miền tây nam nước Pháp - thuyết trình về Khoa
học và Phật giáo, đồng thời đối thoại với Thiền sư Nhất Hạnh về cái nhìn của đạo
Phật đối với khoa học. Được sự đồng ý của tác giả, RFI xin đăng lại bài tường
thuật của nhà nghiên cứu Đỗ Quý Toàn, có mặt tại Làng Mai nhân buổi thuyết trình
của giáo sư Trịnh Xuân Thuận.
Giáo sư Trịnh Xuân
Thuận đã thuyết trình trong khóa tu tại Làng Mai về Khoa học và Phật giáo vào
đầu tháng Sáu năm 2012; và sau đó, với tư cách một nhà khoa học ông đã đặt một
số câu hỏi với Thiền sư Nhất Hạnh về cách nhìn của đạo Phật đối với một số vấn
đề căn bản trong khoa học hiện đại.
Khóa tu tại Làng Mai, ở
vùng tây nam nước Pháp gần thành phố Bordeaux, diễn ra trong 21 ngày, kể từ ngày
1 tháng Sáu năm 2012, quy tụ hơn 900 thiền sinh đến từ gần 30 quốc gia khác nhau.
Ngôn ngữ chính được sử dụng là tiếng Anh, với tám nhóm thông dịch đồng thời sang
tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, tiếng Ý, tiếng Thái, tiếng Nhật; tiếng Trung Hoa
dịch cho nhiều người đến từ Singapore, Hồng Kong, Mã Lai, Đài Loan...; nhóm đông
nhất là những người nghe tiếng Việt và tiếng Pháp.
Trong bài thuyết trình
vào ngày Chủ Nhật 3 tháng Sáu 2012 tại Xóm Hạ, Làng Mai, ông Trịnh Xuân Thuận đã
nêu lên một số lý thuyết trong môn vật lý học hiện tại để so sánh với những quan
điểm trong truyền thống Phật giáo. Là một nhà chuyên khảo về
vũ trụ học, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận cho biết Vật lý học đã nhận thấy một số
điểm tương đồng giữa Phật giáo và khoa học.
Những điểm “hội tụ” (convergence) mà ông nhìn ra là tính tương
quan và tùy thuộc vào nhau của mọi hiện tượng vật lý (interdependence); tính
trống rỗng (vacuity, emptiness) của vạn pháp; và tính vô thường (impermanence). Nhiều khám phá trong khoa học trong một thế kỷ
gần đây đã đưa tới những cách nhìn giống như quan điểm của đạo Phật từ nhiều
ngàn năm qua.
Thí dụ, tính bất khả phân (non-seperability) của mọi vật; mối liên quan không
thể tránh giữa chủ thể quan sát và đối tượng được khảo sát (tương tức, tương
nhập); vân vân.
Trong khi các bộ môn
khoa học sử dụng lý trí với các phương pháp phân tích toán học và thí nghiệm để
gia tăng hiểu biết có tính chất khách quan và định lượng của con người về vũ trụ
chung quanh mình, thì Phật giáo là một truyền thống tu tập với cách nhìn toàn
diện theo đuổi mục tiêu trị liệu, đưa tới giác ngộ toàn diện (enlightenment) chứ
không nhằm hiểu biết thuần túy. Phật giáo không nhìn thế giới theo lối lưỡng nguyên (tâm và vật) nhưng cũng không cố chấp
vào cách nhìn phi lưỡng nguyên. Từ nhận định về tính tương lập
(interdependence) của mọi vật và mọi người, Phật giáo đã dẫn tới đức từ bi như
là một cách biểu hiện khác của trí tuệ.
Một ngày sau cuộc
thuyết trình trên, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã đặt với Thiền sư Thích Nhất Hạnh
một số thắc mắc của một nhà khoa học để tìm hiểu cách giải đáp của Phật Giáo.
