng được phát triển mạnh trong đời sống xã hội.
Đồng thời mở mang trên khắp mặt sinh hoạt quốc gia, đem an vui hạnh phúc
đến với toàn dân; Từ bi thương yêu tràn ngập. thì đồng thời nền văn hóa
Đại Việt cũng vươn lên tuyệt đỉnh vinh quang !”
Phật đạo vô thượng chí tôn.
Quốc gia hữu vĩnh càn khôn vững bền.
"Đạo Phật đã chung sống với người dân
Việt hơn hai mươi thế kỷ, sợi dây liên lạc đã thắt chặt đạo Phật với dân
tộc Việt Nam thành một khối bất khả phân ly. Tư tưởng đạo Phật đã thấm
nhuần tinh thần dân tộc. Bởi sự liên hệ mật thiết này nên người dân Việt
coi đạo Phật là đạo của tổ tiên truyền lại. Đạo Phật bị phá hoại thì
tinh thần dân tộc cũng lung lay. Vì thế, để bảo vệ tinh thần dân tộc,
gìn giữ tín ngưỡng truyền thống của tổ tiên, người Việt Nam tự thấy có
bổn phận bảo vệ đạo Phật một cách hồn nhiên".
Đức Phật an tọa tham thiền nhập định
dưới cội Bồ đề suốt 49 ngày, khi thành tựu được sự Giác ngộ, thì Ngài
nói rằng : “Lạ thay! Tất cả chúng sinh đều có bản chất Giác ngộ bình
đẳng như nhau. Không có giai cấp cùng dòng máu đỏ, cùng giọt nước mắt
mặn. Ta là Phật đã thành chúng sinh là Phật sẽ thành”. Ngược dòng lịch
sử nhân loại thế giới hơn 25 thế kỷ, Ngài kêu gọi : “Xóa bỏ giai cấp,
đem lại sự Tự do Bình đẳng cho loài người”.Câu nói Tự do Bình đẳng này
trước tiên là từ kim ngôn khẩu ngọc Phật Thích Ca nói ra, Ngài là người
đầu tiên dẫn dắt loài người tranh thủ Tự do Bình đẳng nhưng ngày nay đã
bị người ta quên mất lại cho Ngài là một vị thần hoặc chúa tể, là một
quái vật mê tín chẳng thể hiểu. Thật là ngu dại và quên cội nguồn biết
bao !
Xin ghi nhớ rằng sự Tự do Bình đẳng
của Tuyệt đối là trung tâm tư tưởng của Phật, trong kinh điển Đại thừa
có phát huy rằng : “Đắc đại giải thoát, đắc đại tự tại cho đến Định huệ
Bình đẳng, tất cả Bình đẳng v.v...” đều là nghĩa này, chẳng phải lời nói
suông mà là thực tại có thể đạt đến, là lý lẽ vĩnh viễn chẳng biến đổi.
Phật giáo là Đạo: “TỰ DO - BÌNH ĐẲNG - TUYỆT ĐỐI”.
Như Lai bảy bước đến mọi nhà nâng gót
ngọc, phật tử Đại Việt chúng ta tự hào nêu cao câu khẩu hiệu: “Không có
gì quý hơn Độc Lập - Tự Do”.