19/08/2010 09:17 (GMT+7)
Số lượt xem: 7573
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Lễ An Cư (VASSA) khởi đầu từ lúc đức Phật còn tại thế, mỗi năm trong chín tháng tốt trời thì đức Phật và Tăng đoàn đi khắp đó đây để hóa độ chúng sanh. Ngay sau khi chứng đạo dưới cội Bồ Đề, Đức Phật đã tổ chức an cư năm đầu tiên tại Vườn Lộc Uyển và suốt 49 năm hoằng hóa độ sanh, Đức Phật đã an cư liên tục và không gián đoạn một năm nào.  Suốt trong ba tháng mùa Ha, thời tiết thường hay mưa, không hạp du hành, nên Đức Phật và Tăng đoàn ở yên một nơi gọi là an cư kiết hạ.

1.Truyền Thống An Cư:

Còn gọi Hạ Tọa tức ngồi trong mùa hạ hay là Hạ Lạp. Theo thế gian, nếu cha mẹ sinh ra đủ năm 12 tháng thì mới gọi là tròn một tuổi. Nhưng trong Luật Phật chế, hàng xuất gia thọ giới của Đức Phật không tính tuổi theo năm tháng kiểu thế gian trên - mà tính tuổi theo hạ lạp. Nghĩa là năm nào có an cư kiết hạ được trọn vẹn thì được tính một tuổi. Thí dụ: Vị nào an cư kiết hạ từ 15-4 âm lịch đến 15-7 âm lịch là mãn hạ, như vậy được tính một năm hạ, tức một tuổi hạ. Ai đã thọ Cụ túc giới nhưng không an cư thì không tính tuổi hạ, còn ai kiết hạ an cư liên tục thì được tính nhiều tuổi hạ. Cho nên chúng ta thường nghe ở các chùa khi đọc tiểu sử của một vị Tăng nào viên tịch, thường nhắc đến tuổi đời và hạ lạp. Thí dụ vị đó 80 tuổi đời và 60 hạ lạp, nghĩa là vị đó có tuổi cha mẹ sinh là 80 năm, còn tuổi hạ là 60 hạ lạp. Hạ lạp được tính vào ngày rằm Tự tứ, sau khi đã tu hành tròn ba tháng hạ. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, đúng theo Luật Phật chế, 20 tuổi thì được thọ giới Tỷ-kheo, nhưng vì thiếu duyên, có vị 25 tuổi mới thọ giới Tỷ-kheo và sau khi thọ giới mỗi năm đều có kiết hạ. Nếu vị ấy viên tịch vào tuổi 70, thì vị ấy được 45 tuổi hạ và 70 tuổi đời.
 
thien.jpg
 
Nếu một vị Tỷ-kheo thọ giới rồi mà không an cư lần nào cả thì coi như vị ấy hoàn toàn không có tuổi hạ, khác với cha mẹ sinh ta ra, dù ta có làm hay không làm gì đi nữa hoặc giả có ngủ cả năm đi nữa thì tròn một năm cũng vẫn được tính tuổi từng năm một. Trái lại, vị Tỷ-kheo phải có kiết giới an cư thì mới nhận tuổi, còn không an cư, thì không tính hạ lạp cũng gọi là giới lạp, pháp lạp. Ngày nay, các Tỳ Kheo Tăng, Ni trong khoảng ba tháng từ mười sáu tháng tư đến rằm tháng bảy âm lịch không được ra ngoài, phải ở yên một chỗ mà nổ lực tọa thiền, tu trì, và học hỏi gọi là an cư. Ngoại trừ những vị giảng sư vì trách nhiệm hoằng pháp phải đi đến những Trường Ha, các Đạo tràng khóa tu để thuyết giảng giáo lý cho Tăng Ni, Phật tử tu học. Thời kỳ an cư trước thời nhà Đường, gọi là Tam An Cư gồm Tiền, Trung và Hậu An Cư.  Ngày 16 tháng 4 là ngày nhập An Cư, Tiền  An Cư bắt đầu từ 16 tháng 5, Hậu An Cư từ 16 tháng 6, ngày 15 tháng 7 là ngày Giải Hạ và ngày 16 tháng 7 là ngày Tư Tứ.  Ngày này, sau ba tháng An Cư, Tỳ Kheo tự nêu ra các lỗi lầm của mình mắc phải trước các tỳ Kheo khác và tự sám hối nên gọi là tự tứ, còn gọi là tùy ý vì tùy theo ý của người khác mà nêu ra các lỗi của mình phạm phải để rồi tự sám hối, sửa đổi. 

2. An Cư là để Trưởng Dưỡng Đạo Tâm.

An Cư là thời gian, động tác dừng lại cuả một hành giả,  bớt tiếp xúc với thế giới bên ngoài trừ khi có có những vấn đề Phật sự cấp bách và cần thiết.  Khi không tiếp xúc vơí thế giới bên ngoài nhiều như thường ngày, nội lực tu hành của một người tu dễ phát triển hơn là trong cuộc sống tu hành thường nhật.  Trong suốt thời gain ba tháng an cư, đức Phật vẫn cho phép những sự đi ra ngoài khu vực an cư và những sự tiếp xúc cần thiết tại điạ điểm an cư trong một số giới hạn. Thời gian an cư là lúc mà Tăng Ni vun bồi giới đức, gặt hái một hành trang tâm linh mới cho một tuổi tu hành. 

