Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Mẹ, điện thoại và kinh Phật
17/08/2012 16:04 (GMT+7)



Con gái và mẹ - Ảnh minh họa từ internet

Ngày đưa cho mẹ chiếc điện thoại, mẹ bảo:

- Giời ơi, mua chi cho tốn tiền vậy con, “bà già khốt-ta-bít” này có biết xài đâu.

Mẹ vẫn cứ bảo mình là “bà già khốt-ta-bít” lạc hậu nhất trần đời.

- Hì, dễ lắm, con chỉ qua là mẹ biết xài à!

Mẹ bảo, cuộc đời của mẹ có nhiều nhiều lắm nỗi khổ, thời trẻ cứ nghĩ rằng khó mà sống được. Tới tận bây giờ vẫn còn nhiều cái khổ, cứ mãi hỏi rằng: tại sao ta tốt với người, người cứ mãi làm khổ ta, tệ bạc với ta. Cứ suy nghĩ thế và lòng thấy buồn lắm, nặng trĩu. Nhưng nghe Phật dạy nhiều mới hiểu rằng mọi thứ đều có duyên cả. Nếu không phải từ kiếp này, có nghĩa là ta nợ họ từ kiếp trước, nghĩ vậy lòng thanh thản hơn nhiều, không còn trách móc, giận hờn nữa.

Thế là 54 tuổi, mẹ bắt đầu học cách sử dụng điện thoại di động. Ở nhà may còn thằng em, này nạp tiền, này lưu danh bạ, này đăng ký khuyến mãi, hủy khuyến mãi,… tất tần tật mẹ đều nhờ nó. Nhưng mẹ biết tìm tên con gái yêu, con trai yêu, bố tụi nó, dì mấy cháu… trong danh bạ. Chỉ hai ba ngày mẹ đã sử dụng thành thạo nào nhận cuộc gọi, nào tìm tên gọi đi… Mà điện thoại của mẹ đặc biệt lắm, chỉ sử dụng hai chức năng vừa truyền thống vừa hiện đại là nói chuyện và nghe nhạc thôi.

Nhớ có lần dì nhắn tin, chờ mãi không thấy tin hồi âm từ mẹ, dì hỏi, mẹ cười:

- Chị có biết nhắn tin, đọc tin gì đâu, có gì thì điện nhé!

Kiểm tra trong hộp tin của mẹ tới cả trăm tin chưa đọc, nào tin của dì, của cậu, của tụi con, nhiều nhất là tin của… nhà mạng. Xóa mỏi cả tay, mẹ nói:

- Ừ, xóa cho mẹ, mẹ có biết đọc, xóa tin nhắn gì đâu.

Bảo rằng, dễ lắm con chỉ một lần là mẹ biết à! Mẹ xua tay rối rít:

- Thôi thôi, không học đâu, rườm rà, rắc rối lắm. Với lại mắt mờ rồi, đọc hết một tin nhắn, rồi nhắn lại, chắc tới khuya.

Ừ thì lúc nào nhớ mẹ con sẽ điện, cũng muốn nghe giọng mẹ mà! Lần nào đăng ký khuyến mãi được, mẹ đều điện lên, nói chuyện rất lâu, kể đủ thứ chuyện từ chuyện người đến chuyện vật. Nào bố mày dạo này như thế nào, anh và chị dâu mày nè, thằng em trai, rồi sức khỏe mẹ tốt hay không… Kể hết chuyện người mẹ kể tiếp chuyện mấy con vật ở nhà, rồi thì đủ mọi thứ trên đời, miễn nhớ là mẹ lại “À,…”, và tôi thích nghe lắm, như những đứa trẻ thích nghe truyện cổ tích vậy.

Viettel khuyến mãi mười phút miễn phí gọi nội mạng, lần nào gọi về cho mẹ cũng phải mất bốn, năm lần tắt máy. Giữa những câu chuyện là “hết 10 phút rồi đó con”, “lại hết 10 phút nữa rồi à?”, “chỉ mới bốn lần thôi, hihi”, “thôi 10 phút này nữa thôi nhé, mẹ phải đi nấu cơm, chứ không bố mày lại la, mãi “buôn dưa lê” không nấu cơm cho bố mày!”… Mẹ tạm biệt cũng rất xì-tai, lúc nào cũng là “Thôi, bái bai nhé!” cùng với tiếng cười.

Và từ ngày mẹ có điện thoại chúng tôi thấy mẹ như gần hơn, lúc nào buồn, lúc nào vui gọi là đều nghe thấy liền tiếng nói ấm áp của mẹ.

Mẹ cũng thích chiếc điện thoại của mẹ lắm, và thích nhất là ở chức năng nghe nhạc của nó. Mẹ bảo thời bây giờ cái gì cũng nhỏ gọn, tiện lợi cả, chiếc điện thoại nhỏ xíu mà vừa gọi điện được, lại vừa nghe nhạc được như mang cả chiếc đài theo vậy.

