Trong
bài viết này, chúng tôi xin được ghi nhận yếu tố Phật giáo ở một trường
phái khoa học quan hệ quốc tế, được gọi là trường phái kiến tạo
(constructivism).
Đúng ra, phải gọi là học thuyết kiến tạo, hay
chủ nghĩa kiến tạo (vì từ “trường phái” thường được dùng để dịch từ
“school”), nhưng vì trên thực tế, đây chỉ mới là một thuyết có tính
cách học thuật, hơn là một “chủ nghĩa” theo cách hiểu thông thường của
người Việt, nên chúng tôi xin phép dịch bằng từ “trường phái”.
Khoa
học về quan hệ quốc tế còn tương đối mới mẻ với bạn đọc Việt Nam. Sách,
tài liệu giáo trình tiếng Việt của bộ môn này còn khá hiếm hoi, chủ yếu
chỉ lưu hành trong Học viện Quan hệ quốc tế và một số trường đại học.
Sách tiếng nước ngoài cũng nhập vào rất hạn chế, vì tính chất chuyên
môn hẹp của nó.
Vì vậy, trước khi đi vào trường phái kiến tạo, chúng tôi xin điểm
qua một số trường phái, học thuyết khác trong khoa học quan hệ quốc tế.
Có thể kể đến các trường phái chính: trường phái hiện thực, trường phái tự do, trường phái kiến tạo.
Trong mỗi trường phái lại có thể có những trường phái nhánh rẽ.
Xuất xứ các trường phái chính trong khoa học quan hệ quốc tế hiện nay chủ yếu là từ Mỹ và Châu Âu.
Sự
khác biệt giữa các trường phái học thuật trong khoa học quan hệ quốc
tế, thậm chí trái ngược nhau, mâu thuẫn nhau, thậm chí cạnh tranh nhau
trong việc ảnh hưởng, đào tạo các nhà chính trị, ngoại giao, chính
khách…
Các học thuyết trường phái đưa ra những cách lý giải khác
nhau về quan hệ quốc tế, những mối quan tâm khác nhau, những đối tượng
nghiên cứu khác nhau…
Có những trường phái, học thuyết hoàn toàn
xa lạ với đạo Phật. Chẳng hạn, trường phái hiện thực, có ảnh hưởng lớn
ở phương Tây trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Trường phái này xem quan
hệ quốc tế là một cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa các nước, trên cơ
sở lợi ích quốc gia, sẵn sàng tiến hành xung đột, chiến tranh.
Các
học giả theo chủ nghĩa hiện thực thường đưa ra những dự báo về gây hấn,
bùng nổ xung đột. Theo họ, đặc tính của thế giới là vô chính phủ, tức
là không có một thế lực điều hòa, bảo vệ lợi ích quốc gia. Còn các
quốc gia đều có yếu tố nội sinh là chi phối, thống trị các nước khác.
Cho nên xu thế chiến tranh, cạnh tranh, xung đột, mâu thuẫn là tất yếu.
Nhiều nhánh nhỏ trong trường phái hiện thực càng cực đoan hơn. Có trường hợp đề cao quan điểm tấn công.
Chủ
nghĩa tự do thì đề cao các quan hệ kinh tế, nhấn mạnh rằng sự liên kết
kinh tế, các mối quan hệ kinh tế, đưa tới sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh
tế sẽ hạn chế chiến tranh.
Các học giả theo trường phái tự do
coi ước muốn thịnh vượng, mong muốn yên ổn làm giàu, xây dựng kinh tế,
phát triển có vai trò quan trọng, chứ không phải yếu tố “xâm kích”, chế
ngự nước khác.
Các nhánh của học thuyết tự do đề ra những phương thức hợp tác, những ưu tiên hợp tác kinh tế, có quan điểm lạc quan.
Đối
tượng của 2 trường phái hiện thực tự do đều là nhà nước. Trường phái tự
do mang màu sắc hòa bình, nhưng đó là hòa bình từ kinh tế, có yếu tố
lòng tham kinh tế.
