Mục đích của Thiền là đạt ngộ chân tâm, cho nên ngôn ngữ
của Thiền không phải là ngôn ngữ mà chúng ta thường sử dụng, nó là những
phương tiện để đập vỡ vỏ bọc cuộc đời, là những nhát búa chém giữa hư
không mà rúng động cả đất trời.
Một cánh tay rớt xuống vô tình
của Ngài Huệ Khả chỉ là lời nói bình thường như bao nhiêu anh hùng chí
sĩ, nhưng một lời “điểm huyệt” của Bồ Đề Đạt Ma còn vang vọng ngàn thu.
Lời nói của Bồ Đề Đạt Ma đã điểm trúng chân tâm của Ngài Huệ Khả, lời
nói mà đời sau không ai có thể nói lời tương tự.
Mỗi đối tượng,
mỗi hoàn cảnh thì có một công án Thiền thích hợp, và ngược lại, một công
án Thiền chỉ khai mở cho đúng căn cơ và hoàn cảnh. Những công án mà
ngày xưa các Tổ sư đã từng dùng nó để khai ngộ cho các đệ tử nhưng đối
với những người có căn cơ khác thì dù nói đến ngàn lần cũng không có tác
dụng gì.
Bởi vậy, ngôn ngữ Thiền là làn sóng giao cảm giữa người
truyền và người nhận, là ngôn ngữ mà người không cùng tần số thì không
thể hiểu, không thể cảm nhận được. Như bao nhiêu người đã từng đọc tụng
đến câu “Ưng vô sở trú nhi sanh kỳ tâm”, vậy tại sao chỉ có một mình
Ngài Huệ Năng chứng ngộ bởi câu này? Cái “Vô sở trú” trong lời kinh đã
tương thích với “Vô sở trú” trong tâm của Ngài Huệ Năng, chính lời kinh
đã khơi dậy bản tánh “vô sở trú” vậy.
Lại nữa, ngôn ngữ Thiền
không phải là “văn tự”. Văn tự” ở đây là chỉ cho những khái niệm ngôn
ngữ của thế gian, là những quy định trong giới hạn con người. Ngôn ngữ
của thế gian là phương tiện truyền tâm. Vậy ngôn ngữ của tâm là gì? Đó
chính là ngôn ngữ vượt ra ngoài ngôn ngữ.
Khi Ngài Lâm Tế hỏi
Ngài Bách Trượng về đại ý của Phật Pháp, liền bị lãnh 3 gậy, đó là câu
trả lời chính xác nhất về Phật Pháp. Mục đích của Phật Pháp là gì? Đó là
sự giải thoát khổ đau cho tất cả chúng sinh. Phật Pháp là con đường
thực tiễn, chứ không phải là một lý thuyết suông, nếu chúng ta học Phật
Pháp như một học giả, thì kiến thức về Phật Pháp đó không đủ để giúp
chúng ta đứng vững giữa vũng bùn đau khổ của cuộc đời. Bởi vậy, những ai
học Phật pháp để thỏa mãn kiến thức rồi tưởng mình đã đạt ngộ, đến khi
cuộc đời giáng cho vài gậy lên đầu liền ngã quỵ.
Ngôn ngữ Thiền
không phải là thứ ngôn ngữ để trao truyền kiến thức, bởi vì ngôn ngữ của
kiến thức không đủ để đoạn trừ khổ đau, không đủ để làm chiếc bè thoát
ly sanh tử.
Các lậu hoặc trong tâm chúng ta như những viên sỏi
cứng nằm lâu trong nước vẫn không tan, phải dùng những phương cách để
nghiền nát chúng ra thành bột chúng mới có thể hòa vào trong nước. Bởi
vậy, mỗi công án là một nhát búa phá tung những chấp trước tầm thường
của thế gian, nghiền nát những lớp vỏ vô minh để hiện lộ chân tánh trong
tâm.
Ngôn ngữ của Thiền là ngôn ngữ để khai ngộ, là những gì mà
vị Thiền sư dùng để có thể chỉ thẳng vào tâm của hành giả, ngôn ngữ
Thiền thật biến ảo không cùng, có khi là những câu thơ đưa người trở về
với thế giới thực tại, có khi là những thái độ lạnh lùng hoặc là những
thoại đầu hóc búa.
