Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Chuyện cái máy ảnh
Thích Giác Tâm
19/02/2011 17:03 (GMT+7)

 Nhưng thưa Thầy con không từ bỏ ước mơ của con, con sẽ làm lại từ đầu, con chỉ mong sao khi con từ giã cõi đời mọi người biết rằng trần gian này có một con bé mê nghề trang điểm như thế, và nó đã đạt được ước mơ của nó “.

Chuyện xảy ra mỗi ngày trên trái đất : Vui buồn, vinh nhục, khổ đau, hạnh phúc, sinh tử…….có lẽ hàng triệu chuyện. Trong một ngôi chùa cũng đã lắm chuyện xảy ra. Vừa mới xảy ra chuyện cây bông giấy, thì ngày hôm nay lại xảy ra chuyện cái máy ảnh, thôi thì cứ ghi lại trên giấy trắng mực đen, để mình nhìn lại, và luôn tiện nhắc con cháu, nhắc phật tử mình.

Bởi chùa đã có nhiều người biết, nên thỉnh thoảng khách thập phương lui tới, đủ giai tầng trong xã hội, lâu lâu thì có cô dâu chú rể đến xin chụp ảnh cho ngày cưới. Vui nhất trong kiếp làm người là ngày cưới, nên tôi cũng rất hoan hỷ cho tân lang và tân giai nhân ( đôi vợ chồng trẻ). Tôi không có tiếp xúc, cứ để cho họ tự nhiên quây phim chụp ảnh kỷ niệm rồi đi. Hai giờ chiều nay thì có trên mười người trẻ, có người ăn mặc kiểu cô dâu, có người ăn mặc khăn đóng áo dài xanh kiểu chú rể vào chùa xin đuợc chụp ảnh, như mọi khi tôi hoan hỷ, rồi phần việc ai nấy làm, tôi lại đi cúng. Một số tỉnh thành Phật Giáo Việt Nam hiện nay nếu không đi cúng không biết phải làm sao để quần chúng tin Phật, do vậy  ứng phó đạo tràng là công tác phật sự không thể thiếu, có chùa có thầy đi cúng quanh năm, cúng nhiều thì thuần thục giỏi ra, và thuờng thì ta giỏi về cái gì gì thì nói về cái nấy, do vậy thỉnh thoảng trong đám cúng, khi chưa tới giờ cúng thì các vị thầy Tỳ Kheo trẻ tuổi đàm luận với nhau rất sôi nổi, đề tài đem ra bàn đến là chuyện đi cúng, thầy này cúng hay, thầy kia cúng giỏi, sư chú kia roi đẩu cứng đó chớ ! (Cứng đây cũng như người  đánh đàn giỏi hay thổi sáo giỏi. Đẩu còn gọi là cái tan, cái tán tuỳ theo vùng miền, tròn như cái đĩa nhỏ bằng đồng, gõ bằng chiếc đũa hoặc  cật tre vót mỏng có đầu gõ bằng mắc tre, nói tóm lại là một loại nhạc cụ , một pháp khí trong bộ pháp khí, tán, linh, chuông, mõ…. của nhà Phật dùng để tán tụng khi cúng Phật, cúng Tổ, cúng linh, cúng cô hồn…). Thời Đức Phật tại thế không có những pháp khí loại này, chỉ mới có sau này khi thời kỳ bộ phái phát triển, phật giáo truyền qua Trung Hoa mới có. Tinh yếu của đạo Phật là những phương pháp diệt khổ, là thiền quán, là phản quang tự tỉnh, là sám hối, tụng kinh…. nhìn lại niềm đau nỗi khổ của mình từ đâu đến, và phải chuyển hoá niềm đau nỗi khổ đó bằng phương cách nào qua nhiều cách mà đức Thế Tôn đã chỉ dạy lại trong kinh điển, Tứ Diệu Đế là một trong những giáo lý căn bản để diệt khổ của đạo Phật.

