Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Dây rún mẹ buộc đâu qua nổi định nghiệp
01/07/2012 18:54 (GMT+7)

Dây rún mẹ buộc đâu qua nổi định nghiệp


Dây rún mẹ buộc…

Trong cái hộp nhỏ, tôi tìm thấy một nùi gì đó giống như ruột heo. Nhỏ xíu. Đã khô. Mẹ nói dây rốn của ba chị em. Buộc cho thật chặt để còn thương nhau.

Ngày còn nhỏ, tôi đã phải vào ở với ông bà nội. Hai đứa kế ở bên nhà bác. Còn ba đứa sau thì ở với mẹ tận ngoài Quy Nhơn. Lâu lâu gặp nhau, chỉ biết vui mừng, có khóc hay lẫy chỉ là nỗi buồn giành giựt trẻ con.

Bể dâu…

Ba đứa ra đi. Ba đứa ở lại. Ra đi vẫn chưa trưởng thành. Những gì cha mẹ dạy cho vẫn ủ trong lòng. Thương nhau vẫn nhiều. Vẫn lo cho nhau từng tí. Trong ba đứa đi cũng vẫn có hai đứa kia. Duyên nghiệp tụi nó gần như gắn chặt với nhau ngay từ lúc nhỏ. Đi đâu cũng chẳng lìa nhau. Dây rún mẹ buộc một nùi khô quắt không rời, chúng thương nhau lắm. Chỉ có mình tôi dây đó không thiêng, đi đâu cũng chỉ một mình. Ở lại với hai đứa sau, chị em trong nhà cũng ít gần gũi. Tình thương chúng đối với tôi không nhiều bằng đối với nhau, dù vẫn thương đó. Cũng không phải lạ. Tính tôi khó khăn, đàn bà con gái mà không dịu dàng, đúng sai phải quấy cũng chẳng biện minh nửa lời, cứ thế mà sống. Gần được mới là chuyện lạ. Cho đến bây giờ dù đã thay đổi khá nhiều, vẫn có một cái gì đó không đồng, không thể khắn khít như chúng khắn khít với nhau, dù chúng thương tôi rất mực.

Dây rún mẹ buộc không qua nổi nghiệp dĩ con người gây tạo với nhau. Nhân duyên quá khứ chi phối đời sống con người hiện tại không phải là ít.

Giá trị của việc giáo dục

Ngày cha còn sống, giáo dục con cái rất kỹ. Nội chỉ là bà nội kế, với cha cũng không mấy tốt, nhưng không được nói một từ “nội ghẻ” trước mặt con cháu. Cha dạy từng li từng tí. Mẹ ngủ, không được lê dép, không được kéo cửa mạnh tay. Học có giờ. Ngủ đúng giấc. Vật dụng, sách vở, đồ chơi… không đứa nào hơn đứa nào. Một năm một cái cặp, hai bộ đồ mới. Giày dép cũng chỉ một đôi một năm. Phải biết giữ gìn mọi thứ cho đến cuối năm. Thứ gieo vào đầu chúng tôi không phải là làm ra tiền thật nhiều mà làm ra tiền thế nào và để làm gì. Bằng những câu chuyện nhân quả tự nhiên xảy ra trong đời. “Ông đó bạn mẹ, làm luật sư phất lên mau lắm, nhưng ba đứa con sinh ra, không đứa nào có lỗ đít. Tại làm luật sư cãi đen thành trắng, tiền vô mới lẹ…”. Mô Phật! Tụi tôi tự hiểu phải làm thế nào để con cháu mình không phải ăn vô mà ra thì phải bắt ống.

Được dạy biết đủ ngay từ lúc nhỏ, đời sống tụi tôi lại được chu toàn, nên dù cha đã mất rồi, “tột đỉnh tiền bạc danh vọng” không phải là mốc phải đạt bằng được. Học hành đàng hoàng để có sự nghiệp lo cho bản thân gia đình là việc cần thiết. Dư dả thì tốt, không dư thì thôi. Cho nên, quan hệ chị em chúng tôi cho đến bây giờ, dù có những chuyện bất đồng xảy ra, cũng không phải do coi trọng tiền bạc. Vật chất không phải là thứ có thể xóa bỏ cái dây ân nghĩa gia đình. Nhà cửa cha mẹ để lại chúng vẫn giao đó. Mình tôi quản lý. Đồng tiền sinh lợi, phân nhiêu đó phân, không ai có tâm đòi hỏi, dù đó là ít hay nhiều.