Khi Ngài Huệ Khả đến cầu phép an tâm, Ngài Bồ
Đề Đạt Ma nói ”Đưa tâm đây ta an cho!” Tâm là gì mà phải đi tìm, vậy câu
nói này có phải là Bồ Đề Đạt Ma tự mâu thuẫn hay không? Vì Ngài đã từng
nói:
“... Trực chỉ nhân tâm
Kiến tánh thành Phật.”
Tâm
là gì mà “trực chỉ”, lấy cái gì để trực chỉ. Đó chính là Thiền. “An
tâm” hay “Trực chỉ nhân tâm”, chỉ là một bước trong quá trình kiến tánh
thành Phật. Bởi vậy, cứu cánh chính là sự kiến tánh, là thấy được Phật
tánh, chứ không phải là tìm tâm, hay an tâm, hay trực chỉ nhân tâm! Đây
là phương tiện, chúng ta đừng lầm tưởng đây là cứu cánh.
Bản thể
của vạn pháp thật là thâm diệu, bởi vậy ngôn ngữ của thế gian không bao
giờ diễn tả hết nghĩa lý sâu xa, chỉ có tự thân thực chứng, mới có thể
thấy sự vắng lặng nhiệm mầu của pháp. Còn dùng ngôn ngữ để biện giải,
hoặc dùng đầu óc lý luận để phân tích thì không đem lại kết quả gì cho
sự tu chứng, vì càng phân tích, càng lý luận thì càng sai lầm.
Ngôn
ngữ của Thiền vượt ra ngoài ngôn ngữ bình thường của thế gian, vượt ra
ngoài ý niệm của con người, nó không có nguyên tắc chung, tùy theo hoàn
cảnh, tùy theo căn cơ mà Thiền sư dùng từng thứ ngôn ngữ khác nhau, xem
đó như chiếc bè giúp hành giả vượt biển mà thôi.
2. Ngôn ngữ của Thi ca :
Ngôn
ngữ của Thi ca là ngôn ngữ của cuộc sống tinh thần, êm đềm như những
tiếng ru, trầm thống như những mảnh đời khắc khoải, đôi khi lại bàng bạc
mênh mang thể hiện những cuộc viễn mộng kiêu hùng.
Phải dấn thân
vào thi ca mới hiểu được ngôn ngữ của Thi ca là gì. Bởi vì nó muôn hình
vạn trạng, đổi màu tùy theo làn sóng nắng, mà chỉ có những người đồng
cảm mới hiểu nổi.
Ngôn ngữ của Thi ca không phải là ngôn ngữ tả
cảnh bình thường, nó có mặt như “ngôn ngữ hiện sinh” để diễn tả những
thực trạng của tâm hồn. Một bài thơ, hay một câu ca, là những gì còn sót
lại nơi tận cùng sâu thẳm của một con người, là những gì còn đọng lại
trong ký ức hay trong tàng thức, để rồi bộc lộ một cách tự nhiên như dấu
chân người đi trên cát.
Như J. P. Sartre từng viết :
“Những
nhà thơ dừng lại ở chữ, như họa sĩ dừng lại ở màu sắc và nhạc sĩ dừng
lại ở âm thanh; như thế không có nghĩa là dưới mắt họ chữ đã mất hết ý
nghĩa; thật ra chỉ có ý nghĩa mới có thể cho chữ sự thống nhất ngôn ngữ
của chúng; không có ý nghĩa chữ tản mác thành âm thanh hay nét bút. Chỉ
có điều là ý nghĩa, cả nó nữa, cũng trở thành tự nhiên; nó chẳng phải là
cái đích không bao giờ nắm được và bao giờ cũng được cái siêu việt tính
của con người nhắm vào; đó là một đặc tính của từng chữ, cũng tựa như
nét biến của mặt, tựa như cái nghĩa nho nhỏ vui buồn của các âm thanh và
các màu sắc”.
