và tham
bái các nơi. Có độ điệp thì đi đến chùa nào của môn phái cũng được tiếp
đón và nghỉ chân. Ta có thể nói rằng những cuộc kết hạ an cư tổ chức tại
các tu viện Yên Tử, Quỳnh Lâm, Siêu Loại, Vĩnh Phúc, An Lạc Tàng Viện,
v.v... trong mùa hè là để dành ưu tiên cho những tăng sĩ thuộc giáo hội
Trúc Lâm. Thư tịch đời Trần hầu như không nói đến những sinh hoạt Phật
giáo ngoài giáo hội Trúc Lâm, đó thực là một điều đáng tiếc. Tuy nhiên
ta cũng biết được rằng số lượng tăng sĩ và tự viện không hề thuộc giáo
hội Trúc Lâm cũng là những số lượng đáng kể. Trong một chương trước
chúng tôi đã nói ít nhất tổng số tăng sĩ đời Trần cũng trên 30.000 vị và
như thế chỉ đưa ra một ước lượng tối thiểu về số lượng tăng sĩ không
thuộc môn phái Trúc Lâm. Có thể là số lượng này đông đảo bằng hai số
tăng sĩ Trúc Lâm cũng chưa biết chừng. Cố nhiên ta cũng nhận định rằng
có những tăng sĩ vốn không thuộc tăng phái Trúc Lâm nhưng đã gia nhập
môn phái này, bởi đây là bộ môn phái duy nhất được triều đình công nhận
và ủng hộ.
Từ
đời Lý, tự viện đã được phân làm ba loại: đại danh lam, trung danh lam
và tiểu danh lam. Các chùa được chính phủ nhận vào trong ba phạm trù ấy
đều được cấp ruộng đất. Ðến đời Trần, chắc hẳn tục lệ này vẫn còn được
duy trì, nhưng có lẽ chỉ được áp dụng trong trường hợp của những tự viện
thuộc môn phái Trúc Lâm. Tuy vậy, phong trào Phật trong quần chúng đã
lên mạnh: dân chúng tự động cất chùa, cúng dường ruộng đất cho chùa để
cung cấp lương thực cho tăng sĩ. Ta có thể nói rằng phần lớn những ngôi
chùa nhỏ dựng lên khắp nơi ở các làng mạc đều là của quần chúng tạo dựng
và nuôi dưỡng, không chính thức được triều đình công nhận và không
thống thuộc môn phái Trúc Lâm.
Phật
giáo Việt Nam đã là Phật giáo thiền từ thế kỷ thứ ba; nguyên tắc bất
tác bất thực (không làm thì không ăn) do thiền sư Bách Trượng khởi xướng
và do thiền sư Vô Ngôn Thông bắt đầu áp dụng tại nước ta đã tạo nên
truyền thống “chấp lao phục dịch” (làm việc lao động” trong giới thiền
môn. Tăng sĩ trong thiền môn ai cũng làm việc lao động, trồng cây, cuốc
đất, làm vườn, làm ruộng. Sự xen lẫn công tác lao động và công phu tọa
thiền là một thói quen rất hay, gia tăng sự lành mạnh của cơ thể, sự hữu
hiệu của thiền định và bảo đảm được phần nào kinh tế của tự viện.
Thường thường, chùa lại có vườn lại có thêm ruộng. Trong trường hợp
không phải là chùa được nhà nước cấp ruộng thì đời sống kinh tế của chùa
đó được tín đồ bảo đảm. Vườn thì thường ở gần chùa, ruộng có khi có thể
ở xa chùa: những khoảnh vườn và những thửa ruộng mà chùa có là do bổn
đạo của chùa cúng vào. Có những người lớn tuổi không có con cái để sau
này cúng lễ: họ cúng ruộng vào chùa để sau này chùa sẽ làm giỗ cúng giỗ
họ mỗi năm. Nếu ruộng ít thì chư tăng trong chùa có thể tự làm lấy; nếu
sức chư tăng không đủ, thì ruộng này được giao cho một vài người gọi là
tịnh nhân chăm sóc. Hoa lợi sẽ giao lại cho chùa. Cố nhiên những tịnh
nhân kia cũng được chia phần trong số hoa lợi ấy để sinh sống.
Danh
từ tịnh nhân được thấy trong sách Tam Tổ Thực Lục và chế độ tịnh nhân
như thế có chậm nhất là vào thế kỷ thứ mười ba. Tịnh nhân có nghĩa là
người trong sạch, ý nói những người này phát tâm làm cho chùa, không đòi
hỏi phải được trả công nhiều, chỉ cần đủ cơm ăn áo mặc mà thôi. Ngày
nay chúng ta còn thây nhiều người tới chùa làm việc, chỉ cần ăn cơm chùa
thôi mà không cần lương tiền gì hết. Ðó là những người làm công quả. Họ
cũng giống như những tịnh nhân ngày xưa.
Những
chùa lớn được triều đình ủng hộ như chùa Quỳnh Lâm thì có canh phu nhà
nước cấp để cày ruộng. Có một lúc chùa Quỳnh Lâm có tới một nghìn mẫu
ruộng; nhà nước đã chỉ định một ngàn canh phu tới cày ruộng cho chùa.
Tuy vậy, Quỳnh Lâm là ngôi chùa duy nhất có một số ruộng nhiều đến thế,
bởi đó là cơ sở quản trị trung ương của giáo hội Trúc Lâm. Hoa lợi thu
vào là để chi dụng không những cho tăng sĩ và phật sự của chùa Quỳnh Lâm
mà còn cho các phật sự khác trong giáo hội. Ta không biết những canh
phu này do nhà nước trả lương hay do chùa Quỳnh Lâm trả lương. Chỉ biết
sau này các chùa lớn như Quỳnh Lâm trả lương. Chỉ biết rằng sau này các
chùa lớn như Quỳnh Lâm đã áp dụng chế độ Tam Bảo nô được áp dụng ở Trung
Hoa từ lâu trước đó, có lẽ cuối đời Ðường. Chữ nô ở đây có nghĩa như là
nô bộc; kỳ thực những người gọi là tam bảo nô lại có những quyền lợi mà
người ngoài không có. Mỗi người tam bảo nô thường có một lô đất để canh
tác. Ðất này do cho chùa cấp phát. Ðể đền đáp lại, người tam bảo nô cày
ruộng cho chùa. Tuy vậy liên hệ giữa chùa và tam bảo nô không phải là
liên hệ giữa chủ điền và tá điền. Tam bảo nô được pháp luật bảo vệ. Mỗi
khi tam bảo nô làm điều gì phạm pháp, nhà chùa không có quyền hành gì
trong sự trừng phạt. Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm xét xử sự
phạm pháp này. Ai đánh đập một người tam bảo nô sẽ bị chính quyền phạt
một trăm gậy tre. Những người tam bảo nô thường cưới hỏi nhau trong giới
tam bảo nô; trong trường hợp một người tam bảo nô cưới một người ngoài,
thì dù người này là chồng hay là vợ cũng sẽ được hưởng chế độ tam bảo
nô, một lô đất để cất nhà và canh tác, và được hưởng sự che chở của pháp
luật, không sợ bị đàn áp và bóc lột của chủ điền. Ðây là một sự cộng
tác giữa nhà chùa và nhà nước để bảo đảm cho sự sống và quyền tự do của
những người cày ruộng cho chùa.
Tam
bảo nô được chọn lựa trong những thành phần nào? Trước hết là những kẻ
mồ côi do nhà chùa nuôi nấng từ hồi còn nhỏ. Lớn lên những cậu nào muốn
xuất gia và có điều kiện xuất gia thì được nhận vào hàng ngũ tăng già,
còn những cậu nào không muốn đi tu thì có thể gia nhập đoàn tam bảo nô,
và sau đó, nếu muốn thì thành lập gia đình. Kế đó là những tá điền của
những thửa ruộng được cúng cho chùa rồi. Những tá điền này có thể đi làm
tá điền cho những chủ ruộng khác; nhưng học cũng có thể gia nhập đoàn
tam bảo nô để hưởng những quyền lợi về tài sản và về pháp luật mà những
tá điền thường không có. Cuối cùng, còn có những người phạm pháp đang bị
chính quyền giam giữ: nếu nhà chùa bảo đảm, nhà chùa có thể lãnh những
người này ra khỏi nhà tù và giữ họ trong hàng ngũ tam bảo nô. Nhà nước
tin rằng nhà chùa có thể giữ gìn cho những kẻ phạm pháp này trở thành
lương thiện. Ðây là một điểm thật đặc biệt trong chế độ tam bảo nô.
