Mùa hành hương đất Phật là mùa lạnh giá, vì thế phi trường Gaya
chỉ mở cửa từ tháng 10 đến tháng tư mỗi năm. Mùa nóng Ấn độ khô khốc
khó chịu, ít ai thăm viếng. Khách cần đến Bodhgaya, phải dùng phương
tiện xe khách hoặc tàu lửa, khá vất vả.
Ngoài
Dharamsala là thủ phủ của chính quyền Tây Tạng lưu vong, khắp nơi trên
đất nước rộng lớn của India, các nhà sư Tây Tạng đều có mặt, nhất là tại
Gaya, chùa Tây Tạng nhiều hơn bất cứ chùa của quốc gia nào trên đất Ấn.
Trong năm, vào mùa hành hương, người Tây Tạng thường họp chợ bày bán các sản phẩm đa
phần liên hệ đến tôn giáo hơn là vật dụng dân sự. Họ bày đủ mặt hàng
màu sắc sặc sỡ, tràng hạt bằng hồng thạch, pháp phục nhà sư đến các pháp
khí tộc Tạng; Hàng bày thì nhiều nhưng bán chẳng được bao nhiêu. Dân
bản địa thì quá nghèo, họ theo Hindu hoặc đạo Hồi nên chẳng ai cần đến
những hàng hoá như thế. Khách hành hương cũng hiếm người mua, vì những
quốc gia Phật giáo không
thiếu những kỷ vật như vậy. Cũng như người Ấn và Nepal, dân Tây Tạng
rất kiên nhẫn, họ ngồi ngoài nằng mà không cần lều bạt, ăn ngủ tại chỗ.
Có người không tậu được sạp, kệ thì trải tấm nilon trên đất mà bày hàng.Đa
phần người Tây Tạng buôn bán thật thà. Hàng năm, họ nhóm chợ trong hai
tháng. Số khách nhộn nhịp trong các khu chợ đó vân là các sư Tây Tạng,
tạo cho du khách có cảm giác người các quốc gia khác thưa
thớt hơn. Nếu không nhờ bộ phẩm phục tu sĩ thì khó ai phân biệt được
đâu là nhà sư và đâu là tín đồ, vì người dân họ tỏ ra sùng kính với niềm
tin tôn giáo một cách mãnh liệt; cặp mắt luôn hướng về xa xăm, không
phải cho một lãnh thổ đã bị cướp mất mà trong tâm hồn họ luôn hiện diện
cỏi Tịnh vĩnh hằng! Tay họ luôn cầm tràng hạt, miệng lẩm nhẩm thần chú.
Từ
ngày mồng một đến 11/01/09, các sư Tây Tạng mỗi ngày đều có chương
trình sinh hoạt tại Tháp Đạo tràng. Ngài pháp vương Karmapa Chenno luân
phiên thuyết giảng tại chùa Tây Tạng cách Đạo tràng vài trăm met đường
chim bay, hoặc hướng dẫn cho những sinh hoạt tại bảo Tháp. Pháp vương
thứ XVII tuy mới 24 tuổi, do túc duyên tiền kiếp từng là một cao Tăng,
hiện đời được giáo dục theo chương trình nghiêm ngặt của Tây Tạng, nên
tỏ ra chửng chạc, uyên bác. Các vị chức sắc, giáo phẩm Tây Tạng thường
tái sanh theo hạnh nguyện và chủ định, khi hậu thân được kiểm chứng
chính xác, được đưa vào khuôn khổ giáo dục rất nghiêm minh, chả bù lại
các vị trẻ trong các chùa bình thường, phong cách họ cũng bình thường
như một người bình thường mà đáng ra bốn bộ luật của một vị tập sự xuất
gia cần phải học, trong đó Tứ oai nghi cần phải có.Trong những ngày này,
các tu sĩ Tây Tạng đi lại trên các ngả đường như đi trẩy hội. Ngoài các
chùa tộc
Tạng, các sư còn sống lẫn trong các xóm cư dân bản địa, trong những căn
chòi chật hẹp, thấp lè tè, kể cả các tu sĩ người Âu theo giáo phái Tây
Tạng cũng quen với cái bẩn của người Ấn.
Từ
ngoài khu vực Đạo tràng, hành khất người Ấn đông vô số kể. Trong đó có
những trẻ em không có tay chân bẩm sinh, không có mắt hoặc tật nguyền đủ
mọi dạng thức.Một người từ tâm cũng không thể nào bố thí hàng trăm
người một lúc như thế. Các ông bà cụ già cũng lây lất dưới đất bẩn đầy
rác và ẩm ướt. Những người khoẻ, trẻ thì bán các băng dĩa Phật giáo tuy
họ không phải Phật
tử. Các guest house, restaurant, các shop dịch vụ linh tinh cũng ăn
theo vào những ngày này, nhưng không dịch vụ nào đạt chuẩn tối thiểu.
