Trong cuốn sách, được giới thiệu “vốn là kết quả nghiên cứu của một công trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước”, có nhan đề Người Nam bộ và Tôn giáo bản địa (Bửu Sơn Kỳ Hương - Cao Đài – Hòa Hảo) của
tác giả Phạm Bích Hợp (nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội, 2007), đã có hẳn
một mục như sau viết về quan hệ giữa Phật giáo Hòa Hảo và dòng thiền
Trúc Lâm Yên Tử.
“1.1.3 Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ đã tiếp nối và làm sống dậy dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Có thể nói rằng, trong lịch sử Việt Nam, thời kỳ Lý Trần là thời đại
hoàng kim của chế độ phong kiến tự chủ. Cùng với thắng lợi vĩ đại qua ba
lần đánh bại quân Nguyên, là sự ra đời của chữ Nôm, sự phát triển kinh
tế xã hội, đặc biệt là về Phật giáo, trong đó thiền tông hết sức thịnh
đạt.
Cũng trong giai đoạn này, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, ra đời tiếp nối
phái Thiền Thảo Đường từ thời Lý và do chính vua Trần Nhân Tông
(1279-1293) làm đệ nhất Tổ.
Các thiền sư phần lớn là cư sĩ, đó là dòng thiền nhập thế, đáp
ứng đời sống tâm linh của những người tại gia còn đang phải gánh vác
công việc của đất nước.
Trong “Thiền Uyển Tập Anh” cũng có ghi: Số khá đông
Thiền sư Việt Nam thời này đã có những cống hiến vào việc nước, nhiều
người còn giữ chức quan tại triều đình. Không phải chỉ có quan mà còn có
cả vua, và không chỉ một vua mà còn có nhiều vua tham thiền và am hiểu
Phật học.
Phật giáo lúc đó là một nền Phật giáo nhập thế, quan hệ mật thiết với chính trị, phong hóa và xã hội.
Ngay vị đệ nhất Tổ phái Trúc Lâm là vua Trần Nhân Tông, sau khi
nhường ngôi cho con để đi tu, ông đã chọn núi Yên Tử để tọa thiền, phần
thì đây là đất linh, nhưng mặt khác là do vị trí quan trọng giáp với
biên giới Trung Quốc của ngọn núi này.
Ông cũng thường đi vân du giáo hóa cho nhân dân, vì muốn xây dựng
một xã hội có luân lý, nề nếp theo Đạo Phật, nhưng đồng thời cũng là để
góp phần vào việc củng cố triều đại và chế độ, bằng nhũng công tác hành
đạo tích cực trong quần chúng.
Phải chăng chính tư tưởng của phái Trúc Lâm Yên Tử, đã là chỗ dựa tinh
thần cho cuộc chiến thắng quân Nguyên của người Việt vào thế kỷ 13?
Nhưng rõ ràng, đạo pháp chân truyền nhà Phật đã giúp các vị như
Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông… giác ngộ và vận
dụng tư tưởng thiền vào việc kinh bang, tế thế của đất nước, quan trọng
hơn là để nâng đỡ con người trong niềm vui sống đạo.
Vua Trần Nhân Tông đã viết trong Cư Trần Lạc Đạo.
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói cứ ăn đi mệt ngủ liền
Bửu sẳn trong nhà thôi khỏi kiếm
Vô tâm đối cảnh hỏi chi thiền.
Đây là tư tưởng chủ đạo của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, nó khởi đi từ
con người, trong sự vận động hòa đồng Thiên – Địa – Nhân, để rồi trở lại
con người với sự nhận thức, thăng hoa và tự do tuyệt đối.
Sống an nhiên tự tại, hòa hợp vào cuộc sống, không nên câu chấp điều gì.
Hành động phù hợp với quy luật tự nhiên, làm việc cần làm, đúng lúc phải làm, đúng với khả năng.
Phải trở lại bên trong của mình, để nhận ra và sống cùng với những điều tốt đẹp vốn sẵn có trong mỗi con người.
Cuối cùng, hãy là con người tự do, tự tin, đừng trông chờ hoặc nô lệ cho
bất cứ thứ gì từ bên ngoài, dù đó có là Phật, Thánh, Tiên.
Chính trong tinh thần nhân bản như trên, các thiền sư phái Trúc Lâm Yên
Tử đã “Hòa quang đồng trần”, sống giữa lòng thế tục, khi cần thì “cởi
áo cà sa khoác chiến bào” đánh giặc giành độc lập cho đất nước, chiêu
tập dân sĩ khai hoang lập ấp, mở mang bờ cõi, sống hết lòng với cộng
đồng, dân tộc, nhưng các vị cũng đã không ngừng trau dồi đạo nghiệp
trong suốt cuộc đời của mình.
Sau gần 600 năm, đạo Bửu Sơn Kỳ Hương ở miền Tây Nam Bộ đã khơi dòng thiền mới ở Nam Bộ, mà đứng đầu là ngài Đoàn Minh Huyên.
