Ba trong một: trí thức, nhà nhân quyền, triết gia
Socrates (khoảng 470 – 399 trước Công nguyên) con nhà
nghèo: cha làm đồ gốm, mẹ là bà mụ. Nghề của mẹ (và chắc cũng của cha
nữa) thường được ví với phong cách sống của ông: làm người “đỡ đẻ” và
hun đúc cho việc đi tìm chân lý. Học vấn uyên bác và đã từng là một
chiến binh dũng cảm, nhưng rút cục ông thấy công việc “hộ sinh tinh
thần” mới thực là sứ mệnh đáng cho ông dâng hiến trọn đời. Socrates
không triết lý trong tháp ngà. Ông lang thang giữa chợ Athens (Hy Lạp)
để bàn thảo, tranh luận với thanh niên, với những người “học thật” và
“học… giả”.
Tới 50 tuổi mới cưới vợ: bà Xanthippe, nổi danh (và
đồng nghĩa) với hình ảnh một bà vợ hung dữ, khó tính. Không phải không
có lỗi của ông: chẳng mang được đồng xu nào về nhà! Khác với những biện
sĩ đương thời bán trí khôn kiếm tiền, ông dứt khoát dạy miễn phí. Không
rõ bà hay cãi cọ có phải vì ông cương quyết không chịu… thương mại hoá
giáo dục hay không, nhưng “chân lý” sáng giá được ông khám phá là: “Nên
lấy vợ! Gặp vợ hiền, bạn được hạnh phúc; gặp vợ dữ, bạn thành… triết
gia; đàng nào cũng có lợi!”
Thử thách thực sự đến với Socrates vào năm 399 trước
Công nguyên. Ông bị tố cáo tội “dụ dỗ thanh niên” và “báng bổ thánh
thần”, bị kết án tử hình bằng cách uống thuốc độc. Người như ông mà
không bị chụp mũ, tố cáo, lên án mới là chuyện lạ, nhưng thật ra, thời
đó, án tử hình cũng hiếm và ông có thể dễ dàng thoát chết bằng hai
cách: xin chừa hoặc bỏ trốn. Không thể được! Xin chừa là phản bội sứ
mệnh bảo vệ chân lý. Bỏ trốn là phản bội trách nhiệm công dân. Vậy, chỉ
có con đường chết: ung dung uống thuốc độc trước mặt bạn hữu và môn đệ,
sau khi cùng họ… đàm luận triết học!
Platon, cao đồ của Socrates, đã tường thuật quang cảnh
bi tráng này một cách thật cảm động và nhất là đã ghi lại lời tự biện
hộ bất hủ của Socrates trước toà mà hậu thế xem “là bản tuyên ngôn đầu
tiên của tri thức” (Socrates tự biện, Nguyễn Văn Khoa dịch, NXB Tri Thức, 2006). Hãy nghe tóm tắt vài lời giới thiệu của dịch giả:
Tại
sao lại bắt đầu với Socrates, người chưa từng tự tay viết một chữ nào
để lại hậu thế? Vì tuy không viết chữ nào, nhưng như đức Phật, đức
Khổng ở phương Đông, Socrates là triết gia gây ảnh hưởng sâu đậm nhất
lên lịch sử tư tưởng Tây phương.
|
– Socrate là triết gia đầu tiên, vì “sống” đồng nghĩa
với “triết lý”: “Thưa quý đồng hương,… khi nào còn chút hơi sức, tôi sẽ
không ngừng sống đời triết gia, khuyên nhủ và khuyến cáo quý vị rằng
phải tự xét mình và xét người, bởi vì sống mà không suy xét không đáng
gọi là sống”.
– Socrates là nhà nhân quyền đầu tiên, vì ông xác lập
tự do tư duy, tự do phát biểu, tự do sống cuộc đời mình chọn lựa, như
một thứ quyền con người, cao hơn bất kỳ bộ luật của một cộng đồng người
đặc thù nào: “Trước sự thể này, tôi chỉ cần thưa với quý vị: có trả tự
do cho tôi hay không, không thành vấn đề; Socrates này sẽ chẳng bao giờ
làm chuyện gì khác, dù phải bỏ mạng ngàn lần”.
– Socrates là người trí thức đầu tiên theo nghĩa hiện
đại, vì dám tin vào một thứ chức năng thiên phú: phê phán không nhân
nhượng xã hội ông đang sống: “Thật là sai lầm nếu quý vị nghĩ rằng chỉ
cần giết người là trốn thoát lời chê trách sống không suy xét. Cách
loại bỏ sự kiểm tra ấy vừa bất chính vừa bất khả thi, còn cách vừa
chính đáng vừa dễ dàng là: thay vì tìm cách bịt miệng kẻ khác, hãy tự
tu thân sửa tính” (sđd, tr. 35-36).
