Thế Thân cũng viết
Nhiếp Đại thừa luận thích, Thập địa kinh luận,
Biện trung biên luận, Duy thức nhị thập luận, Duy thức tam thập tụng,
càng làm cho học thuyết tâm lý học ngày càng thêm sáng rỡ. Không lâu sau đó, Vô
Tánh cũng tạo luận chú thích Nhiếp Đại
thừa luận. Rồi Pháp Hộ, Đức
Huệ, An Huệ, Thân Thắng,
Nan Đà, Tịnh Nguyệt, Hoả Biện,
Thắng Hữu, Tối Thắng Tử,
Trí Nguyệt, tất cả gồm 10 Đại luận sư tương tục sáng tác
luận, hợp lực chú thích Tam thập tụng của Thế Thân
thành tác phẩm Luận thành duy thức, khiến cho ngành tâm lý Du-già phát
triển rộng khắp Ấn Độ.
Bài viết này xin giới thiệu sơ lược 10 vị luận sư lớn có công
sáng tác Luận thành duy thức, một tác phẩm phân tích, chia chẻ mọi góc
cạnh tâm lý rất khoa học.
1.
Thân Thắng – Bandhuśri
(Ban-tẩu-thất-lợi). Không rõ lai lịch của ngài, chỉ biết ngài cùng thời với Thế
Thân và đã từng lược thích tác phẩm Duy thức tam thập
tụng, chỉ rõ diệu ý rất khế hợp của tác giả, các luận sư đời sau đều y cứ
vào tác phẩm này, tuy nhiên hiện tác phẩm đã thất truyền.[1]
2.
Hoả Biện – Citrabhāna
(Chất-đát-la-bà-nã). Ngài cùng thời với Thế Thân, sanh
vào khoảng cuối thế kỷ IV Tây lịch. Văn chương rất đẹp,
rất giỏi chú thuật, sống đời ẩn dật nhưng vẫn hết lòng với bạn đồng tu, đạo đức
cao thâm.[2]
3.
Đức Huệ - Guṇamati
(Cù-nã-mạt-để, Cầu-na-ma-đế, Cù-na-ma-để), sống vào khoảng thế kỷ V
– VI Tây lịch, là thầy của An Huệ.
Ngài thông Tam tạng, tỏ lý Tứ đế, thiền
định thâm sâu, từng ở trước quốc vương nước Ma-yết-đà (Magadha) nghị luận và
đánh đổ luận sư phái Số luận là Ma-đạp-bà (Madhava), từ đó thanh danh của ngài nổi
khắp nước. Vua xây chùa cho ngài ở, cúng dường rất nồng hậu. Bấy giờ, các đệ tử
của ngoại đạo Số luận bèn đến các nước lân cận chiêu mộ người tài giỏi, tập hợp
ở Tuyết sơn, lập đàn nghị luận, ba phen đối luận ngài đều thắng cả.
Sau đó, ngài đến tu viện Na-lan-đà (Nālanda), danh tiếng lại
thêm rực rỡ. Rồi ngài cùng với học tăng Kiên Huệ
(Sāramati) đến trú ở tu viện A-chiếc-la (Ācāra), nước Phạt-lạp-tì (Valabhi).
Tương truyền, tác phẩm của ngài gồm có Tuỳ tướng luận
(tác phẩm này chú thích luận Câu-xá), Trung luận sớ và Duy thức tam
thập tụng thích. Trong đó, hai cuốn Tuỳ tướng luận và Duy thức tam
thập tụng thích nguyên bản đã mất. Tuy nhiên, trong Đại tạng kinh của
Tây tạng còn có những tác phẩm khác của ngài, đó là Duyên khởi sơ phần phân
biệt thuyết luận sớ (Pratītya-samutpā-dādi-vidhaṅga-nirdeśa-ṭīkā) và Giải
thoát như lý luận sớ (Vyākhyā-yukti-tīkā), đều là những tác phẩm chú giải
luận của Thế Thân.[3]
4.
An Huệ - Sthiramati
(Tất-sỉ-la-mạt-để), người Nam Ấn, nước La-la, tức quốc vương Phạt-lạp-tì
(Valabhi). Ngài sanh sau Phật Niết-bàn khoảng 1.100 năm,
tức khoảng thế kỷ VII – VIII Tây
lịch.
An Huệ thấu suốt nội, ngoại điển, tinh
thông Duy thức, Nhân minh. Ngài kế thừa tư tưởng của thầy mình là Đức Huệ,
và truyền lại cho người đời sau là Chân Đế.
