Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Một ngày hay nhiều ngày
Truyện ngắn của Đông Nguyên
04/07/2011 09:38 (GMT+7)


Nó đi vào toilet. Nhìn mình trong gương, chưa bao giờ nó thấy hình nhân của mình nhạt nhòa như bây giờ. Nó khóc như chưa bao giờ được khóc. Nó khổ đau như chưa bao giờ bị khổ đau. Nước mắt giọt ngắn giọt dài như chưa từng. Nước mắt chảy tràn trong mắt làm nhòe gương. Từ nhỏ tới giờ mắt nó chưa bao giờ nhòe đục như thế. Mỗi khi nhìn là nó nhìn rất thẳng, rất rõ, rất trong. Cái nhìn bây giờ mờ đục, không còn trong veo nữa. Mọi thứ như tối sầm lại. Có lúc nấc lên nó không còn nhìn thấy gì ngoài màu đen u ám.


Tình huynh đệ đồng tu - Ảnh: langmai.org

Thuở bé nó rất yêu văn chương. Nó rất yêu cái đẹp. Nó rất yêu mùa xuân. Có khi ý niệm về thời gian không có trong đầu của nó. Cứ mỗi độ nghe tiếng chim ca ríu rít, râm rang một góc chùa; cứ thấy từng đàn từng đàn chim di trú giăng giăng khắp nơi; cứ thấy thủy tiên, tu líp, cúc dại nghe hơi ấm đất trời thì chui lên khỏi mặt đất, chúm chím cười nụ; cứ thấy hoa mận, hoa ngọc lan nở bung thì nó biết xuân đang về. Từ tiếng chim ca, từ cánh hoa nở, từ ngọn cỏ réo rắt dưới nắng mai, nó biết một ngày đang bắt đầu. 

Xuân về, nó biết là một năm đang bắt đầu. Nó nghe tiếng ai thủ thỉ bên tai “một năm bắt đầu từ mùa xuân - đời người bắt đầu từ tuổi trẻ“. Một năm đang bắt đầu, có lẽ nào tuổi trẻ của nó tạm ngừng tại đây? Có lẽ nào đây là mùa xuân cuối cùng không ước hẹn của nó?

Dưới gốc táo trắng bum những hoa là hoa, nó không còn biết gì ngoài tiếng nhịp tim thổn thức từng hồi. Nó không tin đây là sự thật. Phải chăng có sự nhầm lẫn nào đó? Phải chăng mọi người đã nhầm lẫn kể cả cái ông bác sĩ kia? Không thể thế được nó thấy trong người nó bình thường mà. Nó buồn. Nó khóc từ sáng hôm qua, từ khi nó tình cờ- sự tình cờ lắm lúc phủ phàng như thế. Các sư chị của nó chỉ lặng im. Nó còn im lặng hơn nữa bởi nó chỉ biết khóc.

Đã lâu rồi nó bị mất ngủ. Dù nằm nhắm mắt để đó, buông thư đặt tay lên bụng theo dõi nhịp thở, nó vẫn không tài nào chợp mắt. Nhiều đêm như thế. Chả bù cho những ngày mới vào chùa, cứ tới giờ thiền buông thư, nó cầm tấm chăn mỏng đắp lên người, nhẹ nhàng đặt lưng xuống sàn thiền đường, thở vào thở ra chưa đầy mười hơi thở, buông thư chưa tới phần bụng là nó đã “thả một bè lau", rơi vào trạng thái “ngủ thiền" tịch tĩnh tuyệt đối suốt một giờ đồng hồ mầu nhiệm. Nó xin tham vấn ở thầy. Thầy chỉ cười hiền và bảo: "Không sao đâu con. Con đang tuổi ăn tuổi lớn mà". Bây giờ thì kỳ lạ chưa, thở mãi, buông thư mãi mà nó vẫn tỉnh bơ mặc dù ít lo lắng, ít vọng tưởng, ít suy nghĩ vu vơ.


