Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
TẬP QUÁN (THÓI QUEN) CÓ Ý NGHĨA THẾ NÀO ĐỐI VỚI VŨ TRỤ VẠN VẬT ?
Truyền Bình
08/11/2011 10:36 (GMT+7)

chất và tinh thần của con người. Rồi các thói quen khác như xây dựng nhà cửa, trang phục quần áo, chế biến ẩm thực, sáng tác thơ, nhạc, họa v.v…hình thành nếp sống văn hóa của một dân tộc. Nhưng trừ các bậc thánh trí, ít ai ngờ rằng tập quán còn có ý nghĩa cực kỳ sâu xa hơn nữa, nó hình thành nên mọi thứ, bao gồm cả vật chất, thế giới, văn hóa và tinh thần. Bài này có mục đích nghiên cứu ý nghĩa sâu xa nhất của tập quán.
Trước hết hãy nêu lên câu hỏi : Vật chất là gì ? ví dụ một ly nước là gì ? Các bài trước đã nghiên cứu, nước chẳng là gì cả, nó cấu thành từ quark, electron, đó là những hạt ảo, những loại hạt sơ cấp của vật chất. Bản chất của vật chất và năng lượng là một, chúng chỉ khác nhau về hình thức, vật chất có thể biến thành năng lượng theo công thức nổi tiếng của Einstein :
E (năng lượng) = M (khối lượng vật chất) x C2 (vận tốc ánh sáng)
Vì vận tốc ánh sáng là rất lớn, khi bình phương lên thì lại càng lớn cực kỳ. Thế nên một lượng vật chất nhỏ, chẳng hạn 1kg Uranium khi bị phá vỡ bằng hiện tượng phân hạch, tức phá vỡ hạt nhân của nó để tạo ra một vài loại nguyên tố khác, một phần nhỏ vật chất biến thành một năng lượng khổng lồ dưới dạng ánh sáng và nhiệt, người ta sử dụng nhiệt phát ra để đun sôi nước, hơi nước làm quay turbin phát điện, đó là điều đã được ứng dụng trong nhà máy điện nguyên tử để sản xuất điện năng. Có thể nói năng lượng (Energy) là hình thức phổ quát, chung nhất của tất cả các loại nguyên tố vật chất. Phần tử nhỏ nhất của năng lượng gọi là lượng tử (Quantum). Lượng tử cũng chỉ là hạt ảo, nó không hẳn là hạt, cũng không hẳn là sóng, có thuyết nói nó như sợi tơ trời rung động tạo ra các biểu hiện hạt cơ bản mà con người đã biết (Thuyết siêu dây- Superstring theory, dây là vật một chiều có kích thước Planck, tức 10-33 cm (mười lũy thừa trừ 33 centimét) đó là kích thước giới hạn của vật lý, kích thước nhỏ hơn của toán học chỉ là hữu danh vô thực) nhưng khi lượng tử xuất hiện dưới dạng cấu trúc vật chất (quark và electron) thì thành ra khoảng hơn 100 loại nguyên tố vật chất khác nhau trong vũ trụ như Hydrogen, Oxygen, Nitrogen, Carbon. Đây là 4 loại nguyên tố cơ bản hình thành chất sống của sinh vật. Ngoài ra còn nhiều nguyên tố khác như Sắt, Đồng, Chì, Kẽm, Magnesium, Nicken, Silic v.v…
Các nguyên tố vật chất như Hydrogen, Oxygen, Sắt, Đồng, Chì, Kẽm…là không có thật, chúng chỉ là lượng tử, nhưng được tập quán tức thói quen của tâm thức nhận thức là Hydrogen, Oxygen, Sắt, Đồng, Chì, Kẽm. Vậy vật chất chỉ là thói quen nhận thức chứ không phải có thật. Chính vì vậy, Phật giáo mới nói tới Triết học Tánh Không được trình bày trong bộ Trung Quán Luận của Long Thọ Bồ Tát. Huệ Năng cũng có nói “Bản lai vô nhất vật” cũng là ý đó. Vật chất chỉ là thói quen nhận thức của Tâm, điều này cũng được trình bày tường tận trong bộ Thành Duy Thức Luận của ngài Hộ Pháp mà Đại sư Huyền Trang đã phiên dịch ra Hán ngữ. Bộ Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh ngắn gọn chỉ có 260 chữ, cũng do Huyền Trang dịch ra Hán ngữ, mà các vị sư sáng chiều đều tụng, kể cả các vị sư đi tụng kinh đám ma cũng đều có tụng, nói rõ :
舍利子。是諸法空相。 不生不滅。不垢不淨不增不減。是故空中。無色。無受想行識。無眼耳鼻舌身意。無色聲香味觸法。無眼界。乃至無意識界。無無明。亦無無明盡。乃至無老死。亦 無老死盡。無苦集滅道。無智亦無得。以無所得故。菩提薩埵。依般若波羅蜜多故。心無罣礙。無罣礙故。無有恐怖。遠離顛倒夢想。究竟涅槃
Xá-Lợi-Tử! thị chư pháp không tướng, bất sinh , bất diệt, bất cấu , bất tịnh, bất tăng , bất giảm.