Cha dạy chúng tôi phải biết thương yêu, chia xẻ, hiếu nghĩa... Thương yêu để được thương yêu. Hiếu nghĩa để được hiếu nghĩa. Chia xẻ để đươc chia xẻ. Không phải chỉ nghĩ trong đầu hay trên đầu môi chót lưỡi mà bằng hành động hẳn hoi. Nếu con thương em thì hãy nhường em một bước. Nếu con thương mẹ, hãy để mẹ được bình yên dù chỉ là giấc ngủ nông. Muốn được tin tưởng thì đừng nói dối, phải biết tự tạo uy tín cho mình. “Ngày xửa ngày xưa, có một thằng nhỏ. Nó có cái tật hay giỡn. Bữa nọ, bà con chung quanh thấy nó vừa chạy vừa hét “Nhà cháy! Nhà cháy! Ới bà con ơi! Cứu tui”. Thiên hạ gậy gộc thùng xô chạy đến, chẳng thấy cháy đâu, chỉ thấy nó mặc xà lỏn đứng đó ôm bụng cười ngất. Lần sau cũng thấy nó hô nhà cháy nhà cháy. Người ta mặc nó. Nhà nó cháy thiệt. Sạch sẽ. Chỉ còn cái quần xà lỏn trên người. Lần này nó không cười nữa mà khóc hu hu… Thiên hạ xúm lại thương xót, chửi nó: “Cũng tại cái thằng mày ngu. Ai mượn lần trước mày gạt tụi tao. Lần này cũng tưởng mày giỡn, có ai mà ngờ nhà mày cháy thiệt”. Cứ thế, những câu chuyện nhỏ, cha mẹ răn dạy chúng tôi nhân quả trong đời. Ở hiền gặp lành. Gieo gió gặt bão. Nhân gieo thế nào gặp quả thế đó…(1) “Người anh tham lam lấy hết của cải của em, chỉ cho cây khế. Người em tính tình hiền lành nên được trời thương. Cây khế ra trái rất nhiều. Chim vàng tới ăn và chở cho đi lấy vàng, trở thành giàu xụ, cất nhà hoành tráng còn hơn cả anh... Tụi con thấy đó, đừng tham những gì không phải của mình. Anh em trong nhà phải biết chia xẻ với nhau. Giành giựt tham lam sẽ gặp nạn tai như người anh cả”. Ngụ ngôn, chuyện phiếm đều thành chuyện thật trong đầu chúng tôi. Không thể ý thức hoàn toàn như người biết đạo, nhưng những việc đó cũng giúp chúng tôi hình thành nhân cách của mình ở mức tương đối.

Ông cũng kiểm soát chặt chẽ sách báo, phim ảnh, giờ giấc học tập, giải trí cũng như ngủ nghỉ… Nề nếp gò bó không phải là việc trẻ con thích thú. Nhưng phải làm hoài, trở thành bình thường lúc nào không hay. Có chồng con rồi, cũng không ý thức hết tầm quan trọng của việc làm đó. Chỉ đến sau này, khi đến với pháp của Phật, mới thấy ý nghĩa những việc mà cha đã làm.

Cha không đến chùa học đạo nhưng cách cha dạy chúng tôi phù hợp với đạo.

