Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
‘Hằng hà sa số các thế giới’ với phát hiện hành tinh ‘sinh đôi’ của trái đất
Huệ Lưu.
14/12/2011 07:05 (GMT+7)


 Đêm đen thời gian

“Từ đêm đen của thời gian, con người đã đăm đắm nhìn lên bầu trời, cật vấn nó, thi vị nó, thậm chí còn bi kịch hóa nó”, GS.Trịnh Xuân Thuận nói.

Phải chăng có hằng hà sa số các thế giới hay chỉ có một thế giới chúng ta đang sống? Vạn vật là tựu thành từ sự tan chảy của nước? Hay vạn vật mãi luôn là ngọn lửa lung linh và bùng cháy?

Từ ngàn năm nay có phải loài người luôn cô đơn giữa các vì sao vắt qua dãi ngân hà mỗi đêm?... Đó là những câu hỏi đã ám ảnh loài người từ thời bình minh nhân loại với những hiền triết Heraclitus, Aristole, Democritus...

Nay thì nhóm các chuyên gia hàng đầu về vũ trụ của NASA do Roger Hunter làm trưởng nhóm của ‘sứ mệnh Kepler’ đang tập trung nghiên cứu để trả lời những câu hỏi này.

Hằng hà sa số thế giới với hành tinh ‘sinh đôi’

Ngày 14 tháng 10 năm 2009, đã được năm tháng kể từ ngày kính thiên Kepler vốn được thiết kế để tìm kiếm sự sống ngoài vũ trụ được phóng lên quỹ đạo từ Trung tâm Vũ trụ John F. Kennedy, Kepler tiếp tục trôi vào tâm quỹ đạo và thu thập các dữ liệu khoa học, nhóm nghiên cứu Kepler nhận được các dữ liệu được truyền về hàng tháng.

Cho đến tháng 11 năm 2011 là đúng 3 năm, sứ mệnh Kepler của NASA đã xác nhận tìm thấy hành tinh đầu tiên gần giống trái đất trong hành trình tìm kiếm , “vùng sinh sống, nơi mà nước có thể tồn tại trên bề mặt hành tinh”. Đó là một phát hiện mang tính cách mạng trong hành trình tìm kiếm sự sống ngoài trái đất.

Kepler đã phát hiện thêm 1000 hành tinh mới, nhiều gấp đôi số hành tinh đã biết, một trong số các hành tinh này có kích thước và quỹ đạo của vùng sinh sống gần giống trái đất với sự hiện diện của đá, khí và chất lỏng.

Những tưởng đó là một phát hiện có tính cách mạng lịch sử vĩ đại nhất của loài người, nhưng sự thật những ý niệm về vô số các hành tinh đã có cách đây hơn 2500 năm.

Từ xứ Ấn Độ thuộc miền đất Tây Á có một bậc “minh triết” được tôn xưng là đấng “Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác” đã tuyên bố rằng: “có hằng hà sa số các thế giới, có vô lượng chúng sanh hữu tình, có vô lượng vạn vật vô tình”.

“Phương Đông cõi Ta Bà này, có thế giới tên là Mật Huấn. Phương Nam có thế giới tên là Phong-Dật. Phương Tây có thế giới tên là Ly Cấu. Phương Bắc có thế giới tên là Phong Lạc. Phương đông-bắc có thế giới tên là Nhiếp-Thủ. Phương đông nam có thế giới tên là Nhiêu- Ích. Phương Tây Nam có thế giới tên là Tiên Thiểu. Phương Tây bắc có thế giới tên là Hoan Hỷ. Hạ phương có thế giới tên là Quan-Thược. Thượng phương có thế giới tên là Chấn Âm. Các đấng Như Lai trong mười phương thế giới này, mỗi vị có nhiều danh hiệu, cho đến vô lượng chư Phật ở vô số thế giới cũng đều như thế”, kinh Hoa Nghiêm, phẩm VIII-Tứ Thánh Đế, Thích Trí Tịnh dịch Việt.