Về mặt học thuật thì An Huệ kế thừa Nan
Đà, đồng thời hấp thu sở trường của Trần Na, lấy học thuyết nhị phân và tam phân
dung thông với thuyết Duy thức trong Nhiếp Đại
thừa luận và Biện trung biên luận.
Tác phẩm của ngài gồm có Đại thừa a-tì-đạt-ma tạp tập luận,
16 quyển, Đại thừa quảng ngũ uẩn luận, 1 quyển, Đại thừa trung
quán thích luận, 9 quyển, Câu-xá thật nghĩa sớ, 5 quyển, Duy thức
tam thập tụng thích luận. Trong đó, tác phẩm Câu-xá thật nghĩa sớ
được học giả P. Pelliot phát hiện ở động Đôn Hoàng, sau được đưa vào Đại chính
tạng, quyển 29. Còn Duy thức tam thập tụng thích luận
(Triṃśikā-vijña-pti-bhāṣya) là tác phẩm giải thích cuốn Duy thức tam thập
tụng của Thế Thân. Tác phẩm này mới được tìm thấy
nguyên bản bằng Phạn ngữ ở Nepal và đã được dịch ra tiếng Pháp, tiếng Nhật.[4]
5.
Hoan Hỷ - Nanda
(Nan-đà), người đời tôn xưng là Thắng quân tổ sư Nan Đà tôn giả. Ngài là người
cùng thời với An Huệ, Tịnh Nguyệt.
Trong các nhà tâm lý học Phật giáo, tức các nhà Duy thức học,
ngài và Tịnh Nguyệt chủ trương thuyết Kiến – Tướng nhị
phần (hai mặt của nhận thức là chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức), đương
thời gọi là ‘nhị phần gia.’
Nan Đà còn nổi danh nhờ kiến lập thuyết
Tân huân chủng tử (hạt giống mới huân tập). Ngài phủ nhận thuyết Chủng
tử bản hữu, chủ trương rằng mọi chủng tử đều do huân tập hiện đời mà sinh
ra, cho nên xưa nay người ta gọi ngài là ‘nhà tân huân.’
Nan Đà cũng từng chú thích tác phẩm Duy thức tam thập tụng
của Thế Thân và Du-già sư địa luận của Di Lặc.[5]
6.
Tịnh Nguyệt –
Śuddhacandra (Thú-đà-chiến-đạt-la). Ngài cùng thời với An Huệ, tức khoảng đầu
thế kỷ VII-VIII Tây lịch.
Ngài từng giải thích Duy thức tam thập tụng của Thế
Thân, chú thích Đại thừa a-tì-đạt-ma tập luận của
Vô Trước, Thắng nghĩa thất thập luận của Thế thân.
Ngài đồng tư tưởng với Nan Đà, chấp nhận
chủ trương của An Huệ, cho rằng thức thứ 8 là thường
hằng, không chuyển biến, năng lập và tự lập, cho nên đều không có hữu y. Trên
bình diện tương đối, Tịnh Nguyệt cho rằng, thức thứ 8 là
chỗ nương tựa của thức thứ 7.[6]
7.
Hộ pháp – Dharmapāla (Đạt-ma-pa-la), người
nước Đạt-la-tì-trà (Drāviḍa), Nam ấn, từng thọ pháp và áo nghĩa Duy thức học từ
những bậc thầy tên tuổi là Trần-na, Thế thân, Vô trước. Nhờ chú thích tác phẩm
Duy thức tam thập mà danh vang thiên hạ.
Ngài thọ mạng ngắn ngủi, sinh năm 530, tịch năm 561, khi mới 32
tuổi! Sau khi xuất gia, ngài đến hoằng pháp tại Na-lan-đà, học trò theo học rất
đông, nhưng từ năm 29 tuổi đến cuối đời, ngài trở về ẩn cư tại Bồ-đề đạo tràng,
nơi Đức Phật thành đạo, để chuyên tâm thiền quán và trước thuật rồi viên tịch
tại đây. Khuy Cơ, trong tác phẩm Thành duy thức luận
thuật ký, ghi nhận rằng, sở học của sư “như suối nguồn ở biển sâu, sự
hiểu biết lại sáng rỡ như mặt trời, nội điển thông tỏ cả nguyên thuỷ lẫn phát
triển, văn chương đẹp cả đời lẫn đạo. Người đời bấy giờ đều tán thán rằng, Phật
giáo có người này cũng giống như mặt trời, mặt trăng toả ánh sáng làm đẹp bầu
trời, cũng như đứng nhìn ra biển cả thấy đất trời mênh mông không bờ bến. Từ
thời ngài Thiên Thân trở về sau chỉ có một người
này mà thôi!"[7]
8.