Tăng thân ở trong tim - Ảnh: langmai.org

Nó thường bị mệt, hụt hơi, thấy nhói ở bên phải bụng. Đau ruột thừa à? Chắc không, vì ruột thừa của nó đã bị cắt từ hồi nhỏ mất tiêu rồi. Đau dạ dày à? Chắc không vì nó đâu có lo nghĩ gì nhiều đâu. Hệ tiêu hóa của nó vẫn tốt mà. Thật ra có gì để dạ dày làm việc nhiều đâu. Biếng ăn. Tất cả là do cái miệng không muốn ăn. Đến bữa khất thực nó chỉ lấy một tẹo cơm, một tẹo thức ăn cho có lệ, cho có cái để thực tập tiếp xúc trực tiếp thức ăn. 

Nó vẫn ngồi cho đến hết buổi ăn của đại chúng. Biếng ăn, mất ngủ, hơi đau ở bụng, nó nghĩ, có lẽ nó cần nghỉ ngơi. Việc học hành của nó cũng bị chểnh mảng. Tình trạng kéo dài hơn ba tháng nay, đến một ngày, nó ngất lịm trong khi đại chúng đang hát thiền ca trước giờ chấp tác. Nó ngã khụy xuống trong cảm giác muốn ngủ. Các chị đưa nó vào trong. Mọi người tưởng nó bị trúng gió, cái bệnh phổ thông ở chùa nó. 

Sư chị Nguyên Bảo làm nước muối, chanh, đường cho nó uống. Một chị khác cắt gừng thành từng lát dày để xoa lên tay, lên chân cho nó. Xoa tới đâu da thịt của nó đỏ nhừ tới đó. Sau mười phút nó mở mắt lim dim.

“Tỉnh rồi! Hay quá! Không sao đâu em, chị sẽ xoa gừng thêm cho em. Chị Nguyên Xuân đang nấu cháo cho em. Trưa nay em đừng ăn cơm mà ăn cháo cảm cho mau khỏe nghen!", giọng sư chị trìu mến, thương yêu như người mẹ hiền.

“Dạ!“ - Nó ngoan ngoãn, lí nhí thưa.

Sau lần đó, nó tưởng không có chi. Khoảng một tuần sau nó lại bị ngất trong khi đang lau bàn ăn. Các chị có vẻ hơi lo lắng vì cạo gió, xoa dầu mãi mà nó không chịu mở mắt ra.

“Sao vậy ta? Có bao giờ bé Nguyên nó yếu như vầy đâu? Hay mình đưa em nó tới nhà thương xem sao. Mình đâu phải là bác sĩ đâu mà biết em nó bị bệnh gì?“- chị Nguyên Bảo bàn tính với chị Nguyên Tâm.

“Ừ! Thôi mau lên, nhờ chú Sơn chuẩn bị xe đi, chị em mình sẽ đưa em nó đi“. Không đợi chị Nguyên Tâm trả lời, chị Nguyên Bảo quyết đoán trong tích tắc.

Từ chùa tới nhà thương mất ba mươi phút mà nay chú Sơn đi chỉ có hai mươi phút. May là dọc đường không bị bắn tốc độ. Chị Nguyên Bảo xuống xe trước, chạy vào báo cho y tá biết. Sau năm phút, chị trở ra cùng hai cô điều dưỡng khiêng theo chiếc băng ca. Chú Sơn đi gởi xe, chị Nguyên Bảo và chị Nguyên Tâm cùng hai cô điều dưỡng đưa nó vào khoa cấp cứu. Mọi thao tác được tiến hành nhanh, gọn. Đây là bệnh viện tuyến thành phố nên trình độ tay nghề của đội ngũ bác sĩ cũng đáng tin cậy lắm. Vừa sơ cứu bác sĩ vừa hỏi tình trạng của bệnh nhân. Chị Nguyên Tâm kể lại những gì vừa xẩy ra cách đây một giờ. Bác sĩ tiếp tục đo huyết áp, đo điện tâm đồ. “Phước chủ may thầy“ hay sao mà nó tỉnh lại.

“Mô Phật, em tôi tỉnh lại rồi“- chị Nguyên Tâm không giấu nổi mừng vui.

“Em không sao đâu chị“- nó vừa nói vừa cười, cái cười méo xẹo, cho các chị đỡ lo.