Thứ nhất là Phật giáo yêu cầu phải vượt qua những chướng ngại do sự hiểu biết
gây ra, một điều khác với khảo hướng của khoa học là luôn luôn dựa trên những
hiểu biết đã có để đi tìm các hiểu biết mới. Thứ hai là quan
điểm Phật giáo về trình độ ý thức (consciousness) của loài người so sánh với các
sinh vật khác, với vật chất vô sinh, cho tới các hạt nhân.
Khoa học, kể từ Einstein, đã nhìn ra thời gian chỉ là một kích thước mới của
không gian, điều này tư tưởng đạo Phật đã nhận định ra sao. Điểm sau cùng
là theo quan điểm Phật giáo, mọi vật đều là do biểu
hiện của tâm thức, thì như vậy có một thế giới hoàn toàn vật chất ở ngoài tâm
thức hay không?
Thiền sư Nhất Hạnh đã trình bầy cách nhìn của Phật giáo trước các
vấn đề trên, dựa trên sự phân biệt “sự thật tương đối” (tục đế) và “sự thật
tuyệt đối” (chân đế) trong truyền thống Phật giáo. Các độc giả quan tâm có thể tìm trong website
của Làng Mai (langmai.org hoặc plumvillage.org). Những
lời trình bầy của Hòa thượng Nhất Hạnh trong các khóa tu chỉ nhắm hướng dẫn các
các thiền sinh trong việc tu học hơn là chú trọng đến những kiến thức mà các nhà
nghiên cứu quan tâm.
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận là tác giả nhiều cuốn sách được phổ biến
rất rộng khắp thế giới về đề tài vũ trụ học.
Ông cũng viết chung với Matthieu Ricard, một tăng sĩ người Pháp tu theo truyền
thống Tây Tạng, cuốn L'Infini dans la paume de la main (Vũ trụ trong lòng bàn
tay), về tương quan giữa khoa học và đạo Phật. Matthieu Ricard vốn là một
nhà nghiên cứu về thần kinh học tại Trung Tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học nước
Pháp (CNRS, Centre National de Recherches Scientifiques) trước khi đi tu.
Hội tụ giữa Khoa học và
Đạo Phật
Tựa đề cuốn sách trên,
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận cho biết, là do câu thơ thứ ba trong đoạn đầu bài thơ
Auguries of Innocence của William Blake:
To see a world in a
grain of sand,
And a heaven in a wild flower,
Hold infinity in the palm of your hand,
And eternity in an hour.
(Nhìn thấy cả thế giới
trong một hạt cát - Và thiên đường trong một đóa hoa dại – Nắm vô cực trong bàn
tay của anh – Và vĩnh cửu trong một giờ khắc)
Khi cuốn sách này được
dịch sang tiếng Anh, ấn hành năm 2001, nhà xuất bản đã đề nghị đổi tựa: Lượng
Tử và Hoa Sen, The Quantum and the Lotus cho dễ phổ biến hơn.
Bài thuyết trình của
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận đối chiếu giữa quan điểm Phật Giáo về vũ trụ và nhân
sinh với các hiểu biết khoa học để nêu ra những tương đồng giữa hai bên; ông đặt
tựa là, Science and Buddhism: A Meeting of the Mind
(Khoa học và Phật Giáo: Cuộc Gặp gỡ tại Tâm). Sau đây là một
số điểm chính trong bài thuyết trình của ông.
Tương Tức
Một điểm được nêu lên
đầu tiên là tính chất tương tức, tương lập (interdependence) của “vạn pháp,” tức
là sự liên quan chằng chịt giữa mọi hiện tượng vật lý và tâm lý, theo lối nhìn
của Phật Giáo. Trong khoa học, Trịnh Xuân Thuận nhắc đến một hiện tượng được nêu
lên trong một bài do Boris Podolsky viết được in năm 1935 ký tên
Einstein-Podolsky-Rosen (EPR), để thách thức Vật lý học Lượng tử (Quantum
Physics). Vấn đề được nêu lên liên hệ tới hiện tượng vật lý trong phạm
vi
cực nhỏ bên trong các nguyên tử, gọi là những “hạt dính líu” (entangled
particles).
