Trí là lý
trí, trí tuệ. Nói đến trí là nói đến sự rạch ròi, khúc
triết với tư duy logic, là nhận thức lý tính, mang tính chất
nghiêm khắc, khô khan.
Tâm
là tình cảm, tâm linh. Nói đến tâm là nói đến sự mềm mại,
uyển chuyển, là tư duy tình cảm, nhận thức cảm tính. Nói cách
khác, đó là sự trực cảm tâm linh.
Thiền chú trọng đến tâm gọi là Tâm tông, cũng còn
gọi là Định niệm tông, vì chủ trưởng dùng tâm để suy tưởng,
để chiêm nghiệm tìm thấy chân lý, theo kiểu trực cảm tâm linh.
Đây là một tông phái thuộc Đại thừa Phật giáo với phép tu đốn
ngộ, chủ trương tâm truyền: “Trực chỉ chân tâm, kiến tính thành Phật; dĩ tâm truyền tâm, bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền”.
Thiền có gốc gác từ triết học Cổ đại Ấn Độ, trước thời
Thích Ca. Gọi cho đủ là Thiền na, phiên âm từ chữ Dhyana của
ngôn ngữ Sancrit, hay Jhanà của ngôn ngữ Pali. Hồi ấy, thiền là
một pháp môn tu tập theo khuynh hướng tư duy, suy lý của phái
Du-Già (Yoga), một trong sáu phái triết học cổ đại Ấn Độ. Để
tụ tập, các vị đạo sĩ Bàlamôn (Brahamana) của phái Du-Già
ngồi trang nghiêm ngay ngắn dưới gốc cây để minh tưởng, quán
tưởng. Phép tu này rất bổ ích cho việc trau dồi tâm tính, hoà
hợp giữa cá tính với bản thể. Thích Ca là người cải biến
phép tu của phái Du-già thành Thiền –định, tạo nên sự quân
bình hoà hợp giữa trí tuệ và tâm linh bằng cách thể nghiệm
và đạt quả Vô thượng Bồ Đề sau 49 ngày đêm ròng rã dưới gốc
cây Tất-bát-la (Pippala, giờ gọi là cây Bồ Đề). Thuật ngữ Dhyana
lại xuất phát từ Kinh Upanishab (áo Nghĩa Thư) một kinh của
Bàlamôngiáo thời kỳ thứ 3 với chủ trương “Phạm – ngã đồng
nhất”. Theo kinh này, những người có tâm lượng vĩ đại đều được
gọi là Dhyana và được người đời kính ngưỡng.
Muốn
thiền định, người thực hành phải sống hoà mình trong chân lý,
chiêm nghiệm nó thì mới thông tỏ, bừng vỡ chân lý. Trước hết,
phải lắng đứng tâm niệm để suy nghĩ, để quán tưởng. Định
là tâm chuyên chú, nhiếp tâm, làm cho tâm không loạn động, không
rong ruổi theo ngoại cảnh. Nói cách khác, định là một trạng
thái tâm lý chứng ngộ bằng trực cảm tâm linh thể hiện sự quân
bình giữa tâm linh và trí tuệ thông qua phép tu thiền. Huệ Năng
có nói “Thoát ly tất cả hư trần huyễn tướng là thiền; đoạn trừ tất cả tâm niệm loạn động, tà khúc là định” (Pháp Bảo Đàn Kinh); Còn Huệ Hải thiền sư thì cho rằng “Vọng niệm chẳng sinh là thiền, ngồi thấy bản tính là định” (Đốn ngộ nhập đạo yếu môn). Kinh Lăng già, kinh yếu chỉ của Thiền Tông viết rằng “Tâm sinh thì pháp sinh, tâm diệt thì pháp diệt”, ví “tất cả đều do tâm tạo ra” (Nhất thiết duy tâm tạo). Lời Đức Thích Ca căn dặn đệ tử trước lúc nhập Niết bàn có chép trong kinh Di giáo cũng chú trọng đến tâm: “Kìm tâm một chỗ thì không việc gì chẳng xong”. Tôi nói hơi dông dài về thiền, về tâm với mục đích là nói đến tư duy, phương pháp tu tập của thiền là trực cảm tâm linh, thấy rõ “tất cả ở chỗ không tâm” thì mới đạt đạo.
