Bất kể là anh đã từng sống rất đời thường, hệt như bao
nhiêu người khác giữa phố chợ trần gian. Bất kể là anh cũng viết báo
lung tung, cũng một thời tranh luận từ trước 1975 tại Sài Gòn, và rồi
lại viết báo tranh luận tại Los Angeles thời 1980 sau này. Và bất kể là
anh uống rượu cũng tưng bừng, cũng mấy lần vợ con, cũng thích hút thuốc
lá, cũng nhiều thứ rất trần gian...
Làm
thế nào để hình dung về Phạm Công Thiện? Một lần tôi đã tự hỏi mình
như thế. Và ngay lập tức trước mắt tôi hiện ra một cặp kính cận dày cộm
và chòm tóc trắng phất phơ... Có lẽ, nếu vẽ vài nét trên giấy kiểu tốc
hoạ thì thế như dường là đủ. Không, chưa đủ. Vậy thì nghe thêm giọng
nói Nam bộ đặc biệt của anh. Hay là thêm khuôn mặt tròn, và đôi mắt thơ
ngây...
Nhưng tận cùng, Phạm Công Thiện là một nhà thơ và là
một thiền sư – và đó là những phẩm chất rất khó hình dung, vì mỗi nhà
thơ và mỗi thiền sư đều có những độc đáo riêng. Và tôi tin rằng, khi
nào thân xác anh rời khỏi thế giới đời thường này, rất nhiều người sẽ
gọi Phạm Công Thiện là một vị Bồ tát, một danh hiệu tôn quý trong Phật
giáo và là một hạnh nguyện để chỉ một người tái sinh từ kiếp này sang
kiếp khác để giúp cho mọi người hiểu được thật nghĩa của vũ trụ. Trong
những năm qua, rất nhiều tăng ni Phật tử đã gọi nhà thơ Bùi Giáng là
một vị Bồ tát, và tôi tin là sau này, Phạm Công Thiện cũng sẽ được tôn
vinh như thế, bất chấp những đời thường bất toàn mà chúng ta đôi khi
gặp nơi anh.
Thực sự, tôi đã nhìn anh như một vị Bồ tát từ những ngày tôi mới lớn, và ngay khi lần đầu đọc cuốn Ý thức mới trong văn nghệ và triết học.
Lúc đó, tôi đang học lớp đệ tứ, hay đệ tam ở Chu Văn An, Sài Gòn. Bây
giờ gọi là lớp 9 hay lớp 10. Ðâu đó, khoảng giữa thập niên 1960. Dù là
đọc ngấu nghiến, nhưng một ngày không đủ, và đọc một tuần cũng không
đủ. Vì có những dòng tôi phải đọc đi đọc lại, không hoàn toàn vì tính
bí hiểm triết lý, mà chỉ vì tính thơ mộng dị thường trong ngòi bút của
anh. “Ði cho hết những đêm hoang vu trên mặt đất...” Thế đấy, tôi đã đi
như thế từ bốn thập niên trước trên các trang sách của anh.
Tôi
đã ngồi ở sân Chùa Xá Lợi, dưới các tàng cây ngọc lan và bông sứ lần
giở từng trang sách đó. Và rồi lại ngồi trong một quán cà phê cách
trường Chu Văn An vài mươi bước, ngay lối vào ký túc xá Minh Mạng của
các anh chị sinh viên lớn. Không phải chuyện ngồi đọc cho ra vẻ triết
gia, mà thực sự vì có những đoạn văn trong cuốn Ý thức mới làm tôi run
rẩy cả người. Từng trang một, giữa các dòng chữ của Phạm Công Thiện
toát ra một hơi lạnh của vũ trụ vô cùng vô tận. Và tuy là văn xuôi, hầu
hết, nhưng thi tính vẫn dày đặc kinh ngạc.
