Với
tư cách là con đường giải thoát mối quan tâm cuối cùng của nhân loại,
Phật giáo là một hệ thống tín ngưỡng, triết học khổng lồ và phức tạp,
cũng là một hệ thống giá trị. Đã 2.500 năm nay Phật giáo trở thành tín
ngưỡng tinh thần của hàng trăm triệu dân, quãng thời gian dài đó chứng
tỏ sức sống và giá trị vĩnh hằng của Phật giáo. Song cũng cần thấy là
việc tái tạo giá trị, phát huy tác dụng của Phật giáo trong xã hội tương
lai như thế nào vừa là một vấn đề lí luận khó khăn và lớn lao lại vừa
là một vấn đề thực tiễn nghiêm túc và bức thiết.
Giá
trị hiện đại của Phật giáo quyết định bởi tác dụng của nó đối với xã
hội loài người trong thế kỉ XXI. Trong khi đạt được những tiến bộ chưa
từng có, loài người lại có những biện pháp có thể hủy diệt trái đất. Kẻ
đe dọa sự sinh tồn và phát triển của xã hội loài người cũng chính là
loài người. Các hiện tượng tiêu cực tồn tại trong xã hội hiện nay như
khủng hoảng lòng tin, đạo đức bại hoại, mất lương tâm đang mang lại thời
cơ lịch sử chưa từng có để Phật giáo điều chỉnh tâm linh con người,
tiến tới điều chỉnh mối quan hệ người-người, người-thiên nhiên, vì triết
học Phật giáo vốn có tư tưởng chỉnh thể về vũ trụ, tinh thần nhân văn
tôn giáo theo đuổi sự siêu việt sinh mệnh.
I. Đặc điểm cơ bản, mâu thuẫn cơ bản của xã hội loài người trong thế kỉ XXI.
Công
cuộc hiện đại hóa với tiêu chí là công nghiệp hóa bắt đầu từ thập niên
60 thế kỉ XVIII phát triển rất không đồng đều tại các nước, có nước đã
hoàn thành công nghiệp hóa, một số ít nước vẫn còn ở trong tình trạng xã
hội nông nghiệp. Từ thập niên 70 thế kỉ XX trở lại, sự phát triển của
thế giới lại có bước ngoặt lớn là kinh tế tri thức trỗi dậy, kinh tế
công nghiệp sụt giảm. Trong xã hội tri thức, yếu tố nòng cốt của sản
xuất là tri thức. Thời đại tri thức đánh dấu sự hiện đại hóa mới, dùng
tri thức hóa thay cho công nghiệp hóa. Vùng ven biển Trung Quốc đã hoàn
thành công nghiệp hóa, bắt đầu tiến trình tri thức hóa. Kinh tế tri thức
với ba đặc điểm là tin học hóa, mạng hóa và toàn cầu hóa, sẽ có ảnh
hưởng lớn đối với sự phát triển của loài người.
Trong
xã hội hiện nay, của cải vật chất và ham muốn vật chất cùng tăng trưởng
nhanh chóng, có người thường coi nhẹ giá trị nội tại tự thân và đời
sống tinh thần, thậm chí đánh mất nhân tính và giá trị con người. Trống
rỗng tinh thần, nghèo nàn tâm linh là sự khủng hoảng tinh thần nhân văn,
khủng hoảng giá trị. Nó trở thành trở ngại lớn đối với sự tiến bộ của
loài người. Lòng ham muốn và nhu cầu của con người chịu sự chi phối của
quan niệm giá trị nhất định, nếu nó dừng lại lâu dài trên tầng nấc hưởng
thụ vật chất thì sẽ hình thành sự tiêu dùng xấu đồng thời đem lại sự
phát triển xấu, do đó ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của xã hội,
làm cho đời sống tinh thần u mê, hạ thấp tố chất quốc dân.
Toàn
cầu hóa kinh tế đẩy mạnh sự phát triển kinh tế thế giới và dự báo
chuyển sang thời đại loài người sống dựa vào nhau nhiều hơn. Sự phát
triển của các công ti xuyên quốc gia đã tăng mạnh phân hóa giàu nghèo.
Các nước giàu chiếm 86% GDP toàn cầu và 82% giá trị xuất khẩu, các nước
đang phát triển đông dân hơn mà tương ứng chỉ chiếm có 14% và 18%. Một
thế giới giàu nghèo cách nhau quá xa sẽ không ổn định, không an ninh.
Kinh
tế toàn cầu hóa sẽ làm tăng sự căng thẳng xã hội, như sự cạnh tranh
giành việc làm, tranh nhân tài, cạnh tranh giữa các quốc gia. Ngoài ra,
xung đột chủng tộc và tranh chấp dân tộc nơi này nơi khác đều xảy ra, có
lúc gây ra chiến tranh cục bộ.