Tiếp nối tư tưởng của “Cư Trần Lạc Đạo” nêu trên, nhưng đã được ông bình dân hóa cho phù hợp với trình độ căn cơ của tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương.
Với tôn chỉ: “Học Phật Tu Nhân – Làm trọn Tứ Ân”, ông
truyền dạy giáo lý, đồng thời khai hoang mở đất, rồi khi Pháp xâm lược,
đệ tử của ông đã tổ chức kháng chiến và hy sinh anh dũng như Nguyễn
Trung Trực, Trần Văn Thành…
Trầm xuống một thời gian, tới 1939, khi Phật Giáo Hòa Hảo ra đời,
thì phái thiền này thực sự phục sinh với một vị hết sức tiêu biểu là
Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ. Ngay từ đầu ông đã khẳng định đây là dòng thiền
nhập thế:
Ta là tu sĩ canh điền
Lo nghề cày cuốc cũng chuyên tu hành
Chuyện tu hành là để làm trọn tứ Ân, và khi thực hiện được tứ Ân thì người cũng đã thăng tiến trên con đường đạo pháp.
Trong bốn Ân trên, hai Ân đầu được đặc biệt tín đồ Phật Giáo
Hòa Hảo khắc ghi và thực thi hàng ngày theo lời dạy của Giáo chủ
Huỳnh Phú Sổ.
Đơn giản là vì sự hiếu để với ông bà, cha mẹ, với quê hương xứ sở
đã trở thành căn tín của người Việt, thậm chí trở thành tôn giáo như
một linh mục người Pháp đã nói, nó trở thành cuộc sống, là hơi thở trong
mỗi người dân Việt.
Nó sống trong các bài ca dao cũng như những lời hiệu triệu của
các nhà lãnh tụ mỗi khi tổ quốc lâm nguy. Chính vì vậy, các thiền sư đời
Trần cũng như Phật Thầy Tây An, đặc biệt ở Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, mỗi
khi các vị truyền dạy và tập hợp quần chúng với hai nội dung trên (Đạo
pháp và Dân tộc) thì đều được ủng hộ mạnh mẽ và sâu rộng.
Thiền phái Trúc Lâm có một ngôi sao sáng là Tuệ Trung Thượng Sĩ, người
thầy của Đệ nhất Tổ - Trần Nhân Tông, người đã có ảnh hưởng tới hầu hết
các thiền sư đời Trần, lại có một sự tương đồng đặc biệt về tư tưởng với
Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, sống cách ông hơn 700 năm.
Tuệ Trung Thượng Sĩ là một vương gia có công lớn trong hai lần chống trả
quân Nguyên, được học tam giáo từ nhỏ, riêng Phật học, ông đã thọ giáo
với Thiền sư Tiêu Dao ở Phúc Đường và được đắc pháp với thiền sư này.
Tuệ Trung Thượng Sĩ chủ trương:
Phá chấp triệt để - không câu nệ khái niệm, bỏ nhị nguyên, quán triệt lẽ vô thường của muôn pháp.
Thì Huỳnh Phú Sổ cũng có cùng một quan điểm khi viết rằng:
“Tu hành nào luận mặn chay
Miễn tâm thanh tịnh gặp ngày an cư
Nền đạo đức vị tư bất nhã
Ta đừng phân nhơn ngã mới hay
Nhìn đời thế thái đổi thay
Hết vinh tới nhục lẽ này thường xưa (…)
Khi Tuệ Trung Thượng Sĩ cho rằng vạn pháp do Tâm, khuyến khích tinh thần tự lực, tự tại giải thoát
Đi cùng thiền, ngồi cùng thiền
Giữa lò lửa rực một cành sen
Thì Huỳnh Phú Sổ cũng dạy tín đồ:
Tu không cần lạy cần quỳ
Ngồi đâu cũng sửa vậy thì mới mau
Cả hai ông đều có biệt tài vô ngại, nên khi hướng dẫn những người học
đạo, luôn tùy theo căn cơ, tập quán để dẫn dắt, giáo hóa chúng sinh,
theo tinh thần “tùy thuận chúng sinh”của Bồ Tát Phổ Hiền, không dùng
kinh viện khô cứng để giảng giải, e ngăn cản tự ngộ của người khác.
Tóm lại những tư tưởng chủ đạo trong dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử mà Đệ
nhất Tổ Trần Nhân Tông đã khái quát trong bài “Cư Trần Lạc Đạo”, hoặc
của Thiền sư Tuệ Trung Thượng Sĩ như vừa trình bày, người đọc đều dễ
dàng tìm thấy trong “Thi văn sấm giảng” cũng như cuộc đời của Thiền sư
Huỳnh Phú Sổ, cùng trong tinh thần Hòa Quang Đồng Trần, đạo - đời là
một, khi cần thì “cởi áo cà sa khoác chiến bào”, xong việc lại sống cuộc
sống an định, tự tại để giải thoát.