Lúc
đó, tôi chưa từng gặp anh, nhưng lại có cảm giác Phạm Công Thiện phải
là một cái gì có màu xanh, phải liên hệ tới màu xanh, thí dụ xanh da
trời hay xanh lá cây. Không biết tại sao, nhưng trong trí óc tôi lúc
đó, là một thiếu niên say mê đọc sách và cứ nghĩ tới triết gia Phạm Công
Thiện là thấy hiện lên một màu xanh. Phải màu xanh mới lạnh chứ. Vì
từng trang Ý thức mới đều mang theo hơi lạnh đó. Trong đó, có hơi lạnh
Ðà Lạt, có sương mù Paris, có ngồi thiền trên đồi vắng, có chất vấn về
triết lý với cái búa của Nietzsche, với hiện sinh Camus, và vân vân, và
vân vân. Ðủ thứ mà bây giờ tôi không thể nhớ hết. Cứ mở trang sách ra,
là hơi lạnh của vũ trụ vô cùng vô tận lại toát ra từ các dòng chữ của
anh. Bất kể lúc đó, tôi đang ngồi trong sân chùa Xá Lợi, hay vài tuần
sau nữa tới la cà tại các quán cà phê trên đường Nguyễn Thiện Thuật,
nơi đó có khi tôi ngồi ở quán cà phê Bình Minh và có khi bước sang kế
cận ngồi ở quán Hoàng Hôn, và nơi đó cứ mỗi chiều trở về đêm là đèn
đường hắt xuống màu vàng mờ nhạt làm tôi cứ ngỡ mình đang ngồi giữa
Paris đọc sách.
Mới
biết, văn chương mạnh như thế. Sau này, nhiều thập niên sau, khoảng đầu
thập niên 1990, được cơ duyên gặp nhà thơ Phạm Công Thiện tại Quận
Cam, California, tôi ngạc nhiên không hiểu vì sao thời mới lớn mình lại
cứ hình dung anh ra một màu xanh. Nhớ lại mới ngạc nhiên. Ðúng ra, nếu
phải liên kết với màu sắc, nơi anh phải là một màu trắng. Tóc trắng
một chòm, kính trắng dày cộm, đôi mắt cực kỳ ngây thơ, khuôn mặt bầu,
lại thường mặc áo trắng hay màu sáng. Và toàn thân Phạm Công Thiện toát
ra cả một màu trắng hồn nhiên, thơ ngây. Nhưng tới tuổi trung niên
rồi, tôi không còn bận tâm chuyện màu sắc nữa, dù là người hay chữ, hay
mực, hay giấy. Thêm nữa, khi đọc lại anh, tôi không còn nhiều rung động
mạnh mẽ như thời mới lớn, dù là lòng tôn kính anh vẫn không mờ nhạt
trong tôi.
Nếu phải
giải thích, có lẽ cảm giác màu trắng sau này nhiều phần tôi có cũng từ
một bài thơ của Phạm Công Thiện được nhạc sĩ Lê Uyên Phương phổ nhạc.
Trong bài thơ, tôi nhớ có những câu dị thường như:
... Mười năm qua gió thổi đồi tây
Tôi long đong theo bóng chim gầy
Một sớm em về ru giấc ngủ
Bông trời bay trắng cả rừng cây...
Và nhớ nhất là mấy chữ:
... Tôi đứng trên đồi mây trổ bông...
Thực
sự, gọi Phạm Công Thiện bằng “anh” là điều không phải lẽ đối với tôi,
trên nguyên tắc. Vì tôi đã từng trực tiếp nghe nhiều vị danh tăng gọi
Phạm Công Thiện bằng danh xưng “thầy” rất là tôn kính, trong những vị
gọi như thế có những thượng toạ hiện là tác giả và dịch giả nhiều sách
về Phật học. Dễ hiểu, Phạm Công Thiện đã từng dạy ở Ðại học Vạn Hạnh,
nơi đào tạo nhiều thế hệ tăng ni và trí thức Phật giáo.
Ðứng về
mặt đời thường, lý ra tôi cũng phải gọi anh là thầy. Vì thực tế, Phạm
Công Thiện còn là thầy của vợ tôi – nàng kể lại rằng trong thập niên
1980 vẫn thường mỗi tuần sang Chùa Liên Hoa, trên đường Bixby, thị xã
Garden Grove, Quận Cam, để nghe thầy Thiện giảng Kinh Kim Cang.