Có
sống hoà đồng với ngoại giới, với chân lý, có chiêm nghiệm
nó thì phút chốc sẽ bừng vỡ bằng trực cảm chứ không thể
bằng suy lý. Nhưng bước đầu để hiểu được chân lý, trước khi
hoà đồng, chiêm nghiệm thì phải dùng tư duy lý tính, dùng trí
tuệ, dùng suy lý. Chỉ có trực cảm tâm linh mới thấy “tâm pháp
nhất như”, “Vạn vật nhất thể”. Điều mà tư duy trí tuệ theo lý
tính còn phân biệt, còn đối đãi, chứ không thể thông rõ trong
sự thống nhất, hài hoà. Đây là kết quả của tinh thần điều
hoà, dung hợp, quân bình giữa tâm linh và hiện thực, giữa tâm
và trí. Ngay cả khi đọc tiểu truyện các thiền sư Lý Trần trong
Thiền Uyển Tập Anh, hay truyện các đức
Lạt-ma của Mật tông (Tây Tạng), chúng ta lại thấy có tính chất
thần thuật đi nữa các vị cũng vận dụng năng lực tâm linh để
điều khiển sức mạnh thiên nhiên, điều khiển ngoại giới theo ý
của mình. Bởi giữa tâm linh con người với hiện tượng thiên nhiên
bao giờ cũng có mối quan hệ mật thiết. Khoa học ngày nay cũng
từng nói về dòng điện sinh học, về ngoại cảm, cũng
không ngoài mối quan hệ – liên hệ trên. Tính chất thần bí hoang
đường khó tin ở trên lại đi song song với tính chất thực nghiệm
tâm linh, làm nên sự quân bình. Từ Đạo Hạnh dù có đạt phép
thần thông nhưng trong lòng vẫn còn mang thù hận, nên khi nghe
Kiều Trí Huyền giảng thuyết thì mù tịt, chẳng hiểu. Đến khi
thù cha đã trả, lòng sạch nhẹ không ông mới chứng ngộ. Tuy vậy
vẫn còn luân hồi tức thác sinh làm vua Lý Trần Tông và mắc
bệnh hoá cọp sau này. Minh Không phủ nhận thần thông của mình
bằng cách phát biểu “thần vốn bị bệnh phong, lúc phát
bệnh không con thấy biết gì bệnh phong, lúc phát bệnh không còn
thấy biết gì nữa, nên cứ tin thế mà đi, đó không phải là
thần thông” (Thiền uyển tập anh). Cũng nhờ chứng nghiệm bằng trực cảm tâm linh mà có được hình ảnh “đêm qua hoa nở trước sân trong lúc xuân tàn hoa rụng” của Mãn Giác Thiền sư; mà có “tiếng kêu dài trên đỉnh núi trơ trọi làm lạnh cả bầu trời”
của Không Lộ thiền sư. Còn Quảng Nghiêm thì khuyên “kẻ nam nhi
có chí thì đừng đi theo bước chân của Như Lai”. Tuệ Trung thượng
sĩ vừa làm quan trị nước, vừa hành đạo và chứng đạo trong
vòng tay thê thiếp, giữa cuộc đời lăng xăng; trong khi đó ông vẫn
ăn chay lẫn ăn mặn. Nhờ trực cảm tâm linh, tạo được sự quân
bình giữa tâm và trí mà Thái Tông bỏ ngôi đi tu, lại trở về
ngôi vừa trị nước, vừa đánh giặc, vừa tu thiền (Thiền tông chỉ nam tự); Nhà vua sống trong nhung lụa, ăn cao lương mỹ vị nhưng vẫn ý thức con người chỉ là nô lệ cho thanh sắc (Khoá hư lục) nên đã thiền định, tu tập và chứng ngộ.
Trong
thiền học và văn học Phật giáo thời Lý Trần, tính chất quân
bình giữa tâm và trí thể hiện thật hài hoà. Ở đây không có
sự đối lập, tranh chấp giữa hai thế lực nội tâm mà bề ngoài
vốn xung khắc nhau. Những lời kệ lời thơ mang những tư tưởng
trong sáng với những hình ảnh sinh động lung linh, sở dĩ không
phải là những mệnh lệnh nghiêm khắc, khô khan, lôgic, chặt chẽ
của trí tuệ, của khối óc là vì sự thoả thuận của tâm linh
trực cảm, sự rung động mềm mại uyển chuyển của con tim. Trước
khi đạt đến sự quân bình này, con người ta phải trải qua bao
nhiêu mê lầm, chấp trước, phân biệt đối đãi. Chỉ sau khi giác
ngộ, tâm trí mới thanh thản và thấy rõ; Y như lớp mây mù vô
minh đã bị quét sạch khỏi tâm hồn thì trí tuệ bát nhã sẽ
sáng tỏ như “con quạ vàng”, như “chú thỏ ngọc” trên nền trời
vào lúc thời tiết tốt đẹp (Bảo Giám thiền sư).