Rõ ràng, đây là bản sắc của Thiền Tông Việt Nam, nó khởi phát từ tâm lý
và truyền thống dân tộc, hay nói cách khác, tâm lý và truyền thống dân
tộc là màng lọc các phái thiền từ Ấn Độ - Trung Hoa vào Việt Nam, đến
lượt Thiền Tông Việt Nam làm cho tâm lý dân tộc ngày càng thêm phong phú
và sâu sắc.
Tuy nhiên, trong khi tìm hiểu Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đời Trần là sự
tiếp nối của phái Thảo Đuờng có từ đời Lý, linh hồn của cả hai phái này
đều là những nhà quý tộc, vua quan của cả hai triều đại. Họ có học thức
và tiếp cận với đạo Phật một cách có hệ thống, những điều họ suy nghĩ,
viết ra, nói ra đều rất thâm hậu, thể hiện tinh thần từ bi và trí dũng
của đạo Phật.
Nó đã là cơ sở tư tưởng cho việc hoach định chính sách xây dựng,
phát triễn và bảo vệ đất nước vào thời kỳ đó, và đã góp phần không nhỏ
trong ba lần đánh bại quân Nguyên xâm lược.
Tuy nhiên, sự thâm thúy và giác ngộ này chỉ dừng lại ở tầng lớp quan
quyền có học, chưa tới được đông đảo quần chúng nhân dân. Mặc dù vào
thời kỳ đó, chùa tháp được xây dựng rất nhiều, sư sãi chiếm hơn nữa dân
số, đến mức nhà Trần phải có chính sách để hạn chế bớt tình trạng này.
Phải chăng do chưa đi sâu vào tâm thức của quảng đại người dân,
nên Thiền Trúc Lâm không thể phổ cập rộng rãi và truyền qua nhiều thế
hệ.
Đóng góp về mặt Thiền học là rất đáng ghi nhận, nhưng để chuyển
nó vào trong đời sống tinh thần của dân tộc thì Thiền phái Trúc Lâm Yên
Tử làm chưa được nhiều, phần do các thiền sư đã dùng chữ Hán để viết,
trong khi người dân lại không biết chữ, mặt khác, có lẽ các vị cũng chưa
nghĩ tới việc đưa nền Thiền học đó tới quần chúng hay chăng?
- Ngược lại, phần thiền trong Phật Giáo Hòa Hảo tiếp nối từ Bửu Sơn Kỳ
Hương đều hướng tới quần chúng và là của quần chúng, vì vậy, các thiền
sư, trong cả ba phần Đối cơ – Tụng cổ và Thi ca, đều dùng ngôn từ mộc
mạc, giản dị, trình bày dể hiểu, đặc biệt hơn, là các vị dùng chủ yếu
lối văn vần gần gủi với tâm hồn người Việt để giải thích về những điều
thâm diệu của đạo Phật.
Chữ Hòa Thuận kể sao cho xiết
Tâm đồng nhau Thượng Thiện vui vầy
Cảnh như như chẳng có đổi thay
Không màng biết phân chia nhơn-ngã
(Quyển 5: Khuyến Thiện)
Tuy nhiên, do hiểu được trình độ căn cơ của quần chúng, nên Phật Thầy
Tây An rồi Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ đều chủ trương Thiền-Tịnh đồng tu, cho
dù các vị hiểu rằng, trong Phật giáo, thiên hướng là tu Thiền và chứng
ngộ lý Thiền “Tức Tâm Phật”, nhưng các vị vẫn truyền dạy lối tu tịnh
nghiệp cho phù hợp với đa số chúng sanh.
Rõ ràng, lúc đầu pháp môn tịnh độ phù hợp với trình độ giác ngộ và
hoàn cảnh tại gia cư sĩ của đông đảo nông dân Nam Bộ, nâng đỡ người ta
về mặt tâm linh trước khi đi vào tu Thiền.
Dưới sự lãnh đạo của ngài Đoàn Minh Huyên rồi Giáo chủ Huỳnh Phú Sĩ, với
pháp môn Thiền – Tịnh đồng tu, Bửu Sơn Kỳ Hương rồi Phật Giáo Hòa Hảo
đã trở thành một lực lượng đáng kể trong công cuộc khai hoang mở đất,
đánh đuổi ngoại xâm và xây dựng đất nước ở miền Tây Nam Bộ trên một thế
kỷ trở lại đây.
Tiếc rằng, Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo chưa có sự tham
gia của các thiền sư vốn là trí thức khoa bảng, nắm giữ các vị trí lãnh
đạo quốc gia như dưới thời Lý – Trần, cũng như thiền phía Thảo Đường và
Trúc Lâm Yên Tử đã không có được sự tham gia của đông đảo quần chúng.
Cho nên, cả hai lần các thiền sư của chúng ta dù đã nỗ lực đưa
thiền vào cuộc sống, với tư tưởng Hòa Quang Đồng Trần – Tốt Đạo đẹp Đời,
để xây dựng nước Đại Việt xưa và Việt Nam sau này có một lẽ sống cao
đẹp hơn trong tinh thần bình đẳng, từ bi và vị tha, nhưng kết quả vẫn
còn ở phía trước.
