Tiếp cận với nhiều thành quả khoa học mới, chúng tôi thấy rất gần với Kinh điển Phật giáo. Nhà bác học Albert Einstein từng nói: “Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học”. Chân lý tương đối thì nhiều, chân lý tối thượng chỉ một. Đó là điều mà khoa học hiện đại đang hướng đến.
Bầu trời chúng ta ngước nhìn, khoa học ước đếm có hàng tỉ ngôi sao. Mà trái đất chưa thể lớn bằng một ngôi sao. Phi thuyền của nhân loại mới chỉ bay đến một số ngôi sao gần nhất trong hệ ngân hà. Giáo lý nhà Phật môn mô tả, một dải ngân hà được gọi là đơn v thế giới. Cứ một ngàn dải ngân hà được tính là một tiểu thiên thế giới; một ngàn tiểu thiên thế giới là một trung thiên thế giới; một ngàn trung thiên thế giới là một đại thiên thế giới. Trong vũ trụ lại có trùng trùng đại thiên thế giới như vậy. Toàn giác là bậc câu thông cùng vũ trụ, họ cùng một thể tánh với vũ trụ, thấu suốt quy luật vận hành của vũ trụ rồi “truyền thần” lại sự thấy biết đó. Để thấy rằng Đức Phật không sáng tạo ra vũ trụ, không chế định ra luật nhân quả luân hồi, mà vũ trụ vốn sống động từ vô thỉ dù Phật có ra đời hay không.
Những công trình khoa học đem đối sánh với Kinh điển đã phần nào hé lộ chân tướng nhân sinh vũ trụ bí ẩn.
Nước Mỹ từng có hai vệ tinh đặt ở bắc bán cầu và nam bán cầu để đo từ
trường của trái đất. Một ngày tháng 9 năm 2001 bỗng từ trường của trái
đất cong vênh. Những nhà khoa học trực tại đây chưa từng thấy hiện tượng đột biến này. Đến lúc những chiếc Boeing đâm vào tòa tháp đôi New York gây ra đại họa thảm khốc, mới vỡ lẽ. Một nhóm người ít ỏi phát ý niệm cực xấu, nguy cơ làm hại nhiều người đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến từ trường trái đất. Khoa học hiện đại kết luận, vật chất vốn không có; vật chất chỉ là sự dao động trường. Theo tiến sĩ vật lý lượng tử của Đại học Harvard John Hagelin (Giám đốc Liên Hiệp toàn cầu khoa học gia cho Hòa bình Quốc tế, là người đã phát triển lý thuyết "Trường đại thống nhất dựa trên siêu dây" của A.Einstein): “Ý niệm là dạng dao động sóng phát ra sẽ biến đổi từ trường, có thể ảnh hưởng cả một thành phố”. Còn chân tướng sự thật thì sao, theo lời dạy của các vị minh sư cũng như trong Kinh điển, mỗi ý niệm dầu nhỏ nhiệm là "nhổ một sợi lông chấn động toàn thân", nên một ý niệm của riêng mình có thể chấn động tận hư không khắp pháp giới. Năng lực của tâm quá lớn, thật ngoài sức tưởng tượng, thậm chí còn hơn cả bom nguyên tử như một thiền sư từng ví. Tâm chính là pháp giới.
Đức Phật dạy: "Tất cả các pháp từ tâm tưởng sanh". Kinh Kim Cang: “Phàm những gì có hình tướng đều hư vọng”. Đến nay ngoài những công trình vĩ đại khiến Phật pháp thêm sáng thì khoa học không thể chứng minh điều ngược lại. Một giây con người phát xuất hàng tỉ ý niệm, thì còn gì trong tam thiên đại thiên là ngoại vi của Tâm. Theo Phật Di Lặc, một giây người phàm phát xuất ra 1280 triệu ý niệm tế, cũng là điều mà khoa học ít nhiều nhìn ra. Ấy chính là vọng tưởng. Những học giả hàng đầu thế giới khuyên người đời nên nối mạng với làn sóng từ vũ trụ. Năng lượng thiện vốn sẵn trong trời đất, ta vừa mở tâm thiện lập tức nó ùa vào. Khoa học thấy giữa người với người đều “nối mạng” tư tưởng với nhau, không ai đứng độc lập giữa vũ trụ bao giờ; nghĩ ác thì hút vào năng lượng ác, sự chiêu cảm tự nhiên này thật đáng sợ. Lòng sân hận của giống loài trên hành tinh cộng lại tạo nên sóng thần cùng bao thiên tai ám chướng. Khoa học minh chứng được mức độ biểu cảm của nước. Kết luận nước có tri giác, hiểu được ý nghĩ con người, tiến sĩ
Masaru Emoto đã thí nghiệm hàng vạn mẫu nước. Nếu ta hòa ái với nước,
bức ảnh chụp nước kết tinh đẹp như hoa tuyết; nếu khinh khi sân hận và sử dụng nước phí phàm, kết tinh chụp được xấu như một quả thối. Cơ thể người, nước chiếm từ 50 - 70%, là “nói” lên điều gì? Tác phẩm Vạn vật của Vũ trụ Hồng trần của giáo sư Eddington đưa ra một nguyên lý: “Nếu chúng ta loại bỏ hết các khoảng trống không trong thân thể con người và góp lại những chánh điện tử và điện tử của con người làm thành một khối, thì xác thân của chúng ta chỉ còn nhỏ bằng hạt bụi, phải dùng kính phóng đại mới vừa đủ thấy mà thôi”. Ngạc nhiên chưa. Nước có biểu cảm, có “kiến, văn, giác, tri”; nước hiểu sâu sắc ý nghĩ và mọi ngôn ngữ trên hành tinh. Thậm chí cốc nước đặt ở Nhật, nếu một người ở Việt Nam quán tưởng yêu thương hay hờn giận, khi đem kết tinh, chụp lại sẽ cho ra hình ảnh đẹp như kim cương hay xấu như trái thối ứng với niệm của người đã quán tưởng; tức không gian bị xóa.