Trong
những chùa có tịnh nhân, canh phu hay tam bảo nô, chư tăng được rỗi
rảnh để lo những công việc khác: cầu an, cầu siêu, chẩn tế, giảng dạy
Phật pháp, tổ chức giáo hội... Tuy vậy số lượng của những chùa này so
với tổng số các chùa trong nước thì rất bé nhỏ. Nói về tự viện Trung Hoa
vào thế kỷ thứ sáu, Thích Pháp Lâm đời Ðường cho biết có 47 chùa quốc
tự do chính quyền ủng hộ, 839 chùa lớn do các vương hầu và người giàu
sang thành lập, và khoảng 30.000 chùa do quần chúng tạo lập. Vào thời
Trần Anh Tông, ta thấy có khoảng 15 chùa được xem là quốc tự và được
chính quyền ủng hộ trực tiếp. Nếu căn cứ vào tỷ số giữa các chùa thời
phong kiến ở Trung Hoa, ta có thể định con số những chùa như sau:
1- Chùa quốc tự : 15 chùa
2- Chùa do vương hầu và người giàu có tạo dựng: 330 chùa
3- Chùa do quần chúng tạo dựng: 9.000 chùa
Như
vậy vào đời Trần, ta có khoảng 9.500 ngôi chùa và 30.000 tăng sĩ, trung
bình mỗi chùa có ba vị tăng sĩ. Có những tổ đình có hàng chục tăng sĩ
tu học và có những ngôi chùa nhỏ trong đó chỉ có một vị tăng sĩ trụ trì
(1).
SINH HOẠT TRONG TỰ VIỆN
Tổ
chức tự viện đời Trần như thế nào? Cố nhiên là có các tự viện lớn đã
được tổ chức theo thanh quy Bách Trượng. Về kiến trúc, cơ sở chính là
Phật Ðường trong đó được an trí tượng Phật Thích Ca và các Bồ Tát Văn
Thù và Phổ Hiền. Có chùa lại thờ thêm tượng Phật A Di Ðà và tượng các Bồ
Tát Quán Thế Âm và Ðại Thế Chí. Ngôi nhà quan trọng thứ hai là Tổ
Ðường, có tượng Bồ Ðề Ðạt Ma và linh vị các tổ sư bản phái. Ngoài ra còn
có tăng đường để tập hợp đại chúng, Trai Ðường để chư tăng thọ thực và
liêu phòng cho chư tăng cư trú. Chức vị cao nhất của tự viện và Viện
chủ, có khi gọi là Giám viện hay Trụ trì. Vị giảng sư quan trọng nhất
trong các vị giáo thụ được gọi là Giảng chủ. Lo việc điều hành tổ chức
và vị Tri sự vị Tri viện phụ trách sắp đặt công việc về ruộng vườn. Vị
Tri tạng chịu trách nhiệm về kinh sách và thư viện. Vị Thủ khố chịu
trách nhiệm về các kho chứa sản vật và tài vật của tự viện. Vị Thư ký
hay Thư trạng chịu trách nhiệm về các văn kiện thư tín và sớ điệp. Vị
Trí liêu chịu trách nhiệm về phân phối và quản trị phòng ốc. Vị Trí điện
chịu trách nhiệm về Phật điện, cùng với vị Hương đăng. Vị Tri chúng rất
quan trọng, có khi gọi là Thủ chúng rất quan trọng, có khi còn gọi là
Thủ chĩng, chịu trách nhiệm điều hợp tăng chúng và về các vấn đền liên
hệ đến tập thể đại chúng. Vị Duy na hướng dẫn các buổi lễ, điều khiển
các nghi thức tụng niệm. Vị Duyệt chúng phụ tá Duy Na. Tăng chúng luân
phiên làm những công tác hàng ngày được gọi là các Trị nhật. Những vị
tuổi nhỏ mới gia nhập được giao cho trách vụ Thị giả để giúp đỡ các vị
lớn tuổi trong công việc trà nước và dọn dẹp. Hai hông Phật điện thường
có lầu chuông và lầu trống. Chuông lớn gọi là Ðại Hồng Chung, Trống lớn
gọi là Ðại Pháp Cổ. Những buổi tập hợp đại chúng được gọi là thượng
đường được bắt đầu bằng những hồi chuông trống lớn được gọi là chuông
trống Bát Nhã. Tại nhiều chùa, tăng chúng làm lễ sám sáu lần trong một
ngày. sách Tam Tổ Thực Lục cho biết tu viện của thiền sư Pháp Loa áp
dụng nghi thức sáu thời một ngày (lục thời nghi). Có lẽ đây là nghi thức
Lục Thì Sám Hối Khoa Nghi của vua Trần Thái Tông. Nhiều chùa chỉ có
tụng niệm buổi sáng và buổi tối, gọi là bai buổi công phu, thêm vào nghi
thức cúng Phật vào buổi trưa, đúng giờ ngọ.
Hai
nghi thức tụng niệm buổi sáng và buổi tối goại là hai buổi công phu
(nhị thời công phu) cho ta thấy sự tổng hợp của ba tông phái chính:
Thiền, Mật và Tịnh Ðộ giáo như ta đã thấy trong một chương trước. Pháp
Loa và Huyền Quang, theo Tam Tổ Thực Lục, đều trì tụng thần chú và niệm
Phật A Di Ðà. Trì tụng thần chú và niệm Phật cũng là để nhất tâm bất
loạn. Sau đây là những phần chính trong hai thời khóa tụng:
Thời khóa buổi sáng:
1. Thần chú Lăng Nghiêm
2. Thần chú Ðại Bi Tâm
3. Thần chú Như Ý Bảo Luân Vương
4. Thần chú Tiêu Tai Cát Tường
5. Thần chú Công Ðức Bảo Sơn
6. Thần chú Chuẩn Ðề
7. Thần chú Dược Sư Quán Ðỉnh
8. Thần chú Quan Âm Linh Cảm
9. Thần chú Thất Phật Diệt Tội
10. Thần chú Vãng Sinh Tịnh Ðộ
11. Thần chú Ðại Cát Tường Thiên Nữ
12. Tâm kinh Bát Nhã
13. Niệm Phật Thích Ca
14. Ðảnh lễ chư Phật
15. Hồi Hướng
Thời khóa buổi chiều:
1. Kinh A Di Ðà
2. Thần chú Vãng Sinh Tịnh Ðộ
3. Sám Pháp Hồng Danh
4. Nghi thức Thí Thực Mông Sơn
5. Tâm kinh Bát Nhã
6. Niệm Phật A Di Ðà
7. Ðảnh lễ chư Phật
8. Hồi hướng Cực Lạc
9. Tam Quy
Ta
thấy gì? Thời khóa buổi sáng từ Tâm kinh Bát Nhã, Niệm Phật, Hồi Hướng
và Tam Quy, tất cả đều là thần chú. Ngay Tâm kinh Bát Nhã cũng đã được
xem như một thần chú rồi(2). Trong thời khóa buổi chiều, nghi thức Thí
Thực Mông Sơn cũng đầy những thần chú, và cũng bắt nguồn từ Mật giáo.
Các mục kinh A Di Ðà, Niệm Phật và Hồi hướng Cực Lạc thì thuộc về Tịnh
Ðộ giáo. Ngoài Tâm kinh Bát Nhã không có một kinh bản nào thuần túy
Thiền được đưa vào hai thời công phu. Mật giáo và Tịnh Ðộ giáo lấn áp
Thiền được đưa vào hai thời công phu. Mật giáo và Tịnh Ðộ giáo đã được
xem như đồng hóa với Thiền. Các kinh bản như Kim Cương, Lăng Già, Viên
Giác và các bộ ngữ lục như Lâm Tế Lục, Bích Nham Lục, Ðại Tuệ Ngữ Lục,
Khóa Hư Lục, Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục v.v... chỉ được học tập ở ngoài
mà không được đưa vào thời khóa tụng niệm.