Nhiều nguyên tử bị kích thích phát ra hai hạt pho ton (photons)
đi về hai phía khác nhau. Những pho ton này có đặc tính nếu một cái bị
kích thích để xoay thì cái thứ hai cũng xoay theo một
chiều thẳng góc với cái thứ nhất, dù ở cách xa hàng ngàn dặm cũng vậy. Một cách
giải thích hiện tượng này theo Cơ học Lượng tử, coi như hai hạt pho ton đã
“thông tin” được với nhau, sẽ trái nghịch với Thuyết Tương Đối của Einstein vì
không có thông tin nào có thể đi nhanh hơn tốc độ ánh sáng. Do đó Einstein kết
luận Cơ học Lượng tử không giải thích được đầy đủ các hiện tượng vật lý và đề
nghị một lối giải thích khác. Các cuộc nghiên cứu và thí nghiệm sau này cho thấy
lối giải thích của EPR cũng không đứng vững; thí dụ, cuộc thí nghiệm của Alain
Aspect năm 1982 về những cặp pho ton cho thấy Einstein không đúng. Hiệu ứng “Hạt
Dính Líu” đã được dùng trong kỹ thuật thông tin và trong máy vi tính dựa trên
hiện tượng này, khi kích thích một pho ton có thể gây phản ứng của một pho ton
khác dù cách nhau vạn dậm, giúp cho máy vi tính lượng tử chạy nhanh hơn các máy
vi tính bình thường.
Khám phá “mọi hiện
tượng dính líu với nhau” như trên tương đồng với quan niệm Phật Giáo trong các
kinh điển Đại Thừa, như kinh Hoa Nghiêm đã diễn tả tính tương tức, tương nhập
của vạn pháp. Một đoạn trong Đệ Nhất Nghĩa Không Kinh (The Discourse on the
Emptiness in its Ultimate Meaning) được thuyết giảng trong khóa tu tại Làng Mai
lần này, viết: “thử hữu cố bỉ hữu; thử khởi cố bỉ khởi, …” (có cái này nên mới có cái
kia, cái này dấy lên nên cái kia dấy lên).
Theo Phật Giáo thì mỗi
sự vật, hiện tượng đều do các “nhân duyên” khác tạo thành, tất cả mọi vật, mọi
hiện tượng là nhân duyên lẫn của nhau (mutual causation). Hệ
luận của quan niệm này là tính tương lập của “vạn pháp,” không có cái gì tự làm
nguyên nhân duy nhất của chính nó.
Một hệ luận khác là thực tại (reality) trong vũ trụ có tính
toàn thể không thể phân chia được. Vật lý học hiện đại
cũng tiến tới một quan điểm tương tự. Như ông Trịnh Xuân Thuận nói một
cách văn vẻ: Vũ trụ Vật lý học hiện đại (Astrophysics) cho thấy là tất cả chúng
ta chỉ là những hạt bụi của các vì sao; chúng ta có cùng một lịch sử trong vũ
trụ giống như các loài hoa cỏ, các sinh vật khác. Trong thời gian và không gian, tất cả chúng ta tương lập với nhau.
Thông điệp chính yếu của khoa học, đặc biệt của cơ học lượng tử, là có một thực
tại sâu xa hơn những gì mà giác quan của chúng ta nhận thấy, một thực tại ẩn
tàng.
Khoa học đã gặp Phật Giáo trong lối nhìn này; nhưng sử dụng các
khảo hướng khác nhau. Khoa
học dùng “ngôn ngữ” toán học và dùng thí nghiệm thực tế để kiểm chứng. Phật Giáo dùng trực giác và kinh nghiệm tâm linh.
Nếu không có khoa học thì Phật Giáo vẫn tồn tại; mà nếu không
có Phật Giáo thì khoa học vẫn được phát triển.
Người ta không cần phải ràng buộc cả hai lại bằng bất cứ giá nào.