Bố sáng sáng, chiều chiều đều lên trường, thằng em cũng đi học suốt, chỉ có cái điện thoại làm bạn với mẹ. Mẹ thích Thu Hiền lắm, mẹ bảo Thu Hiền hát ngọt hơn cả mía. Mẹ lại bảo:

- Mẹ cũng già rồi, mấy cuốn kinh, sách, truyện Phật giáo con đem về cho mẹ, mẹ cũng hay đọc nhưng chỉ đọc được buổi tối thôi, mà mắt cũng yếu, đọc một chút đã mỏi, hay tải luôn kinh Phật về điện thoại để mẹ nghe. Lúc nào cũng nghe được cả.

Và thế là trong điện thoại của mẹ lúc thì ngân nga tiếng hát Thu Hiền với Giận mà thương, Hoa cau vườn trầu, Ai ra xứ Huế, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm,… Lúc là giọng trầm ấm của chú đọc truyện Đường xưa mây trắng, mẹ bảo chú này đọc hay và diễn cảm lắm. Lúc lại đều đều giọng tụng kinh của các nhà sư.

Mẹ bảo, cuộc đời của mẹ có nhiều nhiều lắm nỗi khổ, thời trẻ cứ nghĩ rằng khó mà sống được. Tới tận bây giờ vẫn còn nhiều cái khổ, cứ mãi hỏi rằng: tại sao ta tốt với người, người cứ mãi làm khổ ta, tệ bạc với ta. Cứ suy nghĩ thế và lòng thấy buồn lắm, nặng trĩu. Nhưng nghe Phật dạy nhiều mới hiểu rằng mọi thứ đều có duyên cả. Nếu không phải từ kiếp này, có nghĩa là ta nợ họ từ kiếp trước, nghĩ vậy lòng thanh thản hơn nhiều, không còn trách móc, giận hờn nữa.

Mẹ bảo:

- Đâu phải nghe một lần là hiểu được ngay đâu, phải nghe nhiều lần con ạ! Tụi con còn trẻ nhưng phải tập nghe đi để sống tốt hơn, để tìm được cái thanh thản, vui tươi của tâm hồn.

Mẹ bảo từ ngày nghe Phật, thấy người khỏe khoắn hơn, vui tươi hơn, ít đau bệnh hơn. Và mẹ truyền điều đó cho mọi người mẹ gặp.

Dì cả năm nay cũng có nhiều chuyện buồn, lại thêm chứng đau nửa đầu hành hạ. Tuy ở xa, nhưng dì hay gọi cho mẹ lắm, chị em tâm sự vơi đi nỗi lòng. Nhưng mẹ đâu chỉ muốn dì vơi đi, mẹ cũng muốn dì được thanh thản giống mẹ. Thế là mẹ nhờ anh trai tôi mua một chiếc điện thoại có thẻ nhớ và tải sẵn kinh Phật rồi gửi về cho dì.

Lần vừa rồi gọi về thăm dì, hỏi dì thế nào rồi. Dì cười bảo:

- Dì khỏe rồi, may mà có mẹ chúng mày, không thì dì chết mất. Bây giờ dì không suy nghĩ nhiều nữa, tập sống cho vui tươi và thanh thản, cứ sống tốt, sống vui, tội gì phải sống khổ sống sở con nhỉ?

Nghe dì nói, mừng cho dì, mừng cho mẹ. Đạo Phật hay những lời Phật dạy đúng là có cái lợi ích khó mà nghĩ bàn.

Thế là với chiếc điện thoại mẹ gần hơn với chúng tôi và cũng với chiếc điện thoại ấy mẹ gần hơn với Phật. Trong lòng mỗi chúng tôi mẹ luôn là một vị Phật. Một vị Phật nhân từ, hiền hậu và đẹp hơn hết thảy. Tôi mừng khi những lần về thăm, thấy mẹ dường như trẻ ra, nét mặt tỏa rạng niềm vui, sự thanh thản, hạnh phúc.

Tỉnh Thức (ngocanhst88@gmail.com)

Lời trái tim là tiểu mục dành cho bạn bày tỏ, tâm tình, viết những lời yêu thương lẫn những lời xin lỗi, sám hối dành cho cha, mẹ của mình trong mùa Vu lan này. Nói lời yêu thương và xin lỗi không bao giờ là muộn màng, nhất là đối với con cái dành cho cha mẹ của mình.

Giác Ngộ Online làm nhịp cầu ấy, để những lời từ trái tim của bạn đến được trái tim của ba mẹ mình như một món quà tinh thần vô giá dành tặng hai đấng sinh thành nhân mùa Vu lan.

Bài vở cộng tác vui lòng gửi về e-mail: phatgiaovatuoitre@gmail.com. Bài được chọn đăng sẽ chấm nhuận bút theo quy định của tòa soạn.

GNO


Nguon:  http://giacngo.vn/phatgiaotuoitre/doisongquanhta/2012/08/17/1FC659/ 

Các tin đã đăng:
Về đầu trang