Tại
các Tổ đình và những tự viện lớn, tăng sĩ quy tụ đông đảo trong mùa kết
hạ để án cư. Theo truyền thống, thời gian từ rằm tháng Tư đến rằm tháng
Bảy là thời gian kết hạ, nghĩa là thời gian các chư tăng tập hợp trong
tự viện để thực hành thiền quán và không bước chân ra khỏi tự viện. Vì
vậy kết hạ cũng có nghĩa là an cư. Những vị tăng sĩ cư trú và hành đạo
tại các địa phương đã được đào tạo trong các tự viện lớn, mỗi năm có tục
lệ trở về tự viện trong ba tháng kết hạ. Những tăng sĩ có danh hiệu a
xà lê (ācārya) là những tăng sĩ đã trải qua ít nhất là năm mùa kết h ạ.
Vị được thỉnh cầu làm hòa thượng trong một cuộc truyền giới phải là một
vị đã trải qua ít nhất là mười mùa kết hạ. Mỗi mùa kết hạ được kể là một
tuổi tu, tính từ năm thọ giới tỳ khưu. Có nhiều chùa tổ chức kết đông,
cũng trong thời gian ba tháng, cho những vị tỳ khưu không thể về trong
mùa hạ.
GIỚI PHÁP
Muốn
xuất gia tu đạo, người ta phải trải qua thời gian làm sa di, gọi nôm na
là chú tiểu, hoặc điệu, hoặc sư bác. Sa di được lấy từ danh từ
srāmanera của Phạn ngữ và được dịch tức từ hoặc cầu tịch. Tức từ có
nghĩa là ngưng ác làm lành; cần sách có nghĩa là siêng năng tịnh tiến;
cầu tịch có nghĩa là tìm đời sống an tịnh. Tuổi thích hợp nhất của sa di
là từ mười bốn đến mười chín. Tuổi sớm nhất để được thọ giới tỳ khưu là
tuổi hai mươi. Một vị sa di cần chứng tỏ khả năng tu học của mình trước
khi được thọ giới tỳ khưu. Sa di có mười luật cần giữ gìn trong khi tỳ
khưu có 250 giới. Vì vậy đến tuổi hai mươi mà sa di chưa có khả năng thọ
giới tỳ khưu thì phải đợi thêm vài năm nữa. Những người xuất gia trên
hai mươi tuổi cũng phải làm sa di; học cũng phải chứng tỏ khả năng trước
khi họ thọ giới tỳ khưu. Những em bé dưới mười bốn tuổi được nuôi ở
chùa được gọi là sa di đuổi quạ (khu ô sa di) bởi vì các em chỉ làm được
việc đuổi quạ để chúng đừng làm náo động các khu vực chư tăng đang tọa
thiền. Những người quá hai mươi tuổi mà không có khả năng thụ giới tỳ
khưu được gọi là sa di danh tự. Còn những sa di từ 14 đến 19 được gọi là
sa si hợp pháp (Ứng pháp sa di). Mười giới luật của sa di là:
1- Không sát sinh
2- Không trộm cắp
3- Không nói dối, nói thêu dệt, nói lưỡi hai chiều và chửi mắng
4- Không dâm dục
5- Không uống rượu
6- Không được dùng nước hoa và trang điểm hằng hoa
7- Không được dùng giường nệm cao lớn sang trọng.
8- Không được khiêu vũ hát xướng
9- Không được sử dụng vàng bặc
10-Không được ăn ngoài giờ ăn.
Những
người nữ được thụ giới trên gọi là sa di ni (sārmanekirā). Những thiếu
nữ đến tuổi mười tám, dù đã thụ giới sa di hay chưa cũng phải thụ giới
thức xoa ma na trong hai năm trước khi được thụ giới tỳ khưu ni. Khác
với tỳ khưu vốn có 250 giới điều, giới tỳ khưu ni có tới 348 điều. Giới
thức xoa ma na là những giới điều chuẩn bị cho giới tỳ khưu ni. Thức Xoa
ma na (Phạn ngữ: Siksamana) gồm có sáu giới:
1- Không dâm dục
2- Không trộm cắp
3- Không sát sinh
4- Không nói dối
5- Không uống rượu
6- Không ăn ngoài giờ ăn.
Sáu
giới điều Thức Xoa Ma Na đều có sẵn trong số mười điều của Sa Di Ni,
tại sao Sa Di Ni lại cần phải bỏ giới Sa Di Ni để thụ giới Thức Xoa Ma
Na, người Sa Di Ni còn phải tập giữ giới luật và hạnh pháp tỳ khưu ni
nữa. Sự học tập này phải kéo dài ít nhất trong hai năm. Những thiếu nữ
nào chưa thụ giới Sa di mà đến tuổi mười tám có quyền xin thụ giới Thức
Xoa Ma Na; và sau hai năm cũng có quyền xin thụ giới tỳ khưu ni. Những
thiếu phụ trước kia đã từng lập gia đình hay sống độc thân (vì thôi
chồng hoặc chồng chết) nếu muốn thụ giới Thức Xoa Ma Na phải đợi mười
năm sau ngày ly thân hoặc ngày chồng chết mới được thụ giới Thức Xoa Ma
Na.
Sau
đây là nội dung giới luật Tỳ Khưu, tất cả là 250 giới, chia làm 8 mục,
được gọi là Ba La Ðề Mộc Xoa (Phạn ngữ: Prātimoksa). Prātimoksa có nghĩa
là giải thoát, cởi mở mọi ràng buộc:
4
giới Ba la di (Pārājika): không dâm dục, không sát sinh, không trộm
cướp, không nói dối là đã chứng ngộ. Phạm vào một trong bốn giới này thì
bị trục xuất, bởi vì đây là một trong bốn giới căn bản (căn bản cực ác)
13 giới tăng tàn (Samghāvasesa)
2 giới bất định pháp (Aniyata)
30 giới xả đọa (Naihsargikāhpāyattikah)
90 giới ba dật đề (Prāyyascittikāh)
4 Giới đề xá ni (Pratidesaniya)
100 giới chúng học (Siksākaraniya)
7 giới diệt tránh
Giới luật của tỳ khưu ni lên tới 348 điều, phân ra làm bảy mục
8 giới ba la di
17 giới tăng tàn
30 giới xả đọa
178 giới đơn đọa
8 giới hối quá
100 giới chúng học
7 giới diệt tránh
Mỗi
tháng hai lần tăng chúng tập hợp để thuyết giới, nghĩa là để tuyên đọc
giới luật và kiểm điểm sự hành trì giới luật. Những hành động phát lộ
(tự thú), sám hối, xử trị, cũng như các lễ thụ giới, kết hạ, đều được
thực hiện trong nguyên tắc yết ma. Yết ma (karma) dịch là tác pháp biện
sự, có ý nghĩa tính cách hợp pháp của những giải quyết căn cứ trên một
nghi thức tuyên cáo đọc và quyết nghị trong tăng chúng. Bất cứ một quyết
định hay một hành động nào liên hệ đến đời sống giới luật đều phải do
sự thực hành yết ma mới được hợp pháp. Muốn thực hành yết ma phải có
những điều kiện sau đây:
1/ Phải có đủ số người tối thiểu.
Trong
trường hợp xử tội một tăng sĩ chẳng hạn, hội đồng tập hợp ít ra phải có
hai mươi vị đã thụ giới tỳ khưu. Trong trường hợp truyền giới tỳ khưu,
phải có một hội đồng truyền giới mười vị(3). Trong các trường hợp khác
thì phải có ít nhất bốn vị.
2/ Quyết nghị phải được thực hiện trong sự hòa hợp hoàn toàn.
Nếu
không có sự hòa hợp hoàn toàn thì yết ma không có hiệu lực. Người có
trách vụ tuyên cáo yết ma được gọi là thầy yết ma (karmācārya) được đại
chúng công cử hay thỉnh mời. Ví dụ trong trường hợp thụ giới tỳ khưu thì
vị thầy yết ma được các giới tử (4) cung thỉnh vào trách nhiệm này. Các
giới tử tới trước các vị tăng mà họ muốn cung thỉnh làm thầy yết ma,
làm lễ, quỳ xuống đọc ba lần:
“Nay
chúng con xin thỉnh Ðại Ðức làm thầy Yết Ma, xin Ðại Ðức vì chúng con
mà nhận trách vụ: chúng con sẽ nhờ Ðại Ðức mà được thụ giới tỳ khưu”.