Điều chúng ta muốn hiểu là thấy được tính tương đồng nhất quán của hai bên.
Cả hai đều nói về một đối tượng là thực tại, và mỗi bên đều có tính chất nhất
quán (coherent) trong phạm vi
của mình; thế nào cũng có thể so sánh để thấy những điểm hội tụ giữa khoa học và
Phật Giáo.
Giáo sư Trịnh Xuân
Thuận cũng phân biệt: Mục đích của Phật Giáo có tính chất trị liệu
(therapeutic): Làm sao để sống tốt đẹp hơn, mục tiêu sau cùng là giác ngộ.
Trong khi đó khoa học nhằm tìm hiểu thế giới, khám phá các định luật chi phối cả
vũ trụ, những luật coi là bất biến trong vũ trụ, khiến người ta thấy vũ trụ có
một thứ trật tự, một hòa điệu và vẻ đẹp trong vũ trụ; chứ không phải chỉ là một
mớ hỗn độn (chaos). Trịnh Xuân Thuận là tác giả các cuốn sách mang tên
Giai điệu huyền bí (La Mélodie Secrète), Hỗn mang và Hòa điệu (Le
Chaos et l'Harmonie).
Einstein, cũng như
nhiều nhà khoa học khác, trong đó có những người khám phá cơ học lượng tử, đều
nói rằng Phật Giáo là một tôn giáo có khả năng phù hợp nhất với hiểu biết khoa
học. Thí dụ, trong khoa học người ta biết là ánh sáng vừa là những hạt nhân, vừa
là sóng. Làm sao một thứ có thể là hai dạng hoàn toàn khác nhau như
vậy ? Trong truyền thống tư tưởng Tây phương, lối nhìn
này không thể nào hiểu được.
Nhưng Phật Giáo có thể chấp nhận lối nhìn đó; bởi vì theo
Phật Giáo thì mọi vật đều không có tự tánh, cho nên có thể là một cái này mà
cũng là cái khác hẳn.
Tính Không
Vật lý học hiện đại cũng chia sẻ với Phật Giáo trong cách nhìn
thấy tính chất trỗng rỗng của vạn vật, gọi là Tính Không. Vật chất do các nguyên tử tạo thành, mà trong
các nguyên tử có thể nói là trống rỗng, với những hạt vận chuyển. Thuyết Cơ học
Lượng tử cho biết: Những hạt này, căn bản của mọi vật chất, có hai đặc tính; một
là hạt và hai là sóng. Trước khi đem các dụng cụ để quan sát, mỗi hạt chỉ có thể
được mô tả bằng một xác suất. Điều duy nhất mà chúng ta có thể biết và nói về
một hạt là nó có một xác suất sẽ hiện ra ở một chỗ này hay chỗ khác. Khi chúng
ta dùng khí cụ để đo lường, sẽ thấy mỗi hạt có một vị trí và một tốc độ, nhưng
bị giới hạn bởi Nguyên lý Bất định của Heisenberg: Không thể thấy cả hai đặc
tính đó cùng một lúc một cách chắc chắn. Trong phạm vi nghiên cứu nhỏ bên trong các nguyên tử, hành động của
người quan sát sẽ ảnh hưởng ngay đến vật được quan sát.
Khoa học hiện đại còn chưa biết thật sự vật chất trong vũ trụ này
nó thế nào, chúng ta chỉ biết được khoảng 4% về vũ trụ, còn 96% không hề biết gì
cả. Những gì chúng ta nhìn
thấy trên các giải ngân hà sáng trong bầu trời chỉ là nửa phần trăm của vũ trụ. Tất cả còn là một “giai điệu huyền bí.” Các nhà vật lý học đã
nói đến giả thuyết có một “năng lượng tối” gây ra sự thành hình của vũ trụ,
trong đó một phần là vật chất có trọng lực rất mạnh nhưng không phát ra một “ánh
sáng” nào có thể trông thấy được, mà người ta gọi là “vật chất tối.” Chúng ta
chưa biết gì về vật chất đen (hay tối) cũng như năng lượng đen (hay tối); chỉ
biết là nếu không có chúng thì khó giải thích sự phát sinh và tồn tại của vũ
trụ.