Thị cố không trung vô sắc, vô thọ , tưởng , hành , thức.
Vô nhãn , nhĩ , tỵ thiệt , thân , ý ; vô sắc ,thanh , hương , vị ,xúc , pháp ; vô nhãn giới ,nãi chí vô ý thức giới.
Vô Vô minh diệc , vô Vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận.
Vô Khổ , Tập , Diệt , Đạo , vô Trí diệc vô Đắc, dĩ vô sở đắc cố , Bồ-đề-tát-đỏa, y Bát-nhã Ba-la-mật–đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng-bố, viễn ly điên đảo mộng-tưởng, cứu cánh Niết-Bàn.
(Này Xá Lợi Phất, các pháp đều là không có thật, không sinh, không diệt, không dơ, không sạch, không tăng, không giảm. Vì trong cái không, không có vật chất; không có thọ, tưởng, hành, thức; không có mắt tai mũi lưỡi thân ý; không có sắc thanh hương vị xúc pháp; không có cảnh giới của cái thấy, cho đến không có cảnh giới của ý thức. Không có vô minh, cũng không có hết vô minh, cho đến không có già chết, cũng không có hết già chết. Không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo, không có Trí, cũng không có Đắc. Vì không có Sở Đắc, Bồ Tát dựa vào Trí Bát Nhã, Tâm không dính mắc, vì không dính mắc, không có sợ hãi, xa rời điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết Bàn).
Tóm lại ý kinh nói không có gì là thật cả, tất cả chỉ là huyễn ảo mà người tu không nên dính mắc kể cả cứu cánh Niết Bàn, Niết Bàn cũng không có thật. Qua Kinh điển, cũng như qua khảo sát khoa học, chúng ta thấy rằng toàn bộ thế giới vật chất và tinh thần đều là ảo hóa, không có thật. Sự ảo hóa đó không chỉ về mặt thấy và nghe (như chúng ta hiện đang chứng nghiệm với thế giới ảo vi tính) mà còn bao trùm nhiều mặt khác sâu xa hơn như ngửi, nếm, tương tác tiếp xúc, tiêu hóa tăng trưởng. Tóm lại lục căn tiếp xúc với lục trần sinh ra lục thức, tất cả 18 cảnh giới đều là ảo hóa. Bởi vậy, dù cho có mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân thể tiếp xúc, ăn uống, tăng trưởng, có ý thức rõ ràng, đó cũng không phải là sự thật hoàn toàn, bởi vì xét đến tận cùng, tất cả chỉ là nhân duyên kết hợp, không một cái gì có thực thể, kể cả hư không cũng không có thực, tất cả đều nằm trong tâm thức tưởng tượng mà Phật giáo gọi là thế lưu bố tưởng. Vì tất cả chỉ là sự biến hiện được tâm nhận thức nên trong tác phẩm Thành Duy Thức Luận do đại sư Huyền Trang biên dịch, tác giả, ngài Hộ Pháp ( Dharmapala, 530-561) đã kết luận một câu để đời “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”. Tất cả chỉ là tâm thức mà thôi. Tâm thức đã tập thành thói quen nhiều đời nhiều kiếp để nhận thức và định danh thế