“Không
hiểu gì cả, nhưng ông Phạm Công Thiện dạy hay hơn mấy thầy khác nhiều,
kể cả mấy thầy ở Ðại học Vạn Hạnh hồi xưa.” Ðó là lời nàng kể, khi còn
nhắc là năm 1974, nàng đã từng học miệt mài ở Ðại học Vạn Hạnh...
Tại sao không hiểu gì hết, mà lại thấy hay? Tôi nghĩ, chỉ có Kinh Phật và thơ mới thế thôi.
Như
thế, đúng ra tôi phải gọi nhà thơ Phạm Công Thiện bằng thầy. Nhưng cơ
duyên lại là, lòng anh Thiện rất mực thoải mái, không nghi lễ. Và tôi
lại là bạn thân của các nhà thơ Lê Giang Trần, Phạm Việt Cường... những
người thân tình và thường uống rượu với anh. Nói là uống rượu nghe có
vẻ trần gian lắm, nhưng phải nhìn thấy Phạm Công Thiện mới thấy là hoàn
toàn không có gì gọi là trần gian nữa. Tất cả thế gian quanh anh đều
thoạt hiện ra như thơ, như văn, như nhạc, như hoạ... Và cả đôi khi tôi
ghé nhà Lê Giang Trần ở trong một khu mobile home chật chội, u tối, tại
Santa Ana và gặp anh Phạm Công Thiện đang ngồi trong nhà Trần với chai
rượu trên bàn. Tất cả thế gian đều như mộng, như huyễn, như sương rơi,
như điện chớp... Sự hiện diện của anh Phạm Công Thiện như dường để
nhắc tới tính vô thường đó.
Khi tôi tới Quận Cam năm 1990, anh
Phạm Công Thiện đã tạm ngưng các lớp Phật học ở Chùa Liên Hoa mấy năm
rồi, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn cơ may gặp nhà thơ dị thường này. Và
nếu sau này có ai muốn biết về các chuyện đời thường của Phạm Công
Thiện, tôi nghĩ rằng nhà thơ Lê Giang Trần có thể kể lại trên cả ngàn
trang sách, vì cứ hễ anh Thiện về Quận Cam thì chỉ nghe về ở nhà Lê
Giang Trần, một nhà thơ cũng thơ mộng lạ lùng và dị thường. Còn thì,
khi nghe tin anh đi Úc, khi nghe nói anh lên ngụ ở chùa Diệu Pháp ở Los
Angeles, và khi thì nghe đủ thứ địa danh trên địa cầu. Nói thế, không
có nghĩa Trần là bạn đời thường của anh Thiện. Thực sự, nhà thơ Lê
Giang Trần nhìn nhà thơ Phạm Công Thiện như một vị Bồ tát. Một hoá
thân, không thể khác hơn được, trong mắt của Trần.
Người ta
không thể hình dung hết những tôn kính mà nhiều người dành cho Phạm
Công Thiện. Bất kể là anh đã từng sống rất đời thường, hệt như bao
nhiêu người khác giữa phố chợ trần gian. Bất kể là anh cũng viết báo
lung tung, cũng một thời tranh luận từ trước 1975 tại Sài Gòn, và rồi
lại viết báo tranh luận tại Los Angeles thời 1980 sau này. Và bất kể là
anh uống rượu cũng tưng bừng, cũng mấy lần vợ con, cũng thích hút thuốc
lá, cũng nhiều thứ rất trần gian... Nên thấy, trong những người tôn
kính Phạm Công Thiện có nhiều vị sư, có nhiều nhà thơ, và tôi tin là
không thể đếm hết.
Không phải những người đó tôn kính Phạm Công
Thiện chỉ vì anh từng là giáo sư Ðại học Vạn Hạnh (nơi này có cả trăm
giáo sư chứ), hay vì anh làm thơ hay (trước và sau anh cũng có nhiều
nhà thơ xuất sắc chứ), hay vì anh đã hùng biện để bảo vệ Phật giáo (đâu
có mấy ai nhớ anh đã gây lộn với ai, và về đề tài gì), hay vì anh có
thể vừa mới rời một quán nhậu nơi đường Westminster là bước vào ngôi
chùa đường Bixby giảng Kinh Kim Cang mà vẫn dạy hay hơn tất cả các ông
sư trên đời này (có thể, nhưng chi tiết này cần phải kiểm chứng, vì các
vị giảng sư chưa chắc đã đồng ý là có ai giảng Kinh này hay hơn họ),
hay vì anh mỗi lần vào thư viện Mỹ là mượn ra cùng một lúc 30 cuốn về
đọc tốc độ còn mau hơn các thiếu niên Sài Gòn đọc truyện võ hiệp Kim
Dung (tôi tin có người còn đọc nhanh hơn), và vân vân...