Trong hội đồng truyền giới, để thành tựu nguyên tắc Yết Ma, thầy Yết Ma sẽ hỏi đại chúng:
- Chư tăng đã tập hợp chưa?
Vị điển lễ đáp: - Chư tăng đã tập hợp.
Thầy Yết ma: - Có sự hòa hợp không?
Thầy điển lễ: - Có sự hòa hợp.
Thầy Yết ma: - Chư tăng tập hợp hôm nay để làm gì?
Thầy điển lễ: - Ðể thực hiện yết ma truyền giới tỳ khưu.
Thầy
Yết ma: - Xin chư Ðại Ðức nghe đây. Các vị có tên sâu đây... (tên), xin
thụ giới cụ túc(5) dưới ngài... (tên), làm trách vụ Hòa Thượng. Các vị
sa di đây đã tự nói rằng họ trong sạch, không phạm tội, đủ hai mươi
tuổi, có đủ ba y và bình bát. Ðại chúng chư tăng đến đúng giờ, đại chúng
chư tăng nghe, đại chúng chư tăng trao giới cụ túc cho các sa di (tên)
với ngài... (tên) làm trách vụ Hòa Thượng. Lời tác bạch như thế có đúng
phép không?
Các thầy tôn chứng chắp tay:
- Ðúng phép.
Thầy
Yết ma lặp lại những lời trên (Xin chư Ðại Ðức nghe đây...) và thêm:
“Các vị trưởng lão nào bằng lòng để đại chúng chư tăng cho các sa di...
(tên) thụ cụ túc với ngài... (tên) làm trách vụ Hòa Thượng thì xin im
lặng, vị nào không đồng ý thì xin nói lên (im lặng một chút). Ðây là tác
pháp Yết Ma thứ nhất. Xin chư tăng cho biết có thành không?”
Các vị tôn chứng đáp: - Thành.
Thầy Yết Ma lặp lại một lần nữa những lời trên và thêm: “Ðây là tác pháp Yết Ma thứ hai, xin chư tăng cho biết có thành không?”
Các vị tôn chứng đáp: - Thành.
Thầy
Yết Ma lại lặp lại một lần nữa những lời trên và thêm: “Ðây là tác pháp
Yết Ma thứ hai, xin chư tăng cho biết có thành không?”
Các vị tôn chứng đáp: - Thành.
Chỉ sau khi đó thì sự truyền giới mới được hợp pháp và mới có thể bắt đầu, bởi vì Yết Ma đã được thực hiện.
Như
trên đã nói, bất cứ một sinh hoạt nào liên hệ tới giới luật đều phải
thực hiện trên nền tảng yết ma. Mỗi tháng hai lần tụng giới cũng phải
thực hiện yết ma. Khi trục xuất một vị tăng ra khỏi đoàn thể vì vị tăng
này đã phạm tội mà không hối cải, không tuân phục lời khuyến thỉnh của
chư tăng, thì phải thực hiện Yết Ma gọi là yết ma tẫn xuất. Khi có một
vị tăng phạm tội mà chưa chịu sám hối, khuyên răn mà vẫn chưa sám hối
thì đại chúng có thể thực hiện yết ma điều phục, không ai nói với vị
tăng phạm tội kia lời nào, không ai sinh hoạt chung với vị tăng kia cho
tới khi nào vị tăng chịu nhận sám hối.
Hội
đồng truyền giới tỳ kheo phải có ít nhất là mười vị, gọi là thâp sư.
Trong số đó, ba vị quan trọng nhất là hòa thượng, yết ma và giáo thụ.
Còn bảy ivj kia là tôn chứng. Chúng ta đã biết trách vụ của vị yết ma,
sau đây là trách vụ của các vị Hòa thượng, Giáo thụ và Tôn chứng.
Danh
từ hòa thượng (Upādhyāya) từng được Cưu Ma La Thập dịch là lực sinh
nghĩa là nhờ đời sống tâm linh của vị đó mà đạo lực của giới từ được
phát sinh. Sau này có người dịch là thân giáo sư nghĩa là vị giáo sư gần
gụi nhất của mình, hay là y học, nghĩa là người mình nương tựa để học
đạo. Hòa thượng là vị chứng minh tối cao của hội đồng truyền giới. Vị
giới thụ là người dạy dỗ và trao truyền giáo pháp cho giới tử. Trong
trường hợp số lượng giới tử đồng thì phải có tới hai vị giáo thụ. Các vị
giáo thụ dạy cho giới dạy cho giới tử tất cả những điều cần biết, cần
hiểu, cần làm và cần nói trong lễ thụ giới. Bảy vị tôn chứng là sự quyết
định sự thành tựu hay không thành tựu hay không thành tựu cả tác pháp
yết ma.
Những
lễ truyền giới được gọi là giới đàn. Vào đời Trần, có nhiều giới đàn
được tổ chức rất lớn trong đó có hàng ngàn người thụ giới. Trong giới
đàn không những có hội đồng truyền giới và giới tử, mà còn có nhiều vị
tỳ kheo đến tham dự và góp sức hộ niệm cho sự thành tựu của giới đàn.
Giới tử, khi đi làm lễ cầu thỉnh hòa thượng, yết ma, giáo thụ và tôn
chứng, phải được sự hướng dẫn bởi một số tăng sĩ gọi là các thầy dẫn
thỉnh. Các vị này hướng dẫn và giới thiệu giới tử với các vị được thỉnh
cầu vào hội đồng truyền giới, tức là thập sư.
Sau
khi được trao giới tỳ khưu, giới tử được trao y, bát, tọa cụ và dụng cụ
lọc nước, tức là những vật tùy thân của một vị tỳ khưu. Y đây là áo ca
sa, bát đây là dụng cụ để thụ trai mùa kết hạ hay để đi khất thực, tọa
cụ là dụng cụ trải ngồi. Quần chúng thường hay gọi những giới đàn truyền
giới là trường hương, bởi vì ở đó giới tử được lên cấp bực, và bởi vì
những giới tử sau khi nhận giới thường đốt ba huyệt hương trên đầu, lớn
bằng hạt đậu để phát nguyện giữ giới và cúng dường tam bảo.
Tại
những giới đàn lớn, không những có truyền giới tỳ khưu mà còn có truyền
giới ưu bà tắc, sa di và bồ tát nữa. Giới Ưu bà tắc do Phạn ngữ:
Upāsika, dịch là cận sự là những người thân cận tam bảo. Năm giới là
không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không say
rượu. Giới bồ tát gồm có năm mươi tám điều khoản, trong đó có mười giới
nặng và bốn mươi tám giới nhẹ. Ðây là giới luật của Ðại Thừa. Người nào
đã thụ hoặc giới ưu bà tắc hoặc giới sa di, hoặc giới tỳ khưu đều có thể
xin thụ thêm bồ tát giới. Giới luật tỳ khưu chú trọng hơn về hình thức
trong khi giới luật bồ tác chú trọng hơn về mặt tâm lý và nội dung. Ví
dụ trong giới tỳ khưu, giới sát sinh được xem như đã được tôn trọng nếu
người giữ giới không giết hại sát sinh mà mình không tìm cách ngăn cản
hoặc mình đồng ý theo thì đó là phạm giới, không cần đợi tới lúc mình tự
tay sát sinh.
Những
vị tăng sĩ chỉ thụ giới tỳ kheo được gọi là thanh văn tăng. Giới luật
của bồ tát giới, còn được gọi là tam tụ tịnh giới, nghĩa là giới luật
quy tụ ba phương diện hành trì:
1- Nhiếp luật nghi giới: giữ gìn không để tự mình phạm vào những ác nghiệp.
2- Nhiếp thiện pháp giới: thực hiện những điều tốt đẹp trong đời sống của mình.
3- Nhiêu ích hữu tình giới: phụng sự cho mọi giới hữu tình, tức là nhân loại chúng sinh.
Ở
Việt Nam, Phật giáo có khuynh hướng Ðại Thừa từ đầu thế kỷ thứ ba, cho
nên những người thụ giới tỳ khưu thường xin thụ luôn giới bồ tát. Giới
bồ tát sẽ tổ chức cho giới tỳ khưu về nội dung tâm lý.