Một thiền sư Ấn Độ khuyên nhủ: “Nếu người đó thật sự có điều xấu mà con nghĩ, thì con đang làm cho nó mạnh hơn và nuôi dưỡng tính xấu đó; và như vậy con đang làm cho bạn con trở nên xấu xa thay vì tốt lành hơn”. Liễu nghĩa ấy, chúng ta sẽ luôn nghĩ thiện về tha nhân để họ được tốt. Đó cũng chính là nước trong ta lên tiếng đòi “nhân quyền”. Nước biết được đáp án là công trình vĩ đại; Masaru Emoto nhận xét: “Tâm của bạn tốt, vạn vật tự nhiên cũng sẽ tốt; tâm của bạn không tốt, vạn vật tự nhiên cũng sẽ không tốt”. Đời sống thực vật cũng vui ghét giận hờn trước thái độ đối xử của con người. Một kẻ cầm dao chặt cây, từ trường đo được méo mó chứng tỏ cây đang run sợ. Cũng cầm dao song người ấy chỉ giả bộ, từ trường phẳng lặng cho thấy cây đi guốc trong bụng người. Người ta từng tách mẹ con nhà hươu ra nhốt ở hai quốc gia xa lạ. Hễ mỗi lần đưa một hươu con ra bắn thì từ trường của hươu mẹ (ở quốc gia khác) “rùng mình”! Trong nhà Phật tuyệt đối không ủng hộ thí nghiệm này, song qua đây cho thấy ý nghĩ/ý niệm của động vật nói chung đều trong sát-na trùm phủ khắp hành tinh.
Đầy ắp những câu hỏi tại sao đời sống ngày được nâng lên, lại nảy sinh quá nhiều vấn nạn xã hội. Điển hình như Y học đang phát triển tột bậc, con người vẫn mắc rất nhiều bệnh quái gở và bệnh viện mọc lên càng nhiều. Nói một cách đơn giản, là bởi con người ngày càng đánh mất nền tảng, chủ yếu về mặt tinh thần. Trước hết, nền tảng đạo đức phải được gây dựng từ nhỏ, thậm chí cần giáo dục từ lúc còn thai nhi như cái nhìn sáng suốt của bậc thánh hiền xưa. Khoa học hiện đại phần nào phát hiện ra lý này, cho thấy mỗi ngày trong bào thai bằng hàng chục triệu năm tiến hóa sinh vật và trọng lượng cơ thể biến đổi tăng lên hàng tỉ lần, để thấy một ngày giáo dục thai nhi bằng rất nhiều năm trời đứa bé lúc sinh thành. Nền tảng đạo đức có từ lúc còn thai nhi sẽ giúp sinh mệnh đó giữ được phẩm chất cốt tủy của đời người, luôn hướng đến hai chữ Hòa Bình từ nghĩa hẹp cho đến nghĩa rộng là đối lập với Chiến Tranh. Đức Đạt Lai Lạt Ma, bậc Thánh thời nay, với tư cách là người học trò thuần thiện của Đức Phật từng khuyên mọi người hành thiện, hướng đến một thế giới bình đẳng bao dung, đúng như thông điệp chư đại đức từng dạy: “Chúng ta cùng là con người, không phân quốc gia, chủng tộc, tôn giáo, đều phải bình đẳng thương yêu lẫn nhau”. Ngài cũng nhắc nhở: "Những gì ông cha (tức cổ đại đức, trong đó có Đức Phật) nói với chúng ta là hoàn toàn sự thật".