Việc
đẩy nhanh tiến trình toàn cầu hóa kinh tế và hình thành mạng thông tin
toàn cầu sẽ tăng tốc quá trình va chạm và giao lưu văn minh Đông-Tây,
giao lưu tôn giáo. Mặt khác, một số phái tôn giáo cực đoan duy ngã độc
tôn, bài xích tôn giáo khác gây ra sự xung đột tôn giáo, thậm chí xung
đột bạo lực. Tôn giáo trở thành một nhân tố quan trọng trong đời sống
chính trị quốc tế. Làm thế nào để hóa giải sự xung đột tôn giáo đang là
một vấn đề lớn mà các tín đồ tôn giáo trên thế giới cần giải quyết.
Khoa
học kĩ thuật (KHKT) thế giới đã có sự phát triển chưa từng có, loài
người đã vươn tới các vì sao cách trái đất 18 tỉ năm ánh sáng, đã khám
phá bí mật của gien. Song KHKT là con dao hai lưỡi, nó có thể tạo phúc
và hủy diệt nhân loại. Môi trường sống của con người đang bị phá hoại
nghiêm trọng, trái đất nóng lên, khủng hoảng thiếu năng lượng, thiếu
lương thực, bùng nổ dân số, v.v… đang làm loài người ngày càng khó khăn.
Đây là một mâu thuẫn lớn của xã hội nhân loại trong thế kỉ XXI.
II. Tư tưởng cơ bản của triết học Phật giáo
Triết
học Phật giáo có nhiều tư tưởng thích hợp với sự phát triển của xã hội
nhân loại, trong đó quan trọng nhất gồm mấy tư tưởng sau đây.
1. Duyên khởi
Trên
các bức tượng Phật và bên trong các tòa tháp Phật giáo thường khắc
“Pháp thân kệ”, với nội dung: “Nhược pháp nhân duyên sinh, pháp dịch
nhân duyên diệt; thị sinh diệt nhân duyên, Phật đại sa môn thuyết”. ở
đây “Phật đại sa môn” là tôn xưng của Phật Đà. Câu nói trên tuyên truyền
ý: vạn pháp vũ trụ đều dựa theo nhân duyên mà sinh diệt, kể cả ngoại
cảnh mặt vật chất và tâm thức mặt tinh thần, đều do “duyên” mà sinh ra,
tức sự hòa hợp nguyên nhân hoặc điều kiện, duyên đến (“tập”) thì pháp
sinh, duyên đi (“khứ”) thì pháp diệt. Đây là tư tưởng cơ bản của thuyết
Duyên khởi.
Duyên
khởi là tư tưởng cơ bản nhất, giáo lí cơ bản nhất của Phật giáo; nó thể
hiện cách nhìn căn bản của Phật giáo đối với đời người, với tồn tại và
sinh mệnh. Tư tưởng Duyên khởi là cơ sở triết học của giáo thuyết cụ thể
và tư tưởng quan trọng của Phật giáo, như Nhân quả, không hữu, trung
đạo, bình đẳng, từ bi, giải thoát, v.v… Nói cách khác, các giáo thuyết
cụ thể và tư tưởng quan trọng của Phật giáo đều là sự triển khai của tư
tưởng Duyên khởi. Thuyết Duyên khởi khác với thuyết Vô nhân (không có
nguyên nhân), thuyết Ngẫu nhiên, thuyết Thần tạo và thuyết Định mệnh
(“Túc mệnh luận”); nó là một luận thuyết tương đối hợp lí về sự sinh
thành diễn biến và về bộ mặt vốn có của thế giới. Duyên khởi luận là thế
giới quan độc đáo của Phật giáo, là đặc sắc lớn nhất và đặc trưng căn
bản để phân biệt Phật giáo với các tôn giáo khác.
Tư
tưởng Duyên khởi của Phật giáo chứa đựng hai tư tưởng quan trọng là
“quan hệ” và “quá trình”; tư tưởng Duyên khởi là thế giới quan của
thuyết quan hệ, thuyết quá trình.
Phật
giáo Trung Quốc đã phát triển thuyết Duyên khởi, như thuyết “Tính cụ”,
thuyết “Thập giới hỗ cụ” của Thiên Đài tông, thuyết “Tính khởi”, thuyết
“Sự vật vô ngại” và thuyết “Một tức là tất cả, tất cả tức là một” của
Hoa Nghiêm tông, đều nhấn mạnh một sự vật thì có mối quan hệ hàm nhiếp
(thay mặt) mà vô ngại với các sự vật khác, giữa các sự vật thì có mối
quan hệ Duyên khởi cùng là Duyên của nhau. Xét về tầng nấc tư duy lí
luận thì đây là sự suy đoán mộc mạc mà thiên tài về nguyên lí thể cộng
đồng vũ trụ.