3. An Cư là trao đổi Kinh nghiệm, là học tập. 

An Cư là trao đổi kinh nghiệm độ sanh, là tu tập, là học hỏi thêm những điều mới lạ. An Cư là dịp để Tăng Ni khắp nơi vân tập về đạo tràng an cư cung cấp những kinh nghiệm độ sanh nhất là cho thành phần Tăng Ni trẻ và cũng là dịp để lắng nghe những lời dạy quý báu từ kinh điển cũng như từ kinh nghiệm. Thời gian an cư của Tăng Ni nếu so sánh với công việc ngoài đời, nó giồng như một hình thức Tu nghiệp mà các nước tiền tiến thường hay tổ chức các khoá hội thảo (seminar) để trao đổi kinh nghiệm hay để học thêm những gì mới mẻ, mới sưu tầm và phát minh. Tăng Ni học hỏi thêm những lời dạy quý báu của đấng Cha lành nhất là ôn lại giới luật mà Đức Phật đã đặt ra.  Đức Phật  luôn luôn  nhắc nhở:  “Giới Luật là thọ mạng của Tăng già, Giới Luật còn, Phật pháp còn”.  Thật vậy,  một người Phật tử chỉ cần giữ 5 giới cấm cũng đủ thăng hoa cho cuộc sống cá nhân, đủ làm cho gia đình hạnh phúc và nhất là nếu ai cũng đều giữ giới thì chắc chắn xã hội sẽ vô cùng an lạc và  thế giới sẽ hoà bình.  Chúng ta không lầm tưởng Tăng Ni an cư là nghỉ yên một chỗ.  Trong muà An Cư, Tăng Ni còn làm việc nhiều gấp bội hơn cuộc sống tu hành tại chùa.

4. An Cư là trang nghiêm cho bản thân, cho đạo tràng an cư và cho thiền môn của người tu.

Thật vậy, người Phật tử khắp nơi khi nghe nói đến an cư họ vui mừng mặc dù biết rằng Thầy họ sẽ đi vắng. Một sự vắng mặt cần thiết cho nhu cầu tâm linh và sau mùa an cư Thầy họ sẽ vun bồi nhiều giới đức, thêm kinh nghiệm Phật pháp và khả năng tu hành để hướng dẫn họ trên con đường tu tập.  Đền mùa an cư, nhiều Chùa, Tự Viện thi nhau cúng dường phẩm vật như một sự vun bồi ruộng phước cho bản thân và gia đình của người Phật tử. Cúng dường cho một Sa Môn tu hành, người đời cảm thấy có nhiều phước đức hơn là một vị ít tu.  Kinh đã dạy nên cúng dường cho một Tịnh Tăng. Thât vậy, cúng dường mùa an cư, mùa tu hành, mùa người tu đang vun bồi giới đức thì còn gì hơn.  

Tóm lại, mùa an cư kiết hạ là một phương tiện tu tập, là một môi trường tâm linh để các hành giả tiếp tục tu hành trong thanh tịnh và trang nghiêm. Đó cũng là nơi trao đổi kinh nghiệm hoằng pháp độ sinh nhất là trong thời kỳ hội nhập và phát triển này. An Cư còn là phương tiện rất tốt để người tại gia được phát tâm cúng dường vào ruộng phước, người xuất gia tiếp nhận nó, nêu cao tâm nguyện tu tập và xiển dương giáo lý Phật đà.

Nhiều vị xuất gia thường nói câu tâm niệm rất sâu sắc: “Kiếp này tu tập không đạt kết quả thì kiếp sau phải mang lông đội sừng để đền trả nợ của đàn na”. Tức là người xuất gia khi tiếp nhận phẩm vật cúng dường của người tại gia không nên hãnh diện tự hào mà lúc nào cũng phải nghĩ mình có đủ giới đức, phước báu để tiếp nhận nó hay không. Tiếp nhận như việc vay nợ ngân hàng, người tại gia cho vay nợ mà không đòi trả cả vốn lẫn lời.  Người xuất gia khi tiếp nhận nó phải có Phật sự xứng đáng hơn để đền bù. Tài thí, pháp thí lưỡng toàn mới là các Phật sự đối đãi hổ tương tốt đẹp.  Khi tiếp nhận, người xuất gia phải làm sao ban bố những bài pháp thiết thực, lợi ích cho người tại gia để đền trả món nợ này.  Trong mùa An Cư, người xuất gia có đầy đủ phương tiện và cơ hội để làm những việc cần thiết này. 

Nhiều vị xuất gia khác mỗi lần tiếp nhận phẩm vật cúng dường còn quan niệm người xuất gia giống như viên đá mài và người tại gia như là cái dao, cái kéo.  Cứ sau mỗi khi cúng dường, cái dao, cái kéo của người tại gia bén hơn, đồng thời viên đá mài của người xuất gia mòn đi chút ít.  Nếu không tinh tấn tu hành thì viên đá mài này, sau bao nhiêu năm nhận cúng dường sẽ mòn hết. Nếu tu hành tinh tấn thì từ một viên đá mài sẽ sinh sôi thành hàng trăm, hàng ngàn viên đá, cứ mài thoải mái, mài mãi trong không gian vô cùng và trong suốt thời gian vô tận.  An Cư là một cơ hội cho bốn chúng đồng tu cùng thăng tiến và nhờ đó xã hội được an vui và hạnh phúc, thế giới hoà bình.  Đó là vài ý nghĩa đơn sơ của An Cư Kiết Hạ

Thích Minh Vũ

Âm lịch

Ảnh đẹp