Đức Phật không biện chứng sao thấy được tám vạn bốn ngàn vi khuẩn trong nước? Hồi đó người đời không tin. Phật giảng Kinh Hoa Nghiêm trong niệm (một dạng sóng), nghe vậy người người cho viễn vông. Nay khoa học bắt được sóng, sử dụng sóng khiến thế giới trở nên nhỏ hẹp. Niệm Phật trì chú, tụng kinh cũng là sóng, còn là sóng cực mạnh, cực lợi dưỡng thân tâm. Tâm vốn tạp, vốn không một khắc ngưng nghỉ sự dao động niệm xấu ác. Ta không tác ý nó vẫn tự niệm. Nếu tác ý niệm thiện, sẽ tạo nên tương lai thiện, tác ý niệm ác thì ngược lại. Nếu không tác ý thì nó sẽ tự niệm theo tập khí, theo nghiệp lực từ thói quen trong kiếp này và cả từ tiền kiếp. Ta không niệm Phật, tâm sẽ tự niệm chín cõi còn lại, mà dễ vào nhất là niệm tham sân si. Mỗi giây, vô biên ý niệm từ nhân loại phóng ra, thành một dạng sóng ùa vào alaya mỗi cá nhân, song ta chỉ nhận biết khoảng một phần tỉ nhờ mắt tai mũi lưỡi thân ý. Thử ví dụ: một lần tôi đang nằm ngủ, mơ thấy người bạn xin số di động
của Q. Tôi từ lâu đã nhớ số Q liền đọc cho họ. Mới đọc được bốn số
0914..., bỗng chuông điện thoại reo. Tôi giật tỉnh, dựng dậy chộp điện
thoại; lạ không, Q đang gọi. Có nghĩa, trước lúc Q bấm gọi cho tôi, đã
nghĩ về tôi, đã phóng ý niệm về tôi (lúc tôi đang ngủ); ý niệm đó liền khởi động tâm thức trở thành cơn mộng (mơ thấy tôi đang đọc đúng số điện thoại của Q cho người xin số). Trong một giây biết bao ý niệm như vậy xuyên vào alaya, ta lại không hề nhận biết. Đơn giản bởi tâm ta quá loạn. Nếu tâm trong lặng tịnh tĩnh, ai đó vừa nghĩ đến mình đã biết ngay. Còn cao hơn, chân tâm ấy sẽ như ngôi nhà không cửa, ý niệm trôi qua chẳng hề mảy may gợn sóng, nên không bị nghiệp lực chi phối (từ những ý niệm hữu/vô tình phóng qua). Hoặc đó là những người chuyên đặt tâm vào quán hơi thở, chuyên lần theo một câu chú, câu Phật hiệu, tâm lần chữ nào tai nghe rõ chữ đó, từng câu nối thành chuỗi, từng chuỗi nối nhau nên không ý/vọng niệm nào xen ngang. Gọi vọng tâm là bởi tâm ấy chứa nhiều tạp niệm, chứa nhiều sự chấp trước và phân biệt cảnh trần dựa trên ô ngăn nghiệp thức. Những dòng sau đây của Lama Anagarika Govinda, nguyên là giảng viên Triết học tại Đại học Naples: “Mantra hay Hồng danh Chư Phật, hay Hồng danh Phật A Di Đà, được niệm lên với tất cả sự thành kính, được niệm lên nhiều lần, được niệm lên qua năm tháng. Ngữ điệu, âm thanh,... là những dao động. Tần số Linh thiêng này, như một nguồn cưỡng bức điều hòa, làm cho Tần số của các Chuỗi tạo nên Cơ thể, Tần số của các Chuỗi tạo nên Tâm thức, tạo nên quá trình Tâm thức của Con Người là Thọ, Tưởng, Hành và Thức; hòa nhập cùng Tần số Linh thiêng. Hiện tượng Hòa Tần số xảy ra. Tạo nên sự hòa nhập Thân, Tâm với Vụ trụ. Phật tánh Hiển lộ, Niết bàn xuất hiện”.
Con người ngày bị bủa vây bởi thông tin, hiện tượng nghiền lướt web đã khiến Tinh Thần bị nhiễm độc, trí phán đoán sụt kém; biến mình thành một dạng đài thu phát sóng những thông tin đa phần trái với Thập thiện, khiến thời không nhiễu loạn, xã hội thêm động. Là điều mà các nhà khoa học kêu gọi nhân loại hãy nghĩ thiện hành thiện để tránh thiên tai địch họa; đây là điều chưa phổ cập vì ngay cả trí giả thời thượng cũng chưa tin, rằng sóng tư tưởng còn lợi hại vạn lần những thứ sóng kiểu như internet, điện thoại kết nối toàn cầu. Sự kết hợp giữa hai loại sóng này sẽ gây lên những căn bệnh xuyên thế kỷ, y học càng bất lực.