Duyên
khởi là một mối quan hệ, cũng là một quá trình. Phật giáo cho rằng do
vạn vật trong vũ trụ đều là Duyên khởi nên đều có tứ tướng sinh, trú,
dị, diệt, là một quá trình không ngừng biến dị. Cũng vậy, con người sống
trong quá trình sinh, lão, bệnh, tử và sinh tử lưu chuyển. Cần thừa
nhận tư tưởng quá trình đó hàm chứa tư tưởng vận động, biến hóa, phát
triển, nên coi đó là biểu hiện của tư duy biện chứng.
2. Nhân quả
Duyên
khởi nói nhân duyên hòa hợp mà sinh ra “quả”. Cái có thể sinh kết quả
là Nhân, cái do nguyên nhân mà sinh là kết quả. Về thời gian thì Nhân
trước, Quả sau. Nhân quả tồn tại trong diễn biến trước sau nối nhau,
trong sự hòa hợp liên quan đến nhau. Có nguyên nhân thì tất có kết quả;
có kết quả tất có nguyên nhân. Mọi sự vật đều biến đổi sinh diệt theo
phép Nhân quả. Luật Nhân quả là lí luận cơ bản Phật giáo dùng để giải
thích mối quan hệ tương hỗ của mọi sự vật.
Dựa
vào phép Duyên khởi, Phật giáo tiến thêm một bước đưa ra tư tưởng Nhân
quả báo ứng nhằm giải thích mối quan hệ giữa hoạt động thân tâm (thể xác
và tinh thần) của các chúng sinh với kết quả. Về luân lí, tư tưởng này
trình bày thuyết thiện có thiện báo, ác có ác báo, tức thiện nhân lạc
quả, ác nhân khổ quả. Học thuyết đó cho ta cơ sở tư tưởng vững chắc và
hữu hiệu để quảng đại tín đồ tu trì đạo đức bỏ ác theo thiện.
Phật
giáo cho rằng hoạt động thân tâm của chúng sinh không những đem lại quả
báo cho cuộc sống của chính mình mà còn mang lại quả báo cho không
gian, môi trường sinh tồn của sinh mệnh; từ đó lại chia quả báo ra làm
hai loại “Chính báo” và “Y báo” (“y”: dựa vào, theo). Chính báo là nói
thân tâm chúng sinh chiêu cảm được dựa theo nghiệp nhân trong quá khứ,
tức sự tồn tại sinh mạng cụ thể là chủ thể, là chính thể của quả báo
trực tiếp. Y báo là nói sự tồn tại sinh mệnh chúng sinh chiêu cảm được
dựa theo túc nghiệp trong quá khứ; sự tồn tại đó dựa vào ngoại vật, hoàn
cảnh, gồm quần áo, nhà ở, đất đai sông núi và toàn bộ thế giới xung
quanh. Nói tóm lại, Chính báo chỉ chúng sinh, chúng sinh thế gian; Y báo
chỉ nơi chốn chúng sinh dựa vào, tức quốc thổ thế gian. Phật giáo còn
cho rằng bối cảnh thời đại, môi trường sống, quốc thổ, núi sông đều là
quả báo do đa số chúng sinh cùng chiêu cảm được, gọi là “Cộng Báo”. Các
tư tưởng quả báo này của Phật giáo thể hiện sự hiểu rõ mối quan hệ Duyên
khởi đối với mối quan hệ tương hỗ giữa thế giới chủ thể và thế giới
khách thể, thế giới chủ quan và thế giới khách quan, thể hiện sự quan
tâm đối với kết quả hoạt động của các loại chúng sinh, sự quan tâm đối
với môi trường tự nhiên, môi trường sống, môi trường sinh thái.
Những
người Thiên Đài Tông còn từ góc độ tu trì thực tiễn đề ra thuyết “Nhân
quả bất nhị” , tuyên truyền: con người ở Nhân vị và Phật ở Quả vị, về
bản chất không có gì khác biệt, khuyến khích người thường (phàm phu) tu
trì thành Phật. Lại đề xuất thuyết “Y chính bất nhị”, cho rằng Phật thân
là Chính báo, Phật thổ là Y báo, Phật thân và Phật thổ bất nhị, Chính
báo và Y báo bất nhị, hai cái đó cùng nhau thay mặt cho “Nhất niệm tam
thiên”, mà quy về nhất tâm.