AN CƯ KẾT HẠ
Mùa
kết hạ bắt đầu từ ngày rằm tháng Tư âm lịch. Chư tăng tập hợp để thực
hành yết ma kết giới, quy định ranh giới của sự cư trú trong ba tháng,
đánh dấu các góc Ðông nam, Tây nam, Tây bắc, Ðông bắc. Khi yết ma kết
giới đã được thực hiện, không một vị nào có quyền đi ra khỏi ranh giới
ấy nữa. Trong trường hợp khẩn cấp hoặc bất khả kháng, vị tăng chỉ có thể
ra khỏi ranh giới nếu có yết ma giải giới trong vòng hai mươi bốn tiếng
đồng hồ hoặc bốn mươi tám tiếng đồng hồ cho vị tăng ấy. Hết mùa kết hạ,
chư tăng thực hiện yết ma giải giới và làm lễ tự tứ. Tự tứ (Pravarana)
nghĩa là thỉnh cầu một vị tăng khác chỉ cho mình biết những khuyết điểm
của mình về sự hành trì giới luật để mình biết lỗi mà sám hối. Trong lễ
tự tứ, chư tăng do thực hiện yết ma mà cử ra hai vị gọi là nhận lãnh tự
tứ (thụ tự tứ). Hai vị này ra trước chính điện cùng lạy và quỳ trước mặt
nhau. Một vị là tự tứ trước bằng cách nói với người đối diện:
-
Bạch Ðại Ðức, hôm nay là ngày chư tăng tự tứ, tôi là tỳ khưu... (tên)
xin tự tứ với Ðại Ðức thấy hoặc nghe nghĩ tôi có những khuyết điểm lỗi
lầm nào về giới luật thì thương xót chỉ bảo cho tôi. Nếu tôi nhận được
lỗi lầm, tôi sẽ theo đúng pháp mà sám hối.
Vị này đọc ba lần như thế. Nếu không thấy có khuyết điểm gì, vị đối diện hiện đang đóng vai tự tứ đáp:
- Rất tốt.
Vị tăng tự tứ liền đáp:
-
Cám ơn Ðại Ðức. Và lạy xuống một lạy. Lạy xong thì quỳ lên để đóng vai
nhận lãnh tự tứ cho vị kia tự tứ. Khi hai người đã tự tứ xong, đại chúng
chia làm hai toán. Mỗi vị nhận lãnh tự tứ đi về một toán. Các tỳ khưu
trong toán bắt đầu thay phiên nhau tới quỳ trước vị nhận lãnh tự tứ (vị
này thấy vị kia tới quỳ trước mình, cũng quỳ xuống) để tự tứ... Như vậy
cho đến khi mọi người trong đại chúng tự tứ xong.
Sinh hoạt của tăng chúng trong một tự viện được quy định theo sáu nguyên tắc hòa hợp gọi là lục hòa:
1- Thân hòa đồng trú: tăng chúng cùng ở một nơi, chia sẻ một môi trường sinh hoạt chung.
2- Giới hòa đồng tu: cùng vâng giữ một thứ giới luật và một thứ quy chế chung cho mọi người.
3- Khẩu hòa vô tránh: cùng tránh sử dụng thứ ngôn ngữ có thể gây không khí bất hòa, để phòng ngừa mọi xung đột.
4-
Kiến hòa đồng giải: cùng tôn trọng, hiểu biết và chia sẻ những kiến
thức và quan niệm của nhau, không giữ thái độ khép kín và tự tôn.
5- Ý hòa đồng duỵệt: biết dung hợp mọi ý kiến dị biệt để tạo nên sự hòa hợp vui vẻ trong đại chúng.
6-
Lợi hòa đồng quân: cùng chia sẻ những điều kiện vật chất đang có tùy
theo nhu cầu của mỗi người, xem mọi lợi tức là của chung.
Mùa
kết hạ là mùa tịnh tu, chư tăng ít tiếp xúc với cư sĩ. Buổi sáng, tăng
chúng dậy lúc 4 giờ khi nghe ba tiếng chuông bảo chứng. Mười lăm phút
được để ra để mọi người súc miệng, xếp lại giường chiếu và mặc áo tràng.
Ba hồi chuông bảo chúng lại vang lên, và tiếp theo đó là tiếng đại hồng
chung (chuông lớn) ngân lên từng tiếng khoan thai. Lúc đó mọi người đã
ngồi trên thiền sàng và bắt đầu giờ tọa thiền buổi sáng.
Khi
đại hồng chung đã điểm xong tiếng thứ một trăm lẽ tám, mọi người tập
hợp tại chính điện (Phật đường) để tụng kinh buổi sáng. Nghi thức là
nghi thức triêu thời khóa tụng, tức là công phu sáng. Thời khóa chấm dứt
khoảng 6 giờ rưỡi; chư tăng nghỉ ngơi nửa giờ trước khi ăn sáng. Giờ ăn
sáng được báo hiệu bằng ba tiếng bản bằng gỗ. Mọi người giữ im lặng
trong khi ăn, và sau, và sau khi ăn tụng Tâm Kinh Bát Nhã.
Sau
bữa ăn sáng, chư tăng đi lo phận sự của mình: người thì dọn dẹp Phật
đường, người thì lo việc vườn ruộng, người thì gánh nước bổ củi. Trong
mùa kết hạ, thì giờ được để dành nhiều hơn cho việc học tập và do tọa
thiền. Ðến mười một giờ rưỡi, giờ nghỉ ngơi và chuẩn bị cho bữa cơm trưa
đúng giờ Ngọ, bữa cơm chính trong ngày, được báo hiệu bằng ba tiếng
bản. Mọi người trong y áo chỉnh tề, sắp hàng một, đi vào thực đường,
đứng ngay ngắn trước chỗ ngồi của mình. Khi mọi người đã tề tựu, chư
tăng chấp tay xá và ngồi lên ghế của mình, ngay thẳng trước chiếc bình
bát phần mình. Chuông và bản bắt đầu nghi thức thụ thực. Ðầu tiên, chư
tăng nâng bát lên trán đọc bài cúng dường. Suốt bữa cơm, chư tăng thực
hiện chính niệm: thân khẩu và ý hòa hợp, từ đầu bữa cơm cho đến khi chấm
dứt. Sau bữa cơm và Tâm Kinh Bát Nhã, Chư tăng sắp hàng, niệm Phật, đi
vào chính điện, diễu hành ba vòng quanh tượng Phật, vừa đi vừa niệm
Phật. Một bài hồi hướng chấm dứt nghi thức thụ thực.
Buổi
chiều, từ 2 giờ rưỡi đến 5 giờ rưỡi, sinh hoạt cũng như buổi sáng: chấp
tác, học tập, tọa thiền. Công phu chiều được bắt đầu lúc bảy giờ, sau
một trăm lẽ tam tiếng đại hồng chung. Tiếp đó là giờ tham cứu hoặc tọa
thiền. Mười giờ, sẽ là giờ chỉ tịnh. Ai muốn tiếp tục tọa thiền thì sẽ
có thể tiếp tục cho đến khuya.
Tại
những chùa chỉ có bốn vị tỳ khưu, sự thực hiện yết ma để kết hạ và kết
giới cho ba tháng an cư đã được xem là hợp pháp. Nhưng từ những miền xa
xôi hẻo lánh mà một vị tăng không thể về tự viện để kết hạ được, thì vị
tăng ấy sẽ an cư ngay tại chùa của mình bằng phương pháp thực hiện tâm
niệm an cư. Phương pháp này được áp dụng cho trường hợp trong chùa chỉ
có một hoặc hai, hoặc ba vị tỳ khưu. Họ đối trước Phật đường, đọc ba lần
lời phát nguyện an cư thì sự an cư cũng thành tựu.