“May phước chưa, em mở mắt là chị thấy nhẹ lòng“- chị Nguyên Bảo xuýt xoa.

“Quý sư cứ yên tâm, chúng tôi sẽ xét nghiệm máu cùng một số kiểm tra lâm sàng cần thiết để biết rõ nguyên nhân“- vừa lấy dụng cụ ra bác sĩ vừa nói.

Nó không thấy sợ kim tiêm, chiếc áo blouse trắng. Vì hồi nhỏ, không tính lúc vừa sinh ra, nó đã vào ra bệnh viện ba lần bốn lượt rồi còn chi. Lúc năm tuổi, nó được vào bệnh viện, ba má nó tưởng lần này nó sẽ đi luôn. Nó bị đau ruột thừa cấp tính. Phát hiện trễ, bụng nó phình to như bụng con cá óc nóc đầy hơi. Người nó ốm nhom, xanh xám. Mắt nó thâm quầng. Trong cơn mê mang nó nghe loáng thoáng “chúng tôi sẽ mổ để cắt ruột thừa cho bé. Hi vọng là còn cứu kịp. Chúng tôi sẽ làm hết sức nhưng gia đình cũng nên chuẩn bị tâm lý sẵn nếu lỡ...". 

Anh hai nó tức tốc về nhà may gấp cho nó ba bộ quần áo mới. Đáng lẽ bộ đồ mới này nó được mặc khi cái ruột thừa khốn khổ kia bị bể ra và khi thở ra nó không còn thở vào được nữa. Hú hồn, thần chết bĩu môi, lắc đầu, đem cất cái lưỡi hái đi. Cả nhà nó thở phào nhẹ nhõm. Bác sĩ bảo nó nằm viện thêm hai tháng nữa để được theo dõi kỹ càng rồi mới được về nhà. Những tưởng đây là cửa tử duy nhất mà nó đã thoát.

Năm chín tuổi thêm một lần nữa, nó bị thương hàn cũng thập tử nhất sinh. Ông bà còn để dành phước đức, nó tai qua nạn khỏi.

Tác giả của truyện này là Sư cô Chân Chuyên Nghiêm (bút danh Đông Nguyên - ảnhđang tu học và làm việc tại Đức. 


Sư cô cho biết, để theo dõi Phật sự ở quê nhà cô thường vàoGiác Ngộ Online để xem.

 Giác Ngộ Online

Từ nhỏ tới lớn, mỗi lẫn nó bệnh thì má của nó vừa là bác sĩ vừa là điều dưỡng chăm sóc đặc biệt cho nó. Mỗi viên thuốc, muỗng cháo đều từ tay má nó. Tuy không phải là bác sĩ, điều dưỡng chuyên nghiệp nhưng má nó làm những việc này rất thuần thục. 

Khi làm việc bằng tình thương thì việc đang làm như bản năng vốn có của người đang làm. Có lẽ, tình thương sẵn đầy của thiên chức người mẹ đã cho má nó khả năng có thể làm bất cứ việc gì để cho nó mau khỏi bệnh. Hằng ngày má nó chỉ biết ruộng vườn, chỉ biết cày sâu cuốc bẩm. 

Thoát chết hai lần, thầy bói bảo là nó sẽ sống dai lắm. Nó nhớ lời ông thầy bói năm xưa nên nó có phần bình tĩnh hơn. Thầy nó hay dạy, sinh lão bệnh tử là bốn cái mà người đời cần trải qua. Bác sĩ đưa kim tiêm vào mạch máu rút ra năm mươi cc máu từ tay trái của nó. Hai sư chị ngồi bên, cầm chặt tay còn lại của nó, an ủi “đừng sợ nhge em, có hai chị ở đây nè!“. Hồi ở nhà mỗi lần bị bệnh má nó luôn bên cạnh nó, bây giờ ở chùa, mỗi khi bị bệnh các sư chị luôn có mặt cho nó. Nhìn hai chị, nó cười nhẹ.

Trước khi ra khỏi phòng, bác sĩ dặn dò “ngày mai tôi sẽ đưa kết quả xét nghiệm cho người thân bệnh nhân, sư cứ nghỉ ngơi cho khỏe. Nếu có thắc mắc gì hay bệnh nhân có biểu hiện gì bất thường thì các sư cứ hỏi cô Hoa điều dưỡng, cô ấy sẽ giúp cho".