Kinh điển Phật pháp là phác họa một cách chi tiết hình hài vũ trụ. “Tin thì tin không tin thì thôi” - đơn giản như một câu thơ vậy. Một cao tăng từng ví, nếu Phật pháp là ngôi nhà ba tầng thì tầng thứ nhất là Nho, tầng thứ hai là Đạo, tầng trên hết là Phật. Ai chưa vào được Phật giáo Đại thừa hãy học kỹ Nho, Đạo. Cái "Không" (không là gọi cái bản thủy trời đất) trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử rất gần với Tánh Không trong Bát Nhã. Tuy xét từ ý kinh Hoa Nghiêm, trộm nghĩ Lão Tử cũng là Bồ tát vô vi sanh tử rộng độ quần sanh. Điều nhiệm màu luôn khó tin. Ngay đến người học Phật cũng còn tồn nghi; nghi Phật giáo Đại thừa. Học Phật chưa thấm thì mặt mũi như mèo sáng sớm. Thấm rồi lúc nào cũng vui. Buồn, người ta bảo học Phật khổ sở vậy theo làm gì (tội này ai phải gánh?). Vui, mọi người nhìn vào liền bảo: ờ, học Phật quả lợi ích. Mọi pháp Phật thuyết đều bình đẳng “vô hữu cao hạ”, tùy vào căn cơ. Cùng bệnh cùng thuốc song không phải ai cũng lành là vì vậy. Một trong những thông điệp căn cốt Phật đưa ra: “Tất cả chúng sanh đều có đức tướng, trí huệ Như Lai, chỉ vì vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng đắc”. Hễ ai muốn thành Đạo chỉ cần buông vọng tưởng chấp trước. Khoa học minh tường, phần nhiều năng lượng con người tiêu hao bởi vọng tưởng. Một người nằm trên giường nghỉ ngơi mà đầu óc chồng chéo cuồng loạn bao ý nghĩ (chưa nói đến ý nghĩ xấu) thì năng lượng tiêu hao chẳng thua người dốc sức bửa củi ngoài sân. Nhiều vọng tưởng cần ăn nhiều đồ bổ bù lại sức, ít vọng tưởng cơ thể cần chút cháo cũng khỏe mạnh minh mẫn; nhiều vị chân sư chỉ ăn ngày một muỗng cơm. Vọng tưởng ít, điều dễ nhận thấy là đêm nằm vắng dần ác mộng, mơ mộng cái đẹp cũng thưa. Vọng tưởng có thể ví như bèo tấm trên mặt hồ. Bớt vọng tưởng, bèo liền dãn ra, nước hồ nhờ vậy cũng bớt ô nhiễm. Khoa học kiểm chứng vọng tưởng là kẻ thù tiêu hao năng lượng, lại không cách gì trừ diệt, chuyển hóa. Tịnh độ tông khuyên người niệm “A Di Đà Phật”. Bất cứ lúc nào không vướng việc nghĩ suy, trong tâm đều vang lên hồng danh, một thời gian vọng tưởng khắc thưa bớt, mất năng lượng. Đây là điều kỳ diệu. Tỉnh giác trong mọi lúc mọi nơi. Giả như phải tham gia vào một cuộc vui. Giữa ồn ào náo nhiệt, họ tùy duyên nâng ly “khai giới” hòa đồng mà trong tâm thì niệm “A Di Đà Phật”, vậy là thiền ngay trong cuộc thị phi nhơn ngã.