Liên
hệ với tự viện, có thể một hay nhiều ngôi nhà nhỏ tạo dựng trong khuôn
viên hoặc ngoài khuôn viên của chùa, gọi là thiền thất, hoặc thất, hoặc
cốc, dành riêng cho một người tu tập. Nếu một vị tăng, ngoài mùa an cư,
muốn dành ra một tuần, một tháng, hoặc ba tháng để thực hiện tọa thiền,
thì ông ta có thể sử dụng một thiền thất như thế. Vị tăng này cũng xin
làm lễ kết giới trong một khuôn viên nhỏ bao bọc thiền thất (có khi giới
hạn là bốn vách của thiền thất). Một vị sa di trẻ tuổi được cử ra để
giúp vị tăng kia về mặt cơm nước, áo quần, nước nôi, v.v... Vị sa di này
thường để tâm săn sóc và cung cấp những gì vị tăng chỉ nói khi nào rất
cần thiết, vì trong những thời gian tĩnh tu như vậy ông ta thường không
nói. Có thể ông ta chỉ viết một câu trên một mảnh giấy và trao cho vị sa
di.
Mỗi
vị sa di thường thân cận một vị tỳ khưu để học hỏi và để được chỉ dẫn.
Người chỉ dẫn này có thể là vị hòa thượng, vị yết ma hay vị giáo thụ
trong hội đồng truyền giới. Trong trường hợp những vị này không có mặt
trong tu viện thì một vị khác sẽ được chỉ định để hướng dẫn vị sa di,
làm người nương tựa cho sa di. Khi vị sa di mới thụ giới tỳ khưu, ông ta
cũng phải y chỉ (nương tựa) vào một vị tỳ khưu có nhiều hạ lạp (tuổi
hạ) hơn để được chỉ dẫn về cách học hỏi và tọa thiền.
TỌA THIỀN, DU PHƯƠNG, ỨNG PHÚ
Trong
mỗi tu viện, vị thiền sư giữ trách nhiệm giảng dạy và hướng dẫn việc
tọa thiền thường được gọi là Thượng tọa. Trách vụ chính của vị này không
phải giảng giải kinh luận và Phật pháp, mà là hướng dẫn sự tu thiền.
Những buổi giảng dạy về cách tu thiền thường ngắn ngủi. Tiếp theo là thì
giờ thực tập. Ai có điều gì muốn hỏi thì hỏi trong giờ giảng dạy đó.
Nhưng tại những tu viện đông dảo, trong mỗi buổi giảng dạy như thế, vị
thiền sư chỉ có thể giải đáp thắc mắc cho một vài người. Những vị sa di
và những vị tì khưu mới thụ giới ít có cơ hội để hỏi, vì vậy phải đem
những thắc mắc của mình để hỏi những vị lớn tuổi hơn, nhất là những vị
mình đang y chỉ. Thỉnh thoảng thiền sư mở những cuộc tập hợp lớn gọi là
đại tham để mọi người có cơ hội tham cứu. Nhưng tại các buổi đại tham
này, chỉ những người có căn cơ khá vững mạnh mới dám đặt câu hỏi. Bởi
thiền sư thường hay lật ngược các câu hỏi để khám phá trình độ tu chứng
của người hỏi.
Thỉnh
thoảng có giờ rỗi rảnh, vài ba người được gặp thượng tọa nơi hành lang
hoặc trên bờ hồ hay ngoài sân cỏ, họ có thể lợi dụng cơ hội để tham cứu.
Những cuộc tham cứu này được gọi là tiểu tham, dễ dàng cho những người
sơ cơ hơn. Sơ cơ có nghĩa là mới bắt đầu sự nghiệp tu học mà thôi, đạo
nghiệp còn chưa vững. Mỗi tháng một lần, có khi vài tháng một lần, các
thiền giả được vào giáp mặt thiền sư trong vài ba phút. Cơ hội này rất
quý hóa, bởi thiền giả được thiền sư tiếp một mình, và do đó chỉ có một
mình đối diện thiền sư. Có khi thiền giả đặt câu hỏi, có khi thiền sư
đặt câu hỏi thăm dò thiền giả; có khi thiền giả trình kiến giải của mình
để thiền sư ấn chứng hoặc lắc đầu. Ấn chứng có nghĩa là công nhận rằng
kiến giải kia đích thực phát sinh từ những chứng nghiệm của thiền giả,
và thiền giả đã đi đúng đường, nên tiếp tục con đường thiền quán hiện
tại. Nếu thiền sư lắc đầu thì thiền giả phải cố hỏi để tìm ra chỗ sai
lầm của mình trong lúc hành trì, để sự thực tập của mình có kết quả hơn.
Tại
tu viện, ngoài thì giờ làm vườn, trồng khoai, trồng bắp, quét dọn, chư
tăng tụng kinh, công phu, học Phật, giảng kinh, dịch kinh và tọa thiền.
Có những vị ở luôn suốt đời tại tu viện có vị đi du phương để tham khảo
Thiền học với những bậc cao đức nổi tiếng; gặp được bậc thầy vừa ý thì
xin lưu trú lại để học đạo và thực tập dưới sự chỉ dẫn của vị này. Có vị
ra lập chùa mới và đào tạo các vị tăng sĩ trẻ, bắt đầu từ sự thu nhận
những người muốn thụ giới sa di. Có vị ra cộng tác với vài ba vị khác,
mở trường dạy Phật pháp. Có vị ra trú trì và hành đạo tại các chùa nhỏ ở
các địa phương chưa có tăng sĩ. Mùa hạ họ trở về tu viện an cư; trong
chín tháng còn lại, họ hành đạo tại địa phương, giảng giáo lý cho tín
đồ, làm lễ quy y tam bảo cho người mới vào đạo, tổ chức tụng kinh sám
hối, cầu an, cầu siêu tại chùa. Họ lại đáp lời mời của tín đồ để tới tư
gia tụng kinh, giảng đạo trong những dịp cầu an, cầu siêu, tang lễ,
v.v... Công việc này gọi là công việc ứng phú, đáp ứng nhu cầu tôn giáo
tín ngưỡng của quần chúng. Trong chùa, họ nuôi những người trẻ làm sa
di. Chùa có ruộng và vườn thì họ làm ruộng làm vườn; nếu công việc hành
đạo chiếm nhiều thì giờ quá thì họ nhờ người cư sĩ tới làm công quả, lo
việc vườn ruộng cho chùa. Sau khi những vị sa di đã học tập xong cơ bản
của Phật pháp, họ gửi những vị này về tu viện để tiếp tục học thêm.
Những tăng sĩ lo việc hành đạo ứng phú thường thân cận nhiều với tín đồ,
và nhu yếu tín ngưỡng của tín đồ khiến cho yếu tố Mật tông và Tịnh độ
tông càng ngày càng mạnh. Ở các tu viện thiền, ảnh hưởng Mật tông và
Tịnh độ tông tuy lớn, nhưng sự tọa thiền vẫn là chính yếu. Tại các lễ
cầu an, cầu siêu, sự trì tụng các đà la ni và sự niệm Phật cầu vãng sinh
trở thành chính yếu. Số lượng của những vị hành đạo ứng phú thường lớn
hơn số lượng của những vị cư trú thường trực trong tu viện. Thường
thường người ta ước lượng sự thịnh suy của Phật giáo bằng những trước
tác của tăng sĩ và bằng những công trình nghệ thuật và văn học của họ.
Tuy vậy, có những người tu học chứng ngộ mà không để lại công trình sáng
tác nghệ thuật và văn học; sự thịnh suy không thể chỉ được định đoạt
trên những chứng tích kia. Hơn nữa, đứng về mặt tôn giáo tín ngưỡng, sự
tôn sùng của quần chúng và số lượng đông đảo của tăng sĩ phụng sự cho
tín ngưỡng, cũng có thể được nhận là một dấu hiệu hưng thịnh của Phật
giáo dù sự hưng thịnh ấy chỉ đáng kể về mặt tín ngưỡng mà không phải là
sự tu chứng.
SINH HOẠT CỦA GIỚI TẠI GIA
Nếu
trong hàng xuất gia, các giới luật Sa Di và Tỳ Khưu thuộc Tiểu Thừa còn
luật Bồ Tát thuộc Ðại Thừa, thì trong hàng tại gia, Ngũ Giới và Bát
Quan Trai thuộc Tiểu Thừa còn giới Thập Thiện và Bồ Tát thuộc Ðại Thừa.
