14/09/2010 08:08 (GMT+7)
Số lượt xem: 4105
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Giá cước internet mobile của các nhà mạng cung cấp dịch vụ 3G từ từ giảm dần nhưng hoá đơn cuối tháng mà nhiều người tiêu dùng phải trả không tương xứng với dung lượng đã dùng. Không loại trừ nguyên nhân từ hệ thống tính cước của nhà mạng mà có thể còn do người tiêu dùng

chưa có nhiều kinh nghiệm khi sử dụng dịch vụ này.

Cước đã giảm nhưng phí vẫn còn cao

Truy cập internet qua điện thoại với dịch vụ 3G. Ảnh: Lê Quang Nhật

Ba nhà mạng cung cấp dịch vụ internet mobile (sử dụng trực tiếp trên điện thoại di động) là Vinaphone, Mobifone và Viettel từ giữa tháng 8 đã giảm cước kết nối cho cả hai hình thức trả trước và trả sau. Trước đây, nếu dùng gói cước trả trước, phải trả 5đ/kb nhưng từ khi giảm cước, còn lại 1đ/kb, riêng dùng dịch vụ trả trước Vinaphone sẽ được tính 1,5đ/kb. Còn nếu dùng trả sau, ngoài mức dung lượng miễn phí tương ứng với số tiền của gói, hiện cả ba nhà mạng đều tính mức cước vượt là 1đ/kb.

Nhìn giá cước mà các nhà mạng công bố, không ít người dùng cho rằng “sao mà ít thế?” nhưng lại quên, nếu tính bằng đơn vị Mb, số tiền khách hàng phải trả cho nhà mạng không phải nhỏ. Hiện nay, trừ một vài website có tiện ích mobile web (dung lượng khoảng 200 – 500kb, tuỳ theo hình nhiều hay ít), còn lại, đều có dung lượng từ 3 – 4Mb (đối với trang chủ), vào những trang con, dung lượng có ít hơn nhưng không đáng kể. Như vậy, với khách hàng dùng trả trước, chỉ vào trang chủ, khách hàng phải trả 3.072 – 4.096đ. Nếu vào trang con, tuỳ theo dung lượng mà tính tiền nhưng tổng cộng không dưới 10.000đ.

Không đọc kỹ

Bà Thuỳ Ngân (quận 3, TP.HCM) thắc mắc: “Tôi đang sử dụng Mobifone. Trong tài khoản có 50.000đ nhưng sau khi đăng ký gói 3G, tôi có vào mạng để đọc báo… Chỉ được vài ngày là tài khoản không còn đồng nào. Vì tôi truy cập nhiều hay là do nhà mạng tính cước nhầm?” Ông Việt (quận 8, TP.HCM), dù đăng ký gói cước trả sau của Vinaphone nhưng có tháng ông đã nhận hoá đơn thanh toán với con số gần 1 triệu đồng. Chính ông Việt đã thừa nhận là “chủ quan, không kiểm soát dung lượng nên chi phí mới cao như vậy”. Bất kỳ lúc nào, môi trường nào, để khai thác “sức mạnh công nghệ”, ông Việt đều dùng chiếc điện thoại lướt web thay vì dùng máy tính có kết nối ADSL. Còn với bà Ngân, chỉ đăng ký gói cước 3G mà sau đó không làm thao tác tiếp theo là phải đăng ký gói cước cụ thể. Với các nhà mạng, việc không đăng ký gói cước, có nghĩa mặc định là thuê bao đó dùng gói internet mobile trả trước, truy cập bao nhiêu, tính tiền bấy nhiêu!

Dùng đúng lúc, đúng nơi

Dịch vụ internet mobile là một tiện ích trên nền mạng 3G nhưng cái giá phải trả cho dịch vụ này không nhỏ nếu như không biết dùng đúng cách, đúng lúc, đúng nơi.

Trước hết, tuỳ theo nhu cầu (tần suất, mục đích truy cập) mà người tiêu dùng cần đăng ký gói cước phù hợp. Hiện nay, cả ba nhà mạng cung cấp 3G đã bỏ gói cước không hạn chế dung lượng, thay vào đó, hoặc là tăng thêm dung lượng hoặc là giảm cước kết nối. Vì vậy, trước khi đăng ký gói cước, người dùng cần biết nhu cầu của mình tới mức nào để đăng ký gói cước phù hợp, sau khi đã đăng ký kết nối 3G.

Internet mobile thực sự là một tiện ích nhưng chỉ cần khi nào không gần với máy tính, khai thác hết dung lượng mà nhà mạng đã quy định cho từng gói cước hoặc là tính cần thiết của nhu cầu kết nối internet. Ông Văn Độc Lập, một chuyên gia viễn thông góp ý: “Người sử dụng cần tập thói quen tìm hiểu các phương thức kết nối ngay tại địa điểm cần sử dụng internet mobile. Vì chiếc điện thoại hỗ trợ mạng 3G hầu hết đều có chức năng wifi nên ưu tiên cho kết nối wifi trước, sau đó mới kết nối bằng sóng 3G. Việc kết nối wifi sẽ nhanh hơn, mạnh hơn, không tốn tiền. Chỉ khai thác internet mobile nếu điểm đó không có wifi miễn phí hoặc không có wifi”.

Gia Vinh

http://sgtt.vn

Các tin đã đăng:

Âm lịch

Ảnh đẹp