Cũng như ngày xưa, lúc còn bé, Trần Nhân Tông thấy rộn ràng
khi ngày xuân hoa nở và khi đã đạt đạo thì hiểu rõ và lúc
này tha hồ “chiếu cọ giường sư ngắm bóng hồng” (Mo), mà lòng vẫn trống không, chân như.
II. Sự quân bình giữa tâm và trí còn đưa đến một kết quả siêu việt hơn đó là sự thống nhất giữa tri thức lý thuyết, hành động thực tế và động cơ tình cảm của thiền sư. Điều này thể hiện rất rõ trong thuyết “Tam ban” của Ngộ ấn thiền sư.
II-1. Ngộ ấn, theo sách Thiền uyển tập anh,
bản Vĩnh Thịnh năm thứ 11 (1715) tờ 22a-b có ghi: Thiền sư họ
Đàm tên Khí, người đất Tư Lý, hương Kinm Bài, sinh năm 1020 mất
năm 1088. Khi bà mẹ họ Cù sinh ra ông, thấy mặt mũi xấu xí nên
ghét, bỏ ông trong rừng. Một sư cụ họ Đàm người Chiêm Thành
thấy vậy đem về nuôi và đặt tên cho ông. Lên mười, học Nho, giỏi
cả Hán lẫn Phạn. Mười chín tuổi xuất gia, tinh thông hai bộ
kinh Viên Giác và Pháp Hoa. Sau sư được Quảng Trí thiền sư ở
chùa Long Ân trên núi Ninh Sơn, phủ Ứng Thiên. Thiền sư thuộc thế
hệ thứ tám dòng Vô Ngôn Thông.
II-2. Để trả lời câu hỏi: Thế nào là Phật? Thế nào là Pháp? Thế nào là Thiền? Ngộ Ấn đáp rằng: “Vô
thượng pháp vương tại thân vị Phật, tại khẩu vi Pháp, tại tâm
vi Thiền. Tuy thị tam ban, kỳ quy tắc nhất, dụ như tam giang chỉ
thuỷ, tuỳ xứ lập danh, danh tuy bất đồng, thuỷ tính vô dị” (Thiền uyển tập anh, tờ 22b).
(Tạm
dịch: Đức Vô thượng pháp vương ở thân là Phật, ở miệng là
Pháp và ở tâm là Thiền. Tuy là ba ban nhưng đều quy về một
mối, cũng ví như nước của ba nhánh sông, tuỳ địa phương gọi
khác nhau nhưng tính chất của nước là một”).
Thuyết Tam ban
của Ngộ Ấn là chủ trương thống nhất, thực tiễn nhất trong
thiền học Lý - Trần. Tuy nhà sư có kế thừa và thấu hiểu uyên
nguyên của kinh Pháp Hoa, kinh Viên Giác khi nêu ra thuyết này,
nhưng đây vẫn là triết lý độc đáo, đầy sáng tạo khi đã tiếp
thu và thấu triệt tinh hoa của tư tưởng nước ngoài.
-Ở thân là Phật:
Thân Phật là chân lý nhập thể, tức Phật nhập thế gian để
hành đạo bằng những hành động hy sinh của chính bản thân mình.
Ở “thân là Phật” tương ứng với hành động thực tế, cần phải
có ý chí mạnh mẽ, quả cảm đủ để chấp nhận những thiệt thòi
về phần mình. Đây là đức Dũng của luân lý Phật giáo.
-Ở miệng là Pháp:
Nhưng trước khi làm được những hành động cứu đời, phải có
cái biết đầy đủ, trọn vẹn (viên giác) và bậc giác giả lại
cứu đời bằng cách giác tha: giảng thuyết cho người đời biết
về giả tướng, về thực thể của vạn sự vạn vật (pháp) để họ
có thể giác ngộ được chân lý mầu nhiệm. Vậy “ở miệng là
pháp” tương ứng với tri thức biện luận, tức dùng đến lý
thuyết, ngôn ngữ của thế giới nhị nguyên tương đối. Đây là đức
Trí của luân lý Phật giáo.