Xuất gia
Tại gia
Tiểu Thừa
Sa Di, Tỳ Khưu
Nguyễn Giới, Bát Quan Trai giới
Ðại Thừa
Bồ Tát Giới
Bồ Tát giới, Thập Thiện giới
Thuyết
minh đầu đủ về Ngũ Giới là Kinh Ưu Bà Tắc giới. Nếu một người tại gia
chỉ có khả năng lĩnh thụ và hành trì một trong hai hoặc năm giới thì
được gọi là thiểu phần ưu bà tắc. Những người thụ trì ba giới trở lên
được gọi là đa phần ưu bà tắc. Những người thụ trì đủ hết năm giới thì
được gọi là toàn phần ưu bà tắc. Người nữ thì gọi là ưu bà di (Upāsikā).
Bát
quan trai giới gồm có tám giới cộng thêm sự ăn chay. Giới này được thụ
trì trong một ngày một đêm tại chùa. Người cư sĩ nhận giới này có thể
sống y như người xuất gia trong vòng hai mươi bốn giờ đồng hồ. Tám giới
là: 1) không sát sinh; 2) không trộm cướp; 3) không tà dâm; 4) không nói
dối; 5) không uống rượu; 6) không dùng hương phấn dầu thơm; 7) không
nằm giường cao rộng êm ái; 8) không ăn uống ngoài giờ được chỉ định. Chữ
quan trong Bát Quan Trai giới có nghĩa là cánh cửa. Thực hành giới này
có thể giúp ta đóng bớt những cánh cửa phiền não, loạn tâm, cho nên gọi
là “cánh cửa”, trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ, người cư sĩ tập trung
sống trong chính niệm và quán chiếu, gặp gỡ thầy và bạn để học hỏi thêm
Phật pháp, ngồi thiền, tập thở, cắm hoa, học kinh v.v... Thời gian tu
Bát Quan Trai giới có thể ảnh hưởng tới những ngày còn lại trong tháng.
Bát Quan Trai giới cũng được xem là gạch nối giữa đời sống tu viện và
đời sống tu sĩ, và ảnh hưởng của đời sống tu viện trến đời số cư sĩ phần
lớn đều do phương pháp tu học này.
Bồ
tát giới, như ta đã biết, gồm có mười giới nặng va bốn mươi tám giới
nhẹ, có thể áp dụng cho cả hai giới xuất gia và tại gia. Bồ tát giới
được thiét lập căn cứ trên phẩm Bồ Tát Tâm Ðịa giới của kinh Phạm Võng
Ðại Thừa. Truyền thống Phật Giáo cho rằng thuyết phục được một nhà lãnh
đạo quốc gia (nhơn vương) thụ Bồ tát giới là một công trình rất lớn. Nếu
vị Quốc Vương phát nuyện đem khả năng và quyền năng của mình mà làm lợi
ích cho nhân loại, thì sự hành đạo có kết quả lớn lao. Giọt mực dưới
ngọn bút một vị Quốc Vương, khi ông ta sắp ký một đạo dụ miễn thuế cho
dân chúng hay loại trừ những hình phạt tra tấn giam cầm chẳng hạn, được
xem như là một giọt nước có đồng tính chất với giọt nước cam lộ từ bi
dưới nhành dương liễu của Bồ tát Quán Thế Âm(6). Trong những thời đại có
sự hiện hữu của một đấng quân vương như thế, các tu viện trong thời
“chúc tán” mỗi ngày sóc vọng đều có xưng tán và cầu nguyện cho vị “hộ
quốc nhân vương Bồ tát”.
Theo
sách Sách Tam Tổ Thực Lục, năm 1304 vua Anh Tông thỉnh chư tăng vào
cung để các quan trong triều thụ giới. Ðiều Ngự Trúc Lâm chủ tọa buổi
truyền giới. Quốc phụ Thượng Tể (Huệ Võ Vương Trần Quốc Chẩn) cũng thụ
Bồ tát giới tại gia năm 1321. Mãi cho đến cận đại, những Phật tử cư sĩ
nào có ảnh hưởng lớn trong xã hội đều được khuyến thỉnh thụ Bồ tát giới
tại gia, dù họ là người trong chính quyền hay trong nhân gian, trí thức
hay không trí thức.
Thập Thiện giới được thiết lập căn cứ trên kinh Thập Thiện Nghiệp Ðạo, gồm có mười giới:
1- Không giết hại sinh mạng, phải tìm cách bảo vệ sinh mạng;
2- Không trộm cướp, phải thực hành bố thí;
3- Không tà dâm, phải bảo vệ danh dự và hạnh phúc kẻ khác;
4- Không nói dối, phải nói sự thật;
5- Không nói lời ly gián, phải nói lời xây dựng và hòa giải;
6- Không chửi rủa, phải nói lời nhẹ nhàng dễ mến, ái ngữ;
7- Không nói lời thêu dệt, phải nói lời tạo nên sự tín nhiệm kính nể;
8- Không để tâm tham dục điều khiển mình, phải sống giản dị;
9- Không để tâm giận dữ oán thù, phải phát triển tâm từ bi;
10- Không níu chặt thành kiến, phải cở mở để trao đổi.
Mười
giới trên có đặc tính của Ðại Thừa. Theo sự giải thích của Trí Giả,
người thành lập Thiên Nhai Tông ở Trung Hoa, thì Thập Thiện có hai mặt:
Một mặt là chỉ tức là ngừng lại không làm điều sai ác, một mặt là hành
tức là thực hiện những điều lành. Tam Tổ Thực Lục cho bếit Ðiều Ngự Trúc
Lâm sau khi đi xuất gia thường đi sâu trong nhân gian thuyết pháp về
Thập Thiện và khuyến khích dân chúng thực hành giáo lý Thập Thiện.
Trong
những thời đại dưới ảnh hưởng của Mật Giáo, người cư sĩ còn chịu lế
quán đỉnh(7) và thụ Bồ đề Tâm giới. Bồ đề Tâm giới cũng là luật của Mật
tông, còn được gọi là Tam Muội Gia giới (Samaya). Tam Muội Gia có sau
đặc tính:
1- Hội, có tính chất hội tụ;
2- Thời, đúng lúc;
3- Tông, thích nghi với truyền thống tông phái;
4- Bình đẳng, thể nhập vào thể tính chung của Phật và Bồ tát.
5- Kỉnh giác, tỉnh táo và ý thức;
6- Trừ cấu chướng, gột bỏ những điều chướng ngại bất tịnh trong tâm lý.
Sáu
điều kiện kia là sáu đặc tính của tâm giác ngộ (Bồ đề tâm) theo định
nghĩa của Mật Giáo. Bồ đề Tâm giới là giới luật sơ bộ của Mật tông. Giới
luật này phải thực hiện đầy đủ trước khi được phép cho thụ trì phép
Thuyền Pháp Quán Ðỉnh (không phải phép Kết Duyên Quán Ðỉnh).
Bồ đề Tâm, bản chất của Tam Muội Gia, gồm có ba mặt.
1)
Bồ đề tâm hạnh nguyện, phát nguyện thực hành. Nhận thức được rằng tất
cả mọi chúng sinh đều có khả năng giác ngộ, nên phát nguyện cứu độ. Mà
muốn cứu độ thì phải thực hành bốn lời nguyện lớn(8)
2)
Bồ đề Tâm thắng nghĩa, chấm dứt những tư tưởng ngôn từ và hành động
thấp kém; học tập phát huy những tư tưởng, ngôn từ và hành động cao đẹp.
3) Bồ đề tâm tam muội gia, có sáu đặc tính đã kể trên.
Vào
ngày chư tăng xuất hạ (rằm tháng Bảy), hội Vu Lan được tổ chức rất lớn
tại các chùa; đó là nhờ sự ủng hộ của giới tại gia. Căn cứ trên Kinh Vu
Lan Bồn (Ullambana), lễ Vu lan được tổ chức để cúng dường chư tăng, cầu
nguyện cho ông bà cha mẹ đã khuất được siêu độ. Những cuộc chẩn tế cho
người nghèo, những cuộc thăm viếng người bệnh, những lễ phóng sinh (thả
tự do cho chim, cá và những loài khác đã bị bắt) được tổ chức. Nhưng
linh đình nhất là cuộc chẩn tế cho cô hồn: đàn chẩn tế và thí thực được
tổ chức từ chiều cho tới khuya. Phép chẩn tế cô hồn được thực hiện theo
một nghi thức mang nặng tính chất Mật Giáo: đó là nghi thức Du Già khoa
nghi. Sách Pháp Sư Ðạo Tràng Công Văn Cách Thức ấn hành năm 1299 thế nào
cũng đã chứa đựng một Khoa Nghi về Chẩn tế. Tuy vậy đến năm 1302, khi
Hứa Tông Ðạo từ Trung Hoa sang, pháp thức chẩn tế mới trở thành rườm rà,
nghi thức đầy dẫy văn chương, ấn quyết và thần chú. Thập Giới Cô Hồn
Quốc Ngữ Văn của Lê Thánh Tông, Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh của Nguyễn
Du đều lấy cảm hứng ở đoạn văn thỉnh thập loại cô hồn trong Khoa Nghi Du
Già.