3. Trung đạo
Đó
là con đường Trung chính (chính giữa) không lệch về bên nào, vượt trên
(“siêu việt”) sự cực đoan, lệch về hai bên hữu vô (“không”), nhất dị,
khổ lạc, yêu ghét. Trung đạo là lập trường căn bản và đặc sắc cơ bản của
Phật giáo. Thích Ca Mâu Ni phản đối thuyết Thần ngã của đạo Bàlamôn; về
lí luận đề xuất phép Duyên khởi “Thử hữu bỉ hữu, thử sinh bỉ sinh”,
“Thử vô bỉ vô, thử diệt bỉ diệt”, từ đó nhấn mạnh “Li vu nhị biên,
thuyết vu Trung đạo”. Cũng tức là nói dựa theo thuyết Duyên khởi bất hữu
bất vô, bất nhất bất dị, bất thường bất đoạn, bất lai bất khứ. Trong
thực tiễn, Thích Ca Mâu Ni đề xuất “Bát Chính đạo”, vừa phản đối chủ
nghĩa khoái lạc lại phản đối chủ nghĩa khổ hạnh, đề xướng Trung đạo hạnh
bất khổ bất lạc, tức tư duy, lời nói, hành vi, ý chí, đời sống, v.v…
của con người đều nên hợp lí vừa phải, giữ ở mức ở giữa không lệch bên
nào.
Không
và Hữu (có) là hai cách nhìn cơ bản của Phật giáo đối với vũ trụ nhân
sinh. Phật giáo dạy Pháp có thể không nói ra Không (“thuyết bất xuất
không”), là có hai nghĩa; sau khi có Đức Thích Ca, nội bộ Phật giáo dần
dần diễn hóa thành hai tông Không, Hữu. Trong Phật giáo Tiểu thừa, hệ
Câu Xá là Hữu tông, hệ Thành Thực là Không Tông. Phật giáo Đại thừa cũng
chia làm hai hệ thống lớn. Trung Quan học phái là Không tông, Du Già
(Yoga) hành phái là Hữu tông. Hai tông Không, Hữu đều thừa nhận lập
trường lí luận cơ bản Duyên khởi tính Không; chỉ là triển khai theo lí
luận cơ bản này; nói một cách tương đối thì Không tông tương đối nhấn
mạnh mặt tính Không của chư pháp, Hữu tông thì tương đối nhấn mạnh mặt
Hữu của chư pháp với tư cách là hiện tượng Duyên khởi.
Vì
vạn pháp là Duyên khởi, được xác định trong mối quan hệ, cho nên có
tính “Vô ngã”, tức vừa không có Tự tính, không có tính thực thể, cũng
tức là bản tính, bản chất là Không. Đây là bản nghĩa của Không. Vạn pháp
nếu đã xác lập trong mối quan hệ cũng tất nhiên là một quá trình biến
đổi hỗ động, có tính “Vô thường”, sinh diệt vô thường, cũng là Không. Từ
đó có thể nói do Duyên khởi mà tính Không, Duyên khởi tức tính Không,
Duyên khởi và tính Không là đồng nghĩa ngữ.
Không
lại chia làm hai loại Nhân không và Pháp không. Nhân không còn gọi là
Ngã không, là sự nhân vô tự tính của chủ thể; Pháp không là sự pháp vô
tự tính của khách thể. Về vấn đề chư pháp có hay không có thực thể, tức
cách nhìn mối liên hệ và khu biệt Duyên khởi với Thực hữu, sự vật với tự
tính, hiện tượng với bản chất. Đây là vấn đề vô cùng phức tạp. Tuy rằng
nói về tổng thể thì các phái Phật giáo đều thừa nhận thuyết Duyên khởi
tính Không..
Từ
các điều nói trên có thể hiểu: xét về mặt hiện tượng, Duyên khởi pháp
là tồn tại, là Hữu); xét về mặt bản chất của Duyên khởi pháp, là không
tồn tại, là Không. Hữu và Không là cách nhìn hai mặt với một sự vật.
4. Bình đẳng
Phật giáo tuyên truyền và đề xướng bình đẳng; nói khái quát, hàm nghĩa của bình đẳng có 4 tầng nấc:
a) Bình đẳng giữa người với người.
“Tăng nhất A hàm kinh” quyển 37 cho rằng 4 hạng người (“Tứ chủng tính”)
trong xã hội ấn Độ cổ là Bàlamôn, Sát đế lợi, Khuyển xá và Thủ đà la
nên bình đẳng với nhau, phản đối dựa vào chủng tính và đẳng cấp để bàn
luận sự cao quý, hạ tiện, cao thấp của con người; nhấn mạnh phải dựa vào
sự cao thấp về đạo đức, sự nông sâu về trí tuệ để đánh giá thành tích
của con người; chủ trương tu trì tố chất, nâng cao đạo đức, trí tuệ để
tiến lên cõi lí tưởng của đời người. Chủ trương bình đẳng tứ chủng tính
của Phật giáo thể hiện tư tưởng bình đẳng nhân quyền, là phong trào nhân
quyền đặc biệt phản đối sự phân biệt chủng tính và áp bức giai cấp, nó
nhất trí với yêu cầu bình đẳng nhân quyền của xã hội hiện đại.
b) Bình đẳng chúng sinh.