-Ở tâm là Thiền:
Nhưng đặc sắc của triết học Phật giáo là phủ định triệt để,
kể cả Niết bàn. Nhất là Thiền tông lại không trọng ngôn ngữ
bằng trực giác (tâm), bằng trực cảm tâm linh,
vì nó giúp cho người tu tập thấu đạt chân lý một cách trực
tiếp qua quá trình chiêm nghiệm (dĩ tâm truyền tâm). Vả lại, tự
giác và giác tha là lý tưởng của bậc giác ngộ bao giờ cũng
xuất phát từ nơi tâm, thực hiện do động cơ tâm linh thúc đẩy
(Phật tại tâm; Nhất niệm khởi thiện ác dĩ phân). Vậy tâm là
động cơ tình cảm thúc đẩy bậc giác ngộ ở lại thế gian để
cứu vớt con người trong cảnh trầm luân. Cũng như thái tử Tất
Đạt Đa xưa kia quyết lìa bỏ ngai vàng, thoát ly gia đình chỉ vì
động lực duy nhất muốn tự mình thoát khỏi và muốn cứu vớt
nhân loại vượt khỏi cảnh sinh, lão, bệnh, tử. Đây là đức Bi
trong luân lý Phật giáo.
Vậy Phật, Pháp, Thiền (Thân,
Khẩu, Tâm) chung quy là ba phương diện của cùng một chân lý mầu
nhiệm, thực hiện bằng cả con người và cuộc đời của đức Phật
hay những ngưới theo Phật, lý trí, tình cảm, hành động bao giờ
cũng gồm trong một thân xác.
Có thể nói thuyết Tam Ban
của sư Ngộ Ấn là một chủ trương kiểu “Tri hành hợp nhất” đầy
đủ và thật đặc sắc của thiền học Lý - Trần. Ngày nay, tuy
không mới nhưng hồi ấy quả là mới mẻ trong tư tưởng giới vì
đã thể hiện một tư tưởng quân bình tuyệt đối và độc đáo của
dân tộc đang muốn dung hoà các khuynh hướng mâu thuẫn bấy giờ:
Một đằng là khuynh hướng siêu thoát theo sư đòi hỏi tự do cá
nhân; một đằng là khuynh hướng nhập thể cuộc đời theo sự đòi
hỏi của đời sống tổ chức của một dân tộc vừa phục hưng.
Khả
năng đặc biệt của tinh thần Việt Nam, ý thức độc lập tự
cường của dân tộc sống giữa địa bàn ngã ba của hai trào lưu tư
tưởng mạnh mẽ của thế giới, của phương Đông là Ấn Độ và
Trung Quốc đã thể hiện trong triết lý của Ngộ Ấn. Khả năng
dung hoà và Việt hoá tư tưởng này rất cần cho những dân tộc
dang phục hưng như dân tộc ta. Chính đức Bi, Trí, Dũng với sự
quân bình giữa tâm và trí đã ảnh hưởng lớn đến văn hoá, đạo
đức, chính trị xã hội bấy giờ. Vua Lý Thái Tông tha tội làm
phản cho Nùng Trí Cao; Lý Thánh Tông tha tội chết cho vua Chiêm
Thành là Chế Củ, sai phát chăn chiếu cho tù nhân và cho ăn uống
đầy đủ trong mùa đông giá rét, với lòng “thương dân như thương
con”, vua Lý Nhân Tông chỉ cách chức và đày Thái sư Lê Văn Thịnh
đi xa, dù ông này dùng phép hoá cọp để hại mình hầu cướp
ngôi vua; Trần Thái Tông sai đốt tráp đựng thư hàng giặc Nguyên
của một số quan lại mà không đọc, chỉ vì để tránh việc hỏi
tội họ; tha tội cho Hoàng Cự Đà vì ông này không được vua cho
ăn xoài nên bỏ vua giữa lúc đang tránh loạn. Trần Nhân Tông sau
khi chiến thắng quân xâm lược, đã nhường ngôi cho con rồi đi
thuyết pháp trong dân gian, truyền bá đạo từ bi, khuyên nhân dân
xoá bỏ các dâm từ cung mê tín dị đoan. Tất cả là nhờ sự quân
bình giữa tâm và trí của thiền học Lý Trần.
Nha Trang, trọng xuân Đinh Sửu 1997.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, H, số 4, 2002