Người đỡ đẻ tinh thần
Ta thường biết đến câu nói nổi tiếng của Socrates:
“Tôi biết rằng tôi không biết gì cả” và câu châm ngôn ông theo đuổi
suốt đời – “Hãy biết chính mình!” Nhưng, cống hiến lớn nhất của ông là
đã mang triết học từ trời xuống đất. Thay vì bàn chuyện vũ trụ cao xa
như các bậc tiền bối, ông quan tâm đến những vấn đề của cuộc sống con
người. Vì ông tin rằng mọi người ai ai cũng biết lẽ phải, sẵn sàng làm
theo lẽ phải nếu được thức tỉnh.
Do đó, nhiệm vụ của ông không phải là rao giảng,
thuyết phục, trái lại, bằng phương pháp và kỹ thuật đặt câu hỏi, giúp
mọi người tự tìm thấy lẽ phải, chân lý vốn còn bị che phủ bởi sự mê
muội. Dựa theo phương pháp hộ sinh của bà mẹ, Socrates tiến hành nghệ
thuật đối thoại bằng bốn bước:
– Giả vờ không biết để nhờ người đối thoại giảng cho.
Rồi bằng những câu hỏi trúng đích (có khi châm biếm, mỉa mai) chứng
minh rằng người đối thoại thật ra chẳng biết gì!
Khôn ngoan là kẻ biết điều mình không biết!
Không biết không đáng trách, đáng trách là không chịu học
Ông
quan tâm đến những vấn đề của cuộc sống con người. Vì ông tin rằng mọi
người ai ai cũng biết lẽ phải, sẵn sàng làm theo lẽ phải nếu được thức
tỉnh.
|
– Tiếp theo là dùng phương pháp quy nạp để xây dựng
từng bước cái biết vững chắc. Đó là phân tích chính xác những ví dụ cụ
thể trong đời thường, từ đó rút ra những kết luận và định nghĩa tạm
thời.
– Bằng phương pháp định nghĩa, làm cho những khẳng định tạm thời ấy ngày càng tinh vi và chính xác hơn.
– Sau cùng, có được những định nghĩa rõ ràng, phổ quát về vấn đề đang bàn.
Phương pháp đối thoại ấy trở thành cơ sở cho sự phát triển triết học và khoa học của bao thế hệ về sau.
Ta học được gì từ Socrates? Bên cạnh tấm gương chính
trực và dũng cảm mà mỗi khi nản lòng, ta hãy nhớ đến để còn vững tin
vào giá trị của con người, còn có thể rút ra mấy kinh nghiệm hay:
– Biết nghe và biết hỏi là yếu tố cơ bản để thành
công. Nhưng, hỏi không phải để truy bức, để bắt bí mà để người được hỏi
có dịp suy nghĩ và tự trả lời: câu trả lời và giải pháp là do chính họ
tìm ra.
– Kiểm tra có phê phán sự hiểu biết của chính mình.
– Nền móng của đối thoại là sự trung thực và minh
bạch, là sự tin cậy lẫn nhau: “Quan toà phải có bốn đức tính: lắng nghe
một cách lễ độ, trả lời một cách rõ ràng, cân nhắc một cách hợp lý, và
quyết định một cách vô tư”.
– Tránh mọi sự cực đoan: “Sự cực đoan bao giờ cũng tạo
ra sự cực đoan ngược lại. Thời tiết cũng thế, thân thể ta cũng thế, nhà
nước, quốc gia đều thế cả”.
– Không cần sống khổ hạnh (“ăn và uống mới làm cho xác
và hồn gặp nhau!”), nhưng nên bớt dục vọng và đừng thở than quá mức:
“Dồn hết mọi nỗi bất hạnh trên đời này lại rồi chia đều cho mỗi người,
chắc ai cũng xin rút phần của mình lại và vui vẻ bỏ đi”.
Socrates từ biệt chúng ta nhẹ nhàng: “Thôi, bây giờ
đến lúc chia tay. Tôi chết đây, còn các bạn cứ sống. Nhưng ai sướng, ai
khổ, chưa biết đâu đấy!” Socrates yêu quê hương, sẵn sàng chết chứ
không nỡ bỏ đi, nhưng luôn giữ cái nhìn “toàn cầu”: “Tôi không phải là
người Athens hay người Hy Lạp, tôi là công dân thế giới!”
(Kỳ sau: Gai nhọn hay hoa hồng?)
Bùi Văn Nam Sơn