Có lẽ chỉ khi nào mỗi con người, mỗi thiền sư, mỗi một bộ phận trong xã
hội, cùng tìm lại được chính bản thân mình, xóa bỏ nhị kiến để đồng
thuận vì những mục tiêu chung của quốc gia và sự tự do đích thực của cá
nhân, thì “một lẽ sống cao đẹp” mới xuất hiện chăng?
Dù gì, những đóng góp của Thiền phái Trúc Lâm và Thiền phái Bửu Sơn Kỳ
Hương – Phật Giáo Hòa Hảo vào tư tưởng và văn hóa dân tộc là rất đáng
trân trọng. Việc tìm hiểu với thái độ nghiêm túc và khoa học, có thể
giúp ta vận dụng các giá trị mà cha ông ta trải nghiệm vào cuộc sống
hiện nay, đặc biệt là trong vấn đề giáo dục con người.
Cũng như các thiền sư Trúc Lâm, Phật Thầy và Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ cũng
đã tổ chức hoặc tham gia vào các tổ chức xã hội khác ngoài tôn giáo một
cách trực tiếp hay gián tiếp, nhưng cùng với thời gian, những họat động
đó đã qua đi, ấn tượng để lại không nhiều. Nhưng tư tưởng và đạo pháp
của các vị thì vẫn còn đấy, qua thi văn và đức tin của tín đồ, vì vậy
chúng tôi không đưa những họat động đó vào phần phân tích này.”
Đoạn vừa trích ở trên rút từ sách Người Nam Bộ và tôn giáo bản địa của tác giả Phạm Bích Hợp, (từ trang 117 đến 128).
Trích dẫn một đoạn dài và liên tục như vậy, chúng tôi muốn giới thiệu
vấn đề một cách đầy đủ, toàn diện. Việc trích dẫn từng đoạn, từng cân
nhỏ có thể gây ngộ nhận, hoặc bị xem là “đoạn văn thủ nghĩa”.
Vấn đề mà bài viết này nhắm đến giải quyết đã nêu rõ trong tựa đề bài viết: Có phải Phật Giáo Hòa Hảo “đã tiếp nối và làm sống dậy dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử?
Có nghĩa là chúng tôi muốn thảo luận luận điểm khoa học mà tác giả Phạm
Bích Hợp đã trình bày chi tiết trong đoạn trích mà chúng tôi vừa dẫn
lại trọn vẹn.
1. Trước hết, cần ghi nhận với sự trân trọng đánh giá của tác giả Phạm
Bích Hợp về những đóng góp của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử vào sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ đất nước.
Nhìn chung, phần lớn các đánh giá của tác giả Phạm Bích Hợp về vấn đề
này là có căn cứ khoa học, khá chính xác, chứng tỏ tác giả cũng đầu tư
nghiên cứu nhiều về Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (theo chỗ chúng tôi được
biết, tác giả Phạm Bích Hợp là học vị tiến sĩ, với luận án về đề tài tôn
giáo).
Một số ý kiến về những đóng góp có thể coi là tích cực của hai giáo
phái Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo cũng đáng được ghi nhận ở một
mức độ nhất định.
2. Tuy nhiên, điều cần quan tâm là mối liên hệ giữa Thiền phái Trúc lâm
Yên Tử và hai giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương cũng như Phật Giáo Hòa Hảo.
Liệu mối quan hệ đó có phải là quan hệ “tiếp nối và làm sống dậy” như
tác giả Phạm Bích Hợp đã nhận định. “Tiếp nối và làm sống dậy”, tức là
không những kế thừa, duy trì phát triển mà ở đây còn là vấn đề phục
hoạt, hồi sinh một thiền phái bị mai một (“làm sống dậy”).
Phương pháp mà tác giả Phạm Bích Hợp sử dụng là phương pháp phát hiện và
ghi nhận sự tương đồng. Những phát hiện về sự tương đồng giữa tư tưởng
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và tư tưởng của Bửu Sơn Kỳ Hương cũng như với
Phật Giáo Hòa Hảo có thể tìm thấy ở nhiều nơi trong đọan trích dẫn ở
trên.
Tuy nhiên, phát hiện, ghi nhận được sự tương đồng nào đó thì không có
nghĩa là có thể đi đến kết luận cái có sau là cái tiếp nối của cái có
trước, và càng không thể kết luận cái có sau đã làm sống dậy cái có
trước. Mà ở đây, cái có trước là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và cái có
sau là Phật Giáo Hòa Hảo, cũng như đạo Bửu Sơn Kỳ Hương trước đó “Tiếp
nối” không phải chỉ là do có một số sự tương đồng nào đó nhất định, mà
cần phải phát hiện sự liên hệ và tiến trình kế thừa (tức là sự vận động
theo chiều thời gian).