 Khoảng năm giờ chiều thì tôi cúng xong về, mấy sư chú đệ tử trình báo lại rằng :” khi Sư phụ đi rồi chúng con tiếp khách, mấy anh chị lúc nảy xin chụp ảnh để gởi dự thi duyên dáng áo dài Việt Nam, chụp năm mười kiểu ảnh rồi thì xin vô phòng tắm tập thể chùa thay áo, thay xong quên mất, bỏ máy ảnh trong phòng tắm, 10 phút sau sực nhớ vô tìm thì chiếc máy ảnh đã không còn nữa. Chùa đang thi công, thợ, phụ làm rất đông, có cả mấy em ở trên xóm xuống chơi nữa không biết ai đã lấy mất. Máy ảnh chị trưởng nhóm mượn của một người bạn, chị đã xỉu lên xỉu xuống, vì mất máy ảnh, vì mất tư liệu trong thẻ nhớ. “À thì ra là thế, chứ không phải cô dâu chú rể chụp ảnh đám cưới “ tôi buột miệng thốt lên .

Trong đời, tôi đã nhiều lần mất, có lần mất một chiếc xe Hon Da trong ngày 30 tết, tôi quán chiếu về vô thường rất nhiều sau khi mất, nhưng rồi những ngày tết năm đó không vui chút nào. Tôi đã trải nghiệm qua rồi nên tôi hiểu được niềm đau  nỗi khổ của những người mất của, cứ mỗi lần tự thân bị mất trộm hoặc chứng kiến cảnh mất cắp mất trộm, tôi thương Phật vô cùng, Đức Thế Tôn biết được chúng sinh rất đau khổ mỗi khi bị mất cắp nên Ngài đã đưa giới không trộm cắp lên hàng thứ hai trong năm giới, giới thứ nhất không sát sinh…….

Qua tìm hiểu với những người bạn cùng đi, tôi được biết về em đôi chút: Em tên Trần Anh Thuỳ, sinh năm 1990 tuổi canh ngọ, sinh tại Kon Tum và cũng đang làm việc tại Kon Tum. Buổi sáng giúp mẹ làm tại nhà máy nước Cửu Long Kon Tum, buổi tối làm thuê trang điểm cô dâu cho một tiệm ở phố Kon Tum. Em mới có hai muơi mốt tuổi thôi, nhưng khi gặp em tôi cứ ngỡ 24-25, hơi già trước tuổi, dáng người cao thanh lịch, gương mặt thanh tú dễ nhìn, có giọng nói dễ cảm tình. Trong cuộc đời, trong xã hội hôm nay, người gặp người như xem hoạt cảnh trong phim, dễ gì ai nhớ ai, trừ khi người đó quá nổi tiếng. Gặp một ngưòi trong xã hội đông đúc như bầy kiến này lần đầu mà cảm tình, mà có ý muốn giúp thì ta biết được người đó ít nhiều gì cũng có đuợc phước báo nhất định. Cũng có người ta vừa thấy mặt là ghét liền. Thương ghét trong cõi người ta này vốn thế, nên mới có nhiều chuyện để nói, để bàn, để gẫm suy.

Rải rác đây đó trong kinh Phật, ta thấy Đức Thế Tôn rất quan tâm  người nữ, dạy dỗ đệ tử mình rất chu đáo tận tuỵ, ai đã từng học luật Tỳ Kheo Ni sớ giải cũng đã thấy được chuyện đó. Đức Phật dạy ngưòi nữ không cần phấn son loè lẹt, không cần trang điểm  gì hết, cái đẹp đích thực là  người nữ phải biết tu tập, Quy y Tam Bảo, giữ năm giới cấm. Giữ năm giới cấm là tự nhiên đẹp liền.

1- Không sát sinh nên Tâm luôn biểu lộ từ bi, mặt mà mà từ bi thì đẹp biết mấy so với gương mặt dữ dằn, bà la sát

2- Không trộm cắp thì cũng chính là từ bi, thương người không muốn họ khổ đau làm sao ăn cắp tài sản của họ được.

3- Khi chưa có chồng thì không yêu thương bừa bãi, không đắm mình vào những thú vui trần luỵ khổ đau. Có chồng rồi thì đoan chính tiết hạnh với chồng. Tâm người nữ mà không si mê, luỵ tình thì gương mặt sao  không toả sáng được.