Quan niệm của đạo Phật về hòa bình, về quan
hệ giữa con người với con người, về bản chất các mối quan hệ… có thể
tìm thấy ở trường phái kiến tạo, cũng có thể gọi là trường phái xây
dựng.
Các học giả của trường phái kiến tạo không hẳn đã tiếp thu
tư tưởng của Đức Phật, tuy nhiên, rõ ràng, là họ tư duy như đạo Phật.
Đó là sự đồng quy của tiến bộ.
Nếu đối tượng của trường phái
hiện thực và tự do, cũng như nhiều trường phái khác trong khoa học quan
hệ quốc tế là nhà nước, thì đối tượng của trường phái kiến tạo là cá
nhân.
Đạo Phật quan niệm “nhất thiết duy tâm tạo” hòa bình đến
từ bên trong, trong mỗi con người, thì trường phái kiến tạo cũng quan
niệm như thế.
Trường phái kiến tạo đặt sự lưu tâm vào ý tưởng,
sự chuyển biến suy nghĩ ở mỗi con người. Nói theo đạo Phật, là đề cao
vai trò của “tâm”. Nó đối lập với các trường phái đề cao công cụ sức
mạnh quân sự, sức mạnh kinh tế, các công cụ chính trị bên ngoài.
Chúng
ta nhớ tới Pháp cú: “Trong các pháp, tâm là chủ, tâm dẫn đầu, tâm tạo
tác tất cả”. Dường như quan niệm này chi phối rất lớn đối với trường
phái kiến tạo.
Cái khác, có nhưng không lớn, là trường phái kiến
tạo, tuy nhấn mạnh đến ý tưởng (“tâm”) từ mỗi cá nhân, tuy vậy, có
hướng nhiều hơn đến với giới tinh hoa, nhất là tinh hoa chính trị (quan
chức, chính khách, học giả, trí thức…).
Trong khi đạo Phật thì có quan điểm bình đẳng hơn, không có sự phân biệt.
Nhưng
có lẽ, quan niệm như những học giả của trường phái kiến tạo cũng không
sai, nếu xét trên lý nhân duyên của nhà Phật. Giới tinh hoa chính trị,
những nhà hoạt động chính trị, giới trí thức… những người chi phối
nhiều hơn đến hoạt động tinh thần, quan hệ đối ngoại của quốc gia, tất
nhiên sẽ có “duyên” nhiều hơn đối với việc quyết định quan hệ quốc tế,
so với những người lao động chân tay, lao động phổ thông, tầng lớp bình
dân…
Yếu tố ý thức, tư tưởng, ý tưởng, tư duy tất nhiên liên hệ
nhiều đến giới tinh hoa. Tuy nhiên vẫn có thể thấy rằng “các học giả
này theo trường phái kiến tạo” tập trung sự chú ý vào những diễn biến
chính trong tư tưởng (discourse) của xã hội bởi vì các diễn biến đó
phản ánh và làm sâu sắc thêm niềm tin và lợi ích, đồng thời tạo ra
những chuẩn tắc hành vi được chấp nhận” (1). Tức là sự nhấn mạnh giới
tinh hoa cũng chỉ là tương đối.
Không đặt nặng sức mạnh của vũ
khí, của tiền bạc, của bản năng bạo lực, chế ngự đối tượng khác, của
bản năng làm giàu, trường phái kiến tạo quả đã có những tiến bộ, những
tiến bộ đó đã, trong một chừng mực nào đó, tương đồng với Phật giáo.
Tiến
tới thấy được vai trò của tâm, của cá nhân, trường phái kiến tạo đã
đồng quy với đạo Phật, trong xu thế coi trọng vai trò con người, của ý
tưởng, của “tâm”!.
Minh Thạnh - phattuvietnam
1. Nhiều tác giả: Lý luận Quan hệ Quốc tế, Học viện Quan hệ Quốc tế, Hà Nội, 2007 (Lưu hành nội bộ)