Có thể
vì vai trò của Phạm Công Thiện trong sự phát triển Phật giáo cũng lớn
lao? Thực ra, có nhiều vị đã đóng góp cho Phật giáo nhiều hơn anh
nhiều. Thí dụ, như cư sĩ Tâm Minh Lê Ðình Thám, HT Minh Châu, HT Trí
Thủ, HT Thanh Từ, HT Nhất Hạnh, TT Tuệ Sỹ, GS Lê Mạnh Thát... Thực sự,
Phạm Công Thiện không viết nhiều về Phật giáo.
Còn nói về các
chức vụ chính thức thì Phạm Công Thiện cũng không hơn nhiều vị khác, dù
anh từng là “nguyên Giáo sư Triết học Tây phương Viện Ðại học
Toulouse, Pháp quốc, nguyên Giáo sư Phật giáo Viện College of Buddhist
Studies, Los Angeles, Hoa Kỳ, nguyên Giám đốc soạn thảo tất cả chương
trình giảng dạy cho tất cả phân khoa Viện Ðại học Vạn Hạnh từ năm
1966-1968, nguyên khoa trưởng phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn
của Viện Ðại học Vạn Hạnh từ năm 1968-1970, sáng lập viên và nguyên chủ
trương biên tập tạp chí Tư tưởng của Viện Ðại học Vạn Hạnh, 1966-1970”
(theo phần chú thích trong bài “Hai vị thiền sư,” Phạm Công Thiện viết
tại California ngày 18.10.1988 về TT Tuệ Sỹ và TT Trí Siêu, vị sau này
thường dùng tên là GS Lê Mạnh Thát. Báo Nguồn sống số 16-17, 1989, San
Jose, California).
Vậy mà, cũng như nhà thơ Lê Giang Trần nói
trên, tôi tin Phạm Công Thiện phải là một kiểu hoá thân Bồ tát. Nếu Tây
Tạng có các hoá thân Ðạt Lai Lạt Ma, Ban Thiền Lạt Ma, Karmapa,
Rinpoche, vân vân... thì Việt Nam mình ngay trong thời này cũng có các
hoá thân Bồ tát như các nhà thơ Tuệ Sỹ, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện...
Bạn không tin? Hãy hỏi các vị sư Sài Gòn ở thế hệ trung niên trở lên,
như dường cũng có nhiều vị sư chia sẻ niềm tin như thế.
Còn nói
theo kiểu bây giờ, thì Phạm Công Thiện đã xuất hiện trong Phật giáo
một cách “rất là ấn tượng.” Chuyện Phạm Công Thiện trở thành nhà sư
Thích Nguyên Tánh thì cũng có nhiều người biết, và vẫn được truyền tụng
hoài. Nhưng nơi đây, để nghe tận nguồn, chúng ta hãy nghe nhà thơ
Quách Tấn kể lại, trong “Hồi ký về thượng toạ Thích Trí Thủ”,
khi giới thiệu anh Thiện với thượng toạ Trí Thủ (lúc giữ chức Giám
viện Phật học Viện Hải Ðức, nơi thi sĩ Quách Tấn dạy các tăng ni môn
quốc văn), trích:
Khoảng
đầu năm 1964, Phạm Công Thiện bị khủng hoảng tinh thần, ở Mỹ Tho ra
Nha Trang an dưỡng. Lên chơi chùa Hải Ðức, Thiện ước được sống trong
cảnh u tịch trong ít lâu để lấy lại sức khỏe. Tôi liền đến xin thượng
toạ, và tỏ thật rằng Thiện là một thiên tài và là người Cơ Ðốc giáo,
mọi người trong chùa tỏ ý không bằng lòng. Thượng toạ cười:
“Không hề gì, có bác Quách bảo đảm.”