Luận Đại Thừa Khởi Tín nói: Tâm có tính huân tập và “giữ gìn nghiệp thiện ác trong vô lượng đời quá khứ khiến chẳng mất. Lại hay thành thục quả báo khổ vui trong hiện tại và vị lai không hề sai lệch”(2). Những gì ta đã trải qua sẽ được lưu giữ và tích tụ đó. Thói quen là một hình thức của sự tích tụ. Thói quen tạo thành tính cách con người và có khả năng chi phối con người rất mạnh. Tập cho trẻ con thực hành những việc lương thiện, dù là nhỏ nhặt ngay trong đời sống thường nhật, khi còn rất nhỏ, chính là giúp chúng hình thành nhân cách tốt đẹp của chúng sau này. Tập càng lâu, càng nhiều, lực của thói quen càng mạnh. Một khi thói quen đã thành tính cách của chúng thì chúng cứ thế mà sống. Muốn con hiếu nghĩa với mình, cần tập cho chúng ngay từ lúc nhỏ. Muốn con bố thí, cần tập cho chúng bố thí ngay từ lúc nhỏ. Muốn cái gì cứ tập cho chúng cái đó. Nhưng nhớ, tính huân tập của tâm thì đồng, mà cái nhân huân tập tùy nhân tùy duyên mà có sai khác. Những gì mang tính vị tha, sẽ đưa đến quả an lạc, hạnh phúc. Những gì mang tính vị kỷ, sẽ hưởng cái quả khổ đau, bất hạnh(3). Cho nên, dù tập cho con hiếu nghĩa mà hiếu nghĩa ấy mang tính vị kỷ quá mức, hạnh phúc nó hưởng cũng bị cản trở khá nhiều.

Cha mẹ tập cho chúng tôi biết sống thương yêu, trách nhiệm, nề nếp, chia xẻ, thông cảm… để tạo nền tảng cho một cái quả tốt đẹp về sau, cũng là cái duyên hạn chế phần nào phần “con” trong mỗi “con người”, mà do vô minh chúng tôi đã gieo từ vô lượng kiếp về trước.


Hòa thượng Tịnh Không, cho việc dạy con không phải đợi đến lên ba mà cần thực hiện khi mới tượng hình: “Trong vòng bảy ngày, hãy nên tụng bộ Địa Tạng bản nguyện. Tốt nhất là nên tụng sớm. Mỗi ngày gắng tụng một bộ. Không thì nên niệm danh hiệu Bồ -tát Địa Tạng. Cần phải dùng tâm chân thành cung kính tụng niệm…”. Vì sao dạy con mà lại niệm Phật? Vì một lòng chuyên niệm có thể chuyển nghiệp, chuyển họa thành phúc. Nếu được phúc rồi thì phúc thêm nữa. Theo ngài, nhân duyên nối kết những kẻ thân thuộc trong một gia đình không phải chỉ có ân tình mà còn cả dây oan nghiệt. Ân thì không nói. Giả như đứa bé trong thai đến để báo oán thì do tụng niệm như vậy, oán kết sẽ được hóa giải. Cho nên, chuyển nghiệp phải chuyển ngay từ buổi đầu. Chậm nhất cũng là bảy ngày trước khi mẹ sinh.

Ngày nay, đa phần ít tin nhân quả nên ít dạy trẻ cái nhân vị tha. Cũng không biết tâm có tính lưu giữ, nên để con trẻ tiếp xúc thoải mái với các phim ảnh thiếu tính giáo dục. Chỉ huân vào tâm hình ảnh trả thù, tàn phá, cướp bóc mang tính vị kỷ. Người lớn không thể làm chủ dục vọng của mình nên không thể dạy trẻ con làm chủ dục vọng của chúng. Gia đình bất ổn, xã hội không thể an bình.

Cũng ít ai tin một lòng cung kính trì niệm danh hiệu Phật Đà có thể chuyển nghiệp của mình và con, nên ít ai chịu niệm Phật khi đang mang thai. Chỉ thích nghe nhạc, đọc sách… để con phát triển tư duy, sau này có danh, có lợi với đời. Quên mất danh lợi vô thường. Có mà vui thì mất không khỏi khổ. Và nếu nghiệp của con trẻ và mình không tốt thì khó mà có tương lai để nói mấy chữ thông minh, hạnh phúc.

Em bé bị xuất huyết não. Bố mẹ cả hai đều là bác sĩ nhưng đành bó tay mà nhìn con trẻ ra đi. Chỉ vì… ùn tắc giao thông. Honda còn không thể nhích nói gì xe hơi. Chẳng ai có thể nhường ai lúc đó. Với duyên như vậy, nương vào sức người làm sao gỡ được?