Không có sự liên hệ và tiến trình kế thừa thì sự tương đồng chỉ cho
thấy nét giống nhau giữa hai đối tượng khác biệt mà thôi (chẳng hạn
giữa các tôn giáo cùng loại nhất thần giáo có thể có nhiều điểm tương
đồng như thượng đế, nước trời… nhưng đó vẫn là các tôn giáo khác biệt
nhau, và có khi có sự xung đột với nhau mạnh mẽ).
Và một khi đã sử dụng phương pháp phát hiện sự tương đồng để xác định
mối liên hệ giữa hai đối tượng khác biệt, thì bắt buộc đồng thời phải
tiến hành phát hiện và ghi nhận sự không tương đồng, tức là sự khác
biệt. Đây là hai công việc phải tiến hành đồng thời để có một kết luận
chính xác.
Nếu không, việc nghiên cứu sẽ là phiến diện, một phía, và tất nhiên là kết quả có thể bị sai lạc.
Trong đọan trích dẫn trên, tác giả quyển Người Nam Bộ và tôn giáo bản địa
cũng đã có ghi nhận một số sự khác biệt, nhưng sự khác biệt đó chỉ nằm ở
lĩnh vực đối tượng tác động của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và hai giáo
phái bản địa sau này là Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo. Sự khác
biệt được ghi nhận như vậy là chưa đầy đủ.
3. Chúng tôi sẽ tiếp tục ghi nhận những khác biệt giữa Thiền phái Trúc
Lâm Yên Tử và Bửu Sơn Kỳ Hương cũng như Phật Giáo Hòa Hảo, để từ đó tiến
đến tìm hiểu vấn đề có hay không có tiến trình kế thừa giữa các thiền
phái, giáo phái kể trên.
Khác biệt lớn nhất giữa 2 giáo phái Phật Giáo Hòa Hảo và Bửu Sơn Kỳ
Hương so với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là một bên (Phật Giáo Hòa Hảo-
Bửu Sơn Kỳ Hương) đã đoạn tuyệt về cơ bản với các nền tảng của Phật Giáo
truyền thống còn bên kia (Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử) thì xây dựng tư
tưởng học phái của mình trên nền tảng giá trị truyền thống của Phật
Giáo.
Nền tảng đó là Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng).
Đối với Phật Giáo, không thể còn khái niệm Đạo Phật nếu không còn Tam
Bảo, hoặc chỉ cần mất đi một trong ba yếu tố tạo thành Tam Bảo.
Phật Giáo Hòa Hảo và Bửu Sơn Kỳ Hương chỉ còn tồn tại một cách gián tiếp
và chung chung, không còn một Phật Bảo cụ thể, hoàn chỉnh, xác định.
Phật Giáo Hòa Hảo không thờ Phật mà chỉ thờ Đức Huỳnh Giáo chủ và bức
Trần Đà. Phật Bảo chỉ còn là một khái niệm xa xưa và mờ nhạt phía sau
Đức Huỳnh Giáo chủ (của Phật Giáo Hòa Hảo) cũng như Phật Thầy Tây An
(Bửu Sơn Kỳ Hương).
Sự tồn tại của Phật Bảo chỉ còn là gián tiếp thông qua sấm giảng, thi ca của Đức Huỳnh Giáo chủ cũng như Phật Thầy Tây An.
Thậm chí nhiều tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo chỉ có khái niệm về Phật, mà
không hề có hiểu biết cụ thể về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, một con người
lịch sử, và là người sáng lập ra đạo Phật.
Đó là Phật bảo, với sự tồn tại chỉ còn là “dấu vết”.
Còn khái niệm Pháp bảo hoàn toàn không còn dấu vết gì nữa trong Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo.
Tất cả kinh điển của Phật Giáo truyền thống đã được “chuyển hóa”
thành sấm giảng, thi văn của Phật Thầy Tây An và Đức Huỳnh Giáo Chủ.
Hầu như không một bản kinh nào trong toàn bộ Đại Tạng đồ sộ của Phật Giáo còn được nhắc đến nữa.
Công trình Người Nam Bộ và tôn giáo bản địa có nhắc đến việc
“Phật Thầy Tây An rồi Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ đều chủ trương Thiền Tịnh
đồng tu”, nhưng ngay cả giáo lý Tịnh Độ, với bộ kinh cơ bản là Kinh A Di
Đà cũng không có mặt một cách đúng nghĩa của từ này trong sấm giảng,
thi văn của Phật Thầy Tây An và Đức Huỳnh Giáo Chủ.
“Tịnh” ở đây, sau đó vài dòng (trang 126 sách đã dẫn), tác giả Phạm
Bích Hợp gọi đó là tịnh nghiệp, “tịnh nghiệp” thì hoàn toàn xa lạ với từ
tịnh, luôn có nghĩa là tịnh độ, một pháp môn truyền thống của Phật
Giáo, bên cạnh pháp môn thiền trong cụm từ “thiền tịnh”.