Nhưng để “đề phòng”, thượng toạ cho dọn một căn phòng dưới xưởng làm hương để Thiện ở, trưa chiều lên chùa ăn cơm.
Ðược nơi ăn chốn ở vừa ý, Thiện bảo tôi:
“Ðể đền ơn ông, tôi xin hẹn trong sáu tháng sẽ đọc và hiểu được kinh chữ Hán.”
Tôi không dám tin, nhưng cũng không dám ngờ.
Ở Trại Thuỷ, cả ngày Thiện nằm đọc sách. Thỉnh thoảng tôi đến thăm Thiện và thượng toạ Trí Thủ. Một hôm thượng toạ bảo tôi:
“Anh chàng có đạo tâm.”
Tôi cười thầm trong bụng: “Ðạo Thiên Chúa hay đạo Phật.”
Ba
tháng sau, tôi lên Hải Ðức, không thấy Thiện nơi xưởng hương. Hỏi
người làm hương trong xưởng cho biết rằng thượng toạ Trí Thủ đem anh
lên ở nơi cốc của thượng toạ hơn một tháng rồi.
Tôi
bèn leo dốc lên cốc: một nhà sư trẻ đang ngồi xếp bằng ngay ngắn, mắt
lim dim trên chiếc ghế dài nơi cốc. Nhìn kỹ thì là Phạm Công Thiện! Rõ
là một nhà sư 100 phần trăm. Thiện ngồi yên, tôi lẳng lặng đi vào cốc.
Thượng toạ Trí Thủ mừng rỡ, muốn gọi Thiện. Tôi “xin đừng”. Sau mấy câu
hàn ôn như thường lệ, thượng toạ nói:
“Thiện quy y với tôi rồi, tôi đặt cho pháp danh là Nguyên Tánh."
Tôi không tỏ ý tán thành cũng không tỏ ý phản đối. Ðối với Thiện quy y cũng thế mà không quy y vẫn thế.
Mấy
tháng sau – tháng 9 năm 1964. Tôi lên Hải Ðức một lần nữa. Cốc
đóng—người trong chùa cho biết thượng toạ cùng Thiện vào Sài Gòn, còn
lâu mới về. Tôi cảm thấy bùi ngùi như nhớ nhung, như thương tiếc.
Tôi ngẫu chiếm một tuyệt:
Lịu địu
Áo giũ ngày sương gió
Lên chùa thăm cố nhân
Non nghiêng thềm nắng xế
Lịu địu bóng nhàn vân.
Sau
nghe tin Thiện dạy học ở Ðại học Vạn Hạnh, rồi đi Mỹ, đi Pháp. Còn
thượng toạ Thích Trí Thủ thì trụ trì chùa Già Lam, rồi được phong hoà
thượng, thỉnh thoảng mới về Nha Trang thăm chùa cũ và nghỉ ngơi. Thiện
thì từ ngày từ giã Nha Trang, tôi không còn gặp lại...”
Bây
giờ Phạm Công Thiện không viết nhiều như ngày xưa nữa. Những cuốn sách
gần đây đa số là viết về Phật A Di Ðà và Bồ tát Quan Thế Âm. Từ lâu,
anh cũng không làm thơ nhiều nữa. Những tác phẩm thời trẻ của anh,
khoảng hơn hai mươi cuốn, còn được quần chúng nhớ đặc biệt là vài cuốn,
như: Tiểu luận về Bồ Ðề Ðạt Ma, tổ sư Thiền tông (1964), Ý thức mới
trong văn nghệ và triết học (1965), Ngày sanh của rắn (1967)... Cuốn
được nhớ tên nhất tại hải ngoại của Phạm Công Thiện, có lẽ là cuốn Ði
cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất (1988)...