này là con trâu, thế kia là con ngựa, thế nọ là con người; thế này là tốt, thế kia là xấu; thế này là khô ráo, thế kia là ướt át. Ví dụ ta xem phim thấy cảnh mưa gió lụt lội, cho đó là ướt át, thấy cảnh sa mạc nóng cháy, cho đó là khô ráo. Kỳ thực ướt át hay khô ráo đều không có thật, đó chỉ là tâm cảnh, không có vật cảnh, bởi vì không một vật nào có thực thể. Nhiều người thấy giống nhau, đó là vì cộng nghiệp của họ giống nhau, chứ không phải có thực thể giống nhau ở ngoại cảnh. Điều này hoàn toàn trái với nhận thức của khoa học cho rằng vật chất là có thật, bởi vì trình độ của khoa học gia là có hạn, dù là người tài giỏi như Einstein, vẫn là có hạn chế. Cuộc khủng hoảng của ngành Vật lý học hiện nay, khi con người đã đi tới nhận thức về cơ học lượng tử, đã thực nghiệm về hiện tượng rối lượng tử (Quantum Entanglement) nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới mới té ngữa ra rằng họ đã xây dựng lâu đài khoa học trên cát. Vật chất được hình thành từ lượng tử, mà lượng tử chỉ là hạt ảo, chỉ có trong nhận thức chứ không phải là vật thật, ngay cả nguyên tử cũng không phải là vật. Heisenberg, (1901-1976 nhà vật lý lý thuyết người Đức, người phát minh ra nguyên lý bất định, nói: “Atoms and elementary particles…form a world of potentialities or possibilities, rather than one of things or facts…atoms are not things” (Nguyên tử và các hạt cơ bản…hình thành một thế giới tiềm thể hay có khả năng hiện hữu, chứ không phải một thế giới của vật thể hay sự vật có thật…Nguyên tử không phải là vật).
Để hiểu rõ thêm thói quen nhận thức tạo thành vật như thế nào, hãy xem bức hình dưới đây :

Nhìn khái quát thì đây là cội cây, nếu nhìn và tưởng tượng thêm chút xíu thì thấy cả chục gương mặt người trong đó.
Đó là ví dụ cho thấy thói quen tưởng tượng tạo ra vật, thói quen càng hằn sâu bao nhiêu thì vật càng rõ ràng bấy nhiêu. Quá trình nhận thức là so sánh vật bên ngoài với ký ức, vật nào quen thuộc sẽ được nhận ra ngay tức thì, còn vật nào ít gặp thì sẽ mất nhiều thời gian hơn, ví dụ người quen mấy chục năm không gặp có thể không còn nhận ra hoặc phải mất một thời gian định tâm, đối chiếu, gợi nhớ mới nhận ra được. Thói quen không chỉ ở ý thức, nó còn ở rất sâu trong tiềm thức, nó dính dáng tới cả 6 giác quan (lục thức) chứ không phải chỉ ở thấy và nghe. Bên ngoài là những cấu trúc ảo, bên trong là ký ức và ý thức, đó chính là cơ chế tạo ra vật và tạo ra thế giới, tạo ra văn hóa và đời sống của muôn loài, mà cao cấp nhất, phong phú nhất là con người.