Tịnh nghiệp và tịnh độ là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, nên có
lẽ, tác giả Phạm Bích Hợp đã nhầm lẫn khi sau đó viết tiếp: “Rõ
ràng, lúc đầu pháp môn tịnh độ phù hợp với trình độ giác ngộ và hoàn
cảnh tại gia cư sĩ của đông đảo nông dân Nam Bộ, nâng đỡ người ta về mặt
tâm linh trước khi đi vào tu thiền”.
Giáo pháp thiền học cũng chưa bao giờ thật sự có trong giáo lý Phật Giáo
Hòa Hảo và Bửu Sơn Kỳ Hương. Nội dung các bộ kinh căn bản của thiền học
Phật Giáo không thấy trích dẫn lại trong thi văn, sấm giảng của Phật
Thầy Tây An và Phật Giáo Hòa Hảo.
Giữa Pháp bảo của Phật Giáo và trước tác của các vị giáo chủ tôn giáo
bản địa Nam Bộ đã có một khoảng cách, mà một trong những biểu hiện là
kinh điển Phật Giáo được thay thế bằng những trước tác mới có, và việc
trích dẫn, nếu có chăng, thì chỉ dẫn ý, không ghi rõ xuất xứ.
Nói dấu vết của Pháp bảo không còn trong giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo - Bửu Sơn Kỳ Hương cũng chính vì lý do này.
Tăng bảo yếu tố thứ ba của Phật Giáo cũng không còn trong Phật Giáo Hòa
Hảo. Không còn tăng đoàn xuất gia, cũng có nghĩa là không còn giới luật.
Điều khác biệt này cũng hết sức quan trọng đối với vấn đề mà chúng ta
đang xem xét.
Hiện nay, một số cơ sở thờ tự cũ của Bửu Sơn Kỳ Hương có khuynh hướng
tái Phật giáo hóa, “chùa hóa”. Do đó, cũng cần có sự phân biệt giữa Phật
Giáo Hòa Hảo và Bửu Sơn Kỳ Hương từ hiện tượng thực tế.
Phật Thầy Tây An được suy tôn là một vị “Phật”, thay vì “giáo chủ”
như đối với vị lãnh đạo tối cao của Phật Giáo Hòa Hảo cho thấy khoảng
cách giữa Phật Giáo Hòa Hảo và Bửu Sơn Kỳ Hương đối với Phật Giáo có sự
sai biệt nhất định.
Do vậy, cũng có mức độ chênh lệch trong việc triệt tiêu yếu tố Tam Bảo đối với hai tôn giáo bản địa Nam Bộ này.
Nhìn vào các biểu hiện hình thức, đặc biệt là ở Phật Giáo Hòa Hảo,
chúng ta thấy sự khác biệt quan trọng đối với Phật Giáo truyền thống.
Các “tháp giảng” của Phật Giáo Hòa Hảo có một cấu trúc, chức năng
hoàn toàn khác với chùa Phật Giáo. Quy y trong Phật Giáo Hòa Hảo cũng có
sự khác biệt lớn so với Phật Giáo.
Không có Tam bảo, quy y ở Phật Giáo Hòa Hảo chỉ là thủ tục vào đạo,
không có ý nghĩa đúng nghĩa của khái niệm quy y trong Phật Giáo, là gắn
liền với Tam Bảo.
Sách Người Nam Bộ và tôn giáo bản địa cũng miêu tả sự khác biệt này: “…Giáo
chủ có nhắc đến Ban Trị Sự cấp làng, có nghĩa vụ đọc hết thể lệ về sự
tu hành cho người quy y nghe, hỏi họ bằng lòng không, rồi hướng dẫn họ
cách thức vào Đạo, và tặng cho họ cuốn Tôn chỉ hành Đạo của Thầy. Nhưng
ngay sau đó, Giáo chủ liền viết: “không bắt buộc người quy y phải thề
thốt chi hết, vì người muốn tu do nơi sự phát nguyện của mình thôi” (sách đã dẫn, trang 166).
Bên cạnh yếu tố không có Tam Bảo, giới luật, chùa chiền, cũng cần nhấn
mạnh đến sự khác biệt lớn về đức tin của Phật Giáo Hòa Hảo so với Phật
Giáo.
Phật Giáo không hề thừa nhận “trời”, tạo vật chủ.
Trong khi đó sách Sách Người Nam Bộ và tôn giáo bản địa đưa ra nhận định như sau: “Chắc
hẳn, khi nêu tên gọi: “Phật Giáo Hòa Hảo”, Đức Huỳnh Giáo Chủ hiểu
rằng, Ngài đã thâu nhận rất nhiều từ giáo lý chân truyền nhà Phật, nhưng
không hẳn vì thế mà ta bó hẹp Đức tin của Ngài chỉ nơi Phật Giáo. Bao
trùm lên tất cả vẫn là Đạo Trời (Định luật thiên nhiên), như Đức Thầy đã
nhiều lần nhắc đến “Lý thiên đình hoạch định”, “Thiên Tào đã xét
định”, “Luật trời thưởng phạt”, “Mượn bút mà lộ thiên cơ”…” (sách dẫn trên trang 141).