Thật vậy, ngôn ngữ không phải là chỗ dừng lại cuối
cùng của Thi ca, khi bước vào chỗ tận cùng của ngôn ngữ thì nó sẽ
chuyển hướng sang một lãnh vực khác, đó là giao cảm của tâm hồn. Con
người bao giờ cũng hướng đến “siêu việt tính” và đã mượn tất cả những gì
đang có để đi đến đó. Ngôn ngữ trong Thi ca thể hiện một cách chân
thật, không đắn đo do dự khi nói lên những thực cảnh của cuộc đời và
thực trạng của tâm hồn.
J. P. Sartre lại viết :
“Thi ca là một thứ ngôn ngữ được sử dụng như một dụng cụ tìm kiếm chân lý”.
Nhà
thơ hướng đến những gì rất thật của cuộc đời, nhưng mỗi người có một
lăng kính nên Thi ca thật quá nhiều hình dạng. Tùy theo từng góc cạnh
nhìn nhận cuộc đời mà ngôn ngữ Thi ca được phô diễn bằng một màu sắc
khác nhau. Vũ Hoàng Chương nhìn đời trong “Say”, Hàn Mặc Tử nhìn đời
trong “Điên”, họ chỉ nhìn thấy một cảnh của cuộc đời, chỉ thấy cuộc đời
là đau khổ. Đúng, cuộc đời là đau khổ, là thiên lưu, nhưng cuộc đời
không phải là những gì tuyệt vọng, cho nên Thi ca cũng là một lối thoát
của cuộc đời, từ Thi ca có thể mở ra một lối sống lành mạnh hơn để nuôi
dưỡng những mảnh đời điên dại, xoa dịu những vết thương đã chất chứa bao
ngày. Từ đó, Thi ca vút lên ngàn không diệu vợi, mênh mang giữa đất
trời, để mà “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên”.
Thi ca cũng là duyên sinh như muôn vàn pháp khác, nên Thi ca cũng mờ mờ ảo ảo, có có không không như bản thể của đất trời.
Trong
Thi ca, trăng không còn là trăng, nước không còn là nước và hiện hữu
cũng không còn là hiện hữu. Vì trong Thi ca “Lô sơn chân diện mục” đã
được bày tỏ. Và để cho trang trắng nợ đời. Lý Bạch đã ôm trăng mà chết,
nhưng bao giờ mới ôm được trăng đây?
Thi ca có thể là những tiếng
cười của thi sĩ, những tiếng cười trong thống ẩm cuồng ca, tiếng cười
trong ánh trăng khổ nhục của Lý Bạch, và cũng có thể là tiếng cười trong
đêm dài lạnh giá để thể hiện ý chí trầm hùng” Trường khiếu nhất thanh
hàn thái hư” của Không Lộ Thiền Sư. Đứng một mình trên đỉnh cô phong bạt
ngàn sương gió, mỉm cười trong lẽ sống, chết, thịnh, suy.
Thi nhân thật cô đơn, nên Thi ca cũng cô đơn như người sinh ra nó.
“Sầu cô quạnh tung trời lên Bắc đẩu
Dải ngân hà tan tác bụi thu bay”
Những
hùng tâm tráng chí bao giờ cũng cô đơn, muốn đạp tung trời để mở ra một
cái gì thật mới. Vì thấy rằng dải ngân hà đã vàng úa trong bụi thu mờ,
chẳng còn gì để luyến tiếc hay bi quan, ý chí thật siêu phàm trác tuyệt.
Nhưng trong Thi ca nhiều khi còm đượm những buồn man mác bởi vì
Ai đem xáo trộn sầu kim cổ ?
Trăng nước Đà Giang mộng Liêu Trai
Vũ
Hoàng Chương đã lạc vào nẻo say của cuộc đời hư thực, đâu là bến Tầm
Dương, đâu là lầu Hoàng Hạc để cho khách phong trần dừng chân khi mỏi
gối, càng ngây ngất trong ý thơ, càng lạc lối trong mộng liêu trai.