Nếu thói quen bị tẩy sạch, kể cả ý thức lẫn tiềm thức thì vật không còn hiện hữu. Đó là lý do tại sao Trương Bảo Thắng có thể đi xuyên qua bức tường, bởi vì anh ta có thể chủ động bỏ qua thói quen nhận thức cho rằng anh ta có một thân thể và có một bức tường ngăn cách. Kinh nói khi các vị Bồ Tát tẩy sạch tập khí (tập quán hay thói quen) không còn gì dính mắc thì tất cả đều là không, như đoạn kinh đã dẫn trên, thân ngũ uẩn cũng không, tất cả 18 giới cũng đều không. Bồ Tát tự nhiên có đầy đủ thần thông, không còn gì trở ngại, có thể sinh tử tự do, muốn đi tới cảnh giới nào cũng được. Tưởng cũng cần nói rõ thêm rằng vạn pháp duy thức có nghĩa là tất cả đều là thông tin, kể cả vật chất và năng lượng. Lượng tử chính là đơn vị thông tin tự nhiên của thế giới, của vũ trụ vạn vật, cũng như bit và byte là đơn vị thông tin của tin học do con người sáng tạo. Bồ Tát có thể sử dụng lượng tử để tạo ra tức thời mọi vật thể để đáp ứng một nhu cầu bức thiết nào đó mà không thể chờ đợi con người tạo thành theo phương thức thông thường mất nhiều thời gian và cần nhiều điều kiện. Ví dụ Kinh điển Thiên Chúa giáo có kể chuyện, trong một buổi giảng đạo bên hồ Galilea có năm ngàn đàn ông tham dự, chưa kể đàn bà và trẻ con, họ đói, nhưng người thân cận của Chúa Jesus chỉ có 5 ổ bánh mì và 2 con cá, không thể chờ đợi ai mang thực phẩm đến để cho cả hơn năm ngàn người ăn no bụng, Jesus đành phải hiển lộ thần thông, đã bẻ bánh và cá chia cho tất cả những người tham dự buổi giảng đều được ăn no bụng. Tức là Jesus đã dùng sức mạnh tâm linh, sử dụng lượng tử có sẵn vô lượng trong không khí, trong nước hồ Galiea để tạo thành rất nhiều bánh, sau khi đã chia cho tất cả ăn no bụng, vẫn còn dư lại 12 giỏ bánh.
Thiết tưởng cũng nên đề cập ở đây một vấn đề rất cốt lõi về mặt nhận thức, đó là không gian, thời gian và số lượng vật chất cũng là do thói quen tâm thức tạo ra chứ chẳng phải có thật. Nói khoảng cách không gian không có thật, chắc là không ai có thể tin nổi, chẳng lẽ khoảng cách từ Sài Gòn ra Hà Nội là không có thật hay sao ? Thật là không thể tưởng tượng nổi ! Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể chứng minh bằng lý trí. Không gian tùy thuộc vào tốc độ, chính vì tốc độ của chúng ta bị hạn chế nên mới cảm thấy có không gian. Ta đi bộ trung bình khoảng 3km/giờ, đi xe đạp 10km/g, đi xe hơi 60km/g, đi máy bay 800km/g…luôn luôn cần phải mất một khoảng thời gian để vượt qua một khoảng cách không gian, chẳng hạn đi máy bay từ Sài Gòn ra Hà Nội vượt quãng đường khoảng 1500km, phải mất 1giờ 45 phút. Ta cảm nhận khoảng cách như ngắn lại vì máy bay đi khá nhanh. Bây giờ nếu ta lên mạng internet, nói chuyện trực tuyến với một người bạn bên Mỹ, vì tín hiệu truyền đi quá nhanh với tốc độ 300.000km/giây, khoảng cách 20.000km tín hiệu chỉ mất 1/15 giây đã tới, ta không cảm nhận được, vì vậy cảm thấy tức thời, nhìn hình ảnh đối phương sống động trước mắt, nghe tiếng nói rõ ràng và tức thời, ta cảm thấy khoảng cách không gian không còn nữa, mọi nơi trên thế giới đều như nhau, mọi khoảng cách đều triệt tiêu. Chính vì khoảng cách đã không còn nên con người hiện nay thích thú ứng dụng điện toán đám mây. Chẳng hạn tôi ở Việt Nam, nhưng tôi lưu trữ dữ liệu trong ổ đĩa Skydrive của Windows Live bên Mỹ. Khi tôi đi bất cứ nơi đâu trên thế giới, vào bất cứ lúc nào, tôi đều có thể lấy dữ liệu của mình ra dùng từ bất cứ chiếc máy tính nào có nối mạng. Mà việc nối mạng hiện nay có thể thực hiện bằng đường truyền ADSL, bằng WiFi, hoặc bằng 3G, điều đó cho phép tôi và những người mà tôi muốn chia sẻ dữ liệu, có thể lấy được dữ liệu bất cứ ở đâu : tại nhà, ngoài đường, trong quán cà phê, ở vùng nông thôn xa…Tôi chỉ cần mang theo cái netbook hoặc máy tính bảng hay chỉ một cái smartphone (điện thoại thông minh) nhỏ xíu. Tôi cũng có thể chia sẻ dữ liệu, thư từ, nói chuyện trực tiếp qua Skype (miễn phí) với bạn bè hay người thân ở bất cứ phương trời nào trên thế giới. Tại sao tôi làm được như vậy ? Bởi vì với vận tốc truyền thông tin 300.000km/giây, tất cả mọi khoảng cách không gian trên địa cầu đều không còn nữa, đó là điều rõ ràng và hiện thực chứ không phải nói suông, mọi người đều có thể thực nghiệm.