Các khái niệm “thiên đình”, “thiên tào”, “thiên cơ”… của Phật Giáo Hòa Hảo thể hiện sự khác biệt rất rõ nét với Phật Giáo.
Từ những nét khác biệt được ghi nhận ở trên, so sánh với những nét
tương đồng giữa Phật Giáo Hòa Hảo-Bửu Sơn Kỳ Hương và Thiền Phái Phật
Giáo Trúc Lâm Yên Tử được tác giả Phạm Bích Hợp ghi nhận trong đoạn
trích đã dẫn ở đầu bài viết này, chúng ta có thể thấy rằng điểm khác
biệt là hết sức cơ bản.
Chính tác giả Phạm Bích Hợp cũng có kết luận: “…lại càng không nên gò ép mà xếp Đạo Hòa Hảo thành một chi phái của Đạo Phật” (sách dẫn trên, trang 141).
Chú ý là trong câu văn này, thay vì dùng cụm từ “Phật Giáo Hòa Hảo”
thì tác giả Phạm Bích Hợp đã chỉ dùng cụm từ “Đạo Hòa Hảo”.
Những khác biệt hết sức cơ bản cùng kết luận dẫn lại ở trên cho phép
chúng ta có cơ sở cân nhắc lại nhận định Phật Giáo Hòa Hảo đã “tiếp nối và làm sống dậy dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử”. Nhận định trên chỉ đúng khi sự khác biệt là quá nhỏ so với những nét tương đồng.
4. Đến đây, chúng ta khảo sát đến một số điểm tương đồng trong tư tưởng
của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử và Phật Giáo Hòa Hảo mà tác giả Phạm
Bích Hợp đã ghi nhận qua sách Người Nam Bộ và tôn giáo bản địa.
Về nhận định “các thiền sư phần lớn là cư sĩ, đó là dòng thiền nhập
thế, đáp ứng đời sống tâm linh của những người tại gia còn đang phải
gánh vác công việc của đất nước”, nhận định này căn cứ theo lời văn của Thiền Uyển Tập Anh được dẫn ngay sau đó: “số khác đông Thiền sư Việt Nam thời này đã có những cống hiến vào việc nước, nhiều người còn giữ chức quan tại triều đình” (sách đã dẫn, trang 118).
Hiểu “Thiền sư phần lớn là cư sĩ” vì họ “cống hiến vào việc nước”
và nhiều người còn giữ chức quan tại triều đình là đã có sự nhầm lẫn,
từ đó đưa đến cách hiểu cả Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và Phật Giáo Hòa
Hảo tương đồng ở chổ đều chỉ là “thiền sư cư sĩ”, giải tăng đoàn, và thậm chí còn gọi Đức Huỳnh Giáo chủ thành ra “Thiền Sư Huỳnh Phú Sổ” (trang 123, sách dẫn trên).
Thực ra, “thiền sư cống hiến vào việc nước “, “giữ chức quan tại triều đình” khác biệt rất xa với khái niệm không thể tồn tại “thiền sư phần lớn là cư sĩ”.
Khi một thiền sư “cống hiến vào việc nước”, “giữ chúc quan tại triều đình” thì không có nghĩa họ đã trở thành cư sĩ, mà họ vẫn là thiền sư.
Điều đó cũng giống như một số chư tôn đức ngày nay tham gia việc nước
trong chức vụ “đại biểu quốc hội”, “đại biểu hội đồng nhân dân”… vậy.
Chư tôn đó vẫn là thiền sư, nếu chư vị tu thiền.
Cư sĩ khác sư và thiền sư (nếu vị sư đó tu thiền) ở chỗ giới mà họ
thọ trì, không phải ở công việc mà họ đảm nhận, càng không phải do kết
quả mà họ đóng góp.
Vua Trần Nhân Tông phải xuất gia, từ bỏ ngôi vua, thọ giới mới trở
thành một vị thiền sư. Còn nếu ông tu tại triều đình, không xuất gia,
thì vẫn là cư sĩ.
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử gìn giữ một cách nghiêm túc truyền thống
có chất nguyên tắc này của Phật Giáo, và sư là sư, cư sĩ là cư sĩ, không
thể lẫn lộn, dù tất cả đều tu.
Nghĩa là, tăng bảo giữ một vị trí quan trọng trong Thiền phái Trúc
Lâm Yên Tử. Trong khi đó, Phật Giáo Hòa Hảo không có Tăng bảo. Không thể
có sự tương đồng ở điểm này.
Xét đến các điểm tương đồng trên lĩnh vực tư tưởng, tác giả Phạm Bích
Hợp đã có lý khi xem bốn câu thơ thường được truyền tụng trích từ tác
phẩm Cư Trần Lạc Đạo của Trần Nhân Tông là tư tưởng chủ đạo của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử:
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói cứ ăn đi mệt ngủ liền
Bữa sẳn ở nhà thôi khỏi kiếm
Vô tâm đối cảnh hỏi chi thiền
Tư tưởng này được tác giả Phạm Bích Hợp coi là tương đồng với tư tưởng của Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ:
Ta là cư sĩ canh điền
Lo nghề cày cuốc cũng chuyên tu hành
hay
Tu hành nào luận mặn chay
Miễn tâm thanh tịnh gặp ngày an cư
hay
Tu không cần lạy cần quỳ
Ngồi đâu cũng sữa vậy thì mới mau
Ở đây có sự tương đồng, nhưng cũng tồn tại sự khác biệt, xét về mặt cấp độ.