Thông thường Phật giáo coi 9 giới từ Bồ Tát tới địa ngục (trong 10 giới
không kể Phật) nhất là lục đạo từ Trời đến địa ngục, là chúng sinh.
Phật giáo cho rằng chúng sinh khác nhau tuy có tính khác biệt nhưng bản
chất sinh tồn và sinh mệnh của chúng sinh thì bình đẳng; Phật giáo đặc
biệt nhấn mạnh mọi chúng sinh đều có Phật tính. Kinh Niết Bàn về lí
thuyết khẳng định mọi chúng sinh đều có Phật tính, tức là bình đẳng với
nhau về nguyên nhân, căn cứ và khả năng thành Phật.
c) Bình đẳng giữa chúng sinh với Phật.
Phật
giáo tuyên truyền tư tưởng “sinh Phật bất nhị, sinh Phật nhất như”, cho
rằng chúng sinh và Phật, về bản chất đều có đủ Chân như Phật tính;
chúng sinh mê vọng hoàn toàn không diệt Chân như Phật tính; Phật giác
ngộ cũng hoàn toàn không tăng thêm Chân như Phật tính, mà đều như nhau,
có khả năng thành Phật. Nói theo ý nghĩa đó thì chúng sinh và Phật là
bình đẳng bất nhị. Điều này khác hẳn với cách nói của tôn giáo khác, coi
“nhân thần vi nhị” (người và thần là hai thể khác nhau), nói người là
do thần tạo ra hoặc từ thần mà ra.
d) Bình đẳng giữa chúng sinh với vô tình.
“Vô tình” tức là không có ý thức tình cảm, là thứ không có tính tinh
thần. Như Thiên Đài tông của Phật giáo Trung Quốc tuyên truyền thuyết
“Vô tình hữu tính”, cho rằng cây cỏ, núi sông đất cũng có Chân như Phật
tính, mọi thứ trong thiên nhiên đều là thể hiện của Phật tính. Xét về
điểm cùng có Phật tính như nhau, thì vật vô tình và chúng sinh không có
khác biệt bản chất, bình đẳng vô nhị với nhau. Cần nói đây là sự xác
nhận tôn nghiêm đối với các sinh vật và vô sinh vật trong giới tự nhiên,
là sự kính trọng đối với muôn vật.
Quan
niệm bình đẳng của Phật giáo dựa trên học thuyết Duyên khởi, xây dựng
trên sự bình đẳng nhân quả. Chúng sinh và Phật đều như nhau cùng có Chân
như Phật tính, bình đẳng về mặt nguyên nhân thành Phật, chúng sinh và
Phật đều có khả năng thành tựu Phật quả, tiến lên cõi Niết Bàn lí tưởng
cao nhất, là sự bình đẳng về mặt kết quả. Chúng sinh và Phật bình đẳng
nhân quả, không có gì khác biệt. Tư tưởng bình đẳng nhân quả này của
Phật giáo là nói về khả năng, có tính phi hiện thực, nó cung cấp cơ sở
lí luận cho thuyết giải thoát.
Quan
niệm bình đẳng của Phật giáo thể hiện sự thống nhất sinh mệnh quan, tự
nhiên quan và lí tưởng giá trị quan. Quan niệm bình đẳng cận đại coi
trọng bình đẳng nhân quyền, nó có mối quan hệ bổ sung lẫn nhau với quan
niệm bình đẳng về mặt giải thoát con người do Phật giáo đề xướng.
5. Từ bi
Trên
cơ sở tư tưởng Duyên khởi, Bình đẳng, Phật giáo cho rằng trong đại hoàn
lưu sinh thái vũ trụ, mọi chúng sinh đều có thể từng là người thân của
ta. Ta nên có tâm thái bình đẳng, tình nghĩa báo ơn, tâm nguyện từ bi để
đem lại cho chúng sinh sự an lạc, trừ bỏ sự đau khổ của chúng sinh.
Phật
giáo tuyên truyền tư tưởng “Tam duyên từ bi”, chia đối tượng từ bi làm 3
loại, từ đó quy kết thành 3 loại từ bi: chúng sinh duyên bi; pháp duyên
bi; vô duyên bi. Trong 3 loại đó, “vô duyên bi” là loại cao nhất.
Từ
bi là tư tưởng đặc thù của Phật giáo, nó không hoàn toàn giống với nhân
ái, bác ái do các giáo phái khác đề xướng. Từ bi không bị hạn chế bởi
đẳng cấp, giai cấp, nó cũng loại trừ tính thiên tư hẹp hòi.