Các nhà khoa học chưa
biết đâu là biên giới nơi vũ trụ lớn gặp vũ trụ vi tiểu
trong đó các hạt và sóng lượng tử do nguyên lý bất định ngự trị, mà ra đến vũ
trụ vĩ đại thì nguyên lý đó không còn hiệu lực.
Mỗi ngày các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục đẩy biên giới của thế
giới lượng tử ra xa hơn, mở ra những chân trời mới.
Ông Trịnh Xuân Thuận
nhắc lại: Tất cả vật chất như trong chính cơ thể chúng ta đều bắt đầu được tạo
nên từ khi các vì sao phát sinh trong vũ trụ. Từ gần 4 tỷ năm
trước, những hạt bụi tinh cầu đó đã biến chuyển tạo ra những nguyên tố đầu tiên
của sự sống, rồi tiến hóa dần đến loài người. Tổ tiên
của tất cả chúng ta và các sinh vật khác là các vì sao; lịch sử vũ trụ cũng
chính là tiểu sử của chúng ta. Tất cả bắt đầu trước đây
14 tỷ năm, dần dần đưa tới sự xuất hiện của loài người và ý thức. Tìm
hiểu vũ trụ chính là đi tìm lại gia phả của chúng ta; quán sát các thiên hà cũng
là nhìn vào chính bản thân mình.
Chúng ta có thể quan
sát được hàng trăm tỷ thiên hà như giải Ngân Hà, mỗi thiên hà chứa hàng trăm tỷ
các vì sao giống như mặt trời. Nếu mỗi vì sao đó có chừng mươi
hành tinh giống như trái đất; thì chúng ta thấy ngay là không thể nghĩ rằng trái
đất nơi ta sống là hành tinh duy nhất có sự sống. Chắc
phải có cuộc sống với trí thông minh ở ngoài trái đất, họ cũng đang quán sát vũ
trụ như chúng ta. Einstein, một thần tượng của tôi,
Trịnh Xuân Thuận, phải lấy làm ngạc nhiên tại sao con người lại có khả năng tìm
hiểu cả vũ trụ; ông coi đó là “một điều khó hiểu nhất!”
Vô Thường
Một quan niệm căn bản
trong truyền thống Phật Giáo là tính Vô Thường (impermanence) của vạn pháp, mọi
sự vật, mọi hiện tượng. Trước đây, khoa học Tây phương đã bị ràng buộc trong
nhiều thế kỷ với khái niệm từ thời cổ Hy Lạp về tính bất biến của các hiện tượng
thiên văn; vì Aristote nói rằng cái gì thuộc về loài người thì thay đổi, phù du;
còn thế giới các thần linh, như các vì sao trên bầu trời thì vĩnh cửu và không
bao giờ thay đổi, bởi vì các vị thần linh đều hoàn hảo tuyệt đối. Vì vậy, vào
ngày 4 tháng Bẩy năm 1054, ban đêm trên bầu trời xuất hiện một thiên thể hoàn
toàn mới sáng rực, nó sáng như Kim Tinh, Vénus, ngay cả ban ngày mắt thường cũng
nhìn thấy, và kéo dài hàng mấy tuần lễ liền; nhưng các nhà thiên văn tài giỏi ở
Âu Châu thời đó không hề ghi nhận họ thấy “ngôi sao” mới này trong niên biểu
thiên văn học đương thời. Bởi vì theo quan niệm của họ
thì bầu trời của các vị thần linh là bất biến. Thiên thể trên,
có nguồn gốc là phần còn lại của một vụ nổ sao mà ngày nay chúng ta gọi là "Tinh
vân Cua."