*
Đạo Phật là tấm gương phản chiếu quy luật vận hành của vũ trụ nhân sinh vô cùng tận nên trong nó sẵn chứa thượng tầng triết học huyền nhiệm tôn giáo. Mê khoa học, ít ai ngờ chính mình lạc hậu về khoa học. Nhiều công trình chứng minh sự tồn tại của alaya đằng sau xác thân tạm bợ, và nhiều khoa học gia còn khẳng định về sự luân hồi đầu thai Phật đưa ra hoàn toàn đúng. Nếu ai lấy một triết gia, một nhà văn lẫy lừng hay siêu sao làm thần tượng, bất chấp đạo lý, loay xoay cố vươn cho bằng họ để “đứng trên mọi người” thì âu là sự tụt hậu thảm hại. Phải hướng vào nội giới. Câu khắc trên ngưỡng cửa Thánh Điện Delphes: “Ngươi hãy biết ngươi rồi ngươi sẽ biết vũ trụ và các vị Thượng Đế”. Nếu không khám phá nội giới thì cũng bằng ta đang lấy ngao lường biển, “nhún dây tư tưởng vào cõi vô tận”. Chúng ta không hành Pháp, lại chuyên soi Phật bằng trí, dễ nhìn nhận thái tử Tất Đạt Đa và vua Trần Nhân Tông là những hiện tượng chán bỏ trần gian; thiền sẽ làm mất cảm xúc và theo đó Phật giáo phiêu du trong một cõi quá xa biệt hồng trần. Đạo Phật vốn là nền giáo dục uyên sâu. Phật là người chỉ ra “chư pháp thật tướng”. Lượng tử lực học mở ánh nhìn ra ngoài thế giới, đã thật sự ngạc nhiên bởi những khám phá vĩ đại thực ra vô tình minh chứng lời Phật thuyết ba ngàn năm trước. Ở đây không dám bàn đến những triết lý siêu việt trong Kinh điển, chỉ nói đến giáo dục nhân tâm thôi Đức Phật đã xứng danh Thầy Giáo vượt lên mọi thời đại. Nhiều vị cao tăng thời hiện đại rất bội phục việc khoa học phát hiện ra ý niệm tạo cảnh giới. Người nào ngày đêm với một ý nghĩ (ước muốn) thường trực, đến quay cuồng, quy luật hấp dẫn tự nhiên theo đó sẽ tạo nên những điều kiện phù hợp để họ kiến tạo tương lai. Dĩ nhiên điều này còn phụ thuộc vào phước đức, căn mạng từng người trong sự cộng trừ nhân chia liên tục của ý niệm và hành vi thiện hay ác. Một nhà khoa học từng vẽ ngôi nhà mơ ước, rồi ông xếp nó vào hộp, thời gian cứ trôi và gia đình ông chuyển đến nơi khác sinh sống. Một ngày sực nhớ bức vẽ, ông lấy ra xem bỗng giật mình: Ông đang sống trong ngôi nhà với hình dáng kể cả những sắp đặt nội thất giống y ngôi nhà mơ ước vẽ nhiều năm trước. Trong Phật pháp gọi là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, “Phật do tâm sanh”. Càng đúng với ai đó trong cuộc sống luôn với ý nghĩ và hành động tham, sân, si (nguy cơ tạo cho mình cảnh giới u tối ở kiếp sau). Đáng lưu tâm: nguyên lý trên dễ đưa con người lệch đạo. Những mơ ước vật chất đa phần người đời mong đạt để phục vụ sự hưởng thụ, gần như là con đường tắt đưa đến khổ đau và họ càng bước càng lún sâu vào đất như ý một câu trong kinh Địa Tạng. Ý niệm phát xuất liền châu biến tận hư không pháp giới. Một cá nhân với những ý niệm cực xấu hoặc cực tốt trong suốt cuộc đời đều có ảnh hưởng đến cộng đồng. Mỗi cá thể không tách biệt mà có tác động nhất định đến “tính nết” của trái đất. Thế nên việc ta đóng cửa tha hồ xấu, tha hồ phát xuất ý nghĩ yêu ma quỷ quyệt, thật tai hại vì nó tiếp thêm sức mạnh cho nghiệp chướng. Ngược lại, một người luôn với ý nghĩ thuần thiện, cao hơn là tâm chỉ một câu kinh mà niệm, vậy đã góp công lớn cho sự an bình của trái đất; cá thể ấy dẫu quanh năm suốt tháng không giúp đỡ ai song đó là của quý hiếm giữa trời đất rồi. Thói thường phân biệt người này tốt kẻ kia xấu, không hay nếu ta cứ nhìn sâu Phật tính trong mọi chúng sanh chẳng những họ mà chính mình cũng mở lượng từ bi và ánh sáng tâm linh rọi vào.