Thắng Hữu - Viseṣamitra
(Tỳ-thế-sa-mật-đa-la), sống cuối thế kỷ VI Tây
lịch, là đệ tử của ngài Hộ Pháp, tu ở tu viện Na-lan-đà,
Ấn Độ. Hành trạng của sư bất tường.
9.
Thắng Tử
- Jinaputra (Chấn-na-phí-đa-la), còn gọi là Tối Thắng
Tử, sống vào khoảng cuối thể kỷ VI Tây
lịch, đồng môn với Thắng Hữu, cùng là đệ tử của Hộ
Pháp. Tác phẩm của ngài gồm có Du-già sư địa luận thích, Chú
thích Duy thức tam thập tụng, Bồ-tát giới phẩm thích, Tập luận thích…
10.
Trí Nguyệt –
Jñānacandra (Nhược-na-chiến-đạt-la), đệ tử của ngài Hộ Pháp,
là học tăng ở Đại học Na-lan-đà.
Hành trạng bất tường.
Theo sự giới thiệu trong Thành duy thức luận thuật ký
thì, Thân Thắng, Hoả Biện là hai
luận sư sống cùng thời với Thế Thân và chính là hai người
đầu tiên lược thích tác phẩm Thành duy thức luận. Đức Huệ
thì cùng thời với Trần Na và là thầy của An Huệ. Tịnh
Nguyệt, Nan Đà, An Huệ cũng là
người sống cùng thời đại. Hộ Pháp từng học với Trần Na,
còn Thắng Hữu, Tối Thắng Tử và Trí
Nguyệt cả ba người đều là học trò của Hộ Pháp.
Mười đại sư trên đều có công phát triển ngành tâm lý học Phật
giáo, nhưng cũng có lập trường riêng, chứ không phải cùng thống nhất hoàn toàn
về mọi quan điểm. Chẳng hạn, đối với khái niệm chủng tử, Nan Đà chủ
trương thuyết tân huân, Hộ Nguyệt (không nằm trong số 10
luận sư) lại chủ trương thuyết bản huân, trong khi đó Hộ Pháp
thì chủ trương thuyết bản hữu tân huân hợp sinh. Đối với thuyết tứ phần[8],
Hoả Biện và Trần Na[9]
cùng chủ trương thuyết tam phần; Thân Thắng, Đức
Huệ chủ trương thuyết nhị phần; An Huệ
chủ trương thuyết nhất phần, Nan Đà, Tịnh Nguyệt
chủ trương thuyết Nhị phần (nhưng khác với Thân Thắng
và Đức Đuệ).
Trong lai luận điểm trên đây thì quan điểm của Hộ Pháp
và An Huệ có uy lực hơn hết, sau này Huyền Tráng,
Chân Đế… đều ảnh hưởng bởi Hộ Pháp.
Trong quá trình phát triển ngành tâm lý học Phật giáo, học thuyết và duy danh
của Hộ Pháp độc cứ một phương, cho nên mọi nghiên cứu đều
lấy tư tưởng của Hộ Pháp làm chỉ nam. Do đó, tác phẩm
Thành duy thức luận dù được 10 Đại luận sư hợp sức
luận thích mà thành, nhưng chủ yếu lấy học thuyết của Hộ Pháp
làm trọng tâm. Tác phẩm ấy hầu hết là làm sáng tỏ học thuyết của Hộ Pháp,
theo quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu!
Tác phẩm giải thích luận hiện còn được lưu truyền trọn vẹn nhất
là tác phẩm Tam thập tụng thích luận (Triṃśikā-bhāṣya) của An Huệ,
còn cả nguyên bản tiếng Phạn và bản dịch tiếng Tây Tạng.
Khi Huyền
Tráng,
người Trường An,
Trung Quốc,
du học Ấn Độ,
đã học được các kinh luận trên,
nên sau khi trở về nước ông đã phiên dịch và truyền bá kinh luận của trường phái
tâm lý học du-già, đồng thời hoằng tuyên huyền chỉ của pháp tướng duy thức.
Những người đến thọ giáo với Huyền Tráng
về giáo nghĩa của tông này rất đông, đặc biệt có các học trò trứ danh như Khuy
Cơ,
Thần Phưởng,
Gia Thượng, Phổ Quang, Thần
Thái, Pháp Bảo, Huyền Ứng,
Huyền Phạm, Biện Cơ, Ngạn Tông,
Viên Trắc…Trong đó, Thần Phưởng đã
sáng tác Duy thức văn nghĩa chương ký; Huyền ứng trước tác Duy thức
khai phát; Viên Trắc sáng tác Giải thâm mật kinh
sớ, Thành duy thức luận sớ… Rồi Đạo Chứng trước tác
Duy thức luận yếu tập. Thái Hiền, Thiền
tăng nước Tân-la học từ Đạo Chứng được yếu chỉ của luận
đã viết ra Duy thức luận cổ tích ký, sau người đời tôn xưng ông là Tổ của
Du-già ở Đông Hải.