Trong thời gian đó thì ở Trung Hoa người ta đã ghi nhận sự xuất
hiện của “ngôi sao” này, và họ đặt tên là “Sao Khách.” Di tích khảo cổ cho thấy
người Maya ở Mỹ châu cũng ghi nhận hiện tượng thiên văn này. Các nhà khoa học Âu Châu thời Trung Cổ tin tưởng ở lý thuyết vũ trụ
bất biến của Aristote hơn là tin vào chính mắt của họ.
Mãi đến thời Copernic, năm 1543, mới thuyết phục được các nhà
khoa học là vũ trụ có tính vô thường. Giáo sư Trịnh Xuân Thuận cười: “Các
nhà thiên văn Âu châu thời Trung Cổ tin vào lý thuyết vũ trụ bất biến của
Aristote hơn là tin ở chính con mắt họ.”
Vũ trụ luôn biến chuyển, không bao giờ ngưng.
Các vì sao cũng sinh ra, tàn lụi, rồi chết đi như tất cả chúng
ta, nhưng cuộc đời của một vì sao dài tính bằng hàng tỷ năm chứ không ngắn như
đời chúng ta.
Phật Giáo theo quan điểm vô thường. Như chúng ta nghĩ
đang “ngồi yên” trong thiền đường này thì thực ra chúng ta đang vận chuyển theo
trái đất chung quanh mặt trời với vận tốc 30 km một giây đồng hồ; mà mặt trời
cũng đang vận chuyển 220 km một giây quanh trung tâm của Ngân Hà; và chính thiên
hà này cũng đang tự quay với tốc độ 90 km mỗi giây ở nơi chúng ta đang sống. Tất cả đều vận chuyển, tất cả đều thay đổi, đó cũng là quan niệm vô
thường trong Phật Giáo.
Tôn giáo của tương lai
Ông Trịnh Xuân Thuận nhận xét, khoa học chỉ là một cửa sổ để
chúng ta nhìn thế giới. Muốn
hiểu biết thực tại chúng ta phải nhìn qua nhiều cửa khác.
Phật Giáo phân biệt hai loại sự thật, tục đế là những sự thật tương đối, chân đế
là sự thật tuyệt đối. Khoa học vẫn cố tìm đến sự thật tuyệt đối nhưng chưa tới được.
Mỗi lần nhà khoa học giải đáp được một câu hỏi thì hàng ngàn câu hỏi khác hiện
lên. Nếu dùng kinh nghiệm tâm linh đạt tới “giác ngộ,”
chúng ta có hy vọng nhìn thấy sự thật. Nếu không, vẫn là một “giai điệu huyền bí.”
Ông nghĩ rằng khoa học không thôi không thể mô tả đầy đủ sự thật; khoa học không
quá tự cao như vậy.
Kinh nghiệm tâm linh là con đường khác bổ túc cho khoa học. Dù
theo hai hệ thống lý luận khác nhau, Phật Giáo và Khoa học Vũ trụ đã gặp
gỡ trên nhiều điểm. Những nguyên lý Phật Giáo như tính tương lập
(interdépendance) của mọi sự vật, tất cả đều liên hệ với nhau và có duyên nhân
quả với nhau (mutual causality), về tính không (vacuity) và tính vô thường
(impermanence) của vạn pháp, đều tương đồng với kết luận của các nhà nghiên cứu
khoa học vũ trụ.
Tính tương lập của mọi vật trong vũ trụ giúp chúng ta suy nghĩ để
thấy hạnh phúc của mỗi người tùy thuộc vào mọi người khác và cả vạn vật chung
quanh. Từ đó, chúng ta phát khởi
lòng từ bi và ý thức phải bảo vệ các sinh vật cũng như những vật vô sinh trong
môi trường sống. Mỗi người không thể hạnh phúc nếu người
chung quanh không hạnh phúc. Đó là điều mà các tôn giáo
đều dậy chúng ta.