Trong các nghiệp, ý nghiệp nguy hiểm vô cùng. Ý niệm như những con mọt nghiền trong thớ gỗ; nhìn ngoài bóng bẩy trơn tru song khi phát hiện một chỗ hư, mới hay lòng cột đã ruỗng. Thân tâm ta cũng sẽ mục bởi nghiệp ý. Tâm khởi những ý xấu là rơi vào trận đồ của ma. Giả như đến cả ý nghĩ thiện mà ta cứ "nhấm nháp" mãi, thực ra đang bị nó xỏ mũi lôi vào mù mịt; ấy là bộ mặt của tưởng ấm ma. Niệm Phật thù thắng ở cả phương diện đời thường đến giải thoát bởi, hễ nghiệp ý khởi lên liền thay vào từng chuỗi “A Di Đà Phật” sẽ là thần dược đặc trị phiền não, tâm tự hướng đến những giá trị thanh cao thuần khiết. Chuyên tâm niệm Phật, tâm sở thiện và bất thiện được quân bình, cao nữa thì tâm sở bất thiện suy yếu. Công phu vượt thắng, niệm thiện cũng vắng; là thời điểm tâm bắt đầu trong lặng rồi phát huy công năng huyền nhiệm. Tâm sáng thân sẽ ít bệnh, hoặc như gặp bệnh hiểm nghèo vẫn có thể tự chữa bằng sự việc “không biết” trong thân mình có căn bệnh. Người niệm Phật chữa lành bệnh nan y kể không hết. Bác sĩ Ihaleakala Hewlen đã học được truyền thống tâm linh cổ xưa của thổ dân Hawaii chữa cho hầu hết người bệnh tâm thần bằng việc hướng vào nội tâm, đến nỗi bệnh viện nơi ông làm việc phải đóng cửa vì không còn bệnh nhân. Nghĩa là bác sĩ không hề động chạm gì tới con bệnh mà chỉ quán thấy trong tâm, trong ý nghĩ của mình người kia hoàn toàn không có bệnh. Theo Phật lý, bệnh ấy (hay tính xấu ác của đối tượng) chỉ là tập tánh huân tụ lâu dài chứ không phải bản tánh. Lục tổ Huệ Năng: “Tự tánh hằng thanh tịnh”. Chỉ cần trở lại “không” thì dạng vọng tưởng kia dần tan. Bởi vậy một người có khối u, nếu quá nặng nề lo lắng, khối u phát triển càng nhanh. Tập quên nó, sống vì niềm vui của người khác, chuyên niệm Phật, tiết thực. Sở dĩ người ta quên hẳn căn bệnh bởi tâm họ pháp hỉ sung mãn lợi tha. Bệnh chỉ là sự ghé thăm của nghiệp thức, họ làm chủ được. Hòa thượng Quảng Khâm về già có lần đau nặng. Ngài bảo thân này như ngôi nhà tranh ọp ẹp, muốn nhập Niết Bàn rồi trở lại nhân gian thay một cái nhà bê tông cốt thép chắc chắn hơn. Các đệ tử ngày đêm tha thiết “thỉnh Phật trụ thế”. Thương tình Hòa thượng gật đầu, thế là những ngày sau ngài khỏe khoắn như thường. Điều này chứng tỏ tâm tịnh sáng sẽ điều phục được thân. Chẳng những vậy tâm ấy còn điều chỉnh được cả tinh cầu. (Vấn đề này xin không đề cập thêm bởi dễ sa vào thần thông diệu dụng - điều thường khiến người tu dễ lạc trong ma đạo như Phật từng nhắc trong kinh Thủ Lăng Nghiêm. Cũng như một số nhà ngoại cảm nhìn thấu cảnh Thân trung ấm, bên cạnh cái tốt là để biết chết không phải hết, lại dễ khiến người đời hiểu sai luân hồi khi thấy “họ” vẫn ở bên mồ chứ nào có đầu thai làm con gì. Thân trung ấm chỉ là một chút xíu trong vô biên cảnh giới cao thâm. Hiểu một nhầm thành “chư pháp thật tướng” dễ tam thế Phật mắc oan!).
Xét về Y học, Đức Phật cũng là Đại Y Vương, bởi Ngài biết gốc của bệnh, và đưa ra phương pháp chữa tận gốc, tức cơ bản chữa Tâm. Bệnh xuất phát từ công việc đặc thù, từ sự tùy tiện trong ăn uống, và bệnh dĩ nhiên xuất phát trước hết từ Tâm nhiễn độc vọng tưởng trái với đạo lý. Lời Phật dạy chưa dễ tin thì nay khoa học cũng minh tường: người ăn chay luôn ít bệnh và minh tuệ hơn người ăn mặn. Kịch tác gia Bernard Shaw (1856-1950) Nobel văn học năm 1925; bài thơ "Những ngôi mộ sống" của ông lan truyền khắp thế giới: “Trước Trời Phật, trên nấm mộ sinh sát/ Của muôn loài vô tội ta cầu xin/ Ban ơn lành, khi Luật Đạo Đức kia/ Ta xé nát mà không hề thương tiếc/ Và như thế ta gieo nhân tội ác/ Của Chiến Tranh cho nhân loại toàn cầu”. Rất nhiều lời khuyên từ những công trình khoa học uy tín nằm trong chương trình phát triển của xã hội người trên thế giới, rằng ăn thịt là một sai lầm. Theo sách Zen và dưỡng sinh: “Ăn thịt cá nhiều quá tánh tình trở thành ồn ào, tâm trạng rất tầm thường”. Sữa động vật, thiển nghĩ cũng như một dạng hoa quả, chúng ta hái đi (cây có đau, có buồn) song không ảnh hưởng đến sự sống của cây); đã có nguyên một công trình so sánh giữa ly sữa động vật