dàng sát phạt nhau trong mọi lĩnh vực của đời sống. Con người
trở nên ích kỷ, sẵn sàng gây hại cho người, cho vật, cho môi trường xung quanh
để phục vụ lợi ích riêng mình.
Trong những cơn bỉ cực ấy,
con người có lúc giật mình nhìn lại, nhận ra sự mong manh của kiếp sống và tính
vô thường giả hợp của vạn pháp. Lương tri nhân loại được đánh thức, con người
thấy rõ cần phải chung tay xây dựng và bảo vệ ngôi nhà thế giới. Và khi con
người bắt đầu chán ghét chiến tranh phá hoại thì hòa bình hữu nghị bắt đầu được
cổ vũ. Con người ngày càng có khuynh hướng tìm đến con đường đạo đức tâm linh,
tìm về những phương pháp thoát khổ. Giáo lý Đạo Phật vừa mang tính khoa học phù
hợp với trình độ nhận thức của con người hiện đại, vừa mang tính hòa bình đáp
ứng lòng khát khao an lạc hạnh phúc, ngày càng được nghiên cứu, tôn vinh và
thực hành.
Suốt bốn mươi chín năm hoằng
pháp, Đức Phật đã giải bày cặn kẽ về mọi uẩn khúc trong tâm chúng sanh, về
nguồn gốc của khổ lụy, về nguyên nhân của sinh tử. Ngài đã giới thiệu những
phương pháp xuất ly phiền não, đồng thời truyền trao tấm bản đồ của kho tàng
tâm địa vô giá, mà nếu khám phá và sử dụng được, chúng sanh có cơ hội thoát
khỏi luân hồi tam giới.
Những người tu Phật luôn lấy
trí tuệ làm sự nghiệp chung thân, nhưng không quên lập hạnh lợi tha tùy duyên
hóa độ người, không thể lẫn tránh trần gian đau khổ mà mưu tìm chân trời hạnh
phúc cho riêng mình. Bởi vì, hạnh phúc chỉ hình thành từ sự chuyển hóa hạt
giống khổ đau, sự thiết lập tịnh độ chỉ có nền móng ngay thế gian ô trược, muốn
thành tựu trí giác bồ đề cũng không thể lìa thế gian này mà có được. Đạo Phật
đi vào cuộc đời, mang lợi ích cho chúng sanh vạn loại, vừa khế lý vừa khế cơ,
vừa có tính minh triết lại vừa mang tính bình dân phổ cập. Khế lý vì lời dạy
của Đức Phật phù hợp với chân lý tuyệt đối, dù thời gian thay đổi hay không
gian biến dịch; khế cơ vì thích ứng mọi căn cơ trình độ, mọi giai cấp hay tầng
lớp xã hội. Giáo lý Phật đà có tính minh triết vì phát xuất từ chỗ thấy biết
như thật, nhận rõ bản chất của thực tại; mặt khác lại có nhiều phương tiện
thiện xảo nên không hề xa lạ với quần chúng bình dân, đáp ứng được nhu cầu tín
ngưỡng phổ cập.
Thông điệp của Đức Bổn Sư
tuyên thuyết từ hơn hai mươi lăm thế kỷ, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là
thông điệp về sự tỉnh thức, về trí tuệ siêu tuyệt và về lòng từ bi nhân ái.
Tỉnh thức là hiểu rõ vị trí của cá nhân trong đời sống tập thể, sự liên hệ hỗ
tương giữa mình và thế giới xung quanh. Trí tuệ là thấu suốt lý vô thường duyên
sinh của vạn pháp, nhận ra và hằng sống với tự tánh bản lai. Từ bi là tình
thương không chiếm hữu, không biên giới,
không chấp ngã - pháp, mang tính bình đẳng trong quan hệ giữa người với người,
giữa người với vật và cả với môi trường sinh thái. Bằng thông điệp ấy, Đạo Phật
đến nơi nào cũng mang lại bình an phúc lạc, như trận mưa đầu mùa sau những
tháng ngày khô hạn, thấm sâu vào lòng đất tâm của mỗi người, dần dần đâm chồi
nẩy lộc, rồi đơm hoa kết trái. Trong suốt chiều dài gần hai mươi sáu thế kỷ
truyền bá, Đạo Phật không bao giờ dùng đến giáo quyền hay vũ lực, không bao giờ
gây thù oán đau thương cho bất cứ ai, mà luôn uyển chuyển hòa hợp với phong tục
tập quán bản địa, khéo léo tiếp cận hóa độ tất cả những người hữu duyên. Chính
vì thế, Phật giáo được Liên Hiệp Quốc công nhận là tôn giáo hòa bình, ngày Phật
đản hàng năm được tổ chức như ngày lễ hội của toàn thế giới, Đức Bổn Sư được
tôn vinh là bậc Thầy dẫn đường, là vĩ nhân của nhân loại.
Trong tập sách này, ngoài
những bài viết đề cao giá trị tinh thần và tâm linh của Đạo Phật, chúng tôi còn
giới thiệu về những giáo lý cơ bản. Những vấn đề này tuy chúng ta thường nghe
hiểu, nhưng đó chính là nền móng tối cần thiết cho tòa lâu đài Phật pháp, phát
xuất từ kim khẩu Đức Bổn Sư. Nếu không hiểu thấu đáo ý nghĩa sâu xa của nền
móng cơ bản, chúng ta không thể có cái nhìn đúng đắn về nhân sinh quan và vũ
trụ quan của Đạo Phật. Rồi từ đó, chúng ta dễ tôn sùng Đức Phật như một thần
linh ban phước giáng họa, hoặc hạ thấp giá trị của Đạo Phật như một tôn giáo
thần quyền đầy dị đoan mê tín. Đức Phật đã từng tuyên bố: “Tin ta mà không hiểu
ta tức phỉ báng ta”. Những người con Phật chúng ta không nên kính ngưỡng Ngài
như một Đấng Giáo Chủ đầy quyền năng mà như một Bậc Đạo Sư - vị Thầy dẫn đường.
Con đường giác ngộ giải thoát Ngài đã đi và đã đến đích, con đường ấy vẫn luôn
rộng mở. Chỉ cần chúng ta quyết tâm cất bước, quyết tâm vượt mọi gian truân thử
thách, thì nhất định có ngày chúng ta cũng sẽ đạt đến mục tiêu cuối cùng.
Chư Phật, Bồ tát thị hiện
khắp chốn, giáo hóa chúng sanh không hề gián đoạn, cũng chỉ với bản nguyện duy
nhất là giúp chúng sanh đạt được mục tiêu tối thượng ấy mà thôi. Thế thì, mang
nặng cái ơn khó đền ấy của các Ngài, chúng ta phải làm gì để ánh sáng chánh
pháp luôn được chiếu soi trong vạn nẻo đường đời, giáo lý nhân bản của Đức Bổn
Sư luôn được xương minh, đạo lý từ-bi-hỷ-xả được mỗi người dùng làm phương châm
xử thế, để hành tinh xanh của chúng ta khỏi bị đe dọa bởi những tham vọng si mê
của con người? Câu hỏi ấy, mỗi người chúng ta nên tự đặt ra và tự trả lời.
Thiền viện Trúc Lâm Viên Ngộ
Phan Rang - Ninh Thuận
Mùa an cư - PL. 2554
Thích Thông Huệ