Cuối bài thuyết trình, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã đọc cho thính
chúng nghe một câu của Albert Einstein nói về tôn giáo thường được trích dẫn,
“Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ. Phải là một tôn giáo dựa trên thực chứng (based on experience)
và từ bỏ tính cách giáo điều (refuses dogmatic). Nếu có một tôn giáo đáp ứng
được nhu cầu khoa học hiện đại, thì đó là Phật Giáo (If there is any religion
that would cope with modern scientific needs it would be Buddhism).
Giới thiệu
Trước buổi thuyết trình, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã được một vị
tăng sĩ tại Làng Mai giới thiệu với đại chúng.
Ông sinh năm 1948 tại Hà Nội, đậu Tú tài năm 1966, rồi học một năm tại l’Ecole
Polytechnique de Lausanne, Thụy Sĩ. Sau đó ông đã theo học các đại học có tiếng
tại Hoa Kỳ, California Institute of Technology (Caltech), và Đại học Princeton,
nơi đã trao bằng Ph.D. cho ông vào năm 1974, về môn Vật lý học Vũ trụ
(astrophysics), dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Lyman Spitzer, người sáng chế viễn
vọng kính Hubble. Từ năm 1996 ông là giáo sư Vật lý Vũ trụ tại Đại học University of
Virginia tại Charlottesville. Ông cũng là giáo sư Đại
học Paris 7, làm việc tại Thiên văn đài Meudon, tại IAP (Institut
d’astrophysique de Paris) và Trung tâm Nghiên cứu Khoa học (CNRS) của nước Pháp.
Ông đã viết trên 230 bài tường trình khảo cứu trên đề tài chuyên khảo là sự hình
thành và tiến hóa của các thiên hà (galaxies); về sự tạo lập vũ trụ
theo lý thuyết “Vụ Nổ Lớn” (Big Bang). Một đóng góp của
ông được giới khoa học thảo luận với lòng thán phục là việc ông khám phá thiên
hà “trẻ nhất” trong vũ trụ, mang ký hiệu I Zwicky 18.
Ông là một trong số người sáng lập Hội Quốc tế Khoa học và Tôn giáo
(International Society for Science and Religion).
Là một người viết rất nhiều sách phổ thông về Vật lý học Vũ trụ;
tại Đại học Virginia ông Trịnh Xuân Thuận cũng dậy một lớp mang tên là “Vật lý
học Vũ trụ cho các Thi sĩ.” Ông đã xuất bản các tác phẩm phổ biến khoa học cho đại chúng,
viết bằng tiếng Pháp với một lối văn nhuần nhã, điêu luyện, đầy thi vị, chính
xác và trong sáng dễ hiểu. Các tác phẩm của ông đã được dịch
ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, được các tổ chức văn hóa quốc tế vinh danh.
Năm 2007 ông xuất bản cuốn Les voies de la lumière, được
trao Giải Moron của cựu Tổng thống Jacques Chirac. Năm 2009, tại Hội nghị Khoa học Ấn Độ (Indian
Science Congress) kỳ thứ 99 tại Bhubaneswar, ông được UNESCO trao tặng Giải
Kalinga Năm 2012, ông được Học Viện Pháp Quốc (Institut de France) trao Giải
Hoàn Cầu (Prix Mondial) Cino Del Duca. Đây là một giải hưởng văn chương rất uy
tín, khi chúng ta biết trong số những người được trao giải gần đây có các nhà
văn Mario Vargas Llosa (2008), Milan Kundera (2009) và Patrick Modiano (2010).
Giáo sư Trịnh Xuân
Thuận đã xuất bản các sách bằng tiếng Pháp sau đây: La Mélodie secrète (Fayard,
1988); Un astrophysicien (Beauchesne-Fayard, 1992), tự thuật; Le Destin de
l'Univers – Le Big Bang et après (Découvertes Gallimard, 1992); Le Chaos et
l'Harmonie (Fayard, 1998); L'Infini dans la paume de la main (Nil/Fayard 2000,
cùng với Matthieu Ricard); Origines, (Fayard, 2003); Les voies de la lumière
(Fayard, 2007).
Chân Văn (Đ. Q. Toàn) tường thuật