với ly sữa đậu nành. Kết quả hàm lượng dinh dưỡng của ly sữa đậu nành (mà nhu cầu cơ thể cần) gấp ba lần ly sữa động vật. Mặt khác, khi con vật bị giết, nỗi sợ hãi tột cùng khiến chúng tiết ra một loại độc tố. Chất bổ dưỡng như thịt bò, các loại cá thịt, sữa, đường… là thức ăn chính của con ung thư; chỉ cần người bệnh khước từ những thứ đó, ăn thuần rau củ, tiết thực, con ung thư không có thức ăn sẽ yếu dần. Hay theo thực đơn Ohsawa. Gạo lứt nấu trong nồi gang, kiên trì ăn với muối mè sẽ lành bệnh như phép màu. Bây giờ khoa học hiện đại phát hiện: đường là một thảm họa của nhân loại, dần phá hoại não trạng và bại hoại thân thể, cũng như mì tinh đánh lừa vị giác. Sự kết hợp giữa kiên trì nhai kỹ gạo lứt muối mè kết hợp hành trì tâm linh sẽ khiến cho cái tâm vọng trở nên chừng lặng, sự dao động sóng bớt sẽ khiến thân an hòa. Tâm lý người bệnh luôn sợ chết, đây là điều chỉ có thể giải quyết ở Tâm. Mỗi ý niệm sợ chết phóng ra, con vi rút trong họ có nhiên liệu sống mãnh liệt hơn. Nếu là người cùng hiểu đạo lý thì chẳng sao (bởi khi ta khai bệnh, họ sẽ biết xóa ngay thông tin đó); ngược lại với người không thấm nhuần pháp, họ sẽ khắc chạm căn bệnh của ta vào não trạng, ngày nào cũng phát ý
niệm: “gay rồi, bệnh ấy nguy rồi, khó lành, khó qua khỏi rồi…”. Ta lo
sợ, bệnh càng nặng đã đành; hễ “khối u” trong ta nhiều “fan hâm mộ” nó
càng có lý do sinh tồn. Mức độ xóa thông tin thuần thục, quyền năng tối thượng làm việc cực kỳ hiệu quả. Sự vui sự buồn vừa ập đến liền như tảng băng ném vào lửa. Tâm trở về bình lặng. Trong bất cứ chúng sinh nào cũng đều có chủng tử Phật, vĩnh viễn không tàn lụi dẫu trôi qua lục đạo vô lượng kiếp. Có một phần đúng trong câu mang tầm triết lý nhân sinh: "Bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội". Nhưng có hai điểm hạn chế lớn: thứ nhất nó chỉ bàn đến con người; quan trọng hơn, tổng hòa các mối quan hệ xã hội chỉ tạo nên tập tánh chứ không phải bản tánh (vốn tự có sẵn trí huệ).
Con người là sự kết hợp hoàn hảo giữa vật chất/thân xác và vật lý/tinh thần. Phần Vật Chất do ăn uống sai lầm tức không tuân theo quy luật vận hành của vũ trụ vốn thống nhất trong sự tương hỗ hai mặt Âm - Dương. Đừng nghĩ ăn uống là tầm thường. Ăn uống chay tịnh đúng với trật tự vận hành của vũ trụ theo nguyên lý triết học viễn đông có thể chuyển nghiệp lực và vận mạng. Người Kogi sống theo với quy luật tự nhiên/vũ trụ, thì chính là sống đúng với đạo Pháp. Đó là biết đạo trời đất. Không gian bộ tộc Kogi sinh sống tuyệt đối an ổn. Nhưng, nếu ta đặt một phàm phu vào đó chung sống, hẳn họ lại thấy nơi đây là một thiết chế bất ổn. Vậy mới thấm câu thơ của cụ Nguyễn: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Tâm tùy cảnh chuyển. Tâm tịnh thời cõi Phật tịnh, và ngược lại… Tâm nhiễm là tâm bất định. Tâm bất định thì thân bất định. Người ấy sẽ khó sập giác quan ngồi yên cho được. Còn bậc chân tu ngũ căn thông suốt, trần cảnh không khiến tâm dao động nên họ luôn định tĩnh sáng suốt. Những tiện nghi tưởng sẽ đưa con người tới an lạc, sau một thời gian nó lại khuấy đảo tâm. Có những người xây WC rất tiện nghi và phát ngôn là nơi đưa lại cho họ sự an tĩnh. Nếu vậy thiết tưởng lên núi sống một mình còn... bình an bội phần. Con người với tâm không định thì có chui vào lô cốt cũng khác chi ở chợ trời. Tâm định, công phu có được này cơ bản bắt nguồn từ việc “không nhìn lỗi thế gian”. Giới khoa học đưa ra một kết luận vô cùng quan trọng: không nên chống chiến tranh mà hãy ủng hộ hòa bình. Từ đây triển khai ra ở mọi hoạt động trong cuộc sống sẽ chuyển được nghiệp nạn. Ai đó từng chống chiến tranh, không có nghĩa bây giờ phủi tay, mà dành thời gian và tâm sức đó ủng hộ hòa bình. Tại sao? Bởi quy luật vận hành của vũ trụ là như vậy.