Thế còn khoảng cách mênh mông trong không gian vũ trụ xa hàng tỷ năm ánh sáng thì sao ? Hiện tượng rối lượng tử (quantum entanglement) cho ta câu trả lời thật rõ ràng : số lượng, thời gian , không gian đều không có thật. Một photon có thể xuất hiện đồng thời ở nhiều vị trí khác nhau trong không gian vũ trụ, không gian đó chỉ là do tâm thức tưởng tượng ra chứ không có thật, bởi vì thí nghiệm tại Thụy Sĩ đã cho thấy hai vị trí cách nhau 18km nhưng khi photon ở vị trí này bị tác động thì lập tức photon ở vị trí kia bị tác động y hệt, không mất chút thời gian nào, chẳng lẽ tín hiệu có thể truyền đi nhanh hơn ánh sáng gấp hàng triệu lần ? Sinh thời, Einstein rất bối rối trước hiện tượng này và không có lời giải đáp, ông gọi đó là tác động ma quái từ xa (Spooky action at a distance). Thật ra câu trả lời đã có sẵn trong Kinh Phật từ lâu rồi : không gian vũ trụ không có thật, vạn vật cũng không có thật, chỉ là do tâm thức biến hiện mà thôi (Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức). Đối với Phật, Bồ Tát, không bị hạn chế bởi tốc độ, chỉ một niệm là đến thì khoảng cách không gian vũ trụ mênh mông kia là không tồn tại. Vì vậy Phật còn có danh hiệu là Như Lai nghĩa là không đi không đến, vì Phật hiện diện khắp không gian, khắp thời gian.
Tóm lại chính thói quen của tâm thức tạo thành không gian vũ trụ, vạn vật, con người, thế giới, văn hóa. Nếu cố chấp là thế giới có thật, vật chất có thật…thì sinh lão bệnh tử, bát khổ, thiên tai hoạn nạn, chiến tranh, áp bức, bất công sẽ có lý do gây đau khổ triền miên cho con người. Tu hành là sửa đổi tập quán mê muội đó một cách sâu xa tận tiềm thức mà Phật giáo gọi là a-lại-da thức. Giác ngộ là nhận ra và tự mình thân chứng tất cả chỉ là không, thì sẽ thoát khỏi tất cả mọi khổ ách. Tuy vậy bậc thánh trí giác ngộ không còn cố chấp, tức là không lọt vào tứ cú (có, không, vừa có vừa không, chẳng có chẳng không) không cố chấp bất cứ chỗ nào, trạng thái đó Kinh Kim Cang diễn tả bằng câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” (Không có chỗ trụ thì xuất hiện cái tâm ấy). Thiền gọi là kiến tánh thành Phật. Bậc thánh vẫn có thế lưu bố tưởng, tức cái thấy và cảm nhận bình thường như mọi người, nhưng không còn trước tưởng, tức cố chấp vào một cú nào đó trong tứ cú, vì vậy tự nhiên mà đạt tới vô sở đắc, vô sở cầu, vô sở úy và không còn khổ nữa.

Truyền Bình

Các tin đã đăng:
Về đầu trang