Internet thì chập chờn, hotel thì như nhà trọ, nhà hàng chỉ có mỗi món
suchi và bánh chapati; Ngay cả thị trấn Gaya phố chợ nhộn nhịp, đường sá
sình lầy, nhà cửa tăm tối, đa phần nhà xây không tô; không nhà nào kiến
trúc có thẩm mỹ, thì ở đây, vùng quê xa xôi, ngoài các chùa, không nhà
người dân nào được tươm tất.
Tại
Gaya, chính phủ không có công ty vệ sinh nên người dân thường bị bệnh
“tiểu đường”, kể cả đàn bà, họ “xả nước” cá nhân một cách công khai mà
khách hành hương đi lại đông đúc phải đâm ngượng, họ bảo:” đó là điều tự
nhiên trời cho sinh vật nào cũng phải có!”. Có những chỗ mà du khách
phải cẩn trọng kẻo dẫm phải “mìn”, thậm chí mấy chú cẩu thấy cũng chê.
Chỉ riêng trong phạm vi bảo Tháp mới được giữ sạch sẽ, vì phần lớn bên
trong là các sư Tây Tạng ngồi thiền, tụng kinh và lễ lạy; các du khách cũng ý thức giữ vệ sinh chung.
Sáng
ngày 11/01/09, chư Tăng các nước đi khất thực để gieo duyên với quần
chúng; thật ra dân bản địa không ai biết cúng dường, vì họ quá nghèo và
không ai là phật tử; ngược lại chư Tăng còn phải bố thí cho họ trong dịp
nầy. Thực
phẩm được chuẩn bị sẳn bởi Tín đồ Tây Tạng và Phật tử nước ngoài, kính
cẩn dâng vào bình bát khi hàng ngàn chư Tăng chậm rãi đi qua.
Một
hình ảnh đẹp gợi nhớ lại thuở sinh tiền Đức Thế tôn và chư Tăng đi vào
làng mỗi buổi sáng. Trong lúc đó, phía ngoài chợ, không quá mười người,
kẻ vác trụ cờ dài, người cầm loa và kèn đồng khuyếch đại âm thanh đi sau
người dẫn xe đạp chở máy ampli, phát ra những âm điệu lạ tai mà không
biết là họ đọc kinh hay hát nhạc của đạo Hindu. Cư dân quá quen cảnh
tượng nầy, vì mỗi tháng có hàng chục cuộc lễ như vậy, du khách cứ ngẩn
ngơ đứng nhìn những sinh hoạt lạ lẫm. Xa hơn là tiếng phát thanh của đạo Hồi những đoạn kinh tụng ồm oàm đơn điệu hai lần mỗi ngày.
6 giờ chiều ngày 11/01/09, các đoàn Tăng sĩ những
quốc gia có mặt tại Ấn, đều vân tập về Bảo Tháp theo lời mời của Ban Tổ
chức để hiệp tâm trì tụng cầu nguyện cho thế giối hoà bình, nhân loại
an lạc.Chư Tăng Tây Tạng tỏa ra các ngả đường để về nơi cư trú đông hơn
cả cư dân bản địa quanh Đạo tràng, cảnh trí nhộn nhã như trẩy hội, nhưng
phía trong Bảo tháp, vẫn còn khoản 20
ngàn người đủ mọi quốc gia, sắc tộc, ngồi vây quanh tường thành, hoặc
đứng nghiêm trang hướng về cội Bồ Đề, nơi mà hàng dãy bàn bày biện tràng
phang, bài vị, hoa quả dâng lễ.Âm
thanh và ánh sáng đều do người Tây Tạng trần thiết. Vô số bóng đèn
nhiều màu bằng trái ping-pong trang hoàng khắp khu vực, những dãy đèn
hoa sen treo dọc hai bên tháp, tạo cho không gian mang vẻ huyền nhiệm.
Từ bốn góc ngoài tường thành, đèn
pha cao áp hường về ngọn tháp làm toả sáng nét hùng vĩ của bảo Tháp
giữa bầu trời đen thẳm mênh mông.Các sư Tây Tạng tỏ ra điêu luyện trong
việc tổ chức, vừa hiện đại, vừa thẩm mỹ nghệ thuật khiến cho người tham
dự thích thú, khen ngợi. Các lối vào Tháp và khu vực hành lễ, thanh niên nam nữ trang phục bộ dạ đen để hướng dẫn và kiểm soát, họ tỏ ra lịch thiệp, nhanh nhẹn và hiền lành dễ thương. Người Tây Tạng trông khác hẳn người bản xứ, họ na ná người Tàu và Việt, họ thông minh và điềm đạm.