4-  Không nói dối thì được người tin yêu, không lừa gạt nên tâm luôn chính trực, những người đàn bà phụ nữ quý phái luôn có đời sống thẳng ngay không bao giờ gạt chồng. Không gạt chồng, gạt người yêu thì tâm an lạc, không biết quanh co, do vậy tiếng cười trong trẻo, tươi dòn.

5- Không uống rượu, và các chất say sưa, thì càng làm cho người nữ đẹp. Bởi thường uống rượu, uống bia  thì nữ tính không còn, luôn ồn ào trong mọi nhóm, mọi nơi. Xông xáo như một hảo hán giữa chiến trường, nữ tính không còn thì còn chỗ nào đẹp nữa, còn gì để nói nữa.

Hiện Thuỳ đang nằm dưỡng bệnh tại bệnh viện Kon tum, nguyên nhân là vì sau khi sự việc xảy ra, đột ngột bất ngờ quá ( không nghĩ được là nó đã xảy ra như chớp) Thuỳ đã choáng, xỉu. Bởi máy ảnh thì mượn của bạn, quần áo cô dâu chú rể, áo dài khăn đóng,  áo này quần nọ là thuê ở một tiệm cho thuê đồ cưới, cũng hơi nhiều tiền,  ước mong của Thuỳ là có được những ảnh đẹp để gởi dự thi nơi này nơi khác, để xin việc làm tốt hơn. Thuỳ mong muốn có được một số tiền do tự tay mình kiếm ra để mở một cái tiệm trang điểm cô dâu, để vừa giúp mẹ nuôi em, và chỉ bày lại cho bạn bè thất nghiệp cùng hoàn cảnh khổ như mình. ước mơ cũng nhỏ bé thôi, nhưng rồi xôi hỏng bỏng không, mèo lại hoàn mèo. Những tấm ảnh với những bộ trang phục đắc tiền thuê mướn đã không thành hiện thực, vẫn còn nằm trong những giấc mơ, giấc mơ của cô bé bán sữa trong truyện ngụ ngôn của La Fontaine . “ Tôi vừa mới nhận điện thoại của Thuỳ: ” Thầy ơi , con nằm mơ con thấy con qua đời. Con lo quá làm sao con có được cái máy ảnh để trả lại cho bạn con”. Học chỉ hết lớp12 thôi, nhưng Thuỳ lại có vốn luyến văn học tốt, Thuỳ đã bộc lộ ước mơ của mình cho tôi nghe với lời lẽ  rất cá tính, rất tự tin: ”Thầy ơi ! Con còn ba cũng như không còn, vì ba con đã có cuộc sống khác. Con có ước mơ từ nhỏ: rằng con phải làm đẹp cho giới phụ nữ con, bởi họ qua nhiều thiệt thòi. Con dành dụm ba năm mới thực hiện được một album ảnh, con đi rất nhiều nơi và chụp ảnh rất nhiều, chỉ mong sao ảnh con được đăng báo, con được các tạp chí lớn biết, và con có cơ hội làm ra tiền để giúp mẹ  giúp em ăn học, và con mở được một tiệm trang điểm cô dâu, con làm chủ, không đi làm thuê làm mướn cho ai hết. Con vừa làm vừa chỉ lại cho những người bạn con, những người cùng sở thích như con, mà không có cơ hội . nhưng con đã mất tất cả tư liệu Thầy ơi ! Ảnh hình con, con đi khắp nơi khắp chỗ, gian khổ vô cùng mới chụp được, tất cả đã nằm trong thẻ nhớ ( memory card ) bây giờ không còn nữa. Nhưng thưa Thầy con không từ bỏ ước mơ của con, con sẽ làm lại từ đầu, con chỉ mong sao khi con từ giã cõi đời mọi người biết rằng trần gian này có một con bé mê nghề trang điểm như thế, và nó đã đạt được ước mơ của nó “.

 

Pleiku, tháng 02 năm Canh Dần.

Thích Giác Tâm

Các tin đã đăng:
Về đầu trang