Ngoài
hội Vu Lan còn hội Phật Ðản. Từ đời Lý, mỗi năm hội Phật Ðản đã được tổ
chức thật lớn lao rồi. Vua Lê Thánh Tông có lẽ là người đầu tiên đã làm
cho lễ Phật Ðản đã được tổ chức thật lớn lao rồi. Vua Lý Thánh Tông có
lẽ là người đầu tiên đã làm cho lễ Phật Ðản trở thành quốc lễ lớn. Lễ
tắm Phật bằng nước Ngũ Vị Hương được cử hành sáng ngày mồng một tháng tư
tại chùa Diên Hựu. Vua, hoàng hậu, các hoàng tử và công chúa cùng triều
thần bách quan đều có mặt. Dân chúng các nơi tụ về rất đông để dự lễ.
Sau khi chư tăng tụng xong kinh Phật Thuyết Dục Tượng Công Ðức, thì nước
thơm được dối lên tượng Phật. Trong khi đó, Vua, quan và quần chúng
chắp tay hướng về niệm Phật.
Sau
lễ tắm Phật là lễ Phóng Sinh. Vua bước lên kim đài dựng ở trước chùa.
Chư tăng tụng kinh Kim Quang Minh trong khi một lồng chim được dâng lên.
Kinh vừa dứt, vua đưa tay vào lồng bắt một con chim thả cho bay lên.
Dân chúng hô lên “Vạn Tuế” rồi cùng thả chim rợp trời. Ðời các vua sau
đều làm theo vua Thánh Tông trong ngày Phật Ðản. Vua Thánh Tông băng hà
vào tháng Giêng âm lịch năm 1072; vua Nhân Tông làm lễ nối ngôi ở trước
linh cữu. Nhưng vua đợi cho đến sau ngày Phật Ðản (mồng tám tháng tư).
Hành lễ tắm Phật và Phóng Sinh xong thì mới ngự ra điện Thiên An thiết
triều lần thứ nhất.
Lễ
Tắm Phật và Phóng sinh được tổ chức vào buổi sáng. Buổi tối có lễ Phóng
Ðăng, thả hàng ngàn đèn trôi trên sông hồ. Ðến đời Lê, lễ Phật Ðản
không còn là quốc lễ nữa, nhưng dân chúng vẫn tiếp tục phóng sinh và
phóng đăng trong ngày Phật Ðản dù không có vua chúa tham dự.
Những
ngày lễ khác như ngày Kỷ Niệm Xuất Gia, Thành Ðạo và Nhập Diệt của Phật
cũng được tổ chức, nhưng không được trọng thể bằng hai lễ trên. Thêm
vào đó còn các ngày vía các Ðức Phật và Bồ Tát.
Những
tối 14 và 30 mỗi tháng, nhiều gia đình lên chùa lễ Phật sám hối... Vào
những ngày rằm và mồng một, mọi người trong gia đình thường lên chùa lễ
Phật, cúng dường, đem theo hoa quả và trầm hương, đèn nến.
Trong
quan niệm đạo Phật bình dân, mục đích gần nhất của sự tu hành là tạo
thêm công đức. Công đức vốn được dịch từ danh từ Phạn ngữ punya, là sự
tập hợp của những hành động tốt, là một kho tàng vô hình bảo đảm cho
hạnh phúc của tương lai. Nếu có nhiều công đức, người ta sẽ được sống an
lành trong kiếp này và trong những kiếp sau, không những mình và con
cháu mình được có thể được thừa hưởng. Công đức cũng như một trương mục
tiết kiệm trong ngân hàng vậy. Muốn tạo công đức phải làm công quả. Công
quả là một danh từ bình dân có nghĩalà có công thì có quả. Giữ giới, ăn
chay, tụng kinh, in kinh, làm chùa, đúc tượng, cúng chùa, chẩn tế cho
người nghèo khó và cho cô hồn đói lạnh... đó là những việc làm tạo nên
công đức. Nếu không có phương tiện tài chính thì cũng có thể dùng thì
giờ của mình để tạo công đức, như tới chùa tụng kinh cầu an, cầu siêu,
sung vào ban tương tế để đi lo cho những người nghèo khổ, đói, bệnh.
Người
cư sĩ cũng biết rằng mục đích cuối cùng của sự tu hành là giải thoát.
Những phương pháp tạo dựng công đức trên kia được gọi là tu phúc, không
đủ để giải quyết vấn đề sống chết mai sau. Vì vậy phải tu huệ. Tu Huệ là
niệm Phật, học kinh và ngồi thiền. Niệm Phật là một lối ngồi thiền dễ
thực hành hơn hết, vì niệm Phật cũng đưa đến sự định tâm, gọi là nhất
tâm bất loạn.
--------------------------------------------------------------------------------
(1)
Các vua đời Lý đã dựng trên ba mươi ngôi chùa: vua Thái Tổ dựng lên các
chùa Hưng Thiên Ngự, Thắng Nghiêm, Ðại Giáo (1010), Vạn Thọ, Tứ Ðại
Thiên Vương, Cẩm Y, Long Hưng Thánh Thọ (1011), Thiên Quang, Thiên Ðức
(1016), Chân Giáo (1024), Diên Hựu (1049); vua Thánh Tông dựng các chùa
Ðông Lâm, Tỉnh Lự (1055), Báo Thiên (1056), Thiên Phúc, Thiên Thọ
(1057), Sùng Nghiêm Báo Ðức (1059), Nhị Thiên Vương (1070), vua Nhân
Tông dựng các chùa Lãm Sơn (1086), Vĩnh Phúc (1100), Sùng Phúc (1115),
Quảng Giáo (1121), Hộ Thánh (1124); Vua Thần Tông dựng các chùa Quảng
Nghiêm Tứ Thánh (1130), Thiên ninh, Thiên Thành (1133); Vua Anh Tông
dựng các chùa Vĩnh Long, Phúc Thánh (1144); vua Cao Tông dựng các chùa
Thánh Huân (1206). Vào khoảng mười ngôi chùa khác do các vua Lý dựng
chưa kể được tên. Ðến đời Trần một số trong các chùa kể trên đổ nát,
không được xây dựng lại.
Các vua Trần cũng dựng thêm chùa, nhưng các quốc tự được chính quyền chu cấp có lẽ chỉ vào số 15 ngôi.
(2) Thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú”, trích trong Tâm Kinh Bát Nhã.
(3) Nếu ở nơi xa xôi cách trở thì số người trong hội đồng có thể rút xuống 5 vị.
(4) Giới tử: những người sắp được thụ giới
(5) Giới Cụ Túc: giới tỳ khưu. Cụ túc có nghĩa là hoàn toàn đầy đủ.
(6)
Lời tán dương nước từ bi của Quán Thế Âm: “Hoặc đọng dưới ngòi bút rồng
của đấng quân vương sẽ làm cho sóng ơn tràn khắp, hoặc đọng trên cành
liễu của Bồ tát tưới thành cam lộ” (Hoặc tại quân vương long bút hạ tán
tác ân ba, hoặc cư Bồ tát dương liễu đầu sái vi cam lộ).
(7) Xin xem chú thích Quán đỉnh ở Chương XVI: “Tổng quan về Phật Giáo đời Trần” tập I
(8)
Tứ hoàng thệ nguyện: “Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ; phiền não vô
tận thệ nguyện đoạn; pháp môn vô thượng thệ nguyện học; Phật đạo vô
thượng thệ nguyện thành.
Nguồn: Thuvienhoasen