Thuyên tắc nước ối là một bệnh lý rất hiếm. Trong 100.000 ca sinh chỉ khoảng 7 ca xảy ra. Bệnh này không có dấu hiệu báo trước, không thể phòng ngừa, đa phần bệnh viện không thể xử lý kịp thời, nên tỷ lệ tử vong cả mẹ và con rất cao. Vậy mà vừa rồi nó đã xảy ra, khi mà sức khỏe thai phụ trước đó vẫn tốt, cổ tử cung đã mở, thai nhi đã lọt xuống dưới(4). Phải nói, trong đời có nhiều cái duyên nhìn vào thấy thật đau lòng. Có nhiều oan nghiệt nhìn vào không biết trở tay ra sao. Duyên nghiệp con người đã tạo từ thời quá khứ, nếu không dùng câu niệm Phật hay những thiện nghiệp hóa giải ngay từ lúc đầu, thì khi nghiệp báo đủ duyên, không thể trở tay.

…không qua nổi định nghiệp

Những gì cha mẹ đã dạy trở thành máu huyết tuôn chảy trong người chúng tôi.

Rồi cha mất sớm. Mẹ một tay lo hết trong ngoài. Đứa thứ hai, một trong hai đứa quấn cùng dây rốn với tôi, xứ lạ quê người, thay mẹ gồng gánh hai em khi tuổi chỉ mới mười lăm. Tự thân vừa học vừa làm, lo cho hai em học hành đến nơi đến chốn, công danh sự nghiệp ở đời đầy đủ. Trong mấy đứa em tôi thương nó nhất, tại nó chững chạc và biết lo toan trong ngoài, lại rất hiếu nghĩa. Không phải chỉ với mẹ cha mà cả với chị với em, dòng họ thân thuộc.

Mẹ mất. Thằng bé nghe tin hụt hẫng. Thêm vài chuyện nữa, quá tải cái đầu của nó. Câu chuyện chén tạc chén thù cho qua những phút khổ đau trong phim Hàn Quốc hiện ra. Không ai thấy rượu nguy hiểm. Chỉ thấy nó giúp quên được ít nhiều. Không thấy nó thấm vào máu vào xương. Tích tụ. Khiến người tê liệt hết mọi suy nghĩ tốt lành.

Câu chuyện uống rượu không phải là lý do chính tạo sự chia rẽ giữa anh chị em. Nhưng chính do rượu, cái tính bình lặng ngày xưa không còn, không còn phân biệt đâu phải đâu trái như xưa. Nghe khích một câu, tức lên chửi loạn xà ngầu. Giận rồi đâu còn khôn nữa.

Cái việc nói ra nói vô để chồng tách hẳn gia đình thân thuộc không phải chuyện lạ ở thế giới này. Mình cũng có chồng, cũng hiểu phần nào tính ích kỷ ấy. Nhưng do cậu em một phần. Lấy vợ mà vẫn nghĩ chết để lại tất cả gia tài sự nghiệp cho cái dây rún kế sau, trong khi tiền bạc danh vọng con nhỏ không thiếu. Vợ nào chịu nổi mà không tính chuyện tách thửa khi nó phải lo cho đại gia đình của nó. Thế là cô vợ chơi chiêu thủ thỉ, lần lượt cho đi. Lúc đầu mấy đứa bên kia. Tới sau, mấy đứa bên này. Dây rún mẹ buộc một mình cô bứng ra hết, cho đi nhẹ nhàng từng em.

Tính ra con nhỏ bỏ sức cũng nhiều. Bởi lấy nó về, cậu em bỏ rượu ít nhiều, không còn hũ chìm hũ nổi như xưa. Bạn xấu đi hết, sự nghiệp nhà cửa vững vàng. Cũng vì chuyện đó, chị em chúng tôi chẳng thấy nề hà cái việc tách thửa mà cô đã làm. Miễn thấy em mình có vợ có chồng, mạnh khỏe an ổn là được. Việc giúp gia đình thân thuộc bên vợ cũng là việc tốt, giữ gìn cái phước về sau, có gì nề hà? Thấy nó khỏe yên là được. 