Đỉnh cao tư tưởng của tổ sư Trần Nhân Tông là cấp độ “vô tâm đối cảnh”. Nếu chỉ tương đồng ở cấp “vui đạo tùy duyên” “Đói cứ ăn đi mệt ngủ liền”, thì trong cái tưởng chừng như là tương đồng đó đã có sự khác biệt rất lớn.
Phật Giáo Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương không hề có tư tưởng “vô tâm đối cảnh”. Mà “vô tâm đối cảnh” mới là thiền thực sự. “Vui đạo hãy tùy duyên” “Đói cứ ăn đi mệt ngủ liền”… chỉ là bối cảnh để vấn đề chính “vô tâm đối cảnh” bộc lộ.
Với sự khác biệt cơ bản như vậy, thì quả thật người đọc sẽ hết sức băn khoăn trước kết luận: “Sau
gần 600 năm, đạo Bửu Sơn Kỳ Hương ở miền Tây Nam Bộ mà đứng đầu là Ngài
Đoàn Minh Huyên. Tiếp nối tư tưởng “Cư trần lạc đạo” nêu trên, nhưng đã
được ông bình dân hóa cho phù hợp trình độ căn cơ của tín đồ Bửu Sơn Kỳ
Hương” (sách đã dẫn, trang 120).
Một sự tương đồng về bộ phận không thể hiều là sự “bình dân hóa” cấp độ toàn phần được.
Lại càng không thể xác định mối quan hệ “tiếp nối và làm sống dậy” được.
Hơn nữa tương đồng không thể là cơ sở để kết luận có sự tiếp nối. Nếu
thế, cần phát hiện quá trình tiếp nhận, kế thừa, duy trì và vận hành
tiếp tục.
Công trình nghiên cứu Người Nam Bộ và tôn giáo bản địa đã không ghi nhận một tiến trình như vậy.
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và Phật Giáo Hòa Hảo cũng như Bửu Sơn Kỳ
Hương đều có những đóng góp, nhưng hai bên vẫn là hai thực thể tách
biệt, không có sự thừa tiếp, với những nét tương đồng là có, nhưng ở mức
độ có hạn, và những nét khác biệt mới là căn bản.
Kết luận này phù hợp với nhận định của chính tác giả Phạm Bích Hợp ở một đoạn khác cũng trong công trình nghiên cứu Người Nam Bộ và tôn giáo bản địa : “Cho
nên, với Đức Thầy, việc Ngài (tức Đức Huỳnh Giáo Chủ) dùng đến Phật
Pháp là một phương cách đưa đến Đức tin chứ không hẳn chỉ là tiếp nối
công việc cổ truyền. Đức tin Phật Giáo giống như một vị Bồ Tát trong
hàng vị Bồ Tát khác” (sách dẫn trên, trang 141)
5. Tác giả Phạm Bích Hợp khi phân tích sự khác biệt thành phần nhân sự
tham gia một bên là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và một bên là Phật Giáo
Hòa Hảo – Bửu Sơn Kỳ Hương có đề cập đến vấn đề “nhị kiến”. Mà đã có vấn
đề “nhị kiến” thì sao có thể có quan hệ “tiếp nối và làm sống dậy”
được?
Theo ý kiến riêng của chúng tôi, vấn đề Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử chỉ
quy tụ được giới trí thức khoa bảng, còn Phật Giáo Hòa Hảo và Bửu Sơn
Kỳ Hương thì ngược lại không thuộc về lĩnh vực quan điểm.
Chỉ đơn giản bởi vì Trúc lâm Yên Tử là một thiền phái, còn Bửu Sơn Kỳ
Hương - Phật Giáo Hòa Hảo là những giáo phái mang màu sắc nhân thừa
Phật Giáo (tu đạo làm người).
Những tư tưởng thâm sâu của thiền học thì khó mà phổ cập rộng rãi đến quần chúng giới hạn về trình độ văn hóa.
Đi đến kết kuận Phật Giáo Thiền tông Trúc Lâm Yên Tử và Phật Giáo Hòa
Hảo hiện đại không có mối quan hệ trước sau “tiếp nối”, chúng tôi vẫn
đánh giá cao những đóng góp của Phật Giáo Hòa Hảo cũng như đạo Bửu Sơn
Kỳ Hương và của cư dân Tây Nam Bộ.
Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo đã gánh được trách nhiệm mà lẽ
ra Phật Giáo, một tôn giáo đã có mặt rất lâu từ trước đó ở Tây Nam Bộ
phải chu toàn.
MT