Ngoài kia, nắng vàng giòn, rọi vào cửa sổ phòng bệnh. Xa xa, cây hoa anh đào đang ve vẩy với gió mát. Có nắng, hoa trở nên nhuận sắc hơn. Cây hoa này đẹp nhưng cái đẹp nó khác với cây hoa anh đào cạnh nhà ăn ở chùa nó. Nhìn những chùm hoa phớt hồng, nó nhìn hai chị nó.

“Ba chị em mình cũng còn trẻ như cây anh đào ngoài kia chị nhỉ?“

“Ừ, mình còn trẻ, tuổi mình còn dài lắm. Chị em mình sẽ sống lâu bên nhau như mùa xuân mỗi năm đều có đó“- chị Nguyên Bảo hài hước.

"Lộn rồi, mỗi ngày mình còn đang trẻ và đang sống chứ. Tin vui bữa nay là em đã tỉnh lại. Tin vui bữa nay là em vẫn còn sống bên các chị“- chị Nguyên Tâm đính chính.

“Chị sẽ gọi về chùa nhờ chị Nguyên Tín xay sữa đậu nành lá dứa thiệt là ngon để ăn mừng sự sống của em nha“- chị Nguyên Bảo dỗ ngọt nó.

Nó “dạ“ một cách ngoan hiền.

Qua ô cửa sổ, nó thấy cỏ cây hoa lá như mời mọc nó ra chơi. Nó nhớ câu thư pháp của thầy nó “sư chị ơi, ngoài kia trời đẹp lắm“ đang treo ở hậu liêu. Sau khóa an cư, trước khi đi dạy xa, thầy nó để lại câu thư pháp này như một bài tập để các chị em nó ở nhà quán chiếu, thực tập. Đầu óc non nớt của một tân thức xoa ma na, nó nghĩ “chắc thầy muốn dặn dò mình ở nhà lo tu học, đừng mãi cột chặt mình vào con bò kia mà hãy tiếp xúc với thiên nhiên, tận hưởng thiên nhiên, đừng để mùa xuân lặng lẽ đi qua trong công việc, trong lãng quên. Các con hãy thưởng thức mùa xuân cho thầy".


Đã về, đã tới...

Xuân năm nay có vẻ muộn hơn mọi năm. Mùa đông thiệt là dài. Khí lạnh giữ chặt mấy củ hoa thủy tiên ngủ yên dưới lớp đất dày. Giữa tháng tư rồi mà thưa thớt có vài buổi nắng ấm. Buổi sáng, mặt trời bẽn lẽn núp sau dãy núi, tới mười hai giờ trưa mới dám vươn ra trãi nắng lên đầu cây ngọn cỏ. Nắng ấm, vạn vật chuyển mình sinh động. Rặng cây nâu xám, có vẻ khô khan đã bắt đầu lấm tấm xanh. Những chiếc chồi cứng ngắc cũng nhoẻn miệng cười, bung ra từ từ. 

Nắng ấm, hoa nở. Vườn táo bên hông chùa trắng xóa. Trước đại sảnh, cây ngọc lan mạnh mẽ vươn những cánh hồng đón nắng mới. Hoa cỏ dại từ dưới đất nhô lên như  tuôn ra tự mạch nguồn đất trời.

Thiên nhiên vô thường. Nó cũng vô thường. Nó không nghĩ ngày vô lại bệnh viện của nó lại sớm như vậy. Nó mới có hai mươi tuổi thôi. Thầy hay dạy hoài bài học vô thường nhưng nó chỉ áp dụng được tí chút. Đây là cơ hội để nó thấy rõ hơn, cảm rõ hơn cái quy luật vốn có này.

Một ngày ở bệnh viện nhanh như bóng mây trôi qua cửa sổ.

(Còn tiếp một kỳ)

Truyện ngắn của Đông Nguyên 


Nguon: http://giacngo.vn/vanhoc/2011/06/27/776201/

Các tin đã đăng:
Về đầu trang