Khuy Cơ, học trò đắc pháp của Huyền
Tráng, chính thức trở thành người kế thừa Pháp tướng
tông, trú ở chùa Đại Từ Ân, Trường
An, đã làm sáng rỡ ngành tâm lý học một thời. Người đời
đã tôn xưng ông là Từ Ân Đại sư.
Ông trước tác Du-già sư địa luận lược toản, Thành duy
thức luận thuật ký, Thành duy thức luận chưởng trung khu yếu, Đại thừa pháp uyển
nghĩa lâm chương… tập thành Bổn tông tập.
Tiếp đến, Huệ Chiểu trước tác Thành
duy thức luận liễu nghĩa chứng, đả phá những ý nghĩa sai lầm của Viên
Trắc… Về sau còn có Đạo Ấp, Trí Châu,
Nghĩa Trung… Trí Châu viết
Thành duy thức luận diễn bí, phát dương u chỉ của Thành duy thức luận
thuật ký, đồng thời ông cũng chú giải những ý nghĩa khó hiểu trong đó.
Ba tác phẩm Thành duy thức luận chưởng
trung khu yếu, Thành duy thức luận liễu nghĩa chứng, Thành duy thức luận diễn bí,
đã tập hợp thành tên gọi Duy thức tam sớ, góp phần củng cố thế đứng của ngành
tâm lý học Phật giáo tại Trung Quốc trong thời kỳ trăm
hoa đua nở, các tông phái khác như Thiền tông, Hoa nghiêm… ngày một hưng thịnh.
Thế nhưng, một thời gian sau, ngành tâm lý học Pháp tướng tông
nhanh chóng suy yếu, nhường chỗ cho Thiền tông và Hoa nghiêm tông… hưng thịnh.
Đến triều nhà Tống trở về sau thì Pháp tướng tông mất hẳn sự ảnh hưởng và tưởng
chừng không còn dấu tích. Mãi đến triều nhà Minh, Trí Húc
Đại sư đã viết Thành duy thức luận tâm yếu, Minh
Dục sáng tác Thành duy thức luận tục thuyên, Thông
Nhuận viết Thành duy thức luận tập giải, Quảng
Thừa sáng tác Thành duy thức luận âm nghĩa v.v… đã
vực dậy tư tưởng Pháp tướng tông một thời. Tuy vậy, phải đến thời Dân Quốc
trở về sau, Âu Dương Cánh Vô
(1872-1944) mới đại xương bổn tông, sáng lập Chi-na nội học viện, Pháp tướng đại
học, phân chia bổn tông thành hai khoa là Vô trước pháp tướng học và Thế
Thân duy thức học. Thái Hư Đại
sư cũng cật lực phát huy tư tưởng của tông này. Ngoài ra, Chiếu Thập
Lực (1882-1968) cũng có sáng tác Tân duy thức luận,
và đã từng tranh biện với Ấn Thuận Đại
sư, làm khơi dậy lòng đam mê nghiên cứu tâm lý học Phật giáo. Dù vậy, đến nay
mọi nghiên cứu về Du-già, Duy thức
hay tâm lý học Phật giáo đều chuyển hướng sang phương Tây và ít nhiều đã gây chú
ý cho ngành phân tâm học hiện đại.
[1]
ĐTK/ĐCTT, T.43, n°. 1830, p. 231b27.
[3] Xem
Lịch đại Tam bảo kí, quyển 11; Đại Đường Tây Vức ký, quyển 8,
9, 11; Nam hải ký quy nội pháp truyện, quyển 4…
[4] Xem
Thành duy thức luận chưởng trung khu yếu; Thành duy thức luận đồng học
sao; Nam hải ký quy nội pháp truyện…
[5] Xem
Thành duy thức luận, quyển 1; Thành duy thức luận liễu nghĩa đăng…
[7]
ĐTK/ĐCTT, T. 43, n°. 1830, p. 231b27.
[8] Tướng
phần, kiến phần, tự chứng phần và chứng tự chứng phần.
[9] Trần Na
không nằm trong danh sách 10 Đại luận sư cùng sáng tác Thành duy thức
luận, nhưng cũng đóng góp rất lớn trong ngành tâm lý học Phật giáo.