Thi
ca là những nỗi lòng hoài mộ gót phiêu du, trải qua bao năm tháng lang
thang trong giấc mộng hải hồ, một hôm trở về nhìn lại đỉnh Hương Lô, tất
cả tâm sự đều thể hiện qua thơ, trong đó chất chứa những hoài niệm đã
xa tít mù khơi. Hoài niệm không phải là chân lý, không phải là thật có,
nhưng nó đang hiện hữu và được bộc lộc thành thơ, một bức tranh thủy mặc
vẽ bằng mây, nhưng nó vẫn đẹp như sông hồ diễm ảo. Thi ca là vậy đó,
cho nên ai không phải là thi nhân thì đừng bao giờ đụng đến thơ, và đừng
bao giờ nói chuyện với thi nhân, vì trong hai người sẽ có một người
tỉnh và một người điên.
Thơ có thể là đóa hoa mà thi nhân cài lên
áo, nhưng thơ cũng có thể là phế phẩm của thi nhân, nhưng nó là tất cả
những gì của thi nhân. Vì qua thi ca thể hiện những quan điểm nhìn đời,
phong cách sống và những điều suy nghiệm khi nhìn lại bản thân mình.
Thi
ca là những bước chân mềm mại, đã đi vào đời người, "như từng viên đá
cuội, rớt vào lòng biển khơi". Thi ca là những nỗi niềm tâm sự của một
đoạn đời, là những viên đá cuội ngàn năm phủ rêu xanh nhưng vẫn còn khắc
lại tên người...
Thi ca là thiên đường mộng ảo của thuở ban sơ,
chỉ vì một chút trần tâm vọng niệm mà bắt Thi ca phải “Xa vời mây nước,
lá vàng trôi”, Thi ca phải uốn mình theo dòng chảy của cuộc đời. Nhưng
dù sao đi nữa, Thi ca có chìm đắm trong “đọa đày viễn mộng”, hay Thi ca
có bạc màu như “tường rêu lữ thứ” Thi ca vẫn là Thi ca, vẫn là những gì
rất thật của tâm hồn.
3. Sự liên hệ giữa Thi ca và Thiền học.
Thi
ca là những đóa hoa tô điểm cuộc đời, dù vàng úa hay xanh tươi, dù tỏa
hương phô sắc hay ẩn mình trong gai góc, vẫn có một giá trị riêng của nó
mà không một ai có thể phủ nhận. Thi ca muôn màu muôn vẻ, biến ảo như
ráng mây chiều, nhưng khi Thi ca bắt gặp nhịp thở của Thiền thì bỗng
nhiên trở thành cao thượng và phóng khoáng.
Cũng như Thiền học,
Thi ca là những gì đã “lịch nghiệm kỳ cùng cuộc lữ” từ đó mới nhận chân
được sự thật của cuộc đời. Và không ngần ngại khi buông thả tất cả vào
chân không tĩnh lặng.
“Em về đi giữa hằng sa
Giữa vô biên cõi một tòa Như Lai”
Tuệ Nguyên
Đến đây, Thi ca đã bước vào cõi uyên nguyên, sắc trời giờ đây chỉ còn một màu bàng bạc giữa vô biên mà không còn phân biệt.
Thiền
sư và Thi sĩ, không chung hướng nhưng đã bước một đường, cả hai đều gặp
nhau trên nẻo đường sanh tử, cả hai đều đã gặp những đợt sóng gầm thét
hãi hùng, nhưng ai là người ngã quỵ và ai là người đứng dậy? Ai là người
ngồi lại bên biển đời chao đảo để làm thơ, và ai là người dũng mãnh
bước đi trên những ngọn ba đào?
Tất cả các triết gia và các nhà
tư tưởng thường suy tư về thân phận con người và thấy nó thật là ngắn
ngủi. Con người có cái nhìn giới hạn trong sự sống chết, nên họ cố hướng
đến một cái gì vĩnh cửu, nhưng đó chỉ là giấc mộng, ước mơ mà không bao
giờ trở thành hiện thực. Chỉ có một sự hiển nhiên là bản tính vô thường
của vạn pháp. Bởi vậy, thơ Thiền thật là phóng khoáng.