Chuyện chỉ có vậy. Ly hợp hợp ly. Cũng chuyện bình thường ở thế giới này. Có điều, du qua cái khúc ly hợp ấy rồi mới thấy câu nói người xưa giá trị. “Bồ-tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”. Ai cũng hay sợ nạn xấu xảy ra với mình, nhưng khi gây nhân lại rất mạnh tay, ít ai nghĩ tới nhân quả. Không nhân, thì duyên dù đủ bao nhiêu, cũng không có quả. Nhưng nhân một khi đã gieo, trúng phải định nghiệp, thì thôi xảy ra vô vàn cái duyên khiến mình hết đường xoay xở, chỉ biết ì đó chịu trận.

Lời nói cô vợ không có giá trị nếu không có sự trợ giúp bên đây. Nói tiếng “trợ giúp” là muốn nói đến cái duyên liên quan hai đứa bên này. Không phải vì chúng nói ra nói vô với cậu em trai. Chúng thương tôi lắm, lo toan con cái nhà cửa cho tôi tất cả. Tôi vẫn bảo bọc cho chúng từ khi mẹ mất. Nhưng đời nhiều duyên đưa đẩy… Một con bảo lôi nó ra vì nó lúc tỉnh lúc mê, làm ơn giúp nó. Mình lôi nó ra chưa xong, một phút vô minh, nó hô mình đang phá nó. Một con nói làm cái việc mà dù muốn làm, mình cũng không thể làm được. Giải thích. Nó bực và đòi bỏ đi… Vô thế. Chỉ nghĩ thoáng rằng “đen trắng thế nào, thời gian rồi sẽ trả lời. Khi qua cơn mê, chúng sẽ nghĩ lại”. Thì chúng nghĩ lại. Ân hận. Thương tôi nhiều hơn. Nhưng cách một bể đại dương, qua một cái đầu đã có chủ ý, trở thành câu chuyện cản trở hôn nhân, giành giựt nhà cửa. Cho rằng cấu xé, thương tổn, ra đi đều vì chuyện đó. Cậu em bực tức vì nghĩ tôi bạc với anh chị em. Nghiệp quả đến hồi phải trả, duyên tụ khít khao vô cùng.

Lúc trước rất buồn. Khóc sưng cả mắt cá chân. Cái thằng mình thương nhất nhà, chưa từng một lời nói nặng với nó, lỡ hết tiền bạc của mình, mình cũng cười vui để nó không buồn. Vậy mà…

Giờ thì mặc kệ. Không kệ thì làm gì được?  

Phần Báo Oán Hạnh nói rằng: “Người tu khi gặp cảnh khổ phải tự nghĩ rằng: Ta, từ xưa đến nay, trong vô lượng kiếp, bỏ gốc theo ngọn, cho nên trôi lăn các cõi. Đa phần gây tạo cái nhân oán ghét nghịch hại vô cùng. Đời này tuy rằng không phạm, nhưng do cái họa đời trước, nghiệp ác chín rồi, không phải trời không phải người có thể cùng thấy. Cam tâm nhẫn chịu, trọn không oán trách”. Lời Tổ nhắc tôi nhớ lại cái đêm không trăng không sao trước đó vài năm, mơ thấy con em vơ cái bát dơ đặt lên bàn thờ. Mẹ không la nó, lại ném cái bát ngay vô đầu mình. Cái điềm oan gia báo trước cho rồi mà quên. Không phải lỗi mình mà mình phải lãnh cái quả. Ừ, ừ, không phải lỗi mình là nói cái duyên hiện tại. Trên mặt nhân quả ba đời, làm gì có quả mà không có nhân.