6. Giải thoát
Phật
giáo lấy giải thoát làm lí tưởng cuối cùng cho chúng sinh. Giải thoát
là không có ô nhiễm, không có chấp trước, là được “Đại tự tại”, tức cõi
tự do tự tại, cũng gọi là cõi Niết Bàn. Phật giáo cho rằng chúng sinh có
nhiều phiền muộn, như ba cái độc “tham” (tham dục), “sân” (sân huệ),
“si” (ngu si), chúng trở ngại cho sự thành trưởng thiện căn, làm cho
chúng sinh lưu chuyển trong nỗi khổ sinh tử không bao giờ hết. Giải
thoát là thoát ra khỏi nỗi khổ phiền muộn và sự trói buộc của lưu chuyển
sinh tử, được giải phóng, được siêu việt, được tự do, tiến lên cõi lí
tưởng.
Phật
giáo cao độ coi trọng đạo giải thoát. Phật giáo thời kì đầu lấy Bát
chính đạo, thời kì sau lấy sự lĩnh hội chân lí làm con đường giải thoát.
Phật giáo còn đề xướng “Nhất thiết duy tâm tạo” (mọi thứ đều do lòng
người tạo ra) cho rằng sự lưu chuyển luân hồi hoặc giải thoát Niết Bàn
của chúng sinh đều quyết định ở lòng người. Giải thoát không phải là
việc của cá nhân, chỉ có tự giác ngộ và người khác cùng giác ngộ thì mới
được giải thoát thật sự.
III. Giá trị hiện đại của triết học Phật giáo
Các
trình bày ở trên cho thấy: trong xã hội hiện đại, ba nhóm mâu thuẫn cơ
bản: con người với tự ngã, người với người, người với thiên nhiên có cái
đã thay đổi hình thức, có cái lại càng gay gắt hơn. Giá trị của triết
học Phật giáo là ở chỗ các nguyên lí của nó ngày càng được trình bày đầy
đủ hơn, và qua sự giải thích có sáng tạo, tác dụng của nó càng rõ hơn.
Vận dụng tư tưởng triết học Phật giáo để làm dịu các mâu thuẫn cơ bản
của xã hội loài người tất sẽ giúp nâng cao tố chất tinh thần loài người,
giảm nỗi đau khổ của họ, đáp ứng các nhu cầu mới của họ, từ đó đẩy mạnh
sự chung sống hòa bình và phát triển chung của xã hội loài người.
1. Quan tâm tới mâu thuẫn người với tự ngã, nâng cao cõi tinh thần của con người
Phật
giáo dùng đạo giải thoát đời người để luận bàn một cách hệ thống về địa
vị của con người trong vũ trụ, bản chất, giá trị và lí tưởng của con
người; trong đó quan điểm vô ngã và quan điểm giải thoát lại càng là sự
chuyển hóa, sự điều tiết tâm lí, sự hoàn mĩ tâm linh đối với quan niệm
tự ngã của thế nhân.
Dựa vào thuyết Duyên khởi muôn vật hòa hợp mà sinh, Phật giáo đề ra quan niệm vô ngã.
“Ngã” trong vô ngã là chỉ cái tự thể (bản thể) thường trú, chỉnh nhất
mà có tác dụng chi phối; cái bản thể mãi mãi không đổi ấy chính là ngã.
Phật giáo phủ nhận sự tồn tại của cái ngã có thực thể, của linh hồn,
loại trừ quan niệm hữu ngã. Vô ngã là quan niệm cơ bản của Phật giáo.
Nội dung chủ yếu của quan niệm vô ngã là vô ngã chấp, vô ngã kiến, vô
ngã ái, vô ngã mạn, v.v… Ngã chấp là sự chấp trước (bám riết, không vượt ra được) đối với tự ngã. Ngã kiến là sự chấp trước kiến giải ngông cuồng có thực ngã. Ngã ái là sự ái chấp với tự ngã, cũng tức là ngã tham. Ngã mạn là
nói tâm thái ngạo mạn lấy tự ngã làm trung tâm. Do ngã chấp tất nhiên
đem lại ngã kiến, ngã ái và ngã mạn. Phật giáo cho rằng ngã chấp là
nguồn gốc của mọi cái ác, cái gốc của phiền muộn; Phật giáo chủ trương
vô ngã, vô ngã chấp. Trong xã hội hiện nay, có người trở thành nô lệ của
nhu cầu sinh lí, dục vọng vật chất, tôn thờ chủ nghĩa bái kim, hưởng
lạc, cực đoan cá nhân chủ nghĩa, thậm chí tham ô hủ hóa, trộm cắp buôn
lậu, ma túy, mãi dâm, v.v… Quan niệm vô ngã của Phật giáo giúp làm giảm
sự chấp trước với hiện thực, làm phai nhạt sự hưởng thụ, danh lợi, nâng
cao cõi tinh thần.
