Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Bất ngờ cuộc sống quanh ta: Những câu kệ trong lòng chuông
03/07/2011 20:04 (GMT+7)


Người khảo cổ chỉ nhìn bề ngoài của chiếc chuông; họ tìm đọc những chữ Hán ghi niên đại năm đúc chuông hoặc có bài kệ nào khắc trên đó. Chúng tôi thì chui vào bên trong chuông để đọc những bài kệ mang đậm mùi vị tình yêu. Các bài kệ này rất ngắn, có khi hai câu, có khi chỉ ba, bốn chữ, dưới ký hai cái tên quấn quít vào nhau kèm theo ngày tháng. Có câu viết bằng phấn trắng hoặc bằng bút lông Nhật Bản. Có kẻ sâu sắc, cẩn thận hơn, đã mang theo sơn để viết mong rằng hàng chữ kỷ niệm sống lâu bền hơn. Tỉ mẩn đọc những dòng ghi ngày tháng đó bỗng không tránh khỏi giật mình. Có những ngày tháng rất mới nhưng cũng có những dòng ngày tháng rất đỗi xa xưa, ghi cách đây có đến ba, bốn chục năm. Nếu còn sống cho đến bây giờ, tác giả những câu “kệ” dễ cũng đã trở thành ông, thành bà, nếu họ may mắn lấy được nhau. Bởi vì... không hiếm gì những cặp nhân tình chui vào lòng chuông để ghi lại kỷ niệm dù kỷ niệm có quá đau buồn. Chen trong những câu thơ tình yêu của Xuân Diệu, Huy Cận mà họ viết hoặc khắc lên lòng chuông,có những câu “kệ” tự họ sáng tác rồi ký tên, chẳng hạn như: đừng quên nhau, yêu em suốt đời, muôn kiếp không rời, nhớ mãi hôm nay... và những cái tên hoặc rõ ràng danh tánh hoặc chỉ hai chữ viết tắt quấn vào nhau. Tôi đã đọc thấy những câu kệ tội nghiệp ghi lại trong chuông, những câu đầy thất vọng như chờ kiếp sau hay chết vẫn không quên... trước mắt tôi như hiện ra cảnh anh chị đang ôm nhau, tràn trề nước mắt, tay lần mò sờ lên hàng chữ chờ kiếp sau, chắc lần này là lần cuối cùng họ đưa nhau đến đây, ngày mai họ sẽ không còn thấy nhau nữa vì tình duyên dang dở. Lạy Phật, mong rằng họ không trầm mình dưới chân cầu Bạch Hổ đã có lắm bóng ma. Lịch sử lãng mạn của Huế há đã chẳng từng truyền tụng chuyện các cô thất tình mượn cầu Bạch Hổ, dòng nước sông Hương để trầm mình đó sao. Ngày xưa, thi sĩ Thúc Tề từng đã viết :


Dịp cầu Bạch Hổ mấy bóng ma 


Biến mất vì nghe giục tiếng gà...


Hình như dòng sông, tiếng chuông, và những chuyện tình thơ mộng hoặc đau buồn vốn gắn kết với nhau, nên có nhà thơ đã viết:


Sông Hương


Sông của người con gái


Trốn mẹ theo tình


Đêm ra đi còn muốn nghe


                                  lần chót


Tiếng chuông chùa Linh Mụ


                         trỗi buồn tênh 


Rồi mang  tiếng chuông 


Theo những ngày lưu lạc 


Gậm nhớ thương


        sống cho hết đời mình...


Có lần tôi gặp ở chùa Linh Mụ một ông già, người phương phi, da mặt hồng hào nhưng tóc đã bạc phơ. Có vẻ ông chưa từng biết bo bo và khoai mì là gì vì trông dáng dấp ông có vẻ béo tốt khoẻ mạnh, hẳn là người nước ngoài về thăm quê hương. Ông trèo lên bậc tam cấp của chùa, đứng thở một lát rồi xăm xăm đi về phía nhà chuông. Ông nhìn trước, nhìn sau, không thấy ai nên thoắt một cái, lẹ làng như một tên đạo chích lành nghề,ông đã chui tọt vào lòng chiếc chuông. Tôi tò mò canh chừng thử xem ông làm gì trong đó. Mãi đến mười lăm phút sau mới thấy ông chui ra, mặt mày hớn hở, phong thái có bề hưng phấn rõ ràng. Tôi chợt hiểu và cười thầm một mình. Đúng là ông lão đầu bạc từ nước ngoài về, đã chui vào trong lòng chuông để tìm lại câu “kệ” mà ông và người yêu đã ghi khắc năm xưa. Có lẽ ông đã tìm được nên trông ông mới hớn hở như vậy. Có lẽ lòng chuông vẫn mang bút tích của ông bao năm nay, chưa phai mờ, có thể bên tên ông là tên vợ ông hoặc người tình đầu tiên, một Tôn nữ nào đó mà ông không lấy được. Tự nhiên tôi bỗng thấy cảm tình với ông, muốn làm quen để chuyện trò. Nhưng, chậm mất rồi, ông đã xuống hết bậc thềm của cổng chùa, đang ngồi lên chiếc xe ôm phóng về thành phố.

Thôi, thế cũng được. Hãy để yên cho ông hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc thầm kín sau bao nhiêu năm còn tìm lại được dấu xưa, khỏi phải chia sẻ cùng ai.

Tô Kiều Ngân (Theo Kiến Thức Ngày Nay 568)


Nguon: http://kienthucngaynay.info/am/modules.php?name=News&file=article&sid=1115

Các tin đã đăng:
Về đầu trang