Bạn bè trách tôi sao không giải thích cho thằng em tỉnh. Giải thích nếu được, Bạch Ẩn ngày xưa chắc giải thích rồi, đâu phải ôm trẻ xin sữa từng nhà, uy danh mất hết, để người mắc tội. Một khi kiến chấp đã có thì nói kiểu gì cũng biện cho thành cái ý đã nghĩ. Hai nhân vật chính cũng đã giải thích nhưng đều vô hiệu. Nghiệp gây tới hồi trả quả, càng biện càng mệt, càng động càng vương. Vả lại, nói nặng nói nhẹ là chuyện đâu đó bàn tán sau lưng. Trước tôi, chưa dám một lời xúc phạm, thành nói gì giờ? Thôi thì lặng lẽ coi như không có việc gì. Mình khỏe mà người khỏi mệt. Cha mẹ chẳng may còn đó, cũng sẽ buồn vì thấy con cái lời qua tiếng lại, cũng sẽ yên vui nếu thấy mình chẳng để tâm, thân thuộc vẫn là thân thuộc. Khi nào tỉnh giấc Nam Kha thì quay đầu về. Họa phúc đâu có ranh giới nhất định. Chỉ tùy suy nghĩ từng người. Không trí, phúc biến thành họa. Có trí, biến họa thành phúc. Buồn chi cho già! 

Cái chính là tôi mơ thấy trong vô lượng kiếp về trước, tôi đã khiến người uất ức vô vàn. Cũng thấy vì sao khiến người uất ức nhưng nói ra đây không tiện. Trong mơ, thấy vô lượng người uất ức, tôi mới nảy sinh ý nghĩ thí thân xóa oán. Ai muốn làm gì đó làm, chỉ với điều kiện xóa bỏ oán xưa. Đa phần chỉ mới nghe qua, tâm đã hoan hỷ tha thứ bỏ đi. Còn lại người chửi, người đánh, người đòi xẻ thịt. Đánh tới đâu an lạc tới đó. Xẻ tới đâu mạnh khỏe tới đó. Giấc mơ rất ứng với câu trong Báo Oán Hạnh: “Khi tâm sinh, cùng lý tương ưng. Nhờ vào gốc oán mà tiến được đạo”. Nếu “không” được tâm với tất cả sự - nghĩa là ngay nơi những việc xảy ra mà tâm yên được - thì khi oán tới chính là cái duyên giúp mình tiến đạo.

Sự đời, nghiệm ra không gì qua khỏi hai chữ nhân duyên. Dây rún mẹ buộc ao ước con cái thuận hòa, thương nhau không qua được những định nghiệp con cái gây tạo với nhau.

Quan hệ thân thuộc, không phải chỉ có nhân duyên thuận hòa mà còn nhân duyên oan nghiệt. Người nói con nghe, người dạy con khó, thân thuộc bạc ác… một phần cũng do duyên nghiệp đời trước chi phối. Phước nhiều thì thuận hòa nhiều. Phước ít, oan nghiệt tăng thạnh. Cái phước chúng tôi có được là trong hiện đời cha mẹ biết cách dạy dỗ chúng tôi, lại còn gặp được giáo pháp Phật Tổ đã dạy. Nên nghiệp báo tới mới không đến nỗi muộn phiền. Cũng được trợ giúp bằng những giấc mơ để biết nhân quả mà không tạo thêm nhân mới. Không thì lời qua tiếng lại, thù hằn, oán hận không biết bao giờ mới nguôi trong kiếp luân hồi. 

 Chú thích

(1) Đây là nói nhân quả trên mặt tổng quát thiện ác. Với cái nhìn chi tiết, theo Duyên khởi của nhà Phật, thì mọi thứ còn bị chi phối bởi duyên.

(2) Phần Thức tương tục.

(3) Đây là đang nói trên mặt Nhân quả. Nhân như thế thì cho ra quả như thế. Trên thực tế, thấy có sự sai khác ít nhiều là do nghiệp hiện tại còn bị chi phối bởi nhân duyên đời quá khứ, không phải nhân quả có sự sai lệch.

(4) Báo Tuổi Trẻ ngày 11-5-2012.

Chân Hiền Tâm

http://giacngo.vn/nguyetsan/chuyende/2012/07/01/13D213/

Các tin đã đăng:
Về đầu trang