Thực
chất của quan niệm giải thoát là siêu việt ý nghĩa sinh mệnh, là nâng
cao cõi tinh thần, khiến cho con người có thể dùng nhãn quan chung cực
lâu dài để khách quan và bình tĩnh suy xét lại quãng đường đã qua, xem
xét các khiếm khuyết của tự thân và không ngừng cố gắng chuẩn mực hóa tự
thân. Phật giáo coi giải thoát là nghiệp báo của cá nhân, là lạc quả mà
thiện nghiệp giành được.
2. Làm hòa dịu mâu thuẫn người với người, gìn giữ hòa bình thế giới
Mối
quan hệ người-người nói ở đây cũng là quan hệ giữa người này với người
khác, người với xã hội, người với dân tộc, người với quốc gia. Mối quan
hệ người- người trên thế giới hiện nay có hai vấn đề chính là: - Xung
đột cục bộ diễn ra không dứt, gây ra bởi các nhân tố va chạm lợi ích dân
tộc, tôn giáo, lãnh thổ, tài nguyên, nhân dân một số nơi đang chịu khổ
nạn chiến tranh; trong khi vấn đề an ninh truyền thống chưa được giải
quyết thì các vấn đề an ninh phi truyền thống như chủ nghĩa khủng bố lại
ngày một gay gắt; - Phân hóa giàu nghèo Nam - Bắc ngày càng mở rộng,
khá nhiều người còn sống nghèo khổ, đói rét. Xét về lí luận, một số quan
niệm cơ bản của Phật giáo có ý nghĩa hiện thực nhất định trong việc hóa
giải các vấn đề trên.
Hòa
bình và chung sống hòa bình là vấn đề lớn nhất. Hai cuộc đại chiến
trong thế kỉ XX làm cho hàng chục triệu sinh linh bị tàn sát; nếu trong
thế kỉ XXI lại xảy ra đại chiến thế giới thì loài người có thể cùng nhau
bị tiêu diệt. Muốn tránh chiến tranh thì phải tiêu diệt nguồn gốc chiến
tranh; một trong các nguồn gốc đó là không hiểu lí lẽ Duyên khởi: loài
người phải dựa nhau mà sinh tồn, lợi ta phải lợi người; không coi trọng
hòa giải, hiểu nhau, mà coi kẻ khác là cừu địch, không tôn trọng sinh
mệnh kẻ khác. Tư tưởng bình đẳng của Phật giáo có nghĩa là tôn trọng
nhau, là hòa bình. Tư tưởng từ bi thể hiện sự đồng tình, thương yêu quan
tâm người khác, cũng xa rời chiến tranh, gìn giữ hòa bình. Từ bi tế thế
và “ngũ giới”, “thập thiện” đều lấy “không sát sinh” làm đầu. Từ ngày
pháp sư Thái Hư ra sức đề xướng Phật giáo nhân gian, Phật giáo Trung
Quốc luôn quan tâm gìn giữ hòa bình thế giới. Phật giáo phát huy tác
dụng quan trọng độc đáo không thể thay thế trong việc gìn giữ hòa bình
thế giới.
Sự
phân hóa giàu nghèo Nam - Bắc, một số người sống nghèo khổ còn là căn
nguyên gây ra loạn lạc, trực tiếp đe dọa hòa bình khu vực và thế giới.
Quan niệm bình đẳng từ bi của Phật giáo là phương hướng hóa giải các vấn
đề đó. Sự bố thí là một pháp môn tu trì quan trọng, tức dùng lòng từ bi
để tạo phúc cho người khác, cho họ của cải, sức khỏe và trí tuệ.
Quy
phạm đạo đức của Phật giáo, như “Thập thiện”: không trộm cắp, không nói
càn, không tà dâm, không nói hai lưỡi, không ác khẩu, không nói xiên
xẹo (khởi ngữ), không tham dục, không sân huệ, không tà kiến đều có ích
cho sự hòa hợp mối quan hệ người-người. Bốn giới đầu trong “Ngũ giới”,
tức không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm và không nói xằng đều
có thể dùng để tham khảo khi xây dựng đạo đức chung toàn thế giới.
3. Điều chỉnh mâu thuẫn người với thiên nhiên, xúc tiến sự phát triển chung và phát triển bền vững
Hòa
bình và phát triển là hai vấn đề lớn nhất của loài người hiện nay. Nếu
gìn giữ hòa bình đòi hỏi hài hòa mối quan hệ người-người thì phát triển
chung và phát triển bền vững không những đòi hỏi hài hòa quan hệ
người-người mà còn đòi hỏi phải điều chỉnh thích hợp quan hệ người với
thiên nhiên, sao cho môi trường sinh thái được gìn giữ tốt. Việc con
người khai thác thiên nhiên quá mức, thậm chí cướp đoạt dã man thiên
nhiên đang hủy hoại nghiêm trọng sự hài hòa người-thiên nhiên, đe dọa sự
sinh tồn của loài người.