“Y cẩu phù vân biến thái đa
Du du đô phó mộng Nam Kha
Sương dung tẩy hạ hà phương trạm
Phong sắc xuân lai mai dĩ hoa".
Cuộc
đời như đám phù vân luôn luôn thay hình đổi dạng, có nhưng không phải
là thực có, nó không tự sinh ra và cũng không bao giờ hoại diệt, chỉ
biến đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác. Nếu ai ôm mãi đám phù
vân bồng bềnh sinh tử thì sẽ khổ lụy triền miên. Công danh phú quý như
giấc mộng Nam Kha, bao nhiêu mơ ước của một đời người, dãi dầu mưa gió
trong con đường gấm lụa, đâu biết rằng tất cả đều như bèo dạt mây trôi,
một mai chợt tỉnh kiếp mơ màng lại thấy năm tháng mang theo vạn hộc sầu.
Nhưng không phải đi vào tuyệt lộ, bởi vì sương vừa tắm hạ sen đang nụ,
gió kịp vời xuân mai nở hoa. Giấc mộng tàn để bình minh ló dạng, sương
đêm tan để điểm thắm sen hồng. Thơ Thiền đã thoát ra khỏi màn đen u tối,
sưởi ấm ngọn đông phong để hoa mai hé nụ giữa cuộc đời.
Nhìn năm
tháng xoay vần, ý niệm về thời gian đã đè nén lên tâm hồn thi sĩ để
nuối tiếc những mùa hạ êm đềm, những mùa thu kỷ niệm, để ép nốt dòng dư
lệ, nhỏ xuống thành thơ... Trăng đã bao lần tròn rồi lại khuyết, như Vũ
Hoàng Chương vẫn nhớ mãi Trăng của nhà ai, trăng một phương và nhớ mãi
Mười hai tháng sáu. Thật ra, thời gian là gì mà phải nuối tiếc? Quá khứ
làm gì mà phải đau buồn? Tương lai là gì mà vọng tưởng? Hãy sống trong
hiện tại mới đúng là đang sống:
“Đản tri kim nhật nguyệt,
Hà thức cựu xuân thu”
Những
gì đang hiện hữu trong ta và xung quanh ta là sự hiện hữu nhiệm mầu.
Hôm nay cũng có hoa có bướm, có mây trắng bàng bạc, có lá vàng rơi và
vẫn còn nhịp thở. Đâu cần phải tìm lại những cánh bướm ngày xưa, đâu cần
phải nhặt lại chiếc lá vàng mùa thu ấy, vì chúng sẽ làm cho chúng ta
chìm đắm trong dĩ vãng mơ màng. Nên thơ Thiền toát lên từ đời sống an
trú trong thực tại.
Cái nhìn của Thiền sư và Thi sĩ đối với ngoại
cảnh đôi khi cũng tương tự, nhưng họ chỉ gặp nhau một điểm là thơ rồi
lại rẽ hai dòng, trong thi sĩ phong trần còn có những cái nhìn trắc trở.
Trên thế gian này, ai cũng đã từng ngắm trăng, nhưng trăng, trong cái
nhìn của Lý Bạch ẩn chứa những hoài niệm xa vời.
“Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương“.
Đối
với Lý Bạch, trăng hôm nay vẫn sáng nhưng khác hẳn trăng xưa, ánh trăng
ngày xưa là ánh trăng trong hoàng kim diễm lệ, và ánh trăng bây giờ là
ánh trăng lưu lạc trong hồn thi sĩ.
Cũng vậy, Thiền sư bây giờ nhìn trăng không phải là trăng, nhìn nước bây giờ không phải là nước... vì tất cả đã hiển bày.