Mười thế giới ở mười phương của cõi Ta Bà đều có những Khổ Thánh Đế khác nhau tùy vào từng căn cơ chúng sanh ở mỗi thế giới trong mỗi phương, qua kinh Hoa Nghiêm có thể xác quyết rằng những gì mà thiên văn học hiện đại mới phát hiện đã được Phật nói từ cách đây hơn 25 thế kỷ.

“Bấy giờ đức Phật bảo ngài Trưởng lão Xá-Lợi-Phất rằng: Từ đây qua phương Tây quá mười muôn ức cõi Phật, có thế giới tên là Cực Lạc” Kinh A-Di-Đà, Thích Trí Tịnh dịch Việt.

Từ đó hiểu rằng, Phật dạy trong vũ trụ có vô số Tịnh Phật quốc độ ở khắp mười phương thế giới chứ không phải chỉ có Tịnh Độ ở phương Tây. Trên cõi Tịnh Độ về phương diện Y Báo-Chánh Báo, tức điều kiện môi trường, hoàn cảnh sống và chúng sanh ở đó được Phật thuyết là vi diệu trang nghiêm thanh tịnh mà trí thường phân biệt nên người thế gian khó thấy biết.

Nhưng với những phát hiện mới nhất của NASA, người ta tin rằng có tồn tại sự sống ngoài trái đất và mang khoa học ngày càng đến gần hơn với Phật giáo.

Có những hồ nước trên bề mặt hành tinh Kepler-22b “nước ở dạng lỏng được cho là sự căn bản để hình thành sự sống” qua đó giới thiên văn xác nhận có khả năng tồn tại sự sống ngoài vũ trụ. “Đó là một khởi động tuyệt vời” James Fanson, quản lý phòng thí nghiệm phản lực của dự án Kepler cho biết.

Hành tinh mới được đặt tên Kepler-22b, kích thước vào khoảng 2.4 lần bán kính Trái Đất và cách chúng ta khoảng 600 năm ánh sáng. Ngôi sao lớn nhất của hành tinh này cách chúng ta khoảng 600 năm ánh sáng (1 năm ánh sáng bằng khoảng 9.5 nghìn tỷ km) về phía chòm sao Lyra và Cygnus và sáng hơn khoảng 25% so với mặt trời.

Kepler-22b có quỹ đạo 290 ngày và ở khoảng cách gần mặt trời của nó hơn 15% so với Trái Đất - đủ để có một điều kiện nhiệt độ bề mặt thích hợp giúp sự sống có thể tồn tại.

“Kết quả của Kepler chứng minh tầm quan trọng nhiệm vụ khoa học của NASA nhằm mục đích để trả lời cho câu hỏi lớn nhất về vị trí của chúng ta trong vũ trụ”, Douglas Hudgins- thành viên nhóm Kepler của NASA ở Washington nói.

“Phát hiện này hỗ trợ cho giả thiết rằng chúng ta đang sống trong một vũ trụ đông đúc, với những hành tinh giống như Trái Đất nằm trong thiên hà”. Alan Boss – nhà vật lý thiên văn học thuộc đại học Carnegie Melon nói.

“Khoa học đã chứng minh, vũ trụ thay đổi. Và trong vũ trụ, mọi vật đều thay đổi. Mỗi một thứ đều được sinh ra, sống cuộc đời của nó rồi chết đi. Thứ hai, Đức Phật cũng nói rằng, mọi sự vật trên thế gian đều hiện hữu dưới hình thức các mối quan hệ. Đó là hai ví dụ cho thấy điểm tương đồng trong cách nhìn của Đức Phật và khoa học. Trong nhiều trường hợp, cái nhìn của Phật giáo giúp khoa học đến gần hơn với chân lý” GS.Trịnh Xuân Thuận.

Huệ Lưu.

http://phapluan.com/khoahoc/triet-hoc/604-hang-ha-sa-so-cac-the-gioi-voi-phat-hien-hanh-tinh-sinh-doi-cua-trai-dat

Các tin đã đăng:
Về đầu trang