Tư
tưởng triết học Phật giáo có ý nghĩa tham khảo về mặt điều chỉnh nhận
thức tính nghiêm trọng bức thiết của vấn đề môi trường. Trước hết,
thuyết Duyên khởi nhấn mạnh mọi sự vật đều do nhiều nguyên nhân điều
kiện hòa hợp mà thành, không sự vật nào tồn tại riêng rẽ. Như trái đất
nơi loài người sinh tồn là do đất, biển, trời và các loài động vật hợp
thành; nếu đất thoái hóa, biển bị nhiễm độc, tầng ôzôn bị mỏng dần, các
loài động thực vật không ngừng biến mất thì sự tồn tại của trái đất sẽ
có khó khăn, loài người sẽ khó sinh tồn được. Thuyết Duyên khởi và
thuyết chỉnh thể hữu cơ Phật giáo có thể cung cấp căn cứ lí luận cho
triết học môi trường hiện đại.
Thứ hai,
thuyết Y chính quả báo của Phật giáo nhấn mạnh môi trường sống của
chúng sinh đều là báo ứng do hành vi của chúng sinh đem lại. Phật giáo
còn tuyên truyền tư tưởng “Tâm tịnh (sạch) tắc quốc thổ tịnh”, đề xướng
báo ơn quốc thổ.
Thứ ba,
dựa thuyết Duyên khởi, Phật giáo đề xướng tôn trọng kẻ khác, loài khác,
tôn trọng sinh mệnh, chúng sinh nhất luật bình đẳng, chúng sinh đều có
Phật tính, đều có thể thành Phật. Quan niệm này khác với hành vi lạm sát
dị loại, chà đạp môi trường, phá hoại cân bằng sinh thái, cũng khác với
quan điểm coi sự bảo vệ môi trường là sự thương hại, ban ơn cho kẻ yếu.
Quan niệm chúng sinh bình đẳng ấy cũng khác với “chủ nghĩa trung tâm
nhân loại” và “chủ nghĩa trung tâm môi trường”, “chủ nghĩa trung tâm
sinh vật”. Phật giáo còn đề xuất ăn chay, phóng sinh, vừa có lợi cho sức
khỏe con người, vừa giúp cho việc gìn giữ môi trường cân bằng.
Sau
cùng, thuyết lí tưởng của Phật giáo coi thế giới cực lạc là thế giới lí
tưởng, là nơi môi trường tuyệt hảo, không khí trong lành, cỏ cây tươi
tốt, chim hót vượn kêu. Xưa nay Phật giáo thích xây chùa dựa vào núi,
bên dòng suối. Có thể nói Phật giáo gương mẫu coi trọng môi trường gìn
giữ sinh thái.
Tóm
lại, chúng ta cần coi trọng cao công cuộc hiện đại hóa và sự biến đổi
các mâu thuẫn cơ bản do nó gây ra, có liên quan tới mệnh vận toàn nhân
loại và sự phát triển của thế giới. Làm thế nào xử lí tốt mối quan hệ
người với tự ngã, người-người, người-thiên nhiên, vấn đề này liên quan
tới chế độ xã hội, kinh tế, cũng liên quan đến khoa học kĩ thuật và tâm
trí của loài người. Trong Phật giáo cũng có các tư tưởng sai lầm, triết
học Phật giáo cũng không thể giải quyết các mâu thuẫn cơ bản và nhiều
vấn đề cụ thể của xã hội loài người, nhưng nó có thể từ một số phương
diện nào đó cung cấp cách tư duy giải quyết mà xã hội thế tục còn thiếu.
Đó là cao độ cọi trọng việc xây dựng tâm linh của tự thân con người
nhằm điều chỉnh định hướng giá trị của con người, thay đổi tâm thái con
người, chuyển đổi ý thức con người, nâng cao trí tuệ con người, từ đó
giúp cho việc giải quyết nhiều mâu thuẫn và vấn đề của xã hội loài
người. ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh lần nữa: triết học Phật giáo muốn
phát huy đầy đủ chức năng xã hội của mình thì cần đi sâu khai thác nguồn
tài nguyên tư tưởng tự thân và đưa ra sự giải thích hợp thời cuộc, cần
không ngừng tăng cường quan tâm đến xã hội hiện đại, có sự ứng đối kịp
thời với các vấn đề mới xuất hiện trong xã hội.
Không
nghi ngờ gì nữa, triết học Phật giáo có giá trị hiện đại; và điều quan
trọng là mọi người phải cố gắng hơn nữa trong việc quán triệt thực sự và
phô bày đầy đủ giá trị của triết học Phật giáo trong xã hội hiện đại.
/.
Trích dịch: Nguyễn Hải Hoành
*. Nhà nghiên cứu Trung Quốc. Bài đăng trên Tạp chí Các trào lưu tư tưởng đương đại, số 4/2004, tiếng Trung.
Phương Lập Thiên - Nguyễn Hải Hoành dịch