Nhưng đêm hoang
vu của anh vẫn chưa hết, cho nên vẫn thấy anh đi liên tục. Ðể theo dõi
bước đi một đoạn đời của anh, hãy trích một chút sau đây từ cuốn Những
bước chân nhẹ nhàng trở về sự im lặng của Phạm Công Thiện, xuất bản
1994 tại Los Angeles, từ Lời nói đầu:
“Quyển sách này được viết
chậm rãi thong dong từ trên 10 năm nay, từ năm 1983 tại Los Angeles và
tại những vùng phụ cận Los Angeles, California, Hoa Kỳ. Từ năm 1970 cho
đến 1983, tôi đã sống ở Do Thái, rồi ở Ðức quốc và ở lâu dài tại Pháp
quốc; đến năm 1983, qua một cơn chuyển động toàn diện của tâm thức viễn
ly, tôi đã trở lại Hoa Kỳ, trở lại thành phố Los Angeles sau một thời
gian xa vắng gần 20 năm; từ năm 1983 cho đến năm 1994, trên 11 năm nay,
lại qua nhiều cơn chuyển động toàn diện liên tục của tâm thức viễn ly,
tôi vẫn tiếp tục sống ở thành phố Los Angeles; sau vài chuyến lui về
vùng đồi núi im lặng ở Úc châu, tôi vẫn trở lại thành phố Los Angeles
như trở về tập sống hồn nhiên tự tại với những cơn động đất thường
xuyên của đời mình...”
Bây giờ Phạm Công Thiện vẫn còn đi. Và đôi khi vẫn còn viết – như một nghiệp tiền định của anh.
Nếu
bạn nhớ rằng Phạm Công Thiện sinh năm 1941 thì mới kinh ngạc, khi biết
rằng anh in cuốn Tiểu luận về Bồ Ðề Ðạt Ma năm 1964, nghĩa là khi mới
23 tuổi. Nơi đây, chúng ta không nói chuyện cuốn sách anh viết đã có
giúp gì cho ai về mặt giác ngộ hay không (chuyện này, khó có thước đo),
nhưng chỉ nói về đề tài để khảo sát, suy nghĩ và viết xuống thì đã là
một điều hết sức dị thường. Tôi từng đọc rằng khi anh còn ở tuổi vị
thành niên, anh đã soạn một cuốn Tự điển Anh ngữ tinh âm, nhưng vì tôi
chưa bao giờ đọc cuốn này cho nên không dám bàn. Nhưng ở tuổi 23, mà
anh viết sách Thiền tông thì phải có một tâm hồn rất mực thơ mộng, một
khát khao trí tuệ rất mực mãnh liệt, dù là, đối với Thiền tông, đúng
hay sai và mê hay ngộ cũng là chuyện rất mực khó dò...
Nhưng vì
sao một người đời thường lại được cả các tăng ni tôn kính? Mà người đời
thường này, anh Phạm Công Thiện, lại không hề biết cách kiếm tiền...
Tôi nghĩ, nhiều phần là trong các kiếp trước, Phạm Công Thiện đã từng
là thầy, từng là bậc tôn túc của các vị tăng ni kia, và của nhiều cư sĩ
đời thường như tôi...
Và tôi tin rằng, khi Thiền sư Thi sĩ
Phạm Công Thiện từ trần, chắc chắn sẽ có rất nhiều người gọi anh là Bồ
tát, một danh hiệu rất mực tôn kính trong nhà Phật, chỉ đứng sau danh
hiệu Ðức Phật. Tại sao như thế? Tôi không thể trả lời chính xác. Nhưng
nhà thơ Bùi Giáng đã được tôn xưng là Bồ tát, và tôi tin, chắc chắn
rằng Phạm Công Thiện cũng sẽ được tôn xưng như thế. Thêm nữa, Kinh Pháp
Hoa cũng viết rằng tất cả mọi người đều là Phật – và bây giờ nhiều
người trong chúng ta đã quen thuộc với cách Phật giáo Tây Tạng gọi ngài
Ðạt Lai Lạt Ma là Bồ tát Quan Thế Âm, gọi ngài Ban Thiền Lạt Ma là
Phật A Di Ðà hoá thân...
Ðể trả lời cho bớt vẻ thần bí hơn, có
lẽ nên nói rằng nhà thơ Phạm Công Thiện đã đánh thức được nơi rất nhiều
người niềm say đắm với cuộc đời. Bất kể là nhân loại thường trực đối
diện với biết bao nhiêu là hố thẳm và hoang vu, chính niềm say đắm này
đã và đang dẫn chúng ta đi qua biết bao nhiêu là ngọn đồi mây trắng...
Phan Tấn Hải
Theo talawas