Do tích tập từ nhỏ, tâm lý chung thích gom chuyện xấu ác. Chuyện xấu ác luôn là nhiên liệu trong các cuộc trò chuyện,
đàm đạo. Chuyện xấu ác còn có tên gọi khác là rác rưởi. Một khi chuyện
xấu được ta hứng khởi thuật lại nhiều lần trước đám đông, hãy xem chừng, bởi rác ấy đang lưu cửu vào tâm thức. Theo đà này, theo thời gian tâm thành một thùng rác khổng lồ. Phật từng khuyên chúng sanh trong kinh Vô Lượng Thọ: “Thiện hộ khẩu nghiệp, bất cơ tha quá (khéo giữ gìn khẩu nghiệp, chẳng chê bai lỗi người khác). Đạo lý này sâu xa quá đỗi. Ở mặt bằng xã hội, người ta sẽ gay gắt phản biện trước thảm kịch cái ác ngày càng lên ngôi, mà không đặt ngược câu hỏi: Nếu tất cả người trên hành tinh xanh đều không ngó lỗi nhau mà chỉ xiển dương điều thiện, thế giới sẽ ra sao? Con người là một cá thể riêng biệt - lý thuyết này đối với khoa học hiện đã lỗi thời. Mỗi cá thể nhỏ bé đến mấy cũng có mối liên hệ mật thiết với vũ trụ bao la. Vạn vật đồng nhất thể. Học giả James Gleick có nhận định rất triết lý qua hình ảnh: “Một cái đập cánh của con bướm hôm nay ở Bắc Kinh sẽ tạo ra trong không khí các cuộn xoáy có thể biến thành bão tố trong tháng sau tại New York”. Sự chống đương nhiên có lợi, chỉ là lợp bất cập hại. Các vị đại đức lúc giảng kinh thuyết pháp nhiều lúc cũng nặng nhẹ với đệ tử; người tự cao thấy cảnh “lánh đời” sẽ gán ấy là “chống” hồng trần tươi đẹp. Đâu hay hành vi lời nói của các Ngài lưu xuất từ gương tâm trong suốt không mảy bụi trần. Còn “chống” - hành động nô lệ của ý niệm xấu từ lượng tâm ích kỷ nhỏ mọn, sẽ khiến thời-không thêm nhiễu loạn. Sự chống ấy cũng như luồng khí nóng tưởng sẽ làm cơn bão đang tiến vào suy yếu chẳng ngờ càng góp sức cho bão.
Những gì người trần mắt thịt chúng ta chứng kiến quá ư hạn hẹp; cho trên đầu không có gì càng thiển cận. Trong lúc nếu không tụt hậu, ta sẽ biết thế giới đã có nhiều công trình khoa học nghiêm túc khẳng định luân hồi. Ngày xưa ai dám tin cả thư viện sách chứa gọn trong cái USB nhỏ xíu. Chớ tưởng con người to lớn sẽ không thể chui vào thân con kiến ở kiếp vị lai. Cũng như loài vi khuẩn nhỏ vậy, thể tánh của nó không chứa tam thiên đại thiên thế giới. Một khám phá
khoa học: Tấm hình cắt đôi; đưa (một nửa) vào chiếc máy khoa học, vẫn
thấy nguyên vẹn bức hình đó. Cắt tấm hình ra chục mảnh, lạ thay, mỗi
mảnh như vậy vẫn đầy đủ hình tướng chụp ban đầu. Điều này minh tường một câu trong kinh Hoa Nghiêm: "Nhất tức nhất thiết" (một là tất cả). Cá thể chúng sanh có Phật tính. Vậy cái toàn giác đã có trong mỗi phàm phu. Buông vọng tưởng, phân biệt và chấp trước sẽ hoàn nguyên, trọn đủ tánh đức và trí huệ tuyệt vời.
Chưa nghiêm túc học giáo lý, không chọn lấy một Pháp môn rốt ráo thực hành đã khởi tâm bài Phật là vừa lội qua đầm lầy lại muốn dò lòng đại dương.
Không ai có đôi mắt sáng lại nhắm mắt mà đi. Tuy nhiên mắt sáng cũng không thể nhìn thấu kiếp mình nếu tâm thức mù lòa.
Khi nhà thiên văn chụp được những thiên hà “hình xa luân”, “hình trụ”, “hình bầu dục”,… đúng như mô tả về Hoa tạng thế giới thì chính là kinh điển Phật giáo lấp lánh dưới ánh sáng khoa học. Khi những khám phá làm rúng động nhận thức loài người đơn giản là vô tình minh tường một số lá cành trong rừng kinh điển vô giá, liệu có cần đặt ra vô vàn câu hỏi trước lúc ta tin lời Đức Phật.
Nhụy nguyên
Thư Viện Hoa Sen
Trích Từ sách: Vũ Điệu Ý Niệm Trong Cơn Đau Bản Thể The (Vietnamese Edition) by Nhuy Nguyen