Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Mẹ đang từng ngày đi về phía cuối con đường…
Ngọc Linh
06/06/2011 06:33 (GMT+7)


Cái nắng cuối chiều trải dài trên bức vách đổ bóng xuống hiên nhà, nhợt nhạt và  yếu ớt theo bước chân của mẹ tôi đang lần từng bước liêu xiêu đi về hướng cuối con đường. Con đường của đời người mà bất kỳ ai cũng phải đi qua, nhưng với chị em tôi lúc này không hề muốn mẹ đi đến cuối cùng, đến cái nơi mà ba tôi đang đợi. Dẫu biết rằng không thể… Không thể…

Mẹ vẫn đang từng ngày đi về phía cuối con đường…
 
Bức tranh tự tay con làm tặng mẹ


Hơn nửa đời người làm đàn bà, tôi chưa một lần được làm mẹ, chưa bao giờ có cái hạnh phúc được bế một đứa bé nhỏ xíu vào lòng cất tiếng ầu ơ, chưa bao giờ trải qua những giây phút êm đềm bên đứa con, với chiếc giường nhỏ mà “bên ướt mẹ nằm bên ráo con lăn”. Với tôi, đó là nỗi bất hạnh lớn nhất của đời người…
 
Bởi thế, mỗi lần tôi làm mẹ giận, mẹ luôn thông cảm và tha thứ cho tôi với một tấm lòng bao dung độ lượng. Mẹ thường nói với các em trong nhà: Không ai muốn mình mang lấy nỗi bất hạnh ấy, nên mẹ hiểu rất rõ rằng tôi là người chưa hề biết đến những điều khó khăn trong cuộc sống với vai trò làm mẹ. Với tôi nỗi đau này có lẽ còn mãi day dứt khôn nguôi. Nhất là trong lúc này, tôi đang sợ…

Con sợ một ngày chuối chín trên cây
Lắt lay thời gian, bạc màu áo mẹ
Sống mãi với đời… là điều không thể
Vòng quay cuộc đời người phải đi qua

Con sợ một ngày mẹ sẽ theo ba
Hơi ấm nhạt nhòa thuyền xưa xa bến
Nắng trải cuối chiều võ vàng yếu ớt
Rơi rụng nụ cười, héo hắt hoàng hôn
   
Mỗi lần tiễn mẹ của một người bạn đi xa là mỗi lần tim tôi như thắt lại từng cơn đau nhói, vì trong thâm tâm tôi vẫn biết rồi mẹ cũng sẽ đến ngày ấy, cái ngày mà không một ai trên cõi đời này chờ đợi. Thời gian không dành sự ưu ái cho mẹ lúc này, cùng với những căn bệnh mà mẹ đang từng ngày từng giờ chống đỡ. Tôi sợ… sợ ngày ấy đến vô cùng!

Đường đời chúng tôi còn xa, đường mẹ đi càng ngắn lại. Cái khoảng cách ấy đang xâm chiếm vào hồn tôi bằng một kỷ niệm xót xa. Năm 16 tuổi, dịch sốt rét rừng hoành hành trên thân thể gầy còm của tôi. Hồng huyết cầu khô đã đến mức báo động nhưng vì nhà nghèo, lại là vùng kinh tế mới xa chốn thị thành nên mẹ đã không thể đưa tôi vào viện. Đến lúc kiệt cùng tôi lả đi, trong cơn đau và mê sảng tôi vẫn cảm thấy được mẹ đã ôm tôi vào lòng và khóc, vừa ẵm tôi ra đầu đường vừa gào thét khản cả giọng trong nước mắt: “ Ai cứu dùm con tôi… Ai cứu con tôi!!!”

Những bước chân khập khiễng đi bộ hàng ngày để đến nhà thăm chị em tôi, những cơn đau từ vết thương sau khi phẫu thuật, những cơn đói thèm vì phải ăn kiêng để cản ngăn căn bệnh quái ác tiểu đường của mẹ… Thật sự giờ đây tôi không dám nghĩ tới, không dám đối diện.

Ngày nối ngày trôi qua, tôi cảm nhận được tình yêu thương của mẹ dành cho đứa con bất hạnh này. Những khoảnh khắc nghiệt ngã mà tôi đã từng trải qua khi cuộc hôn nhân gãy đổ, để bây giờ cuối đời rồi mẹ vẫn còn lo lắng cho tôi không có nơi nương tựa. Mẹ thường an ủi tôi bằng câu “con cái là của trời cho…”

Cái khoảng lặng của đêm, sự trống vắng của thời gian, những giọt nước mắt buồn phiền khi mẹ ngồi trước bàn thờ ba tôi mà khóc hàng đêm… in sâu vào tâm trí tôi mãi mãi. Những muộn phiền khi em trai tôi vẫn chưa ổn định gia đình, những trở trăn day dứt cho sức khỏe chị Hai tôi ngày một xấu đi, những tiếng chậc lưỡi thở dài khi thấy tôi ngày đêm đi về một mình… Tất cả vẫn luôn trĩu nặng lòng mẹ.

Mẹ là thế! Luôn sống trong day dứt âu lo. Tôi bây giờ cũng đang ở ngưỡng của tuổi năm mươi. Nhưng có lẽ đời này kiếp này tôi vẫn không bao giờ hiểu được tình mẹ sâu nặng bao la như thế nào. Cho dù thế, với tôi, với chị em chúng tôi, tận sâu thẳm tâm hồn vẫn vang lên những lời cầu nguyện cho thời gian dừng lại, để cho mẹ được sống với cuộc đời này lâu thêm nữa… Giá như thời gian của đời người là vô tận, mẹ ơi!

Hoàng hôn buông xuống. Tôi đang khóc và tôi đang sợ… Tiếng sáo chiều tha thiết trong ca khúc “Lòng mẹ” của nhạc sĩ Y Vân đã làm không gian như ngừng lại và lắng đọng…

Ngọc Linh (Quy Nhơn)

http://bee.net.vn

Các tin đã đăng:
Về đầu trang