“Nguyệt vô sự chiếu nhân vô sự
Thủy hữu thu hàm thiên hữu thu”
Trần Nhân Tông
Từ
cõi thơ đến cõi mơ, từ cõi thực đến cõi hư chỉ cách nhau một đoạn đường
phân biệt, và chỉ có Thiền sư mới có thể xóa hết đoạn đường này, để nắm
ánh trăng trong tay mà không hề động niệm. Và hãy nhìn trăng đúng là
trăng, thật là oan uổng khi bắt trăng phải xẻ làm đôi. Những ý tưởng
điên cuồng đã bắt trăng phải lênh đênh. Sự phân biệt đối với ngoại cảnh
sẽ làm cho chúng ta có cái nhìn sai lạc. Một nửa vầng trăng chìm đáy
nước, một nửa vầng trăng ở trên không, Vậy trăng nào mới thật là trăng
đây? Tất cả đều hiện hữu trong trùng trùng duyên khởi, các pháp hiện hữu
trong nhau và hòa nhập vào nhau.
Dù cho thế sự đổi đời, nhưng đối với Thiền sư thì đường trở về đã rõ, nên:
“Ung dung đi giữa đất trời
Đưa tay vỗ đá, đá cười hoát nhiên"
Tuệ Nguyên
Đá
cuội ngàn năm vẫn mỉm cười theo bước chân kiêu kỳ của Thiền sư đạp trên
sóng cồn sinh tử. Tiếng hài vô chung đã không còn khứ lai, chơn vọng,
vì giờ đây tất cả đều nguyên vẹn, mặt nhật không còn bị ý niệm bẻ ra
từng mảnh vụn.
Thiền sư và phong trần khách, ai cũng bước vào cõi
thơ, ai cũng đi qua những năm tháng chênh vênh, và ai cũng đã từng dừng
chân bên quán lạnh đường xa. Chung lối nhưng chẳng chung tình, vì đã có
người mang nặng niềm tâm sự :
“Thềm vắng, đêm mưa, buồn da diết
Nghẹn ngào cô quạnh khóc ai đây”.
Tô Đông Pha
Một
nỗi sầu man mác rơi xuống trong mưa, hòa tan những giọt lệ đau buồn
mong bôi xóa những tâm sự đời người. Nghẹn ngào trong cô quạnh, khóc mà
chẳng biết mình đang khóc ai! Khóc cho mình hay khóc cho người, hay khóc
cho cuộc đời hẩm hiu bạc bẽo?
Chẳng có gì để tiếc nuối hay đau
buồn, dù xuân có đến muộn màng vẫn là xuân, Thiền sư ngồi an nhiên nhìn
xuân đến rồi xuân lại đi, bởi vì :
“Như kim khám khá đông hoàng diện
Thiền bản đồ hoàn khán trụy hồng"
Trần Nhân Tông
Hôm
nay, diện mạo thật của mùa xuân đã hiển bày, nên ngồi trên nệm cỏ nhìn
hoa rụng mà chẳng thấy xuân tàn, nhìn lá vàng rơi mà chẳng thấy mùa thu
đến. Giữa trưa hè nóng bức hay trong đêm đông dài giá lạnh thì Thiền sư
vẫn nhẹ nhàng dạo gót cõi phong trần.
Thiền sư là những nhà thơ
siêu việt, là những lãng tử xuất trần. Bởi vì, Tuệ Trung Thượng Sĩ đã
tiêu dao Vui Thú Giang Hồ, dù cuộc đời nghiêng ngửa cũng chỉ là cơn gió
thoảng qua :
“Tiểu đỉnh trường giang đãng dạng phù
Du dương trạo bát quá thang đầu
Nhất thanh hà xứ tân lai nhạn
Trắc giác thu phong biến thập châu”
Đời
người là một chiếc thuyền nhỏ lênh đênh trong sóng cuộc trường giang.
Nếu ai buông xuôi sẽ bị những cơn sóng gió của thất tình lục dục nhận
chìm trong cảnh đời náo diệt. Đường sanh tử còn dài lắm, tuy đã biết
quay đầu nhìn lại, vẫn thấy rằng bến Giác còn xa, nhưng dù đứng trước
thác ghềnh vẫn du dương trạo bát. Mái chèo vẫn thảnh thơi đến vô tình,
mặc dù đang chèo trong sóng thác mà hành giả đã đến bên bến bờ tự do.