Tuy
đông đúc, nhưng rất trật tự, những ai đến đây đều với tâm thành kính,
nên Ban tổ chức không mấy vất vả. Ngay cổng phía Bắc tường thành hướng
về cội cổ thụ Bồ Đề, quần chúng ngồi dọc hai bên, ở giữa giành riêng cho
chư Tăng lên tụng tán. Đoàn Phật giáo Srilanka đến Myanmar và Thái Lan
xướng tụng, hình như mọi người quen âm điệu của Phật giáo các quốc gia
nầy, đến khi chư Tăng Korea lên tiếp chương trình, mọi người đột ngột
chú tâm, mỗi đoàn chỉ được hơn 5 phút, kế đến các thầy cô Việt Nam,
những vị nầy đang theo học tại Dheli, trong đó có thầy Tâm Hoà, từng
hướng dẫn chương trình Phật Pháp nhiệm mầu của chùa Hoằng Pháp, tán Phật
và tụng Bát Nhã Tâm kinh, tiếng mõ và lắc linh cùng hoà với âm thanh
của chiếc khánh đồng càng làm cho thính chúng ngẩn ngơ bởi âm điệu đặc
biệt của nghi lễ Phật giáo Việt Nam, một thời mà giáo sư Trần văn Khê
từng đưa lên trình diễn quốc tế; Nếu có thời gian rộng hơn, nghi tán rơi
của Huế, chắc chắn mọi người sẽ chìm vào không gian trầm bổng của loại
nhạc cung đình thời vua chúa xa xưa, lễ nhạc vừa chấm dứt, tất cả như
tiếc nuối chưa thoa mãn.
Sau các đoàn Phật giáo quốc tế thực hiện nghi lễ của mình, Tây Tạng phân phát mỗi vị sư một túi xách trong đó có kinh sách
và cây đèn pin; Tất cả tề tựu lại, tập thể đèn pin sáng cả một góc tháp
như nhũng chòm sao trong thái dương hệ. Đáng ra, họ xử dụng đèn cầy
theo truyền thống thắp nến, nhưng vì bảo vệ gốc đại cổ thụ nên nhiều năm
qua khu vực gần Bồ Đề không dùng lửa nhiệt. Đồng hiệp tâm cầu nguyện
với sự chứng minh của Ngài Pháp vương Karmapa, ánh sáng và rừng người
chìm trong bầu không gian tâm linh tịch lặng giữa màn đêm.Tiếng nguyện
cầu xưng tán Tam bảo râm rang như âm vang tiếng gầm của chúa sơn lâm
chốn rừng già. Cội Bồ đề từng chứng kiến hào quang đại ngộ của đức Thế
tôn năm xưa, giờ đây chứng kiến thêm hàng con cháu của Phật đủ mọi chủng
tộc về hiệp lực phát lên tâm nguyện hướng về thế giới, nhân loại bằng
tâm từ, năng lượng đó cũng làm cho cội đại cổ thụ thêm phần sung túc.
Bên ngoài khu vực Tháp, cảnh sát Ấn trang bị bằng cây gậy, mục đích không để trẻ con làm mất trật tự, thật ra an ninh các
nước có súng mà vẫn không tránh khỏi bạo động, chứng tỏ nơi đây, với
tinh thần tôn giáo của Ân, nói lên tính hoà bình của họ. Giòng người ra
về cũng có mà đổ vào khu vực tháp suốt đêm cũng nhiều. Suốt mùa hành
hương, khu vực Đạo tràng không lúc nào vắng khách, càng về đêm, khách
hành hương và các sư Tây Tạng càng đi nhiễu tháp, lễ bái, thiền tọa và
tụng niệm càng nhiệt thành để khắc phục cái lạnh thâu canh cũng như thể
hiện lòng sùng kính đối với đấng Thiên nhân sư từng thành đạt nơi đây.
Cuộc
lễ chấm dứt mà chưa ai muốn rời khỏi Tháp. Tiếng chim quạ và nhiều chim
lạ vẫn chưa muốn ngủ, còn bay quanh khu vực nhiều ánh sáng réo gọi hát
mừng. Những con chó hoang nằm sát người hành khất để tìm hơi ấm. Sương
đẫm ướt cây lá và đường đi. Những người dân không nhà co ro trong manh
vải cáu bẩn ngồi tựa vào tường tìm giấc ngủ an bình. Tuy cuộc sống của
cư dân bản địa có nghèo khó, nhưng họ vẫn vui vẻ với một tâm hồn thánh
thiện. Xã hội India
có nhiều bất cập về vật chất nhưng họ sung mãn nội tâm, vì thế, họ
không bị chao đảo như cái chao đảo của xã hội công nghiệp một khi kinh
tế bị khủng hoảng. Dẫu sao, đất Phật vẫn cho du khách nhiều suy nghĩ và
một bài học giá trị của tâm linh, đó là yếu tố đem lại hoà bình cho nhân
loại.
MINH MẪN