Một
tiếng nhạn trời đâu vẳng đến, bất giác thấy ngọn gió thu lành lạnh thổi
mênh mông. Cảnh vật sao mà hoang sơ quá! Trong thơ như chứa đựng một
cái gì man mác nhưng thật là tự nhiên. “Vui thú giang hồ” cũng là vui
thú do cõi tử sinh, dù đứng trong thác ghềnh sinh tử nhưng thiền sư thật
sự đã đến bờ bên kia. Đây là chất lãng mạn đến cực đỉnh của thơ Thiền.
Trong
thi ca và Thiền học, một cánh hoa rơi là một đề tài lớn cho Thiền sư và
Thi sĩ, bao nỗi niềm tâm sự của Thi sĩ đã gói trọn trong một cánh hoa
rơi để trở thành những vần thơ nghiệt ngã.
Đạm đạm Trường giang thủy,
Du du viễn khách tình,
Lạc hoa tương dữ hận,
Đáo địa nhất vô thanh.
Những
mối tâm tình của người viễn khách ngổn ngang như sóng nước Trường
Giang, một đời trôi nổi trong giấc mộng hải hồ, Vi Thừa Khánh đâu biết
tâm sự cùng ai, để rồi kết thúc như một đoá hoa rụng xuống vô tình. Đó
là những gì còn lại sau một đoạn đường phiêu lãng hay sao. Qua đôi mắt
của Thiền sư, một cánh hoa rơi cũng chứa chất đạo lý nhiệm mầu:
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Đừng
tưởng xuân tàn hoa rụng hết, đêm qua sân trước một cành mai. Mùa xuân
đâu có đến có đi, hoa cũng không có nở và tàn. Từ vọng thức mà sinh ra
vọng niệm, bởi vậy mà chúng ta thấy có xuân đến rồi xuân lại đi, có hoa
nở rồi hoa lại tàn.
Thật ra, mùa xuân chưa từng có và mùa xuân
cũng là muôn thuở, chưa từng có đóa hoa cũng là tất cả. Vì tâm hoa đã nở
nên dù vũ trụ xoay vần cũng không làm ngăn ngại bước tiêu dao.
Vậy
đó, Thiền sư và Thi sĩ đều là những người đi tìm cuộc sống cho chính
bản thân và tâm hồn mình. Họ gặp nhau trên các thắng cảnh kỳ diệu của
Thi ca, nhưng lại vội chia tay vì không cùng hứng thú. Thi sĩ thì chỉ
thích cái mờ mờ ảo ảo của màn sương để che phủ cuộc đời, vì chẳng muốn
thấy những vết rạn nứt của thế giới đang trên đà hủy diệt.
Trong
Thiền sư có chất Thi nhân, nhưng trong Thi sĩ chưa hẳn đã có chất Thiền.
Vì sao? Vì Thiền sư vẫn làm thơ và sống rất là thơ, nhưng trong thơ đã
phơi bày bản lai diện mục của các pháp trần sanh diệt, bởi vậy đối với
Thiền sư thì Vạn sự đô lô nhập nhãn không. Tất cả đều như bỏ vào thùng
không đáy. Nên Ngộ Ấn Thiền Sư trước khi viên tịch có nói bài kệ:
Diệu tánh hư vô bất khả phan
Hư vô tâm ngộ đắc hà nan
Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận
Liên phát lô trung thấm vị cam.
Bản
tánh hư vô của vạn pháp như hư không, không thể nắm bắt được. Chỉ có
thể lấy cái tâm vô niệm mà giác ngộ thì không còn là khó nữa. Vì như
ngọc đốt trên núi vẫn không thay đổi màu sắc, sen nở trong lò vẫn tươi
màu. Đây là một hệ thống triết học Tam vi nhất thể của kinh Pháp Hoa,
đồng thời là triết lý thực mà vị Thiền sư đã kinh qua và chứng nghiệm.
Đối
với Thiền sư, Thi ca là một nhịp cầu nối để đi vào nhân thế, và chính
đời sống Thiền đã là một bài thơ bất hủ. Thiền là những dấu chân siêu
việt in trên bước đường thoát ly sanh tử.
Thích Thái Không - Phật Giáo Việt Nam